Chương Năm + Chương Sáu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương năm

VIẾNG ĐỘNG KARLI

I

       Đó là một đêm trăng sáng, chúng tôi ba người cùng ngồi thưởng thức trăng trên sân cỏ trước nhà cho đến khuya, và đặt kế hoạch đi du ngoạn hang động Karli vào ngày hôm sau.

        Tối hôm đó, bà HPB ngồi nhập định độ năm phút, và sau đó khi xả thiền bà nói với tôi rằng đúng năm giờ chiều mai, sẽ có một vị tăng lữ Bà La Môn đến gặp chúng tôi trong hang.

        Bốn giờ sáng hôm sau, Baburao, người thừa sai của Chân Sư, rón rén bước vào phòng ngủ của tôi và Mulji, sẽ đánh thức tôi dậy, nhét vào tay tôi một cái hộp sơn mài nhỏ, hình tròn, đựng một miếng trầu có têm vôi và gia vị gói ở trong, như người ta thường gói sẵn cho gọn để mời khách, và nói nhỏ vào tai tôi thánh danh của vị Chân Sư bảo trợ chúng tôi trong cuộc  đi chơi nầy. Ý nghĩa món quà nầy là: trong tổ chức Huyền Môn của chúng tôi, đó là dấu hiệu thâu nhận đệ tử mới.

        Chúng tôi trở dậy đi tắm, dùng cà phê sáng xong, đúng năm giờ lên xe bò đi Karli, và đến nơi vào lúc mười giờ. Vào giờ này, mặt trời đã lên cao, chúng tôi phải đi lên dốc một cách vất vả khó nhọc trên con đường mòn từ dưới chân đồi dẫn lên các hang động trên núi. Bà HPB có vẻ mệt đừ và muốn đứt hơi đến nỗi, vài người phu phải đem lại một chiếc ghế bành và khiêng kiệu cho bà trên nửa đoạn đường dốc cuối cùng.

        Tôi không cần phải miêu tả ở đây ngôi đền vĩ đại khoét trong hang núi và những xà lim nhỏ vuông vức đục trong vách đá dùng làm chỗ ngủ của các tu sĩ khổ hạnh thời xưa, nó gây cho du khách một cãm giác bàng hoàng ghê rợn về tính cách hùng vĩ của công trình mỹ thuật độc đáo vô song nầy. Mỗi cuốn lịch chỉ nam đều có diễn tả hang động Karli với đầy đủ chi tiết.

        Mệt mỏi sau cuộc leo núi dưới ánh nắng mặt trời nóng bức, chúng tôi bước vào trong hang lớn, trải nệm và cắm trại luôn trên nền đá. Kế đó chúng tôi ăn trưa và đàm đạo với nhau về vấn đề thịnh vượng và suy vong của nền Minh Triết cổ truyền (Brahma Vidya) của Ấn Độ, và những triển vọng phục sinh của nó trong tương lai.

        Cuộc đàm thoại về những vấn đề cao siêu đó làm tiêu hao thời gian cho đến khi tôi nhìn đồng hồ thì thấy chỉ còn có sáu phút nữa là đúng năm  ở ngoài cửa hang để ngồi đợi.

        Không có một tăng lữ khổ hạnh nào xuất hiện, nhưng sau độ mười phút, thì thấy có một người tu sĩ đẩy tới trước một con bò cái có tật với một cái chân thứ năm ngắn ngủi mọc ra từ cái gù trên lưng. Có một người nô bộc đi theo y. Người tu sĩ có một gương mặt dịu dàng, khôi ngô, dễ mến. Y có một đầu tóc đen dợn sóng và xõa xuống tận vai, một bộ râu rậm chẻ hai ở dưới cằm theo kiểu dân Rajput, đuôi rau vắt lên hai bên mép tai và xoắn lại với tóc trên đầu. Y mặc bộ áo vàng của người tu sĩ xuất gia, trên cái vầng trán rộng biểu lộ sự thông minh, có bôi tro xám biểu hiệu chi phái thờ Thần Shiva.

        Chúng tôi để ý dò xét xem y có nhận ra chúng tôi không, nhưng thấy là không, sau cùng chúng tôi mới lên tiếng để bắt chuyện với y. Y nói rằng ngày hôm qua trong khi y đang tiến hành đi hành hương ở Hardwar, sư phụ y truyền lệnh cho y hãy đến đây ngày hôm nay lúc năm giờ chiều vì có những người mà y cần gặp gỡ.

        Ngoài ra, y không có nhận thêm chỉ thị nào khác nữa. Nếu chúng tôi trông đợi y, thì chúng tôi hẳn là những người mà sư phụ y muốn ám chỉ, nhưng y không có đem một thông điệp nào cho chúng tôi, hoặc ít nhất thì cũng là chưa có.

        Sư phụ y không có đích thân nói chuyện với y, mà y nghe được lịnh truyền qua một giọng âm thanh, dường như nói vào lỗ tai. Điều nầy, chúng tôi biết được, sau khi đã chất vấn y bằng nhiều câu hỏi quanh co, và sau một cơn im lặng, trong khi đó y dường như lắng nghe giọng nói của một người khuất mặt. Đó là cái phương pháp mà y luôn luôn tiếp nhận chỉ thị trong khi đi đường. Thấy rằng không còn khai thác được y thêm điều gì nữa, chúng tôi tạm biệt y và trở lại với bà HPB.

        Chúng tôi quyết định ngủ đêm trên núi, và sau khi thông báo quyết định ấy cho Baburao, y và Mulji đi tìm một nơi cư trú thích hợp, và khi họ trở lại, chúng tôi di chuyển đồ hành trang đến một hang nhỏ dùng làm phòng ngủ đục trong vách đá, ở một quãng cách ngôi đền khoét trong hang núi không xa.

        Những điêu khắc gia thời cổ đã thực hiện công trình tạc một cổng vào hang động nầy với hai cây cột đá chạm trổ tinh vi, và bên trong động là mười căn phòng nhỏ, với những hành lang đưa đến một phòng vuông vức rộng lớn dùng làm nơi trung ương đại sảnh hay hội trường. Ở bên trái cổng vào là một bồn chứa nước đục trong đá, để tiếp nhận một thứ nước suối rất trong và mát lạnh.

        Bà HPB cho chúng tôi biết rằng từ một căn phòng nhỏ trong hang, có một cửa bí mật giao thông với những hang động khác ở trung tâm quả núi, tại đây có một tập đoàn các bậc Siêu Nhân đang ẩn trú, mà người thế gian không hề biết được mảy may tung tích.

        Bà nói rằng nếu tôi có thể tìm thấy một bộ phận nào đó trên vách đá và biết đẩy nó theo một phương pháp nhất định, thì không có gì ngăn trở tôi lọt vào bên trong cửa động bí mật. Đó là một sự tiết lộ rất hấp dẫn trong hoàn cảnh hiện tại! Tôi đã thăm dò, tìm kiếm rất lâu và trong một hang nhỏ khác cách đó không xa, tôi đã thử đặt tay tôi vào một chỗ nọ và sắp sửa đẩy mạnh vào một chút, thì bà HPB bắt đầu gọi giật tôi lại một cách hối hả. Trong bức thơ của Chân Sư mà tôi nhận được ở Bhurtpore sau đó, Ngài cho tôi biết rằng lúc ấy tôi đã thật sự đặt tay vào đúng chỗ và đã có thể đột nhập quá sớm vào nơi ẩn trú của Ngài nếu tôi không bị gọi giật trở lại.

        Mulji và Babula đã cùng với Baburao đi xuống chợ trong làng để mua vật thực, còn HPB và tôi ở lại. Chúng tôi ngồi trước cổng hút thuốc và nói chuyện, một lát sau bà bảo tôi hãy ngồi yên một chỗ trong vài phút và đừng nhìn chung quanh cho đến khi bà lên tiếng. Kế đó, bà đi vào động, còn tôi vừa hút thuốc vừa ngắm xem cảnh vật rừng núi mênh mông ở dưới chân đồi.

        Thình lình, từ phía trong hang vọng ra một tiếng động lớn giống như tiếng đóng sầm lại của một cánh cửa rất nặng, và một chuỗi cười dài ngạo nghễ nghe vang tai. Tự nhiên tôi day đầu lại, nhưng bà HPB đã biến mất. Bà không có mặt ở trong xà lim nào, mà tôi đã xem xét tỉ mỉ từng chi tiết. Tôi cũng quan sát cẩn thận những mặt đá trên tường, nhưng không thấy một chỗ rạn nứt nào hay một dấu hiệu gì tỏ rằng có một cánh cửa bí mật.

        Tôi đã từng trải qua nhiều kinh nghiệm huyền linh trong một thời gian lâu dài với bà HPB, nên tôi không thắc mắc nhiều về điều bí hiểm nầy, và trở lại ngồi chỗ cũ châm lửa hút thuốc, thản nhiên chờ đợi mọi diễn biến có thể xảy ra.

        Nửa giờ đã trôi qua kể từ lúc bà biến mất dạng, bỗng nghe có tiếng chân người ngay sau lưng tôi và giọng nói của bà HPB nói chuyện với tôi, một giọng nói rất tự nhiên dường như không có gì đã xảy ra một cách khác thường. Tôi mới hỏi rằng nãy giờ bà đi đâu, thì bà đáp rằng vì bà có việc đạo sự cần bàn tính với Chân Sư X.,nên bà đã đến viếng Ngài tại nơi trú ẩn bí mật của Ngài.

        Có điều lạ là bà cầm nơi tay một ngọn đao đã rỉ sét, kiểu cổ xưa coi rất kỳ dị, mà bà nói bà đã lượm được trong một hành lang ẩn dấu, và bà đã đem theo tới đây. Bà không chịu để cho tôi giữ cây đao ấy, mà dùng toàn lực quăng nó ra xa với hết sức mình, và tôi nhìn thấy nó rơi xuống một bụi rậm ở tận dưới chân đồi.

        Tôi không giải thích những sự việc đã xảy ra, để cho độc giả  tự tìm hiểu tùy khả năng của mỗi người. Tuy nhiên, để rào đón trước những cảm nghĩ của những người có ít nhiều thành kiến, tôi có thể nói rằng, ngoài chuyện cây đao rỉ sét, tất cả đều có thể giải thích bắng giả thuyết thôi miên.

        Tiếng động của cánh cửa đá đóng sầm lại và giọng cười vang dội kéo dài, sự tàng hình và thình lình xuất hiện trở lại của bà HPB, tất cả đều có thể giải thích như những ảo giác do bà HPB dùng thuật thôi miên tác động trên giác quan của tôi. Bà có thể đã đi qua cái cổng hang ở ngay bên cạnh tôi, để đi đến một nơi nào đó, và trở lại ngay trước mắt tôi mà tôi không nhìn thấy bà. Đó là một cách giải thích, tuy rất bấp bênh mơ hồ, của người môn đệ sơ cơ như tôi đối với một người đã lão luyện tinh thông về khoa Phương Thuật.

II

          Các người bạn Ấn Độ đi mua sắm vật thực đã trở về; chúng tôi được dọn cho ăn một bữa cơm tối nóng sốt trong hang, và sau đó ra ngắm cảnh đồi núi dưới ánh trăng. Đêm hôm đó chúng tôi trải nệm trên sàn đá và ngủ một cách ngon lành cho đến sáng. Baburao ngồi trước cổng hang và đốt lửa trại suốt đêm để ngăn ngừa sự đột nhập của loài thú dữ.

        Trong quyển “Động thẳm rừng già của Ấn Độ”, có đoạn bà diễn tả tôi bị rơi xuống vực thẳm và được người tu sĩ Ấn Độ có con bò năm chân cứu thoát, nhưng đó chỉ là chuyện giả tưởng. Cũng y như thế, những “tiếng gầm thét của chúa sơn lâm từ xa vọng lại dưới chân đồi; một con cọp lớn rình chụp chúng tôi lúc nửa đêm, và bị đẩy xuống vực sâu do một quyền năng bí mật che chở chúng tôi,v.v…” đều là do óc tưởng tượng của bà để làm cho câu chuyện phiêu lưu du ký nầy thêm phần ly kỳ hấp dẫn đối với độc giả bên Nga.

        Sáng ngày hôm sau, Mulji và tôi thức dậy trước bà HPB, và sau khi chúng tôi đi tắm dưới suối, y đi xuống làng mua sắm đồ ăn trong ngày, còn tôi đứng trên đồi ngắm xem cảnh vật chung quanh dưới ánh nắng mặt trời ban mai. Sau một lúc, tôi lấy làm vui thích mà thấy người tu sĩ có con bò năm chân bước đến gần tôi và hiển nhiên là có ý muốn nói chuyện với tôi. Tôi còn do dự không biết phải làm sao, vì bà HPB và tôi không ai biết nói tiếng thổ ngữ địa phương. Nhưng sự băn khoăn của tôi về vấn đề nầy đã được giải tỏa ngay, vì y liền đến gần bên cạnh tôi, nắm lấy bàn tay tôi, bày tỏ lòng thiện cảm đối với Hội Thông Thiên Học, và nói nhỏ vào tai tôi thánh danh của Chân Sư! Kế đó, y chào từ giã tôi một cách rất lịch sự, và lui bước. Chúng tôi không còn gặp y lần nào nữa.

        Suốt ngày hôm đó, chúng tôi đi thám hiểm các hang động, và đến bốn giờ ba mươi chiều, trở về nhà lữ quán Khandalla. Đang khi chúng tôi còn ở trong hang lớn, bà HPB chuyển đạt cho tôi một huấn lệnh của Chân Sư, mà bà nói là bà nhận được bằng thần giao cách cảm, Ngài dạy chúng tôi phải đi Rajputana, trong tỉnh Punjab.

        Sau buổi ăn tối, chúng tôi ra ngồi ngoài sân cỏ ngắm trăng. Hai bạn tôi vừa đi rảo bước vừa nói chuyện với nhau và đi vòng ra phía sau nhà quán trọ, nhưng bỗng thấy Mulji hối hả trở lại, và trong cơn xúc động bàng hoàng, y nói rằng bà HPB đã biến mất dạng ngay trước mắt y trong khi y đang đứng nói chuyện với bà dưới ánh trăng.

        Y vừa nói vừa run cầm cập, dường như sắp sửa muốn phát chứng động kinh. Tôi bảo y ngồi xuống, hãy giữ bình tĩnh, và đừng có làm thằng điên, vì đó chỉ là một trò thôi miên làm che lấp thị giác của y, cái trò ấy vốn tuyệt đối vô hại, như bất cứ một nhà thôi miên nào cũng có thể làm cho nó tác động trên một đối tượng nhậy cảm.

        Độ một lát, bà xuất hiện trở lại, ngồi lại chỗ cũ, và chúng tôi lại tiếp tục nói chuyện. Bỗng thấy có hai người Ấn Độ mặc sắc phục trắng đi qua sân cỏ cách chúng tôi độ năm mươi thước. Khi đến một chỗ đối diện với chúng tôi, họ ngừng lại và bà HPB bảo Mulji hãy đến nói chuyện với họ.

        Trong khi Mulji đang tiếp đón họ, bà HPB lặp lại cho tôi nghe những gì họ nói với nhau, và Mulji cũng đã tường thuật lại đúng y như vậy khi y trở lại một lúc sau đó. Đó là một thông điệp nhắn cho tôi biết rằng bức thơ của tôi gởi cho Chân Sư đã tới tay Ngài và được Ngài chấp thuận, và tôi sẽ được thơ trả lời khi tôi tới Rajputana.

        Trước khi Mulji nói dứt lời, tôi thấy hai người sứ giả ấy quay gót ra đi độ một quãng ngắn, đến sau một bụi rậm nhỏ không đủ che khuất một người mặc áo rộng trắng, nhất là dưới ánh trăng sáng tỏ như ban ngày, rồi biến mất dạng. Chung quanh bụi rậm là đồng cỏ trống trơn, nhưng cả hai người đều biến mất không còn dấu vết.

        Lẽ tự nhiên, phản ứng đầu tiên của tôi là chạy ngang qua sân cỏ và tìm kiếm đằng sau bụi rậm xem có dấu hiệu gì chỉ rằng có một đường hầm trú ẩn nào chăng, nhưng tuyệt nhiên không thấy có gì khả nghi: mặt đất vẫn trơn láng, bằng phẳng, không có hang lỗ, hầm hố hay vết tích đào xới nào. Tôi chỉ bị thôi miên mà thôi!

        Sáng hôm sau, chúng tôi lên xe lửa trở về Bombay, nhưng cuộc phiêu lưu của chúng tôi vẫn chưa chấm dứt. Baburao chào từ giã chúng tôi ở ga Khandalla sau khi đã từ chối không nhận tiền “trà nước” của tôi tặng, đó là một cử chỉ hy sinh hiếm có trong giới người thuộc giai cấp lao công Ấn Độ. Ba chúng tôi lên toa xe hạng nhì, còn Babula tìm được chỗ trong toa hạng ba. Sau một lát,Mulji ngả mình nằm trên băng “cút xét” và ngủ luôn, còn bà HPB và tôi ngồi nói chuyện. Bà nói:

        -Ước gì Chân Sư đừng bảo tôi nhắn miệng cho ông bức thông điệp về việc đi Rajputana!

        -Tại sao?

        -Bởi vì Wimbridge và cô Bates sẽ nghĩ đó là chuyện bịa đặt, để làm cho ông đưa tôi đi chơi một chuyến ngao du thích thú và để cho họ nằm không ở nhà một mình.

        -Ồ! Không sao. Tôi chỉ tin nơi lời nói của bà là đủ.

        -Nhưng, họ sẽ nghĩ xấu về tôi vì chuyện đó.

        Tôi nói:

        -Nếu vậy, thì tốt hơn Ngài nên viết cho bà ít chữ, điều nầy Ngài có thể làm một cách dễ dàng. Nhưng bây giờ dù có hối tiếc thì đã quá trễ.Chúng ta đã đi qua khỏi Khandalla độ mười lăm hay hai mươi dặm. Thôi hãy bỏ qua việc ấy.

        Bà ngẫm nghĩ trong vài phút rồi nói:

        -Dù sao, để tôi thử xem: vẫn chưa phải là quá trễ.

        Kế đó bà viết vài chữ trên một trang giấy trong cuốn sổ tay bỏ túi của bà bằng hai thứ chữ, nửa trang trên viết bằng chữ cổ tự Senzar, là thứ ngôn ngữ đặc biệt của bà dùng để giao dịch thư từ với các Chân Sư, còn nửa trang dưới viết bằng tiếng Anh, mà bà để cho tôi đọc. Bức thông điệp ấy viết như sau:

        “Yêu cầu Sư Phụ Gulab Singh điện tín cho Olcott những huấn lệnh do đạo nữ truyền cho ông ấy ở động đá ngày hôm qua. Đó sẽ là một thử thách cho những người khác cũng như cho chính ông”.

        Bà tách rời trang giấy, xếp lại thành hình tam giác, dùng ngón tay vẽ nguệch ngoạc trên đó vài dấu hiệu dị kỳ(mà bà nói là có tác dụng kiểm chế các loại Tinh Linh), bà cầm nó trên đầu các ngón tay của bàn tay trái, dường như sắp sửa ném ra ngoài cửa sổ. Tuy nhiên, tôi giữ tay bà lại và nói:

        -Bà muốn đây là một thử thách cho tôi chăng? Vậy bà hãy để tôi mở ra xem lại.

        Bà bằng lòng, tôi nhìn lại bên trong tờ giấy, trả nó lại cho bà, và theo lời bà dặn, theo dõi tờ giấy khi bà quăng nó ra ngoài toa xe lửa. Tờ giấy bị gió cuốn hút đi, xoay vòng theo chiều gió và bay đến một cái cây trơ trọi gần bên đường sắt. Lúc ấy chúng tôi đang ở trên đỉnh của dãy núi Ghats, độ một ngàn thước chiều cao, chung quanh không có nhà cửa xóm làng chi cả, mà chỉ có vài cây trơ trọi lẻ tẻ bên cạnh đường xe lửa.

        Trước khi tôi để cho bà quăng tờ giấy ra ngoài cửa sổ, tôi đã đánh thức Mulji, nói cho y biết sự việc ấy, cùng với y xem giờ trên đồng hồ, và y cùng tôi đồng ký tên trên một bổn chứng thư trong quyển sổ tay của tôi, mà hiện giờ tôi đang có ngay trước mặt, và nhờ đó tôi đã nhớ lại từng chi tiết của sự việc đã xảy ra. Bản chứng thư ấy có ghi những chi tiết về địa điểm và ngày tháng như sau:

        “Ga Kurjit, ngày 8 tháng 4, năm 1879, lúc 12 giờ 24 phút” và có nhân chứng Mulji Thackersey ký tên.

        Đến ga Kurjit, Mulji và tôi muốn xuống ga đi bách bộ một lát để cho giãn gân cốt, nhưng bà HPB bảo chúng tôi đừng rời khỏi toa xe cho đến khi xe đến Bombay: bà đã được lệnh và chúng tôi sẽ hiểu sự việc ấy vào đúng lúc. Thế là chúng tôi cũng ở lại trên toa xe với bà.

        Đoàn xe lửa đến nơi đúng giờ quy định, tôi liền đi ra phố có việc, và vắng mặt độ một giờ. Khi về đến nhà, cô Bates đón tôi trước cửa và đưa cho tôi một bức điện tín đựng trong phong bì có đóng khằng do nhân viên Sở Bưu Điện đưa đến, và cô đã ký nhận thay tôi. Bức điện tín ấy đọc như sau:

        “Thời điểm: 2 giờ chiều. Ngày 8-4-1879

        Từ ga Kurjit đến ga Byculla.

        Gulab Singh gửi Đại Tá H.S. Olcott

        Đã nhận được thơ. Sẽ trả lời tại Rajputana. Hãy lên đường ngay lập tức.”

        Như đã nói ở trên, tôi coi sự việc nấy như một trong những chân thật nhất và không thể lầm lẫn mà tôi đã từng có về những mối tương quan huyền diệu của bà HPB với các đấng Chân Sư cao cả.

        Khi đến Bhurtpore trong chuyến đi Rajputana sau đó, một đêm nọ bà HPB và tôi đang ngồi ở ngoài hành lang của quán trọ, thì thấy một người Ấn cao niên mặc áo rộng trắng bước đến gần, chào theo phong tục bổn xứ, rồi đưa cho tôi một phong thư và lẳng lặng bước đi ngay. Tôi mở thơ ra xem, thì ra đó là thơ trả lời bức thông điệp của tôi gửi cho Sư Phụ Gulab Singh tại Khandalla, mà Ngài đã báo trước cho tôi biết trong bức điện tín gởi từ Kurjit, rắng tôi sẽ nhận được khi tôi đến Rajputana.

        Đó là một bức thơ chứa đựng những lời khuyên ưu ái đầy thiện cảm, và quan trọng nhất đối với tôi, vì trong đó Ngài dạy tôi rằng con đường tốt nhất và đảm bảo nhất để tìm Chân Sư là con đường hoạt động trung kiên vì mục đích phụng sự nhân loại xuyên qua Hội Thông Thiên Học. Con đường đó, tôi vẫn theo đuổi tận tụy đến cùng, và bức thơ của Ngài là một ân huệ và là nguồn an ủi thường xuyên đối với tôi trong những cơn khó khăn, gian lao nghịch cảnh.

Chương Sáu

MỘT CHUYẾN ĐI LÊN MIỀN BẮC

       Trong chuyến đi lên miền Bắc, chúng tôi có dịp đến bờ sông Jumna để viếng thăm một nhà tu khổ hạnh tên Babu Surdass, một đệ tử của Đạo Sư Nanak. Người ấy đã thể hiện đến một trình độ tuyệt luân những khả năng làm chủ thể xác với một ý chí kiên cường không hề lay chuyển.

        Kể từ năm 1827, tức là trong năm mươi hai năm trường, y đã ngồi yên một chỗ trong tư thế tọa thiền trên một cái bệ đá ở gần pháo đài, trên đầu không một mái che, bất chấp mọi sự thay đổi thời tiết, nóng, lạnh, mưa gió, và giông tố, bão bùng. Y vẫn ngồi nhập định như thế trải qua suốt thời kỳ nội chiến, do quân bổn xứ nổi loạn chống giai cấp thống trị người Anh, không màng chú ý đến những tiếng nổ kinh hồn của những khẩu thần công đại bác, hay những trận giao phong đẫm máu diễn ra khắp nơi ở các vùng chung quanh: những tiếng động ồn ào náo loạn của chiến tranh vẫn không thể xâm nhập vào cõi giới thiền định thâm sâu mà trong đó y đã chôn vùi suốt cả cuộc đời.

        Ngày chúng tôi đến viếng là một ngày nóng như thiêu đốt, ngôi mặt trời cháy rực như lửa than hồng, người tu sĩ vẫn để đầu trần nhưng dường như không cảm thấy gì là khó chịu. Y vẫn ngồi yên bất động suốt ngày và suốt đêm ở một chỗ ấy, trừ ra vào lúc nửa đêm, khi ấy y mới đứng dậy và đi đến chỗ gặp nhau giữa hai con sông Hằng và sông Jumna để tắm rửa và cầu nguyện. Những nỗi gian lao khổ nhọc của phép tu khổ hạnh ấy đã làm cho y trở nên mù cả hai mắt, và phải có người dắt y đi đến bờ sông, tuy nhiên gương mặt y toát ra một niềm an lạc tuyệt vời, với một nụ cười dịu dàng và chân thật.

        Do Mulji làm thông ngôn, chúng tôi nói chuyện với nhà tu sĩ già. Người cho chúng tôi biết rằng người đã có một trăm tuổi, điều nầy có thật hay không cũng không quan hệ gì, nhưng còn thời gian mà người đã trải qua trên bực đá, vốn là một vấn đề lịch sử. Trường hợp của người tu sĩ nầy quả thật là ly kỳ độc đáo, xét theo tiêu chuẩn đời sống của xã hôi phương Tây: làm sao y có thể ngồi yên bất động, trong sự tham thiền quán tưởng trải qua một nửa thế kỷ giữa những dục vọng, đam mê và náo loạn của loài người luôn luôn xuẩn động ồ ạt ở xung quanh, nhưng hoàn toàn bất lực không có ảnh hưởng gì đến y, dù tốt hay xấu, cũng ví như những đợt sóng cồn gầm thét lăn xả vào một ghềnh đá trên bờ biển nhưng tuyệt nhiên không thể làm rung chuyển cái nền tảng vững chắc của nó.

        Câu chuyện của y cũng có hàm xúc vài nét thi vị, chẳng hạn như khi y nói rằng bậc hiền giả nhận định và nắm vững những điểm Chân Lý cũng giống như con sò hấp thụ một giọt nước mưa để chuyển hóa nó thành một hạt trân châu. Y vẫn điềm nhiên khi tôi nói cho y biết sự thật về vấn đề cấu tạo nên hạt trân châu, nhưng y nói rằng khoa học nói sai, và vẫn giữ lập trường của mình. Trích dẫn lời dạy quen thuộc trong các Thánh Kinh Ấn Độ, y nhắc nhở chúng tôi rằng chỉ khi nào tâm hồn yên tịnh, thần trí vắng lặng hư không, người ta mới có thể nhận thấy Chân Lý, cũng ví như hình ảnh của Mặt Trời chỉ có thể thấy được trên mặt nước phẳng lặng êm đềm.

        Còn nói về những tai biến, hoạn nạn nghịch cảnh trong đời người, thì kinh nghiệm về những điều đó làm thức động cái phần tinh anh tế nhị của linh hồn, cũng ví như chất dầu thơm chỉ có được bằng cách nghiền nát và chế biến những cánh hoa tươi.

        Khi được hỏi rằng y có thể biểu diễn phép thuật thần thông chăng cho chúng tôi xem, thì y day cặp mắt trống rỗng không còn thị giác của y  lại người hỏi, và đáp rằng người hiền giả không bao giờ tách rời tâm trí của mình ra ngoài đường Đạo và để cho bị lôi cuốn bởi những trò chơi đó của những kẻ ngu dốt.

        Khi ở trong tâm trạng thích nghi, y có khả năng nhìn thấu suốt dĩ vãng và tương lai, nhưng y từ chối không chịu cho chúng tôi thấy bằng chứng cụ thể về năng khiếu thần nhãn của y.Kể từ khi đó về sau, mỗi khi có dịp trở lại Allahabad, tôi đều đến thăm viếng nhà tu khổ hạnh nầy, nhưng trong lần vừa qua, tôi nghe nói rằng y đã từ trần. Thật là một điều lý thú nhất nếu người ta được biết cuộc đời trường kỳ khổ hạnh của y đã ảnh hưởng tới mức độ nào đến tình trạng tâm thức của y bên kia cửa Tử.

        Từ đó, chúng tôi tiếp tục chuyến đi đến Kanpur, tại đây chúng tôi gặp người bạn mới là hai anh em ông Ross Scott và Walter Scott, người anh là một kỹ sư làm việc trong chính phủ. Sáng ngày hôm sau, chúng tôi đến viếng một tu sĩ khổ hạnh khác, người nầy đã từng sống trên bờ sông Hằng độ chừng một năm. Y có một gương mặt với những nét thanh tú, biểu lộ một đời sống tinh thần dồi dào, một thân mình gầy ốm, và một phong độ hoàn toàn thản nhiên đối với những sự vật trần gian. Người nầy cũng từ chối không biểu diễn cho chúng tôi xem những hiện tượng thần thông, với một vẻ mặt dường như khinh bỉ. Thật hiển nhiên là những tu sĩ Ấn Độ nầy có một lập trường khác hẳn với quan niệm của người Tây Phương, và khinh thường những phép thuật nhiệm mầu nhất của những đồng tử giỏi nhất của chúng ta. Dù sao, đó là cảm nghĩ của tôi.

        Tuy nhiên, y nói cho chúng tôi nghe chuyện một nhà tu khổ hạnh khác tên là Jungli Shah, ông nầy đã nhiều lần làm phép lạ theo kiểu “Bánh mì và cá” nói trong Kinh Thánh, bằng cách làm gia tăng số lượng thực phẩm của một người đến mức có thể làm cho hàng trăm người ăn được một bữa no nê.

        Kể từ khi dó, tôi đã nhiều lần nghe nói có những tu sĩ Ấn Độ khác cũng đã làm những phép lạ tương tự. Những nhà phương sĩ lão luyện đều nói rằng thật là một điều tương đối dễ dàng mà làm tăng số lượng một vật giản dị đơn thuần, chẳng hạn như hột gạo, một trái cây, một ly nước lạnh v.v… điều kiện cần thiết là phải có một trung tâm hạt nhân để cho hành giả có thể quy tựu chung quanh nó chất liệu của không gian.

        Nhưng tôi muốn biết phải chăng sự gia tăng số lượng thực phẩm đó chỉ là những ảo giác, và nếu không phải như vậy, thì những ngưới ăn những thực phẩm mầu nhiệm ấy có được bổ dưỡng hay không?

        Tôi còn nhớ giáo sư Berheim đã cho tôi thấy rằng bằng phương pháp thôi miên, ông có thể làm cho một đối tượng trong một lúc cảm thấy bụng no tràn đầy thức ăn, và một lúc sau đó y cảm thấy bao tử trống rỗng và đói kinh khủng. Người tu sĩ trẻ nói trên cũng cho biết rằng nhà đạo sĩ Lukhi Bawa và một tu sĩ khổ hạnh khác có quyền năng làm cho nước biến thành sữa.

        Lúc ba giờ chiều hôm ấy, chúng tôi cưỡi voi đi viếng Jajmow, một thành phố cổ hoang tàn ở cách Kanpur bốn dặm, tương truyền rằng đó là kinh đô của chủng tộc Thái Âm(Lunar Race) hồi thời kỳ năm ngàn năm trăm trước Công Nguyên. Mục đích chuyến đi nầy là viếng thăm nhà Đạo Sĩ Lukhi Bawa đã nói ở trên. Chúng tôi nhận thấy nhà Đạo Sĩ nầy có một tác phong khả kính, y là một triết gia và một nhà chiêm tinh lỗi lạc. Một lần nữa, chúng tôi cũng lại bị từ chối sự biểu diễn phép thuật thần thông, khi chúng tôi bày tỏ ý muốn được xem y thi thố quyền năng nhiệm mầu. Đại khái, đó là khía cạnh nghiêm chỉnh của chuyến đi nầy, nhưng ngoài ra nó cũng có một khía cạnh trào lộng rất buồn cười của nó.

        Con voi của chúng tôi cưỡi có cái tên rất thi vị là Chenchal Peri, có nghĩa là “Tiên Nữ Linh Động”. Trên lưng nó không có bành để ngồi dựa lưng cho thoải mái, mà chỉ có đặt một tấm nệm lớn và dầy, buộc chặt vào mình voi bằng những sợi dây cói khổng lồ. Khi voi cất bước di chuyển, người cưỡi phải khéo léo giữ thăng bằng mới ngồi được yên, và tôi để cho những bạn bè quen thuộc với bà HPB hãy thử tưởng tượng việc gì xảy ra khi bà với bốn bạn đạo sơ cơ khác về môn cưỡi voi cùng chia sẻ với nhau khoảnh trống có giới hạn trên tấm nệm.

        Vì phép lịch sự, chúng tôi đỡ bà trèo cái thang ngắn lên ngồi trước, đương nhiên nghĩ rằng bà sẽ dành chỗ cho chúng tôi lên sau, nhưng bà lại không nghĩ như vậy:bà nghiễm nhiên chiếm trọn khoảnh giữa của tấm nệm, và không chịu nhích một phân để cho chúng tôi có cơ hội trèo lên.

        Bà còn phát ngôn mạnh mẽ và cứng cỏi khi chúng tôi nhắc nhở cho bà nhớ rằng bà không có độc quyền chiếm hữu trọn hết tấm nệm cho một mình bà!

        Thế rồi, khi “Nàng Tiên Linh Động” bắt đầu đập hai cánh quạt trên lỗ tai và biểu lộ những cử chỉ sốt ruột khác nữa, vì sự dằng co của chúng tôi, bọn chúng tôi bốn người, là: W.Scott, Mulji, Babula và tôi, đều lần lượt trèo lên và bám lấy bốn góc của tấm nệm, tùy sự xoay sở tháo vát của mỗi người.

        Bạn Walter Scott ngồi phía sau, và bỏ một chân thòng xuống, nhưng con voi đầy hảo ý, ngoắt cái đuôi nó lên đỡ lấy bàn chân y và giúp y ngồi lại ngay ngắn cho được an toàn.

        Thế là chúng tôi khởi hành, bà HPB miệng phì phèo thuốc lá, vẻ mặt hân hoan cơ hồ như bà đã từng quen thuộc với bộ môn cưỡi voi từ thuở nhỏ. Nhưng chỉ độ vài trăm thước đầu tiên cũng đủ lấy mất đi cái bộ vó tự phụ của bà. Bà ngả nghiêng bên nọ bên kia một cách nặng nề chậm chạp, làm cho bao nhiêu mỡ trong người bà đều quấy động và hơi thở của bà bơm hết ra ngoài, cho đến khi bà nổi trận lôi đình và nguyền rủa bọn cười đùa chúng tôi, cùng với con voi và cả thằng nài, đều chết sa đọa xuống Âm Ty!

        Bạn Ross Scott, em ruột của Walter, vì đau chân không thể cưỡi voi với chúng tôi, nên y ngồi trên một chiếc xe nhỏ kiểu bản xứ, coi rất lạ mắt gọi là ekka, coi như một cái thùng mà chỗ ngồi là một mảnh gỗ ván lớn hơn bàn tay, do một con ngựa kéo. Suốt chuyến đi dài bốn dặm đường trường, mà bà HPB quả quyết là hai mươi dặm, chúng tôi đi trong sự vất vả khổ nhọc, còn bà trong cơn ầm ĩ thịnh nộ. Nhưng đến bận về, không một sự thuyết phục nào có thể làm cho bà HPB tiếp tục ngồi lại chỗ cũ trên lưng voi; bà bảo bạn Scott ngồi thu hình nép vào một bên trên chỗ ngồi của chiếc ekka và bà cùng ngồi chung một xe để trở về nhà.

II

          Do nhiều bạn Đạo kể chuyện, và sau khi đã trao đổi quan niệm bằng cách giao dịch thơ từ với nhóm Arya Samaj, một chi phái Ấn Giáo tiến bộ, tôi được biết Đạo Sư (Swami) Dyànand Saraswati như một nhà bác học Phạn Ngữ(Pandit) và một nhà cải cách tôn giáo, đang lãnh đạo một phong trào tâm linh rất mạnh mẽ mệnh danh là tổ chức Arya Samaj, nhằm mục đích phục hưng tôn giáo Phệ Đà thuần túy cổ xưa của Ấn Độ.

        Khi chúng tôi đến Agra, chúng tôi được người đại diện địa phương của Đạo Sư Dyànand Saraswati đến viếng thăm và nói cho chúng tôi biết quan niệm của y về vị lãnh đạo tôn giáo nầy. Sự giải thích của y rất thỏa đáng và chúng tôi quyết định đi Saharanpore để gặp vị Swami khi ông đi hành hương từ Hardwar trở về.

        Tại Saharanpore, những tín hữu của chi phái Arya Samaj nghinh tiếp chúng tôi rất nồng hậu với những quà tặng bánh trái và hoa quả. Sự thích thú của chúng tôi bị trở ngại do sự có mặt của một tên cảnh sát “chìm” và tên gia nô của y, họ theo dõi mọi sự di chuyển của chúng tôi, khám xét thơ từ, đọc điện tín của chúng tôi, và làm cho chúng tôi có cảm tưởng cơ hồ như mình đang lọt vào tầm nanh vuốt của cơ quan Mật Vụ Phòng Ba của Sở Gián Điệp Nga!

        Trụ sở chi phái Samaj dành cho chúng tôi một cuộc tiếp tân long trọng và một buổi tiệc theo phong tục bổn xứ, chúng tôi ngồi ăn dưới đất với bàn tay mặt rửa sạch, bốc thức ăn đựng trên những dĩa kết bằng lá cây.

        Đạo sư (Swamiji) về đến nơi vào lúc sáng sớm ngày hôm sau, bạn Mulji và tôi cùng đến để chào mừng. Tôi lấy làm vô cùng cảm kích về tác phong, dáng điệu, giọng nói ấm, những cử chỉ lịch sự và cốt cách tôn nghiêm cao quý của ông. Đạo sư nắm tay tôi, đưa tôi đến một hàng ba rộng rãi lộ thiên, cho người đem đến một ghế dài và mời tôi ngối bên cạnh người. Sau khi đã trao đổi với nhau những lời chúc mừng, chúng tôi chia tay từ giã, và độ một giờ sau đó, đạo sư đích thân đến nơi quán trọ của chúng tôi để thăm xã giao bà HPB. Trong cuộc nói chuyện dài tiếp theo sau đó, đạo sư cho biết  chúng tôi thấy hoàn toàn phù hợp với quan niệm của chúng tôi.

        Ngày hôm sau, chúng tôi cùng đạo sư đáp chuyến xe lửa đi Meerut. Khi đến nơi, chúng tôi được đưa đến ngôi biệt thự của ông Sheonarain, một nhà thầu giầu có làm công tác của chính phủ và một tín hữu phái Samaj, tình nguyện cung ứng ngôi nhà của ông cho chúng tôi sử dụng Chiều ngày hôm sau, lúc sáu giờ ba mươi, chúng tôi tham dự một buổi hội họp đông đảo của môn phái Arya Samaj, được tổ chức  ở một sân rộng lộ thiên, giữa những ngôi nhà lầu bao phủ chung quanh. Ở cuối sân, có một bục xây bằng gạch, trên có trải nệm và thảm Ấn Độ, đạo sư Swami ngồi xếp bằng trên tấm thảm và dựa lưng vào một cái gối tròn và dầy, loại gối nầy rất thông dụng ở các xứ phương Đông. Tác phong trầm tĩnh oai nghi, đạo sư nổi bật giữa đám đông, và trong một bầu không khí im lặng hoàn toàn, toàn thể hội trường đều lắng tai nghe ông thuyết pháp. Trong cái im lặng đó, người ta chỉ nghe có tiếng chim sẻ ríu rít gọi nhau bay về tổ lúc trời chiều.

        Sau khi phái đoàn chúng tôi được đưa đến chỗ ngồi đã sắp đặt sẵn, ngài Swami im lặng tọa thiền trong vài phút, kế đó ông ngẩng mặt lên trời, rồi với một giọng trầm ấm, ngâm vang những thánh ngữ: “AUM, AUM; Shantih Shantih Shantih!” (ngụ ý:Cầu cho muôn loài được bình an), và khi những âm thanh vang đội đã tan dần, ông mới bắt đầu một thời pháp về đề tài :Cầu nguyện”.

        Ông định nghĩa cầu nguyện tức là làm việc; đó không phải là thốt lên những lời lẽ vô vị, trên đầu môi chót lưỡi; không phải là nịnh hót hay ca tụng Thượng Đế mà có đem lại một kết quả nào. Có lần, ông nghe một tín đồ phái Brahmo Samaj bỏ phí mất hai giờ đồng hồ chỉ để lặp đi lặp lại cả ngàn lần những lời nầy:

        “Ôi! Thượng Đế, Ngài là Từ Bi và Công Bằng Vô Lượng Vô Biên!”

        Làm như vậy có ích gì? Ông nói có người nói chuyện với Thượng Đế như người ta nói chuyện với tên gia bộc nhà mình; cơ hồ như họ có quyền áp đặt, sai phái! Thật là rồ dại ngu ngốc. Người nào muốn cầu nguyện có hiệu quả, hãy làm  việc, làm việc. Tất cả những gì ở ngoài tầm sức mình, phải được tìm kiếm bằng sự công phu thiền định và phát triển những quyền năng tâm linh…

        Đạo sư tiếp tục thuyết giảng một cách hùng biện, giọng nói truyền cảm, ngôn ngữ dễ dàng lưu loát như giòng nước chảy. Trước khi ông kết thúc, ánh trăng bạc chiếu vào mặt tiền ngôi nhà trước mặt chúng tôi trong khi chúng tôi ngồi ẩn khuất trong bóng tối, dưới nền trời xanh biếc một màu xanh thẳm. Một tia trăng sáng rọi vào bối cảnh phía sau lưng đạo sư, giống như một bức màn bằng bạc đánh bóng, làm nổi bật thân hình của ông với những nét thanh tú như một pho tượng đồng.

        Ngày hôm sau, đến lượt tôi thuyết trình, dịp nầy được tổ chức trong một lều vải khổng lồ dựng lên trong khuôn viên nhà của ông Sheonarain. Sàn gạch được phủ lên những tấm nệm vải cứng và dầy để làm chỗ ngồi, bên trên có trải những tấm thảm Ấn Độ và Ba Tư. Ngoài một cái bàn riêng cho tôi và vài chiếc ghế cho các thính giả người Âu, kỳ dư là thính giả bổn xứ, kể cả đạo sư Swami, đều ngồi xếp hàng trên sàn gạch. Có vài vị quan chức người Anh tham dự, lại có cả viên công an chìm hôm trước, lần nầy với bộ râu mép cạo sạch nhẵn, hình như với mục đích hóa trang! Cuộc nói chuyện của tôi, do Mulji làm thông ngôn, trình bày những lợi ích hỗ tương có thể đạt được bằng cách phối hợp những quyền lợi và khả năng thiên phú của cả hai chủng tộc Đông Phương và Tây Phương.

        Ngày hôm sau, vị Swami kể cho chúng tôi nghe nhiều sự việc lý thú về những kinh nghiệm bản thân của ông và của những đạo sĩ Yogi khác trong rừng già. Ông đã từng sống gần như khỏa thân (chỉ đóng một cái khố nhỏ để che thân) suốt bảy năm trong rừng rậm, ngủ trên mặt đất hoặc trên tảng đá, ăn toàn hoa quả, rễ cây và uống nước suối, cho đến khi thể xác ông hoàn toàn vô cảm đối với tiết trời nóng, lạnh, vết thương, xây xát hay lửa bỏng.

        Ông không hề bị loại độc xà, ác thú làm hại. Có lần ông chạm trán với một con gấu đói trên lộ trình mà ông đi qua, con gấu nhảy chồm lên định vố lấy ông, nhưng ông đưa tay khoát nó đi ra chỗ khác, và đường đi được giải tỏa. Một vị siêu nhân mà ông đã gặp tại núi Abu, tên là Bhavani Gihr, có thể uống cạn một chai thuốc độc, mà chỉ một giọt thôi cũng đủ giết chết một người thường: vị nầy có thể nhịn ăn suốt bốn mươi ngày một cách dễ dàng và làm nhiều hiện tượng lạ lùng khác.

        Chiều hôm đó, có một cuộc hội họp khác của các tín hữu Arya Samaj cũng đông đảo như lần trước để gặp gỡ chúng tôi, và một cuộc thảo luận đã diễn ra giữa đạo sư (Swami) và vị hiệu trưởng của trường trung học địa phương về những luận điệu chứng minh cho sự hiện diện của Thượng Đế. Ngày hôm sau, chúng tôi sửa soạn lên đường trở vế Bombay, và được vị Swami cùng với một số đông tín hữu của môn phái ông tiễn đưa ra tận nhà ga. Họ tung hoa hồng vào người chúng tôi và hô to khẩu hiệu “Namasté” tiễn biệt khi đoàn xe lửa lăn bánh.

        Sau những ngày và đêm nóng bức trên chuyến xe lửa với những tiếng động ồn ào, bụi bặm, thiếu tiện nghi, chúng tôi đã đến Bombay, nhưng trước khi kiểm soát lại đồ hành lý, bà HPB đi ngay đến trước mặt tên “cảnh sát chìm”, và ngay trên sân ga, bà cho y một bài học đích đáng. Với một giọng nhạo báng chua cay, bà thốt ra lời khen ngợi y về những thành quả lớn lao mà y hẳn đã gặt hái được trong chuyến đi đắt tiền trên toa xe hạng nhất, và nhắn y chuyển đạt những lời chúc mừng và cảm ơn nồng hậu của bà lên cho thượng cấp của y với sự yêu cầu của bà cho y được thăng chức!

        Tên mật thám thẹn đỏ mặt, lúng túng ngập ngừng nói không ra lời, và chúng tôi bước đi, bỏ y lại đó một cách trơ trẽn. Kế đó, thay vì đi thẳng về nhà để tắm rửa và ăn sáng, chúng tôi kêu xe đến tòa Lãnh Sự Mỹ và yêu cầu viên Lãnh Sự gửi một thông điệp cực lực phản kháng viên Cảnh Sát Trưởng về cách đối xử có tính cách nhục mạ của y đối với những công dân Mỹ vô tội vạ.

        Trào lưu sinh hoạt của chúng tôi vẫn trôi chảy một cách êm đềm, những cảnh tượng lạ mắt của nếp sinh hoạt bổn xứ diễn ra trong đời sống hàng ngày, càng ngày càng gây ấn tượng sâu xa vào tâm hồn chúng tôi với thời gian qua. Vòng đai giao tế nhân sự của chúng tôi với người bổn xứ mỗi ngày càng mở rộng thêm lên, nhưng ngoại trừ một vài trường hợp lẻ loi rất hiếm, chúng tôi không tiếp xúc với người Âu. Có quan hệ gì nếu họ ưa chúng tôi hay không; họ không thể dạy chúng tôi được gì mà chúng tôi muốn biết, nếp sống thường ngày và những công việc bận rộn của họ không có một thú vị gì đối với chúng tôi.

        Sau khi tôi gởi một bức thư phản kháng cho chính quyền địa phương tỉnh Bombay qua trung gian của ông Franham, Lãnh Sự Mỹ, tôi được một bức thư trả lời rằng họ không hề có thái độ cố ý khiếm nhã trong việc cho nhân viên công an theo dõi mọi động tác xê dịch của chúng tôi.

        Về sau,khi đến Simla, tôi được các viên chức cao cấp trong phủ Toàn Quyền của vị Phó Vương Anh cho biết rằng họ rất bực mình mà thấy công tác do thám được thi hành một cách quá ư lộ liễu và vụng về đến nỗi đã làm cho chúng tôi chú ý. Họ nói thêm rằng sự theo dõi chúng tôi không có gì là ngoài sự thường tình, vì luật lệ nhà nước ở Ấn Độ quy định phải theo dõi tất cả những người ngoại quốc nào có vẻ thân thiện đặc biệt với người bổn xứ và tránh né sự giao thiệp với người của giai cấp thống trị.

III

        Ngày 4 tháng 7 năm ấy, chúng tôi quyết định xuất bản tờ tạp chí nguyệt san “Theosophist”. Như đã giải thích trước đây, chúng tôi phải đi tới quyết định đó vì nhu cầu đáp ứng sự thích thú tìm hiểu ngày càng tăng gia của quần chúng về vấn đề Đạo Lý. Nhu cầu đó phải được giải quyết bằng một phương tiện nào tốt hơn là việc trao đổi thơ từ, vì thật ra chúng tôi không thể nào chịu đựng nổi sự lao tâm mệt trí của một công việc đòi hỏi một sự cố gắng vận dụng tinh thần, nhoc nhằn liên tục và thường xuyên như thế. Tập Nhật Ký của tôi ghi nhận rằng đôi khi tôi đã phải làm việc tứ sáu giờ sáng đến chín giờ tối, và tiếp tục cho đến hai hay ba giờ sáng mỗi đêm, mà vẫn không xuể. Vả lại, có những câu hỏi mà phần đông thư tín viên thường hay hỏi đi hỏi lại nhiều lần, và phải trả lời lặp đi lặp lại những câu hỏi đó là một việc rất nhàm chán và mệt mỏi.

        Chúng tôi thảo luận về vấn đề này trên tất cả mọi khía cạnh, tính toán cân nhắc điều hơn lẽ thiệt, và sau cùng chúng tôi quyết định thực hiện kế hoạch. Nhưng chúng tôi cũng gặp phải những nỗi khó khăn nghiêm trọng, mà một là Hội không có một xu vốn liếng hay tài sản để có thể cầm cố vay mượn. Tôi bèn đặt một quy tắc nhất định rằng tờ Tạp Chí sẽ được phát hành theo những điều kiện giống như của các tạp chí lớn nhất ở Anh và Mỹ, tức là mua trả tiền trước chứ không bán chịu. Tôi sẵn sàng cho ra các số nguyệt san đúng kỳ hạn mỗi tháng trong một năm đầu, dẫu rằng chúng tôi chưa có đến một độc giả đăng ký dài hạn. Những bạn đạo Ấn Độ đều không tán thành kế hoạch nầy, và tiên đoán rằng nó sẽ không bao giờ thành công. Nhưng điều đó vẫn không làm lung lay quyết định của tôi. Thế là chúng tôi dự bị đóng góp phí tổn cho mười hai số nguyệt san đầu tiên, và chuẩn bị cho ra số đầu. Chúng tôi liên lạc với các nhà Phật Giáo ở Tích Lan, Đạo Sư Dyanand của Ấn Giáo, các nhà học giả Phạn Ngữ ưu tú ở Ba Nại La và nhiều tu sĩ các môn phái khác để yêu cầu họ đóng góp bài vở, và phổ biến rộng rãi xa gần ý định của chúng tôi. Chúng tôi bận rộn với bấy nhiêu công việc đó suột cả mùa hè năm ấy.

        Những hội viên hoạt động của Hội bắt đầu hoạt động mạnh để kiếm độc giả; riêng một bạn Đạo trung kiên là ông Seervai, Thơ Ký của Hội, đã ghi tên được hai trăm độc giả mua dài hạn. Cuối tháng chín, chúng tôi đã cho ra số nguyệt san đầu tiên với đợt đầu là bốn trăm cuốn, một công trình khả quan làm cho tất cả chúng tôi đều rất vui mừng. Kể từ đó về sau, tạp chí Theosophist vẫn xuất hiện đều đều mỗi tháng đúng kỳ hạn không hề suy chuyển, không hề vấp phải một tai nạn hay chướng ngại, và cũng không hề làm cho chúng tôi bị mắc nợ một xu nhỏ nào.

        Cuối năm ấy (1879), tờ tạp chí Theosophist đã ghi nhận sáu trăm hai mươi mốt độc giả mua dài hạn. Con số đó tuy nhỏ đối với người Tây Phương, đã từng quen thuộc với những thành tích huy hoàng của báo chí Âu Mỹ, nhưng đó là một con số lưu hành rất đáng kể đối với xứ Ấn Độ, vì những nhật báo lớn nhất ở Calcutta, Bombay và Madras cũng chỉ có từ một ngàn rưởi đến hai ngàn độc giả ghi tên mua bán dài hạn trong sổ sách của họ!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro