30.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

30.
Làng Tam Thanh thay đổi nhiều. Lũy tre đầu làng băng ngang xóm Chiếu chỉ còn lại được vài bụi, thay vào đó bằng những ngôi nhà mới xây chưa phai màu nắng. Ao nhà ông Tư Nghĩa lớp trẻ tôi hay câu trộm đã lắp phẳng thành một khoảng sân nới rộng để ông làm vườn.

Những đứa trạc tuổi tôi trong xóm bây giờ đa phần đều đi theo ghe phụ cân cá cho người ta, đứa nào hên hên thì đi xuất khẩu lao động. Mà xuất khẩu lao động đâu có sướng, thằng Tí được coi học giỏi với khôn lanh nhất làng qua đó được một năm rưỡi trở về với cái hũ im re. Đâu phải ai mà người ta nghĩ làm được thì sẽ làm được đâu.

Tôi ung dung đi về phía trảng cỏ lau, nơi ba đứa tôi thường qua để đi tắt đến trường. Giờ đây cỏ lau vẫn um tùm như ngày đó, nhưng những trận đánh chiếm của xóm Chiếu với xóm Lá không còn nữa, cỏ lau cũng từ từ mọc lên đường mòn.

Mẹ nói tôi chững chạc hơn trước nhiều, từ ngoại hình đến cách suy nghĩ. Cha tôi thì bảo tôi già, tôi trông giống ông nội ngày xưa, từ tính tình cho tới tướng đi. Thường thì ở trong Sài Gòn tôi ăn hai chén là hết sức nhưng về đây tôi ăn phải bốn năm chén, đúng là má tôi nấu ăn thì phải nói số một thế giới.

Để tạo sự bất ngờ cho thầy Phương, chúng tôi không viết thư báo trước sẽ về thăm. Thầy Phương mới hai năm qua mà già đi nhiều, tóc đã màu muối tiêu. Thoạt đầu thấy ba đứa tôi thầy không nhận ra. Cho tới khi bọn tôi nói thì thầy mới vỡ òa giọng rưng.

- Ba thằng quỷ sứ đi lâu quá ha.

Chiều thứ bảy, bốn thầy trò tôi ra suối chơi. Chúng tôi quanh quẩn tìm lại cây cái cây trứng cá xưa nhưng không thấy. Chắc nó đã bị bứng góc trong những trận lũ lớn. Pepsi, mày còn ở đây phải không?

Tôi nằm trên phảng trở mình vì không ngủ được. Tôi nhớ đến An. Tôi trằn trọc với câu hỏi rằng An có nhớ tôi không, hay là đã có một niềm vui nào đó khiến tôi đứng đợi bên ngoài giấc mơ của nhỏ. Hai tuần qua với tôi dài như hai năm, tôi nhớ mùi tóc với nụ cười bẽn lẽn.

An thích nghe tôi kể chuyện về Tam Thanh lắm, An thích những con người dưới quê và nhịp sống. Nhưng nếu để ở thì An có chịu ở đây cả một đời với tôi không, khi mà quê tôi còn nghèo, ai ai cũng phải lo đi kiếm xô kiếm chậu hứng nước mưa trong nhà khi trời tháng tám trở gió.

Tình yêu của tôi không như Khiêm và Minh. Dễ nói ra thành lời và thề thốt hay hứa non hẹn biến. Tôi nghĩ cho An nhiều hơn, khi An là đại tiểu thư sống sung sướng trong gấm vóc, trong khi đó tôi là thằng trai quê, tôi lớn lên bằng bếp củi cháy, bằng tiếng hát mẹ ru, bằng những sợi lông li ti của cỏ lau dính vào vạt áo trên đường tới trường và bằng sự dân dã mà người ta thường nói gọn là nghèo.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro