• Lá thư thứ hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lá thư thứ hai

Việc học không chỉ gói gọn trong phạm vi trường học

Chào em, Waka.

Dù câu hỏi anh đưa ra không hề dễ chút nào, nhưng anh nghĩ em đã rất cố gắng suy nghĩ để trả lời cho anh rồi.

Có vẻ em vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn với câu trả lời của mình, nhưng anh thấy nó không có chỗ nào sai đâu.

Quả thực, nếu sử dụng công cụ học hành ấy, ta có thể đạt được một "cuộc sống sinh viên", cũng có thể làm một "công việc mà phải tốt nghiệp đại học mới làm được". Thế nên nói nó "mang lại cho ta thêm nhiều lựa chọn cho tương lai" cũng không sai.

Thật ra, bài tập lần trước anh giao:

"Học tập là công cụ dùng để làm việc gì?"

không có một đáp án rõ ràng nào cho nó cả.

Chắc em sẽ nghĩ, "Vậy mà anh lại giao bài tập đó cho em!", nhưng để em dễ hiểu hơn, chúng ta thử xem xét nó từ một góc độ khác nhé!

"Công cụ mang tên điện được sinh ra để làm gì?"

"Điện sẽ thắp sáng bóng đêm, nhờ thế mà chúng ta có thể tiếp tục cuộc sống sinh hoạt bình thường như ban ngày dù trời đã tối."

Ai đó sẽ trả lời như vậy. Và một ai đó khác sẽ nói thế này cũng nên.

"Có điện mình sẽ dùng được tủ lạnh. Tức là mình có thể bảo quản cho đồ ăn khỏi bị ôi thiu."

Ngoài ra ta có thể dùng được cả điều hòa, máy sấy tóc, ti vi hay lò vi sóng.

Những lợi ích mà điện mang lại cho con người chúng ta nhiều không kể xiết.

Thế nhưng...

Sẽ chẳng ai nói, "Điện sinh ra để chạy máy sấy tóc".

Cũng không bao giờ có chuyện, "Tôi trọc nên máy sấy tóc có để làm gì đâu. Thế thì tôi chẳng cần điện".

Vậy có phải chúng ta không thể định nghĩa được lý do tồn tại của điện không? Không có chuyện đó.

Nếu nghĩ rộng ra, ta có thể dễ dàng nhận ra rằng tất cả những thứ mà ta phải có điện mới sử dụng được đều được tạo ra với một mục đích duy nhất.

Đúng vậy, đó chính là làm cho cuộc sống của con người trở nên thuận tiện hơn.

Vì thế, dù anh không thể đưa ra được một đáp án cụ thể cho câu hỏi, nhưng nếu là một câu trả lời khái quát thì có.

"Điện là công cụ dùng để giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn."

Mọi vật bên trên đều có chung một điểm đó.

Do vậy, khi nó giúp cuộc sống thuận tiện hơn nghĩa là nó đang được sử dụng đúng cách. Còn nếu nó khiến cuộc sống của chúng ta hay người khác trở nên khó khăn hơn, nghĩa là nó đang bị sử dụng sai cách.

Có lẽ cảm giác có gì đó sai của em về câu trả lời mình đưa ra là vì điều này chăng?

Nói rõ ra thì nếu chúng ta sử dụng công cụ học hành, đương nhiên ta có thể đạt được một "cuộc sống sinh viên". Thế nhưng không thể kết luận rằng "công cụ học hành sinh ra để giúp người ta vào đại học" được. Hơn nữa, lối suy nghĩ "Tôi không muốn học đại học nên không cần học" chắc chắn cũng không bình thường chút nào.

Tuy nhiên, cũng giống như ví dụ vừa nãy, nếu liệt kê ra những thứ mà chúng ta đạt được nhờ học hành, ta có thể thấy được điểm chung của chúng. Anh muốn em tìm thấy điểm chung đó.

Để giúp em dễ dàng làm được điều đó, anh sẽ kể ra một vài thứ có thể đạt được thông qua việc học.

Đầu tiên là thứ mà mọi người vẫn hay nhắc tới, rèn luyện "tính kiên trì" thông qua việc sử dụng công cụ học hành.

Dù là người thích học đến mấy, trong lúc duy trì việc học sẽ có một ngày vấp phải bức tường trở ngại. Để vượt qua nó ta cần sự kiên trì. Vượt qua bức tường này, bức tường khác lại xuất hiện. Và rồi càng vượt qua nhiều bức tường, ta lại càng cần nhiều sự kiên trì hơn để vượt qua bức tường tiếp theo.

Tiếp theo, ta cũng sẽ có được "sự tự tin".

Bằng cách vượt qua nhiều bức tường, ta sẽ được trải nghiệm rất nhiều những thành công nho nhỏ. Đây cũng là một trong những thứ ta sẽ có được nhờ việc học. Sẽ có lúc ta còn có thể đạt được một thành công nào đó thật lớn. Ví dụ như "đỗ đại học". Và cứ tích lũy dần dần những thành công như thế, cuối cùng ta sẽ có được "niềm tin đối với bản thân", thứ vô cùng cần thiết để có thể sống đúng theo bản chất con người mình.

Ngoài ra, chúng ta còn có thể đạt được rất nhiều thứ khác. Như rèn luyện khả năng ghi nhớ, khả năng đánh giá, khả năng ứng dụng, nói rộng ra là "phát triển trí tuệ". Việc "rèn luyện não bộ" là yếu tố không thể thiếu để giúp cuộc sống của ta trở nên tốt đẹp hơn.

Hơn nữa, bằng việc học tập từ những người xung quanh, ta còn có thể có được một "trái tim ngay thẳng". Đó là vì cách tốt nhất để học từ người khác và trưởng thành hơn là vứt bỏ đi tất cả sự cố chấp của bản thân, và thẳng thắn tiếp nhận những điều người đó dạy bảo cho mình.

Tiếp theo, có một điều mà ta không được phép quên. Đó chính là ta có thể thấu hiểu được cảm xúc của mọi người nhờ sử dụng công cụ "học hành".

Chắc Waka đã từng trải qua chuyện thế này rồi chứ?

Ở trường có bài kiểm tra từ vựng tiếng Anh. Lần này em muốn học tập nghiêm chỉnh một chút nên đã dành thời gian để ôn tập chăm chỉ. Kết quả bài đó em được điểm cao. Bạn cùng lớp em nhìn thấy thế liền bảo:

"Thích ghê! Waka học thuộc siêu thật đấy! Chứ khả năng học thuộc của tớ kém lắm, chẳng nhớ được gì luôn!"

Chắc chắn trong lòng em sẽ nghĩ, không phải là trí nhớ tớ tốt gì đâu, mà tớ phải bỏ thời gian và công sức ra học mới được như thế đó. Sau chuyện này, em sẽ hiểu được tâm trạng của những người khi đạt thành tích cao sẽ bị mọi người quy kết là nhờ thông minh chứ không phải là chăm chỉ nỗ lực gì.

Chuyển chủ đề một chút, anh sẽ cho em biết một chuyện rất thú vị.

Hầu hết những người cho rằng "Mình học kém" đều bị vướng phải một điều ám thị.

Đó là ý nghĩ sai lầm rằng từ khi sinh ra mình đã không thông minh. Thế nhưng bất hạnh hơn nữa là khi kể với bố mẹ, ngay cả bố mẹ họ cũng đồng tình.

"Hồi xưa mẹ học thuộc cũng kém lắm, nên con như vậy không trách được."

"Bố của A từ xưa cũng đã thông minh rồi mà, nó thông minh như vậy là di truyền rồi!"

Khi bị nói như vậy, đứa trẻ ấy sẽ không thể phát triển lên được nữa.

Nhưng anh tin chắc một điều. Rằng con người ta không ai thông minh hay ngu ngốc sẵn ngay từ khi mới sinh ra cả.

Khi nói thế, anh thường bị phản bác thế này.

"Đấy là vì Quán chủ luôn cố nhìn mọi thứ với một con mắt lạc quan, nên mới tin chắc như vậy thôi! Chứ thực tế, vẫn luôn có sự cách biệt đó!"

Quả thật, trong lớp Waka chắc luôn có một bạn nào đó học giỏi, được mọi người ghen tị đúng không? Người bạn ấy chỉ cần đọc qua ba mươi phút là có thể nhớ được toàn bộ nội dung bài học môn lịch sử Nhật Bản để bài kiểm tra. Trong khi hôm qua em đã học hết ba tiếng đồng hồ mà hôm nay đã quên sạch. Lúc biết được sự thật ấy, hẳn em rất muốn nguyền rủa sự cách biệt về trí thông minh. Thế nhưng đó không phải là sự khác biệt về khả năng ghi nhớ, hay là sự khác biệt về trí thông minh, Waka từng nói em có học piano phải không nhỉ? Anh thì chưa học bao giờ cả.

Hôm trước, anh mới tìm thấy một bản nhạc vô cùng xuất sắc, đến nỗi muốn tự mình chơi được nó. Đấy là khúc "Sao Mộc" nằm trong tổ khúc Các hành tinh của Holst. (*)

(*): Gustav Holst (1874-1934) : là nhà soạn nhạc nổi tiếng người Anh. Tổ khúc The Planets (Các hành tinh) là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Chúng ta hãy coi như em chưa chơi bản nhạc này bao giờ. Và đương nhiên anh thì càng chưa. Hôm nay hai chúng ta sẽ cùng bắt đầu luyện đàn bản "Sao Mộc" này. Em nghĩ ai sẽ chơi được nó trước? Em thấy anh có cơ hội nào để vượt qua em không?

Chúng ta có thể dễ dàng đoán được kết quả. Dù anh có cố gắng đến thế nào thì cũng không sao hoàn thành được bản nhạc trước em. Bởi vì lượng kinh nghiệm của chúng ta hoàn toàn khác nhau.

Lúc ấy, nếu anh nói thế này, em sẽ thấy thế nào?

"Em giỏi thật đấy! Đúng là có năng khiếu!"

Chắc chắn em sẽ nghĩ thế này, "Không làm được liền đổ lỗi cho năng khiếu, thật kỳ cục." Vì em đã tập piano được bao năm rồi mà.

Thế nhưng những người học được vẫn thường bị nói như vậy. Và mọi người cũng tin điều đó đúng.

Đấy chính là nỗi đau mà chỉ những người đã nỗ lực đạt được thành công mới hiểu. Nếu em cũng sử dụng công cụ "học hành" để vượt qua bức tường, em sẽ có thể hiểu được cảm xúc của họ, chứ không phải không làm gì nhưng lại đánh giá những gì họ làm.

Ngoài ra còn rất nhiều ví dụ khác nữa, nhưng anh chỉ đưa như thế này thôi nhé.

Nói chung, em đã hiểu được rằng chúng ta có thể đạt được vô số thứ nhờ công cụ "học hành" rồi chứ?

Đương nhiên không phải ngay từ đầu ta chắc chắn sẽ có được tất cả.

Không thể nào có chuyện cứ học hành mà không suy nghĩ gì là một lúc nào đó ta sẽ hiểu được cảm xúc của con người. Mà ngay từ đầu chúng ta phải đặt mục tiêu rằng mình sẽ dùng "học hành" để trở thành người biết thấu hiểu cảm xúc, thì sau đó ta mới có thể đạt được điều mình mong muốn.

Nói cách khác, ta càng đặt ra nhiều mục tiêu cho "học hành", ta sẽ càng gặt hái được nhiều. Còn người chỉ nhắm đến duy nhất một "cuộc sống sinh viên" thôi cũng sẽ không giành được gì hơn.

Anh sẽ cho em thêm một gợi ý nữa.

Khi nhắc tới "học", hẳn nhiều người sẽ liên tưởng tới những môn như Quốc ngữ, Toán hay Tiếng Anh, thế nhưng không phải chỉ những thứ học được ở trường mới là việc học. Tất cả mọi người trên thế giới này đều đòi hỏi phải "học tập" trong cả thực tế cuộc sống. Do đó, không có chuyện "vì không cần học lên đại học nên không cần học". Trái lại, khi ra ngoài xã hội, chúng ta buộc phải học nhiều thứ khác hoàn toàn với những giờ giảng trong trường, với một sự nghiêm túc lớn hơn thế gấp nhiều lần. Đây chính là sự thật không gì chối cãi được.

Do đó, không chỉ học sinh sinh viên mà tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi đều cảm nhận được tầm quan trọng của việc "học hành" mỗi ngày.

Em đã biết nó là công cụ dùng để làm gì chưa?

Em hãy thử đưa ra thêm ví dụ khác rồi suy ngẫm xem sao nhé!

Từ Quán chủ Thư quán, một người thích học.

THƯ TỪ WAKA

(lá thư thứ ba)

Chào Quán chủ.

Anh đã giải thích cảm giác có gì đó sai của em về câu trả lời của mình một cách thật thuyết phục, khiến em vừa đọc vừa phải liên tục thốt lên một cách tâm phục khẩu phục rằng "Đúng, đúng, chính là thế này".

Đồng thời em cũng cảm thấy hơi hổ thẹn về bản thân.

Thật ra trong lớp em có một bạn học vô cùng giỏi. Mỗi lần được trả bài kiểm tra, em vẫn hay khen cậu ấy mấy câu như "Cậu siêu thật đấy! Học giỏi thích ghê!". Khi mọi người nói vậy, cậu ấy lại hơi cười nhăn nhó mà đáp rằng "Không phải thế đâu". Chẳng có ai chú ý đến những nỗ lực của cậu ấy cả. Em chợt nghĩ có lẽ nào cậu ấy đang chờ một người nhận ra được những cố gắng đó chăng.

Những thứ chúng ta có thể đạt được nhờ công cụ học hành thật là nhiều anh nhỉ? Em đã phần nào hiểu ra rằng tác dụng của thứ công cụ ấy còn sâu sắc hơn mình tưởng tượng rất nhiều.

Nhờ thế mà em cảm giác hình như mình đã biết được công cụ học hành dùng để làm gì rồi ạ.

Gợi ý đã có ở ngay trong lá thư đầu tiên em nhận được rồi phải không?

Khi đang nghĩ về nó, em chợt nhớ ra và dường như em đã liên kết được tất cả lại với nhau.

Ngay từ lá thư đầu tiên anh đã dạy cho em thế này.

"Vì sử dụng công cụ "học hành" không đúng cách, có người đã trở nên coi thường những người không học được. Có người bỗng không còn chào hỏi gì ai nữa. Chỉ biết đánh giá người khác. Không thấu hiểu được cảm xúc của đối phương. Không thể giao tiếp được bình thường. Căm ghét nước bạn. Phủ định giá trị văn hóa các nước khác. Tạo ra những thứ gây hại cho rất nhiều người trên thế giới."

Đọc lá thư thứ hai, đoạn anh viết "công cụ học hành tồn tại để giúp ta hiểu được cảm xúc của mọi người", em chợt nhớ ra nó ngược nghĩa với những gì được viết trong lá thư đầu, rằng "có những người coi thường người học kém, không hiểu được cảm xúc của đối phương" .

Do vậy, em đã bắt đầu nghĩ rằng, nếu chúng ta biết cách sử dụng việc học hành cho thật tốt, ta sẽ được nhiều người quý mến, cũng sẽ biết cách yêu mến các quốc gia xa lạ, và có thể tạo ra những thứ mang lại được hạnh phúc cho mọi người.

Trong đám bạn học cấp hai của em, có đứa dù đã đỗ trường cấp ba mà nó luôn mong mỏi, nhưng cuối cùng lại không đến trường. Mẹ nó bảo nó không thể hòa nhập được với không khí của lớp. Trái lại, có đứa dù trượt trường mình muốn học rồi phải bất đắc dĩ chuyển sang trường khác, nhưng giờ đã có thể tận hưởng hết mình cuộc sống trung học rồi.

Chắc hẳn đại học cũng như vậy.

Dẫu rằng vào đại học không có nghĩa là chắc chắn sẽ trở nên hạnh phúc nhưng vẫn có người nghĩ, dù sao học đại học cũng hạnh phúc hơn, và buộc mình phải học. Học với quan điểm như vậy thật sai lầm.

Khi nghĩ vậy, đỗ đại học giống như phần thưởng dành cho sự kiên trì và kinh nghiệm vượt qua những bức tường trở ngại, những thứ đạt được khi sử dụng công cụ học hành, chứ không còn là mục đích thật sự của việc học nữa. Bởi lẽ những người không vào đại học cũng sẽ phải học một thứ gì khác mà thôi.

Vì thế, kết luận của em đây ạ.

"Học hành là công cụ dùng để rèn luyện bản thân."

Có lẽ ai đó cũng đã từng nói như thế này rồi, nhưng đây chính là những gì em thật lòng nghĩ ạ.

Em cũng khá tự tin với câu trả lời lần này. Anh thấy sao ạ?

Uchida Waka


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro