• Lá thư đầu tiên •

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lá thư đầu tiên

Học tập cũng là một công cụ

Chào em (*), Waka. Anh là Quán chủ của Thư quán.

Cảm ơn em đã gửi thư cho anh.

Hóa ra Waka là em gái của cậu Yoshitarou. Kể từ khi anh bắt đầu trao đổi thư với cậu ấy, cũng đã năm năm trôi qua rồi. Anh nhớ đợt đó đúng vào lúc anh của em bắt đầu giai đoạn phục hồi chức năng sau tai nạn, nhưng thay vì nói anh đã hướng dẫn cho cậu ấy điều gì đó, nói anh là người đã nhận được rất nhiều dũng khi và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn từ anh của em thì đúng hơn.

Và lần này cũng nhờ mối nhân duyên ấy, anh mới có cơ hội được trao đổi thư cùng em như thế này. Anh thấy rất vui.

Có lẽ em cũng đã nghe anh Yoshitarou nói về quy ước với anh rồi, nhưng anh sẽ giải thích lại một lần nữa nhé.

Thứ nhất, anh sẽ gửi cho em tổng cộng mười lá thư. Và cũng phải phúc đáp lại mười lá thư ấy. Nếu giữa chừng em cảm thấy không cần anh gửi thư nữa, hãy nói ngay nhé. Khi ấy hợp đồng giữa chúng ta sẽ kết thúc.

Thông qua mười lá thư này, anh sẽ cố gắng gửi đến em tất cả những suy nghĩ của mình để giúp em có một cuộc sống tuyệt vời hơn. Còn em sẽ xem xét giá trị những lá thư của anh đối với em và đáp lại bằng những thứ, với số lượng mà em cảm thấy tương xứng với chúng.

Thực ra, tùy vào quy ước của anh với mỗi người mà họ sẽ trả cái gì, bao nhiêu hay vào lúc nào.

Ví dụ như một bà lão sống ở gần đây ban đầu đã đề xuất với anh rằng mỗi khi viết thư hồi đáp, bà sẽ gửi kèm rau xanh thu hoạch từ vườn nhà mình. Anh và bà đã giao ước với nhau như thế.

Giờ em vẫn còn đang học phổ thông, hẳn còn đang lo lắng và phân vân về con đường tương lai nhiều lắm đúng không? Trong hoàn cảnh này chắc em không thể quyết định được ngay, và anh cũng không nghĩ em cứ canh cánh trong lòng về việc phải trả anh thứ gì là một giao ước tốt.

Vậy nên chúng ta giao hẹn khi nào em tốt nghiệp trung học thì sẽ quyết định chuyện này sau, em thấy sao?

Tuy nhiên, anh muốn em nhớ một điều, rằng đừng cố gắng trả lại thật nhiều thứ cho anh. Một thanh chocolate cũng không sao. Chỉ cần đó là thứ mà em tự mình làm ra, và dồn hết tình cảm vào, thì đối với một Quán chủ Thư quán như anh đã là niềm vinh hạnh lớn nhất rồi.

Quay lại chủ đề, anh đã đọc hết thư của em.

Kỳ nghỉ hè năm lớp 11 bắt đầu cũng chính là lúc em bắt đầu phải suy nghĩ nghiêm túc về con đường tương lai. Anh nghĩ trên thế giới này có không ít người cũng đang lo lắng như em vậy, Waka ạ. Có lẽ em đang kỳ vọng anh sẽ giải quyết giúp em nỗi trăn trở này, nhưng không phải vậy đâu em.

Anh chỉ có thể giới thiệu cho em một cách nhìn khác về "học hành" so với cách mà em nghĩ về nó bây giờ mà thôi. Cuối cùng, người giải quyết mối trăn trở đó sẽ là chính em. Đừng quên chuyện đó nhé.

Bây giờ, có một chuyện anh mong em hứa với anh. Đó chính là...

Từ bây giờ, hãy ngừng học một thời gian.

Em có bất ngờ không?

"Thế thì cánh cổng đại học sẽ càng ngày càng trở nên xa vời mất!"

Có lẽ em sẽ lo lắng như vậy. Nhưng cứ mãi phân vân liệu việc học có thực sự quan trọng hay không, rồi học một cách miễn cưỡng cũng không khác gì tình trạng không học hành gì cả. Em hãy yên tâm mà ngừng học.

Cũng may bây giờ đã vào kỳ nghỉ hè rồi, nên dù em không làm bài tập cũng không lo bị phạt nhỉ?

Vậy chúng ta sẽ lại bắt tay vào học khi nào?

Đấy là khi...

Em cảm thấy "thèm học không chịu được".

"Nếu cảm giác đó không bao giờ đến thì phải làm sao đây?"

Có lẽ em sẽ nghĩ vậy. Nhưng nếu nó không đến thì mọi chuyện sẽ dừng ở đó. Không còn cách nào khác. Em hãy từ bỏ việc học đại học đi. Đừng lo, nếu đại học thực sự là một yếu tố cần thiết cho cuộc đời em, khoảnh khắc ấy nhất định sẽ xuất hiện mà thôi.

Và trong khoảnh khắc ấy, nói cách khác, khoảnh khắc mà trong những điều em muốn làm bằng mọi giá có "học hành", anh tim em sẽ có thể vượt qua tất thảy mọi khó khăn và hiện thực hóa được ước mơ đỗ đại học.

Dù anh đã giải thích đến mức này rồi, nhưng chắc em vẫn không khỏi cảm thấy bất an và ngần ngại không muốn tạm dừng việc học.

Trên thế giới này có không biết bao nhiêu người "muốn lên đại học nhưng lại không muốn học". Và nếu em là một trong số ấy, có lẽ em sẽ lo rằng "mình không muốn cứ phải học mãi đâu", nghĩ "nếu kết cục mình không vào được đại học thì phải làm sao đây".

Đấy có lẽ là do bản thân việc học luôn có vẻ thật "thần thánh"

Chắc chắn rất nhiều người lớn xung quanh em hay nói như thế này:

"Con phải học vì tương lai!"

Thế nhưng có lẽ chính người nói cũng không biết tại sao như thế lại là vì tương lai. Dù rằng họ không biết, nhưng từ nhỏ đã được dạy như vậy, nên bất giác họ cũng dần có suy nghĩ ấy. Nhưng nơi nào đó trong lòng họ lại không khỏi băn khoăn.

"Học hành tử tế, vào được một trường đại học danh giá bậc nhất, kiếm được một công việc trong tập đoàn lớn. Nhưng vậy đâu có nghĩa là hạnh phúc đâu?"

Họ nói vậy. Xếp hạng học lực trong lớp hiện tại chưa chắc đã là xếp hạng thu nhập của mọi người sau ba mươi năm nữa. Đương nhiên càng không phải xếp hạng hạnh phúc.

Còn anh thì nghĩ học hành chỉ là một thứ công cụ không hơn không kém.

Vì thế đối với anh, cách nghĩ "thà làm còn hơn không chưa đúng một chút nào.

Nhưng có lẽ bởi mọi người vẫn nghĩ thà học còn hơn không, nên mới dùng từ "vì tương lai".

Còn anh thì nghĩ học hành chỉ là một thứ công cụ, không hơn không kém.

Vì thế đối với anh, cách nghĩ "thà học còn hơn không" chưa đúng một chút nào.

Trái lại, nếu sử dụng sai cách thì chẳng thà vứt thứ công cụ "học hành" ấy đi.

Trên thế giới này có không ít các công cụ tiện lợi.

Ví dụ như "dao". Khi leo núi và bị lạc, hay khi bị bỏ lại một mình giữa hoang đảo, chỉ cần có trong tay một con dao, ta có thể tìm ra vô số cách để sinh tồn. Đương nhiên không cần phải là những tình huống đặc biệt như thế, mà trong bất kỳ gia đình nào cũng luôn có một vật sắc nhọn như dao hoặc kéo. Nếu không có chúng, không tưởng tượng được cuộc sống sẽ bất tiện đến nhường nào.

Dạo gần đây còn có một công cụ tiện ích khác là "máy tính".

Chỉ cần trong phòng có một chiếc là ta có thể kết nói tới bất kỳ ai trên thế giới này. Nó cũng đã làm đảo lộn hoàn toàn cách thức làm việc truyền thống từ trước đến nay, và một chiếc máy tính bé nhỏ cũng có thể đem lại cho ta một nguồn lợi khổng lồ.

Những công cụ tiện lợi như thế được phát minh ra chắc chắn là để xóa bỏ một sự bất tiện nào đó. Dẫu vậy, tất cả chúng cũng có thể bị sử dụng để làm những chuyện sai trái.

"Dao" có thể làm người khác bị thương.

"Máy tính" có thể kết nối cả thế giới lại với nhau, nhưng nếu sử dụng sai cách, cũng có thể làm tổn thương một lúc rất nhiều người.

Tất cả những công cụ trên thế giới này nếu không được sử dụng một cách đúng đắn, chắc chắn ta sẽ mang đến một kết quả giống nhau.

Phải, đó chính là "làm tổn thương người khác".

Nếu nghĩ như vậy, anh nghĩ em sẽ hiểu không phải bản thân những công cụ đó có hai mặt "Thiện – Ác" mà phụ thuộc vào người sử dụng chúng.

Học tập cũng là một thứ công cụ.

Nhưng nó không phải là thứ công cụ vạn năng đối với tất cả mọi người. Không có thứ công cụ nào như thế tồn tại cả. Do vậy, thử nghĩ một chút sẽ thấy, nếu ta không sử dụng thứ công cụ mang tên "học hành" thì rất có thể ta sẽ làm tổn thương đến những người xung quanh, và có thể khiến chính mình trở nên bất hạnh.

Nếu chuyện đó xảy ra, em có nghĩ là mình không nên học thì hơn hay không?

Anh nghĩ em phải hiểu rõ cả sự tiện lợi lẫn sự nguy hiểm của một con dao nên mới sử dụng nó. Chính vì hiểu rõ cả hai mặt, nên em mói có thể sử dụng nó mà không làm người khác hay bản thân mình trở nên bất hạnh.

Nhưng còn công cụ "học hành" kia thì sao nhỉ?

Có lẽ ai cũng biết những tiện ích mà nó sẽ mang lại ở một mức nào đó, nhưng mấy người sẽ nghĩ về sự nguy hiểm của việc học đây?

Có không ít người học giỏi mà coi thường những người không giỏi.

Cũng có những người từ khi học hành giỏi giang hơn thì ít hẳn những lời chào hỏi những người xung quanh.

Có cả những người đã thỏa mãn với những tri thức mình học được, nhưng lại không sử dụng nó cho cuộc sống của bản thân mình mà lại đem ra để đánh giá người khác.

Lại có những người mải vùi mình vào sách vở, nên không nắm bắt được suy nghĩ của đối phương, hay không thể giao tiếp được bình thường với mọi người.

Có người ghét bỏ dân tộc sau khi học xong lịch sử nước bạn.

Lại có người phủ định nền văn hóa nước khác sau khi học về văn hóa nước mình.

Và cũng có cả những người sử dụng những hiểu biết của mình về cơ khí hay hóa học để chế tạo ra những thứ làm hại không biết bao nhiêu người.

Tất cả những người đó đều đã dùng công cụ học hành sai cách. Nhưng có phải bố mẹ em vẫn để em sử dụng công cụ ấy dù biết rõ điều đó hay không?

Em đã hiểu tại sao anh lại nói học không phải là thứ "thà làm còn hơn không" chưa?

Điều em cần phải suy nghĩ bây giờ là:

"Mình sử dụng công cụ ấy vì mục đích gì?"

Chỉ có điều đó thôi.

Anh có bảo em hãy ngừng học một thời gian. Nhưng ý của anh không phải là em hãy vứt công cụ ấy đi. Anh muốn em có thể sử dụng nó một cách đúng đắn, như một thứ công cụ tiện lợi không thể thiếu được trong cuộc đời mình. Chính vì thế em nhất định phải suy nghĩ thật cẩn thận đó nhé! Đây chính là bài tập về nhà lần này của em.

"Vậy, học tập là công cụ dùng để làm việc gì?"

Nếu coi học hành là một công cụ, có lẽ em sẽ dễ nảy ra ý tưởng hơn.

Chúng ta không thể khiến em mất quá nhiều thời gian để chờ cho đến khi mình muốn học được, thế nên anh cũng sẽ chú tâm để trả lời thư thật nhanh.Cũng không cần vội vàng ép mình có tinh thần học hành, nhưng em cũng ráng lên và viết thư trả lời anh nhé!

Từ "Quán chủ",

người luôn trân trọng những công cụ

(*): Waka không biết tuổi của Quán chủ nên gọi chú xưng cháu, nhưng Quán chủ đã biết Waka học lớp 11 nên tự mình đổi cách xưng hô sang anh – em.


THƯ TỪ WAKA

(lá thư thứ hai)

Gửi Quán chủ,

Bức thư đầu tiên của Quán chủ vượt xa tưởng tượng của em rất nhiều.

Từ trước đến nay, trong vô thức em cũng luôn cho rằng học là vì tương lai, là chuyện bắt buộc, thà làm còn hơn không. Em chưa từng coi học hành như một thứ công cụ bao giờ cả. Và em cũng đã hiểu ra rằng nếu xem nó như một thứ công cụ, thì bị dùng cho những mục đích xấu xa sẽ không thể đem lại một kết quả tốt đẹp.

Quả thực để không học cần rất nhiều dũng khí đấy ạ.

Có lẽ vì luôn ám ảnh "mình phải học" nên khi được bảo "đừng học nữa", em lại thấy hơi hoang mang.

Đúng là kỳ quặc thật nhỉ! Khi nghĩ mình phải làm nọ làm kia, ta lại phung phí không biết bao nhiêu ngày tháng mà chẳng hề thực hiện. Nhưng vừa bị ngăn cản làm gì đó thì ta lại chỉ muốn làm ngay.

Em nghĩ đó là vì bản tính của em là "thích chống đối". Nhưng điều anh nói, "thèm học tới mức không chịu được", đâu phải chỉ ở mức độ này phải không? Em có thể cảm nhận được điều đó.

Chỉ là, thật kỳ lạ, nhưng thực sự sau khi đọc xong lá thư đầu tiên, em đã cảm thấy muốn học hơn một chút. Chúng ta may mắn có sẵn công cụ rồi, nếu đằng nào cũng dùng đến, vậy thì em muốn trở thành một người có thể sử dụng thuần thục nó. Chỉ thế thôi nhưng em cảm giác mình trưởng thành lên rất nhiều rồi.

Cứ tình hình này, có lẽ ngày em muốn học bằng mọi giá sẽ đến thôi. Thật là háo hức!

Còn về bài tập của anh.

"Học tập là công cụ dùng để làm việc gì?"

Câu hỏi này thật khó.

Điều đầu tiên mà em nghĩ tới là, "Vì tương lai của bản thân".

Nhưng mà thế này thì kỳ thật. Vì nó không trả lời được cho câu hỏi "Nó là công cụ dùng để làm việc gì?". Hơn nữa sau khi đọc xong thư của anh, em nhận ra rằng câu trả lời này không phải là ý kiến của bản thân em, mà giống em đã từng nghe ai đó nói như vậy thì đúng hơn.

Vì vậy em đã thử nghĩ xem nếu dùng công cụ học hành này em sẽ thu được điều gì.

Thứ đầu tiên chính là "cuộc sống sinh viên".

Hầu hết mọi học sinh trung học trên thế giới này đều sử dụng học hành để có được nó. Nhưng nếu có cơ chế để không cần học cũng có thể trở thành sinh viên, vậy thì còn ai đi học nữa?

Vì thế mà em không tự tin lắm với câu trả lời này.

Bởi nếu bị hỏi lại "Thế những người không tính học lên thì không cần học nữa đúng không?", em cũng không thể trả lời quả quyết rằng đúng thế được.

Nhưng em cũng có cảm giác việc học là bắt buộc... Vì dù không học ở trường lớp, ta cũng vẫn phải học một cái gì đó mà.

Và rồi, khi nghĩ xa hơn chút nữa, em đã nghĩ ra một ý rằng "nó là công cụ để mình có được một công việc mà phải tốt nghiệp đại học mới làm được". Nhưng cũng giống như cái đầu tiên, em cảm thấy nó có gì không đúng.

Vốn dĩ tốt nghiệp đại học rồi vào làm một công ty tốt, hay trở thành bác sĩ hoặc luật sư cũng không có nghĩa là mình chắc chắn sẽ có một cuộc sống hạnh phúc. Trên thế giới, vẫn có những người chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng vẫn vô cùng thành công mà.

Như vậy, càng nghĩ em càng không hiểu công cụ học hành dùng để làm gì.

Nhưng trong suy nghĩ em đã nhận ra rằng, so với những người chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông thì những sinh viên tốt nghiệp đại học quả thực có cơ hội việc làm đa dạng hơn nhiều. Nói cách khác, số lượng những người tốt nghiệp đại học dễ dàng có được một cuộc sống mong muốn của mình luôn áp đảo hơn hẳn.

Vì thế, kết luận của em là:

"Học tập dùng để mang lại cho ta thêm nhiều lựa chon cho tương lai".

Đây là câu trả lời mà hiện tại em có thể đưa ra. Anh thấy sao ạ?

Ừm, thực ra em vẫn thấy có chút chưa đúng lắm.

Mà không, nói là có chút thôi chứ em cảm giác mình sẽ bị chê là nhầm hoàn toàn mất rồi. Không hiểu sao em nghĩ trong thế giới quan của anh sẽ không tồn tại những thứ tầm thường như vậy.

Xin hãy cho em thêm thời gian. Em sẽ thử nghĩ thêm nữa xem sao.

Uchida Waka

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro