"Đứa trẻ ngoan!"

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nền giáo dục Việt luôn có một điểm kì lạ, ở cả giáo viên lẫn bố mẹ, là "đứa trẻ ngoan".

"Ngoan" là bố mẹ thầy cô nói cái gì cũng đúng, con phải nghe, không được cãi trả. Phải cư xử đúng mực, đừng chệch đi khuôn mẫu đề ra, thế mới "ngoan", mới yêu.

Và chính cũng vì cái khuôn mẫu bằng vàng ấy, cái "size" bánh mì ấy, "size" quần áo ấy, mà một bộ phận trẻ con lớn lên chẳng hề còn chút tự tin nào. Người ta cứ bảo "thằng kia nhìn khù khờ lắm", "con kia ít nói lắm", nhưng có biết đâu, sản phẩm của nền giáo dục ấy đấy.

Mỗi cuộc tranh luận, người lớn thích được bày tỏ quan điểm, vâng, không sao cả, mọi người cứ nói, không cấm. Nhưng còn bọn con thì sao?

Hé miệng ra không vừa lòng thì chửi, tôi phải nói là chửi, không phải mắng bình thường. Khác nào vả vào mồm con "Mày im mẹ mồm đi! Tao bảo thế nào là đúng y như thế!"

Lí do vì sao? Vì thể hiện chính mình. Tôi tự hỏi, chính kiến của bọn con thì sao? Có bố, có mẹ, còn con? Bố không nghe, bận nói, mẹ không nghe, im lặng, rồi ai hiểu bọn con? Giới trẻ có khó hiểu chút nào đâu, bọn con chỉ muốn được ai đó lắng nghe mình. Tất nhiên, không phán xét.

Con nói, "Bố ơi, mẹ ơi, con nghĩ thế này..."

"Mày thì biết cái gì, im đi người lớn nói chuyện! Mới tí tuổi đầu mà đòi dạy bố mẹ à? Hả?"

Làm ơn, bọn con hiểu chuyện đấy chứ... Và bọn con cũng biết, bị phán xét bởi gia đình là tổn thương khủng khiếp nhất.

Vậy nên, đừng bắt bọn con im lặng. Nếu mọi người muốn bọn con tự tin bước ra đời, thì hãy để bọn con được tham gia câu chuyện, và thổ lộ ý kiến của mình. Chỉ là bước đệm nhỏ, nhưng sức công phá lớn.

Đáng tiếc thay, đó lại là một tân tiến về tư tưởng ở người lớn và dường như việc lắng nghe con nói mà không phán xét là một điều xa xỉ.

Thật lạ lùng, nhiều bậc cha mẹ, bảo con phải tự tin lên, có ý kiến riêng nhưng lại dạy con nghe lời người lớn, không được cãi trả, không được đấu tranh cho mình. Một khi đứa trẻ bắt đầu cãi lại, chưa cần biết đúng sai, họ phản ứng như thể là một điều nhục nhã và xấu hổ. Dường như ranh giới giữa sự tự tin và hỗn láo mỏng manh tựa lông hồng.

Mỗi lần tưởng ôi có gì đâu, ôi chuyện nhỏ, lại là một lần nện nên nỗi sợ được là chính mình của bọn con. Vô tình, bọn con chỉ biết khép mình lại, kĩ năng giao tiếp tuột dốc không phanh. Vậy làm sao trưởng thành được? Lúc ấy, thành nết "ngoan" rồi, chẳng thể quay đầu lại.

Rồi ra ngoài kia, cảm thấy mình chẳng thể kết nối với ai, đặc biệt là người lớn hơn, chính do sợ bị phán xét và sự "thuần hóa" từ nhỏ.

Ừ, biết đúng sai đấy, nhưng có lên tiếng đâu, có ức đến mấy, miễn là người lớn, miễn là mình "ngoan". Như con rô-bốt!

Rồi sao? Ai thèm đến xỉa?

Thomas Harris nói "... Thế giới trở nên tồi tệ không phải vì những con sói mà vì sự im lặng và cam chịu của những con cừu."

Đào tạo ra những đứa trẻ "ngoan" như vậy, thà đập quả trứng ăn còn sướng hơn.

Tôi nói đây không phải để chê bai hay đả kích ai, chỉ là tôi không thể chấp nhận được quan điểm "ngoan" đó, xin hãy hiểu cho!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro