Bìm bìm và sử quân tử

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà tôi và nhà nhỏ chuyển tới khu đất mới đã được một năm. Nhà tôi ở bên nhà nhỏ, cách nhau có một bức tường. Phòng tôi ở tầng 2, hướng ra ngoài ban công, nơi tôi trồng một dàn sử quân tử. Mỗi ngày, đều đặn như vắt chanh, tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng và chăm sóc nó, như một người bạn của mình. Mỗi lần bạn của bố mẹ tới chơi nhà, khen có thằng con trai khéo tay, lòng tôi vui như hội.

Kế bên là ban công phòng nhỏ, trống huơ trống hoác chẳng có gì. Lâu lâu tôi ngồi học lại nghe tiếng ríu rít bên ban công, hình như là bạn nhỏ. Lần nào tới phòng nhỏ là nhỏ lại đưa mấy đứa bạn ra ban công rồi tíu tít: "Hàng xóm nhà tao có giàn hoa đẹp cực, tụi mày ra mà xem" rồi rộn ràng khoe như là của nhà mình vậy. Rồi là chụp ảnh, up Facebook các kiểu,...đúng là con gái mà. Mỗi lần xuất hiện đều như họp chợ, đến phiền. Nhưng được tự hào bằng mấy bông sử quân tử, lòng tôi cũng thấy vui vui.

Nhỏ và tôi có biết nhau, nhưng chẳng mấy khi nói chuyện. Dù ở gần nhà nhưng chỉ trừ những buổi tối tôi thấy nhỏ đứng ngẩn ngơ ngoài ban công, và những cuối tuần ríu rít cùng mấy đứa bạn, thì hầu như chúng tôi chẳng bao giờ gặp nhau. Nhỏ học ở một trường xa lắc xa lơ, cách nhà gần chục cây số. Tôi thì mới chuyển tới trường gần nhà, tuy mọi thứ đều mới, nhưng rồi sẽ quen thôi.

Lớp 10, nhỏ và tôi vào học cùng trường, lại còn cùng lớp. Có lẽ nào là duyên số...

Vừa vào lớp nhận ra tôi, nhỏ mừng như bắt được vàng, đưa ngay cái cặp đỏ hồng để ngay cái ghế cạnh chỗ tôi cười rãng rỡ: "Tớ xí chỗ này nhé" rồi chạy ra ngoài. Mái tóc ngắn của nhỏ còn cột lên cao, nhìn từ phía sau như đuôi chim sẻ. Nghĩ tới điều đó, tôi ngồi cười một mình như thằng dở hơi.

Ly – cô bạn xinh nhất lớp vừa mới tới, chỉ vào cái cặp hồng choé hỏi tôi: "Cậu ơi, chỗ này có người ngồi rồi à". Mất vài giây để lưỡi tôi có thể hoạt động trở lại, tay cầm cái cặp để xuống bàn dưới, miệng thì lắp bắp: "Không, đã có ai ngồi đâu, cậu ngồi đi". Ly phì cười. Thật không ngờ ngày đầu tiên đến trường đã có niềm vui như thế.

Tiếng trống đầu tiên vang lên, nhỏ chạy vào và hớt hải tìm cái cặp. Khi phát hiện cái cặp bị rời xuống bàn cuối, chỗ trống còn lại duy nhất, nhỏ nhìn tôi thắc mắc khó hiểu. Tôi vội trả lời ấp úng: "Cậu ấy bị cận, ngồi trên cho dễ nhìn. Cậu ngồi phía sau cũng được". Nhỏ nhìn tôi vẻ khó hiểu, tay chỉ vào cặp kính bự chảng trên mặt: "Thế hai mảnh thuỷ tinh trên mặt tớ không phải là kính mà là đít chai hả. Vô duyên" rồi quay về chỗ ấm ức. Lúc ấy cảm giác tội lỗi trong tôi mới nhói lên. Cả buổi buồn xo, lâu lâu tôi quay lại nhìn xem nhỏ thế nào. Thế mà nhỏ chả thèm nhìn tôi lấy một lần, mặt kiêu đến ghét. Đã vậy, tôi chẳng thèm quan tâm.

Dàn hoa sử quân tử có mấy cành mọc sang ban công nhà nhỏ. Sáng hôm sau bị vặt trụi không còn một bông. Dàn hoa rơi đau đớn trước ban công cũng đánh dấu một cuộc chiến tranh lạnh giữa tôi và nhỏ, không cần một lời tuyên chiến.

Nhỏ học tốt Lý, còn tôi học được môn Hoá. Tôi không thích môn Lý tẹo nào. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ học tốt môn Lý cho đến khi bị nhỏ vượt mặt những bài kiểm tra Lý trên lớp. Nhỏ cũng không vừa. Nghe thằng bạn ngồi cạnh bảo nhỏ cũng học Hoá như điên. À, muốn chiến à. Vậy để xem ai thắng.

Ngoài những tranh luận gay gắt trong những giờ trên lớp, hầu như tôi và nhỏ chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Đi học về nếu cùng đường, nhỏ sẽ cố gắng đạp xe thật nhanh để vượt trước tôi. Chẳng biết từ đâu ra, nhỏ cũng tòm được một dàn hoa bìm bìm tím trồng trước ban công. Hoa bìm bìm có vẻ dễ chăm sóc hơn sử quân tử, tôi thấy hiếm khi nào nhỏ tưới nước cho cây, vậy mà vẫn xanh mướp rợp cả ban công. Mặc dù biết những bông hoa mỏng manh đó chẳng thế nào so sánh với sử quân tử của tôi, tôi vẵn cảm thấy lòng chẳng vui tý nào. Những đứa bạn của nhỏ vẫn đến, nhưng nhỏ chẳng bao giờ khoe về dàn sử quân tử của tôi nữa mà chỉ nói về dàn hoa bìm bìm của nhỏ. Nhiều khi tôi thấy những bông hoa đỏ của tôi cô đơn lạ lùng.

Tôi và nhỏ học cùng 3 năm phổ thông, Và cũng chẳng nói với nhau một câu tử tế bao giờ. Nhiều khi tôi muốn giảng hoà, mà cứ nhìn cái mặt kiêu căng của nhỏ nên lại thôi.

Tôi và Ly ngồi cạnh nhau. Đám con trai trong lớp vẫn thường ganh tỵ với tôi vì cả 3 năm trời được ngồi cạnh người đẹp. Tôi không thích Ly, chỉ là bạn bè. Nhưng mỗi khi nghe lũ bạn trêu, tôi cũng chưa bao giờ phủ nhận. Mỗi lần có mặt nhỏ gần đó, tôi thường cố tình ngồi nói chuyện thân thiết với Ly. Đáng tiếc, mặt nhỏ vẫn chẳng đổi sắc tí nào, vẫn là cái mặt lạnh lùng không quan tâm đó. Nhiều lúc tự thấy mình là một kẻ ngốc nghếch chẳng hơn...

Lên 12, nhỏ ngồi cùng Hải, tên mới chuyển vào lớp tôi. Vẫn cách tôi ba cái bàn, nhưng là ở phía trên. Mỗi lần nhìn thấy nhỏ chụm đầu giảng Lý cho Hải, tôi lại thấy lòng nhói lên những cảm giác không vui. Tôi cũng chẳng bao giờ chơi với Hải, và có vẻ Hải cũng chẳng ưa tôi tí nào. Từ ngày nhỏ và Hải thân nhau, con đường về nhà của tôi không bị nhỏ đạp vượt lên trước nữa. Có vẻ là cùng đường, ngày nào Hải cũng đèo nhỏ tới trường, nói chuyện và cười ríu rít. Tôi thấy mình lại là kẻ cố tình đạp vượt lên, vì chẳng muốn nhìn thấy cảnh đó chút nào...

Ngày lớp tôi đi du lịch suối Ngà hai ngày, nhỏ không tham gia. Đường đường là lớp trưởng, tôi chẳng thích chuyện này tẹo nào. Lớp tôi chỉ đúng hai kẻ không tham gia, là nhỏ, và Hải.
Mặc kệ, vắng cô thì chợ vẫn đông. Lớp tôi vẫn đi du lịch như thường, vắng có hai người cũng chẳng làm chúng tôi bớt hò hét và nhảy múa đi. Chỉ là không hiểu vì sao lòng tôi lại cảm thấy trống trải lạ kì, có chút ghen tuông nữa... Tôi vẫn phải cầm đầu mọi phong trào chơi bời của lớp, nhưng thật sự lòng cảm thấy không vui...
Tôi chỉ mong đến ngày về.

Sáng thứ Hai đến lớp, tôi đã xông ngay đến bên nhỏ. Chưa kịp cãi nhau với nhỏ, Hải đã lôi tôi ra ngoài.
Tôi bực tức chưa kịp cất lời, Hải đã nói ngay:
- Cậu không thấy cậu ấy đang rất mệt à, đừng gây chuyện nữa.
Tôi giật mình. Thực sự là tôi không biết. Tôi vùng vằng khỏi tay Hải lớn tiếng:
- Chuyện của tớ và cậu ấy không cần cậu phải xen vào.
Rồi bỏ vào lớp. Nhỏ vẫn nằm bẹp trên bàn. Giờ hóa hôm ấy chỉ mình tôi phát biểu, cũng chẳng có ai để cải vả, tranh luận, cảm giác buồn đến vô cùng.
Những ngày sau đó, tôi vẫn thấy Hải đèo nhỏ về. Nhỏ mệt mỏi gục trên lưng Hải, lặng im. Lần này tôi không vượt lên nữa mà đạp chầm chậm phía sau. Những cành phượng thả những chiếc lá li ti ngợp trời. Tôi cứ đi như thế, mà nghe nỗi đau gặm nhấm trong lòng. Lẽ nào, tôi đã thích nhỏ mà không biết...

Những ngày tháng cứ thế trôi qua, chúng tôi quay cuồng trong những lớp học thêm, chỉ biết học và học. thi thoảng tôi thấy nhỏ buông bút nằm bẹp trên bàn, ngắm nhìn những cành phượng đang rung rinh bên ngoài cửa sổ. Thi thoảng tôi vẫn thấy nhỏ ngồi bên hàng bìm bìm nhìn hàng sử quân tử của tôi buồn buồn. Thi thoảng tôi vẫn thấy nhỏ hát một khúc hát chẳng rõ lời một mình ở bên ban công... Tôi vẫn thấy mình luôn tìm thấy nhỏ ở bất cứ đâu, và chỉ dám nhìn mà chưa bao giờ dám gọi tên hay lại gần. Tôi cứ nhút nhát như thế, cứ dựng gai lên với nhỏ mỗi lần gặp mặt như thế, và để cho Hải có cơ hội bước lại gần nhỏ hơn...

Buổi học cuối cùng, lớp tôi viết chữ lên áo cho nhau. Sau một lúc chần chừ, cuối cùng tôi cũng tới viết cho nhỏ. Bên chỗ trống chỗ tôi định viết là hàng chữ của Hải tôi đậm nét: "Tớ sẽ luôn bên cậu" cùng một hình trái tim nhỏ xíu. Tôi thấy lòng chợt nhói lên. Sau một lúc phân vân, nhỏ quay lại nhìn tôi với ánh mắt gầm gừ: "Thế có định viết không, hay là nghỉ đi". Tôi quyết định vẽ ngay mặt một con cá sấu lên lưng áo nhỏ. Lũ bạn phía sau cười ré lên, nhỏ nhìn tôi theo kiểu có thể nuốt ngay tôi vào bụng được. Áo tôi đã kín chữ, nhỏ vẫn nhất quyết đòi viết lên cho bằng được.
Về đến nhà, tôi hồi hộp cởi áo ra xem. Giữa muôn ngàn dòng chữ chen chúc chi chit nhau, tôi phải mất 10 phút ròng để tìm được hàng chữ tí xíu của nhỏ.
"Cậu là một kẻ ngốc"
Ừ, tôi vốn là một kẻ ngốc mà. Nên mãi mãi chẳng bao giờ được nhỏ để ý, cũng chẳng bao giờ dám thổ lộ lòng mình.

Trước ngày tổng kết năm học, nhỏ đứng trầm ngâm ngoài ban công. Tin nhắn đến máy tôi:
- Ra ngoài ban công đi, trăng sáng lắm...
Tôi bước ra ngoài. Nhỏ đang say sưa ngắm ánh trăng, khuôn mặt bừng sáng lên. Lần đầu tiên tôi thấy nhỏ đẹp đến thế...
Dàn hoa bìm bìm nở kín cả ban công, giữa ánh trăng cũng trở nên tươi đẹp vô cùng. Mùi hương của sử quân tử phang phảng trong gió... Chúng tôi cứ đứng như thế rất lâu, rất lâu.

Sau buổi sáng tổng kết năm học, buổi chiều cả lớp tôi liên hoan một trận ra trò. Có đứa cười, có đứa khóc, còn tôi cũng rưng rưng. Tôi thấy nhỏ và Hải ngồi bên nhau rất lâu. Liên hoan xong cả lũ kéo nhau xuống biển, ngồi ngay trên bãi cát hát hò, nói đủ thứ chuyện trên đời. Hải không ở bên nhỏ như mọi lần, mà chạy ra ngồi giữa lũ con trai. Không hiểu một lúc chuyển chỗ qua lại thế nào, nhỏ và tôi lại ngồi cùng nhau. Ánh trăng đêm giữa biển thật đẹp. Cái khung cảnh mờ ảo xen cùng tiếng cười nói rộn ràng, làm tôi thấy nuối tiếc những ngày đã qua đến đau lòng.

Điện thoại tôi có tin nhắn, là từ Hải: "Cậu ấy nói cậu là một tên ngốc quả không sai. Cậu ấy đã thích cậu bao nhiêu năm mà cậu cũng chẳng không biết. Không hiểu sao mình lại phải thua một kẻ ngốc như cậu nữa".
Tôi giật mình, nhìn sang nhỏ hỏi ngay một câu ngốc nghếch: "Cậu thích mình sao".
Tôi cũng chẳng thể hiểu tại sao mình lại nói ra câu ấy ngay lúc đó, và cũng chẳng thể tưởng tượng được đôi mắt ngạc nhiên của nhỏ đang nhìn tôi.
Bỗng nhiên nhỏ nhíu mày, và chợt nhìn ra xa, vẫn giọng điệu kiêu ngạo ấy: "Ừ đấy, có vấn đề gì nào?"
Tôi phì cười:
"Không, lần đầu tiên thấy mình có điểm chung thôi".
Tôi cũng nhìn ra xa, nơi có những con sóng đang mải miết vỗ vào bờ rì rào như khúc nhạc mùa Hè... Hẳn khi ánh trăng rực rỡ đang chiếu sáng nơi đây, ở bên ban công nhà, những đóa hoa sử quân tử và bìm bìm đang nở, cùng nhau. Dù vẫn phân chia ranh giới rạch ròi đấy thôi, chúng vẫn cứ quấn quýt vào nhau như những người bạn, và rồi hơn thế.
Tự nhiên tôi lại thấy mình như đóa hoa sử quân tử, còn nhỏ như bông bìm bìm. Chỉ cần còn có nắng, còn có ánh trăng... chúng tôi vẫn sẽ bên cạnh nhau. Chẳng biết con đường phía trước như thế nào, chỉ cần chúng tôi cố gắng hết mình, mọi việc rồi sẽ ổn. Nếu biết bên mình luôn có một người lặng lẽ dõi theo, còn điều gì để sợ hãi trên đời này nữa chứ...

NGUYỄN THỊ NHUNG

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro