4. Biến mất

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mùa đông 1997.

Tính đi tính lại, tôi đã lên lớp Năm rồi, cuộc sống ba năm qua có chút bình dị. Thời gian biểu của tôi dường như không thay đổi gì mấy, cứ sáng thức dậy đi học, rồi lại về, lại làm bài tập, chán quá thì tìm anh Tùng đi chơi.

Trường học "trộn" danh sách mỗi năm nên tôi cũng chẳng buồn mà kết thân với ai, tới trường học hết ngày thì về. Trái lại thì tôi đi chơi với anh Tùng nhiều hơn, cũng quen biết được mẹ anh.

Mẹ anh là một người phụ nữ rất đẹp, nhìn cứ giống mấy cô diễn viên trên tivi[1] mà tôi thường xem kế bên nhà bác Hai. Mặc dù cô ấy có má lúm đồng tiền khi cười lên cứ như là mặt trời ấy, nhưng mà mắt của cô lại có nét buồn buồn, tóc cũng bạc lấm tấm vài sợi dù chưa ngoài 40. Anh thương mẹ lắm, đôi lúc tôi thấy anh như siêu nhân ấy, sáng đi học, tối làm thêm, chiều lại chăm ba phụ mẹ. Còn ba anh, chú ấy vẫn sống thực vật như vật được 3 năm rồi. Đôi lúc tôi cũng nắm tay chú, mong chờ chú tỉnh dậy, tôi không muốn thấy anh với mẹ anh cứ buồn bã mỗi ngày.

Gần hơn một tuần, tôi không tìm anh đi chơi. Thi học kỳ áp lực quá, lại cộng thêm việc mẹ cứ mắng tôi về điểm bài kiểm tra môn Tập làm văn hôm trước điểm hơi kém nên tôi cũng không muốn đi chơi. Nhưng chiều hôm ấy, lý trí cứ nói với tôi là tôi nghỉ ngơi, thoải mái để thư giãn, vậy nên tôi đến bệnh viện tìm anh Tùng để đi chơi. Ánh mặt trời đỏ rực nhẹ, nhưng lại bị từng áng mây hồng kéo đến che khuất đi ánh sáng. Vẫn là những làn sương mù lững lờ giăng mắc, làm mờ đi cảnh vật xung quanh, khiến không khí trở nên mơ hồ và loãng dần.

Bệnh viện Trung ương Đà Lạt hiện ra trước mắt tôi như một ngôi biệt thự cổ kính giữa rừng thông bạt ngàn. Nằm trên ngọn đồi cao, tòa nhà chính sừng sững với kiến trúc Pháp đặc trưng. Mái ngói đỏ tươi nổi bật trên nền trời xanh nhạt, những bức tường màu vàng nhạt tạo nên vẻ cổ điển và trang nhã. Các ô cửa sổ hẹp và cao, viền khung gỗ trắng, chạy dọc theo tòa nhà, gợi lên cảm giác như đang đứng trước một cung điện cổ kính.

Lối vào bệnh viện là một bậc thang dài, hai bên phủ đầy hoa cỏ và những cây cảnh tươi tốt. Những chậu hoa được xếp ngay ngắn dọc theo lối đi, làm cho khung cảnh thêm phần tươi mát và dễ chịu. Trước cổng chính, những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát, tạo nên một không gian yên tĩnh và thanh bình, mặc dù bên trong đó đang chứa đựng biết bao nỗi lo âu và hy vọng.

Tôi nhìn những người đến đây, lại có chút suy nghĩ, họ đi thăm bệnh nhân cũng có, khám bệnh cũng có mà bị bệnh cũng có, ai nấy đều mang trong lòng những nỗi niềm riêng biệt, kẻ vui mừng vì người thân xuất viện, người buồn bã vì bệnh tình chưa dứt.

Gia đình anh Tùng nằm ở phòng số 18, cuối lầu 2. Tôi bước đi chậm rãi, mùi hương của các dụng cụ y tế xộc lên mũi, mang đến một cảm giác khó tả. Khi bước vào phòng, tôi bàng hoàng khi thấy giường của bệnh nhân trống trơn, tấm ga giường sạch sẽ không còn dấu vết gì của bệnh nhân. Tôi hoảng hốt hỏi cô y tá đang chăm sóc bệnh nhân kế bên:

"Chị ơi, chị có thấy bệnh nhân nằm ở giường này đâu không?"

Cô y tá tỏ ra vẻ mặt khó chịu, đáp: "Ông ấy mất rồi, đã đem xác đi an táng cách đây một tuần rồi."

Tôi lo lắng hỏi tiếp: "Dạ, thế chị có thấy cô vợ với con của chú ấy... hai người hay chăm sóc cho bệnh nhân này không ạ?"

"Họ đi đâu thì tôi biết làm sao được?" cô y tá quát lên, giọng đầy sự khó chịu.

Tôi hụt hẫng, không còn tâm trạng để đôi co với cô y tá, trong lòng chỉ toàn những suy nghĩ về anh. Những câu hỏi không có lời đáp hiện lên trong đầu: "Ba anh mất rồi sao? Liệu anh có vượt qua được chuyện này không? Giờ anh đang ở đâu? Anh đi mất rồi thì tôi sẽ chơi với ai?"

Tôi đạp xe thật nhanh đến trường anh cách đó không xa, chạy ngay đến phòng giáo viên. Tôi biết cô giáo chủ nhiệm của anh, cô tên Thảo. Cô luôn yêu thương Tùng vì anh học giỏi và đam mê toán học. Thấy tôi, cô đứng lên hỏi: "Em tìm ai vậy?"

"Em là bạn của anh Nguyễn Thanh Tùng, cô có thể cho em xin địa chỉ nhà của anh Tùng được không ạ?"

"Ơ mẹ em Tùng đã rút học bạ cách đây 2 ngày rồi, em ấy không nói gì với em sao?"

Tay chân tôi rã rời, tôi ngơ ngác. Anh Tùng đã rời bỏ tôi. Mọi việc xảy ra quá nhanh, tôi còn chưa kịp gặp lại anh lần cuối. Cô Thảo cho tôi địa chỉ nhà anh, tôi nhận lấy tờ giấy và chạy ra khỏi cổng trường, phóng nhanh trên chiếc xe đạp, băng qua ngọn đồi.

Trời bắt đầu chìm vào màu đen tĩnh mịch, sương mù dày đặc hơn trong tháng 12. Cái lạnh thấu xương, đôi môi run rẩy, hơi thở càng gấp gáp. Tôi không còn quan tâm nữa, chỉ muốn gặp anh, sà vào lòng anh để được anh âu yếm. Anh không chào tôi trước khi đi, anh không thích tôi à, mấy cái suy nghĩ ấy cứ văng vẳng trong đầu. Tôi đạp xe chiếc xe nhỏ của mình, cảm xúc không kiềm nỗi nữa, òa khóc. Tôi cứ chạy, chạy mãi một lúc tới cũng con đường mòn nhỏ, rồi tôi giảm dần tốc độ, xuống xe dắt bộ. Tôi chậm chậm đi tìm địa chỉ nhà, chỗ anh ở cũng không khó kiếm. Trước mặt là căn nhà nhỏ màu kem, xây theo kiến trúc Pháp, với các ô cửa sổ khung gỗ đơn giản. Xung quanh nhà tràn ngập hoa, từ hoa tulip đến hoa hồng đỏ, mùi hương ngào ngạt khắp không gian.

Tôi đến trước cánh cửa gỗ và mở nhẹ ra, cảnh tượng vắng lặng não nề.

"Cháu xin phép vào ạ." Tôi bật công tắc đèn rồi nói to, nhưng nhà đã ngắt điện, chỉ còn bóng tối ở lại. Đồ đạc đều được phủ các tấm vải trắng. Tôi tiến tới cái bàn chỗ ghế sofa, lật tấm vải trắng lên, thấy khung ảnh úp xuống. Lật khung ảnh lên, tôi thấy hình ảnh hai người đàn ông, một già, một trẻ. Nét mặt anh hiện rõ, đây là bức ảnh anh chụp hồi nhỏ với ba. Nụ cười hồn nhiên của anh nhìn rất hạnh phúc. Tôi đặt khung ảnh xuống bàn, phủ lại lớp vải khi nãy và lặng lẽ rời khỏi căn nhà.

Từ hôm đó, tôi không còn gặp lại anh nữa. Không một lời nhắn, không một lá thư. Tôi chợt nhận ra mình lại cô đơn. Một mình dạo bước trên bờ hồ Xuân Hương, lại thấy cái ghế đá ở gốc cây đó, bất chợt hình ảnh chúng tôi ăn bánh tráng nướng cùng nhau, lửa than cháy đỏ rực, dây chuyền ngôi sao anh tặng tôi ở chợ, anh ngân nga những bài hát của Lam Trường... Tất cả hiện lên như một thước phim chiếu chậm. Đôi mắt tôi ngấn lệ, nước mắt tuôn rơi. Tôi muốn gặp lại anh, muốn cùng anh đi khám phá khắp nơi...

* * *

Thấm thoát sau khi hết Tết thì cũng đã gần tới mùa hè, tiếng ve sầu kêu ríu rít ở sau nhà tôi.

"Dậy thôi con, tranh thủ dự lễ rồi về ngủ tiếp á." Mơ mơ màng màng chưa tỉnh ngủ, tôi hé mở mắt, bên cạnh là ông ngoại đang cố kêu thằng nhóc Trọng dậy. Nay là buổi cuối đi học rồi.

Ông ngoại buộc cho tôi kiểu tóc hai chùm như thường lệ, rồi sửa lại khăn quàng đỏ mà thằng Trọng đang thắt sai. Xong hết thì ông lại đưa mỗi đứa một ổ bánh mì mua sẵn, rồi lại loay hoay dắt cái xe máy cũ ra ngoài sân, chuẩn bị chở hai chị em đến trường. Năm nào cũng thế, cứ đến lễ tổng kết là ông sẽ chở chị em tôi đi, tôi có nói ông đừng đi, sợ ông mệt thì ông lại bảo: "Không không, ông sợ hai đứa nhận quà rồi lại phải ôm quà đi bộ về thì mệt."

Thế đó! Hai chị em được ông đèo tới trường.

Trở về nhà, tôi nhìn thấy mẹ đang pha trà, tôi tự hỏi chẳng phải mẹ đi làm sao?

"Mẹ lên lúc nào thế?" Đặt cái cặp xuống, tôi vừa cởi giày, vừa hỏi.

"Mới tới thôi, em con đâu rồi." Mẹ nhìn tôi rồi cầm tách, nhấp một ngụm trà. Tôi cầm lấy ly nước uống cạn rồi mới trả lời:

"Dạ, em con đang ngồi chơi với mấy tấm thẻ bài trong phòng." Tôi đáp rồi nhìn vào phía sau nhà. Những tấm thẻ này nó kiếm được khi chơi thắng mấy đứa bạn trong lớp đang được bày đầy khắp sàn, một thú vui không thể thiếu của tụi con trai vào giờ ra chơi.

Mẹ ngừng uống trà, nhẹ nhàng đặt tách xuống bàn chậm rãi nói: "Trang này, con với em chuẩn bị hành lý, thu gom lại đồ đạc. Mấy hôm nữa tụi con sẽ xuống Sài Gòn ở với ba mẹ."

Thoáng chút giật mình, Đà Lạt là nơi tôi đã gắn bó với nhiều kỷ niệm đẹp, mặc dù thời gian ở đây cũng chưa được lâu. Một chút cảm giác bồi hồi trong lòng, sẽ không còn được ở đây thêm bao lâu nữa. Tôi chưa kịp nói thì chợt nghe tiếng đập nhẹ vào vách tường, tiếng của thằng Trọng gào lên:

"Không, không về đâu! Con không muốn về Sài Gòn!"

Mẹ tôi sững người, vội la lên: "Phải về!" Nó cứng đầu không nghe, chạy một mạch ra khỏi nhà, vượt qua hàng rào gỗ cũ kỹ, rồi phóng như bay về phía cánh đồng hoa đằng sau. Tôi nhìn mẹ, thấy mẹ cau mày một chút nhưng không nói gì thêm.

"Để con đi dỗ em." Vừa nói xong liền tức tốc đuổi theo Trọng, tôi biết cánh đồng này là nơi yêu thích của nó, nơi mà nó hay đem con diều ra để thả bay theo làn gió mát vào mỗi buổi chiều sau khi tan học về. Tôi bước chậm đến chỗ thằng bé, nó ngồi thu mình, tay vẫn còn nắm chặt mấy tấm thẻ bài, nước mắt chảy dài trên má.

Ngồi xuống bên cạnh, tôi ôm lấy vai nó, dỗ dành: "Nghe chị nói này, lên Sài Gòn mình sẽ được học nhiều thứ hơn, em sẽ có nhiều bạn mới, nhưng mỗi khi nghỉ hè mình lại về Đà Lạt thăm ông ngoại, thăm các bạn ở đây. Mình sẽ quay lại mà em." Tôi dịu dàng thuyết phục, dù lòng mình cũng trĩu nặng. Trọng vẫn khóc, nhưng tiếng khóc đã nhỏ dần, như thể nó đang dần hiểu ra điều gì đó.

Cuối cùng, Trọng quay lại nhìn tôi, đôi mắt ngấn lệ, bĩu môi gật đầu như đồng ý với tôi. Nó ôm chầm lấy tôi, nước mắt của nó ướt đẫm trên vai tôi. "Chị Trang, em không muốn xa ông ngoại, không muốn xa chỗ này... nhưng được rồi em sẽ nghe lời chị."

Tôi nhẹ nhàng vỗ về lưng nó, lòng nhẹ nhõm hẳn nhưng cũng không kém phần xúc động. Hai chị em cứ thế ôm nhau giữa cánh đồng hoa, trong làn gió thoảng qua, hương thơm dịu dàng của đất trời Đà Lạt bay thoang thoảng, nơi chứa đựng bao kỷ niệm mà cả hai chúng tôi đều trân quý.

Đó cũng là lúc tôi phải nói lời tạm biệt với nơi đây, gắn bó với tôi sau bao nhiêu thời gian chung sống với ông ngoại.

"Chị có muốn đi chơi mấy chỗ kia lần cuối không?", Trọng tò mò hỏi.

"Chúng ta dọn xong sẽ đi dạo vòng quanh Đà Lạt ha."

Tôi sắp xếp đồ đạc gọn gàng, đem theo những vật dụng cá nhân cần thiết. Trong cái tủ đồ có ngăn tôi hay để những đồ vật quan trọng. Bỗng tôi thấy trong đó có một cái hộp hình vuông khá cũ kỹ. Tôi mở ra, bên cạnh những bức ảnh thời trẻ của ông ngoại và bà ngoại, ngắm nhìn một hồi lâu, ngoài những bức ảnh ra, tôi thấy trong đó có một phong bì được dán niêm phong nhưng có vẻ chưa được dán tem. Nhìn tên người nhận là "Hoàng Ân", tôi mở niêm phong bức thư ra và thấy bên trong là một tấm ảnh ông ngoại chụp với một người phụ nữ rất trẻ đẹp. Mái tóc dài, đen mượt như suối, xõa nhẹ xuống đôi vai thon thả. Đôi mắt cô ấy sáng ngời, lấp lánh niềm vui, pha lẫn chút tinh nghịch, như thể đang chứa đựng cả một thế giới cổ tích bên trong. Gương mặt cô thanh tú, làn da trắng ngần như búp bê sứ, đôi môi đỏ hồng tươi tắn như cánh hoa đào, đằng sau có một lá thư.

"Gửi Hoàng Ân yêu thương của anh,

Khi cầm bút viết những dòng này, anh biết có lẽ đây sẽ là bức thư cuối cùng anh có thể gửi cho em trước trận chiến cuối cùng. Nơi chiến trường, bom đạn và những tiếng súng nổ rền vang không ngừng làm lòng anh nhớ về em da diết.

Ân ơi, mỗi khi nhớ về nụ cười dịu dàng của em, đôi mắt sáng ngời như sao đêm của em, anh lại thấy mình như được tiếp thêm sức mạnh. Em là nguồn động viên vô cùng quý báu, là động lực để anh vượt qua những khó khăn, gian khổ nơi chiến trường. Những kỷ niệm giữa chúng ta luôn hiện lên trong tâm trí anh, như ngọn đèn sáng giữa đêm tối mịt mù.

Em yêu, anh hy vọng và cầu nguyện rằng chiến tranh sớm kết thúc, để anh có thể trở về bên em, cùng em xây dựng một cuộc sống bình yên. Hãy tin rằng anh sẽ trở về, để chúng ta có thể nắm tay nhau đi tiếp quãng đường còn lại, để chúng ta có thể thực hiện lời hứa sẽ cưới nhau và sống hạnh phúc bên nhau trọn đời.

Anh biết rằng thời gian xa cách không hề dễ dàng, nhưng hãy kiên nhẫn và mạnh mẽ. Anh tin rằng tình yêu và niềm tin của chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách, kể cả những thử thách khắc nghiệt nhất của chiến tranh.

Hãy chăm sóc bản thân và giữ gìn sức khỏe. Đợi anh trở về! Đợi ngày mà đất nước không còn chiến tranh, ngày mà anh có thể về bên em, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng tổ ấm mơ ước.

Nhớ em vô cùng.

Thương nhớ,

Đức."

Tôi đọc mà tâm trạng bồi hồi, có vẻ như đây là một mối tình mà ông không bao giờ kể. thì ra ông cũng có mối tình sâu đậm với thanh mai trúc mã. Bức thư này đã cũ, tờ giấy vàng cùng những dòng chữ được viết bằng bút máy. Chút suy nghĩ lại xuất hiện trong đầu, đây có thể là lá thư ông viết mà chưa kịp được gửi đi tới tay mối tình đầu của ông hoặc thanh mai trúc mã của ông. Sắp xếp lại như cũ, tôi cất lại chiếc hộp bỏ trong tủ và để cho kỷ niệm sẽ ở lại bên cùng căn nhà này.

* * *

Ba hôm sau, ông giúp hai chị em xem lại đồ cần dùng, còn về phần mẹ tôi đã đi rút học bạ của hai đứa hôm qua rồi. Sau khi xin phép mẹ và ông ngoại, tôi và em trai đi dạo quanh bờ Hồ Xuân Hương, không khí mát mẻ hơn nhiều so với những ngày thường. Bầu trời trong xanh, những đám mây trắng trôi lơ lửng như những chiếc bông gòn khổng lồ.

Chúng tôi tiến về phía cái cầu hình chữ Y gần bờ hồ. Một chiếc cầu nằm bên bờ hồ, có mấy lần tôi để ý hay có một vài cặp đôi tới chụp hình kỷ niệm, lâu lâu thì lại thấy các chú cầm cần câu đi câu cá. Gần đó, hàng cây san sát nhau, những tán cây đung đưa trong gió nhẹ, tạo nên một khung cảnh thơ mộng và yên bình.

Em trai tôi cười toe toét, chỉ tay về phía mặt hồ lấp lánh ánh nắng. Mặt hồ lặng như tờ, phản chiếu ánh sáng vàng rực của mặt trời mùa hè, trông như những mảnh vụn vàng rơi rớt trên mặt nước.

Chúng tôi chạy dọc theo bờ hồ, chân trần chạm vào làn cỏ mịn màng, cảm nhận sự mát lạnh len lỏi qua từng kẽ chân. Tiếng cười nói vang lên trong không gian, hòa quyện cùng tiếng gió xào xạc và tiếng chim hót líu lo.

Tôi và Trọng đạp xe rồi dừng ở một chỗ khác — Ấp Ánh Sáng. Chúng tôi thong thả đi dạo vào trong, một khu phố cũ mang đậm dấu ấn của Đà Lạt xưa. Con phố nhỏ này đã tồn tại từ những năm 1930, khi những gia đình từ Huế vào đây lập nghiệp. Những ngôi nhà cũ kỹ, san sát nhau với những bức tường màu theo phong cách của Pháp và mái tôn đỏ đã bạc màu, tạo nên một không gian vừa bình dị, vừa thân quen. Hai bên dãy nhà được ngăn cách bằng con đường nhỏ được xếp bằng các lát đá vừa khít, tạo cảm giác như đang dẫn lối vào một thế giới mới vậy. Trọng trầm trồ khi nhìn thấy chiếc Vespa[2] cổ màu xanh lam sang trọng đứng bên hiên nhà. Dân cư nơi đây sống chan hòa, vui vẻ, làm cho khu phố thêm phần ấm áp.

"Đói lắm không? Chị dắt em vào quán bánh mì xíu mại nhen."

Trọng gật đầu, tôi dắt tay nó vào trong quán ăn. Phong cách bày trí quán này trông có phần quen thuộc, biển hiệu được tô điểm bằng nền màu xanh nước biển, viết cách điệu màu đỏ với dòng chữ "Bánh mì xíu mại cô Hai". Tôi với đứa nhóc vào trong, gọi hai tô bánh mì xíu mại. Cái mùi thơm từ nồi nước lèo thoảng lên làm chị em tôi bụng cứ kêu réo réo. Quán này nổi tiếng với món này, lúc nào cũng đông nghẹt vào buổi sáng. Giờ đang là giờ chiều rồi, nên quán có vẻ ít bớt khách hơn chút.

Phục vụ bưng ra hai tô xíu mại, trong đó có hai viên xíu mại to tướng kèm với một chút hành xắt nhuyễn. Trọng thốt lên, "Thơm quá!" Tôi không đợi thêm mà chấm bánh mì vào tô cho vào miệng ngay tắp lự.

"Công nhận quán này làm ngon thật." Tôi tấm tắc khen nấy khen để.

Ánh hoàng hôn nhuộm vàng những phiến đá, biến chúng thành những tấm gương khổng lồ phản chiếu một bầu trời đang dần chuyển màu. Chói lọi, rực rỡ rồi nhạt dần, nhường chỗ cho một màu tím huyền ảo. Cảnh tượng ấy đẹp đến mê hồn, khiến hai đứa tôi cứ đạp xe chậm rãi, không nỡ rời mắt.

Chợ đêm Đà Lạt như một lễ hội đường phố không bao giờ tắt. Ánh đèn đủ màu sắc lung linh chiếu rọi, hòa quyện với tiếng cười nói rôm rả, tiếng rao hàng lanh lảnh. Mùi thơm của bánh tráng nướng, của bắp nướng, của đủ loại trái cây chín mọng quyện vào nhau, tạo nên một bản giao hưởng đầy hấp dẫn. Hai đứa tôi cứ thế mà lạc vào một thế giới khác, quên hết cả chuyện phải về Sài Gòn.

Con đường dẫn vào chợ đêm lung linh như một dải ngân hà thu nhỏ. Những dãy hàng quán san sát nhau, bày bán đủ thứ khiến mắt hoa da chóng mặt. Mùi thơm nồng nàn của đủ loại thức ăn kích thích vị giác của chúng tôi. Vừa đi, vừa ngắm, vừa hít hà, hai đứa tôi như những chú chim non lạc vào một vườn hoa đầy màu sắc.

Chúng tôi dừng chân tại một quầy bán bánh tráng nướng quen thuộc, nơi tôi từng ăn cùng với anh Tùng. Hương vị này liệu còn sẽ giống với khi tôi ăn ở trên thành phố không nhỉ?

Đi sâu hơn vào chợ, chúng tôi bắt gặp một quầy hàng bán dâu tây tươi. Những quả dâu đỏ mọng, căng tròn nằm gọn trong những chiếc rổ xinh xắn, nhìn thôi đã muốn thưởng thức ngay. Em trai tôi háo hức mua một hộp dâu, cắn một miếng dâu tươi ngọt lịm, rồi vui vẻ chìa ra cho tôi.

Sau khi rời chợ đêm Đà Lạt, chúng tôi nhanh chóng về nhà, trời đã gần khuya, Trọng thấp thỏm sợ mẹ la. Hai chị em vừa mở cửa đã thấy ông ngồi chờ sẵn. Ông không mắng chúng tôi, cũng không đánh, chỉ ôm gọn cả hai đứa vào lòng.

"Hai con đi chơi vui không? Vào ngủ lấy sức nhé rồi sáng khởi hành." Trong vòng tay ông, tôi cảm nhận được giọng ông nghẹn ngào, ông vừa khóc sao? Tôi đáp: "Chúng cháu sẽ nhớ ông lắm", nước mắt tôi chảy ra, tôi sẽ nhớ ông lắm, nhớ cả Đà Lạt và nhớ cả người bạn thân là anh Tùng.

Đêm đó tôi cứ trằn trọc mãi, tôi lo lắng về ông ngoại, hai chị em tôi đã bên cạnh ông từ rất bé, liệu ông có buồn khi chúng tôi rời đi không?

Rạng sáng, mẹ đánh thức thằng Trọng với tôi dậy để chuẩn bị ra bến xe. Ông ngoại giúp tôi thắt hai bím tóc, chải lại phần mái rồi ông đặt tay lên vai tôi dặn dò: "Cháu đã lớn hơn nhiều so với ông tưởng tượng, ông không chạy theo kịp rồi nên không thể cùng cháu đi khám phá khắp nơi được nữa. Lần này cháu đến một nơi mới, hành trình khám phá của cháu vẫn hãy tiếp tục nhé." Ông ôm tôi vào lòng, rồi lại nói tiếp: "Ông vẫn ở đây, lần sau cháu về thì đến lượt cháu kể chuyện cho ông nghe nhé." Thằng Trọng chạy tới ôm lấy ông rồi khóc òa lên, ông vỗ vỗ lưng nó.

"Cả Trọng nữa, con ngoan đừng khóc."

Mẹ tôi đứng phía sau khẽ lau nước mắt, giọng mẹ như cố nén lại sự nghẹn ngào để hối thúc chúng tôi.

Ngồi vào chỗ của mình trên xe, tôi thấy ông đứng bên ngoài vẫy tay chào tạm biệt, nước mắt tôi không kiềm được mà chảy xuống.

Trên con đường dài men theo bờ Hồ Xuân Hương, những kỷ niệm về anh Tùng chợt ùa về trong tâm trí tôi.

Hồ Xuân Hương về đêm vẫn đẹp lạ lùng. Ánh đèn vàng hắt ra từ những quán cà phê ven hồ phản chiếu xuống mặt nước tạo thành những vệt sáng lấp lánh. Cảnh vật yên bình này đã chứng kiến bao lần tôi và anh Tùng cùng nhau đi dạo, chuyện trò dưới bầu trời đêm mát lành.

Tôi nhớ những lần hai anh em ngồi trên ghế đá, ngắm mặt hồ phẳng lặng dưới ánh trăng. Anh Tùng thường kể cho tôi nghe những ước mơ, hoài bão của mình, và khuyến khích tôi không ngừng cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Chính những lời khuyên và sự động viên của anh đã giúp tôi có thêm nghị lực và niềm tin để vượt qua những khó khăn. Lòng tôi chợt dâng trào cảm xúc khi nghĩ về anh. Mặc dù anh Tùng đã không còn ở đây, nhưng những hình ảnh của anh cùng những kỷ niệm mà chúng tôi đã chia sẻ vẫn luôn sống mãi trong lòng tôi.

Đêm nay, Đà Lạt như trầm lắng hơn, những kỷ niệm về anh Tùng càng thêm rõ nét, như thể anh vẫn đang hiện diện nơi đây, cùng tôi bước đi trên con đường quen thuộc này.

Chuyến xe bắt đầu lăn bánh, mang theo hai anh em rời xa thành phố thân thương. Nhưng tôi biết rằng, những kỷ niệm về anh Tùng và Đà Lạt sẽ mãi là hành trang quý giá trong cuộc đời tôi.

[1] Hệ thống điện tử viễn thông có khả năng thu nhận tín hiệu sóng và tín hiệu vô tuyến hoặc hữu tuyến để chuyển thành hình ảnh và âm thanh (truyền thanh truyền hình) và là một loại máy phát hình truyền tải nội dung chủ yếu bằng hình ảnh sống động và âm thanh kèm theo.

[2] Thương hiệu của dòng sản phẩm xe gắn máy yên thấp bánh nhỏ (scooter) của hãng Piaggio.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro