Ngày 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Một ngày cuối tháng Tám trời mưa tầm tã như cô gái khóc vì tình tan vỡ. Thời tiết xấu tệ mà tôi vẫn phải đi học môn Tin ở trung tâm Tin học cách nhà 6 cây số. Sáng hôm đó, khi tôi đang ăn sáng trước giờ đi học, bố thông báo con đường nhà tôi đã lụt nặng và tôi sẽ đi xe đạp đến trường để không bị chết máy như những người đang dắt xe máy ngang qua nhà tôi. Ăn sáng xong, tôi đeo cặp, mặc bộ áo mưa nylon mới mà mẹ cho thật chỉnh tề rồi dắt con xe đạp thể thao của bố ra khỏi nhà. Oa, mưa lớn thật. Tôi cố gắng hết sức khi đạp qua những đoạn lụt đến ngang bánh xe trong khi nước mưa chảy mờ hết kính. Có chút tự mãn hão khi vượt những người khổ sở vì xe chết máy và ngần ngại chẳng dám băng qua những đoạn nước ngập đến ngang bắp chân.

20 phút sau thì đến được khu giảng đường học Tin học. Tôi gửi xe đạp rồi lội đoạn đường ngập nước dài vài chục mét từ khu gửi xe đến khu nhà học Tin. Nhưng bực bội một điều: cô giáo dạy Tin đáng kính của tôi - ngồi trong phòng chờ giáo viên và thông báo cho tôi rằng hôm nay mưa to nên cô cho lớp nghỉ, và điều đó cô đã đăng lên Facebook khoảng nửa tiếng trước, tôi không đọc sao(?) Hmm, tất nhiên là tôi không rảnh để lướt Facebook ngay khi tỉnh dậy hay sau khi ăn sáng. Hôm nay cũng đâu phải là ngày gió bão đáng được nghỉ?!!!

Tôi lôi sổ tay kế hoạch ra kiểm tra. Sáng nay nghỉ học Tin, tôi có thể đi nộp học phí ở Đại học chính cách khu giảng đường này khoảng 200 mét. Tôi nhìn trời thấy đã ngớt mưa. Nếu đi bộ, tôi sẽ vừa được tập thể dục, vừa tiết kiệm tiền gửi xe đạp (chỉ có 1.000đ thôi nhưng cái chính là tôi sẽ thấy rất ngại nếu phải đi bộ từ chỗ gửi xe đạp ở khu A4 đến khu A1 nộp tiền). Và tôi quyết định đi bộ.

Mọi chuyện sau đó khá suôn sẻ. Tôi nộp xong tiền hết hơn 4 triệu, trong ví còn thừa gần 1 triệu. Tôi đi về khu giảng đường học Tin. Lần này về mưa lại trút to. Tôi mặc cẩn thận áo mưa và đi bộ trên vỉa hè. Để mô tả vỉa hè ở Việt Nam bằng một từ, tôi sẽ dùng tính từ "lộn xộn". Có những đoạn vỉa hè rộng rãi, gạch lát phẳng lì; có những chỗ thì hàng quán bày chen hết lối đi, và những rễ cây mọc trồi lên làm gạch vỉa hè vụn vỡ, bề mặt lồi lõm rất nguy hiểm. Và tôi cũng chẳng nghĩ rằng cái vỉa hè đó trên đường Lạch Tray lại làm tôi chật vật hơn 5 tháng sau.



Đó là một đoạn vỉa hè có bề rộng bằng đúng chiều dài của xe máy AirBlade. Tôi biết vậy bởi nó được dàn xe máy của một cửa hàng nào đó để kín. Không còn lối đi, tôi đành bước xuống lòng đường. Tôi sẽ nhắc lại cho các bạn nhớ rằng thời tiết lúc đó vẫn xấu tệ: mưa tầm tã trắng trời, và với một đứa đeo kính cận 5 độ như tôi thì mắt kính tèm nhèm vì nước cũng là điều dễ hiểu. Vậy nên cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi tôi bỗng nhiên hụt chân trái xuống một cái lỗ ngập trong nước mưa mà chỉ một giây trước tôi còn không nghĩ nó có ở đó. Tôi ngã ngồi xuống đường. Sự xấu hổ là cảm giác đầu tiên của tôi, bởi đường Lạch Tray lúc nào cũng đông phương tiện giao thông bất kể thời tiết thế nào. Vì thế, cảm giác thứ hai là lo sợ bị xe tông. Tôi ngay lập tức lồm cồm bò dậy, thấy quần áo đã ướt hết, quần mưa rách toạc và... máu thì đang chảy tuôn ra từ một cái miệng lỗ đen sâu hoắm rộng gần 1cm trên cẳng chân tôi.

"The heck!" – Tôi hoảng hốt nghĩ thầm.

Tôi thở gấp và tim tôi giật thót khi nhìn chân mình. Mèn ôi, có đến hai chỗ đang chảy máu chứ không phải một. Bên cạnh cái miệng lỗ kia là một vết rách dài 5cm, dù không sâu lắm nhưng vẫn khiến tôi phát hãi khi nhìn hai bờ vết rách vừa be bét máu vừa dính đầy cát bẩn. Tôi nhìn lên, tìm kiếm ai đó mong giúp đỡ. Có hai bác bảo vệ ở một ngân hàng cách chỗ tôi 10m vừa đứng dậy khi nhìn thấy tôi ngã. Một bác hét lên át đi tiếng mưa:

- Lên vỉa hè đi cháu! Vào phòng khám nha khoa này họ băng cho!

Bác ấy chỉ sang bên phải bác ấy. Tôi nhìn theo và thấy một phòng khám nha khoa ngay gần tôi. Một chị tầm 30 tuổi mặc quần áo trắng như y sĩ chạy ra xem và thấy tôi. Chị ấy vẫy tôi vào.

Tôi khập khiễng bước vào phòng khám nha khoa. Chị y sĩ gọi một anh ở phòng bên trong. Tôi được bảo ngồi xuống chiếc ghế chờ đệm nhung đỏ êm ái, điều này làm tôi khá ngại vì quần áo tôi ướt sũng rồi. Nhưng có lẽ ngồi xuống thì tốt hơn. Tôi nhìn chân mình. Máu vẫn đang tuôn và chảy xuống nền nhà. Một anh thanh niên mặt trẻ măng, mặc áo sơ mi tím than và quần bò đi đến chỗ tôi. Anh ấy và chị y sĩ đánh giá tình hình rồi lấy băng gạc và thuốc sát trùng ra, vệ sinh vết thương của tôi. Trong lúc làm, các anh chị ấy hỏi tôi tại sao lại thành ra thế này. Tôi nói về cái vỉa hè kín xe máy, lòng đường ngập nước và miệng cống vỡ.

- Khổ thân em! – Chị y sĩ nói. – Vỉa hè với đường phố Việt Nam bây giờ nó như thế đấy!

Lời chị ấy nói khiến tôi cảm thấy một sự xúc động. Tôi không biết có phải do tủi thân hay không mà nước mắt tôi bắt đầu trào. Anh thanh niên chấm iod povidine vào chân tôi nhưng máu vẫn chẳng ngừng chảy. Anh chị ấy phải xúm vào giữ băng thấm máu và quấn thật nhanh gạc quanh bắp chân tôi. Sau đó, anh ấy buộc băng carô cho tôi. Tôi nhớ lại bài học về buộc carô hồi lớp 5, nhưng khá chắc là tôi sẽ không thể làm được vì tôi chẳng chịu học tí nào. Thực sự anh chàng này buộc rất chắc và khéo, hẳn nhiên anh ấy học y.

Tôi kéo ống quần cao hơn một chút và thấy ở khoeo chân tôi còn một vết rách ngắn đẫm máu khác. Tôi bật cười cam chịu tình cảnh và nói với anh y tá:

- Em phải phiền anh băng thêm cho em ở chỗ này rồi.

- Không sao. – Anh ấy đáp.

Cuối cùng, chân tôi đã được băng kín 3 chỗ. Nhưng máu đang dần thấm đỏ những miếng băng ấy, nên hai anh chị y sĩ bảo tôi rằng tôi cần phải được khâu những vết đó lại để ngăn mất máu.

- Nếu mà anh nha sĩ ở đây thì anh ấy có thể khâu cho em đó. – Chị y sĩ đáp vẻ nghĩ ngợi. – Nhưng hôm nay anh ấy lại đi làm muộn.

- Em có thể phiền anh chị chở em đến bệnh viện Đại học Y được không ạ? Em nghĩ đến đó khâu thì sẽ chuyên nghiệp hơn...

- Ừm!

Tôi được chị y sĩ dẫn vào phòng vệ sinh ở bên trong để rửa dép và bàn chân. Mỗi bước chân của tôi lại để lại trên nền nhà lát gạch trắng sạch bong của phòng khám nha khoa những vết dép ướt sũng máu tươi pha nước mưa. Sau khi tôi rửa xong và quay ra, chị y sĩ vừa lau nhà xong và bảo tôi ngồi xuống ghế chờ để anh y tá lấy xe máy chở tôi đến bệnh viện. Tôi nói cảm ơn và xin lỗi vì làm phiền, chị ấy gạt đi và nói rằng ai cũng sẽ làm vậy thôi nếu nhìn thấy tôi trong tình cảnh đó.

Vài phút sau, tôi đeo cặp và mặc lại áo mưa rồi trèo lên xe máy của anh y tá. Ảnh chở tôi đến bệnh viện Đại học Y ở đối diện cổng chính của trường Đại học của tôi. Sau khi gửi xe, chúng tôi đi vào khu hành lang mà bác bảo vệ coi xe chỉ. Mưa to đến nỗi hành lang chính của bệnh viện này cũng lụt đến mắt cá chân như ngoài đường. Thực tế là cái hành lang này thấp hơn mặt đường thật! Bì bõm lội đến đầu hành lang thì chúng tôi nhìn thấy phòng trực cấp cứu đang mở sẵn cửa. Chúng tôi ló mặt vào. Có một số y bác sĩ đang ngồi trong đó, nhưng họ đứng dậy khi thấy chúng tôi. Anh y sĩ nói về việc tôi bị ngã rách chân và đang chảy máu. Các y bác sĩ bảo tôi ngồi xuống một cái ghế xếp. Một anh trông như bác sĩ và có khuôn mặt có vẻ dày dặn kinh nghiệm nhất phòng ngồi xuống để kiểm tra chân tôi: ảnh tháo lớp băng ca rô và đánh giá vết thương, rồi dán lại và bảo tôi đi chụp X quang để xem có gãy xương không. Tôi hỏi về nơi chụp Xquang. Anh ấy nói là ở cuối hành lang chính, lối ra nhà để xe... Phải rồi. Nhưng trước khi lội lại về chỗ cuối hành lang, tôi phải đăng kí tên vào hồ sơ bệnh án điện tử ở quầy tiếp tân trước đã.

10 phút sau, tôi đã chụp xong phim Xquang xương cẳng chân. Giờ thì tôi đang ngồi chờ kết quả ở ngoài cửa phòng chụp cùng anh y sĩ đã chở tôi đến đây. Anh ấy đang nghịch điện thoại, còn tôi ngồi bần thần. Một bác nam trung niên ăn mặc lịch sự đến ngồi cạnh tôi. Bác ấy hỏi sao chân tôi lại quấn băng nhiều máu thế. Tôi lịch sự trả lời bác ấy. Một vài lời hỏi thăm. Một cuộc nói chuyện xã giao về công việc và gia đình của bác ấy. Sau đó thì tôi có điện thoại. Đó là chị chủ nhà hàng Nhật Bản nơi tôi đang làm thêm, gọi điện để hỏi tôi sáng nay tôi có thể đi làm thay một chị nhân viên bồi bàn do nhà lụt nên không đi được không. Tôi giữ giọng bình thường nhất có thể:

- Nhưng chị ơi, e là em không đi được đâu ạ. Em đang phải khâu chân ở bệnh viện Đại học Y.

- Hả??? Sao lại phải khâu chân thế em?

Tôi giải thích vắn tắt về cái miệng cống vỡ và bị lụt. Chị chủ nhà hàng tỏ ra rất xót, và chúc tôi sớm lành vết thương. Chị ấy cũng cho phép tôi tạm nghỉ việc một thời gian. Tôi nghi ngờ rằng tôi cũng khó mà đi làm lại ở nhà hàng ấy được nữa.

Sau khi nhận được kết quả phim chụp Xquang, tôi và anh y sĩ lội trở về phòng trực cấp cứu. Tôi đưa phong bì kết quả cho anh bác sĩ. Anh ấy mở nó ra xem dưới ánh đèn, những người mặc áo blouse xung quanh cũng tụ lại xem cùng. Nhìn họ, tôi đoán đó là các sinh viên y thực tập. Trong khi đó, các miếng gạc trên chân tôi đã ngấm lượng máu tối đa rồi và những dòng máu đỏ đang rỉ ra, chảy xuống bàn chân tôi. Sau khi săm soi mà không thấy có dấu hiệu đe dọa xương cẳng chân tôi, anh bác sĩ đút tấm phim vào phong bì, bảo tôi sang phòng Tiểu phẫu đối diện để khâu rồi anh ấy sang phòng đó trước. Tôi quay sang hỏi những người trong phòng:

- Khâu vết thương hở ở chân có tốn nhiều tiền không ạ?

Mấy anh chị thực tập và y sĩ đang cười khúc khích về một chủ đề gì đó tôi không rõ. Rồi một anh trong số đó bảo tôi:

- Em muốn không tốn tiền không? Em gạ anh bác sĩ khâu cho em đi café cùng em là ok hết.

- Thật ấy ạ? – Tôi cảm thấy nghi ngờ. Anh chàng kia gật đầu vẻ "cứ tin anh đi".

Tôi đứng dậy đi mà cảm giác như tội phạm khi mà toàn bộ con mắt những người còn lại trong phòng dán vào lưng. Anh y sĩ đi cùng tôi bây giờ phải ngồi đợi ở ngoài, không sao cả khi anh ấy vẫn lướt điện thoại di động nãy giờ. Tôi nhờ anh ấy trông hộ cặp và áo mưa.

Phòng Tiểu phẫu có một cái giường phẫu thuật, một bồn rửa tay, hai kệ kim loại lớn kê vuông góc đựng đầy các khay dụng cụ y tế và các lọ thuốc tôi không biết tên. Dưới một trong hai kệ là hai thùng rác, một cái màu xanh dương, một cái màu vàng. Bên cạnh giường là hai cây đèn y khoa, một khay kim loại cao có bánh xe và một ghế kim loại. Trên tường có một điều hòa nhiệt độ. Anh bác sĩ bảo tôi nằm lên giường, chân xoay về phía tường. Tôi ngoan ngoãn làm theo và chờ đợi trong khi anh bác sĩ chuẩn bị dụng cụ. Vậy là tôi sắp bước vào một cuộc phẫu thuật lần đầu tiên trong đời bởi vì tôi đang ở trong phòng Tiểu phẫu. Giờ nghĩ lại, khi đó tôi đã không nhận ra rằng lần tôi đi nhổ răng số 8 mọc lệch cách đó 4 tháng cũng là một cuộc phẫu thuật. Bác sĩ đã dùng thuốc tê tiêm cho tôi, dùng dao rạch lợi, dùng cưa xẻ đôi cái răng, dùng kìm nhổ nó ra và rồi dùng kim khâu lợi lại.

Thật may tôi đem áo chống nắng. Tôi cứ ngỡ khi học xong môn Tin, trời sẽ hết mưa rồi hửng nắng. Nhưng giờ mọi thứ lại vô cùng lạ lẫm và nghiệt ngã so với mong ước nhỏ nhoi ấy. Nằm co ro trên một cái bàn phẫu thuật phủ da, hơi lạnh từ điều hòa phả xuống, và chỉ vài phút tới tôi sẽ bị khâu thịt. Chỉ vài điều đó đã làm tôi thấy ớn. Bố mẹ vẫn chưa biết chuyện này. Liệu tôi có thể xử lí mà không cần bố mẹ không? Bố mẹ sẽ nghĩ sao khi tôi thông báo tôi đang bị khâu thịt một mình ở một bệnh viện cách nhà 5 cây số? Không, bố đang phải đi làm, mẹ đang phải bán hàng. Tôi phải chịu việc này một mình. Tôi không thể yêu cầu bố mẹ đến giải quyết hậu quả do sự ngu ngốc của tôi gây ra. Tôi đặt áo chống nắng lên bụng – vị trí cần được giữ ấm hàng đầu trên cơ thể và dùng hai tay ôm lấy nó một cách vững tâm.

Anh bác sĩ đã chuẩn bị xong đồ. Anh ấy đặt một cái khay kim loại dưới bắp chân trái tôi và tháo các miếng gạc ra. Anh hỏi tôi làm sao tôi lại bị như thế này. Tôi trả lời thành thật những gì đã xảy ra. Sau đó, anh bác sĩ thông báo sẽ rất xót khi anh ấy sát trùng vết thương. Tôi đáp "vâng" và nghĩ mình chuẩn bị được, nhưng tôi đã nhầm. Chân tôi đột nhiên đau rát như bị một đàn kiến lửa đốt đồng thời xát một bát hạt ớt, nhưng nó không hề chỉ ở bề mặt. Cái lỗ sâu hoắm đáng ghét và vết rạch dài ngoằng khiến tôi được trải nghiệm cảm giác thuốc sát trùng ở các thớ thịt dưới da buốt đến xương. Chất lỏng chảy xuống khay kim loại từ chân tôi. Tôi run bắn lên vì đau. Tay tôi bấu chặt vào đùi trái như thể nghĩ rằng làm vậy cảm giác đau sẽ không lan lên trên nữa. Tôi khẽ rên rỉ:

- Au...

- Không sao, sắp xong rồi. – Anh bác sĩ trấn an. Giọng anh ấy rất ấm và rất dịu dàng. – Thêm một chút nữa thôi.

Nói rồi, anh ấy dùng tay nắn bóp các vết thương? Tôi không rõ vì tôi không nhìn thấy cảnh đó, nhưng tôi vẫn cảm nhận được và thực sự nó còn đau hơn cả màn sát trùng. Nói dối, anh bảo sắp xong cơ mà? Cuối cùng, anh bác sĩ cũng ngừng công việc làm sạch lại và tôi không cần nín thở nữa.

- Anh sẽ tiêm thuốc tê cho em trước khi khâu đấy.

- Em không sợ tiêm. – Tôi đáp.

- Huh. Dũng cảm nhỉ?

Tôi bật cười:

- Cái đấy có gì đáng sợ ạ?

- Với những người sợ kim tiêm nhọn chọc vào người.

Tôi nhún vai, không đáp lại. Anh bác sĩ nói tôi sẽ phải đợi ít lâu để thuốc có tác dụng. Trong lúc đó, anh ấy thay cái khay dưới chân tôi và chuẩn bị dụng cụ khâu. Tôi nhìn trần nhà. Nó có màu trắng cũ. Tòa nhà này thật là cũ. Nhưng nó lại là trung tâm y tế của cả khu vực, ngoại trừ trường Đại học Y nằm cách đây vài trăm mét. Nhưng chắc chẳng ai chữa bệnh trong đại học Y.

- Sẵn sàng chưa? Anh khâu đây, chịu khó nằm yên nhé.

Một lời lí giải đơn giản cho cảm giác tê tê giật giật khi đầu kim nhọn xuyên qua thịt tôi. Tôi cố gắng thư giãn, nhưng việc sợi chỉ được kéo qua thịt thật khó mà lờ đi được. Dù vậy cũng không đến nỗi quá đau. Anh bác sĩ bắt đầu hỏi tôi về trường học của tôi, hay tôi sống ở đâu.

- Nhà em ở đường Trần Khánh Dư.

- Trần Khánh Dư à? Hmm, có phải nó có Number 9 không?

- Đúng rồi đấy ạ. Anh từng đến Number 9 rồi á? Bác sĩ mà cũng đến đó sao?

- Tại sao bác sĩ thì lại không được đến đó?

- Bởi vì... - Tôi cố nghĩ một lí do. Các khả năng lướt qua đầu tôi. Cho dù đó là một quán karaoke có khuôn viên thuộc dạng rộng và đẹp nhất nhì nội thành thành phố, nhưng tôi được kể rằng người ta cũng từng tụ tập hút hít ở trong các phòng karaoke đó. Những quán karaoke nổi tiếng là nơi thác loạn. Nói toẹt điều đó ra thì sao nhỉ?

- Mà cũng chả sao ạ. – Tôi nói. Anh ăn chơi thì xin cứ việc!

Anh bác sĩ đáp lại bằng một tiếng "ừm" trong cổ họng. Tôi hỏi một câu liên quan:

- Anh từng học ở khoa Ngoại ạ?

- Đúng rồi.

Tôi nghĩ đến gợi ý từ anh chàng y sĩ ngồi trong phòng trực Cấp cứu. Huỵch toẹt ra là nếu tôi tán được anh bác sĩ khoa Ngoại này thì tôi sẽ được anh ấy khâu miễn phí. Haha, buồn cười ghê đấy. Tôi chưa bao giờ tán đàn ông cả. Chỉ từng tán hai bạn nam cùng tuổi học cùng trường, nhưng cả hai đều đếch hứng thú và làm như tôi không hề tồn tại. Hừm, cả hai tên đó đều nhạt thếch và yếu đuối.

- Ờm... - Tôi băn khoăn ngỏ lời – Nếu mà... em mời được anh đi café thì... em có mất anh tiền khâu chân không?

Tôi nói thật nhanh mấy từ cuối và nhận ra nó thật ngớ ngẩn và ve vãn. Ayyy, sao tôi lại tỏ ra dễ dãi như vậy nhỉ!??? Hối hận luôn rồi...

Anh bác sĩ im lặng, rồi hỏi tôi:

- Em nghe ai gạ thế?

- Một anh ở phòng khám ngoài kia ạ.

- Ha ha! – Anh bác sĩ cười lớn – Con anh 3 tuổi rồi.

- Ầu.

Tôi cảm thấy thoải mái hơn nhiều khi bị anh ấy từ chối khéo bằng một lời tuyên bố về con cái. Nhìn mặt anh khó có thể đoán được tình trạng quan hệ. Anh ấy có khuôn mặt khá điển trai với mũi dọc dừa và đôi mắt sâu, giống như một tài tử Hàn Quốc nào đấy. Nhưng đó cũng là một khuôn mặt nghiêm nghị và dãi dầu. Không trẻ, không già. Nhưng có con 3 tuổi rồi thì có lẽ anh già hơn tôi nghĩ.

Anh bác sĩ vẫn tiếp tục khâu. Tôi không biết tôi sẽ bị khâu mấy mũi.

- Em có quen ai học khoa Ngoại hay sao mà hỏi anh học ở đó? – Đột nhiên anh bác sĩ hỏi.

- Không ạ. Hồi tham gia Tiếp sức mùa thi cách đây mấy tháng, em quen được một anh học ở khoa Y học dự phòng. Anh ấy đến nhằm đề phòng và cấp cứu các trường hợp ngất xỉu.

- Thế nếu có người ngất xỉu thì phải làm thế nào?

- Anh ấy nói rất nhiều thứ. Em không nhớ được hết. Đại loại là đưa họ đến chỗ thoáng, tránh xa đám đông, cho họ uống nước, quạt mát hạ thân nhiệt gì đó.

- Ừm.

- Nhưng anh ấy lại không nhớ được có những nhóm máu nào.

- Hờ! – Anh bác sĩ cười.

Nghệ thuật chăm sóc bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong khi phẫu thuật là bắt chuyện họ để trấn an và giúp họ quên đi cơn đau. Và tạo mối quan hệ gần gũi hơn giữa bác sĩ và bệnh nhân, có lẽ. Hẳn đây là lí do anh bác sĩ nói chuyện với tôi. Nhưng sau một thời gian dài không có câu hỏi nào được đặt ra nữa, tôi bắt đầu cảm thấy mơ màng. Điều hòa rất mát. Thuốc tê không có tác dụng làm tôi buồn ngủ, nhưng nó làm tôi mất cảm giác ở bắp chân. Tôi không chắc anh bác sĩ vẫn còn đang kéo những sợi chỉ qua thịt tôi. Khâu vá là một trong các kĩ năng cơ bản của người phụ nữ đảm đang. Nhưng đây là khâu thịt. Nó có khác gì khâu vải, dù chúng đều dùng chỉ? Tôi không biết vì tôi không được học. Tôi cũng chưa được nhìn thấy thao tác khâu thịt. Ủa, tôi nhận ra "khâu" là một từ rất hay. Nó là từ thuần Việt hay Hán Việt? Tôi chưa được học Hán tự "khâu". Nhưng âm tiết phát ra khi phát âm từ "khâu" khiến tôi nghĩ nó là từ thuần Việt. Tôi nhìn khắp trần nhà, nhìn sang các tấm kính ngăn của phòng Tiểu phẫu, lẩm bẩm một đoạn nhạc tự chế có mỗi nốt đều là chữ "khâu"...

- Nè, em có bao giờ nghĩ em điên hay khùng không?

WHAT THE F... Một câu hỏi khiếm nhã như vậy hoàn toàn khiến tôi bừng tỉnh và bừng bừng lửa giận. Nhưng tôi nhận ra tôi đã ngâm nga đoạn nhạc đó cho cả anh bác sĩ nghe thấy. Vì vậy, lời đáp của tôi là:

- Nếu không tính cách viết khác nhau thì "điên" và "khùng" khác nhau thế nào ạ?

- Huh... điên thì diễn ra trong một thời gian dài. Còn khùng thì ngắn.

Tôi cảm thấy cách giải thích đó hợp lí.

- Vậy thì em khùng đấy.

- Ờ.

Sau đó, anh bác sĩ thông báo đã khâu xong cho tôi ở cẳng chân. Tôi hỏi:

- Còn một vết rạch ở khoeo chân của em có cần khâu không ạ?

Anh bác sĩ liếc nhìn chỗ đó.

- Có chứ.

Tôi thở dài. Ba chỗ phải khâu rồi đấy. Thương tích đầy mình.

- Chi phí cho thao tác khâu chân này là bao nhiêu ạ? – Tôi hỏi.

- Khoảng 400.000.

Cũng không đắt, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy cái giá phải trả cho sai lầm của tôi sẽ không ngừng tăng lên. Tôi không thể tán được anh bác sĩ và chắc chắn không bao giờ có thể làm được, vậy nên tôi sẽ không được miễn viện phí. Dù sao anh ấy cũng đã giúp chân tôi ngừng tuôn máu và tôi sẽ không ngất xỉu vì mất máu với 3 vết thương toang hoác và nhiễm trùng, nên tôi chắc chắn phải trả công cho anh ấy vì... ờm, cứu tôi. Tuy nhiên, mất máu chỉ là một nửa vấn đề.

- Em hãy sang phòng bên kia chờ anh kê đơn thuốc cho em đi mua nhé. Em còn phải tiêm phòng uốn ván nữa.

Phải rồi, uốn ván. Kẻ thù thầm lặng gây co giật, ngừng tim, tử vong cho bệnh nhân có thể chỉ trong vòng 24 tiếng. Mỗi lần đọc hay nghe nói đến một vết thương lớn, tôi lại thấy xuất hiện từ "uốn ván" như một mối đe dọa thường trực kèm theo. Đến bây giờ, tôi đã bất đắc dĩ phải tiêm phòng uốn ván cho dù nó không hề nằm trong danh mục tiêm chủng mở rộng.

Anh bác sĩ đã băng lại ba vết thương của tôi. Giờ tôi đã cảm thấy các sợi chỉ khâu đang kéo giật các cơ ở bắp chân. Tôi ngồi dậy và chậm rãi thả chân xuống. Vẫn còn thuốc tê nên tôi không cảm thấy cơn đau nào đặc biệt. Chỉ có cảm giác ngứa ngáy, tuy nhiên lại không thể gãi được. Tôi xỏ dép vào rồi đi sang phòng trực Cấp cứu bên kia hành lang. Một vài sinh viên y thực tập hỏi chuyện tôi và tôi đáp lại lơ đãng. Vài phút sau, anh bác sĩ đưa tôi đơn thuốc mà trong đó chỉ kê đúng một thứ duy nhất: vắc xin uốn ván. Tôi lội nước qua hành lang đến quầy thuốc của bệnh viện, rồi quay lại với một túi bóng niêm phong đựng một lọ vắc xin và một kim tiêm. Anh bác sĩ đã chờ sẵn ở cửa phòng Tiểu phẫu, rồi chúng tôi đi vào. Trong khi anh ấy chuẩn bị dụng cụ để tiêm, chẳng hiểu tôi nghĩ gì mà loay hoay trèo lên giường phẫu thuật. Nhưng tôi đã trèo ở vị trí cuối giường – nơi không có chân đỡ phía dưới. Và chiếc giường bắt đầu đổ sập xuống với tôi ngồi bên trên đang kêu lên hoảng hốt:

- A...

Nhanh như cắt, anh bác sĩ đã quay người lại, cố gắng dùng tay giữ cái giường, nhưng rất tiếc là tôi không hề nhỏ con tí nào nên cái giường và tôi đổ đè lên chân anh ấy.

Tôi ngay lập tức nhảy ra khỏi cái giường đó – một động tác linh hoạt đáng ngạc nhiên với một đứa đang có gần chục mũi khâu ở chân nếu tôi không nhầm. Anh bác sĩ co người lại khi xoa bóp mũi giày của anh ấy:

- Em nghĩ cái quái gì mà lại leo lên giường thế hả???

- Em tưởng... Em xin lỗi. – Tôi đưa tay che miệng, cố gắng để không cười – Anh có sao không?

- Không sao! – Anh bác sĩ vẫn có vẻ bực bội.

- Tí nữa em đã làm bị thương một bác sĩ... – Tôi lí nhí cúi đầu.

- Tội lớn đấy!

Tôi không thể không cười tủm tỉm. Tôi giúp anh ấy dựng lại cái giường phẫu thuật. Sao mà người ta lại thiết kế nó yếu dễ sợ như vậy nhỉ? Hay bệnh viện này không thể trang bị một cái giường vững chãi hơn?

- Em ngồi xuống đây. – Anh bác sĩ chỉ vào cái ghế kim loại.

Tôi làm theo, chống tay lên eo khi anh ấy tiêm vào cánh tay tôi. Sau đó, tôi đi ra hành lang còn anh bác sĩ quay về phòng trực Cấp cứu để kê đơn thuốc kháng sinh cho tôi. Tôi nói chuyện một chút với anh y sĩ đi cùng tôi từ phòng nha khoa. Anh ấy nhận xét xương cẳng chân của tôi trông rất dài và thẳng khi nhìn vào phim xquang. Tôi nghĩ, đã đến lúc gọi điện cho bố rồi. Tôi rút máy điện thoại ra và bấm gọi. Bố nghe máy sau vài giây và hỏi tôi tan học chưa. Tôi nói lớp được cô cho nghỉ nhưng tôi đang ở trong bệnh viện Đại học Y để khâu chân. Bố ngạc nhiên hỏi lí do và tôi bình tĩnh giải thích từ đầu đến cuối.

- Con cần bố đến đón không?

- Dạ thôi, con tự về được. – Tôi nói dối trắng trợn.

- Có đủ tiền trả phí khâu và thuốc không?

- Con nghĩ là đủ, con vẫn còn thừa tiền đóng học phí. Nếu không đủ thì con sẽ gọi cho bố sau.

Đúng lúc đó, có tiếng gõ cạch cạch vào cửa kính ở sau lưng tôi. Tôi quay lại thấy anh bác sĩ đang dùng chìa khóa đánh động cho tôi biết:

- Vào lấy đơn thuốc kháng sinh đi em.

- Em đang nói chuyện với bố. – Tôi đáp, chằm chằm nhìn lại anh ấy  – Tí nữa em vào.

Tôi quay lại với bố:

- Tình hình là như thế đấy bố. Bây giờ con phải vào lấy đơn thuốc rồi bố ạ.

- Ừm. Thế về cẩn thận nhé con gái.

Tôi đáp vâng rồi cúp máy. Cuộc nói chuyện không đến nỗi tệ, bố tôi vốn điềm tĩnh. Nhưng e là về nhà đối mặt với mẹ tôi sẽ thực sự khó khăn hơn nhiều.

Tôi nhận đơn thuốc kháng sinh và hóa đơn viện phí cùng một thể. Chi phí khâu vết thương lớn ở cẳng chân là 286.000. Và bởi tôi quên mang bảo hiểm y tế nên tôi phải tự thanh toán hết mọi thứ. Hey, phí khâu chân ít ra cũng rẻ hơn dự tính của anh bác sĩ đấy nhỉ. Tôi đưa cho chị y sĩ quản lý sổ sách bệnh nhân nhập viện số tiền tôi lấy ra trong ví – sau khi đóng học phí tôi vẫn còn thừa hơn 800.000, nhưng khi tôi thanh toán xong, ví tôi chỉ còn vài chục lẻ. Ai mà biết được thuốc kháng sinh không bảo hiểm và vắc xin có thể đắt như thế nào chứ?

Tôi chào mọi người trong phòng trực, rồi đi ra gặp anh thanh niên làm trong phòng khám nha khoa đi cùng tôi từ lúc đầu. Với tình trạng này, tôi được khuyên không nên vận động mạnh vì vết khâu có thể bị rách và tôi sẽ không đứng nổi. Đồng nghĩa việc tôi không thể đạp xe về nhà. Tôi đành phải nhờ anh thanh niên chở tôi về. Thế nhưng việc đầu tiên tôi phải làm là quay lại chỗ để xe của khu nhà học Tin học để báo các bác bảo vệ rằng tôi phải để xe đạp qua đêm ở đó. Chỉ trong 2 tiếng mà mọi sự đã thành ra như thế này rồi. Không chỉ các bác bảo vệ ngạc nhiên khi nghe tôi giải thích, chính tôi cũng sốc với tình trạng của tôi gần như thành mức mụ mẫm, bởi tôi đã không khóc, không rên rỉ, tôi cũng không biết tôi nên biểu hiện như thế nào trước mặt người lạ xung quanh tôi. Tôi cố tỏ ra mạnh mẽ khi chỉ nhìn trân trân vào cái chân băng bó của mình.


Một ngày khởi đầu bằng một cơn mưa tầm tã và một tin báo nghỉ học muộn màng, tiếp tục với một cái miệng cống vỡ ngớ ngẩn ngập nước và một cuộc tiểu phẫu khâu thịt chân. Để trêu ngươi tôi, khi tôi về đến nhà, cà nhắc leo lên phòng, cảm thấy đau cả thể xác lẫn tinh thần sau một trận mắng xối xả của mẹ về tội lấc cấc và ngu ngốc, trời đã quang mây và nắng lên rực rỡ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro