Tự tình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

-          Tên: Trần Phương Ngân.

-          Ngày sinh: 14/09

-          Cung hoàng đạo: Xử Nữ.

-          Tính cách: vui vẻ, hơi lười.

-          Sở thích: ăn, ngủ, đọc truyện.

1. Trong phần “Gia đình là số 1” các bạn đã hiểu thêm về gia đình tôi rồi phải không? Nhà tôi mỗi người một tính, cũng có lúc cãi vã, bất đồng ý kiến và giận dỗi lẫn nhau. Nhưng nếu chúng ta nhìn đời bằng đôi mắt lạc quan vui vẻ thì các bạn cũng giống tôi thôi, sẽ thấy gia đình mình có thật nhiều tình huống hài hước, những câu chuyện vui dở khóc dở cười, và sẽ càng yêu thêm mái ấm nho nhỏ đã nuôi ta khôn lớn phải không nào?

Trong phần “Bạn bè là số 2” các bạn đã biết một chút về lũ bạn quái gở của tôi rồi nhỉ? Lũ bạn suốt ngày nói tôi là khùng, hâm, dở người… nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi tôi khó khăn nhất. Tình bạn luôn thật ấp áp phải không? Bên cạnh đó cũng có những “nhân vật phụ” mà tôi rất ghét, nhưng cũng nhờ những người đó mà tôi càng muốn mạnh mẽ hơn, giống như cỏ dại càng bị tàn phá càng vươn lên vậy, họ cũng chính là một phần cuộc sống của tôi.

Phần “Tự tình” này tôi sẽ viết về bản thân, những trải nghiệm nho nhỏ, sự rung động khẽ khàng của tuổi mới lớn và cả những người thầm mến tôi mà tôi rất trân trọng. Đó là lí do tôi lấy tên “Tự tình”.

***

 2. Nếu nhận xét về mình:

Tôi nói: tính dễ chịu, hay mềm lòng, không có tham vọng, thích tự do, có thể làm ổ trong nhà cả tháng trời mà không bước chân ra khỏi nhà, kiệm lời với người lạ, nhưng với người quen thì có thể hót cả ngày. Nhan sắc: tầm tầm bậc trung (mặc dù mấy anh chàng thích tôi toàn khen tôi dễ thương này nọ, nhưng khiêm tốn vẫn hơn nhỉ?).

Bố nói: siêu lười! Sáng ngủ 10 giờ mới dậy, trưa 12 giờ ngủ 5 giờ chiều dậy, tối 9 giờ ngủ 10 giờ sáng hôm sau dậy. Cả ngày chỉ có thế!

Mẹ nói: quá kén chọn, coi chừng ế nha con!

Chị gái nói: quá keo kiệt, mượn tí tiền cứ đòi hoài.

Em trai nói: ín yêu chị Ngân nhất!

Bạn bè nói: Ngân khùng!

Bạn trai nói: … (cứ để trống đó, bao giờ có phỏng vấn sau).

***

3. Lúc mới sinh tôi nặng có 1,5kg, bác sĩ bảo: suy dinh dưỡng nặng. Cả nhà tôi lo lắm, sợ tôi không sống nổi, nhưng tôi vẫn an ổn sống tốt đến bây giờ mặc dù hơi yếu và nhiều bệnh một chút. Thật là kì tích phải không?

Từ bé đến lớn tôi mắc khá nhiều bệnh, có lẽ vì thế mà sức chịu đựng của tôi lớn hơn, mạnh mẽ hơn, và cũng trân trọng cuộc sống hơn những người khác.

 Thuở còn quấn tã yếu ớt thì không nói làm gì, học cấp 1 tôi ốm liên miên, mỗi khi trời lạnh hoặc mưa là tôi bị cảm. Tôi bị cảm lúc nào cũng trải qua 4 giai đoạn: đau đầu, chóng mặt – sốt – tịt mũi – ho. Ghét nhất là ho, tôi ho giống như muốn văng cả phổi ra ngoài vậy, uống thuốc cũng không có tác dụng, thật phiền phức.

Hồi học lớp 3, lớp 4, cứ cách vài tuần tôi lại bị viêm Amiđan một lần, kèm theo là nóng sốt, ăn uống khó khăn. Bị riết rồi quen, đau Amiđan với tôi chỉ là con muỗi. Bố mẹ định để đến hè đưa tôi đi cắt, không ngờ đến hè năm lớp 4 tự dưng khỏi hẳn luôn, đến giờ không bị đau Amiđan lại nữa. Chắc nó sợ ^^

Lên lớp 5 tôi hay bị chảy máu cam, cứ ra nắng là bị. Có hôm tôi siêng năng ra vườn nhổ cỏ, mới nhổ được mấy cây máu mũi đã chảy ròng ròng. Nhiều lúc tôi bực mình không thèm bịt mũi, để nó tự khô luôn. Mẹ nấu đủ thứ đồ mát cho tôi ăn, đi khám khắp nơi nhưng không khám ra bệnh gì, khoảng nửa năm sau tự khỏi =)). Chà, tôi rút ra kinh nghiệm: bị bệnh cứ mặc kệ nó, một thời gian sẽ tự khỏi, chả cần thuốc men gì cho tốn kém.

Rồi lại đến đau răng (_._ !). Trên đời này tôi hận nhất là đau răng, cái đau nó buốt vào tận óc, ngày không ăn đêm không ngủ, chỉ ôm mặt và khóc, đi khám uống thuốc rồi một thời gian sau vẫn vậy. Tôi hận!!! Trong khi đó cả nhà có mỗi mình tôi đau răng, tại sao tôi không được di truyền hàm răng đẹp, chắc, khoẻ giống chị tôi chứ? Đến một ngày không thể chịu đựng nổi nữa, tôi quyết tâm nhổ răng bằng được, vì là răng vĩnh viễn nên cũng hơi mạo hiểm, nhưng không sao, tôi có quyết tâm! Tiễn hai cái răng đã hành hạ mình mấy năm trời, tôi âm thầm thề sau này sẽ không bao giờ phải đến gặp bác sĩ nha khoa vì cái răng nào nữa!

Bụng tôi rất yếu, ăn đồ lạ vào lại đau bụng (sau này đi học ĐH mới được cải thiện), thế nên tôi ăn chỉ xoay vòng trong vài món làm từ thịt gà, thịt lợn, tôm, mực và thịt bò. Từ bé đến lớn tôi không động vào rau, chỉ ăn được bí xanh và bầu, ăn cá sẽ bị đau bụng, ăn ốc, trai, cua cũng đau bụng, ăn hến bị dị ứng, ngửi thấy mùi mì tôm, ăn giò hoặc quả thanh long sẽ bị ói…

Bạn đừng vội nghĩ tôi tiểu thư này nọ. Bạn có hiểu cảm giác khi mọi người đang ăn uống no say trong tiệc tùng mâm cỗ thì tôi phải ôm bụng quằn quại khóc ròng không? Chẳng phải tôi ham ăn mà bốc trộm vài miếng đâu, chỉ ngửi thấy mùi thức ăn khác là tôi đau bụng rồi. Bạn có hiểu cảm giác khi đi chơi cùng bạn bè, tụi nó thoải mái lê la hết hàng này quán nọ còn tôi chỉ biết ngồi nhìn, đến nước lọc cũng chẳng dám uống không? Tôi muốn ăn hàng lắm chứ, nhưng sao có thế? Chỉ ăn một miếng là tôi đau bụng rồi.

Trước ngày thi tốt nghiệp tôi bị đau bụng, đau tới mức chỉ được ăn cháo trắng với muối, vào phòng thi chỉ biết cầu nguyện – bởi nếu phải bước chân ra khỏi phòng thì tôi sẽ mất trắng một năm. Ngồi thi mà mồ hôi lạnh chảy đầy hai má, mấy thầy cô tưởng tôi áp lực quá nên nhẹ nhàng khuyên bảo, động viên tôi. Nhưng đâu phải do tôi không làm được bài, tại tôi đau quá thôi. Thi đại học tôi cũng đau bụng, nhưng chỉ thi có 3 môn nên đỡ hơn thi tốt nghiệp nhiều. Thế đấy, vào hai kỳ thi quan trọng nhất của đời người tôi chỉ được ăn cháo trắng với muối, một miếng thịt cũng không có! Sướng ở đâu ư? Tìm hoài chả thấy.

Rồi sốt phát ban, sốt xuất huyết, sốt siêu vi, thuỷ đậu… đủ thứ bệnh cứ đến rồi lại đi, sau khi đã hành hạ tôi chán chường. Đến đây chắc bạn sẽ tưởng tượng tôi là một người gầy nhom ốm yếu, gió thổi là bay phải không? Nếu vậy thì bạn sai rồi đấy. Tôi hơi gầy, nhưng dừng ở mức mảnh khảnh thôi, vẫn ba vòng lồi lõm đầy đủ nhé ^^, mặt trẻ con và hai má phúng phính (người lớn hay mấy đứa bạn toàn thích véo má tôi), da trắng và hơi tái – chỉ điểm này là giống người nhiều bệnh thôi. Hehe.

Tôi không phải đang than vãn với các bạn về cuộc sống đau khổ từ bé đến lớn của tôi đâu nhé! Cứ coi như tôi đang kể chuyện vui đi nào, để các bạn hiểu thêm về tôi thôi. Còn nếu ai lỡ mắc một trong số các bệnh giống như tôi thì hãy liên hệ với tôi nhé, tôi sẽ chia sẻ kinh nghiệm mà ^^. Còn điều này nữa: giờ tôi đã khoẻ mạnh hơn rất nhiều rồi, chỉ thỉnh thoảng bị cảm và đau bụng nữa thôi.

***

4. Có khá nhiều tính cách trong tôi. Đôi khi tôi trẻ con và nghịch ngợm, thi thoảng lại như bà già khó tính, rồi xen một chút lạnh lùng, hay ngạo mạn bất cần đời. Có khi nói nhiều, có khi một câu cũng lười nói.

Tôi luôn tự hỏi đâu mới là tính cách thật của bản thân? Tôi nên sống như thế nào? Vui vẻ, lạnh lùng, hay lười biếng?

Và rồi tôi nhận ra một điều: tính cách thật của tôi là bao gồm tất cả những thứ đó. Khi vui vẻ thì hãy sảng khoái nói cười, khi xem xét một vấn đề thì hãy là bà một bà già khó tính, khi đối mặt với những người không thích thì lạnh lùng, còn bình thường thì quay về một con mèo lười biếng.

Cảm xúc thì vô tận, quan trọng là chúng ta sống thế nào, có hết mình và vui vẻ hay không. Còn tính cách ư? Muốn thế nào thì hãy như thế đó, cứ thoải mái đi!

***

5. Có đức có tài.

#1. Một câu chuyện có thật như sau:

Có một anh chàng tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi. Vì anh ta có năng lực, lại khéo ăn nói nên cấp trên cũng nhiệt tình giúp đỡ và ưu ái anh ta, hai người dần trở nên thân thiết.

Vị cấp trên này là người nắm giữ những kiến thức chuyên môn quan trọng mà trong công ty chỉ có mình ông ấy biết. Nếu không có ông ta thì công ty phải thuê chuyên gia nước ngoài với lương tháng 7 ngàn đô, nhưng vì là người Việt nên lương của ông ấy chỉ có 1 nghìn đô/tháng.

Anh chàng kia lân la làm quen với vị cấp trên nọ, học hỏi hết những kiến thức mà ông ấy có. Rồi một hôm vị cấp trên có xích mích với công ty. Anh chàng nói:

“Công ty này o ép chúng ta quá. Thôi anh em mình nghỉ việc, tự thành lập công ty mới đi.”

Vị cấp trên đồng ý, làm thủ tục nghỉ việc. Nhưng anh chàng kia thì không. Anh ta ra điều kiện với công ty, trao đổi thứ kiến thức chuyên môn kia lấy cái ghế của vị cấp trên và lương 2 ngàn đô/tháng, ăn cháo đá bát thành công.

Cho đến bây giờ lương tâm của anh ta vẫn chưa thức tỉnh, đi đâu cũng khoe khoang về điều này. Bóc những vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài ra anh ta chỉ toàn mưu mẹo và xảo quyệt. Tôi tự hỏi người như anh ta rồi sẽ đắc ý được bao lâu nữa đây?

#2. Nghỉ hè tôi về nhà nên không đi dạy ở lớp học tình thương. Một hôm có người lạ nhắn tin cho tôi, nói anh ta mới đến dạy, muốn kết bạn làm quen. Không hiểu sao anh ta lại biết mình, nhưng tôi cũng đồng ý.

Sau một thời gian tôi có chút không ưa con người này.

Anh ta luôn ra vẻ ta đây: nhắn tin cho tôi thích xưng bằng thầy và gọi tôi là cô. Tôi nói: “Đừng gọi tôi là cô, gọi tên cho lịch sự.”

Anh ta: “Mình là giáo viên mà, không xưng thầy giáo cô giáo thì là gì chứ!”

Giáo viên ư? Thôi thấy mình chưa đủ tư cách.

Anh ta luôn khoe khoang: hôm nào đi dạy cũng tự sướng rồi đăng hình lên mạng, kèm theo là vài câu triết lí về lòng thương người và tính nhân đạo, mỗi ngày đăng một vài tấm. Nhưng từ trước tới giờ anh ta chỉ đi dạy đúng hai buổi!

Bạn bè comment hỏi han, anh ta sẽ giảng một chút về ý nghĩa công việc của anh ta, về nhân cách tốt đẹp và tấm lòng cao cả bao la của mình.

Tôi: “…”

Không còn gì để nói.

#3. Một chị hướng dẫn viên du lịch (tạm gọi là chị A) nhận làm phiên dịch cho vị tiến sĩ người Tây, ông này đến Việt Nam nghiên cứu về nhà sàn, phải trèo đèo lội suối lên bản dân tộc, và dĩ nhiên vốn Tiếng Việt của ông chỉ gọn lỏn trong câu “xin chào” và “cám ơn”.

Ông tiến sĩ chú trọng đến hiệu quả công việc chứ không quan tâm đến kinh phí nên chi tiền rất thoải mái, chỉ cần chị A đưa ông đến đúng địa điểm, chuẩn bị nơi ăn chỗ ở và phương tiện đi lại là ok.

Thường thì người nước ngoài đến Việt Nam đều bị bắt chẹt, đứng trước đô – lờ, mọi thứ đạo đức đều bay tít tận mây xanh. Ly café 20 ngàn thăng cấp lên 100 ngàn, đồ giá 100 ngàn hô biến thành 200, 300 là chuyện thường tình. Quay trở về câu chuyện, chị A đi cùng ông Tây, biết ông chi trả rộng rãi nên cũng thoải mái tiêu pha, mua những thứ đồ mắc nhất, ăn nơi sang trọng nhất, đến lúc tính tiền hóa đơn qua tay chị nháy mắt tăng gấp đôi. Chỉ trong vòng một tuần mà chị béo lên trông thấy, múp míp mụp mịp cả đen lẫn bóng.

Một lần đến tỉnh Z, chị gọi cả mấy người bạn ra nhà hàng, dẫn cả ông Tây đi cùng để “làm quen”, “giao lưu”. Biết ổng không hiểu tiếng Việt, chị nói trước mặt mấy người bạn:

“Cứ gọi món nào mắc nhất ấy, cho chết tiền ổng đi!”

Nói xong chị cười to, một chút cảm giác hổ thẹn cũng không có.

Lúc quay về khách sạn, quãng đường đáng lẽ chỉ cần đi từ A tới B chị lại cho xe lòng vòng chạy từ A tới X, vòng qua O lại về N. Chỉ tội ông Tây, bệnh dạ dày mà không về uống thuốc đúng giờ được. Sau đợt đó, ổng “Good bye and not see you again” luôn.

Tôi vẫn nhớ câu ổng nói: “Những chuyện cô ta làm, tôi biết và cũng không so đo. Nhưng đừng coi tôi là thằng đần như thế!”

Tôi chẳng thể gượng cười được, chỉ thấy xấu hổ vô cùng.

Nhiều người vì chút lợi ích nhỏ trước mắt mà bỏ lỡ  vô vàn thứ quan trọng khác. Đọc xong mẩu chuyện này chắc các bạn cũng rút ra cho mình nhiều điều, tôi cũng chẳng cần phân tích nữa. Chỉ mong thế hệ “đạo đức tốt, kỷ luật tốt” sẽ ngày một lớn mạnh, tẩy sạch những vết nhơ kia đi.

***

6. Văn hoá yêu

Yêu là một chuyện, nhưng yêu sao cho “có văn hoá” lại là một chuyện khác.

#1. Lúc nào rảnh tôi lại lên tầng cao nhất của giảng đường, chui ra hành lang phía sau để hóng mát và thả trôi những suy nghĩ vẩn vơ. Và rồi vào một ngày đẹp trời…

Khi tôi đến thì chỗ thân quen đã có người – một đôi nam nữ. Hành lang rộng nên tôi tìm một góc khác để ngồi xuống, cũng chả sao vì hành lang không phải của riêng ai. Nhưng được một lát thì đầu tôi thật sự muốn bốc khói.

Bởi đôi nam nữ đang ngồi gần tôi kia đang có những hành vi thực sự khiến người ta đau mắt.

Bọn họ hôn nhau - ừ thì hôn là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa, nhưng nếu cứ hôn nhau mãi không dứt giống như trên miệng đổ cả lọ keo con voi, rồi lại phát ra tiếng mút mát rên rỉ - trước – mặt – người – khác, hôn như thế liệu còn bình thường nữa không? Không phải tôi tò mò nhiều chuyện đâu, nhưng âm thanh cứ lọt vào tai tôi, không muốn nghe cũng không được.

Họ sờ nhau – chính là sờ mó ấy, người thật việc thật. Cô gái đưa lưng về phía tôi, còn anh con trai thì ngồi đối diện. Tay anh ta luồn vào trong áo, cởi nút áo ngực phía sau rồi luồn lên trước, đưa lên đưa xuống nhiều lần.

Tôi: @_@!

Thấy tôi nhìn, anh con trai còn nháy mắt với tôi, miệng vẫn không ngừng hôn và tay vẫn không dừng lại.

Tôi đứng dậy đi về.

#2.

Sân kí túc xá luôn là điểm hẹn của tình yêu: chàng đợi để đưa nàng đi hẹn hò, nàng chờ chàng đến chở đi chơi, chàng và nàng ngồi trên ghế đá tâm sự, đôi tình nhân tạm biệt cho nhau những cái ôm… Nghe qua thật lãng mạn và nên thơ đúng không?

Nhưng mỗi thời mỗi khác, những cây cổ thụ lâu năm nơi sân kí túc chắc cũng không ngờ một ngày sẽ được chứng kiến những cuộc hò hẹn khiến người ta “mặt đỏ tim đập” thẹn thùng kia đâu.

Tôi rất ít khi dừng lại ở sân kí túc, thế nên một ngày nọ tôi đã bị choáng toàn tập.

Tối hôm đó tôi đợi bạn đưa tài liệu nên ra ghế đá trước kí túc xá ngồi. Những ghế đá xung quanh đều có người, tôi nhìn quanh ngó quất tìm bóng dáng đứa bạn. Bạn thì không thấy, nhưng lại thấy nhiều việc mà tôi nghĩ sẽ không bao giờ chứng kiến:

Ghế đá bên cạnh: Đôi nam nữ hôn nhau. Tuy không trắng trợn như đôi nam nữ ở #1, nhưng độ cuồng nhiệt không kém.

Ghế đá tiếp theo: Cô gái ngồi trên người anh con trai, vòng chân quanh hông anh ta, ôm hôn và lắc lư.

Ghế đá khác: trời tối nên không biết tôi có nhìn lầm hay không, nhưng tôi thấy anh con trai cầm tay cô gái để ở giữa hai chân mình, rõ ràng đang… tuốt ống! >_<

Tôi: “…”

#3. Nếu bạn ở làng đại học (quận Thủ Đức, HCM city) hẳn sẽ không lạ gì với hồ đá và những con đường ngút ngàn thẳng tắp nối liền các trường đại học, khu quân sự, kí túc xá, với hai bên đường um tùm cây cối, yên tĩnh và cảnh đẹp cũng rất nên thơ. Vì thế, đây cũng là một điểm hẹn lý tưởng của các cặp tình nhân.

Cứ vài mét lại có một đôi – giống như đã thoả thuận trước, là không gian riêng và không ai làm phiền ai. Có đôi nắm tay tâm sự, chuyện trò trăng sao mây gió, có đôi tựa vai nhau thủ thỉ nhiều điều, có đôi hôn nhau… và cũng có đôi nhân lúc trăng thanh gió mát, bốn bề mờ ảo, chui vào bụi cỏ để tiến hành nhiều chuyện bí mật mà ai cũng biết. Cứ thế, cứ thế… số lượng không đếm hết.

Tôi và nhỏ bạn – hai đứa đi dạo một vòng mà vẫn không tìm được một chỗ lý tưởng để ngồi uống trà sữa và gặm bánh mì mang theo, ánh mắt vẫn cảm thấy nhức nhối.

Có lẽ nên đi về.

#4. Ở kí túc xá hẳn các bạn đều nghe qua chuyện này (hoặc tương tự). Đó là chuyện một nữ sinh vào nhà vệ sinh quá lâu, bạn bè lo lắng đập cửa nhưng không nghe thấy âm thanh gì, phá cửa vào mới thấy nữ sinh đó nằm trên vũng máu, sinh linh mới chào đời đã tắt thở từ lâu.

Đây không phải chuyện hiếm lạ gì, kí túc xá trường nào cũng có, nhưng vì danh tiếng nên nhà trường phải che giấu thôi.

#5. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe chuyện nhỏ bạn cùng lớp cấp 3 với tôi.

Nó yêu một thằng (nhà thằng đó gần nhà tôi – gọi là thằng A), bố mẹ thằng A đi làm ăn xa nên nó hay xuống nhà A ở, chiều nào cũng thấy hai đứa cặp kè đi qua đi lại trên đường. Bị lời ra tiếng vào nhiều lắm nhưng chúng nó mặc kệ, cứ đường ta ta đi, việc ta ta làm.

Trường tôi bắt mặc đồng phục ghê lắm, mỗi đứa đều có size riêng may vừa người nên mặc đồ không phải của mình là biết lền. Vậy nên hôm học thể dục thấy nó mặc quần thể dục rộng thùng thình, lại là kiểu của nam sinh, liếc mắt là biết quần của thằng A.

Khi nhảy cao quần nó bị tụt xuống, lộ rõ quần shịp của nam.

Cả bọn: @_@!

Rồi nó mang bầu. Đây không phải chuyện vẻ vang gì, nó cũng không giấu nên ai cũng biết. Nó nghỉ học liên miên, dự sẽ làm đám cưới.

Và rồi… thằng A lủi mất tăm, bỏ đi với một con khác. Nhỏ bạn tôi phá thai, đi học lại. Mối tình kết thúc trong cay đắng và biết bao lời xì xào bàn tán của mọi người. Thanh danh của nó mất sạch, ở chỗ tôi chắc không bà mẹ nào đồng ý cho con trai quen nó đâu. Một thời lầm lỡ cả đời khổ sở.

***

7. Vẽ đường cho hươu chạy.

#1. Từ bé tôi vẫn luôn thắc mắc không biết mình được sinh ra từ chỗ nào, hỏi mẹ khi thì mẹ bảo sinh từ rốn, khi lại bảo nhặt được đem về nuôi, có khi lại nói tôi sinh từ bắp chân… bla bla, đáp án mỗi lần mỗi khác.

Năm tôi 6 tuổi mẹ mang thai em trai. Ngồi xoa cái bụng tròn vo của mẹ tôi lại hỏi, lần này mẹ trả lời: “Ở bên dưới của mình có một cái lỗ nhỏ, khi nào sinh em bé sẽ dãn mở to ra. Em bé chui ra từ đó.”

Tôi xuýt xoa: “Eo, vậy chắc đau lắm nhỉ?”

Mẹ: “Đương nhiên là đau rồi, vậy nên con phải cẩn thận, đừng động vào chỗ đó nha.”

Vậy là kể từ năm 6 tuổi tôi đã biết chính xác mình sinh ra từ đâu. Đi học nghe mấy nhỏ bạn nói chuyện đoán này đoán nọ tôi chỉ cười cho qua, nghĩ bọn nó thật ngốc.

#2. Lần đầu tiên tôi có kinh nguyệt là năm 13 tuổi.

Đó là một buổi sáng đẹp trời, tôi thức dậy vào phòng vệ sinh và thấy trên quần lót mình đầy máu.

Suy nghĩ đầu tiên: T_T mình sắp chết phải không?

Đi hình con cua về phòng đúng lúc mẹ nhìn thấy, mẹ hỏi: “Có chuyện gì vậy?”

Tôi: T_T

Biết chuyện mẹ chỉ cười nói: “Ngân lớn rồi đấy nhá!”

Phải rồi, tôi đã lớn, bắt đầu cuộc hành hạ đều đặn mỗi năm 12 lần với đau bụng quằn quại và hoạt động không thoải mái. Xong, tiêu đời.

Bạn tôi kể: “Mẹ nói có kinh là có thể mang thai, vậy nên tao luôn cách ly bọn con trai, đến ngồi gần bố tao cũng không dám, sợ.” Con nhỏ rõ là ngốc mà! Còn tôi đọc sách sinh học lớp 8 mà chị gái để lại, biết rõ phải có con XY ghé thăm XX thì mới có thể mang thai. Và đương nhiên tôi cũng chả có gì phải đắn đo sợ hãi.

#3. Cột mốc kinh nguyệt đánh dấu quá trình “thoát xác”. Tôi thay da đổi thịt, bắt đầu “có trước có sau”, “lồi lõm đầy đủ”, mấy đứa bạn cũng dần lao vào yêu đương, tình tứ này nọ, đương nhiên tôi thì không.

 Một ngày tôi thấy trong cặp mình có cuốn “Hoa hồng giấu trong cặp sách”. Đó là cuốn sách nói về chuyện quan hệ tình dục của giới trẻ, những “lần đầu tiên” ngây ngô thiếu hiểu biết và hệ luỵ của nó. Dùng đầu gối suy nghĩ cũng biết là mẹ tôi bỏ vào. Đọc nó, lần đầu tiên tôi hiểu rõ hơn về chuyện XXOO, và biết làm sao để phòng tránh. Đọc xong tôi để trên giá sách, mẹ lại bỏ những cuốn khác vào cặp tôi.

Rồi mẹ đặt mua báo Hoa học trò, tôi nghĩ các bạn nên đọc vì trong đó có nhiều chuyên mục thú vị và bổ ích. Mẹ mua – tôi đọc, tuy không nói thẳng thắn rõ ràng, nhưng tôi biết mẹ đang dạy tôi theo một cách kín đáo và tế nhị. Sau này tôi thử hỏi mẹ: “Sao hồi ấy mẹ cứ lén bỏ sách vào cặp con làm gì?”

Mẹ (che mặt): “Mẹ ngại ngùng mà!”

Tôi: “…”

#4. Tôi không nói phương pháp của mẹ là tốt nhất, nhưng mẹ đã nhìn thẳng vào vấn đề, từng bước dẫn tôi đi theo con đường đúng đắn: hiểu biết và an toàn. Người ta nói: nếu để bọn trẻ biết chuyện người lớn sớm quá chúng sẽ tò mò, là “vẽ đường cho hươu chạy”. Nhưng những đứa trẻ đó trước sau gì chả lớn, thay vì để chúng tự mò mẫm rồi lạc lối lúc nào không hay thì ta hãy hướng dẫn, chỉ bảo cho chúng những điều cần thiết, vào những giai đoạn cần thiết.

Mỗi người đều là một cơ thể và khối óc độc lập, không ai có thể sống thay ai cũng như không ai có thể điều khiển suy nghĩ theo ai. Rồi một ngày chúng ra sẽ thấy: con cái có nhận thức riêng của mình, đừng bao bọc chúng quá kĩ mà hãy chắp cho chúng một đôi cánh vững chắc để bay.

<Trích nguyên văn lời của mẹ>

***

8. Trời mưa, cảm xúc dâng trào nên đi lượn lờ khắp chốn, tâm tình tốt cầm bút viết một tản văn nho nhỏ, đăng cho mọi người cùng đọc. =))

Cảnh báo: Hơi sến ^^

Ký ức một ngày mưa…

Sài Gòn chiều nay mưa lớn quá. Mưa tầm tã dai dẳng không ngớt, bầu trời chẳng còn là đôi mắt nai trong veo mà cứ u buồn tối thẫm lại.

Bỗng dưng thấy buồn.

Một nỗi buồn man mác…

Dưới sảnh kí túc, từng nhóm người đứng chờ mưa tạnh, những mong không phải đội cái mưa lạnh lẽo đi về. Họ nói cười, trêu đùa, rồi ánh mắt chìm trong màn mưa trắng xóa. Bên kia, đôi bạn trẻ vừa chạy từ ngoài vào, lau cho nhau những giọt nước mưa còn vương trên má, cử chỉ đơn giản mà đong đầy ấm áp ân cần. Chà, kiếp độc thân là do mình lựa chọn, cớ gì phải chạnh lòng đúng không nào?

Bung dù lên và bước trong mưa thôi!

Từ bé tôi đã thích đi dưới trời mưa. Đi học về gặp mưa, dẫu trong cặp có mang theo dù đi chăng nữa cũng nhất quyết không lấy ra, cứ đầu trần mà đi về. Dĩ nhiên về nhà lại bị mẹ mắng, hôm sau lăn ra bệnh, uống một đống thuốc rồi lại nghe mẹ la, nhưng mỗi khi nhìn bức màn mưa trắng xóa, đưa tay hứng những giọt mưa lạnh ngắt dội vào từ cửa sổ, lại thích, lại yêu, lại muốn dầm mưa…

Bước chầm chậm trong mưa, lắng nghe tiếng mưa dịu dàng ca hát, là khi ta thấy lòng bình yên nhất. Hãy cứ mơ đi, hãy cứ nghĩ suy đi, bởi trong mưa, ta là chính ta, là một góc riêng mà chỉ mình ta được đặt chân vào đó, sẽ không có phiền muộn, sẽ không có bon chen bộn bề.

Đi ngang qua sân bóng chuyền, vài bạn nam sinh vẫn đang cười đùa chơi bóng. Quả bóng bay khỏi sân, lao đến, tôi lùi lại, bóng sượt qua áo khoác. Một bạn nam chạy đến xin lỗi rối rít, hỏi: “Bạn có sao không?” Tôi mỉm cười lắc đầu. Mấy bạn khác cũng chạy đến hỏi han, tôi phải cam đoan là quả bóng chỉ sượt qua áo thôi chứ không trúng người, lúc đó mấy bạn mới tươi cười nhẹ nhõm.

“Xin lỗi nhé, bọn mình sẽ cẩn thận hơn!”

Tôi vẫy tay chào các bạn nam sinh, lại tiếp tục đi. Mưa hắt ướt áo tôi, ướt chân tôi, cảnh vật xung quanh cũng ướt.

Đến cây ATM, tôi dừng lại đợi rút tiền. Một bạn nam từ trong đi ra, lắc đầu nói: “Không rút được tiền, máy ngừng phục vụ.”

Tôi liếc qua cửa kính, đúng là máy báo tạm thời ngừng phục vụ thật, lại đút tay vào túi áo, cầm dù tiếp tục đi. Có tiếng gọi theo:

“Bạn ơi, rớt tiền này!”

Tôi quay lại, khuôn mặt bạn nam chìm trong mưa nhưng nụ cười rạng rỡ, đưa cho tôi chỗ tiền tôi làm rơi.

Mưa lạnh, nhưng tim ấm.

Đến cây bán hàng tự động, nhét thẻ vào và bấm một ly café nóng, ngắm trời mưa, và chờ đợi những điều bất ngờ…

***

9. Cò mẹ và cò con

Nhắc đến “con cò”, hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh người phụ nữ tần tảo làm lụng để nuôi con đúng không? Trong truyện này “cò mẹ” là để chỉ cả cha và mẹ nhé, nhưng để “xuôi tai”, bạn Ngân sẽ chỉ lấy tiêu đề là “cò mẹ và cò con” thôi.

Bắt đầu nào!

Bạn cùng phòng tôi kể chuyện: Nhỏ bạn của nó cùng em gái vào SG trọ học, tháng này phải đóng học phí, mẹ nó gửi cho 5 triệu. Trừ 4 triệu học phí và 700 tiền nhà thì còn lại có 300 ngàn, mẹ nó dặn phải xài trong một tháng.

Bạn tôi nói: “Chả hiểu mẹ nó nghĩ gì nữa, 300 ngàn hai chị em ăn trong một tuần còn không đủ, nói gì đến một tháng! Sinh con ra thì phải có trách nhiệm nuôi nó chứ!”

Tôi vốn ít quan tâm đến chuyện người khác, cũng hiếm khi tranh luận điều gì, nhưng nghe nó nói vậy cũng thấy khó chịu. Tôi hỏi:

“Bạn đó nhiêu tuổi rồi? Bằng tuổi mình đúng không? Ở nước ngoài 18 tuổi đã cho ra ở riêng tự cung tự cấp, đằng này nuôi cho ăn học đến chừng này tuổi rồi còn trách móc cái gì nữa? Biết nhà không có tiền thì phải lo mà kiếm việc làm thêm, cứ trông chờ từng đồng bố mẹ gửi vậy hả?

Bạn tôi: “Nó lo học, làm gì có thời gian đi làm? Không có tiền thì phải đi vay mượn chớ, mẹ nó cũng kì, giờ nuôi nó ăn học đi, sau này có tiền nó trả.”

Tôi cười: “Đầy người có hoàn cảnh khó khăn hơn nó, học nhiều hơn nó mà vẫn đi làm đấy thôi! Tao với mày đều học đại học, biết cả rồi đấy, thời gian rảnh cả đống, chẳng qua nó lười, còn bao biện! Còn hả, đã thấy ai học xong đi làm rồi trả tiền lại cho bố mẹ chưa? Nó không đòi gửi thêm tiền xin việc, tiền mua xe mua nhà là may lắm rồi.”

“Đừng có ở đó mà trách móc bố mẹ nó nữa, nhà có tiền thì đã gửi lâu rồi. Bộ tao biết tính, mày biết tính mà bố mẹ nó không biết tính chắc? Mẹ nó là người rõ nhất đấy!”

Nhỏ bạn lặng thinh, tôi cũng chẳng nói thêm gì nữa. Chắc cái tư tưởng  bố mẹ sinh con ra là phải chăm lo từ A tới Z đã ăn mòn vào tận xương tủy của các bạn trẻ rồi. Sống mà chỉ biết bòn rút của bố mẹ, nếu lỡ một ngày bố mẹ không còn sức để chu cấp cho mình nữa thì ai sẽ “nắm tay người kéo đi” đây?

Về nhà mẹ kể chuyện: Nhà cô A có con đi học xa về nên làm thịt gà, nấu toàn món ngon cho con ăn. Đứa con thấy vậy hỏi: “Ở nhà ngày nào cũng ăn ngon như vầy hả mẹ?” Cô A bảo ừ, ngày nào cũng ăn ngon thế đấy. Nghe thế đứa con giãy nảy lên: “Bố mẹ ở nhà ăn sướng thế mà tháng nào cũng gửi cho con có tí tiền, làm con ăn cũng chả dám ăn!”

Nghe vậy cô A chỉ biết cười trừ. Làm sao giờ? Con càng học cao, càng học xa thì nhận thức lại càng bay tít tận phương nào. Nó chỉ biết mỗi nó khổ, suốt ngày vòi tiền mà chẳng bận tâm bố mẹ vất vả ra sao. Ở đời là thế đấy.

Lại kể chuyện chị họ nhà tôi: Chị vốn lười, lại ham chơi nên học hành chả đâu vào đâu hết, lớp 10 đã đòi bỏ học. Cậu mợ khuyên bảo mãi chị mới chịu xuống Sài Gòn học trường tư, nhưng được nửa năm lại bỏ về, từ đó nghỉ luôn.

Được một thời gian lại chị đòi đi học làm tóc, cái đầu lúc nào cũng xanh xanh đỏ đỏ, sặc sỡ đủ màu, ra đường không lo bị lạc. Học xong lại về, cậu mợ mở cho một cái tiệm làm đầu, mở cửa thì ít mà đóng thì nhiều, mà có mở thì cũng ít người đến tiệm (lúc này chị lại quay sang lôi kéo mấy đứa em họ - ám ảnh một thời của tôi).

Rồi chị có người yêu, nghe đâu nhà bên ấy giàu lắm, công ty mẹ công ty con có cả. ngày cưới xe con rước cả hàng dài, cậu mợ cũng tự hào lắm, khoe khắp nơi. Cả nhà tôi cũng vui, thấy chị hạnh phúc là đủ rồi.

Thế nhưng được chừng 1 năm thì công ty nhà chồng chị phá sản, nợ nần chồng chất… cuộc sống thế nào chắc không nói các bạn cũng hình dung được. Nhà bên ấy (giống như) đang trên cành cao rớt bịch xuống đất, thoái chí, chán nản, không gượng dậy được nữa. Đủ thứ giờ ập lên đầu chị, lại quay về nhà mẹ đẻ.

Con gái nhớ đấy, dù thế nào thì nhà mẹ vẫn là bến đỗ bình yên và vững chắc nhất mỗi khi ta quay cuồng chao đảo với sóng gió cuộc đời. Vậy mà nhiều người lấy chồng rồi thì đường về nhà mẹ ở đâu cũng chả nhớ, đến lúc khó khăn thì lại kéo nhau về.

Nuôi con, nuôi rể, nuôi cháu, lại bao thêm cả đại gia đình bên rể nữa. Cậu mợ nhà tôi đang sống thế đấy! (Đó là chưa kể anh con rể và ông thông gia vì suy sụp tinh thần mà suốt ngày rượu chè be bét, bà thông gia thì vẫn chưa quên được cuộc sống ngọc ngà đi siêu thị không nhìn giá).

Khổ ơi là khổ!

Kiếp con cò định sẵn là thế đấy.

 Cò con được ăn, được chăm, được lớn, đến lúc tự kiếm ăn được rồi thì nhớ mang về cho cò mẹ cái tôm cái tép, dù chỉ be bé cũng ấm lòng.

***

10. Nụ hôn và nước mắt

Biết rằng khi yêu, là phải hy sinh cho nhau rất nhiều. Nhưng khi sự hy sinh của mình không được người ta công nhận, trả lại tấm chân tình của mình là khinh bỉ cùng coi thường thì chính là lúc phải buông tay.

Cố giữ chỉ rước thêm ê chề…

Tôi có một nhỏ bạn dễ thương vui tính, nhỏ yêu một anh hơn nhỏ 8 tuổi. Nhỏ và ảnh gặp nhau trong SG, còn nhà ảnh và nhà nhỏ thì ở hai đầu nỗi nhớ. Nhỏ vô tư và hơi ngốc nghếch, đôi lúc khiến người ta bực mình – nhưng nhiều hơn là khiến người ta vui vẻ. Vậy mà khi ở bên ảnh, ưu điểm này lại hô biến thành nhược điểm chết người.

Một hôm nhỏ qua phòng trọ ảnh chơi, lên gác thì thấy có nhiều đồ cũ, để chất đống một góc. Nhỏ hỏi:

“Đồ cũ nhiều vầy sao anh không đem đốt đi? Để đó làm gì cho chật nhà!”

Nghe vậy ảnh quát: “Đốt gì mà đốt? Quần áo mà đem đi đốt hả?”

Nhỏ ngơ ngác chả hiểu gì. Ở quê nhỏ, mọi người đều đem đồ cũ đi đốt, có thấy ai nói gì đâu? Sau mới biết ở quê ảnh chỉ đốt quần áo khi cho người chết.

Tưởng câu chuyện “lỡ lời” chỉ dừng lại tại đây thôi, không ngờ (chẳng hiểu sao) chuyện này đến tai ba mẹ ảnh. Hai trưởng bối liền gọi điện vào chửi ảnh… chút gì đó không ưa nảy mầm vươn lá trong đầu…

Em trai ảnh lấy vợ, chị này người miền Tây, nói năng ngọt ngào, có công ăn việc làm ổn định lại là con nhà khá giả. Ngày ba mẹ ảnh vô SG dự đám cưới, nhỏ ngồi cạnh chị ấy mà giống như vịt bầu ngồi cạnh thiên nga. Có người con dâu như vậy, ba mẹ ảnh nhìn nhỏ sao cũng thấy không vừa mắt: Nhỏ con (có 42kg), đang là sinh viên, ra trường không biết đi đâu về đâu, gia cảnh tầm thường… và nhất là dư âm từ đợt “lỡ lời” lần trước.

Chỉ số thân thiết tụt giảm.

Nhỏ ngồi, nhìn cảnh mẹ chồng nàng dâu tình cảm, còn mình không một ai quan tâm, tủi thâm giấu trong lòng, về nhà ôm chăn khóc.

Ảnh có một cô em gái, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa, bé hơn nhỏ 2 tuổi. nó gặp nhỏ cứ bĩu môi khinh bỉ, nhỏ rửa rau – rửa sạch tới 3 lần, nó đi tới nhìn nhìn rồi bảo chưa sạch, chị rửa tiếp đi.

Nó chat với người yêu cũ của ảnh, nói: “Cả nhà em ai cũng ghét chị ấy, vậy mà còn mặt dày bám theo anh trai em.” Nhỏ đọc được, mắt đỏ hoe.

Mẹ ảnh ăn chay trường, nhỏ biết một tiệm bán đồ muối chay khá ngon, mua mấy hũ định tặng. Lúc đến mẹ ảnh chẳng nhìn, một câu hỏi cũng không.

Nhỏ đang cố gắng vì điều gì chứ? Ảnh ngày càng lạnh nhạt, bạn ốm thì cuống quýt nấu cháo, còn nhỏ bệnh một câu thăm hỏi cũng không. Nghe đâu ảnh nói với mẹ là muốn chia tay nhưng nhỏ níu kéo quá, thấy tội, nên thôi.

Nhỏ đi xe máy bị ngã gãy chân, mẹ ảnh vào tới Bình Dương, không đến thăm thì thôi còn bắt nhỏ qua.

Nhỏ lê chân bó bột, từ SG qua Bình Dương gặp bả. Mẹ ảnh nói (trước mặt mẹ nhỏ): Nếu ảnh lấy nhỏ, bà sẽ tách hộ khẩu, cắt sổ đỏ, chấm dứt quan hệ mẹ con.

Nhỏ đang cố gắng vì điều gì? Trước sau không thấy ảnh nói một câu.

Chung tình và si tình – một người hạnh phúc, một người ngu.

Từ khi quen ảnh, nhỏ lấy nước mắt rửa mặt, vứt bỏ tự trọng để đến bên ảnh.

Nhưng… nhận lại được gì?

Cố chấp yêu như vậy, có nhục nhã quá không?

 ***

11. Đời người là những chuyến đi

Số lần đi du lịch của tôi ít tới đáng thương, hồi bé thì do thân thể yếu ớt, bệnh tật nên nằm nhà, lớn lên mới phát hiện bản thân bị say xe nặng, trừ xe con 4 chỗ ra, còn lại đều say… Orz, cuối cùng vẫn ngồi nhà. Thế nên tôi rất thích được đi chơi xa, luôn ngồi trước máy tính và tưởng tượng cảnh đẹp trong hình xuất hiện trước mắt.

Đời người nói ngắn cũng không ngắn, dài cũng không dài, vậy nên hãy tranh thủ những tháng ngày được ngâm mình trong nắng mai chan hòa, hít thở hương hoa cỏ thơm mát và lắng nghe thanh âm của cuộc sống để đi thăm thú đó đây, sau này còn có chuyện để kể cho họ hàng con cháu.

Kể ra thì tôi cũng đi thăm thú được vài nơi.

Hồi bé được ra Bắc vài lần, khi đó hầm Hải Vân còn chưa xây, đi xe đò sàng qua sàng lại những hai ngày trời, tim gan phèo phổi cũng muốn ói ra ngoài. Cũng may ra ngoài đó được đi chơi để bù lại, nếu không chắc tôi khóc mất.

Đầu tiên là Hà Nội – thủ đô yêu dấu. Ấn tượng đầu tiên là gánh hàng rong khắp nơi, bánh mì pa-tê ngon ngon, đủ thứ ô mai khiến tôi ăn nhiều quá mà đau bụng mấy ngày liền. Mùa hè, vải thiều tràn khắp các ngõ, rẻ ơi là rẻ (nhưng tôi chỉ ăn được mấy kí đã bị cấm, bởi ăn vải sẽ bị nóng). Tôi đến Hà Nội vào mùa hè, trời rất nóng nên không đi được nhiều nơi, đến tối người người tràn ra đường, đi quán hàng ăn lung tung, hoặc chỉ đơn thuần dạo xe quanh các con phố để hít thở không khí đất trời. Người ta thường gắn liền Hà Nội với “nồng nàn hoa sữa thơm”, hoa sữa thì nồng nàn thật, nhưng chả thấy thơm gì đâu nhé! Không phải tôi có ý chê bai gì đâu, nhưng mùi hoa sữa gay mũi thật đấy, tôi chịu không nổi. Nhưng khi đứng xa và nhìn những chấm hoa sữa li ti trải đầy trên nền gạch một màu trắng xóa, thì đúng là đẹp thật đấy :). Ở Hà Nội nổi tiếng nhất chắc là phở và cốm làng Vòng nhỉ? Ngoài ra còn có kem Tràng Tiền, vừa rẻ vừa ngon, không biết đến giờ có còn giữ nguyên hương vị không nữa.

Thứ hai là Thái Bình – quê nội của tôi. Người Thái Bình, tiêu biểu là phát âm ‘l’, ‘n’ lẫn lộn. Ví dụ như bố tôi chỉ nói được ‘n’ – con “nợn”, còn chú tôi chỉ nói được ‘l’, khổ thế đấy. Tôi đến Thái Bình vào mùa đông, lạnh cắt da cắt thịt, mặc áo bông to sụ, quấn khăn kín mít như cái bánh tét mới đỡ. 30 Tết, bác nấu nước cây mùi già để cả nhà tắm (lần đầu tiên trong đời tắm nước thứ cây này). Giao thừa, cả thành phố cúp điện để thả đèn trời, đèn trời nhiều lắm lắm luôn, ở trong Nam không có vụ đó. Sáng mùng 1 Tết, tự nhiên trời mưa phùn, hạt mưa bé xíu dày đặc như mành sương mỏng, lúc đó tôi mới biết cái gì gọi là “mưa xuân”. Đúng thật, bước qua năm mới, khí trời cũng mới. À, bạn biết đặc sản của Thái Bình là gì không? Bánh Cáy đấy!

Tôi có ghé qua Hà Tĩnh hai ngày, đó là quê của thím. Trời rét căm, đi đến đầu cổng đã nghe bài hát “Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh”, không khí ghê. Đến Hà Tĩnh, không có bố mẹ đi cùng nên tôi tha hồ ăn bánh Cu-đơ cho sái cả quai hàm, còn có kẹo lạc nấu từ mật mía nữa, tôi khoái ăn đồ ngọt mà. Buổi chiều đi dạo trên đường làng, tự nhiên thấy con ngựa – lần đầu tiên tôi thấy ngựa đấy, vui ghê. Không biết ở đấy người ta nuôi ngựa làm gì.

Buôn Mê Thuột – ĐăkLăk, thành phố be bé xinh xinh nên tôi đã được đi thăm thú hết. Ở đó có chùa Khải Đoan, nhà đày Buôn Mê Thuột, ngã 6 đông đúc có xe tăng, dinh Bảo Đại… Nhưng mà chưa được cưỡi voi lần nào, hơi rầu một tí.

Tiếp đến là Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh, cái nầy thì khỏi phải nói, tôi học ở đây mà =)). Những điểm đến nổi tiếng thì tranh ảnh đầy ra đó, chẳng cần tả các bạn cũng biết nhỉ? Tôi chỉ nói thêm một chút thôi:

- Người SG thức khuya dậy muộn, nên có hẹn hò gì thì cứ sau 8 rưỡi sáng nhé, làm phiền sớm là bị chửi đấy. =))

- Người SG khá dễ tính, thoải mái, người miền Tây hay người từ các tỉnh khác nhập cư đến cũng như vậy. Thế nên dù bạn vào một tiệm ăn sang trọng hay chỉ là quán cơm vỉa hè bạn cũng được phục vụ chu đáo, nhiệt tình. Nhất là khi mua quần áo (tôi ít khi đi mua đồ, nhưng cũng phải công nhận) những người bán hàng rất thoải mái. “Cứ thử đi, không mua cũng chẳng sao, có ai bắt em mua đâu mà!” là câu cửa miệng của người bán. Nhiều lúc thử hết bộ này đến bộ kia mà không mua cũng ngại, nhưng họ chỉ cười, nói “Không sao, bữa sau có hàng mới về nhớ ghé tiệm nha”. Mình nghe thấy được tôn trọng, không mua bây giờ thì bữa sau mua, cũng nể sự kiên nhẫn của họ nên rước về cả tủ đồ chật ních.

- Ở SG, thông dụng nhất là câu “Bao + …”, ví dụ như “bao ngon” có nghĩa là nếu ăn mà không thấy ngon thì trả lại tiền, “bao đổi” nghĩa là mua đồ về mà không ưng thì được đổi thoải mái, “bao ăn”… đủ thứ bao, nghe cũng thấy hay.

Tôi đến Vũng Tàu 2 lần. Lần thứ nhất là đi với đoàn đến thăm trại trẻ khuyết tật, phát quà cho các bé trường tiểu học ở một xã nghèo. Đường sá xa xôi, lại đến vùng quê nghèo nên khung cảnh chả có gì đặc biệt. Điều tôi nhớ mãi là nụ cười bẽn lẽn và ánh mắt trong veo của các bé khi hỏi “Các anh chị còn đến nữa không?”. Chỉ vậy thôi.

Lần thứ hai là đi du lịch thật sự, nhóm gồm 6 đứa tự chạy xe đi. Giờ đến Vũng Tàu chỉ có thể tắm ở bãi sau thôi, bãi trước ô nhiễm + đá nhiều nên không thể tung tăng ngụp lặn được nữa. Từ bé đến lớn, đấy là lần đầu tiên tôi được ra biển, chà, phấn khởi ghê. Sáng đi tắm biển, tối mua hải sản ra bãi biển ngồi nhậu, khuya kéo về khách sạn nhậu tăng 2, cuộc sống thần tiên là đây =)). Đi về người đen thui thui, kem chống nắng cũng chả được tích sự gì hết, mất công dưỡng da mấy tháng. =))

Tiếp đến là Tây Ninh – đặc sản là bánh tráng và muối tôm. Đi xe có 3 tiếng là tới nơi mà tôi ói tới 3 lần – trong khi mấy đứa bạn khỏe re, thật muốn khóc. Tây Ninh có núi Bà Đen, ai có sức khỏe thì tự leo (bậc thang bằng đá, té là rụng răng), ai không có sức khỏe thì đi cáp treo, vừa đi vừa ngắm cảnh, lúc xuống thì có thể đi máng trượt (không dành cho người yếu tim). Đến ngày lễ, rằm này nọ, người người kéo nhau lên núi Bà Đen lễ chùa, nghe nói chùa ở đó linh lắm, cầu được ước thấy. Tôi cũng cầu có bạn trai mà mấy năm rồi  vẫn chả có mống nào ngỏ lời. Chắc do ăn ở!

Long An là nơi trồng nhiều dưa hấu, nghe nói đến mùa dưa hấu rẻ lắm, nghe mà thèm (tôi là fan ruột của dưa hấu). Tôi đến Long An 2 lần, mỗi lần đến một nơi khác nhau, đều là nhà của bạn tôi. Người Long An hiền lành chất phác, lại rất thoải mái, nói chuyện không câu nệ tiểu tiết. Chà, chắc phải kiếm anh Long An mới được! (Hình như hơi lạc đề).

Từ giờ đến Tết ráng làm một tour đi Đà Lạt nữa là hết ao ước. Tôi thích đi Đà Lạt ghê, mà rủ mấy đứa bạn chả đứa nào chịu đi. Rầu!

 ***

12. Chuyện cái bồn cầu

Nếu là một cái bồn cầu, ngày qua ngày có biết bao người ghé thăm bạn, họ đến và đi rất nhanh – nhưng cũng đủ để lưu lại cho bạn nhiều ấn tượng mãi mãi không phai nhòa. Có gì khó khăn đâu nhỉ? Chỉ cần bước vào Tolet, kê cái bàn tọa lên bạn, và sau khi giải quyết cái sự sung sướng thì nhấn nút một cái, nước sẽ cuốn trôi mọi phiền muộn.

Động tác đơn giản, dễ dàng thực hiện phải không?

Vậy mà đối với một số người, chỉ vài ba bước đó lại quá khó khăn đối với họ.

Một ngày đẹp trời – à không, với cái bồn cầu như bạn thì đó là ngày không đẹp tí nào – có một vị khách ghé thăm bạn. Anh ta nhìn thân hình trắng trẻo bóng loáng của bạn rồi bĩu môi.

“Nhìn vầy, ai biết có sạch sẽ hay không!” Hắn lẩm bẩm.

À, hóa ra là một tên cuồng sạch sẽ! Bạn cũng bĩu môi khinh bỉ hắn. Chủ của bạn cũng sạch lắm nha, lau chùi bạn thường xuyên mà! Bạn ưỡn ngực chống lại ánh mắt dò xét của hắn, rồi… trước mắt chợt tối sầm… hắn… hắn ngang nhiên dẫm chân lên người bạn, thay vì ngồi “giải quyết” theo tư thế văn minh lịch sự thì hắn lại ngồi xổm – trên – người – bạn?!

Cái tư thế khó coi kì cục này khiến cho bàn tọa của hắn không rơi đúng vào vị trí… vương vãi trên người bạn. Bạn khóc, bạn van xin hắn, nhưng hắn vẫn mắt điếc tai ngơ, tự cho mình là người sạch sẽ - nên cũng cần “giải quyết” theo một tư thế sạch sẽ không kém.

“Rắc!”

Bạn nghe tiếng thân mình nứt vỡ vì trọng lượng quá tải của hắn. Khi hắn đứng lên nheo mắt nhìn bạn – cũng là nhìn tác phẩm vương vãi của hắn thì hắn bịt mũi và kinh tởm như muốn ói, vội vã đóng nắp lại và bỏ đi như chẳng có gì xảy ra.

Mặc bạn khóc trong lặng lẽ.

Một vài người, họ chỉ biết thực hiện động tác: kéo khóa – ngồi xuống xả - kéo khóa và mở cửa bước ra (với quần thun hay đầm thì chả cần kéo khóa), và động tác nhấn nút xả nước dường như quá khó khăn đối với họ, hoặc là “quên” – một lí do rất đáng khinh với kẻ có thể nhớ từ kéo khóa tới mở cửa. Ngày ngày bạn gặp họ nhiều như sung rụng, cũng chả còn cảm xúc để tức giận hoặc tổn thương, bạn trở nên trơ lì, và trở thành cái bồn cầu vạn người tránh xa khi họ vô tình bắt gặp bạn trong bộ dạng ấy. Chỉ còn chủ của bạn, vẫn âm thầm lặng lẽ, và sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi bạn dù bạn có ra sao…

Còn một số người, bước vào Tolet cũng chả buồn liếc bạn lấy một cái, tùy tiện chọn một ô gạch đẹp đẽ xinh xắn dưới sàn nhà làm một bãi, xong rồi quay ngoắt đi ra. Bạn tổn thương – chả lẽ mình trở nên vô hình sao?!

Có quá nhiều tình huống mà một cái bồn cầu phải đối mặt, trên đây chỉ là một vài “câu chuyện nhỏ”, chả thấm tháp là bao. Cái tôi muốn nói ở đây là ý thức của người Việt mình quá kém. Tất nhiên không thể vơ đũa cả nắm, nhưng số người bên trên chiếm hơn phân nửa rồi – dù bạn có biện minh thế nào cũng không thể phủi bay sự thật đâu.

Tôi từng đọc một bài báo đâu đó trên mạng, nói là người ta phải giải cứu một nữ khách hàng người Việt bị mắc kẹt trong Tolet bởi không mở được cửa, đơn giản vì có thiết bị liên kết giữa cánh cửa và bồn cầu – cánh cửa chỉ mở khi bồn cầu đã được xả nước. Thế mới thấy dù là giới thượng lưu đến những nơi sang trọng thế nào cũng không bỏ được cái tính bẩn thỉu của mình – đến xả nước sau khi đi vệ sinh cũng không làm. Bị bắt được thì ôi mặt.

Rất nhiều lần khi tôi vào nhà vệ sinh thì thấy cảnh bồn cầu chưa được xả nước, hoặc mùi hôi nồng nặc… rất muốn ói. Người ta cứ nghĩ “mình đi 1 lần rồi thôi, chả quay lại nữa nên chả cần dọn dẹp làm gì!”, thế đấy, họ chả quan tâm người đến sau phải chịu đựng những gì. Đó là ích kỷ, là hẹp hòi, là vô trách nhiệm.

Không dưng mà tôi nói đến chuyện này, bởi hôm nay tôi là giọt nước làm tràn ly. Đi làm ngoài quán trà sữa, trưa nay bước vào Tolet mới thấy… một bãi ngay giữa nhà. Bộ lê mông tới cái bồn cầu vất vả vậy sao? Có mấy bước cũng không kịp nữa hả? Không hiểu chủ nhân của bãi ô uế nghĩ gì nữa. Thật bực mình, thật khó chịu, thật… tức!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro