CÔNG NHẬN NHỮNG THÀNH CÔNG TRONG QUÁ KHỨ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

NGUYÊN TẮC 26: CÔNG NHẬN NHỮNG THÀNH CÔNG TRONG QUÁ KHỨ

Tôi nhìn lại cuộc đời với những ngày tháng tươi đẹp. Chúng đã qua và tôi thấy mãn nguyện về chúng. GRANDMA MOSES

Nghệ sĩ nhạc dân ca Mỹ, thọ tới 101 tuổi

Hầu hết mọi người nhớ đến những thất bại nhiều hơn là thành công. Đó là sản phẩm của phương pháp nuôi dạy và quản lý kiểu "mặc kệ chúng - tránh xa chúng" đã ăn sâu vào trong văn hóa. Khi còn nhỏ, cha mẹ thường để bạn chơi một mình. Mỗi khi bạn gây ồn, cha mẹ thường tránh bạn ra để khỏi bị làm phiền. Bạn chỉ nhận được những lời khen "tốt lắm" một cách hời hợt khi giành được điểm A. Nhưng sẽ là những "bài giảng" đáng sợ khi bạn nhận được điểm C, D, hay tệ hơn là điểm F. Ở trường học, hầu hết các thầy cô sẽ đánh một dấu X vào những chỗ sai, thay vì cho điểm hay tích đúng vào chỗ bạn làm được. Khi chơi thể thao, bạn sẽ bị la hét mỗi khi đánh mất bóng. Điều này khiến bạn có những cảm xúc mãnh liệt khi mắc lỗi hay thất bại hơn là mỗi lúc thành công.

Não bộ luôn dễ dàng nhớ được các sự kiện giàu cảm xúc nên hầu hết mọi người đều không nhớ nhiều tới số lần thành công như là họ nhớ tới thất bại. Một cách để đối phó với hiện tượng này là hãy tập trung và tôn vinh những thành công của mình. Một bài tập mà tôi yêu cầu những người tham gia buổi hội thảo tuần trước làm là hãy chia sẻ những thành công mà họ có được trong tuần vừa qua. Thật bất ngờ khi điều này lại rất khó đối với mọi người. Nhiều người còn nghĩ họ chẳng giành được gì trong thời gian đó. Đơn giản hơn rất nhiều khi họ kể về 10 thất bại trong một tuần hơn là 10 thành công trong cùng bảy ngày đó.

Nhưng có một sự thật là chúng ta đều giành được thắng lợi nhiều hơn thất bại - chỉ có điều ta đã đặt những tiêu chuẩn quá cao cho thành công. Trong chương trình GOALS (Gaining Opportunities and Life Skills) mà tôi tạo dựng để giúp những người chưa hạnh phúc ở California, có một thành viên đã nói thẳng rằng anh ta chưa hề giành được bất kì thành công nào. Khi tôi hỏi thăm về cuộc đời của anh, anh kể rằng anh đã rời Iran sau khi tổng thống bị lật đổ năm 1979. Anh cùng gia đình sang Đức. Tại đây anh học tiếng Đức và trở thành một người thợ ô tô. Mới đây, gia đình anh lại chuyển sang Mỹ. Sau khi học xong tiếng Anh, hiện tại anh đang theo học một lớp làm thợ hàn. Và anh nghĩ trong cuộc đời mình chưa bao giờ thành công! Khi cả nhóm hỏi rằng theo anh ta thì như thế nào là thành công, anh trả lời rằng thành công là sở hữu một biệt thự ở Beverly Hills và lái xe Cadillac. Trong suy nghĩ của anh ta, những điều khác đều không phải là thành công. Dần dần, với những bài giảng nhỏ một, anh đã bắt


đầu nhận thấy rằng mình giành được khá nhiều thành công trong mỗi tuần. Những thứ đơn giản như đi làm đúng giờ, gia nhập vào chương trình GOALS, học tiếng Anh, kiếm tiền cho gia đình, hay mua cho con gái chiếc xe đạp đầu tiên đều là những thành công của anh.

THẺ BÀI POKER CHO SỰ TỰ TIN VÀ THÀNH CÔNG

Vậy tại sao tôi lại bàn nhiều đến việc bạn nên thừa nhận những thành công của mình trong quá khứ? Lý do là vì điều đó rất quan trọng và ảnh hưởng lớn đến sự tự tin của bạn. Giả sử mỗi lần bạn cảm thấy tự tin tương ứng với một thẻ bài poker. Hãy tưởng tượng rằng bạn và tôi đang ngồi chơi poker và bạn có 10 thẻ bài còn tôi là 200 thẻ. Theo bạn thì ai sẽ là người dè dặt hơn trong cuộc chơi này? Tất nhiên người đó là bạn. Nếu bạn bị thua cả hai lần, mỗi lần năm thẻ thì bạn sẽ thua cuộc. Còn tôi phải thua tới 40 lần thì mới phải rời cuộc chơi. Vì vậy, tôi sẵn sàng chấp nhận rủi ro bởi vì tôi có đủ sức chống lại thất bại. Mức độ tự tin của bạn cũng vận hành với cơ chế như vậy. Bạn càng tự tin, bạn càng sẵn sàng đón nhận thử thách.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi bạn càng ghi nhận những thành công của mình, bạn càng có thêm tự tin để tiến lên và giành được chiến thắng. Thậm chí, ngay cả khi thất bại thì bạn cũng sẽ không gục ngã, bởi bạn luôn rất tự tin vào mình. Bạn càng mạo hiểm, thành công bạn giành được càng lớn. Sút càng nhiều, cơ hội ghi bàn của bạn càng lớn.

Bạn càng có nhiều thành công trong quá khứ, bạn càng có thêm tự tin để đạt tới thắng lợi hơn nữa trong tương lai. Vì vậy, hãy tìm ra những cách đơn giản nhưng hiệu quả để tạo dựng và duy trì sự tự tin ở mức độ cao.

BẮT ĐẦU VỚI CHÍN THÀNH CÔNG CHỦ ĐẠO

Sau đây là cách lập một bản thống kê những thành công. (Hãy thử cùng làm bài tập này với bạn đời hay gia đình bạn.) Bắt đầu bằng cách phân chia cuộc đời trước đây của bạn thành ba giai đoạn bằng nhau - ví dụ, nếu bạn 45 tuổi, ba giai đoạn đó là từ khi sinh đến 15 tuổi, từ 16 đến 30 tuổi và từ 31 đến 45 tuổi. Sau đó, hãy liệt kê ra ba thành công bạn đạt tới ở mỗi thời kì. Để minh họa, tôi sẽ liệt kê những thành công của chính mình như sau:

Giai đoạn đầu: đến năm 20 tuổi

1. Được chọn làm người lãnh đạo của Hội Nam hướng đạo Mỹ32 (Boy Scouts of America).

2. Ghi bàn thắng và giành ngôi vô địch giải bóng bầu dục thành phố.


3. Đỗ vào trường Harvard.

Giai đoạn 2: từ 21 đến 40 tuổi

1. Có được bằng thạc sỹ giáo dục của đại học Massachusetts.

2. Xuất bản cuốn sách đầu tiên.

3. Thành lập Trung tâm phát triển Tổ chức và Con người ở Anh (England Central for Personal and Organizational Development).

Giai đoạn 3: từ 41 đến 60 tuổi

1. Tổ chức các hội thảo về sự tự tin.

2. Chicken Soup for The Soul đạt được vị trí đầu bảng trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất do New York Times bình chọn.

3. Đạt được mục tiêu nói chuyện tại 50 bang của Hoa Kỳ.

BẠN CÓ THỂ LIỆT KÊ RA 100 THÀNH CÔNG KHÔNG?

Để tự thuyết phục bản thân rằng mình là một người thành công và có thể tiếp tục làm nên những điều vĩ đại, bạn hãy hoàn thành bước tiếp theo của bài tập này bằng cách liệt kê ít nhất một trăm thành công đã giành được.

Kinh nghiệm cho thấy, hầu hết mọi người đều cảm thấy ổn với khoảng 30 thành công đầu, sau đó thì khá khó khăn. Để kể đủ 100 thành công, bạn cần phải liệt kê cả những việc như học đi xe đạp, hát một mình trước nhà thờ, có được việc làm thêm đầu tiên, lần đầu tiên tham dự một giải thể thao, lập một đội cổ vũ, có được bằng lái xe, có bài đăng trên tờ báo của trường, đạt điểm A trong môn lịch sử Mr. Simon, hoàn thành bài học cơ bản của môn lướt ván, giành được ruy-băng tại một hội chợ làng, đổi một chiếc xe mới, kết hôn, có con đầu lòng hay lãnh đạo một chiến dịch kêu gọi tài trợ cho trường học của con bạn. Chắc chắn bạn nhớ những việc này và nên thừa nhận chúng là các thành công của bạn. Tùy thuộc vào độ tuổi mà bạn có thể liệt kê cả "tốt nghiệp cấp I, tốt nghiệp cấp II và tốt nghiệp trung học phổ thông". Không sao cả. Mục tiêu của chúng ta là đạt tới con số 100.

SỔ GHI CHIẾN THẮNG

Một cách hiệu quả để có thể tăng thêm số "thẻ poker" của bạn là hãy ghi lại những thành công bạn đạt


được. Nó có thể đơn giản chỉ là một danh sách được viết trong cuốn sổ đóng gáy xoắn, một tệp tin trong máy tính của bạn. Bằng cách hồi tưởng và ghi lại thành công mình giành được mỗi ngày, bạn sẽ đưa chúng vào trong trí nhớ. Điều này sẽ làm tăng thêm lòng tự trọng và sự tự tin của bạn. Sau đó, mỗi khi cần phải tự tin, bạn hãy lấy cuốn sổ ra, đọc lại những gì bạn đã viết trong đó.

Peter Thigpen, cựu Phó chủ tịch của Levi Strauss & Co., luôn đặt một cuốn sổ ghi chiến thắng trên bàn. Khi đạt được một thành công nào đó, ông sẽ ghi nó lại. Mỗi lần phải làm một việc lớn lao như đàm phán một hợp đồng vay tiền ngân hàng trị giá hàng triệu đô la hay phải trình bày trước hội đồng quản trị, ông đều mở cuốn sổ ra đọc để thêm tự tin. Danh sách thành công của ông bao gồm Thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, Yêu cầu con lau dọn phòng, hay Thuyết phục được hội đồng quản trị thông qua kế hoạch mở rộng kinh doanh.

Hầu hết mọi người khi phải làm một việc gì đó to lớn đều có thói quen nhìn lại những lần thử không thành công trước đó. Điều này sẽ làm giảm sự tự tin và tăng nỗi sợ hãi của họ, khiến họ thất bại thêm lần nữa. Giữ và tham khảo cuốn sổ ghi chiến thắng sẽ giúp bạn tập trung vào thành công.

Hãy lập một cuốn sổ ghi chiến thắng của riêng bạn càng sớm càng tốt. Nếu muốn, bạn cũng có thể làm nó sinh động hơn bằng các bức ảnh, chứng chỉ hay bất kì thứ gì ghi nhận thành công của bạn.

TRƯNG BÀY CÁC BIỂU TƯỢNG CHIẾN THẮNG CỦA BẠN

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, môi trường mà bạn trông thấy có ảnh hưởng tới tính cách, quan điểm và hành động của bạn. Môi trường xung quanh tác động mạnh đến bạn. Nhưng đây mới là điều quan trọng: Bạn có thể kiểm soát được môi trường đó. Bạn có thể chọn các bức tranh treo trên tường hoặc những đồ lưu niệm đặt trên bàn hay phòng làm việc của bạn.

Một phương pháp hiệu quả để bạn có thêm tự tin và động lực giành nhiều chiến thắng hơn là hãy bố trí xung quanh bạn những bức tranh, những phần thưởng, những đồ vật gợi đến những thành công trước kia. Những đồ vật này có thể là các huy chương bạn đã giành được, bức tranh chụp cảnh bạn ghi bàn trong một trận đấu, ảnh cưới của bạn, một chiếc cúp, một bản copy bài thơ được đăng báo của bạn, một bức thư cảm ơn, bằng tốt nghiệp đại học hay huy hiệu Eagle Scout trong cuộc thi Girl Scout Gold Award.

Chọn ra một chỗ đặc biệt - một chiếc giá, trên mặt bàn, cửa tủ lạnh, một "bức tường chiến thắng" ở hành lang nơi bạn hàng ngày đi qua - và đặt vào đó những biểu tượng thành công của bạn. Lau sạch ngăn bàn, ngăn kéo hay chỗ để tài liệu rồi đóng khung, đánh bóng và bày những biểu tượng chiến thắng của bạn. Mỗi ngày bạn đều nhìn thấy chúng và điều này sẽ ảnh hưởng tích cực tới tiềm thức của bạn.


Nó sẽ khiến bạn nhìn mình với tư cách là người chiến thắng - người luôn đạt được thành công trong cuộc sống! Nó cũng sẽ truyền thông điệp này đến những người khác. Rồi sự tự tin của bạn cũng như niềm tin của những người khác vào bạn sẽ tăng lên.

Trưng bày biểu tượng chiến thắng cũng là một việc làm rất hữu ích cho các con bạn. Hãy trưng bày những gì chúng đạt được - các bài báo, những bức ảnh chụp chúng khi đang chơi bóng chày hay đang chơi violon, những chiếc cúp chúng giành được, huy chương hay những giải thưởng khác. Nếu bạn có con, hãy treo những bức ảnh đẹp nhất về chúng ở trong bếp, trong phòng ngủ của chúng và cả trong hành lang nhà bạn. Khi chúng thấy những bức tranh này, chúng sẽ có thêm sự tự tin.

BÀI TẬP VỚI CHIẾC GƯƠNG

Bạn là một thanh nam châm sống. Những gì bạn hút vào cuộc đời luôn phù hợp với những suy nghĩ chi phối trong đầu.

BRIAN TRACY

Chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phát triển tiềm năng con người

Cùng với việc công nhận những thành công lớn, bạn cũng cần công nhận những thành công hàng ngày của bạn. Bài tập với Chiếc gương được dựa trên nguyên tắc bạn cần công nhận thành công nhưng điều quan trọng là bạn tự thừa nhận nó với chính bản thân mình.

Bài tập với Chiếc gương sẽ đưa vào tiềm thức của bạn những bước đi cần thiết để tiến tới thành công đồng thời thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của bạn, những suy nghĩ khiến bạn giới hạn thành công của mình trong khuôn khổ. Hãy làm bài tập này trong ba tháng. Sau đó, bạn có thể quyết định có nên tiếp tục hay không. Tôi biết một số người thành đạt đã thực hiện bài tập này trong suốt nhiều năm.

Mỗi tối, trước khi đi ngủ, hãy đứng trước gương và tán dương những điều mình đã làm được trong ngày. Bắt đầu bằng việc nhìn thẳng vào mắt người trong gương vài giây và hình ảnh phản chiếu cũng nhìn vào mắt bạn. Sau đó, hãy tự nhắc tên mình và nói to những điều sau:

• Những gì đã đạt được trong kinh doanh, tài chính, học tập, bản thân, cơ thể, tâm hồn hay cảm xúc.

• Sự rèn luyện bản thân - ăn kiêng, tập thể dục, đọc sách, suy ngẫm, cầu nguyện.

• Những cám dỗ mà bạn vượt qua được - ăn nhiều đồ ngọt, nằm xem ti vi quá nhiều, dậy muộn, uống nhiều rượu.


Giữ nguyên ánh mắt của bạn trong suốt bài thực hành này. Khi đã tán dương bản thân xong, hãy hoàn thành bài thực tập này bằng cách nhìn thật sâu vào trong mắt bạn và nói "Tôi yêu bạn". Rồi sau đó dành vài giây để tận hưởng cảm giác như chính bạn là người trong gương, người đã nghe mọi lời tán tụng trước đó. Có một điều bạn không nên làm sau khi xong việc là quay lưng lại chiếc gương, cảm thấy xấu hổ hay nghĩ việc làm này thật là ngớ ngẩn và ngu ngốc.

Sau đây là một ví dụ mà bạn có thể học theo:

Jack, tôi đánh giá cao anh vì những điều đã làm được trong ngày hôm nay: Đầu tiên, tôi khen ngợi anh đã đi ngủ đúng giờ vào tối hôm qua, không thức khuya để xem ti vi, nhờ vậy sáng nay anh đã dậy sớm và tỉnh táo để nói chuyện vui vẻ với Inga. Anh đã có được 20 phút suy nghĩ trước khi đi tắm. Sau đó, giúp vợ chuẩn bị bữa trưa cho bọn trẻ. Anh đã ăn sáng với các món ăn ít chất béo và cacbon-hydrat. Anh tới cơ quan đúng giờ và tổ chức thành công một cuộc họp với nhóm làm việc. Anh đã làm được một việc hữu ích là giúp mọi người biết được ý tưởng và suy nghĩ của nhau. Và anh đã thành công trong việc giúp những người ít nói bày tỏ cảm nghĩ của họ.

Hãy xem... ồ, anh đã có một bữa trưa với những món ăn tốt cho sức khỏe - súp cùng với sa lát - anh đã không gọi món bánh ngọt mà họ giới thiệu. Anh đã uống 10 cốc nước mà anh quy định là tiêu chuẩn cho mỗi ngày. Sau đó... hãy xem... anh chỉnh sửa xong cuốn sách định hướng nhân viên mới và có một khởi đầu tốt trong việc tổ chức chương trình đào tạo quản lý vào mùa hè. Rồi anh viết tiếp cuốn sổ ghi thành công trước khi về nhà. À, anh còn tán dương trợ lý của mình bởi cô ấy đã hoàn thành tốt công việc trong ngày. Thật tuyệt khi thấy cô ấy phấn khởi như vậy.

Khi về nhà, anh đã dành thời gian chơi với bọn trẻ, đặc biệt là Christopher. Sau đó, anh đọc sách cho chúng nghe. Điều này thật tuyệt. Và bây giờ, một lần nữa anh lại đi ngủ đúng giờ, không thức khuya để truy cập Internet. Hôm nay, anh đã làm rất tốt.

Còn một điều này nữa, Jack - tôi yêu mến anh.

Không có gì kỳ lạ khi bạn phản ứng lại trong lần đầu tiên thực hiện bài tập này. Bạn có thể thấy ngớ ngẩn, xấu hổ, muốn khóc (thậm chí có thể đã khóc), hay thấy không thoải mái. Đôi khi, có người còn thấy nổi da gà, cảm thấy nóng tới đổ mồ hôi, hay giống như bị mê sản. Đây chỉ là những phản ứng bình thường và tự nhiên bởi bạn đang làm những điều khác thường. Bạn không được dạy là phải tự tán dương chính mình. Thực ra, bạn luôn nghe thấy những điều ngược lại: Đừng tự ca ngợi mình. Đừng kiêu ngạo hay khoác lác. Tự đại là tội lỗi. Khi bắt đầu hành động theo hướng có suy nghĩ tích cực về mình, những phản ứng của cơ thể hay cảm xúc xuất hiện là bình thường. Bởi vì khi đó bạn đang giải


phóng những vết thương cha mẹ để lại, những ước mong thiếu thực tế và việc tự chỉ trích mình. Nếu bạn trải qua những điều nói trên - nhưng không phải mọi người đều vậy - thì đừng để chúng cản đường bạn. Chúng chỉ tồn tại tạm thời và sẽ sớm qua sau vài ngày bạn thực hiện bài tập này.

Lần đầu tiên thực hành bài tập này, sau 40 ngày, tôi thấy những ý nghĩ tiêu cực về mình đã hoàn toàn biến mất, thay vào đó là những suy nghĩ tích cực có được trong bài tập. Trước đây, tôi thường tự mắng mình mỗi khi để quên chìa khóa xe hay kính. Những ý nghĩ đó bây giờ không còn xuất hiện nữa. Bạn cũng có thể làm được điều tương tự miễn là phải dành thời gian để thực hiện bài tập này cẩn thận.

Một điều cần nhớ là: Nếu bạn đang nằm trên giường và chưa làm Bài tập với Chiếc gương, hãy đứng dậy và thực hiện nó. Nhìn vào chính bản thân mình trong gương là một yếu tố rất quan trọng. Và lời khuyên cuối cùng: Hãy bảo bạn đời, con cái, bạn cùng phòng hay bố mẹ bạn rằng bạn sẽ làm bài tập này trong vòng ba tháng tới. Tất nhiên, bạn không muốn họ đi vào phòng và nghĩ bạn có vấn đề về thần kinh phải không!

HÃY BAN THƯỞNG CHO "ĐỨA TRẺ BÊN TRONG BẠN"

Trong mỗi người đều có ba tính cách khác nhau hòa quyện lại để tạo thành cái tôi của riêng mình. Chúng ta mang tính cách của cha mẹ, của một người trưởng thành và của một đứa trẻ. Mỗi tính cách đó khiến chúng ta hành động tương ứng như những người cha người mẹ, một người trưởng thành hay là một đứa bé.

Tính cách của con người trưởng thành là phần lý trí trong bạn. Nó tổng hợp các thông tin và đưa ra quyết định mà không để cảm xúc lấn át. Nó lên thời gian biểu, cân bằng thu chi, tính thuế hay quyết định khi nào bạn cần thay đổi.

Tính cách cha mẹ bảo ban bạn buộc dây giày, đánh răng, ăn rau, làm bài tập, tập thể dục, hoàn thành công việc đúng tiến độ và thực hiện các kế hoạch của mình. Đó là nhà phê bình bên trong bạn - người đánh giá, chỉ trích bạn mỗi khi bạn không sống theo những tiêu chuẩn đã đặt ra. Nhưng nó cũng luôn chăm sóc bạn, bảo đảm rằng bạn đang được an toàn và được quan tâm. Đó cũng là phần công nhận, đánh giá cao và tán dương những công việc bạn hoàn thành tốt.

Ngược lại, phần tính cách trẻ con bên trong khiến bạn cũng giống như một đứa trẻ - nài nỉ, khóc lóc, đòi được quan tâm và chẳng chịu làm gì nếu không có được cái mình cần. Trong cuộc đời, đứa trẻ ba tuổi bên trong chúng ta luôn hỏi: Tại sao chúng ta phải ngồi ở bàn làm việc? Tại sao chúng ta không tới nơi nào đó vui hơn? Tại sao tôi phải dậy lúc ba giờ sáng? Tại sao tôi phải đọc bản báo cáo vô vị này?


Một việc quan trọng bạn cần làm trong vai trò là cha mẹ của "đứa trẻ" này là hãy khen thưởng cho những việc mà nó đã làm tốt.

Nếu bạn có một đứa con ba tuổi, bạn sẽ nói với chúng: "Mẹ sẽ làm xong việc này trong 20 phút nữa. Sau khi xong, mẹ con mình sẽ đi ăn kem và chơi điện tử". Đứa con ba tuổi của bạn trả lời: "Vâng, con sẽ ngoan bởi vì khi đó mẹ sẽ dẫn con đi chơi".

Không đáng ngạc nhiên khi "đứa trẻ" bên trong bạn cũng như vậy. Khi bạn bảo nó "ngoan" để bạn hoàn thành xong công việc, nó sẽ làm bởi vì nó tin rằng nếu làm theo, nó sẽ được nhận quà. Có thể nó biết rằng sẽ được đọc một cuốn sách, đi xem phim, gặp gỡ bạn bè, nghe nhạc, đi khiêu vũ, thư giãn, đi ăn, có một "đồ chơi" mới hay được thăng chức.

Một điều quan trọng để bạn thành công hơn trong cuộc sống đó là hãy thưởng cho những gì bạn đã đạt được. Thực tế, ban thưởng cho chính mình sẽ giúp "đứa trẻ trong bạn" hạnh phúc và sẽ nghe lời bạn trong những lần tiếp theo. Nếu bạn không làm như vậy, cũng giống như một đứa trẻ thật sự, nó sẽ bắt đầu ngấm ngầm phá hủy những nỗ lực của bạn bằng những việc như khiến bạn ốm, gặp tai nạn, làm hỏng cơ hội thăng tiến của bạn. Những việc này sẽ làm bạn chùn bước và rời xa mục tiêu mà mình hướng tới.

Ý NGHĨA CỦA VIỆC HOÀN THÀNH ĐẦY ĐỦ

Một lý do khác để tán thưởng những thành công của bạn chính là việc bạn sẽ không cảm thấy trọn vẹn nếu việc mình làm không được thừa nhận. Tán thưởng này sẽ khiến bạn thấy được ý nghĩa của việc mình đã làm và việc nó được công nhận. Khi bạn đã dành ra hàng tuần để viết một báo cáo mà sếp lại không có chút trân trọng, bạn sẽ cảm thấy không trọn vẹn. Nếu bạn tặng quà cho ai mà không nhận được lời cảm ơn, bạn sẽ thấy không trọn vẹn. Bạn cần lấp đầy khoảng trống đó.

Tất nhiên, còn quan trọng hơn cả việc cảm thấy được trọn vẹn, thì thừa nhận và ban thưởng cho những thành công đạt được sẽ khiến tâm ta cảm thấy: À, thành công thật tuyệt. Mỗi lần chúng ta làm được việc gì đó, chúng ta đều rất vui. Jack sẽ mua cho chúng ta những thứ chúng ta cần hay đưa ta đi chơi. Hãy giành thêm những thành công và chúng ta sẽ được thưởng nhiều hơn.

Tự ban thưởng cho bản thân khi giành chiến thắng thực sự khiến bạn luôn có mong muốn trong tiềm thức là hãy làm việc chăm chỉ hơn. Đây cũng chỉ là bản tính tự nhiên của con người.


NGUYÊN TẮC 27: LUÔN ĐỂ TÂM TỚI PHẦN THƯỞNG SẼ GIÀNH ĐƯỢC

Rất dễ cảm thấy chán nản và thiếu động lực, nhưng lại khá khó khăn để làm điều ngược lại. Khi mà chẳng có cách nào để thay đổi sự thật này thì những gì tốt nhất bạn có thể làm là hãy giảm bớt nó bằng cách tập trung vào những điều tích cực thay vì điều tiêu cực.

DONNA CARDILLO, R. N.

Nhà hùng biện, doanh nhân, nhà văn chuyên viết truyện cười

Những người thành đạt luôn duy trì thói quen tập trung vào những suy nghĩ tích cực cho dù điều gì đang xảy ra chăng nữa. Họ luôn nghĩ tới những thành công trong quá khứ hơn là những thất bại. Họ luôn hướng tới bước đi tiếp theo có thể đưa họ tới thành công hơn là những thứ có thể làm họ xao nhãng công việc. Họ luôn đi tiên phong trong việc theo đuổi những mục tiêu mình đã chọn.

45 PHÚT QUAN TRỌNG NHẤT TRONG NGÀY

Một phần quan trọng để có thể tập trung vào những điều tích cực là dành thời gian cuối ngày của bạn - trước khi đi ngủ để công nhận những thành công đã đạt được, nhìn lại những mục tiêu của bạn, nghĩ tới những thành công trong tương lai và lập kế hoạch cho những việc bạn cần hoàn thành trong ngày hôm sau.

Tại sao tôi lại khuyên bạn làm điều này trước khi đi ngủ? Bởi những gì bạn đọc, bạn nhìn thấy, nghe thấy hay trải qua trong suốt 45 phút cuối cùng trong ngày có ảnh hưởng lớn tới giấc ngủ của bạn. Trong suốt đêm đó, hệ thần kinh vô thức của bạn sẽ xem lại và xử lý những điều bạn vừa nghĩ tới nhiều gấp sáu lần những gì bạn làm ban ngày. Đây là lý do tại sao ôn bài vào buổi tối trước hôm thi thường hiệu quả hơn hay dễ gặp ác mộng khi xem phim kinh dị trước khi đi ngủ. Điều này cũng giải thích tại sao đọc sách cho trẻ con trước khi đi ngủ rất tốt - không những giúp chúng dễ ngủ hơn mà khi ngủ, chúng sẽ nhớ lại những thông điệp, những bài học đạo đức từ câu chuyện, qua đó in sâu vào tâm thức của chúng.

Khi chìm vào giấc ngủ, bạn sẽ rơi vào trạng thái ý thức do sóng não alpha tạo nên - trạng thái bạn rất dễ bị ảnh hưởng. Nếu bạn ngủ ngay sau khi xem thời sự lúc 11h, những gì thâm nhập vào ý thức của bạn sẽ là chiến tranh, tai nạn ô tô, cướp bóc, giết người, hành quyết, thanh toán lẫn nhau, bắt cóc trẻ em, các vụ tai tiếng trên phố Wall.

Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu bạn đọc sách tự hoàn thiện bản thân hay sách truyền cảm hứng. Sẽ rất hiệu quả


nếu trước khi đi ngủ, bạn tự suy ngẫm, nghe những chương trình dạy cách tự lập hay dành thời gian để lên kế hoạch cho ngày mai.

Sau đây là một vài bài tập vào cuối mỗi ngày có thể giúp bạn tập trung và tiến lên phía trước. BẢN BÁO CÁO BUỔI TỐI

Nhắm mắt lại, ngồi xuống, thở sâu và thực hiện một trong các cách sau:

• Hãy nghĩ xem hôm nay mình đã sống hiệu quả hơn ở những điểm nào.

• Hãy nghĩ xem hôm nay mình đã sáng suốt hơn ở điểm nào.

• Hãy nghĩ xem hôm nay mình làm việc tốt hơn ở điểm nào (quản lý, dạy dỗ).

• Hãy nghĩ xem hôm nay mình sống tình cảm hơn ở điểm nào.

• Hãy nghĩ xem hôm nay mình đã quyết đoán hơn ở điểm nào.

• Hãy nghĩ xem hôm nay mình đã tốt hơn như thế nào (ở bất kì tính cách nào).

Khi bạn ngồi trong một không gian yên lặng, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy được các sự kiện đã xảy ra trong ngày. Hãy chỉ quan sát chúng mà đừng nhận xét hay đánh giá một cách chủ quan. Khi đã thấy được tất cả các sự việc, bạn hãy suy nghĩ từng việc một trong đầu. Cách mà bạn từng mong muốn hoàn thành chúng đã khiến bạn trở nên sáng suốt và chủ động vào thời điểm đó. Điều này tạo ra một hình ảnh trong tiềm thức. Khi một sự việc tương tự xảy ra, nhờ hình ảnh này, bạn sẽ có được hành động đúng đắn.

NHẬT KÝ GHI THÀNH CÔNG MỖI NGÀY

Nhật ký ghi thành công mỗi ngày là một công cụ khác giúp bạn luôn suy nghĩ tích cực và để tâm tới phần thưởng sẽ giành được. Đây là một "biến thể" cao hơn của "sổ ghi chiến thắng" đã được nhắc tới ở chương trước. Nếu hằng ngày bạn đều làm việc này trong vòng một tháng, chắc chắn bạn sẽ tự tin hơn nhiều, cũng như hoàn thành tốt hơn mọi công việc trong cuộc sống.

Đơn giản, vào mỗi buổi tối, bạn hãy tìm ra năm việc mà mình đã làm tốt trong ngày hôm đó. Những việc này có thể thuộc bất kì lĩnh vực nào trong cuộc sống - công việc, học tập, gia đình, tín ngưỡng, tài chính, phát triển bản thân hay dịch vụ công cộng.


Hãy lập một bảng trống theo mẫu ở trang sau. Mỗi lần bạn nghĩ tới một thành công, hãy viết vào ô trống đầu tiên trong cột "thành công". Sau đó, hãy tìm ra lý do tại sao mà việc này quan trọng với bạn rồi điền nó vào ô trống nằm phía dưới cột "Nguyên nhân". Tiếp theo, tìm ra cách thức để bạn có thể phát triển thành công này và ghi vào cột "Phát triển". Cuối cùng, tìm ra bước đi tiếp theo để thực hiện mục tiêu phát triển này rồi điền vào ô trống "Hành động tiếp theo". Trong ví dụ ở bảng dưới, tôi điền thành công đầu tiên là "tổ chức thành công một cuộc họp nhân viên." Lý do điều này quan trọng là "cuộc họp đã tạo ra "linh hồn" cho toàn nhóm - điều mà trước kia chúng tôi chưa có." Trong cột "Phát triển" tôi ghi những việc khác có thể làm để để tạo ra nhiều hơn "linh hồn" của nhóm, trong trường hợp này là lên kế hoạch và thực hiện một buổi phát triển nhân viên ngoài giờ. "Hành động tiếp theo" tôi cần làm là thành lập nhóm cùng Ann và Bob để lên kế hoạch cho việc này. Quá trình "điền bảng" trên diễn ra đơn giản và nhanh chóng nhưng đã giúp tôi rất nhiều trong việc "xây dựng linh hồn" của toàn nhóm, cũng như nhiều việc khác nữa.

Mỗi lần điền vào bảng xong, hãy ghi lại những việc cần làm trong cột "hành động tiếp theo" vào trong bản kế hoạch làm việc của bạn. Sắp xếp thời gian thích hợp để thực hiện chúng. Đưa chúng vào danh sách những việc cần làm. Bạn có biết bài tập này sẽ tạo ra động lực tiến lên lớn thế nào cho cuộc sống không?

Nếu là một giám đốc, bạn hãy thử yêu cầu các nhân viên của mình làm "bài tập 30 ngày" này cùng bạn. Điều đó sẽ giúp họ tập trung và tự tin hơn. Bài tập này cũng rất tốt cho gia đình bạn. Tôi đã thấy rất nhiều đứa trẻ vị thành niên thay đổi tính tích cực sau 30 ngày thực hiện bài tập đó.

NHẬT KÝ GHI THÀNH CÔNG MỖI NGÀY

Thứ Hai ngày 15/2/2005 Thành công

Nguyên nhân Phát triển

Hành động tiếp theo

1. Tổ chức thành công một cuộc họp nhân viên Tạo ra linh hồn cho toàn nhóm


Tổ chức một buổi phát triển nhân viên ngoài giờ Cùng Ann và Bob lập kế hoạch cho việc này

2. Đi nghỉ cuối tuần cùng với Inga tại Ojai

Chúng tôi cần đi chơi và thắt chặt hơn mối quan hệ. Lên kế hoạch hè cùng Patty và Jeff

Nói với Patty về thời gian tuyệt vời nhất khi ở bên nhau.

3. Đứng 30 phút trên bậc cầu thang

Việc này tốt cho sức khỏe và mục tiêu giảm cân của tôi. Đi tập tạ

Hỏi Martin về huấn luyện viên của anh ấy.

4. Ăn tối, nói chuyện và làm bài tập về nhà cùng Christopher

Điều này rất quan trọng trong việc phát triển tình cảm giữa hai bố con Làm lại việc này vào thứ tư

Kiểm tra lịch và sắp xếp thời gian.

5. Hoàn thành bản báo cáo công nghệ cho sếp Giúp nâng cấp hệ thống máy tính

văn phòng Xin được cấp phí tổn

Sắp xếp cuộc họp với ban giám đốc. TƯỞNG TƯỢNG RA MỘT NGÀY MỚI


Để giúp bạn tạo ra cuộc sống giống những gì mình mong muốn, cách hiệu quả là sau khi lên kế hoạch cho ngày mai hãy dành vài phút để hình dung rằng mọi việc sẽ diễn ra chính xác với những gì bạn mong muốn. Hình dung rằng mọi người sẽ ở đó khi bạn gọi họ, tất cả các cuộc họp đều bắt đầu và kết thúc đúng giờ, mọi việc đều được hoàn thành tốt đẹp, ký kết được các hợp đồng bán hàng,... Tưởng tượng rằng bạn giải quyết tốt mọi tình huống gặp phải trong ngày mới. Những việc này sẽ ăn sâu vào tiềm thức của bạn trong đêm, qua đó tìm ra hành động để mọi việc sẽ diễn ra như những gì bạn đã hình dung.

Ngay từ bây giờ, hãy hình thành thói quen mường tượng ra ngày mới từ tối hôm trước. Việc làm này sẽ thay đổi cả cuộc đời bạn.


NGUYÊN TẮC 28: HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH

Nếu một chiếc bàn bừa bộn là dấu hiệu của suy nghĩ lộn xộn thì chiếc bàn ngăn nắp có ý nghĩa gì? LAURENCE J. PETER

Nhà giáo và nhà văn người Mỹ Quyết định

Tiếp tục Khởi động Hoàn thành Kế hoạch Kết thúc

Cùng nhìn vào biểu đồ trên. Nó được gọi là Chu Kỳ Của Sự Hoàn Thành. Mỗi bước - quyết định, lập kế hoạch, bắt đầu, tiếp tục, kết thúc và hoàn thành - đều không thể thiếu để đạt tới thành công, đạt được kết quả như mong muốn, để kết thúc. Bao nhiêu người trong số chúng ta không bao giờ hoàn thành? Chúng ta thường trải qua hầu hết các bước cho tới khi kết thúc - nhưng chúng ta lại thường bỏ quên điều cuối cùng.

Đã có khi nào trong cuộc đời, bạn cho qua một kế hoạch đang dang dở hay thất bại trong việc kết thúc quan hệ với ai đó? Nếu bạn không hoàn thành xong những việc trong quá khứ, bạn không thể thoải mái theo đuổi những mục tiêu trong hiện tại.

KHÔNG HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC CÓ THỂ LẤY ĐI NHỮNG "ĐƠN VỊ CHÚ Ý" GIÁ TRỊ CỦA BẠN

Khi bạn bắt đầu thực hiện một dự án, đạt được một thỏa thuận hay khi cần thay đổi bản thân, mọi việc sẽ được đưa vào trí nhớ và chiếm lấy các "đơn vị chú ý" của bạn. Chúng ta có thể đặt sự chú ý vào nhiều thứ tại cùng một thời điểm. Nhưng những lời hứa, các thỏa thuận hay những việc được liệt kê trong danh sách công việc của bạn sẽ khiến bạn dành ít "đơn vị chú ý" hơn để hoàn thành công việc hiện tại hay tạo ra các cơ hội trong cuộc đời.


Vậy tại sao con người lại không hoàn thành công việc? Thông thường, sự dở dang đó rơi vào các lĩnh vực mà chúng ta không biết rõ hay chúng ta gặp phải những rào cản tâm lý và cảm xúc.

Ví dụ, bạn có nhiều kế hoạch, nhiệm vụ, yêu cầu hay nhiều thứ khác mà bạn không muốn làm nhưng bạn lại sợ bị cho là một người không tốt. Vì vậy, bạn không dám trả lời "không". Trong khi đó, lượng giấy tờ chất đống trên bàn khiến bạn rối bời. Có những tình huống mà bạn phải ra một quyết định khó khăn và không mấy dễ chịu. Nhưng thà làm việc đó còn hơn là để những công việc dở dang tích tụ lại.

Đôi khi, chúng ta không hoàn thành công việc bởi vì không có những kiến thức, chuyên môn thích hợp để làm những nhiệm vụ đó. Cũng có thể, làm việc dở dang là một thói quen xấu của một số người.

HÌNH THÀNH Ý THỨC HOÀN THÀNH CÔNG VIỆC

Hãy luôn tự hỏi mình: Cần phải làm gì để hoàn thành nhiệm vụ này? Sau đó, bạn bắt đầu thực hiện các bước tiếp theo để chuẩn bị xong tài liệu, gửi thư theo mẫu yêu cầu, hay báo cáo bản kế hoạch đã xong xuôi cho sếp. Một sự thực là 20 việc được làm hoàn hảo sẽ tốt hơn là 50 việc mới chỉ xong một nửa. Ví dụ, một cuốn sách đã viết xong có thể xuất bản và ảnh hưởng lớn hơn là 13 cuốn sách còn đang được viết. Bạn bắt đầu ba kế hoạch và hoàn thành tốt chúng sẽ tốt hơn là thực hiện dang dở 15 kế hoạch khác nhau.

BỐN CÁCH ĐỂ HOÀN THÀNH

Trong các lớp học quản lý thời gian chúng ta đã từng được học nguyên tắc: Thực hiện ngay, giao phó, hoãn lại hay bỏ qua. Đây cũng là một phương pháp để thực hiện các công việc trong danh sách những việc bạn cần làm. Khi bạn cầm một tờ giấy lên, hãy quyết định xem lúc nào, ở đâu bạn thực hiện một việc, hay bạn có nên làm việc đó không. Nếu không thể, hãy bỏ qua nó. Nếu công việc đó chỉ kéo dài khoảng 10 phút, hãy làm ngay. Nếu bạn muốn chính mình thực hiện việc này, nhưng nó lại chiếm nhiều thời gian, hãy hoãn nó lại sau. Nếu bạn không thể tự làm việc đó hay bạn không có thời gian, hãy giao nó cho người mà bạn tin tưởng có thể hoàn thành tốt công việc này. Chắc chắn rằng sau khi hoàn thành, người bạn giao phó sẽ báo cáo lại để bạn biết mọi việc đã xong xuôi.

TẠO DỰNG KHÔNG GIAN CHO NHỮNG ĐIỀU MỚI

Ngoài thói quen thực hiện công việc dở dang, thiếu chỉnh chu, hầu hết các gia đình đều kêu rằng nhà họ quá bừa bộn, nào là giấy, quần áo cũ, đồ chơi cũ, đồ đạc cá nhân không dùng đến, những vật dụng hỏng, không cần thiết. Ở Mỹ, ngành kinh doanh nhà kho mini đã xuất hiện để giúp các gia đình và các công ty nhỏ gửi những đồ đạc mà họ không thể chứa được trong nhà hay văn phòng của mình.


Nhưng chúng ta có thực sự cần những nhà kho kiểu này? Câu trả lời là không.

Một trong những cách để giải phóng các "đơn vị chú ý" là hãy tạo ra môi trường sống và làm việc không có gánh nặng của sự bừa bộn này. Khi bạn bỏ đi những thứ cũ, bạn sẽ tạo ra không gian để chứa đựng những điều mới.

Hãy nhìn vào tủ quần áo của bạn làm ví dụ. Nếu bạn không thể nhét thêm một bộ quần áo nào vào đó - hay rất khó khăn để lấy ra một chiếc áo sơmi hoặc một chiếc váy - thì đó chính là lý do khiến bạn không mua thêm những bộ mới. Chẳng thể nhét chúng vào đâu nữa. Bạn hãy vứt bớt những bộ trang phục nào mà không được mặc đến trong suốt sáu tháng qua (trừ khi là các bộ trang phục lễ hội hay những vật kỷ niệm.)

Nếu bạn muốn có thêm những điều mới trong cuộc đời, bạn phải dành một không gian cho chúng. Ý tôi là không gian cả về mặt vật lý cũng như tâm lý.

Nếu bạn muốn có một người bạn trai mới, bạn phải quên đi (tha thứ và ngừng nhớ đến) người đàn ông mà bạn đã chia tay cách đây 5 năm. Bởi nếu không, khi một người con trai khác gặp bạn, anh ta sẽ nghĩ rằng: "Cô gái này yêu một người khác. Cô ấy sẽ không đi chơi với mình đâu."

Người bạn tốt Martin Rutte của tôi từng nói với tôi rằng khi nào anh muốn bắt đầu một vụ làm ăn mới, anh sẽ dọn sạch toàn bộ văn phòng, nhà cửa, ô tô và gara. Mỗi lần anh làm việc đó, anh đều nhận được các cuộc gọi và các lá thư yêu cầu được làm việc cùng anh. Một số người khác thì cho rằng việc dọn sạch mọi thứ sẽ giúp họ xác định rõ ràng hơn khó khăn, thử thách, cơ hội và các mối quan hệ.

Việc chúng ta không thể bỏ đi những mớ hỗn độn và những thứ không cần thiết đồng nghĩa với việc chúng ta không tin rằng chúng ta có đủ khả năng cần thiết để có được những điều mới mẻ trong cuộc đời. Sự dở dang như thế khiến ta không thấy được các cơ hội xuất hiện. Chúng ta cần hoàn thành quá khứ để hiện tại xuất hiện rõ ràng và đầy đủ hơn.

25 CÁCH HOÀN THÀNH MỌI VIỆC TRƯỚC KHI CHUYỂN SANG LÀM VIỆC KHÁC

Bạn cần làm những gì để hoàn thành công việc, từ bỏ hay giao nó cho người khác để chuyển sang thực hiện những nhiệm vụ mới? Hãy dựa vào danh sách sau đây để bạn liệt kê các việc cần làm và cách thực hiện chúng.

Mỗi lần, bạn hãy chọn ra bốn nhiệm vụ và hoàn thành chúng. Hãy chọn những việc mà sau khi hoàn thành, bạn sẽ giải phóng cho mình được rất nhiều năng lượng, thời gian và không gian - không kể đó là


không gian vật lý hay tinh thần.

Tôi khuyên bạn hoàn thành ít nhất một việc dở dang của mình mỗi quý. Nếu bạn thực sự muốn làm điều này, hãy dành ra hai ngày cuối tuần để thực hiện càng nhiều càng tốt những việc trong danh sách sau.

1. Những hoạt động kinh doanh đang bỏ dở

2. Những lời hứa chưa thực hiện được

3. Những khoản nợ chưa trả

4. Chiếc tủ đầy những bộ quần áo không được mặc

5. Gara toàn đồ đạc cũ để lộn xộn

6. Các chứng chỉ kê khai thuế xếp bừa bãi

7. Sổ séc đã chi quá mức hay các tài khoản cần hủy

8. Ngăn kéo đầy những vật không dùng được

9. Các dụng cụ đã hỏng

10. Gác mái với toàn đồ không dùng đến

11. Thùng xe tải hay ghế sau xe đầy ắp những vật vô giá trị

12. Chiếc ô tô chưa được bảo dưỡng

13. Tầng hầm bừa bộn toàn đồ bỏ đi

14. Tủ đựng các kế hoạch không thực tế hoặc đã hoàn thành xong

15. Bản kế hoạch dang dở

16. File trong máy tính chưa sao lưu hay dữ liệu cần chuyển đổi để lưu trữ

17. Bàn làm việc bừa bộn

18. Các bức ảnh gia đình chưa được cho vào album


19. Bàn là hay những đồ vật khác cần được sửa hoặc bỏ đi

20. Tu sửa lại căn nhà

21. Các mối quan hệ cá nhân đang rạn nứt

22. Những người bạn cần tha thứ

23. Thời gian dành cho những người mà bạn đã định ở cạnh họ

24. Các kế hoạch chưa hoàn thành hoặc các dự án được gửi đi mà chưa được trả lời hay quyết định.

25. Những sự biết ơn dành cho người khác hoặc mình đáng được nhận.

ĐIỀU GÌ CHỌC TỨC BẠN?

Cũng giống như việc không hoàn thành công việc, những điều làm bạn khó chịu hàng ngày góp phần phá hỏng thành công của bạn, vì chúng cũng lấy đi các "đơn vị chú ý". Có thể, nó chỉ là chiếc áo ưa thích bị đứt cúc khiến bạn không thể mặc nó tới dự cuộc họp quan trọng. Hay là lỗ thủng ở cửa ra vào làm cho côn trùng bay vào nhà mỗi tối. Một trong những cách tốt nhất để bạn nhanh chóng đạt được thành công là hãy vứt bỏ, thay thế hay sửa chữa những yếu tố làm phiền bạn mỗi ngày.

Talane Miedaner, tác giả cuốn Coach Yourself to Success, khuyên bạn nên kiểm tra từng phòng trong nhà, gara và các nơi khác để tìm ra những thứ khiến bạn bực mình và "kiểm soát" chúng. Tất nhiên là chúng chẳng gây nguy hại hay đe dọa trực tiếp tới đời sống và công việc của bạn. Nhưng mỗi lần chúng khiến bạn chú ý, bạn sẽ mất đi sự tập trung. Nó sẽ khiến sinh lực của bạn giảm sút đáng kể.


NGUYÊN TẮC 29: HOÀN THÀNH QUÁ KHỨ ĐỂ TIẾN TỚI TƯƠNG LAI

Không ai có thể thay đổi được hôm qua nhưng chúng ta có thể thay đổi được ngày mai. COLIN POWELL

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ dưới thời tổng thống George W. Bush

Câu nói trên nghe rất quen thuộc phải không? Một số người sống trên đời này như thể lúc nào cũng có một tảng đá đè nặng lên họ. Nếu họ có thể vứt nó đi, họ sẽ tiến tới thành công nhanh hơn và dễ dàng hơn. Có thể một trong số đó là bạn. Bạn luôn giữ bên mình những vết thương, sự tức giận, nỗi sợ hãi, hay những việc dở dang trong quá khứ. Vứt bỏ những "tảng đá" này đi là bước cuối cùng bạn cần làm để đạt tới thành công.

Sự thực là... chúng ta cần phải quên đi quá khứ để tiến tới tương lai. Một cách tôi sử dụng để thực hiện điều này là Quá Trình Hoàn Toàn Thành Thật.

QUÁ TRÌNH HOÀN TOÀN THÀNH THẬT VÀ LÁ THƯ THÀNH THẬT

Quá Trình Hoàn Toàn Thành Thật và Lá Thư Thành Thật là hai công cụ giúp bạn quên đi những ký ức buồn để trở lại với tâm trạng vui vẻ, tràn đầy tình yêu trong hiện tại.

Lý do tôi gọi nó là hoàn toàn thành thật vì thông thường, sau khi vấp ngã, chúng ta không nói những cảm xúc thực sự của mình cho người đã gây ra điều đó. Chúng ta bị mắc kẹt trong nỗi đau, sự tức giận và rất ít khi cho qua nó. Kết quả là, từ khi đó, chúng ta sẽ thấy rất khó khăn để gần gũi - hay thậm chí là cảm thấy thoải mái khi bên cạnh người đã đi cùng mình.

Quá Trình Hoàn Toàn Thành Thật giúp chúng ta diễn tả các cảm xúc của mình. Nhờ đó, chúng ta lấy lại được những bản tính vốn có của mình: sự thân mật, sự quan tâm chu đáo và tính hòa đồng.

Chúng ta không dùng Quá Trình Hoàn Toàn Thành Thật để trút bỏ những cảm xúc tiêu cực của mình cho người khác. Nhưng nó có thể giúp chúng ta vượt qua và vứt bỏ những cảm xúc đó để tìm lại sự lạc quan và niềm tin vào cuộc sống. Rồi từ những trạng thái đó, chúng ta sẽ thấy được niềm vui, sự hân hoan và tính sáng tạo.

Các bước để hoàn toàn thành thật

Bạn có thể viết Quá Trình Hoàn Toàn Thành Thật ra giấy hoặc không. Dù bạn chọn cách thức nào đi


nữa, mục đích của quá trình này là nhằm thể hiện sự tức giận hay nỗi đau của bạn, để sau đó bạn có thể tha thứ và yêu đời trở lại.

Nếu bạn chọn cách diễn đạt nó bằng lời - luôn phải có sự cho phép của người kia - thì hãy bắt đầu bằng cách nói ra hết nỗi bực dọc của bạn, rồi lần lượt qua từng bước cho tới khi kết thúc bởi tình yêu, lòng thương và sự tha thứ. Việc sử dụng các mẫu sau đây có thể giúp bạn tập trung hơn vào từng bước. Để thực hiện quá trình một cách hiệu quả nhất, bạn cần phải dành thời gian như nhau cho cả sáu bước.

1. Bực dọc và oán giận Tôi tức một điều rằng... Tôi ghét khi phải...

Tôi phát ngấy với... Tôi hận rằng...

2. Nỗi đau

Tôi cảm thấy tổn thương khi... Tôi thấy buồn vì...

Tôi thất vọng về...

Nó khiến tôi đau bởi...

3. Sợ hãi

Tôi sợ rằng... Tôi lo rằng... Tôi sợ bạn sẽ... Tôi sợ tôi sẽ...

4. Ăn năn, hối hận


Tôi tiếc vì đã...

Hãy tha thứ cho tôi vì... Tôi xin lỗi về việc... Tôi không cố ý....

5. Mong muốn

Tất cả những gì tôi muốn là... Tôi muốn bạn...

Tôi muốn... Tôi ước rằng...

6. Tình yêu, lòng thương, tha thứ và biết ơn Tôi hiểu rằng...

Tôi trân trọng... Tôi yêu bạn bởi...

Tôi tha thứ cho bạn về việc... Cảm ơn bạn đã...

Nếu bạn không thể diễn tả bằng lời, hoặc người kia không đồng ý tham gia cùng bạn, bạn có thể viết những cảm xúc thật của mình ra Lá Thư Thành Thật.

Lá Thư Thành Thật

Các bước để viết một Lá Thư Thành Thật:

1. Viết một lá thư cho người đã làm bạn tổn thương với bố cục gần giống như các bước diễn tả cảm xúc của bạn trong quá trình trên.

Kể cả khi người kiakhông đồng ý với bạn, bạn hãy cứ gửithư đi. Hãy nhớ, mục đích chính ở đây là giải phóng bạn khỏi những cảm xúc bên trong, không phải là thay đổi cách nghĩ của người kia.

1. Nếu người kia đồng ý tham gia cùng bạn, hãy bảo anh ta viết một bức thư tương tự. Sau đó, hai người trao đổi thư cho nhau. Cả hai người đều nên có mặt khi đọc thư của nhau. Đừng cố chấp bảo vệ mình. Nên cố gắng đặt mình vào vị trí của người kia để hiểu rõ hơn cho họ.

Sau khi thực hiện việc này, bạn sẽ thấy mình có thể trải qua sáu bước trên một cách dễ dàng. Những lúc gặp khó khăn lớn, bạn vẫn muốn sử dụng sáu bước này làm kim chỉ nam cho mình.

THA THỨ VÀ TIẾN LÊN

Nếu bạn không tha thứ cho ai hay bất kì điều gì, sự thù hằn sẽ chiếm mất một phần tâm trí bạn. ISABELLE HOLLAND - Nhà văn đoạt 28 giải thưởng các cuốn sách đã viết

Dù chẳng có cuốn sách nào đề cập tha thứ như là một cách để đạt tới thành công, song sự thật là tức giận, bực bội và mong muốn trả thù sẽ lấy mất của bạn các nguồn lực mà bạn có thể sử dụng chúng để đạt tới mục đích.

Dưới ánh sáng của "Quy luật Hấp dẫn", chúng ta đã thấy rằng bạn thu hút nhiều hơn những cảm xúc mà mình đang trải qua. Trong trường hợp tiêu cực này, sự tức giận và không dung thứ cho những nỗi đau trong quá khứ chắc chắn sẽ chỉ khiến bạn nhận được thêm nhiều hơn những điều đó trong cuộc đời này.

HÃY THA THỨ CHO NHỮNG GÌ ĐÃ QUA VÀ TRỞ LẠI VỚI HIỆN TẠI

Trong công việc, gia đình, các mối quan hệ cá nhân... chúng ta cần có tình yêu thương và lòng vị tha - để có thể tiếp tục tiến bước. Bạn cần tha thứ cho đối tác kinh doanh vì việc họ đã lừa bạn và khiến bạn bị thiệt hại về tài chính. Bạn cần tha thứ cho người đồng nghiệp đã "lấy trộm" mất niềm tin của sếp đối với bạn hay nói xấu sau lưng bạn. Bạn cần tha thứ cho người bạn đời đã từng lừa dối bạn, dẫn tới li hôn. Bạn không cần bỏ qua những hành động đó và tin vào họ một lần nữa. Nhưng bạn cần học cách tha thứ và tiếp tục tiến lên.

Khi bạn tha thứ cho những gì trong quá khứ, bạn sẽ quay về với thực tại. Từ đây, bạn có thể có được những điều tốt đẹp, có thể hành động để đạt được các mục tiêu trong tương lai cho bản thân, gia đình, nhóm làm việc hay công ty của bạn. Sa lầy trong quá khứ sẽ khiến bạn mất đi những năng lượng, động lực cần thiết để tiến lên phía trước, tạo ra và đạt được những gì mình mong muốn.

NHƯNG THẬT KHÓ ĐỂ BẮT ĐẦU


Tôi biết rằng, để tha thứ và tiếp tục tiến lên là một điều rất khó. Tôi từng bị một người lạ mặt bắt cóc và hành hung; có một người cha nghiện rượu; là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc; bị nhân viên biển thủ một số tiền lớn; bị kiện trong những trường hợp tôi đúng rõ ràng và bị lợi dụng trong một số thương vụ làm ăn.

Nhưng sau những sự kiện này, tôi bỏ qua và tha thứ cho những người đã hại mình. Vì nếu tôi không làm như vậy, những vết thương trong quá khứ sẽ ăn mòn tâm trí tôi và không cho tôi tập trung toàn bộ chú ý trong việc tạo dựng cuộc sống mà mình mong ước.

Qua mỗi trường hợp, tôi lại học được cách phòng tránh không để nó tái diễn. Tôi học được cách sử dụng tốt hơn trực giác của mình; biết được làm cách nào để bảo vệ gia đình tốt hơn và những tài sản kiếm được bằng mồ hôi và nước mắt. Mỗi lần tôi lại rút ra được một kinh nghiệm; trở nên sáng suốt, mạnh mẽ hơn - có nhiều sinh lực hơn để tập trung cho những nhiệm vụ quan trọng trước mắt. Không có những việc cá nhân không cần thiết, không có những sự trả thù cay đắng.

Có thể bạn phải chịu đựng rất nhiều nỗi đau, nhưng tôi nghĩ mình cũng chẳng hề thua kém.

Nhưng bạn nên biết rằng điều có thể khiến bạn đau đớn hơn rất nhiều đó là nuôi dưỡng sự thù hận trong lòng và nghĩ đến chúng thường xuyên. Từ tha thứ ở đây có nghĩa là bạn hãy tha thứ cho chính mình - chứ không phải cho người khác.

Tôi chứng kiến nhiều người trong các buổi hội thảo của mình đã đạt được những gì sau khi họ thực sự bỏ qua những điều không tốt đẹp trong quá khứ. Có người khỏi được bệnh đau đầu kinh niên, thoát ngay khỏi bệnh táo bón và viêm ruột kết, hết đau khớp, cải thiện thị lực và hàng loạt các lợi ích cho sức khỏe khác. Một người đàn ông đã giảm được gần ba cân chỉ sau hai ngày mà không cần tới ăn kiêng! Tôi cũng thấy có rất nhiều người đạt được những thành công kì diệu trong vấn đề tài chính và sự nghiệp. Hãy tin tôi, bạn sẽ thu được những kết quả xứng đáng cho những nỗ lực của mình.

CÁC BƯỚC THA THỨ

Những bước sau đây không thể thiếu để giúp bạn có thể tha thứ:

1. Thừa nhận sự oán giận của bạn.

2. Thừa nhận những vết thương và nỗi đau mà sự oán hận đó gây ra.

3. Thừa nhận nỗi sợ hãi và sự nghi ngờ của bạn.


4. Những việc mà bạn đã làm khiến cho sự oán hận đó vẫn tiếp tục xuất hiện.

5. Thừa nhận bạn không muốn có sự oán giận này và sau đó đặt mình vào địa vị của người kia để có thể hiểu rõ hoàn cảnh của họ và tại sao họ lại hành động như vậy.

6. Hãy đi đến gặp và tha thứ cho họ.

Nếu bạn chú ý, bạn có thể nhận ra rằng các bước này cũng khá giống với các bước của Quá trình Hoàn toàn Thành thật.

LẬP MỘT DANH SÁCH

Hãy lập một danh sách những người đã làm tổn thương bạn và cách họ:

------------------------ đã làm tổn thương tôi bởi-----------------------

Đối với từng người một, hãy dành cho họ lượng thời gian cần thiết để thực hiện các bước trong Quá trình Hoàn toàn Thành thật. Bạn có thể viết ra giấy hoặc nói ra và tưởng tượng rằng người đó đang ngồi đối diện để lắng nghe bạn. Bảo đảm rằng bạn dành đủ thời gian để nhận ra điều gì đã xảy ra với họ khiến họ phải làm như vậy. Hãy nhớ một điều sau đây bởi nó rất quan trọng:

Tất cả mọi người luôn làm tất cả những gì có thể để đạt được nhu cầu của mình. Họ làm thế với tất cả sự hiểu biết, kiến thức, kỹ năng, công cụ mà họ có vào thời điểm đó. Nếu họ có thể làm tốt hơn, chắc chắn họ sẽ làm. Khi họ nhận thức rõ hơn rằng những việc làm của họ gây hại cho người khác, khi họ học được cách làm điều đó hiệu quả và ít ảnh hưởng đến người khác, họ sẽ làm theo cách tốt hơn.

Hãy nghĩ về điều này. Không cha mẹ nào sáng dậy lại nói rằng: "Anh vừa nghĩ ra ba cách nữa để quát bọn trẻ." Bất kì ai cũng muốn trở thành người cha, người mẹ tốt. Nhưng khi những tổn thương tâm lý, việc thiếu kỹ năng nuôi dạy con và những áp lực trong cuộc sống kết hợp lại, họ có thể làm chúng tổn thương. Bạn không phải là trường hợp cá biệt. Họ sẽ trút giận lên bất kì ai vào lúc đó. Điều này luôn luôn đúng với mọi người khác.

LỜI KHẲNG ĐỊNH THA THỨ

Kỹ năng cuối cùng giúp bạn bỏ qua hoàn toàn một sự việc trong quá khứ chính là lời khẳng định tha thứ. Bạn hãy đọc nó vài lần mỗi ngày:

Tôi đã thoát khỏi những đòi hỏi và việc chỉ trích - những thứ đã kìm hãm bản thân tôi. Tôi đã tự giải


phóng mình - để được sống trong niềm vui, tình yêu và sự thanh thản. Tôi đã giúp mình có được các mối quan hệ tốt, đạt được thành công trong cuộc sống, tận hưởng niềm vui và đặc biệt là việc nhận ra mình có thể làm và xứng đáng với những gì mình muốn. Bây giờ tôi đã tự do. Tôi cũng giải phóng những người khác khỏi những gì tôi yêu cầu và đòi hỏi từ họ. Tôi đã chọn tự do. Tôi cũng mang đến cho người khác tự do. Tôi tha thứ cho họ và tha thứ cho chính mình. Mọi việc là như vậy.

NẾU HỌ CÓ THỂ THÌ BẠN CŨNG CÓ THỂ

Khi tìm kiếm chuyện để trích vào hàng loạt sách Chicken Soup for The Soul, tôi đã đọc rất nhiều chuyện về lòng vị tha và hiểu ra được rằng con người có thể tha thứ cho mọi việc - dù nó có bi thương và tàn ác đến đâu.

Năm 1972, bức ảnh chụp một bé gái Việt Nam đã đoạt giải thưởng Pulitzer. Tay em đầy máu và thương tích, em gần như không mặc gì khi quần áo bị bom thiêu trụi, em la hét và chạy ra khỏi ngôi làng đang bị bỏ bom Napalm trong chiến tranh Việt Nam. Bức tranh đã được in ra hàng nghìn bản trên toàn thế giới và ngày nay vẫn còn trong các cuốn sách giáo khoa lịch sử. Cũng trong cuộc thảm sát đó, Phan Thị Kim Phúc đã bị bỏng hơn một nửa người. Thật kì diệu, Kim Phúc đã sống sót sau 17 đợt điều trị kéo dài suốt 14 tháng. Vượt qua nỗi đau trong quá khứ, cô đã tha thứ cho tất cả mọi việc. Hiện nay, cô là một công dân Canada, đại sứ thiện chí của tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO), và là người sáng lập ra quỹ từ thiện Kim chuyên giúp đỡ các nạn nhân vô tội của chiến tranh. Ai gặp Kim cũng đều phải nhận xét về đức tính yêu hòa bình ngập tràn trong cô.

Năm 1978, Simon Weston gia nhập vào binh đoàn Welsh Guards của quân đội Anh. Trong trận chiến trên đảo Falkland, tuần dương hạm Sir Galahad bị trúng bom của Argentina. Khi đó, Simon đang ở trên tàu. Anh bị thương nặng, mặt mũi biến dạng, 49% cơ thể bị bỏng. Anh đã phải trải qua hơn 70 lần điều trị kể từ cái ngày định mệnh đó, và bây giờ vẫn chưa bình phục hoàn toàn. Sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu anh chọn sống phần đời còn lại với sự cay đắng. Nhưng anh không làm như vậy mà nói rằng: "Nếu bạn sống cuộc đời trong sự đau khổ và thù hằn thì bạn đã đối xử sai với chính mình, bạn đối xử sai với Bác sĩ, với y tá và tất cả mọi người. Bạn không đền đáp gì cho những nỗ lực của họ. Lòng căm thù có thể hủy hoại bạn và nó là một cảm xúc không đáng có."

Thay vì sống mòn trong sự đau khổ, Simon đã trở thành một nhà văn, một nhà diễn thuyết, là người đồng sáng lập và Phó chủ tịch của tổ chức Weston Spirit - tổ chức phi lợi nhuận hoạt động với mục đích tạo động lực cho hàng vạn thanh niên sống thiếu khát vọng tại vương quốc Anh.

Giống như Kim và Simon, bạn cũng hoàn toàn có thể vượt qua và chiến thắng quá khứ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kws