CAM KẾT SẼ LIÊN TỤC VÀ KHÔNG NGỪNG HOÀN THIỆN BẢN THÂN

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


NGUYÊN TẮC 20: CAM KẾT SẼ LIÊN TỤC VÀ KHÔNG NGỪNG HOÀN THIỆN BẢN THÂN

Chúng ta có một ước mong bẩm sinh là sẽ không bao giờ ngừng học hỏi và phát triển. Chúng ta muốn giành được nhiều hơn những gì đang có.

Khi chúng ta không ngừng tìm cách hoàn thiện mình, chúng ta sẽ có một cuộc sống hoàn mỹ như mong đợi.

CHUCK GALLOZZI

Mọi người thường bảo tôi là người cầu toàn, nhưng điều đó không chính xác. Tôi chỉ là người "luôn tìm kiếm sự hoàn thiện". Tôi luôn làm một việc gì đó cho tới khi hoàn thành xong, rồi sau đó, tôi lại chuyển sang làm việc khác.

JAMES CAMERON

Đạo diễn đoạt hai giải Oscar cho bộ phim Titanic và loạt phim Kẻ hủy diệt

Thuật ngữ "không ngừng hoàn thiện" trong tiếng Nhật là kaizen. Không chỉ những doanh nhân hiện đại coi đó là một triết lý mà đây cũng là đạo lý của các chiến binh thời xưa - và nó đã trở thành câu thần chú của hàng triệu người thành đạt.

Những người thành công - dù là doanh nhân, vận động viên thể thao hay các nghệ sĩ - đều không ngừng tự hoàn thiện mình. Nếu bạn muốn đạt được nhiều thành công hơn trong cuộc sống, bạn phải tự hỏi bản thân mình: "Bằng cách nào tôi có thể thực hiện công việc này tốt hơn? Bằng cách nào tôi có thể thực hiện công việc này hiệu quả hơn? Bằng cách nào tôi có thể thu được nhiều lợi ích nhất từ việc này? Bằng cách nào tôi có thể dành nhiều tâm huyết hơn để thực hiện công việc này?"

TỐC ĐỘ THAY ĐỔI TƯ DUY CHẬM CHẠP

Trong thế giới ngày nay, tự hoàn thiện là hành vi rất cần thiết nhằm theo kịp sự thay đổi đang diễn ra chóng mặt. Tháng nào cũng có những công nghệ mới ra đời. Kỹ thuật sản xuất mới cũng xuất hiện thường xuyên hơn. Những từ ngữ mới được sử dụng trong những ngữ cảnh khác lạ. Những gì bạn có thể học được về bản thân, sức khỏe hay khả năng trí tuệ con người ngày càng mở rộng.

Vì vậy, tự hoàn thiện là điều kiện để tồn tại. Nhưng nếu muốn có được thành công thì cách tốt nhất để hoàn thiện mình là đưa ra yêu cầu. HOÀN THIỆN TỪNG BƯỚC NHỎ

Bất kì khi nào bạn quyết định hoàn thiện các kỹ năng, thay đổi cách cư xử, cải thiện quan hệ gia đình và công việc, hãy bắt đầu từ những bước đi ngắn, dễ dàng. Các bước đi ngắn đó sẽ mang đến cơ hội thành công nhiều hơn cho bạn. Nếu bạn cố gắng thay đổi quá nhanh và quá nhiều, không những bạn (hay những người khác đang có cùng ước muốn thay đổi với bạn) sẽ mất đi khả năng kiểm soát, do đó những nỗ lực của bạn rồi sẽ thất bại - bởi vậy, bạn tin rằng việc mình đang làm là quá khó khăn và dường như không thể. Khi bước những bước nhỏ, dễ dàng điều chỉnh, bạn sẽ thấy tự tin rằng mình có thể cải thiện bản thân một cách dễ dàng.

QUYẾT ĐỊNH CẢI THIỆN ĐIỀU GÌ

Trong công việc, mục tiêu của bạn có thể là cải thiện sản phẩm, dịch vụ công ty cung cấp, hay dịch vụ chăm sóc khách hàng, hay các chương trình quảng cáo. Về kỹ năng, bạn có thể muốn tăng cường các kỹ năng sử dụng máy tính, tăng tốc độ đánh máy, tăng khả năng bán hàng hay khả năng đàm phán của mình. Ở nhà, bạn muốn cải thiện hơn khả năng giáo dục con cái, kỹ năng giao tiếp, hay tay nghề nấu ăn. Bạn cũng có thể tập trung vào việc chăm sóc sức khỏe và thể lực, trau dồi kiến thức về đầu tư và quản lý tài chính, hay kỹ năng chơi piano. Hoặc có lẽ bạn muốn có được những phút giây thanh thản trong tâm hồn bằng cách suy tư, tập yoga hay cầu nguyện. Dù mục tiêu của bạn là gì, hãy tìm ra những gì bạn muốn cải thiện, cải thiện đến đâu và những gì bạn cần làm để có thể thực hiện được điều đó.

Phải chăng bạn muốn học một kỹ năng mới? Có lẽ bạn nên đăng ký một lớp học buổi tối ở trường đại học trong vùng. Còn nếu bạn muốn cải thiện mối quan hệ với cộng đồng, bạn nên dành thêm vài giờ mỗi tuần để tham gia các hoạt động tình nguyện.

Hãy liên tục và không ngừng hoàn thiện bản thân. Mỗi ngày, hãy luôn tự hỏi mình rằng: "Hôm nay tôi/ chúng ta sẽ làm gì để hoàn thiện mình? Tôi/ chúng ta có thể tốt hơn trước như thế nào? Tôi/ chúng ta có thể học những kỹ năng mới ở đâu?" Nếu bạn làm như vậy, bạn sẽ tham gia vào cuộc hành trình tự hoàn thiện - cuộc hành trình đưa bạn tới thành công.

ĐỪNG ĐỐT CHÁY GIAI ĐOẠN

Ai không tự hoàn thiện mình sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo được.

 OLIVER CROMWELL

Nhà quân sự, nhà chính trị người Anh (1599 - 1658)

Một điều thực tế rằng muốn cải thiện được bản thân, bạn sẽ mất khá nhiều thời gian. Đó không phải là chuyện một sớm, một chiều. Nhưng do rất nhiều các sản phẩm và dịch vụ thời nay đều trở nên hoàn hảo chỉ sau một vài ngày, nên bạn cũng muốn nhanh chóng hoàn thiện được bản thân. Và bạn sẽ thấy chán nản nếu như mình không sớm đạt được mong muốn. Tuy nhiên, nếu bạn cam kết rằng mỗi ngày sẽ học thêm những điều mới, sẽ trở nên tốt hơn một chút thì cuối cùng bạn cũng sẽ đạt tới mục tiêu của mình.

Để trở nên giỏi giang hơn phải mất nhiều thời gian. Bạn cần phải hành động, hành động và hành động! Bạn phải mài sắc những kỹ năng của mình bằng cách không ngừng sử dụng và thanh lọc chúng. Phải mất hàng năm trời bạn mới có được những kinh nghiệm sâu rộng mà từ đó có thể đưa ra các ý kiến mang tính chuyên môn hay những suy nghĩ thấu đáo. Từng cuốn sách bạn đọc, từng lớp học bạn tham gia, từng kinh nghiệm bạn học được sẽ là những viên gạch để xây dựng nên cuộc đời và sự nghiệp của bạn.

Đừng quên trang bị sẵn sàng cho bản thân khi bạn có thời gian rảnh rỗi. Hãy chắc chắn rằng bạn đã làm hết các bài tập và nâng cao tay nghề. Diễn viên thường phải chuẩn bị rất nhiều việc trước khi quay

- tham gia các lớp học diễn xuất, diễn tại các nhà hát công cộng, diễn thử, tham gia vào các đoạn phim hay chương trình truyền hình ngắn, học thêm cách diễn xuất, các lớp đào tạo giọng nói, phát âm, võ thuật, học cưỡi ngựa và nhiều việc khác - cho tới khi họ sẵn sàng đón nhận giấc mơ đang chờ đợi họ.

Các cầu thủ bóng rổ nổi tiếng phải học cách chơi bóng bằng tay không thuận, cải thiện kỹ năng ném phạt, hay kỹ năng ném bóng giành ba điểm. Ca sĩ phải tìm đến những môi trường mới. Phi công phải làm quen với rất nhiều tình huống giả định nguy hiểm. Bác sĩ tìm về trường để học thêm những kiến thức mới và có được bằng cấp cao hơn. Tất cả họ đều là những người muốn và đang hoàn thiện bản thân liên tục và không ngừng.

Hãy cam kết rằng bạn sẽ luôn tìm mọi cách để trở nên hoàn thiện hơn sau từng ngày. Nếu thực hiện được, bạn sẽ thấy lòng tự trọng và tự tin của mình ngày càng tăng lên. Và tất nhiên, thành công cũng sẽ đi cùng với những tiến bộ đó.

KHÁC BIỆT CỦA SỰ VĨ ĐẠI

Trong giải bóng chày chuyên nghiệp, xác suất đánh trúng bóng của hầu hết các vận động viên loại trung bình khá là 250, nghĩa là cứ bốn quả ném tới, họ sẽ đánh trúng một quả. Nếu một vận động viên có xác suất đánh trúng bóng là 250 cũng tốt ở khâu chặn bóng, anh ta có thể là một vận động viên tài năng.


Nhưng những vận động viên có thể đạt tới xác suất đánh trúng bóng 300, hay tương đương ba quả trong 10 lần ném, họ được coi là những ngôi sao. Cuối mùa giải, trong hàng ngàn vận động viên, người ta chỉ thấy có khoảng vài chục người có thể đánh trúng bóng với xác suất 300. Những vận động viên này được xem như là những người vĩ đại nhất, họ sẽ nhận được những lời đề nghị ký kết các hợp đồng trị giá hàng triệu đô la cũng như các hợp đồng liên quảng cáo khác.

Nhưng hãy cùng suy ngẫm: Điều khác biệt lớn nhất giữa những cầu thủ này chỉ là một lần chính xác trong số 20 pha bóng! Một cầu thủ 250 đánh trúng năm quả trong số 20 lần cầm gậy, còn cầu thủ 300 thì chính xác trong sáu lần. Điều này có đáng ngạc nhiên không? Trong môn bóng chày chuyên nghiệp, sự khác biệt chỉ là một pha bóng trong tổng số 20 pha! Chỉ cần chính xác thêm một chút trong hành động cũng có thể đạt tới sự vĩ đại.


NGUYÊN TẮC 21: CHẤM ĐIỂM CHO THÀNH CÔNG

Bạn cần biết đo lường những gì bạn muốn thêm. CHARLES COONRART

Tác giả The Game of Work

Nhớ lại khi bắt đầu thời kì dậy thì, bố mẹ bạn thường đo chiều cao của bạn mỗi tháng rồi ghi lên bức tường cạnh cửa bếp. Đó là một cách để bạn so sánh được giữa chiều cao ở quá khứ với chiều cao đạt được trong tương lai (thường là cao bằng bố hay bằng mẹ). Từ việc đo chiều cao này, bạn sẽ biết được mình đang lớn lên. Nó khuyến khích bạn ăn uống đều đặn và thích hợp để tiếp tục phát triển.

Những người thành công cũng có một thước đo tương tự như vậy. Họ chấm điểm sự tiến bộ hiện tại, cách xử sự đúng đắn, các khoản thu tài chính... tất cả những mục tiêu họ muốn đạt được nhiều hơn.

Trong cuốn sách mang tính đột phá The Game of Work30, Charles Coonrart đã nói rằng việc đo đạc và đánh giá sẽ giúp chúng ta có động lực trong việc tạo thêm những kết quả tích cực cho thành công hiện có. Đo đạc và đánh giá thực sự củng cố vững chắc hơn nữa những hành động đã mang lại thành quả cho bạn trước đó.

Hãy suy nghĩ, tưởng tượng xem bạn sẽ hứng khởi và có thêm động lực thế nào khi đo lường và chấm điểm cho từng tiến bộ mình đạt được.

ĐO LƯỜNG NHỮNG GÌ BẠN MUỐN, ĐỪNG ĐO NHỮNG GÌ BẠN KHÔNG MUỐN

Từ khi còn trẻ, chúng ta học được rằng nên đo lường những thứ có giá trị với bản thân. Chúng ta đếm số lần nhảy dây, số cờ chúng ta giành được, số viên bi chúng ta sưu tầm, số pha bóng chúng ta đánh trúng trong một giải bóng chày nhỏ, số hộp bánh Girl Scout chúng ta bán được. Số gậy trung bình trong môn bóng chày cho chúng ta biết bao nhiêu lần chúng ta đánh trúng thay vì số lần đánh trượt. Chúng ta thường ghi nhận những điều tốt đẹp, bởi vì đó chính là điều chúng ta muốn làm được nhiều hơn.

Khi Mike Walsh, Giám đốc công ty High Performers International muốn nâng cao hiệu quả kinh doanh, anh đã theo dõi không chỉ số lượng người được công ty anh tuyển dụng, mà cả số lượng các cuộc gọi tới khách hàng, số các cuộc hẹn trực tiếp và bao nhiêu người trong các cuộc hẹn này trở thành khách hàng của công ty. Nhờ phương thức xem xét và đánh giá này, doanh thu công ty của Mike đã tăng 39% chỉ trong vòng 6 tháng.


KHÔNG CHỈ LÀ VẤN ĐỀ RIÊNG CỦA CÁC DOANH NHÂN

Khi Tyler Williams tham gia một giải bóng rổ dành cho các trường trung học, cha của cậu, Rick Williams, đồng tác giả cuốn sách Managing the Obvious, quyết định sẽ xua tan những suy nghĩ tiêu cực của cậu con trai bằng cách lập "bảng theo dõi điểm số của cha mẹ" nhằm ghi lại những gì Tyler đã làm tốt chứ không ghi lại những lỗi mà Tyler mắc phải.

Ông lập ra bảy điểm mà con trai có thể đóng góp vào thành công của cả đội - ghi điểm, tranh bóng bật bảng, cướp bóng, chặn bóng... Ông thưởng Tyler một điểm cho mỗi pha bóng tốt này. Trong khi những thống kê của các huấn luyện viên chỉ tập trung vào ghi điểm và tranh bóng bật bảng - hai chỉ tiêu chính dùng để đánh giá vận động viên trẻ - thì cha của Tayler lại cộng điểm cho gần như tất những đóng góp tích cực của cậu con trai trong suốt trận đấu.

Sau khi mỗi trận đấu kết thúc, Tyler chạy thật nhanh ra để xem số điểm mà cậu đóng góp. Lúc về đến nhà, Tyler thường lên phòng mình, để bổ sung tiếp vào biểu đồ theo dõi sự tiến bộ mà cậu treo trên tường. Với đồ thị do mình vẽ, cậu có thể theo dõi cậu đã hoàn thiện tới đâu. Mùa giải trôi đi, biểu đồ của cậu cũng cao dần thêm. Không phải nhận một lời trách móc nào từ huấn luyện viên hay cha cậu, Tyler vẫn trở thành cầu thủ bóng rổ ngày càng tiến bộ - và bên cạnh đó, tận hưởng sự phát triển của mình.

CHẤM ĐIỂM NGAY TẠI GIA ĐÌNH

Tất nhiên, theo dõi và đánh giá không chỉ dành riêng cho lĩnh vực kinh doanh, thể thao hay học tập. Nó còn được áp dụng cả trong đời sống riêng của bạn. Trong số ra tháng Năm năm 2000, tạp chí Fast Company đã đăng một phát biểu của Vinod Khosla, người sáng lập và CEO của Sun MicroSystem. Trong bài báo, ông nói:

Thật tuyệt vời nếu bạn biết cách tìm lại động lực cho mình. Và thậm chí việc lấy lại nó rất quan trọng. Tôi luôn ghi lại số lần mình về nhà đúng giờ và ăn tối cùng gia đình, thư ký của tôi thường báo cáo với tôi con số chính xác vào cuối mỗi tháng. Tôi có bốn đứa con, chúng mới từ bảy đến 11 tuổi. Dành thời gian bên cạnh chúng chính là động lực giúp tôi tiến bước.

Công ty của bạn luôn lượng hóa những ưu tiên của mình. Mọi người cũng vậy, họ luôn tính toán những việc cần làm. Tôi dành 50 giờ mỗi tuần để làm việc, thậm chí có thể là 100 giờ. Vì vậy, tôi luôn phải bảo đảm rằng, sau khi kết thúc công việc tôi sẽ về nhà và dùng bữa cùng lũ trẻ. Sau đó, tôi giúp chúng làm bài về nhà, chơi với chúng... Mục tiêu của tôi là mỗi tháng phải có ít nhất 25 buổi tối ở nhà và ăn cơm cùng mọi người. Đặt ra một con số mục tiêu chính là điểm mấu chốt. Tôi biết những người trong


lĩnh vực kinh doanh của mình sẽ thật may mắn nếu có thể dành năm tối mỗi tuần cho gia đình. Tôi không nghĩ rằng mình làm việc ít hơn những người khác.

BẮT ĐẦU CHẤM ĐIỂM NGAY TỪ HÔM NAY

Hãy xét xem bạn cần chấm điểm từ đâu để cụ thể hóa tầm nhìn và mục tiêu của bạn.

Hãy chắc rằng bạn chấm điểm tất cả các khía cạnh của cuộc sống: tiền bạc, kỹ năng, kết quả học tập, giải trí, sức khỏe, thể lực, gia đình, các mối quan hệ khác, các kế hoạch cho cá nhân và giúp đỡ những người khác.

Hãy gắn bảng điểm của bạn lên nơi nào mà bạn dễ dàng theo dõi nhất.


NGUYÊN TẮC 22: KIÊN TRÌ THỰC HIỆN

Hầu hết mọi người bỏ cuộc khi thành công đã tới rất gần. Họ bỏ cuộc khi chỉ còn cách đích một mét. Họ bỏ cuộc ngay khi cuộc chơi chỉ còn lại một phút, khi đã chạm được một tay vào chiến thắng.

H. ROSS PEROT

Tỉ phú người Hoa Kỳ và cựu ứng cử viên tranh chức tổng thống

Kiên trì chính là một đức tính mà hầu như những người thành công đều có. Họ không bao giờ chịu bỏ cuộc. Nếu bạn càng kiên nhẫn, cơ hội dành cho bạn sẽ càng nhiều. Mặc dù kiên trì là công việc rất khó khăn nhưng khi bạn càng bền bỉ, xác suất thành công đến với bạn càng cao.

KHÔNG PHẢI MỌI VIỆC ĐỀU ĐƠN GIẢN

Đôi lúc, bạn sẽ phải kiên trì đối mặt với những trở ngại, những chướng ngại vật không có dấu hiệu nào để có thể dự đoán trước. Đôi khi, bạn dường như nhận được những rào cản cực lớn. Hay có những lúc, vũ trụ khách quan sẽ tìm cách kiểm tra xem có thực sự bạn quyết tâm đạt tới mục tiêu mình theo đuổi. Có những việc sẽ rất khó khăn, đòi hỏi bạn không được từ bỏ và cần học được những bài học mới, phát triển bản thân cũng như đưa ra những quyết định khó khăn.

Lịch sử đã chỉ ra rằng hầu hết những người làm điều phi thường đều phải đối mặt với những khó khăn tột cùng trước khi đạt được thành công. Họ chiến thắng bởi họ không nản lòng mỗi khi thất bại.

B. C. FORBES

Người sáng lập tạp chí Forbes

Hugh Panero, Tổng giám đốc điều hành đài phát thanh truyền hình vệ tinh XM, là một tấm gương về tính kiên trì đáng kinh ngạc. Sau hai năm thương thảo với các nhà đầu tư từ General Motors, Hughes Electronics tới DIRECTV hay Channel Communications, Panero mơ ước công ty mình sẽ trở thành đài phát thanh tư nhân lớn nhất thế giới. Nhưng ước mơ này gần như đã sụp đổ khi các nhà đầu tư đe dọa sẽ rút lui nếu như không có một hợp đồng thỏa đáng được ký trước nửa đêm ngày mùng 6 tháng Sáu năm 2001. Sau khi dồn hết sức để ngoại giao và đàm phán, Pareno và Gary Parsons Chủ tịch hội đồng quản trị đã có được một cam kết trị giá 225 triệu đô la chỉ vài phút trước hạn chót.

Gần một năm sau đó, vệ tinh XM trị giá 200 triệu đô la phải dừng lại không phóng nữa chỉ cách 11


giây trước thời gian đã định. Nguyên nhân là do các kỹ sư đã hiểu lầm một thông tin trên màn hình vi tính. Điều này buộc công ty phải lùi ngày phóng lại hai tháng.

Panero vẫn kiên trì và cuối cùng dự định sẽ khai trương đài phát thanh truyền hình XM với 101 kênh truyền hình vào ngày 12 tháng 9 năm 2001. Nhưng sự kiện khủng bố tấn công Trung tâm Thương mại thế giới vào sáng ngày 11 tháng 9 - chỉ một ngày trước lễ khai mạc dự kiến - đã khiến Panero buộc phải hủy buổi tiệc khánh thành và chương trình quảng cáo trên ti vi bởi sự quan tâm đặc biệt của mọi người dành cho sự kiện sập tòa tháp đôi này.

Mọi người trong nhóm khuyên Panero lùi ngày khai mạc lại vào năm sau. Nhưng cuối cùng, Panero với mong muốn nhanh chóng thực hiện ước mơ đã quyết định lễ khai trương của công ty sẽ diễn ra hai tuần sau đó.

Vượt qua tất cả mọi sự trì hoãn mà nếu đem so sánh thì những khó khăn của chúng ta chẳng đáng là gì, XM đã thống trị ngành kinh doanh truyền hình vệ tinh. Công ty có tới hơn 1,7 triệu thuê bao hàng tháng, cùng với 68 kênh truyền hình thương mại tự do âm nhạc, cùng với 33 kênh truyền hình trong lĩnh vực thể thao, thuyết trình, phim hài, trẻ em, các chương trình giải trí, thông tin giao thông và thời tiết. Giá cổ phiếu của công ty đã tăng từ 12 đô la ban đầu lên 25 đô la.

CHỈ MỘT BỐT ĐIỆN THOẠI NỮA THÔI

Vấp ngã bảy lần, đứng dậy tám lần. TỤC NGỮ NHẬT BẢN

Năm 1980, khi căn bệnh ung thư cướp mất chân phải, Terry Fox bắt đầu hành trình chạy xuyên suốt Canada với tên gọi Marathon và Hi vọng nhằm quyên góp tiền hỗ trợ các công trình nghiên cứu căn bệnh ung thư. Với chiếc chân giả, những bước chạy lò cò đưa anh đi 24 dặm một ngày - khoảng gần 26 dặm marathon! Anh chạy trong vòng 143 ngày, được 3.339 dặm từ điểm bắt đầu là St. John's, Newfoundland, tới vịnh Thunder, Ontario. Tại đây, anh đã phải dừng lại khi bác sĩ phát hiện ra anh bị ung thư phổi. Vài tháng sau anh qua đời, song tinh thần của anh vẫn tồn tại: các cuộc chạy Terry Fox vẫn được tổ chức hàng năm ở Canada cũng như trên toàn thế giới và đã quyên góp được 340 triệu đô la cho hoạt động nghiên cứu bệnh ung thư. Khi hỏi Terry rằng bằng cách nào anh vẫn tiến bước khi người đã mệt lử mà vẫn còn hàng ngàn dặm ở phía trước, anh đã trả lời rằng: "Tôi chỉ cố chạy tới bốt điện thoại tiếp theo."

NĂM NĂM


"Không" là một từ trên con đường dẫn tới "có". Đừng từ bỏ quá sớm. Ngay cả khi cha mẹ, người thân, bạn bè, hay đồng nghiệp có thiện ý khuyên bạn "tìm một công việc đích thực", thì những ước mơ của bạn vẫn luôn là "công việc đích thực" của bạn.

JOYCE SPIZER

Tác giả Rejections of the Written Famous

Khi Debbie Macomber quyết định theo đuổi ước mơ trở thành nhà văn, cô thuê một chiếc máy chữ, đặt lên bàn ăn và bắt đầu đánh máy vào mỗi sáng sau khi các con tới trường. Khi lũ trẻ tan học, cô dọn cái máy đi và chuẩn bị bữa tối cho chúng. Sau khi bọn trẻ đi ngủ, cô trở xuống bếp và tiếp tục viết. Cuộc sống của cô cứ như vậy trong suốt hai năm rưỡi. Người mẹ này đã trở thành nhà văn sống cuộc đời cùng khổ nhưng cô luôn yêu thích từng giây phút đã qua.

Tuy nhiên, một tối nọ Wayne, chồng cô, ngồi xuống cạnh cô và bảo: "Em yêu, anh xin lỗi nhưng những việc em làm không hề mang lại thu nhập. Chúng ta không thể cứ thế này mãi. Chúng ta không thể sống nếu như chỉ dựa vào số tiền anh kiếm được".

Đêm hôm đó, cô cảm thấy rất đau khổ. Những ý nghĩ trong đầu khiến cô không tài nào ngủ được. Cô nhìn chằm chằm lên trần nhà trong căn phòng tối đen. Debbie nghĩ: Cộng cả việc nhà, đưa bốn đứa con đi chơi thể thao, đến nhà thờ và trông nom chúng, nếu cô còn phải làm việc thêm 40 tiếng mỗi tuần, cô sẽ không có đủ thời gian để viết nữa.

Sáng hôm sau, chồng cô thức giấc, nhìn thấy vẻ thất vọng của cô, anh hỏi: "Có chuyện gì vậy?" "Em nghĩ rằng mình có thể trở thành một nhà văn. Em thực sự nghĩ vậy."

Wayne im lặng một lúc lâu rồi ngồi dậy, bật đèn và nói: "Được rồi, em yêu, hãy tiếp tục ước mơ của em."

Debbie lại đặt chiếc máy chữ lên bàn và tiếp tục theo đuổi ước mơ. Cô cứ viết hết, trang này tới trang khác trong suốt hai năm rưỡi tiếp theo. Gia đình cô đã không có một kỳ nghỉ, tiêu từng xu và dùng lại quần áo cũ.

Nhưng cuối cùng, sự hi sinh và lòng kiên trì của Debbie cũng được đền đáp. Sau 5 năm cực khổ,


Debbie đã bán được cuốn sách đầu tiên. Rồi cuốn tiếp theo, cuốn tiếp theo nữa. Cho đến nay, trên 100 cuốn sách của Debbie đã được xuất bản. Rất nhiều trong số sách Debbie viết được New York Times đưa vào danh sách những cuốn sách bán chạy nhất. Ba trong số chúng được chuyển thể thành phim. Hơn 60 triệu bản đã được in. Và cô đang có hàng triệu fan hâm mộ trung thành.

Về phần Wayne thì sao? Những hi sinh mà anh dành cho vợ mình đã được đền đáp thỏa đáng. Anh nghỉ hưu vào năm 50 tuổi và đang dành thời gian để lắp ráp một chiếc máy bay trong tầng hầm của căn biệt thự rộng 650 m2.

Bốn đứa con của Debbie thì nhận được món quà còn quý giá hơn rất nhiều những chuyến đi cắm trại vào mùa hè. Khi lớn lên, chúng hiểu được mẹ đã mang lại cho chúng điều gì - đó là cô luôn cho phép và khuyến khích chúng theo đuổi những ước mơ của mình.

Bây giờ, Debbie vẫn đang theo đuổi một mục tiêu - một loạt chương trình truyền hình dựa trên những cuốn sách của cô và một cuốn sách bán chạy nhất do New York Times bình chọn.

Để đạt được mục tiêu này, Debbie đang có một thời gian biểu đều đặn: Sáng dậy vào lúc 4h30, đọc Kinh Thánh và viết nhật ký. 6h, cô đi bơi. 7h30, tới văn phòng và trả lời thư. Sau đó, cô viết sách từ 10h sáng tới 4h chiều. Cùng với tính kỉ luật và kiên trì, mỗi năm cô cho ra đời ba cuốn sách.

Vậy, bạn sẽ đạt được điều gì khi lắng nghe điều con tim mách bảo và thực hiện chúng một cách có kỉ luật, thường xuyên, không bao giờ chịu từ bỏ?

ĐỪNG BAO GIỜ TỪ BỎ ƯỚC MƠ VÀ HY VỌNG

Kiên trì và quyết tâm đều ẩn chứa sức mạnh vô biên. Khẩu hiệu "hãy tiếp tục tiến theo con đường đã chọn" đã và sẽ luôn giải quyết được mọi vấn đề của loài người.

CALVIN COOLIDGE

Tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ Hãy cùng suy ngẫm những điều sau:

• Tư lệnh hải quân Robert Peary đã từng bảy lần cố gắng tìm ra Bắc Cực trước khi ông có thể thực sự làm được điều đó trong lần thứ tám.

• Trong 28 lần đầu tiên phóng vệ tinh lên không trung, NASA đã thất bại tới 20 lần.


• Oscar Hammerstein đã có năm chương trình lưu diễn thất bại trong vòng ít nhất sáu tuần trước Oklahoma!, chương trình kéo dài 269 tuần và thu về bảy triệu đô la.

• Sự nghiệp của Tawni O'Dell là một minh chứng cho tính kiên trì. Trong 13 năm, cô đã viết sáu tác phẩm, gửi đến các nhà xuất bản khác nhau và rồi nhận được tới hơn 300 lời từ chối. Cuối cùng, Back Roads, tiểu thuyết đầu tiên của cô cũng được xuất bản vào tháng Một năm 2000. Oprah Winfrey đã chọn cuốn sách này cho Câu lạc bộ Sách Oprah. Tiểu thuyết gần đây của cô đã đứng thứ hai trang danh sách những cuốn sách bán chạy nhất do New York Times bình chọn. Vị trí này được duy trì trong suốt tám tuần.

ĐỪNG BAO GIỜ TỪ BỎ

Trong chiến tranh Việt Nam, tỉ phú máy tính người Texas, H. Ross Perot quyết định sẽ gửi quà Giáng Sinh cho những tù binh tại Việt Nam. Theo lời kể của David Frost, Perot đã chuẩn bị đóng gói hàng ngàn hộp quà để chờ gửi đi. Ông cũng thuê một đội máy bay 707 để chở số quà này tới Hà Nội. Nhưng khi đó, chiến tranh đang diễn ra khốc liệt nên chính quyền Hà Nội từ chối hợp tác. Các quan chức nói sẽ không khoan dung vì máy bay Mỹ đã ném bom xuống từng ngôi làng ở Việt Nam. Perot đề nghị sẽ thuê một công ty xây dựng đến để dựng lại những gì mà quân đội Mỹ đã tàn phá. Nhưng chính quyền vẫn không thay đổi ý kiến. Giáng Sinh tới gần mà những gói quà vẫn chưa gửi đi được. Không chịu từ bỏ, Perot cuối cùng quyết định sẽ cùng với đội máy bay của mình bay sang Matxcơva. Tại đây, ông gửi số quà của mình bằng đường bưu điện tại trung tâm bưu chính Matxcơva. Và những gói quà đã đến nơi an toàn.31 Bạn có thể hiểu tại sao người đàn ông này lại có thể làm được những điều vĩ đại như vậy không? Đơn giản, bởi vì ông ấy không bao giờ chịu từ bỏ.

ĐỪNG LÙI BƯỚC

Sẽ luôn là quá sớm để từ bỏ.

NORMAN VINCENT PEALE - Nhà văn

Nếu bạn đủ kiên trì, thành công cuối cùng cũng sẽ đến với bạn. Hãy nhìn vào sự nghiệp của cầu thủ bóng chày Pat Tabler. Pat đã thi đấu bảy mùa giải ở giải hạng hai trước khi chuyển sang chơi 10 mùa ở giải hạng nhất. Anh cũng đã từng chơi một lần trong giải vô địch thế giới cấp câu lạc bộ và một lần chơi trong trận đấu của các ngôi sao. Khi chúng ta nhìn vào bảng thống kê của anh thì thực sự bảy năm đầu là thời gian không mấy tốt đẹp dành cho anh. Nhưng hãy xem trong sự nghiệp của mình số tiền anh kiếm được đã tăng như thế nào. Tất cả là nhờ anh luôn kiên nhẫn theo đuổi ước mơ của mình.


LƯƠNG ĐIỂM ĐÁNH BÓNG

Giải hạng hai 1976 2500 $ .231

1977 3000 $ .238

1978 3500 $ .273

1979 4750 $ .316

1980 5000 $ .296

1981 15.000 $ .301

1982 25.000 $ .342

Cleveland Indians 1983 51.000 $ .291

1984 102.000 $ .290

1985 275.000 $ .275

1986 470.000 $ .326

1987 605.000 $ .307

Cleveland Indians, Kansas City Royals, và New York Mets 1988 800.000 $ .282

1989 825.000 $ .259

1990 725.000 $ .273

Toronto Blue Jays 1991 800.000 $ .216


1992 800.000 $ .252

Tổng 5.546.750 $

LÀM CÁCH NÀO ĐỂ VƯỢT QUA CHƯỚNG NGẠI VẬT

Mỗi thất bại luôn có một lối đi khác. Bạn chỉ phải tìm ra lối đi đó. Hãy vòng qua khi gặp vật cản đường.

MARY KAY ASH

Người sáng lập ra hãng mỹ phẩm Mary Kay

Bất cứ khi nào phải đối mặt với rào cản hay chướng ngại vật, bạn cần phải dừng lại, suy nghĩ về ba con đường: đi vòng, nhảy qua hay chui qua chúng. Với mọi rào cản, bạn hãy sẵn sàng tiến đến chúng và cùng mang theo ba hướng đi này. Sẽ luôn có một hay vài cách thích hợp để giải quyết vấn đề, nhưng bạn sẽ chỉ có thể nhìn ra chúng khi dành thời gian ra để tìm kiếm. Hãy luôn suy nghĩ về cách giải quyết. Hãy kiên trì cho tới khi bạn tìm được một con đường đúng đắn.

Khó khăn là cơ hội để ta vươn tới những điều tốt đẹp hơn; chúng cũng như những bước đệm để ta có được những kinh nghiệm quý giá... Khi một cánh cửa khép lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra; bởi quy luật tự nhiên luôn là thế, luôn cân bằng.

BRIAN ADAMS


NGUYÊN TẮC 23: QUY TẮC CON SỐ 5

Thành công đến từ những nỗ lực nhỏ bé mà bạn thực hiện mỗi ngày. ROBERT COLLIER

Tác giả của cuốn sách bán chạy tựa đề The Secret of the Ages

Khi Mark Victor Hansen và tôi xuất bản cuốn sách đầu tiên Chicken Soup for the Soul, chúng tôi rất háo hức và tự cam kết rằng sẽ làm cho nó trở thành một cuốn sách bán chạy. Chúng tôi đã hỏi 15 nhà văn từng có sách được xếp vào danh sách bán chạy để xin lời khuyên và chỉ dẫn, trong đó có John Gray (Đàn ông đến từ sao Hoả, Đàn bà đến từ sao Kim), Barbara DeAngelis (Real Moments), Ken Blanchard (The One Minute Manager), và Scott Peck (The Road Less Traveled). Tiếp theo, chúng tôi gặp gỡ nhà xuất bản và marketing sách uy tín Dan Poynter. Ông đã cho chúng tôi rất nhiều thông tin bổ ích. Sau đó, chúng tôi lại mua cuốn sách 1001 phương thức marketing sách của bạn của Kremer để đọc.

Sau tất cả những việc này, chúng tôi bị ngập chìm trong các khả năng thực hiện. Nói thực lòng, chúng tôi trở nên như thể hơi phát cuồng. Chúng tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Thêm vào đó, cả hai đều phải tham gia vào các buổi nói chuyện và các cuộc họp kinh doanh của mình.

NĂM YẾU TỐ DẪN BẠN TỚI MỤC TIÊU

Chúng tôi tìm đến Ron Scolastico, một giáo viên tuyệt vời, để xin chỉ bảo. Ông đã nói với chúng tôi: "Nếu cứ mỗi ngày, các anh đem chiếc rìu sắc bổ vào một gốc cây năm lần thì dù cái cây đó có to đến đâu, cuối cùng nó cũng sẽ phải đổ." Thật đơn giản và chính xác! Từ câu nói đó, chúng tôi đã rút ra được một bài học mà chúng tôi gọi là Quy tắc Con số 5. Đơn giản là ngày nào cũng vậy, bạn hãy làm năm việc, những việc sẽ dẫn bạn tới thành công.

Với mục tiêu là sẽ biến Chicken Soup for the Soul đứng đầu danh sách những cuốn sách bán chạy nhất do New York Times bình chọn, chúng tôi phải có năm buổi phỏng vấn trên đài phát thanh, hoặc gửi năm bản copy tới những nhà phê bình, hoặc gọi điện tới năm công ty marketing trực tuyến và giới thiệu họ mua cuốn sách để làm động lực cho các nhân viên bán hàng, hoặc tổ chức hội thảo với ít nhất năm thính giả và bán kèm sách trong hội trường. Trong một số ngày đầu, chúng tôi gửi sách tới năm người được nhắc tên trong Celebrity Address - như Harrison Ford, Barbra Streisand, Paul McCartney, Steven Spielberg và Sidney Poitier. Kết quả là tôi được Sidney Poitier mời gặp mặt. Chúng tôi được


biết rằng nhà sản xuất chương trình truyền hình Touched by an Angle này đã yêu cầu những người trong đoàn đọc cuốn Chicken Soup for the Soul để có được "tâm trạng tốt" khi làm việc. Một hôm khác, chúng tôi gửi bản copy cho tất cả thành viên ban hồi thẩm của phiên tòa O. J. Simpson. Những người này bị nghiêm cấm xem ti vi cũng như đọc báo. Một tuần sau, chúng tôi nhận được chín bức thư cảm ơn của họ. Ngày hôm sau, bốn người trong số họ được giới báo chí hỏi về việc đã đọc cuốn sách. Điều này đã tạo ra một tiếng vang lớn trong dư luận dành cho cuốn sách.

NỖ LỰC KHÔNG NGỪNG CÓ THỂ ĐEM LẠI LỢI ÍCH GÌ?

Những việc chúng tôi làm có thực sự giá trị không? Có, trên tám triệu bản của cuốn sách đã được bán ra và cuốn sách cũng được dịch ra trên 39 thứ tiếng khác nhau.

Phải chăng, chúng tôi đã đạt được kết quả đó nhanh chóng? Không, chúng tôi không nằm trong danh sách những tác giả có sách bán chạy trong suốt một năm kể từ ngày cuốn sách được xuất bản - một năm trời! Nhưng những nỗ lực thực hiện Quy tắc Con số 5 liên tục suốt hơn hai năm đã đưa chúng tôi tới thành công - từng hành động một, từng cuốn sách một, từng độc giả một. Khi thời gian trôi qua, mỗi người đọc sẽ giới thiệu cho một người khác. Giống như một bức thư dây chuyền, những lời giới thiệu này dần dần lan rộng và cuốn sách cuối cùng đã đạt được thành công rực rỡ. Tạp chí Time đã gọi cuốn sách là "hiện tượng kỳ lạ trong ngành xuất bản của thập kỷ". Nhưng cuốn sách thực sự thể hiện điều kì diệu trong tính kiên trì nhiều hơn là trong ngành xuất bản - hàng ngàn hành động riêng biệt đã hợp thành một thành công lớn.

Trong cuốn Chicken Soup for the Gardener's Soul, Jaroldeen Edwards đã miêu tả lại ngày cô và con gái Carolyn đến hồ Arrowhead ngắm cảnh. Những cánh đồng hoa thủy tiên vàng rực trải dài trước mắt. Nhìn từ trên đỉnh núi xuống, trải dọc hẻm núi và thung lũng, nằm giữa những hàng cây và bụi rậm là những dòng sông hoa thủy tiên đang nở rộ. Một tấm thảm đủ màu vàng, trắng nhạt, màu xanh đậm và da cam. Hàng triệu cây hoa thủy tiên đã được trồng tạo nên một quang cảnh thiên nhiên tươi đẹp. Nó thực sự khiến bạn phải nín thở.

Khi đi xuống giữa những cánh đồng hoa đó, họ bắt gặp một tấm bia ghi: "Trả lời các câu hỏi mà tôi biết rằng bạn đang thắc mắc". Câu trả lời đầu tiên: "Một phụ nữ - hai bàn tay, một đôi chân, cùng một trí tuệ khiêm tốn". Câu thứ hai: "Từng cây một". Và câu cuối cùng: "Bắt đầu từ năm 1958".

Một phụ nữ đã thay đổi cả thế giới bằng cách trồng từng gốc cây liên tục trong suốt 40 năm. Bạn sẽ đạt được gì nếu như mỗi ngày làm một ít - năm việc - trong suốt 40 năm để đạt tới mục tiêu của mình. Nếu mỗi ngày bạn viết năm mặt giấy, bạn sẽ có tổng cộng 73.000 trang tương đương với 243 cuốn sách dày


300 trang. Nếu mỗi ngày bạn dành ra 5 đô la thì sau 40 năm, bạn sẽ có được 73.000 đô la. Số tiền này đủ cho bốn chuyến du lịch vòng quanh thế giới. Còn nếu đầu tư 5 đô mỗi ngày với lãi suất là 6% một năm, đến cuối năm thứ 40, bạn sẽ có số tài sản lên tới 305.000 đô la.

Quy tắc Con số 5 - một nguyên tắc nhỏ nhưng lại có sức mạnh cực lớn. Bạn cũng đồng ý với quan điểm này chứ?


NGUYÊN TẮC 24: VƯỢT TRÊN SỰ MONG ĐỢI

Chẳng phải mọi người đều luôn cố gắng tiến thêm một bước nữa. WAYNE DYER

Đồng tác giả cuốn sách How to Get what you really, really, really, really want

Bạn có phải là người luôn cố gắng tiến thêm một bước nữa để thực hiện những lời hứa của mình hay còn làm được nhiều hơn thế. Ngày nay, không nhiều người thực hiện được việc này. Nhưng đó lại là tiêu chuẩn của những người thành công. Họ luôn biết rằng làm được những điều trên cả mong đợi sẽ giúp họ trở nên khác biệt. Như một thói quen, họ luôn muốn làm tốt hơn nữa. Kết quả là, không những giành được phần thưởng tài chính xứng đáng với nỗ lực của bản thân, họ còn có thể cải thiện bản thân, trở nên tự tin hơn, tự lập hơn và có ảnh hưởng nhiều hơn tới những người xung quanh.

LÀM NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ ĐƯỢC YÊU CẦU

Dillanos Roasters là công ty rang hạt cà phê có trụ sở tại Seattle và cung cấp cà phê cho các cơ sở bán lẻ tại gần 50 bang của Hoa Kỳ. Khẩu hiệu làm việc của Dillanos là "giúp đỡ mọi người, kết bạn và cùng vui vẻ". Công ty có sáu nguyên tắc nòng cốt để định hướng hoạt động. Họ luôn nhắc nhở những nguyên tắc này bằng cách yêu cầu toàn bộ 28 nhân viên cùng đọc lại chúng sau những buổi họp. Nội dung thứ hai trong số các nguyên tắc này là: "Cung cấp các dịch vụ ngày càng tốt hơn và luôn mang đến cho khách hàng nhiều hơn những gì họ mong đợi". Điều này có nghĩa là công ty sẽ đối xử với khách hàng như những người bạn - những người mà bạn sẽ cố thêm một bước để đến với họ.

Năm 1997, một trong số "những người bạn" của công ty, Marty Cox, người sở hữu bốn nhà hàng cà phê tại Long Beach, Calfornia, muốn xây dựng một kế hoạch lớn trong tương lai. Mặc dù chỉ là một khách hàng "trung bình" của Dillanos nhưng người sáng lập và CEO của công ty quyết định sẽ giúp "người bạn" của mình hoàn thành ước mơ lớn đó. Dillanos dự định thuê UPS vận chuyển cà phê. Nhưng đình công lại xảy ra tại UPS, đe dọa đến kế hoạch của Marty. Làm cách nào để chở cà phê từ Seattle tới Long Beach cho Marty khi đây chính là yếu tố sống còn đối với sự nghiệp kinh doanh của anh?

Dillanos cân nhắc việc gửi hàng thông qua đường bưu điện. Nhưng công ty lại được báo rằng, tất cả các bưu điện đều đã quá tải do cuộc biểu tình tại UPS. Dillanos sợ cà phê được chở tới muộn. Vì thế, Morris đã thuê một chiếc xe rơ moóc để vận chuyển đơn hàng 363 kg cà phê tới địa chỉ của Marty, hai


tuần một lần. David mất 17 tiếng để đi từ Seattle tới Long Beach để vận chuyển cà phê đủ cung cấp cho Marty trong một tuần. Rồi anh lại vòng về để lấy thêm hàng và chở đến chỗ Marty. Cuộc du hành dài khoảng 2.320 dặm này đã khiến Marty trở thành khách hàng trung thành của công ty. Vậy Dillanos nhận được gì từ việc này? Trong vòng sáu năm, từ bốn cửa hàng ban đầu, Marty đã có tới 150 cửa hàng kinh doanh tại nhiều bang khác nhau. Marty hiện là khách hàng lớn nhất của Dillanos. Như vậy, những nỗ lực của công ty đã được đền đáp xứng đáng.

Như một kết quả của việc cố gắng hết sức giúp đỡ khách hàng, Dillanos từ một công ty rang cà phê trong căn phòng 150 m2 với chiếc chảo rang công suất 12 kg/ngày cho ra đời 100 kg sản phẩm mỗi tháng, giờ đây, công ty đã có rất nhiều máy rang công suất 400 kg/ngày, một công xưởng rộng 2.400 m2, sản lượng hàng năm là trên 500.000 kg cà phê hạt cùng với doanh thu lên tới 10 triệu đô la và tốc độ tăng trưởng mỗi năm trên hai con số liên tục trong ba năm.

TỪ MỘT NHÂN VIÊN VĂN THƯ TRỞ THÀNH MỘT NHÀ SẢN XUẤT CHỈ TRONG BỐN NĂM

Nếu bạn sẵn sàng làm nhiều hơn những gì bạn được trả công, cuối cùng bạn sẽ được trả công nhiều hơn những gì bạn đã làm ra.

VÔ DANH

Trở lại với nhà sản xuất và biên kịch phim Stephen J. Cannell khi công ty ông có 2000 nhân viên. Ông đã thuê những tài năng trẻ từ những trường điện ảnh về để làm việc trong phòng văn thư và một số công việc khác tương tự. Cannell thường nghe thấy những lời phàn nàn về mức lương thấp, chỉ được bảy đô la một giờ cũng như về việc phải làm thêm ngoài giờ của họ. Ông nghĩ: À, nhân viên không muốn làm những việc này. Công việc, tiền lương, và công ty này chỉ là nằm trong một giai đoạn ngắn trong cuộc đời của họ. Trong khi hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để bắt đầu sự nghiệp, thì họ lại chỉ biết phàn nàn về những vấn đề trong ngắn hạn như tiền lương. Họ thậm chí còn không hiểu được rằng cuộc sống của họ thực sự được quyết định bởi thời gian và nỗ lực khi họ làm việc dưới phòng văn thư.

Rồi một ngày, Cannell tuyển một nhân viên hoàn toàn khác. Anh ta đã 40 tuổi và từng chơi trống cho một ban nhạc rock and roll. Số tiền anh kiếm được khi còn chơi nhạc là hơn 100.000 đô la mỗi năm. Vợ anh sắp sinh em bé, nên anh không muốn tiếp tục đi lưu diễn khắp nơi. Anh sẵn sàng làm những công việc có mức lương vào loại thấp nhất như nhân viên văn thư của Cannell.

"Anh đã gặp nhân viên mới chưa?" mọi người hỏi nhau.


Không lâu sau đó, mọi người đều bàn về đạo đức, quan niệm nghề nghiệp và cách anh làm việc. Steve Beers là một trong những người luôn quan tâm tới mọi việc xung quanh, luôn lắng nghe và thực hiện những gì cần phải làm.

Một lần, anh được cử làm lái xe cho Cannell. Anh nghe thấy Cannell nói về việc bộ trang phục của mình cho cuộc họp quan trọng tới đây chưa được giặt. Hôm sau, bộ quần áo đó được treo sạch sẽ trong xe limo của Cannell. Cannell hỏi tại sao nó lại ở đó và sạch như vậy thì anh ta trả lời: "Tôi lấy nó từ vợ ông rồi đem đi giặt."

Khi anh nghe thấy một thư ký nói cần phải đến thanh toán séc cho ngân hàng gấp, anh đã đề nghị cho mình làm việc đó vào giờ ăn trưa. Khi các nhân viên văn thư trẻ tuổi nổi đóa lên vì phải mang kịch bản đến cho đạo diễn vào giữa đêm, Beers nói: "Đưa đây, tôi mang đi cho". Anh ta chẳng bao giờ đòi hỏi một sự đền đáp hay lời khen ngợi nào cho những nỗ lực của mình.

Khi hai loạt phim của Cannell cùng phải tổ chức thực hiện vào một ngày, lúc đó Beers vừa được chỉ định làm trợ lý sản xuất cho hai loạt phim mới này, Cannell đã quyết định giao 21 Jump Street cho anh. Đây là một bước nhảy vọt của Beers khỏi phòng văn thư. Một năm sau đó, Cannell chính thức bổ nhiệm anh làm nhà sản xuất của 21 Jump Street và sau đó không lâu là đồng quản lý seri phim đó và Booker. Mức lương hàng năm của anh là trên 500.000 đô la.

"Anh ấy không phải là một nhà biên kịch". Cannell nói: "Anh ấy không hề có một công cụ hay kỹ năng cần thiết để trở thành một nhà quản lý sản xuất phim - ngoại trừ một điều, đó là anh ấy luôn làm việc hết sức hăng say. Chính điều này khiến anh ta vượt trội hơn những người khác. Và cũng chính điều đó đã cho tôi thấy một cách chính xác những quan niệm nghề nghiệp và sự hiến dâng cho công việc của anh ấy".

Từ sau khi trở thành đồng quản lý sản xuất của 21 Jump Street, Beers đã cho ra đời hàng loạt seri phim khác, trong đó có seri phim khoa học viễn tưởng Taken của Steven Spielberg. Hiện tại, Beers đang làm quản lý sản xuất cho seri phim rất ăn khách Dead Like Me của Showtime. Trong danh sách các bộ phim của Beers có thể kể tới Dead Like Me, Magnificent Seven, Seaquest và tất nhiên cả 21 Jump Street.

Nguyên tắc thành công nào đã biến Steve Beers từ một nhân viên văn thư thành một nhà quản lý - từ mức lương 7 đô la một giờ lên 500.000 đô la mỗi năm? Anh luôn sẵn sàng tiến thêm một bước để làm những việc vượt trên sự mong đợi của người khác.

Bạn sẽ giành được gì khi luôn sẵn sàng cố tiến thêm một bước, luôn có thêm những nỗ lực để làm thêm


những việc dù là nhỏ. Ngay bây giờ, bạn có hay không những điều kiện để mình làm nhiều hơn, mang đến những giá trị tốt hơn, hay cải thiện những phẩm chất bạn cần có? Bạn có hay không những cơ hội để tiến thêm một bước nữa, kể cả những cơ hội do chính bạn tạo ra?

MANG ĐẾN CHO MỌI NGƯỜI NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ HỌ MONG ĐỢI

Khi Mike Kelley mới đến đảo Maui, anh bán kem chống nắng cho du khách ở một vài khách sạn. Mike trở thành một doanh nhân thành công ở hòn đảo vì đã luôn cố gắng phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Một trong những sản phẩm anh bán là kem chống nắng chiết xuất từ cây lô hội. Khi giới thiệu loại kem này cho khách hàng, anh thường hỏi: "Bà có biết cây lô hội không?" (Lúc này là vào những năm 1980, hầu hết mọi người đều không biết đến nó). "Bà sẽ vui lòng cho tôi vài phút để chỉ nó cho bà chứ" Sau đó, anh chạy ra bờ biển trước khách sạn, trèo lên tảng đá nhô ra ngoài biển và cắt một ít cây lô hội mọc ở đó. Anh thái nó cho tới khi dịch keo xuất hiện. Anh mang những cây lô hội này về, và bôi lớp keo lên chỗ nám của khách hàng. Họ thực sự ấn tượng với những việc làm của anh và hầu hết họ đều mua sản phẩm đó.

TẠI SAO CẦN CỐ GẮNG TIẾN THÊM MỘT BƯỚC?

Vậy bạn sẽ được đền đáp như thế nào? Khi bạn mang đến những điều ngoài mong đợi, bạn chắc chắn sẽ được thăng tiến, được tăng lương, nhận được các phần thưởng hay nhiều lợi ích khác. Bạn không bao giờ phải lo lắng bị thất nghiệp cả. Bạn luôn là người được tuyển đầu tiên và sẽ là người cuối cùng bị sa thải. Việc kinh doanh của bạn cũng sẽ thuận lợi hơn, kiếm được nhiều tiền hơn cũng như có những khách hàng trọn đời trung thành. Bạn cũng sẽ cảm thấy mãn nguyện hơn vào cuối mỗi ngày.

Nhưng bạn cần phải bắt đầu ngay bởi vì những phần thưởng đó đang dần xuất hiện. MANG ĐẾN NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ ĐƯỢC TRÔNG ĐỢI

Nếu bạn muốn vượt trội hơn trong những việc bạn làm - trở nên thực sự thành công trong việc học tập, kinh doanh hay cuộc sống - hãy làm nhiều hơn những gì được yêu cầu, hãy luôn mang đến nhiều hơn những gì được mong đợi. Việc kinh doanh của bạn sẽ nhận được nhiều hơn sự tôn trọng và trung thành từ phía khách hàng.

Khi Mike Foster mở một cửa hàng bán máy vi tính, anh không bao giờ để khách hàng ra về cùng với một hộp lỉnh kỉnh đồ linh kiện. Anh luôn vận chuyển máy tính, máy in, modem hay các bộ phận khác về tận nhà cho khách, dành khoảng hai tiếng để lắp đặt và hướng dẫn khách hàng cách sử dụng. Cửa hàng của Mike giờ đã thống trị lĩnh vực kinh doanh máy vi tính ở Deaf Smith, Texas.


Khi Harv Eker bán một loại máy tập thể dục, anh luôn giao hàng tận nhà cho khách, lắp đặt và dạy họ cách sử dụng chiếc máy. Công ty của Harv phát triển nhanh chóng và từ hai bàn tay trắng, anh đã trở thành một triệu phú chỉ trong vòng hai năm.

Nếu bạn luôn chỉ làm những gì cần thiết cho mình, có thể bạn sẽ cho rằng, làm những điều nhiều hơn sự mong muốn là không công bằng. Tại sao chúng ta lại phải làm những điều mà chẳng có sự ghi nhận hay đền đáp cho nó? Bạn cần phải tin rằng, cuối cùng những nỗ lực đó sẽ được chú ý đến và bạn sẽ nhận được những gì mà bạn xứng đáng có được. Cuối cùng, như người xưa vẫn nói mỗi ngày, một việc tốt rồi cuối cùng cũng sẽ lên tới đỉnh cao. Bạn và công ty của bạn cũng như vậy. Bạn sẽ có được danh tiếng và đó là một trong những tài sản giá trị nhất.

Sau đây là một vài ví dụ về việc làm nhiều hơn cả những gì người khác mong đợi:

• Một khách hàng trả tiền mua bức tranh sơn dầu cho bạn và bạn miễn phí việc đóng khung bức tranh đó.

• Bạn bán cho ai đó một chiếc xe, bạn kể chi tiết về nó và đổ đầy xăng trước khi giao nó cho khách hàng.

• Bạn bán một ngôi nhà. Và khi người chủ mới vào trong, cô ấy phát hiện ra một chai sâm panh và một phiếu mời trị giá 100 đô la tại cửa hàng rượu địa phương.

• Khi là một nhân viên, bạn không chỉ làm những công việc của mình mà hãy làm thêm cả những ngày nghỉ khi mà người khác xin nghỉ ốm. Bạn nhận những việc này mà không yêu cầu được trả thêm lương. Bạn đề nghị được đào tạo những nhân viên mới, bạn lường trước các vấn đề có thể xảy ra và ngăn chặn chúng, bạn làm những công việc mà không được giao, bạn luôn tìm kiếm những việc mà mình có thể làm để giúp đỡ hoặc đóng góp vào mục tiêu chung. Thay vì luôn hỏi mình sẽ nhận được gì nhiều hơn, hãy hỏi rằng mình đã làm được gì nhiều hơn.

Bạn có thể làm gì nhiều hơn để giúp đỡ cho sếp, giúp đỡ khách hàng hay học trò của mình? Có một cách đó là hãy làm họ ngạc nhiên, nhiều hơn cả những gì họ mong đợi.

Tôi biết một nhà bán lẻ ô tô tại Los Angeles. Anh ta đã cung cấp dịch vụ rửa xe miễn phí cho khách hàng vào các ngày thứ Bảy ngay tại các cửa hàng. Không ai nghĩ tới điều đó và thực sự mọi khách hàng đều rất vui thích. Điều này đã làm cho công ty anh trở nên nổi tiếng hơn do mọi người đều nói về sự hài lòng của mình với dịch vụ đó.


KHÁCH SẠN BỐN MÙA LUÔN MANG ĐẾN NHIỀU HƠN NHỮNG GÌ MONG ĐỢI

Cái tên Bốn mùa cũng đồng nghĩa với các dịch vụ dù là nhỏ nhất. Hệ thống khách sạn này luôn cố gắng hết sức phục vụ khách hàng. Nếu bạn hỏi đường một nhân viên trong khách sạn, thay vì chỉ đường, họ sẽ dẫn bạn đến tận nơi. Họ luôn tiếp đãi khách như với người trong hoàng tộc.

Dan Sullivan kể câu chuyện về một người đàn ông đưa con gái đi chơi vào cuối tuần tại San Fransisco. Anh ta không biết tết tóc cho cô bé giống như kiểu mà mẹ cô vẫn làm. Anh ta gọi cho khách sạn Four Seasons và hỏi xem liệu trong số nhân viên có ai làm được việc này không. Anh ta được trả lời rằng sẽ có một nhân viên nữ phân công làm việc này. Ban giám đốc khách sạn đã lường trước được một ngày nào đó khách hàng sẽ cần tới việc này, nên khách sạn đã chuẩn bị sẵn. Đây là một ví dụ về việc làm được nhiều hơn cả mong đợi.

Một hệ thống khách sạn khác cũng đáng được chú ý bởi khả năng cung cấp dịch vụ tốt là Ritz-Carton. Khi tôi trở về phòng khách vào ngày cuối cùng ở Chicago thì thấy có một bát úp mì gà nóng ở trên bàn. Bên cạnh đó là một dòng chữ nhỏ ghi: "Súp gà cho Jack Canfield". Đi cùng với nó là một tấm thiệp của giám đốc khách sạn nói rằng ông ta và nhân viên của mình rất thích cuốn sách Chicken soup for the Soul của tôi.

NORDSTROM MANG ĐẾN NHỮNG ĐIỀU NHIỀU HƠN CẢ MONG ĐỢI

Nordstrom là một ví dụ khác về các công ty mang đến cho khách hàng nhiều hơn cả những gì họ mong đợi. Các nhân viên của Nordstrom luôn cung cấp các dịch vụ hoàn hảo. Nhân viên kinh doanh của công ty được biết đến với việc giao hàng cho khách ngay trên đường từ cơ quan về nhà.

Nordstrom còn có một chính sách là có thể trả lại hàng bất cứ lúc nào. Liệu chính sách này có bị lạm dụng? Chắc chắn là có! Nhưng kết quả là Nordstrom đã có được một danh tiếng lừng lẫy trong chất lượng của các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Đó là một trong những hình ảnh thương hiệu của công ty. Kết quả là công ty đã làm ăn rất có lãi.

Hãy cùng đi vào thế giới của Bốn mùa, Ritz-Carlton và Nordstrom bằng cách mang đến cho mọi người những điều ngoài cả sự mong đợi của họ. Hãy bắt đầu ngay hôm nay.


PHẦN HAI: THAY ĐỔI BẢN THÂN ĐỂ ĐẠT TỚI THÀNH CÔNG

Cuộc cách mạng lớn nhất của thế hệ chúng ta là khám phá ra rằng, con người, bằng cách thay đổi những quan điểm bên trong tâm trí mình, có thể thay đổi mọi khía cạnh của cuộc sống.

WILLIAM JAMES

Giáo sư tâm lý học Đại học Harvard

NGUYÊN TẮC 25: HÃY THOÁT RA KHỎI SỰ SỢ HÃI... VÀ HÃY TÌM ĐẾN GẦN BÊN NHỮNG NGƯỜI THÀNH ĐẠT

Bạn là trung bình cộng của năm người mà bạn tiếp xúc nhiều nhất với họ. JIM ROHN

Khi Tim Ferriss 12 tuổi, có người đã đặt mẩu giấy ghi lại câu nói trên của Jim Rohn bên cạnh máy trả lời điện thoại tự động của cậu. Điều này đã làm thay đổi cả cuộc đời Tim. Suốt mấy ngày liền, cậu không thể thoát khỏi suy nghĩ về câu nói đó. 12 tuổi, Tim đã nhận ra rằng, những đứa trẻ mà cậu đang chơi cùng không phải là những người mà có ảnh hưởng tốt tới tương lai của cậu. Vì thế, cậu đã xin bố mẹ gửi mình vào một trường trung học tư nhân. Sau bốn năm học tại trường St. Paul, cậu đã tìm được con đường cho mình là sang Nhật Bản học Judo và ngồi thiền. Trong bốn năm học tại đại học Princeton, cậu trở thành vận động viên đấu vật, giành chức vô địch môn quyền cước và cuối cùng ra trường, lập công ty riêng ở tuổi 23. Tim biết rằng, tất cả các cha mẹ, bằng trực quan, đều hiểu rằng con cái họ sẽ trở nên giống những người mà hằng ngày chúng tiếp xúc và chơi cùng.

Tại sao bố mẹ luôn dặn trẻ con đừng chơi với "những đứa trẻ đó"? Bởi vì chúng ta biết rằng trẻ con (thậm chí là cả người lớn) sẽ trở nên giống những người mà chúng tiếp xúc thường xuyên. Đó cũng là lý do tại sao bạn nên dành nhiều thời gian với những người bạn muốn trở nên giống họ. Nếu bạn muốn đạt tới thành công, hãy tiếp xúc thật nhiều với những người thành đạt.

Có rất nhiều cách để tìm tới những người thành đạt. Gia nhập một hiệp hội nhà nghề. Tham dự những hội nghị nghề nghiệp. Gia nhập một viện thương mại. Gia nhập những tổ chức Doanh nhân trẻ hay Giám đốc trẻ. Đi tình nguyện cho các ban đạo. Nhập hội cùng các tổ chức xã hội như Kiwanis, Optimists International hay Rotary International. Làm tình nguyện viên tại nhà thờ. Tham dự các bài giảng, các khóa học, các buổi hội thảo để nghe lời khuyên từ những người đã dành được điều mà bạn


đang hướng tới. Hãy tham dự một lớp học kinh doanh ngay khi bạn có thể.

BẠN SẼ TRỞ THÀNH NGƯỜI MÀ BẠN DÀNH NHIỀU THỜI GIAN CÙNG HỌ NHẤT

Bằng mọi giá hãy gần gũi những con người đặc biệt.

MIKE MURDOCK - Tác giả cuốn sách The Leadership Secrets of Jesus

John Assaraf, một doanh nhân thành đạt người dường như đã làm được tất cả. Ông đã đi vòng quanh thế giới khi mới ngoài hai mươi, sở hữu một công ty với doanh thu thực hàng năm lên tới ba tỉ đô la, góp phần tạo lập trang web đầu tiên về tham quan ảo Bamboo.com (bây giờ là IPEX), từ một nhóm gồm sáu thành viên ban đầu đã lên tới 1.500 người trong vòng hơn một năm. Trang web có doanh số hàng tháng lên tới hàng triệu lượt truy cập và đã thu được một thành công lớn trong lần đầu phát hành cổ phiếu tại sàn giao dịch NASDAQ chỉ chín tháng sau khi thành lập.

John từng là một đứa trẻ đường phố dính vào ma túy và các băng đảng phạm tội. Cuộc đời anh đã thực sự thay đổi khi anh tìm được việc làm trong một trung tâm thể hình công cộng đối diện nhà mình ở Montreal. Anh dần trở nên giống với những người anh hay tiếp xúc. Cùng với việc kiếm được 1,65 đô la mỗi giờ, anh được nhận vào câu lạc bộ thể hình nam. John kể lại rằng, anh đã bắt đầu học được những bài học về kinh doanh đầu tiên trong phòng tắm hơi. Vào mỗi tối sau khi xong việc, từ 9h15 tới 10h, anh thường tìm đến phòng tắm hơi để nghe những doanh nhân thành đạt nói chuyện về những thành công và thất bại của họ.

Rất nhiều trong số các doanh nhân này là người nhập cư từ Canada vào Mỹ để tìm kiếm cơ hội và John đã rất ấn tượng về những thất bại chẳng kém gì những thành công của họ. Những câu chuyện về những điều không tốt xảy ra trong việc kinh doanh, trong gia đình hay sức khỏe đã mang đến cho John thêm động lực; bởi vì chính gia đình anh khi đó cũng phải trải qua một giai đoạn khó khăn và thử thách, anh học được rằng gặp phải thách thức trong cuộc đời cũng chỉ là một chuyện bình thường - nhiều gia đình khác cũng phải đối mặt với nó và họ đã biết cách vượt qua để đạt tới hạnh phúc.

Những người thành đạt đó dạy Johnđừng bao giờ từbỏ ước mơ của mình. Họnói: "Dù có gặp thấtbại như thế nàochăng nữa, hãy cố tìm ra một lốiđi khác. Hãy tiến lên, bước qua hay đi vòng qua các vật cản. Nhưngđừng bao giờ từbỏ, bởi sẽ luôn có một lối đi đúng." John cũng họcđược từ họ rằngchẳng   có sự khác biệt nào trong việc bạn sinh ra ở đâu, màu da hay chủng tộc của bạn là gì, bạn già hay trẻ, bạn xuất thân từ một gia đình quyền quý hay không. Rất nhiều trong số những người John gặp không nói tiếng Anh thành thạo; những người còn độc thân hay một số đã ly hôn; có những người có được những cuộc hôn nhân hạnh phúc, một số khác lại không; có những người rất khỏe mạnh nhưng cũng có người mang trong mình bệnh tật; người có bằng đại học, người không. Thậm chí, còn có người chưa tốt nghiệp trung học. Lần đầu tiên, John nhận ra rằng thành công không phải chỉ dành cho những người xuất thân từ gia đình quyền quý và không phải trải qua sóng gió trong cuộc đời hay những người tốt về mọi mặt. Anh nhận ra rằng dù điều kiện sống như thế nào chăng nữa, bạn vẫn có thể đạt được thành công. Anh được tiếp xúc với những người rất từng trải, họ đã truyền đạt miễn phí cho anh những kinh nghiệm và sự khôn ngoan của mình.

Mỗi tối, John đều tham dự các lớp học kinh doanh - tại phòng tắm hơi của trung tâm thể hình công cộng Jewish. Bạn hãy cũng làm như vậy. Bạn hãy tìm đến và tiếp xúc với những người từng trải, những người có quan điểm đúng đắn, những người tiếp cận theo hướng luôn tìm cách giải quyết trong cuộc sống - những người luôn biết khắc phục, vươn lên để đạt tới thành công dù có gặp khó khăn đến đâu chăng nữa.

Tự tin dễ truyền từ người này sang người khác, sự thiếutự tin cũng vậy    

VINCE LOMBARDI

Huấn luyện viên trưởng dẫn dắt đội bóng Green Bay Packers giành được sáu danh hiệu khu vực, năm chức vô địch NFL và hai siêu cúp (I và II)

THOÁT KHỎI SỢ HÃI

Có hai loại người - ù lì và nhanh nhẹn. Bạn muốn từ bỏ sự ù lì để tìm đến những người nhanh nhẹn bởi những người nhanh nhẹn luôn tìm đến những nơi mang tới cho họ niềm vui. Còn những người ù lì chỉ kéo chìm bạn xuống.

WYLAND

Họa sĩ vẽ tranh phong cảnh biển nổi tiếng thế giới

Trong năm đầu tiên đi dạy tại trường cấp ba Chicago, tôi đã sớm từ bỏ phòng chờ giáo viên mà tôi gọi là Câu Lạc Bộ Sợ Hãi. Những lời kêu ca ở đó còn tồi tệ hơn cả khói thuốc mù mịt trong căn phòng. "Anh có tin được lũ trẻ muốn tôi làm gì không?". "Tôi gặp lại thằng bé Simmons trong lớp toán. Nó thực sự là một đứa khủng khiếp". "Chẳng có cách nào dạy dỗ bọn học sinh này cả. Chúng nó là một lũ khó bảo". Ở đó chỉ có những lời nhận xét tiêu cực, phê bình, khiển trách và phàn nàn. Không lâu sau, tôi tìm ra một nhóm giáo viên tâm huyết ở trong thư viện. Chúng tôi ăn cùng nhau trong phòng ăn dành cho giáo viên. Họ rất lạc quan và luôn tin rằng mình có thể vượt qua và kiểm soát mọi việc. Tôi được bổ sung những ý kiến mà họ chia sẻ cũng như các kiến thức mà mình học được từ các lớp học cuối tuần ở Đại học Chicago. Kết quả, tôi đã được học sinh bình chọn là giáo viên của năm ngay trong năm đầu tiên giảng dạy ở trường.

HÃY LỰA CHỌN

Tôi chẳng bao giờ ở cạnh những người mà tôi không muốn đứng cùng. Tôi có thể khẳng định đối với tôi, đó là một điều may mắn. Tôi luôn tìm đến những người hạnh phúc, những người luôn vươn lên, luôn học hỏi và không ngại nói lời xin lỗi hay cảm ơn... để có những giờ phút vui vẻ.

JOHN ASSARAF

Tác giả cuốn The Street Kid's Guide to Having It All

Tôi muốn bạn thử làm một bài tập rất hay mà W. Clement Stone đã dạy tôi. Lập một danh sách những người bạn hay tiếp xúc - các thành viên gia đình, đồng nghiệp, họ hàng, bạn bè, hàng xóm láng giềng, những người quen trong tổ chức tôn giáo,...

Khi hoàn thành xong danh sách đó, hãy điền một dấu trừ (-) vào cạnh những người tiêu cực, điền dấu cộng (+) cạnh tên những người tích cực. Khi bạn đưa ra các quyết định cho từng người, bạn sẽ thấy một mô hình xuất hiện. Có thể môi trường làm việc của bạn không tốt. Hay chính những người bạn ngăn cản mọi việc bạn làm. Cũng có thể là người thân trong gia đình mới là những người kìm hãm bạn, làm xói mòn sự tự tin hay lòng tự trọng của bạn.

Tôi cũng muốn các bạn thực hiện một điều tương tự mà thầy Stone đã khuyên tôi là: hãy chấm dứt quan hệ với những người bên cạnh tên họ là một dấu trừ. Nếu điều này là không thể (nhưng hãy nhớ rằng không có gì là không thể, đó chỉ là một sự lựa chọn mà thôi) thì hãy cố gắng giảm dần thời gian bạn ở bên cạnh họ. Bạn nên giải thoát mình khỏi những ảnh hưởng tiêu cực từ người khác.

Hãy nghĩ về điều đó. Tôi chắc rằng bạn có thể nhận ra những người đến chỉ để hút đi năng lượng của bạn. Tôi ví những người này như những con ma cà rồng. Họ đến để hút cạn năng lượng sống của bạn. Hãy tránh xa họ ra.

Có ai bên cạnh bạn là người luôn phàn nàn hay đổ lỗi cho người khác? Có ai luôn xét đoán người xung quanh, kể toàn những câu chuyện vô bổ với cái nhìn tiêu cực và phàn nàn rằng, mọi chuyện thật tồi tệ? Đừng dành thời gian cho những người này.

Trong cuộc đời này, bạn có quen ai mà chỉ cần gọi điện đến cũng có thể khiến bạn căng thẳng, stress hay hoảng loạn cả ngày? Có hay không những kẻ "đánh cắp giấc mơ", những người luôn bảo rằng, bạn không thể thực hiện ước mơ của mình, luôn tìm cách thuyết phục bạn tin vào họ và từ bỏ mục tiêu của mình? Bạn có hay không những người bạn luôn muốn bạn thấp kém hơn họ? Nếu đúng như vậy thì đã đến lúc bạn nên làm quen với những người bạn mới.

TRÁNH XA NHỮNG NGƯỜI "ĐỘC HẠI"

Bạn nên tránh xa những người có thể truyền ý nghĩ độc hại cho bạn tới khi nào tự mình có thể phát triển mà không chịu ảnh hưởng của người khác. Việc ở một mình còn tốt hơn là dành thời gian bên cạnh những người có thể kéo bạn vào những suy nghĩ tầm thường và không tốt của họ.

Hãy tìm cách tiếp xúc thật nhiều với những người tin tưởng vào bạn, động viên, ủng hộ bạn trong việc thực hiện các ước mơ và luôn tán dương bạn những khi bạn giành chiến thắng.

HÃY Ở BÊN CẠNH NHỮNG NGƯỜI THÀNH ĐẠT

Một trong các công ty lớn nhất ở lĩnh vực sản xuất kính mắt đã thuê tôi đến dạy nguyên tắc thành công cho các nhân viên kinh doanh của họ. Trước khi buổi học bắt đầu, tôi đã trà trộn vào số nhân viên đó, hỏi những người xung quanh xem họ có biết năm nhân viên kinh doanh xuất sắc nhất của công ty không. Tất cả đều trả lời có và đọc liền ra năm cái tên. Tối hôm đó, tôi đã yêu cầu 300 khán giả của mình giơ tay nếu họ biết năm nhân viên kinh doanh giỏi nhất của công ty. Hầu hết mọi cánh tay đều được giơ lên. Sau đó, tôi lại hỏi xem trong số họ, ai đã từng tìm đến năm người này và nhờ họ chia sẻ bí quyết thành công. Lần này thì không có ai giơ tay cả. Hãy nghĩ về điều này! Mọi người đều biết những người xuất sắc nhất trong công ty là ai nhưng lại không dám yêu cầu họ chia sẻ bí quyết thành công chỉ vì sợ bị từ chối - một nỗi sợ vô căn cứ.

Nếu bạn muốn đạt tới thành công, hãy tìm cách tiếp xúc với những người thành đạt. Bạn nên nhờ họ chia sẻ kinh nghiệm và chiến lược của họ. Sau đó, hãy thử theo cách của họ xem nó có phù hợp với bạn không. Hãy thử làm theo những gì họ đã làm, đọc những sách họ đọc, nghĩ theo cách của họ,... Nếu cách suy nghĩ và hành động này hiệu quả, hãy làm theo chúng. Còn nếu không, hãy từ bỏ chúng và tiếp tục tìm kiếm, thử nghiệm những kinh nghiệm khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kws