NGUYÊN TẮC 2: HÃY XÁC ĐỊNH RÕ TẠI SAO BẠN LẠI Ở ĐÂY

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hãy học cách lắng nghe khoảng lặng trong tâm hồn bạn và hiểu được rằng mọi việc trên đời đều có mục đích của nó.

ELISABETH KUBLER-ROSS, M.D

Chuyên gia về tâm thần học và tác giả cuốn sách kinh điển On Death and Dying

Tôi tin rằng, mỗi người chúng ta được sinh ra trên đời này đều có một mục đích sống riêng. Xác định, thừa nhận và trân trọng mục đích đó có lẽ chính là việc làm quan trọng nhất mà những người thành đạt thực hiện. Họ dành thời gian tìm hiểu mục đích sống của mình và sau đó sẽ theo đuổi mục đích đó bằng tất cả niềm tin và lòng nhiệt huyết.

BẠN ĐƯỢC SINH RA TRÊN ĐỜI NÀY VỚI MỤC ĐÍCH GÌ?

Tôi đã khám phá ra mục đích sống của mình từ rất lâu. Tôi đã xác định được mục đích đích thực của cuộc sống, "nghề nghiệp phù hợp" của mình. Tôi đã tìm ra cách đưa lòng nhiệt huyết và quyết tâm vào mọi hành động của mình. Tôi đã học được rằng, mục đích sống khiến cho mọi việc tôi làm đều trở nên hứng thú và viên mãn hơn.

Giờ đây, tôi muốn giúp các bạn vén bức màn bí mật đó.

Bạn thấy đấy, nếu không có mục đích sống, bạn rất dễ đi lạc trên đường đời. Bạn rất dễ đi vòng, đi lạc và chỉ đạt được những thành công không đáng kể.

Nhưng với mục đích sống, mọi việc trên đời đều dễ dàng đi vào khuôn khổ. "Có mục đích" nghĩa là bạn phải làm những việc bạn yêu thích, những việc bạn có khả năng làm tốt và đạt được những thứ có ý nghĩa quan trọng với bạn. Khi bạn thực sự hành động có mục đích thì con người, nguồn lực và cơ hội bạn cần sẽ tự nhiên tìm tới bạn. Khi hành động của bạn phù hợp với mục đích sống thì tất cả những việc bạn làm cũng sẽ tự nhiên mang lại lợi ích cho người khác.

MỘT SỐ TUYÊN NGÔN VỀ MỤC ĐÍCH SỐNG CÁ NHÂN

Mục đích sống của tôi là thuyết phục và giúp đỡ mọi người mở rộng tầm nhìn, sống vui vẻ và ngập tràn yêu thương. Tôi khuyến khích mọi người mở rộng tầm nhìn (xem Nguyên tắc 3, "Xác định những điều bạn mong muốn đạt được") bằng cách sưu tầm và phổ biến những câu chuyện đầy tính thuyết phục


thông qua bộ sách Chicken Soup for the Soul (Hạt giống tâm hồn) cũng như qua những bài phát biểu của mình. Tôi giúp mọi người thực hiện ước mơ bằng cách viết những cuốn sách tự hoàn thiện bản thân2 với những lời khuyên thiết thực như cuốn sách này hay cuốn The Power of Focus và cuốn The Aladdin Factor; thiết kế các khóa học cho học sinh phổ thông trung học; đồng thời tổ chức những buổi hội thảo cho những đối tượng sẽ dạy mọi người những công cụ quyền năng này để tạo ra một cuộc sống lí tưởng.

Đây là mục đích sống của một số bạn bè tôi. Cũng cần lưu ý rằng, tất cả những người này đều một tay dựng nên cơ nghiệp triệu phú thông qua việc thực hiện những mục đích sống của chính mình.

• Thuyết phục và giúp đỡ mọi người đạt được ước mơ3.

• Nâng cao nhận thức của nhân loại thông qua kinh doanh4.

• Khiêm tốn phục vụ5.

• Tạo dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho loài ngựa cũng như cho con người6.

• Thuyết phục một triệu tỉ phú quyên góp một triệu đô la mỗi người cho nhà thờ và cho từ thiện7.

• Hướng dẫn và thuyết phục mọi người phát huy bản thân tốt nhất dựa trên lòng can đảm, mục đích sống và niềm vui8.

Hãy xác định mục đích sống rõ ràng cho bản thân và sau đó sắp xếp mọi công việc theo mục đích đó.

BRIAN TRACY

Một trong những lãnh đạo hàng đầu của Hoa Kỳ trong lĩnh vực phát triển tiềm năng con người và tính hiệu quả cá nhân

Khi đã biết được mục đích sống của mình, bạn có thể sắp xếp mọi công việc theo mục đích đó. Mọi việc bạn làm đều thể hiện mục đích sống của bạn. Nếu có một hành động nào đó không phù hợp với công thức này, bạn hãy loại bỏ nó ra. Chấm hết.

NGUYÊN NHÂN THÚC ĐẨY BẠN THỰC HIỆN NHỮNG CÔNG VIỆC ĐÓ LÀ GÌ?


Nếu không có mục đích làm kim chỉ nam cho mình, những mục tiêu kế hoạch hành động của bạn có thể không giúp bạn phát huy hết năng lực của bản thân. Bạn hẳn không muốn bước lên bậc thang cuối cùng chỉ để phát hiện ra rằng, bạn đã đặt nó lên một bức tường sai lầm.

Khi Julie Laipply còn nhỏ, cô rất yêu quý động vật. Do đó, từ nhỏ cho tới lớn, cô chỉ nghe mọi người nói "Julie, bạn nên trở thành một bác sĩ thú y. Bạn chắc chắn sẽ là một Bác sĩ thú y vĩ đại. Đó là việc bạn nên làm". Vì vậy, khi được nhận vào trường Đại học bang Ohio, cô đã chọn các môn sinh học, giải phẫu, hóa học để trở thành bác sĩ thú y. Nhờ suất Học bổng Rotary Ambasadorial9, cô được học năm cuối tại Manchester, Vương quốc Anh. Xa gia đình và những áp lực của trường học khiến cô thấy mình đang trải qua một ngày đen tối, ngồi chôn chân tại bàn, xung quanh đầy những cuốn sách sinh học còn mắt thì đang dán vào cửa sổ. Đột nhiên cô nhận ra: Mày biết gì không? Mày đang mệt mỏi lắm rồi. Tại sao mày lại khổ sở thế này? Mày đang làm gì thế? Mày đâu có muốn trở thành một Bác sĩ thú y!

Rồi Julie lại tự hỏi: Thế mình thích làm việc gì tới mức sẵn lòng làm việc đó không công nhưng thực chất việc đó vẫn đem lại thu nhập cho mình? Không phải là nghề Bác sĩ thú y. Đó không phải là công việc phù hợp với mình. Rồi cô suy nghĩ lại về tất cả những việc cô đã làm từ trước tới giờ và tìm xem việc gì khiến cho cô cảm thấy hạnh phúc nhất. Và cô nhận ra, đó chính là công việc tình nguyện liên quan tới những buổi hội nghị lãnh đạo thanh niên mà cô đã tham gia, những khóa học tự chọn về lãnh đạo và giao tiếp tại trường. Tại sao mình lại không nghĩ tới điều này nhỉ? Giờ đây, mình đã học tới năm thứ tư thì mới nhận ra mình đang đi sai đường trong khi con đường đúng đắn vẫn luôn hiện hữu trước mặt mình. Mình không bao giờ dành thời gian nghĩ về nó cho tới tận bây giờ.

Phấn chấn vì những gì mình mới nhận ra, Julie dành nốt thời gian còn lại trong năm tại Anh tham gia vào những khóa học về giao tiếp và truyền thông. Khi trở lại bang Ohio, cô thậm chí còn thuyết phục được chính quyền bang cho phép thiết kế một chương trình "Nghiên cứu về khả năng lãnh đạo". Mặc dù phải mất thêm hai năm nữa mới tốt nghiệp đại học nhưng cô đã trở thành một tư vấn quản trị cao cấp về đào tạo và phát triển khả năng lãnh đạo cho Lầu Năm Góc. Cô cũng giành giải Hoa hậu bang Virginia, Hoa Kỳ, nhờ đó, hầu hết năm 2002, cô đi nói chuyện với các bạn trẻ bang này. Gần đây hơn, cô sáng lập Hiệp hội Những tấm gương và Những người thầy cố vấn cho Thanh niên10. Hiệp hội này hướng dẫn các bạn trẻ trở thành những hình mẫu tốt hơn trong mắt nhau. Bằng những việc làm này, Julie, 26 tuổi, là minh chứng cho thấy mục đích rõ ràng có thể tạo ra sức mạnh lớn lao thế nào cho cuộc sống.

Tin tốt là bạn không phải đi cả quãng đường dài tới Anh trong vòng một năm chỉ để thoát khỏi những áp lực thường ngày của cuộc sống thì mới có điều kiện khám phá ra mục đích thực sự của cuộc sống. Đơn giản, bạn chỉ cần dành ra một chút thời gian làm hai bài tập nho nhỏ sau để giúp xác định rõ mục


đích của mình.

NIỀM VUI CHÍNH LÀ HỆ THỐNG CHỈ DẪN BÊN TRONG CỦA BẠN

Nhiệm vụ của tâm hồn là trung thành với những khao khát của chính nó. Nó phải bỏ mặc chính mình để theo đuổi những đam mê đang chi phối nó.

DAME REBECCA WEST

Bạn được sinh ra với một hệ thống chỉ dẫn bên trong. Hệ thống này cho hay, bạn đang đi đúng hay đi chệch mục đích thông qua những niềm vui mà bạn có. Những việc đem lại cho bạn niềm vui lớn nhất chính là những việc phù hợp nhất với mục đích của bạn. Để xác định mục đích sống của mình, bạn hãy liệt kê ra những thời điểm bạn cảm thấy vui vẻ nhất. Có điều gì chung trong những thời điểm đó? Bạn có thể tìm ra cách kiếm sống bằng những điểm chung đó không?

Pat William là Phó chủ tịch cấp cao của đội tuyển bóng rổ Orlando Magic. Ông đã từng viết 36 cuốn sách và là một diễn giả chuyên nghiệp. Khi tôi hỏi ông về bí mật của thành công lớn nhất, ông đáp: "Tìm ra niềm đam mê của bạn càng sớm càng tốt và sau đó sắp xếp cuộc sống của bạn theo hướng đi tìm nghề nghiệp phù hợp với đam mê đó". Còn trẻ, niềm đam mê của Pat là thể thao hay nói cụ thể hơn là bóng rổ. Khi lần đầu tiên cha Pat đưa ông tới xem một trận bóng rổ tại Philadenphia, ông đã yêu thích bộ môn này. Ông thường xuyên đọc những mục tin và bình luận thể thao trên tờ New York Times. Ông hiểu rằng, mình muốn được lớn lên và lập nghiệp bằng thể thao. Ông đã dành từng giờ từng phút cho đam mê đó. Ông sưu tập card bóng rổ, chơi thể thao, viết bài về thể thao trên báo trường.

Pat đã tiếp tục sự nghiệp của mình khi vào làm tại văn phòng của đội bóng rổ Philadenphia Phillies rồi sau đó là đội Philadenphia 76ers. Khi NBA xem xét cho phép mở rộng đội bóng sang Orlando, Pat đã được chọn làm lãnh đạo. Giờ đây, ở độ tuổi 60, ông đã có hơn 40 năm theo đuổi niềm đam mê và ông trân trọng từng phút giây đó. Một khi bạn hiểu rõ điều gì mang lại nhiều niềm vui cho mình nhất, bạn sẽ biết được mục đích sống của mình.

Bài tập thứ hai cũng đơn giản song lại rất có tác dụng trong việc giúp bạn tạo ra một tuyên bố đầy sức thuyết phục về mục đích sống. Hãy dành thời gian hoàn thành bài tập này ngay bây giờ.

BÀI TẬP XÁC ĐỊNH MỤC ĐÍCH SỐNG11

1. Liệt kê hai tính cách nổi bật của bản thân, ví dụ nhiệt tình và sáng tạo.

2. Liệt kê một hay hai cách bạn thích dùng để thể hiện những tính cách trên khi giao tiếp với mọi


người, ví dụ như ủng hộ hay truyền cảm hứng.

3. Giả định rằng thế giới hoàn hảo. Vậy thế giới đó thế nào? Mọi người giao tiếp với nhau ra sao? Bạn cảm thấy thế nào? Bạn hãy viết câu trả lời dưới dạng một lời tuyên bố, dùng thì hiện tại, miêu tả những điều kiện cơ bản, miêu tả thế giới hoàn hảo theo cách nhìn và cảm nhận của bạn. Hãy nhớ rằng, thế giới hoàn hảo phải là nơi bạn cảm thấy vui vẻ.

VÍ DỤ: Mọi người được tự do thể hiện những tài năng của mình.

Mọi người làm việc với nhau trong hòa thuận. Mọi người bày tỏ yêu thương nhau.

4. Kết hợp ba câu trả lời trên thành một đoạn.

VÍ DỤ: Mục đích của tôi là sử dụng tính sáng tạo và bầu nhiệt huyết của mình để hỗ trợ và truyền cảm hứng cho mọi người, giúp họ tự do thể hiện tài năng của mình một cách hòa thuận và tràn đầy yêu thương.

HÃY SỐNG THEO MỤC ĐÍCH CỦA MÌNH

Một khi đã xác định và viết ra mục đích sống của mình, hãy đọc lại nó hàng ngày, tốt nhất là vào mỗi buổi sáng. Nếu bạn có thiên hướng về mỹ thuật, bạn có thể vẽ hay sơn màu một biểu tượng, hoặc một bức tranh biểu trưng cho mục đích sống của mình sau đó treo lên (tủ lạnh, đối diện với bàn học/làm việc hay gần giường ngủ) - bất cứ nơi nào bạn có thể trông thấy hàng ngày. Việc này sẽ giúp bạn tập trung vào mục đích sống của mình.

Khi bạn đọc tiếp sang những chương sau, những chương giúp bạn xác định tầm nhìn và mục tiêu, hãy đảm bảo rằng tầm nhìn và mục tiêu đó phải phù hợp và giúp thực hiện mục đích sống của bạn.

Một phương pháp khác giúp xác định mục đích là dành thời gian ngồi tự suy ngẫm. (Xem Nguyên tắc 47, "Khám phá bản thân"). Sau khi đã thư giãn và bước vào trạng thái thanh tịnh sâu sắc, hãy tự hỏi mình: Mục đích sống của ta là gì? hay Vai trò của ta trong thế giới này là gì? Hãy để mặc dù câu trả lời tìm tới bạn. Hãy để mặc dù câu trả lời có to tát tới mức nào. Những từ ngữ của câu trả lời đó không cần hoa mỹ hay có vần điệu; điều quan trọng là bạn cảm thấy những từ ngữ đó ấn tượng mạnh mẽ đến thế nào.


NGUYÊN TẮC 3: XÁC ĐỊNH NHỮNG ĐIỀU BẠN MONG MUỐN ĐẠT ĐƯỢC

Bước tiên quyết để đạt được những điều bạn mong muốn trong cuộc sống chính là đây: Hãy xác định xem bạn mong muốn những gì.

BEN STEIN

Sau khi đã xác định được tại sao bạn đang dậm chân tại vị trí hiện tại, bạn cần phải xem xét xem mình mong muốn làm gì, trở thành người như thế nào và đạt được những gì. Bạn muốn đạt được những gì? Bạn muốn được trải nghiệm những gì? Và bạn muốn sở hữu những gì? Trong cuộc hành trình đi từ vị trí hiện tại tới vạch đích mong muốn, bạn phải quyết định được vạch đích ấy ở đâu. Hay nói cách khác, thành công đối với bạn là gì?

Một trong những nguyên nhân chính khiến hầu hết mọi người không đạt được những điều họ mong muốn là bởi chính họ còn chưa xác định được những điều đó. Họ vẫn chưa xác định rõ ràng, thuyết phục những khao khát của chính bản thân.

NHỮNG KẾ HOẠCH ĐỀ RA TỪ NHỎ THƯỜNG CẢN TRỞ BẠN TRÊN CON ĐƯỜNG XÁC ĐỊNH MƠ ƯỚC CỦA BẢN THÂN

Trong mỗi chúng ta đều có một hạt giống nhỏ mang tên "bạn" - đó chính là người bạn cần trở thành. Thật không may, khi lớn lên, có lẽ bạn đã chôn vùi hạt giống này do tác động của bố mẹ, thầy cô giáo, huấn luyện viên hay những hình mẫu khác.

Khi mới lọt lòng, bạn luôn biết chính xác mình muốn gì. Bạn biết khi nào mình đói. Bạn từ chối những món ăn mình không thích và vồ lấy những món ưa thích. Bạn không gặp khó khăn gì khi thể hiện nhu cầu và mong muốn của bản thân. Bạn chỉ đơn giản khóc toáng lên - không phải chịu bất cứ sự kiềm chế nào - cho tới khi bạn đạt được những gì mình muốn. Bạn có tất cả mọi khả năng cần có để được chăm bẵm, được thay tã, được ôm ấp vỗ về. Khi lớn hơn, bạn bò tới những vật thu hút sự chú ý của bạn. Bạn hiểu rất rõ mình thích gì và tiến thẳng tới đó, chẳng hề sợ hãi.

Nhưng chuyện gì đã diễn ra?

Trên dọc đường, có người nói rằng... Đừng động vào đó!


Tránh xa chỗ đó ra. Bỏ tay ra khỏi thứ đó.

Con phải ăn bằng đĩa, dù có muốn hay không. Con không thực sự có cảm giác đó đâu.

Con không thực sự muốn thế đâu. Con nên biết tự xấu hổ chứ.

Đừng khóc nữa. Đừng cư xử như trẻ con vậy. Khi lớn hơn, bạn được nghe những câu như...

Bạn không thể có mọi thứ chỉ đơn giản vì bạn muốn thế. Tiền không phải từ trên trời rơi xuống đâu.

Bạn không nghĩ được cho ai khác ngoài bản thân mình sao? Đừng ích kỷ như vậy!

Đừng làm theo ý thích của mình nữa, hãy làm như tôi bảo đây này! ĐỪNG SỐNG THEO GIẤC MƠ CỦA NGƯỜI KHÁC

Sau một thời gian dài bị cấm đoán kiểu này, hầu hết chúng ta cuối cùng không còn cảm thấy những nhu cầu của bản thân và khát vọng của trái tim nữa. Chúng ta, theo một cách nào đó, bị bế tắc, cố gắng tìm xem người khác mong đợi gì từ mình. Chúng ta học cách cư xử và sống theo ý của người khác. Kết quả là, giờ đây chúng ta làm rất nhiều việc bản thân không mong muốn song lại thỏa mãn nhiều người khác:

• Chúng ta theo ngành y bởi bố muốn vậy.

• Chúng ta lập gia đình theo ý mẹ.

• Chúng ta kiếm một "công việc thực sự" thay vì theo đuổi sự nghiệp về nghệ thuật như mơ ước của bản thân.


• Chúng ta vào đại học ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông thay vì dành một năm nghỉ ngơi và đi du lịch bụi quanh châu Âu.

Dưới danh nghĩa khôn ngoan, chúng ta trở nên câm điếc với chính khao khát của bản thân. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi rất nhiều thanh thiếu niên thành thật trả lời "Em không biết" khi được hỏi mình mong muốn được làm gì hay trở thành người như thế nào. Những mong ước thực sự của chúng bị bóp nghẹt bởi quá nhiều những cái "nên", "không nên",...

Như vậy, bạn muốn tái định vị bản thân và những khao khát thực sự của mình như thế nào! Làm cách nào bạn có thể theo đuổi những gì bạn thực sự mong muốn mà không phải sợ hãi, không phải e thẹn hay không bị kìm hãm gì cả? Làm cách nào bạn có thể tìm lại mối liên hệ với những cảm xúc của chính bản thân?

Hãy bắt đầu từ những bước nhỏ nhất: trân trọng những ý thích của mình trong mọi tình huống, dù ý thích đó có nhỏ hay lớn. Đừng cho chúng là những ý thích nhỏ nhặt. Những ý thích đó có thể không quan trọng với người khác song với bạn thì có.

ĐỪNG HÀI LÒNG VỚI ÍT HƠN NHỮNG GÌ BẠN MONG MUỐN

Nếu bạn muốn giành lại sức mạnh và đạt được những gì mình mong muốn, bạn phải ngừng nói những câu: "Tôi không biết, tôi không quan tâm, việc đó chẳng quan trọng với tôi" hay câu nói cửa miệng của thanh thiếu niên ngày nay: "Thế nào cũng được". Khi bạn phải đưa ra một quyết định, dù nhỏ hay lớn, quan trọng hay không quan trọng, bạn cũng cần có chính kiến. Hãy tự hỏi mình: Nếu mình biết thì mọi việc sẽ diễn ra thế nào? Nếu quan tâm thì mình sẽ lựa chọn thế nào? Nếu việc đó quan trọng, mình sẽ chọn làm gì?

Không hiểu rõ bản thân mình muốn gì và đề cao những mong muốn, khao khát của người khác chỉ đơn thuần là một thói quen. Bạn có thể phá bỏ thói quen đó bằng cách luyện tập thói quen trái ngược.

CUỐN SỔ MÀU VÀNG

Nhiều năm trước, tôi tham gia vào buổi hội thảo cùng với một chuyên gia nghiên cứu về lòng tự trọng và động lực cá nhân, Chérie Carter-Scott, tác giả cuốn If Life Is a Game, These Are the Rules. Khi bước vào phòng đào tạo trong buổi sáng đầu tiên, 24 người chúng tôi đã được đưa tới ngồi một trong những hàng ghế đối diện căn phòng. Trên mỗi chiếc ghế đều có một cuốn sổ gáy xoắn. Cuốn sổ đặt trên chiếc ghế của tôi có màu vàng. Tôi còn nhớ những suy nghĩ của mình khi đó: Mình ghét màu vàng. Ước gì cuốn sổ của mình màu xanh.


Và khi đó Chérie đã nói một câu làm thay đổi cả cuộc sống của tôi: "Nếu anh không thích màu của cuốn sổ đang có, hãy đổi cho ai đó lấy cuốn mình ưa thích. Anh xứng đáng có được mọi thứ theo cách mình mong muốn".

Chà, quả là một tư tưởng cấp tiến! Trong gần 20 năm qua, tôi chưa từng làm điều gì dựa trên tư tưởng này cả. Tôi đã an phận, chấp nhận rằng mình không thể có được những gì mình mong muốn.

Thế là tôi quay sang người bên cạnh và nói: "Cô đổi cho tôi cuốn sổ màu vàng này lấy cuốn màu xanh của cô được không?"

Cô gái trả lời: "Được thôi. Tôi thích màu vàng hơn. Tôi thích vẻ tươi sáng của màu vàng. Hợp với tâm trạng của tôi". Vậy là giờ đây tôi đã có cuốn sổ màu xanh. Đây không phải là một thành công vĩ đại trong một kế hoạch lớn song đó lại là sự khởi đầu của tôi trong việc xác định và phấn đấu đạt được những gì mình mong muốn, như khi còn nhỏ. Tôi đã luôn cho những ý thích của mình là nhỏ nhặt, không đáng để theo đuổi, tôi đã liên tiếp bỏ qua những mong muốn của bản thân. Song hôm đó là ngã rẽ của cuộc đời tôi - tôi bắt đầu cho phép bản thân được biết và hành động quyết liệt hơn cho những mong muốn, khao khát của mình.

HÃY LIỆT KÊ MỘT DANH SÁCH NHỮNG GÌ "TÔI MUỐN"

Một trong những cách đơn giản nhất để bắt tay vào việc xác định bạn thực sự muốn gì là liệt kê danh sách 30 việc bạn muốn làm, 30 thứ bạn muốn sở hữu và 30 điều bạn muốn đạt được trước khi từ giã cõi đời này. Đây là phương pháp tuyệt vời để lăn trái bóng đầu tiên.

Một phương pháp hữu hiệu khác để xácđịnh những mong muốn của bản thânlà nhờ một người bạn giúp đỡ lập một danhsách "Tôi muốn gì?". Người bạn sẽ liên tục đặt câu hỏi: "Bạn muốn gì? Bạn muốn gì?" trongvòng 10 tới 15 phút và viết lại nhữngcâu trả lời của bạn.Bạn sẽ thấy rằng nhữngmong ước đầu tiên bạn nêu lên khá viểnvông. Thực tế, hầu hết mọingười đều nói: "Tôi muốn có một chiếc Mercedes. Tôi muốn có một căn nhà to bên bờ biển" vân vân và vân vân. Tuy nhiên, sau bài tập 15 phút này, những mong ước thực sự của bạn bắt đầu lên tiếng: "Tôi muốn được mọi người yêu mến. Tôi muốn được thể hiện bản thân. Tôi muốn làm nên sự khác biệt. Tôi muốn cảm thấy mạnh mẽ"... Đó chính là những mong ước thực sự nói lên giá trị cốt lõi của bạn.

LIỆU NHỮNG LO TOAN CƠM ÁO GẠO TIỀN CÓ THỂ NGĂN BƯỚC BẠN?

Vật cản con người ta đến với những khao khát đích thực của mình chính là bởi mọi người thường cho rằng mình không thể kiếm sống nhờ những việc họ yêu thích.

Bạn có thể nói rằng: "Tôi thích đi chơi và nói chuyện với mọi người".

Ồ, Oprah Winfrey cũng kiếm sống bằng cách đi chơi và nói chuyện với mọi người. Bạn tôi, Diane Brause, một hướng dẫn viên du lịch quốc tế cũng kiếm sống bằng cách đi chơi và nói chuyện với mọi người ở những địa điểm đẹp và thu hút khách trên thế giới.

Tiger Woods yêu thích chơi golf. Ellen DeGeneres muốn làm cho mọi người vui vẻ. Chị gái tôi thích thiết kế nữ trang và đi chơi với các bạn trẻ. Donald Trump yêu thích kinh doanh và xây dựng nhà cửa. Tôi thích đọc sách và chia sẻ những gì tôi học được với mọi người thông qua những cuốn sách, những bài nói chuyện và những buổi hội thảo. Bạn hoàn toàn có thể kiếm sống từ những công việc mình yêu thích.

Hãy liệt kê 20 việc bạn thích làm và sau đó suy nghĩ xem, có cách nào để kiếm sống dựa trên một vài công việc đó không. Nếu bạn yêu thể thao, bạn có thể chơi thể thao trở thành một nhà báo hay một nhiếp ảnh gia chuyên về thể thao, hoặc bạn có thể làm việc liên quan tới quản lý trong ngành thể thao như đại lý hay đại diện cho một câu lạc bộ chuyên nghiệp. Bạn cũng có thể làm huấn luyện viên, quản lý hay người tuyển dụng. Có trăm phương ngàn cách kiếm sống trong bất kì lĩnh vực nào bạn yêu thích.

Giờ đây bạn chỉ cần xác định xem mình thích làm gì còn trong các chương tiếp theo, tôi sẽ chỉ cho bạn cách thành công và phương pháp kiếm tiền từ những công việc mình ưa thích.

XÁC ĐỊNH RÕ Ý NIỆM VỀ CUỘC SỐNG LÝ TƯỞNG CỦA BẠN

Chủ đề của cuốn sách này là làm cách nào để đi từ xuất phát điểm của bạn tới vạch đích bạn mong muốn. Để đạt được mục tiêu này, bạn cần xác định hai điều - bạn đang xuất phát từ đâu và muốn đi tới đâu. Tầm nhìn là một bản miêu tả chi tiết về vạch đích mà bạn hướng tới. Nó nói lên mục tiêu của bạn sẽ như thế nào. Để có được một cuộc sống thành công và công bằng, tầm nhìn của bạn cần bao quát đủ bảy lĩnh vực sau: công việc/ sự nghiệp, tài chính, giải trí/ thời gian rảnh rỗi, sức khỏe/ thể lực, các mối quan hệ, các mục tiêu cá nhân và đóng góp cho cộng đồng.

Trong giai đoạn này của cuộc hành trình, bạn chưa cần biết chính xác phải làm cách nào để đi đến vạch đích mong muốn. Vấn đề quan trọng chỉ nằm ở chỗ, bạn phải xác định được vạch đích đó ở đâu. Khi bạn đã xác định rõ câu hỏi "cái gì" thì câu trả lời "như thế nào" sẽ tự tới.

HỆ THỐNG ĐỊNH VỊ TOÀN CẦU BÊN TRONG CON NGƯỜI BẠN

Quy trình đi từ điểm xuất phát hiện tại đến vạch đích mong muốn của bạn cũng giống như sử dụng hệ


thống định vị với công nghệ GPS (Global Positional System) trong một chiếc xe hơi đời mới. Để hệ thống có thể hoạt động, nó cần xác định được bạn đang ở đâu và muốn đi tới đâu. Hệ thống định vị xác định bạn đang ở đâu bằng cách sử dụng một máy vi tính gắn bên trong. Chiếc máy vi tính này nhận tín hiệu từ ba vệ tinh, từ đó, nó xác định vị trí chính xác của bạn. Khi bạn nhập địa điểm cần đến, hệ thống định vị sẽ vạch ra con đường tốt nhất cho bạn. Bạn chỉ cần làm theo chỉ dẫn.

Thành công trong cuộc sống cũng vận hành theo cách tương tự. Tất cả những gì bạn cần làm là xác định xem mình muốn đi tới đâu; xem xét đích đến thông qua việc xác lập mục tiêu, tham khảo ý kiến và quan sát trực tiếp và bắt đầu di chuyển theo đúng hướng. Hệ thống GPS bên trong sẽ giúp bạn tìm ra những con đường khi bạn tiếp tục tiến lên. Hay nói cách khác, một khi bạn đã xác định rõ và tập trung vào tầm nhìn của mình (và tôi sẽ chỉ ra cho bạn rất nhiều cách để thực hiện việc này), những bước đi tiếp theo sẽ tự hiện ra trên con đường của bạn. Một khi đã xác định rõ bản thân mong muốn gì và biết cách giữ cho mình tập trung vào những mục tiêu đó, bạn sẽ tìm ra phương pháp thực hiện - đôi khi đúng vào thời điểm bạn cần tới.

NHỮNG NGƯỜI THÀNH CÔNG CÀNG LỚN THÌ TẦM NHÌN CÀNG XA

Mối nguy hiểm nhất đối với hầu hết chúng ta không phải là đặt ra những mục tiêu quá cao, không thể thực hiện nổi mà chính là đặt ra những mục tiêu quá thấp và đạt được chúng.

MICHELANGELO

Tôi khuyến khích các bạn không nên giới hạn tầm nhìn của mình dưới bất kì hình thức nào. Hãy để tầm nhìn càng lớn càng tốt. Khi tôi phỏng vấn Dave Liniger, Tổng giám đốc của RE/MAX, tập đoàn bất động sản lớn nhất Hoa Kỳ, ông nói với tôi: "Hãy luôn luôn mơ ước thật lớn lao. Những ước mơ lớn sẽ thu hút sự chú ý của những người vĩ đại". Gần đây, Tướng Wesley Clark cũng tâm sự: "Ôm ấp những giấc mộng lớn hay những ước mơ nhỏ nhoi cũng chỉ tốn công sức như nhau mà thôi". Theo kinh nghiệm của tôi, một trong những điểm khác biệt hiếm hoi giữa những người thành đạt và phần còn lại của thế giới là những người thành đạt biết mơ ước lớn lao hơn. John F. Kennedy từng mơ ước đưa người lên mặt trăng. Martin Luther King từng mơ ước về một đất nước không có định kiến, không có bất công. Bill Gates từng mơ về một thế giới, nơi nhà nhà đều có một chiếc máy tính nối mạng. Buckminster Fuller từng mơ ước về một thế giới, nơi người người đều được sử dụng điện.

Những con người thành đạt này nhìn thế giới từ những góc độ rất khác nhau - thế giới là nơi những điều kì diệu có thể xảy ra, nơi hàng tỉ cuộc sống được cải thiện, nơi công nghệ mới có thể thay đổi cuộc sống của con người và nơi những nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể được tận dụng để đem lại


lợi ích chung lớn nhất. Họ tin tưởng mọi việc đều có thể xảy ra và họ chính là một phần giúp tạo nên những điều kì diệu đó.

Khi lần đầu tiên Mark Victor Hansen và tôi xuất bản cuốn Chicken Soup for the Soul, "Tầm nhìn năm 2020" của chúng tôi cũng là một tầm nhìn lớn - bán được một triệu bản và trích 500 triệu đô la từ lợi nhuận cho các quỹ từ thiện. Chúng tôi đã và đang hiểu rõ mình muốn đạt tới điều gì.

Nếu bạn chỉ giới hạn ước mơ của mình trong những việc khả thi hay hợp lý, bạn đã tự rời xa mong ước thực sự của mình và tất cả những gì còn lại với bạn chỉ là sự thỏa hiệp.

ROBERT FRITZ

Tác giả cuốnThe Path of Least Resistance

ĐỪNG ĐỂ BẤT KỲ AI NGĂN CẢN BẠN THEO ĐUỔI ƯỚC MƠ CỦA MÌNH

Chắc chắn sẽ có những người cố gắng thuyết phục bạn ngừng theo đuổi ước mơ. Họ sẽ nói với bạn rằng bạn, thật điên rồ và những ước mơ đó không thể trở thành hiện thực. Hẳn sẽ có những kẻ cười vào mũi bạn và cố gắng kéo bạn xuống ngang tầm với bọn họ. Bạn tôi Monty Roberts, tác giả cuốn The Man Who Listens to Horses, gọi những người này là những kẻ đánh cắp ước mơ. Đừng nghe lời chúng.

Hồi Monty đang học trung học, thầy giáo giao cho lớp viết một bài luận về những việc mình mong muốn thực hiện khi trưởng thành. Monty đã viết rằng anh muốn sở hữu một nông trại riêng, rộng 80 hecta và nuôi ngựa đua dòng Thoroughbred. Thầy giáo cho anh điểm F và nói điểm số này phản ánh ước mơ của anh thật viển vông. Chẳng một cậu bé nào sống trong lều trên một chiếc xe bán tải lại có thể kiếm đủ tiền để mua một nông trại, mua hạt giống và trả lương cho các công nhân nông trại. Khi thầy cho Monty cơ hội viết lại bài luận để kiếm điểm cao hơn, Monty nói: "Thầy cứ giữ điểm F còn em sẽ giữ ước mơ của mình."

Giờ đây, Monty đã có một trang trại rộng 62 hecta mang tên Flag Is Up Farms tại Solvang, bang California và trang trại nuôi ngựa đua dòng Thoroughbred đồng thời huấn luyện hàng trăm vận động viên đua ngựa12.

BÀI TẬP XÁC ĐỊNH TẦM NHÌN

Hãy xây dựng tương lai từ tương lai chứ không phải từ quá khứ của bạn. WERNER ERHARD


Người sáng lập Chương trình đào tạo EST và Diễn đàn Landmark

Bài tập sau đây được thiết kế nhằm giúp các bạn xác định rõ tầm nhìn của mình. Mặc dù bạn có thể thực hiện bài tập tư duy này bằng cách nghĩ câu trả lời và viết lại song tôi khuyến khích bạn nên đi sâu hơn thế. Nếu bạn đi sâu hơn, bạn sẽ có được những câu trả lời sâu sắc hơn, hữu ích cho bạn nhiều hơn.

Hãy bắt đầu bằng cách bật một vài đoạn nhạc thư giãn và ngồi im lặng tại một nơi thoải mái, nơi bạn không bị làm phiền. Sau đó, nhắm mắt lại và hãy hỏi phần não vô thức của mình những ý niệm về cuộc sống lí tưởng của bạn. Các câu hỏi sẽ bao quát những lĩnh vực sau:

1. Trước hết, hãy tập trung vào lĩnh vực tài chính. Thu nhập hàng năm của bạn là bao nhiêu? Dòng tiền của bạn như thế nào? Lượng tiền tiết kiệm và đầu tư của bạn là bao nhiêu? Tổng thu nhập ròng của bạn là bao nhiêu?

Sau đó, căn nhà của bạn trông như thế nào? Nhà của bạn ở đâu? Cảnh quan xung quanh có đẹp không? Có vườn tược không? Có bể bơi hay chuồng ngựa không? Tường nhà sơn màu gì? Đồ đạc trong nhà trông thế nào? Có treo tranh trong nhà không? Nếu có thì những bức tranh đó trông như thế nào? Bạn hãy đi một vòng quanh ngôi nhà lí tưởng của mình và trả lời tất cả những câu hỏi trên.

Lúc này, đừng lo lắng về việc bạn làm cách nào để có được một ngôi nhà như thế. Đừng tự cản bước mình bằng những câu nói như: "Tôi không thể sống ở Malibu bởi vì tôi không kiếm đủ tiền". Một khi con mắt của tâm trí đã nhìn tới được bức tranh thì bộ não của bạn sẽ biết cách vượt qua thử thách về tiền bạc.

Sau đó, hãy hình dung ra chiếc xe bạn đang lái và bất kì tài sản quan trọng nào khác.

2. Bước tiếp theo, hãy mường tượng công việc hay nghề nghiệp lí tưởng của bạn. Bạn đang làm ở đâu? Bạn đang làm gì? Đồng nghiệp của bạn là những ai? Đối tượng khách hàng của bạn như thế nào? Lương bổng ra sao? Đó có phải công ty riêng của bạn không?

3. Sau đó, hãy tập trung suy nghĩ về thời gian rảnh rỗi, vui chơi giải trí của mình. Bạn đang làm gì cùng với gia đình và bạn bè trong thời gian rảnh rỗi? Bạn có thú vui gì không? Những kỳ nghỉ của bạn ra sao? Bạn làm gì để tiêu khiển?

4. Tiếp đến, bạn hình dung thế nào về sức khỏe và thể lực của mình? Bạn có mắc bệnh tật gì không? Bạn sống tới năm bao nhiêu tuổi? Bạn có cởi mở, thư giãn và luôn giữ được trạng thái vui vẻ suốt cả ngày không? Bạn có cảm thấy tràn đầy sức sống? Bạn có năng động và mạnh mẽ không? Bạn có tập thể


dục, ăn những đồ ăn có lợi cho sức khỏe và uống nhiều nước không?

5. Bây giờ, hãy suy nghĩ về những mối quan hệ của bạn với gia đình và bạn bè. Quan hệ của bạn với gia đình thế nào? Bạn bè của bạn là những ai? Mối quan hệ bạn bè của bạn có tốt không? Những mối quan hệ đó như thế nào, có yêu thương, hỗ trợ và tin tưởng nhau không? Bạn thường làm gì cùng bạn bè mình?

6. Vậy cuộc sống riêng của bạn ra sao? Bạn có hình dung ra mình đang quay lại trường, tham gia thêm các khóa đào tạo, tới dự những buổi hội thảo, tìm kiếm phương pháp trị liệu cho căn bệnh cũ hay đang trưởng thành hơn về mặt tinh thần? Bạn có dự định quay lại đi lễ nhà thờ không? Bạn có muốn học chơi một nhạc cụ nào đó hay viết tiểu sử đời mình không? Bạn có muốn tham gia chạy marathon hay theo học một khóa hội họa không? Bạn có muốn đi du lịch nước ngoài không?

7. Cuối cùng, hãy nghĩ về cộng đồng mà bạn đang sống, cộng đồng bạn đã chọn. Cộng đồng ấy như thế nào khi hoạt động một cách hoàn hảo? Những hoạt động cộng đồng nào diễn ra ở đó? Bạn có tham gia công việc từ thiện nào không? Bạn làm gì để giúp đỡ mọi người và tạo nên sự khác biệt? Bạn có thường xuyên tham gia vào những hoạt động như trên không? Bạn đang giúp đỡ những ai?

Trong quá trình suy tưởng, bạn có thể viết lại những câu trả lời của mình hoặc làm toàn bộ bài tập này trước, sau đó mở mắt ra và viết lại. Dù bạn làm theo cách nào, hãy nhớ viết lại mọi thứ sau khi hoàn thành bài tập.

Hàng ngày, hãy xem lại những câu trả lời đó. Như vậy, cả phần não vô thức và ý thức của bạn sẽ đều tập trung vào tầm nhìn bạn đã vạch ra và khi bạn ứng dụng những nguyên tắc công cụ khác trong cuốn sách này, bạn sẽ bắt đầu triển khai tất cả những khía cạnh khác nhau của tầm nhìn đó.

HÃY CHIA SẺ TẦM NHÌN CỦA MÌNH ĐỂ TẠO HIỆU QUẢ TỐI ĐA

Sau khi đã viết lại tầm nhìn của mình, hãy chia sẻ với một người bạn thân, người bạn tin tưởng sẽ ủng hộ mình. Bạn có thể lo sợ người bạn này sẽ cho rằng tầm nhìn của bạn quá viển vông, không thể thực hiện được, quá lí tưởng hay quá thiên về vật chất. Hầu hết mọi người đều có suy nghĩ tương tự khi họ có ý định chia sẻ tầm nhìn của mình với người khác. Song sự thật là, hầu hết mọi người, từ trong sâu thẳm trái tim, đều có chung mong ước với bạn. Mọi người đều muốn sống dư dả, có một căn nhà tiện nghi, một công việc có ý nghĩa, hợp sở thích. Mọi người đều muốn sống khỏe mạnh, muốn có thời gian làm những công việc yêu thích, muốn có mối quan hệ tốt đẹp với gia đình bạn bè và muốn có cơ hội để làm nên điều khác biệt trên đời. Tuy nhiên, có quá ít người dám thừa nhận những mong muốn đó.


Bạn sẽ thấy rằng, khi chia sẻ tầm nhìn, một số người sẽ muốn giúp bạn biến tầm nhìn đó thành hiện thực. Những người khác sẽ giới thiệu bạn với bạn bè hay chỉ cho bạn những nguồn lực có thể giúp đỡ bạn. Bạn cũng sẽ hiểu ra rằng, mỗi khi chia sẻ tầm nhìn của mình, tầm nhìn đó lại trở nên rõ ràng, thực tế và khả thi hơn. Quan trọng nhất, mỗi khi chia sẻ tầm nhìn, bạn lại củng cố vững chắc hơn niềm tin vô thức của riêng mình rằng bạn có thể đạt tới đó.


NGUYÊN TẮC 4: HÃY TIN RẰNG MỌI VIỆC ĐỀU CÓ THỂ THỰC HIỆN

Nhân tố quan trọng nhất ngăn cản người Mỹ tiến tới thắng lợi ngày nay chính là bởi họ thiếu niềm tin vào bản thân.

ARTHUR L. WILLIAMS

Người sáng lập ra công ty Bảo hiểm A. L. Williams, công ty này đã được bán lại cho Primerica với giá 90 triệu đô la vào năm 1989

Napoleon Hill từng nói: "Những điều trí não có thể hình dung ra và tin tưởng vào, trí não đều có thể nghĩ cách đạt được". Thực tế, trí não là một công cụ có sức mạnh khổng lồ, nó có thể đem tới cho bạn mọi điều bạn mong muốn. Song bạn cần phải tin rằng, những mong muốn của bạn có thể đạt được.

BẠN ĐẠT ĐƯỢC NHỮNG GÌ MÌNH MONG MUỐN

Các nhà khoa học từng tin rằng, con người hoạt động dựa trên những thông tin do thế giới bên ngoài phản ánh lên bộ não. Song ngày nay, họ đã nhận ra rằng, chúng ta hoạt động dựa trên những gì bộ não dự trù sẽ xảy đến tiếp theo và những trải nghiệm trong quá khứ của nó.

Chẳng hạn, trong quá trình nghiên cứu ảnh hưởng của phẫu thuật khớp gối lên bệnh nhân, các bác sĩ thuộc bang Texas đã thực hiện trên những bệnh nhân có khớp gối bị mòn và đau một trong ba quy trình phẫu thuật sau: tháo bỏ khớp, làm sạch khớp hoặc không làm gì cả.

Trong khâu giải phẫu "không làm gì cả", các bác sĩ gây mê bệnh nhân, rạch ba đường trên đầu gối như thể để đưa các dụng cụ mổ vào và sau đó giả như đang làm phẫu thuật. Hai năm sau ca mổ, những bệnh nhân được phẫu thuật giả cũng báo cáo cùng mức giảm đau và sưng như những người thực sự được phẫu thuật. Trí não mong đợi ca mổ sẽ cải thiện tình hình khớp gối, và thực tế là như vậy.

Tại sao trí não lại hoạt động theo cơ chế này? Các nhà tâm lý học thần kinh nghiên cứu thuyết kì vọng13 cho hay nguyên nhân nằm ở chỗ chúng ta dành thời gian cả đời để trở nên "có điều kiện". Thông qua các chuỗi sự kiện diễn ra trong đời, bộ não học được cách cần kì vọng điều gì sẽ xảy tới tiếp theo - dù cho sự việc đó cuối cùng có thực sự xảy đến hay không. Và do bộ não kì vọng một việc sẽ xảy tới theo cách nhất định, chúng ta thường nhận được chính xác những điều đã kì vọng.

Đây chính là lý do tại sao phát triển những kì vọng tích cực trong trí não lại có tầm quan trọng đến vậy. Khi bạn thay thế những kì vọng tiêu cực cũ trong đầu bằng những kì vọng tích cực mới - khi bạn


bắt đầu tin rằng những điều bạn mong muốn có thể thực hiện được - trí não bạn sẽ đảm nhiệm công việc biến những mong muốn đó thành sự thực cho bạn. Tuyệt vời hơn nữa, trí não bạn sẽ thực sự kì vọng đạt được thành quả đó.14

BẠN PHẢI HỌC CÁCH TIN TƯỞNG

Bạn có thể trở thành bất kì điều gì bạn mong muốn, nếu bạn có niềm tin vững chắc và hành động theo niềm tin đó; điều gì trí não có thể hình dung ra và tin tưởng vào, trí não cũng có thể biến điều đó thành sự thực.

NAPOLEON HILL

Tác giả cuốn sách bán chạy nhất

Think and Grow Rich – 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu

Khi Tug McGraw - cầu thủ ném bóng chày đội Philadelphia Phillies, cha ruột của ca sĩ nhạc đồng quê huyền thoại Tim McGraw - vượt qua Willie Wilson để giành danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất giải World Series năm 1980 của Phillies, tạp chí Sports Illustrated đã chụp một tấm ảnh để đời cảnh cầu thủ này đang phấn khởi đứng trên bục danh dự - một cảnh mà ít người biết được chính do McGraw dàn dựng.

Một buổi chiều khi có dịp gặp Tug tại New York, tôi đã hỏi ông về những trải nghiệm trên bục danh dự ngày hôm đó.

Ông nói: "Dường như tôi đã đứng trên đó hàng ngàn lần. Hồi nhỏ, tôi thường chơi ném bóng với cha trong sân sau. Chúng tôi cũng thường đạt đến vòng cuối cùng, vòng thứ chín của giải World Series khi hai người bị loại ra và chỉ còn lại ba cầu thủ. Tôi luôn vượt qua và giành chiến thắng cuối cùng". Chính bởi Tug đã định hình trong đầu rằng, sau những ngày chơi bóng trên sân sau, cuối cùng cái ngày ông biến giấc mơ thành thực sự cũng tới.

McGraw đã nổi tiếng là một người suy nghĩ tích cực từ bảy năm trước, trong giải Vô địch Quốc gia năm 1973, vào buổi gặp mặt của đội New York Mets, ông phát biểu: "Các bạn phải biết tin tưởng". Đội tuyển Mets năm đó vào vòng bảng cuối cùng tháng Tám, giành giải và vào đến vòng 7 của World Series, sau đó bị đội Oakland A's đánh bại.

Một ví dụ khác của phương châm luôn luôn lạc quan "Bạn phải biết tin tưởng" của ông là khi đang giữ vị trí phát ngôn viên cho giải Little League, ông nói: "Các bạn trẻ nên học cách chơi bóng chày từ


trong tâm tưởng. Đây là một kỹ năng mà giải Little League thường bỏ qua". Rồi ông mỉm cười, nụ cười như nắng ấm gieo vào lòng người.

HÃY TIN TƯỞNG VÀO BẢN THÂN VÀ HÀNH ĐỘNG BIẾN NIỀM TIN THÀNH SỰ THẬT

Dù sớm hay muộn, những người chiến thắng chính là những người tin tưởng vào chiến thắng của bản thân.

RICHARD BACH

Tác giả cuốn sách bán chạy nhất Jonathan Livingston Seagull

Tim Ferriss đã biết đặt niềm tin vào bản thân. Thực tế, anh tin tưởng mạnh mẽ vào khả năng của bản thân tới mức, ông đã giành giải Quyền cước15 San Shou quốc gia chỉ sau sáu tuần chơi môn này.

Là đội trưởng đội tuyển Judo Princeton, Tim đã luôn mơ ước giành được một danh hiệu cấp quốc gia. Anh đã tập luyện rất chăm chỉ. Anh rất giỏi về thể thao. Tuy nhiên, những chấn thương liên tiếp trong suốt nhiều mùa giải đã liên tục ngăn trở ước mơ của anh.

Do đó, một hôm, khi có người bạn gọi điện mời Tim đến xem anh ta thi đấu tại giải vô địch Quyền cước Trung Quốc toàn quốc sáu tuần trước khi giải này diễn ra, Tim đã lập tức quyết định tham gia giải đấu.

Do chưa bao giờ tham gia một môn thể thao đối kháng, anh gọi điện đến Hiệp hội Quyền anh Hoa Kỳ và hỏi thăm về những huấn luyện viên giỏi nhất. Anh tạm chuyển sang vùng lân cận tại Trenton, New Jersey để được học hỏi từ những huấn luyện viên quyền anh đã từng đào tạo cho các vận động viên giành huy chương vàng. Sau khi luyện tập bốn giờ mệt lử trên võ đài, anh dành nhiều thời gian luyện tập thể lực. Để bù đắp cho việc Tim mới bắt đầu tham gia bộ môn này, những huấn luyện viên tập trung vào khai thác những điểm mạnh của anh.

Tim không chỉ đơn thuần tham gia để học hỏi. Anh khát khao giành chiến thắng.

Khi ngày thi đấu cuối cùng đến, Tim đã đánh bại ba đối thủ được đánh giá cao hơn trước khi bước vào trận chung kết. Khi cần hình dung mình phải làm gì để chiến thắng trong trận chung kết, anh nhắm mắt lại và mường tượng cảnh mình đánh bại đối thủ ngay trong hiệp đấu đầu tiên.

Sau này, Tim nói với tôi rằng, hầu hết mọi người thất bại không phải do họ thiếu kỹ năng hay phương pháp mà đơn giản vì họ không có niềm tin. Tim đã tin tưởng mình có thể đạt tới mục tiêu. Và anh đã


làm được.

BẠN SẼ CẦN CÓ MỘT NGƯỜI TIN TƯỞNG VÀO MÌNH TRƯỚC

Khi chàng trai 20 tuổi Ruben Gonzalez xuất hiện tại Trung tâm đào tạo Olympic Hoa Kỳ ở Lake Placid, New York, anh luôn giữ trong túi chiếc card của một doanh nhân người Houston, người đã tin tưởng vào giấc mơ giành chiến thắng tại Olympic của anh. Ruben tới trung tâm học môn đua xe băng, một môn thể thao mà chín trong số mười người tham gia phải từ bỏ ngay sau mùa giải đầu tiên. Hầu hết mọi vận động viên tham gia môn thể thao này đều bị gãy ít nhất là một chiếc xương trước khi có thể làm chủ tốc độ 90 dặm một giờ trên một đường đua bằng băng dài và nhiều đoạn xuống dốc. Song, Ruben vẫn ấp ủ ước mơ, nhiệt huyết và quyết tâm không bỏ cuộc cùng với sự ủng hộ của bạn anh, Craig, tại Houston.

Khi Ruben quay về phòng sau ngày tập đầu tiên, anh gọi cho Craig.

"Craig, thật là kinh khủng! Cả một bên thân mình đau bại. Mình nghĩ ngón chân mình gãy rồi. Thế đấy. Mình sẽ quay lại chơi bóng đá thôi".

Craig ngắt lời: "Ruben, ra đứng trước gương đi!" "Cái gì?"

Mình bảo: "Ra đứng trước gương đi!"

Ruben đứng dậy, kéo dài dây điện thoại và chạy ra trước chiếc gương lớn.

"Giờ thì hãy nhắc lại theo mình: Dù mọi việc có tệ như thế nào, và dù mọi việc có trở nên khủng khiếp như thế nào thì tôi cũng sẽ làm được!"

Ruben cảm thấy mình như một thằng ngốc tự nhìn chằm chằm vào trong gương, do vậy, anh miễn cưỡng nhắc lại: "Dù mọi việc có tệ như thế nào và dù mọi việc có trở nên khủng khiếp như thế nào thì tôi cũng sẽ làm được!"

"Nào! Nói cho đúng vào. Cậu là một vận động viên Olympic cơ mà! Cậu luôn miệng nói về điều đó! Bây giờ thì cậu có định làm hay không?"

Ruben bắt đầu nghiêm túc hơn: "Dù mọi việc có tệ như thế nào và dù mọi việc có trở nên khủng khiếp như thế nào thì tôi cũng sẽ làm được!"


"Nhắc lại một lần nữa xem nào!"

"Dù mọi việc có tệ như thế nào và dù mọi việc có trở nên khủng khiếp như thế nào thì tôi cũng sẽ làm được!"

Và anh cứ nhắc đi nhắc lại như thế.

Và đến khoảng lần thứ năm thì Ruben nghĩ: "Ồ, khá hơn rồi. Mình đã đứng thẳng lên một chút". Đến lần thứ 10 thì anh nhảy bật lên và hét: "Tôi chẳng quan tâm chuyện gì đang diễn ra. Tôi sẽ làm được. Tôi có thể bị gãy cả hai chân. Nhưng xương gẫy rồi sẽ lành. Tôi sẽ quay trở lại và sẽ thành công. Tôi sẽ là một vận động viên Olympic!"

Khi bạn đứng mặt đối mặt với bản thân và bắt mình phải nói lên những điều mình sẽ làm, bạn sẽ chứng kiến điều kì diệu xảy ra với lòng tự tin của bạn. Dù bạn có mơ ước gì, hãy nhìn vào mình trong gương và tuyên bố rằng bạn thực sự sẽ thực hiện được mơ ước đó - dù cho phải trả giá như thế nào.

Ruben Gonzalez đã làm theo cách này và cuộc đời của anh đã thay đổi. Anh đã tham gia vào ba Thế vận hội mùa đông - Calgary năm 1988, Albertville năm 1992 và Salt Lake City năm 2002. Và hiện giờ, anh đang tham gia đào tạo để chuẩn bị cho Olympic mùa đông tại Torino năm 2006, khi đó anh sẽ 43 tuổi và thi đấu với những vận động viên có tuổi đời bằng nửa tuổi anh.


NGUYÊN TẮC 5: HÃY TIN VÀO CHÍNH MÌNH

Bạn có mặt trên đời không phải là một sự cố. Bạn cũng không phải là một sản phẩm sản xuất hàng loạt. Bạn cũng không phải được sản xuất theo dây chuyền. Bạn được sinh ra với ý nghĩa riêng có tài năng đặc biệt và được những người thân yêu trân trọng.

MAX LUCADO

Tác giả của những bộ sách bán chạy nhất

Nếu bạn muốn có được cuộc sống như mơ ước, bạn phải tin rằng, mình có khả năng làm được việc đó. Bạn phải tin rằng, mình có đủ tiềm năng và có thể khơi dậy những tiềm năng đó. Bạn phải tin vào chính mình. Dù bạn có gọi niềm tin đó là lòng tự trọng, tự tôn hay tự tin nhưng chính niềm tin đó, bên cạnh những khả năng, những nguồn lực nội tại và kỹ năng của bạn sẽ đem lại cho bạn những kết quả mong muốn.

TIN TƯỞNG VÀO CHÍNH MÌNH LÀ MỘT THÁI ĐỘ

Bạn có thể lựa chọn tin tưởng vào chính mình hay không. Đó là một thái độ, một thói quen mà bạn cần phải có thời gian mới có được. Mặc dù có cha mẹ luôn ủng hộ và suy nghĩ tích cực sẽ giúp bạn rất nhiều song sự thật là hầu hết các bậc phụ huynh đều truyền cho con cái những niềm tin bị hạn chế và những thái độ tiêu cực của bản thân.

Hãy nhớ rằng quá khứ là quá khứ. Dù có đổ lỗi cho cha mẹ vì mình thiếu tự tin thì cũng chẳng được gì. Giờ đây, chính bạn là người chịu trách nhiệm với niềm tin và những ý niệm về bản thân mình. Bạn phải biết lựa chọn tin tưởng rằng, bạn có thể làm bất kì điều gì mà bạn quyết tâm đạt tới - bất kì điều gì - bởi sự thực là bạn có thể. Bạn cũng nên biết theo nghiên cứu gần đây nhất về trí não con người, nếu kết hợp tốt những suy nghĩ và độc thoại tích cực với luyện tập và được đào tạo hợp lý thì mọi người có thể làm được hầu hết bất kì việc gì.

Trong số hàng trăm người thành đạt mà tôi từng phỏng vấn trong cuốn sách này và nhiều cuốn sách khác, hầu hết đều nói rằng: "Tôi không phải là người tài năng nhất trong lĩnh vực của mình, song tôi tin mọi thứ đều có thể xảy ra. Tôi học hành, luyện tập và làm việc chăm chỉ hơn mọi người. Nhờ đó tôi mới thành công như hiện tại". Nếu như một chàng trai 20 tuổi người Texas có thể thi đấu môn xe trượt băng và trở thành một vận động viên Olympic, một anh sinh viên bỏ học có thể trở thành triệu phú và một học sinh mắc chứng đọc kém đã rớt ba lớp có thể trở thành nhà sản xuất truyền hình và tác giả của


những cuốn sách bán chạy nhất thì bạn cũng có thể đạt được bất kì điều gì nếu bạn tin rằng việc đó khả thi.

Nếu bạn tin tưởng vào bản thân và hành động theo hướng mọi việc đều có thể đạt được, bạn sẽ thực hiện được những điều cần thiết để dẫn tới thành công. Nếu bạn tin rằng mọi việc đều bất khả thi, bạn sẽ không làm được gì cả và cũng không đạt được kết quả mong đợi. Nó giống như một quy trình tuần hoàn.

BẠN CÓ THỂ LỰA CHỌN NÊN ĐẶT NIỀM TIN VÀO ĐÂU

Stephen J. Cannell đã bị đúp lớp Một, lớp Bốn và lớp Mười. Ông không thể đọc hay hiểu bài như những học sinh khác trong lớp. Ông thường phải học năm tiếng đồng hồ cùng mẹ để chuẩn bị cho một bài kiểm tra nhưng rồi lại trượt. Ông hỏi người bạn đạt điểm A xem bạn này đã học bao lâu để chuẩn bị cho bài kiểm tra thì nhận được câu trả lời: "Mình chẳng học gì cả". Stephen kết luận rằng, ông không thông minh.

Ông nói với tôi: "Tuy nhiên, tôi đã quyết định rằng mình phải bỏ suy nghĩ đó ra khỏi đầu. Tôi không nghĩ về nó nữa. Thay vào đó, tôi tập trung nghĩ xem mình giỏi về lĩnh vực nào và đó chính là bóng đá. Nếu không nhờ bóng đá, lĩnh vực xuất sắc của tôi thì tôi cũng không biết mình sẽ như thế nào. Tôi đã có được sự tự tin nhờ chơi thể thao."

Dồn toàn bộ sức lực vào bóng đá, Stephen giành giải cầu thủ xuất sắc trong các giải bóng đá liên trường. Chính nhờ bóng đá, ông học được rằng, nếu biết phát huy bản thân, ông có thể đạt tới sự hoàn hảo.

Sau đó, ông đã truyền niềm tin vào bản thân sang sự nghiệp. Thật đáng ngạc nhiên, khi đó Stephen đang viết kịch bản cho các chương trình truyền hình. Cuối cùng, ông đã lập một studio sản xuất riêng, tại đó ông sáng tạo, sản xuất và viết hơn 350 kịch bản cho 38 chương trình truyền hình khác nhau, trong đó có The A-Team, The Rockford Files, Baretta, 21 Jump street, The Commish, Renegade, và Silk Stalkings. Tại thời điểm đỉnh cao trong sự nghiệp, studio của Stephen có tới hơn 2.000 nhân viên. Chưa hết, sau khi bán studio, ông còn tiếp tục viết 11 cuốn tiểu thuyết, tất cả đều là những cuốn sách bán chạy nhất. Stephen là một ví dụ điển hình cho thấy, vấn đề quan trọng không phải là cuộc sống cho bạn những gì mà chính là cách bạn phản ứng với những gì cuộc sống mang lại, kể cả mặt thể chất lẫn tinh thần.

Tôi đang tìm kiếm những người có khả năng không biết tới những điều bất khả thi.


HENRY FORD

BẠN CẦN PHẢI TỪ BỎ NHỮNG CÂU "TÔI KHÔNG THỂ"

Cụm từ Tôi không thể là lực lượng mạnh mẽ nhất của trường phái tiêu cực trong đầu óc con người. PAUL R. SCHEELE - Chủ tịch Learning Strategies Corporation

Nếu bạn muốn thành công, bạn cần phải bỏ cụm từ "Tôi không thể" và tất cả những cụm từ tương tự như "Ước gì mình có thể". Cụm từ "Tôi không thể" thực sự lấy đi khả năng của bạn. Khi nói "Tôi không thể", bạn thực sự mềm yếu hơn. Trong các buổi hội thảo của mình, tôi sử dụng một kỹ thuật gọi là kinesiology để kiểm tra sức mạnh cơ bắp của con người khi họ nói những cụm từ khác nhau. Tôi yêu cầu những người tham gia đặt tay trái sang một bên và tôi dùng tay trái của mình kéo tay họ xuống để kiểm tra thể lực. Sau đó, tôi yêu cầu mọi người nghĩ tới một việc mà theo họ không thể làm được như Tôi không biết chơi piano và nói to câu đó. Sau đó, tôi lại kéo tay họ xuống. Cánh tay đó luôn yếu hơn. Rồi tôi lại yêu cầu họ nói câu "Tôi làm được", cánh tay họ lại trở nên khỏe khoắn hơn.

Trí não bạn được thiết kế để giải quyết bất kì vấn đề nào và đạt tới bất kì mục tiêu nào bạn yêu cầu. Những từ ngữ bạn suy nghĩ và nói ra thực sự ảnh hưởng tới cơ thể bạn. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó ở một đứa trẻ mới biết đi. Khi còn nhỏ, bạn không bị điều gì cản bước. Bạn nghĩ mình có thể trèo lên bất kì đâu. Không có một rào cản nào quá to lớn, bạn không vượt qua được. Nhưng dần dần, tâm lý bất khả chiến bại của bạn bị mất dần đi do những lời khuyên từ bạn bè, gia đình và thầy cô giáo cho tới khi bạn không còn tin vào khả năng của chính mình nữa.

Bạn có trách nhiệm loại bỏ cụm từ "Tôi không thể" ra khỏi từ điển của mình. Vào những năm 1980, tôi tham gia một buổi hội thảo của Tony Robbins, tại đó chúng tôi học cách đi trên than hồng. Ban đầu, chúng tôi đều lo rằng mình không thể làm được, rằng bàn chân sẽ bỏng rát. Trong buổi hội thảo, Tony yêu cầu chúng tôi viết lại mọi điều mình không thể làm – "tôi không thể tìm được một công việc hoàn hảo, "tôi không thể trở thành tỉ phú, "tôi không thể tìm được người đàn ông phù hợp - và sau đó ném vào than hồng rồi nhìn những mảnh giấy cháy rụi. Hai giờ sau, 350 người chúng tôi đã đi được trên than đỏ mà không ai bị bỏng. Tối hôm đó, chúng tôi học được rằng, ý nghĩ không thể đi trên than đỏ mà không bị bỏng hoàn toàn sai lầm, tương tự như vậy, mọi niềm tin tự hạn chế bản thân đều không đúng.

ĐỪNG LÃNG PHÍ THỜI GIAN VÀO NIỀM TIN RẰNG MÌNH KHÔNG THỂVào năm 1977,

tại hạt Tallahassee, bang Florida, Laura Shultz, một cụ bà 63 tuổi đã nâng bổng phần đuôi một chiếc Buick vì chiếc xe này đè lên tay cháu bà. Trước đó, chưa bao giờ bà nhấc được vật gì nặng hơn bao


thức ăn 22 kg dành cho vẹt.

Tiến sĩ Charles Garfield, tác giả cuốn Peak Performance và Peak Performers đã phỏng vấn bà sau khi đọc bài viết trên National Enquirer. Khi ông tới nhà bà Shultz, bà từ chối nói về "sự kiện" đó. Bà liên tục mời Charlie ăn sáng và gọi ông là Granny.

Cuối cùng, ông yêu cầu bà nói về sự kiện vừa diễn ra. Bà cho hay bà không muốn nghĩ tới nó bởi sự kiện đó làm lung lay niềm tin của bà về những việc bà có thể và không thể làm được. Bà nói: "Nếu tôi có thể làm được việc này khi tôi cho rằng mình không thể, việc đó nói gì về cuộc đời trước kia của tôi? Liệu có phải tôi đã sống phí hoài không?"

Charlie thuyết phục bà rằng cuộc sống của bà vẫn chưa kết thúc và rằng bà vẫn có thể làm bất kì điều gì bà muốn. Ông hỏi Shultz bà mong muốn điều gì. Bà trả lời mình luôn yêu thích các loại đá. Bà muốn học về địa chất, song cha mẹ không có đủ tiền để cho bà và anh trai đi đại học.

Ở độ tuổi 63, sau vài khóa đào tạo nhỏ của Charlie, bà quyết định quay lại trường học địa chất. Cuối cùng, bà cũng được nhận bằng và đi dạy tại một trường cao đẳng cộng đồng địa phương.

Đừng đợi tới khi 63 tuổi mới quyết định bạn có thể làm được bất kì điều gì mình mong muốn. Đừng bỏ lỡ quãng thời gian sống ngắn ngủi. Hãy quyết định rằng, bạn có thể làm bất kì điều gì bạn mong muốn và bắt tay vào ngay bây giờ.

THÁI ĐỘ LÀ NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH

Khi huyền thoại bóng chày Ty Cobb 70 tuổi, một phóng viên đã hỏi ông: "Ông nghĩ mình có thể đạt được thành tích gì nếu vẫn chơi bóng ở độ tuổi này?"

Cobb, người đã có điểm số đánh bóng trung bình 367, nói: "Khoảng 290, cũng có thể là 300".

Anh phóng viên lại hỏi: "Đó là do ông đã đi du lịch, tham gia thể thao về đêm và tất cả những dụng cụ tập luyện đời mới phải không ạ?"

"Không," Cobb đáp: "Đó là vì tôi 70 tuổi."

Đó chính là ví dụ sinh động nhất về người biết đặt niềm tin vào bản thân. ĐỪNG MẶC ĐỊNH RẰNG MÌNH CẦN CÓ MỘT TẤM BẰNG ĐẠI HỌC

Theo số liệu thống kê khác cho thấy, niềm tin vào bản thân còn quan trọng hơn cả kiến thức, đào tạo


hay học tập tại trường: 20% các triệu phú người Mỹ chưa từng học đại học và 21 trong số 222 tỉ phú Hoa Kỳ năm 2003 chưa từng có bằng đại học; hai người trong số đó thậm chí còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông! Như vậy, mặc dù học vấn và niềm ham thích học hỏi cả đời rất cần thiết cho con đường thành công của bạn nhưng bạn không nhất thiết phải có một tấm bằng mới có thể bước chân trên con đường đó. Điều này thậm chí còn đúng ngay cả trong thế giới công nghệ cao Internet. Larry Ellison, Tổng giám đốc của Oracle đã bỏ học tại trường Đại học Illinois và khi tôi viết cuốn sách này, ông đã có tổng tài sản lên tới 18 tỉ đô la. Còn Bill Gates, chàng sinh viên đã bỏ Harvard, sau này đã thành lập tập đoàn Microsoft. Ngày nay, ông là một trong những người giàu nhất hành tinh với tổng tài sản lên tới trên 46 tỉ đô la.

Thậm chí Tổng thống Dick Cheney cũng đã bỏ học. Khi bạn biết được rằng, Phó Tổng thống, người đàn ông giàu nhất Hoa Kỳ và rất nhiều những diễn viên được trả 20 triệu đô la cho mỗi bộ phim cũng như vô số những nhạc sĩ và vận động viên vĩ đại từng bỏ học; bạn sẽ hiểu rằng, dù xuất phát điểm của bạn ở đâu, bạn cũng có thể tạo dựng một cuộc sống thành công.

NHỮNG ĐIỀU MỌI NGƯỜI NGHĨ VỀ BẠN CHẲNG LIÊN QUAN GÌ TỚI BẠN

Bạn phải biết tin tưởng vào bản thân khi không ai khác tin bạn. Đó chính là điều biến bạn thành người chiến thắng.

VENUS WILLIAMS

Nhà vô địch tennis chuyên nghiệp và vận động viên đoạt huy chương vàng Olympic

Nếu không có ai tin tưởng và ước mơ là nhân tố duy nhất dẫn tới thành công thì hầu hết chúng ta sẽ không đạt được gì cả. Bạn cần quyết định mình mong muốn gì dựa trên những khát vọng và mục tiêu của bạn chứ không phải là mục tiêu, khát vọng, ý kiến và phán xét của cha mẹ, bạn bè, vợ chồng, con cái hay đồng nghiệp. Đừng lo lắng về những gì người khác nghĩ về bạn. Hãy đi theo tiếng gọi của trái tim.

Tôi rất thích Quy luật 18/40/60 của Tiến sĩ Daniel Amen: Khi bạn 18 tuổi, bạn lo lắng xem mọi người nghĩ gì về mình; khi 40 tuổi, bạn không thèm để ý tới những gì người khác nghĩ; còn tới khi 60 tuổi, bạn nhận ra mọi người chẳng ai nghĩ gì về bạn hết.

Bạn có thấy ngạc nhiên không? Hầu như không ai nghĩ tới bạn đâu! Mọi người đều bận rộn lo lắng cho cuộc sống riêng của mình và nếu họ có nghĩ về bạn thì hẳn họ đang băn khoăn xem bạn nghĩ gì về họ đấy thôi. Mọi người đều nghĩ về mình, chẳng ai nghĩ đến bạn đâu. Hãy suy nghĩ xem khoảng thời gian


bạn phí hoài vào lo lắng xem người khác nghĩ gì về những ý tưởng, mục tiêu, quần áo, đầu tóc và nhà cửa của bạn đáng ra có thể được dùng để suy nghĩ và hành động để đạt được những mục tiêu của chính bạn.


NGUYÊN TẮC 6: TRỞ THÀNH NGƯỜI HOANG TƯỞNG ĐẢO NGƯỢC

Tôi luôn là nghịch đảo của những người hoang tưởng.

Tôi luôn hành động như thể mọi người đều muốn tốt cho tôi. STAN DALE

Người sáng lập Viện Nhận thức về con người, tác giả cuốn Fantasies Can Set You Free

Người thầy đầu tiên của tôi, W. Clement Stone, từng được coi là một người hoang tưởng đảo ngược. Thay vì lo sợ thế giới đang âm mưu hãm hại mình, ông tin rằng mọi người đều muốn tốt cho ông. Thay vì xem những khó khăn và thử thách như những nhân tố tiêu cực, ông luôn nhìn nhận những sự việc này với những lợi ích của chúng - cơ hội để ông giàu có hơn, mạnh mẽ hơn.

Quả là niềm tin tích cực hiếm thấy!

Hãy nghĩ xem thành công sẽ tới dễ dàng hơn biết bao nếu bạn luôn tin tưởng cả thế giới đang ủng hộ và tạo cơ hội cho bạn.

Những người thành đạt chỉ đơn giản luôn tin tưởng như vậy.

Thực tế, ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chính những kì vọng lạc quan của những người thành đạt đã gây ảnh hưởng tích cực và mang lại cho họ những thành công mà họ tin tưởng sẽ đạt được.

Đột nhiên, những khó khăn trở ngại không được nhìn nhận như một ví dụ của: "ôi chao, cả thế giới đều ghét bỏ tôi" mà lại được xem như những cơ hội để phát triển, thay đổi và thành công. Nếu ô tô của bạn đột nhiên bị hỏng dọc đường, thay vì tưởng tượng cảnh bị bọn người xấu lạm dụng, bạn hãy nghĩ tới khả năng một chàng trai dừng xe và giúp bạn sẽ là người yêu, người chồng tương lai của bạn. Nếu công ty cắt giảm biên chế, đột nhiên, bạn sẽ có cơ hội tốt để tìm được công việc mơ ước với mức lương cao hơn. Nếu bạn bị mắc bệnh ung thư, có thể trong quá trình thay đổi cách sống để trị bệnh, bạn sẽ có được một cuộc sống cân bằng và khám phá ra điều gì thực sự quan trọng đối với bạn.

Hãy nghĩ về điều này.

Liệu đã có lúc nào một điều khủng khiếp ập tới nhưng rốt cuộc đó lại là một việc tốt lành, may mắn không?


Mọi khó khăn đều hàm ẩn trong nó cơ hội để có được lợi ích bằng hay lớn hơn thế.

NAPOLEON HILL

Tác giả của cuốn sách kinh điển Think and Grow Rich - 13 nguyên tắc nghĩ giàu, làm giàu

Tôi gặp may mắn lớn vào thập niên 1970, khi Job Corps Center tại Clinton, Iowa bị đóng cửa. Khi đó, tôi đang là chuyên gia phát triển chương trình giảng dạy tiên phong trong việc ứng dụng các hệ thống đào tạo tiên tiến dành cho các sinh viên kém tại trung tâm. Tôi đã giành được sự ủng hộ hết lòng từ phía ban lãnh đạo trung tâm. Tôi làm việc với một nhóm rất thú vị bao gồm những thanh niên giỏi giang, những người có cùng tầm nhìn với tôi về việc cần tạo ra sự khác biệt, và tôi thực sự yêu thích công việc của mình.

Nhưng rồi bất chợt, chính quyền bang quyết định rời trung tâm tới một địa điểm khác. Điều này đồng nghĩa với việc tôi sẽ mất việc, ít nhất là trong vòng sáu tháng. Lúc đầu, tôi rất lo lắng, buồn rầu. Song, khi tham gia hội thảo tại W. Clement & Jesse V. Stone Foundation ở Chicago, tôi đã chia sẻ khó khăn của mình với trưởng nhóm, người vô tình lại là Phó chủ tịch của tổ chức này. Kết quả là, ông mời tôi làm việc tại đây. "Chúng tôi rất muốn mời một người có kinh nghiệm làm việc với trẻ em da màu Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha như anh gia nhập tổ chức. Hãy tới làm việc tại chỗ chúng tôi." Họ trả tiền cho tôi, cho tôi quản lý một khoản quỹ khổng lồ, quyền được tham gia bất kì buổi hội thảo, khóa đào tạo nào tôi muốn - và Tôi còn được làm việc trực tiếp với W. Clement Stone, người đã dạy cho tôi những nguyên tắc thành công ban đầu.

Vậy mà khi nhận được thông báo về chuyển địa điểm Job Corps Center và tin mình bị cắt giảm, tôi đã vô cùng giận dữ, lo sợ, và thất vọng. Tôi nghĩ mọi việc thế là kết thúc. Tôi cho đó quả là một tai họa. Thế nhưng, cuối cùng, đó lại chính là ngả rẽ của đời tôi. Trong vòng chưa đầy ba tháng, cuộc đời tôi đi từ đỉnh cao này tới đỉnh cao khác. Trong hai năm, tôi đã làm việc với một số người thú vị nhất tôi từng gặp trước khi tham gia vào chương trình tiến sĩ về giáo dục tâm lý tại Đại học Massachusets.

Giờ đây, bất cứ khi nào có những tình huống "tồi tệ" xảy tới, tôi lại nhớ rằng mọi việc xảy đến với tôi đều hàm ẩn cơ hội để đạt được những điều tốt đẹp hơn. Tôi nhìn vào khía cạnh tích cực thay vì tiêu cực. Tôi tự hỏi mình: "Đâu là cơ hội lớn hơn mà sự việc này mang lại?"

Tôi chắc chắn rằng, bạn cũng có thể nghĩ lại một vài lần trong đời rằng, mọi việc thế là đã chấm hết - bạn bị đuổi học, mất việc, ly dị, phải chứng kiến một người bạn qua đời hay công ty phá sản, mắc phải


một căn bệnh nan y, nhà cửa bị cháy - và sau đó, bạn nhận ra sự kiện đó lại chính là một vận may hiếm thấy. Vấn đề nằm ở chỗ, bạn phải biết nhìn nhận mọi việc mình trải qua giờ đây đều sẽ trở nên tốt đẹp trong tương lai. Vì vậy, hãy nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề. Bạn càng lạc quan thì những điều tốt đẹp sẽ tìm tới bạn càng sớm và nhiều hơn. Nếu bạn tin tưởng mọi việc tốt đẹp sẽ tới, bạn càng ít thấy phiền muộn và bi quan hơn trong khi chờ đợi.

TôI TẬN DỤNG SỰ KIỆN VỪA DIỄN RA NHƯ THẾ NàO?

Nếu cuộc sống cho bạn một quả chanh, hãy vắt ra thành một cốc nước chanh.

W. CLEMENT STONE

Tỉ phú, Cựu chủ tạp chí Thành công

Tướng Jerry Coffee là một phi công từng bị bắn hạ trong chiến tranh Việt Nam. ông bị cầm tù bảy năm trong điều kiện khủng khiếp nhất mà bất kì ai có thể tưởng tượng. ông bị đánh đập, bỏ đói, và bị biệt giam trong nhiều năm. Nhưng nếu bạn hỏi ông cảm thấy thế nào trong thời gian đó, ông sẽ nói đó là giai đoạn chuyển giao mạnh mẽ nhất trong cuộc đời mình. Khi bị nhốt vào xà lim lần đầu tiên, ông hiểu mình sẽ phải sống đơn độc rất lâu. ông tự hỏi Tôi có thể tận dụng thời gian này như thế nào? ông nói với tôi rằng ông đã quyết định nhìn nhận đây là một cơ hội thay vì một thảm kịch - cơ hội để thấu hiểu hơn về bản thân ông cũng như về Chúa - hai "vật thể" duy nhất mà ông tiếp xúc khi đó.

Tướng Coffee đã dành nhiều giờ mỗi ngày nghiền ngẫm những mối quan hệ với mọi người mà ông đã từng có trong đời. Dần dần, ông nhận ra mô hình nào hữu dụng và không hữu dụng. ông tự phân tích tâm lý của chính mình. Cuối cùng, ông hiểu được sâu sắc về bản thân. ông hoàn toàn chấp nhận mọi khía cạnh của bản thân, phát triển sự đồng cảm sâu sắc với bản thân và con người. Do vậy, ông trở thành một trong những người thông thái, khiêm tốn và thanh thản nhất mà tôi từng gặp. ông thể hiện tình thương và đời sống tinh thần. Mặc dù ông thừa nhận không bao giờ muốn vào lại nhà tù đó, song ông sẵn sàng đánh đổi bất kì thứ gì để có được những kinh nghiệm ông có được trong thời gian bị giam cầm, bởi nhờ những kinh nghiệm đó ông mới được như ngày hôm nay - một người đàn ông hạnh phúc, mộ đạo, một tác giả thành công và một trong những diễn giả có sức truyền cảm nhất.

TìM KIẾM CƠ HỘI TRONG TẤT CẢ MỌI VIỆC

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn cũng biết đặt ra câu hỏi "Tôi có thể nhận được cơ hội gì từ đây?" đối với mỗi sự kiện diễn ra trong cuộc sống? Những người thành đạt luôn tiếp cận mọi việc như cơ hội dành cho họ. Bất kì cuộc trò chuyện nào họ đều tham gia với suy nghĩ sẽ thu về điều gì tốt đẹp. Và họ biết


rằng những gì họ tìm kiếm và mong đợi cuối cùng rồi sẽ đến.

Nếu bạn biết nhìn nhận "may mắn" không đến vô tình - rằng mọi người, mọi việc xuất hiện trong đời bạn đều có lý do - và rằng vũ trụ đang đưa bạn tới gần vận mệnh được học hỏi, phát triển và thành đạt của mình, thì bạn sẽ nhận thấy tất cả các sự kiện - dù có khó khăn và thử thách đến đâu - đều là cơ hội để bạn giàu có và thành công.

Bạn hãy làm một tấm biển nhỏ ghi dòng chữ Đâu là cơ hội tôi nhận được từ sự việc này? và đặt lên bàn hay trên mặt máy tính, như vậy bạn sẽ luôn tự nhắc nhở mình rằng mọi việc đều ẩn giấu trong nó những cơ hội.

Bạn cũng có thể bắt đầu một ngày mới bằng cách nhắc lại câu: "Tôi tin rằng thế giới đang mong muốn đem lại những điều tốt đẹp cho tôi. Tôi đang nóng lòng chờ xem điều đó là gì." Và sau đó hãy tìm kiếm các cơ hội và những điều kì diệu.

ANH TA BIẾT NẮM BẮT CƠ HỘI

Mark Victor Hansen, đối tác và đồng tác giả với tôi trong bộ sách Chicken Soup for the Soul® luôn nhìn nhận mọi trở ngại như những cơ hội. Anh dạy mọi người nói: "Tôi muốn hợp tác với bạn trong việc đó. Tôi có thể nhận ra nhiều cách để phát triển ý tưởng của bạn, tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đạt doanh số nhiều hơn và kiếm được nhiều tiền hơn." Chính nhờ đó, anh đã trở thành đối tác của tôi trong bộ sách Chicken Soup. Một hôm khi chúng tôi đang ăn sáng, Mark hỏi tôi: "Anh có dự định gì? Anh có đam mê gì không?" Tôi đáp mình đã quyết định tập hợp tất cả những câu chuyện truyền cảm và có khả năng thúc đẩy con người trong những bài nói chuyện lại thành một cuốn sách mà không cần phải viết thêm bất kì bình luận gì như những cuốn sách tự hoàn thiện bản thân khác. Đó sẽ là một cuốn sách bao gồm những câu chuyện mà bạn đọc có thể áp dụng theo cách họ muốn. Sau khi nghe tôi mô tả về cuốn sách, anh nói: "Tôi muốn hợp tác với anh trong cuốn sách này. Tôi muốn giúp anh viết sách."

Tôi đáp: "Mark à, cuốn sách đã được viết xong một nửa rồi. Có lý do nào thuyết phục tôi đồng ý hợp tác với anh không?"

"Ồ," Mark trả lời: "anh đã học được rất nhiều những câu chuyện đó từ tôi. Tôi còn biết nhiều chuyện hơn những câu chuyện anh từng nghe. Tôi cũng biết rằng mình có thể thu thập nhiều câu chuyện hấp dẫn khác từ vô số các diễn giả khác, và tôi có thể giúp anh quảng bá cuốn sách này tới những người và những nơi mà chính anh cũng chưa từng nghĩ tới."

Khi chúng tôi tiếp tục trò chuyện, tôi nhận ra Mark ẩn chứa một nguồn lực vô cùng quý giá. Anh là một


tay bán hàng xuất sắc, và tính cách năng động, không hề mệt mỏi của anh cũng là một thế mạnh. Cuối cùng, chúng tôi đã hợp tác. Cuộc trò chuyện đó đối với Mark đáng giá tiền nhuận bút và bản quyền từ hàng chục triệu bản sách.

Bạn thấy đấy, khi nhìn nhận mọi việc như những cơ hội tiềm ẩn, bạn sẽ thực sự tận dụng nó như những cơ hội. Mark xem dự án viết sách của tôi - cũng như mọi dự án khác anh biết - như một cơ hội và anh đã trò chuyện trên quan điểm đó. Kết quả, chúng tôi đã có 12 năm hợp tác tuyệt vời và mang lại vô số lợi nhuận.

CHúA CHẮC HẲN CòN Có NHỮNG ĐIỀU TUYỆT VỜI HƠN DàNH CHO TôI

Năm 1987, cùng với 412 người khác, tôi ứng cử với chính quyền bang để được trở thành một trong 30 thành viên của Đội đặc nhiệm thúc đẩy lòng tự trọng, trách nhiệm cá nhân và xã hội bang California. May thay, tôi đã thành công, nhưng người bạn lâu năm của tôi Peggy Bassett, giáo sĩ nổi tiếng của nhà thờ có 2000 con chiên lại không được chọn. Tôi rất ngạc nhiên bởi luôn cho rằng cô là ứng cử viên hoàn hảo. Khi tôi hỏi cô cảm thấy thế nào khi không được chọn, cô đã nói một câu làm tôi bàng hoàng. Từ đó, tôi lặp đi lặp lại rất nhiều lần câu nói đó trong đời. Cô đã mỉm cười và trả lời: "Jack, tôi thấy rất ổn. Điều đó chỉ có nghĩa là Chúa chắc hẳn còn có những điều tuyệt vời hơn dành cho tôi." Cô hiểu rằng cô luôn được chỉ dẫn tới những con đường dành cho mình. Chính tinh thần lạc quan và niềm tin vững chắc của cô đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ lên những người quen biết cô. Đây cũng là lý do tại sao nhà thờ của cô lại lớn mạnh như vậy. Đó chính là một trong những nguyên tắc thành công của cô.


NGUYÊN TẮC 7: KHÁM PHÁ SỨC MẠNH CỦA VIỆC ĐẶT RA MỤC TIÊU

Nếu bạn muốn có được hạnh phúc, hãy đặt ra một mục tiêu làm chủ suy nghĩ, giải phóng năng lượng và khơi dậy hi vọng cho mình.

ANDREW CARNEGIE

Người giàu nhất nước Mỹ đầu những năm 1900

Khi biết được mục đích sống, xác định được tầm nhìn cũng như những nhu cầu và khát khao thực sự, bạn phải biến chúng thành những mục tiêu cụ thể, có thể đo lường được và sau đó hãy hành động với niềm tin chắc chắn rằng bạn có thể đạt được những mục tiêu đó.

Những chuyên gia về khoa học thành công hiểu rõ bộ não là một cơ quan luôn tìm kiếm mục tiêu. Dù cho bạn đặt ra mục tiêu gì cho phần trí não vô thức, nó sẽ làm việc cả ngày lẫn đêm để đạt được mục tiêu đó.

BAO NHIêU, KHI NàO?

Để đảm bảo một mục tiêu có thể khơi dậy sức mạnh của phần trí não vô thức trong bạn, mục tiêu đó phải thỏa mãn hai tiêu chí. Mục tiêu đó phải được xác lập theo cách mà bạn hay bất kì ai đều có thể đo lường được. Tôi sẽ giảm 4,5 kg nghe không thuyết phục bằng Cân nặng của tôi sẽ là 50 kg vào lúc 5 giờ chiều ngày 30 tháng Sáu. Mục tiêu thứ hai rõ ràng hơn, bởi ai cũng có thể tới vào lúc 5 giờ chiều ngày 30 tháng Sáu để kiểm tra cân nặng của bạn. Cân sẽ chỉ đúng số 50, hơn hoặc kém. Hãy nhớ hai tiêu chí đó là bao nhiêu (một số tiêu chí định lượng như trang, kilogram, đô la, mét vuông, hay điểm) và khi nào (ngày giờ cụ thể).

Bạn hãy xác lập mục tiêu càng cụ thể càng tốt - bao gồm tất cả các khía cạnh như mẫu mã, chất liệu, màu sắc, thời gian, đặc điểm... kích thước, cân nặng, hình dạng... và tất cả mọi chi tiết khác. Hãy nhớ, những mục tiêu không rõ ràng chỉ đem lại những kết quả không rõ ràng.

PHâN BIỆT MỤC TIêU VỚI MỘT ý TƯỞNG TỐT

Khi không có tiêu chuẩn đo lường cụ thể, thì đó chỉ đơn thuần là một mong muốn, một điều ước, một ý thích hay một ý tưởng hay của bạn mà thôi. Để thu hút được sự tham gia của phần trí não vô thức, bạn cần xác lập mục tiêu có khả năng đo lường được. Sau đây là một vài ví dụ giúp bạn hiểu rõ hơn:


ý TƯỞNG TỐT MỤC TIêU

Tôi muốn sở hữu một ngôi nhà đẹp nằm bên bờ biển.

Tôi sẽ sở hữu một ngôi nhà 1220 mét vuông nằm bên Pacific Coast Highway, Malibu, California vào trưa ngày 30 Tháng Tư năm 2007.

Tôi muốn giảm cân.

Cân nặng của tôi sẽ còn 69 cân vào lúc 5 giờ chiều ngày mùng một tháng Một năm 2006.

Tôi cần đối xử tốt hơn với nhân viên.

Tôi sẽ công nhận đóng góp của ít nhất sáu nhân viên vào 5 giờ chiều thứ Sáu tuần này. GHI LẠI CHI TIẾT

Một trong những phương pháp tốt nhất để xác lập mục tiêu rõ ràng và cụ thể là ghi lại chi tiết - giống như khi bạn ghi lại những chỉ tiêu kỹ thuật tại công xưởng. Hãy xem đó là một yêu cầu dành cho Đức Chúa Trời hay cho một vị thần tối cao. Bạn hãy ghi lại mọi chi tiết dù là nhỏ nhất.

Nếu bạn có mơ ước sở hữu một căn nhà cụ thể nào đó, hãy ghi lại đặc điểm của nó bằng nhiều màu mực khác nhau - địa điểm, không gian xung quanh, đồ đạc, trang trí, hệ thống âm thanh, sàn nhà. Nếu trong nhà treo tranh, hãy xin một phiên bản. Nếu ngôi nhà đó chỉ nằm trong tưởng tượng của bạn, hãy nhắm mắt lại và hình dung nó càng chi tiết càng tốt. Sau đó, nghĩ xem vào ngày nào bạn có thể sở hữu ngôi nhà như vậy.

Khi bạn cầm bút ghi lại, trí não vô thức của bạn sẽ biết cần phải làm gì. Nó sẽ hiểu cần phải nắm bắt những cơ hội nào để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.

BẠN CẦN XáC LẬP NHỮNG MỤC TIêU MANG TíNH THỬ THáCH

Khi xác lập mục tiêu, bạn cần ghi lại những mục tiêu to lớn, mang tính thử thách với bạn. Cần xác lập


những mục tiêu đòi hỏi bạn phải tự vươn lên mới đạt được. Bạn cũng nên đặt ra những mục tiêu khiến bạn thấy hơi khó chịu. Tại sao vậy? Bởi mục tiêu cốt lõi, bên cạnh những mục tiêu quan trọng khác, là làm chủ cuộc sống. Và để đạt được điều này, bạn cần học những kỹ năng mới, mở rộng tầm nhìn, xây dựng những mối quan hệ mới, và học cách vượt qua nỗi sợ hãi cùng những rào cản của bản thân.

TẠO LẬP MỤC TIêU MANG TíNH ĐỘT PHá

Bên cạnh việc biến mọi khía cạnh của tầm nhìn thành một mục tiêu đo lường được, và tất cả những mục tiêu bạn đặt ra hàng ngày, hàng tháng, hàng quý, tôi cũng khuyến khích bạn nên đặt ra một mục tiêu mang tính đột phá. Mục tiêu này sẽ là sự biến đổi lớn cho cuộc đời và sự nghiệp của bạn. Hầu hết mọi mục tiêu đều thể hiện những tiến bộ vượt bậc trong cuộc sống của chúng ta. Chúng cũng giống như những bước chạy dài 4 mét trên sân bóng. Song chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chạy xa tới 46 mét? Đó sẽ là một biến đổi lớn của bạn. Tương tự như vậy, có những mục tiêu sẽ đem đến những biến đổi lớn cho cuộc sống của bạn. Những mục tiêu đó có thể là giảm được 22 kg, viết một cuốn sách, một bài báo, được xuất hiện trong chương trình Oprah, giành được huy chương vàng Olympic, thiết kế một trang web nổi tiếng, được nhận bằng thạc sỹ hay tiến sĩ, được cấp bằng lái xe, mở một thẩm mỹ viện riêng, được bầu làm chủ tịch hiệp hội hay nghiệp đoàn nào đó, hay tự thực hiện chương trình phát thanh riêng. Thực hiện được một mục tiêu như vậy, mọi thứ đều sẽ thay đổi.

Chẳng lẽ, đó không phải là một mục tiêu đáng để bạn đam mê theo đuổi hay sao? Chẳng lẽ đó không phải là điều bạn nên hướng tới từng ngày, từng giờ cho tới khi đạt được hay sao?

Nếu bạn là một nhân viên bán hàng độc lập và biết rằng mình có thể mở rộng phạm vi hoạt động sang một địa bàn tốt hơn, thu về khoản hoa hồng lớn hơn, và thậm chí có thể được thăng tiến nếu bạn thu hút được một số lượng khách hàng nhất định, chẳng lẽ bạn lại không làm ngày làm đêm để đạt được mục tiêu đó?

Nếu bạn là một phụ nữ nội trợ, toàn bộ lối sống và tình hình tài chính của bạn sẽ thay đổi nếu bạn kiếm được thêm 1.000 đô la mỗi tháng thông qua việc tham gia vào một công ty tiếp thị mạng lưới, chẳng lẽ bạn lại không cố gắng nắm bắt mọi cơ hội để đạt được mục tiêu đó?

Đó chính là những mục tiêu mang tính đột phá mà tôi nói tới. Một điều làm thay đổi cuộc đời bạn, mang đến cho bạn những cơ hội mới, giúp bạn có điều kiện tiếp xúc với những người thú vị và nâng mọi hành động, mối quan hệ hay nhóm của bạn lên một tầm cao mới.

Mục tiêu mang tính đột phá của bạn là gì? Cậu em trai út của tôi, Taylor là một giáo viên giáo dục đặc biệt tại Florida. Cậu vừa hoàn thành 5 năm nỗ lực để giành được giấy ủy nhiệm của ban lãnh đạo nhà


trường, nhờ đó dần dần mỗi năm anh thu nhập thêm 25.000 đô la nữa. Đó chính là một biến đổi lớn bởi nhờ sự kiện đó, Taylor được tăng lương và tầm ảnh hưởng của cậy ấy trong ngành cũng tăng lên.

Viết một cuốn sách bán chạy nhất từng là mục tiêu mang tính đột phá của tôi và Mark Victor Hansen. Chicken Soup for the Soul® đã đưa chúng tôi từ những tác giả chỉ có tiếng tăm trên một vài địa bàn nhỏ hẹp trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Nhờ bộ sách này, nhu cầu về các chương trình sách tiếng, các bài nói chuyện và hội thảo của chúng tôi tăng vọt. Những thu nhập mà bộ sách mang lại giúp chúng tôi cải thiện đời sống, đảm bảo cho quãng thời gian về hưu, giúp chúng tôi có khả năng thuê thêm nhiều nhân viên, tham gia nhiều dự án và có ảnh hưởng lớn hơn trên thế giới.

ĐỌC LẠI MỤC TIêU CỦA BẠN BA LẦN MỖI NGàY

Khi đã ghi lại tất cả mục tiêu của mình, dù nhỏ hay lớn, bước tiếp theo trong cuộc hành trình đi tới thành công của bạn là khai phá những sức mạnh sáng tạo của phần trí não vô thức bằng cách đọc lại những mục tiêu của mình hai hoặc ba lần mỗi ngày. Hãy dành thời gian để đọc lại chúng. Hãy đọc lên từng mục tiêu một (đọc to lên bằng cả bầu nhiệt huyết nếu bạn đang ở một nơi thích hợp). Nhắm mắt lại và hình dung ra từng mục tiêu khi đã được thực hiện. Hãy dành vài giây xem cảm giác của mình như thế nào khi đã thực hiện được mục tiêu.

Phương pháp này sẽ khơi dậy sức mạnh của lòng khát khao trong bạn. Nó làm tăng "áp lực cơ cấu" - theo cách gọi của các nhà tâm lý học - trong não bạn. Trí não bạn luôn muốn rút ngắn khoảng cách giữa thực tại và mục tiêu. Thông qua việc lặp lại và hình dung ra mục tiêu của bạn khi đã được thực hiện, bạn sẽ tăng "áp lực cơ cấu." áp lực này sẽ làm tăng động lực, khơi dậy tính sáng tạo và nâng cao nhận thức về những nguồn lực của bạn - tất cả đều có thể giúp bạn thực hiện mục tiêu.

Hãy đọc lại những mục tiêu của mình ít nhất hai lần mỗi ngày - mỗi sáng thức dậy và mỗi tối trước khi đi ngủ. Tôi viết mỗi mục tiêu của mình vào một miếng card kích thước 4 x 6 cm. Tôi để một hộp card gần giường và do đó có thể xem lại từng chiếc vào mỗi sáng và mỗi tối. Khi đi du lịch, tôi cũng mang theo.

Hãy viết lại những mục tiêu của bạn vào một cuốn lịch hay vào cuốn sổ kế hoạch hàng ngày. Bạn cũng có thể để hình nền hay màn hình chờ trên máy tính có ghi những mục tiêu của mình. Mục đích của phương pháp này là liên tục giữ cho các mục tiêu hiện hữu trước mắt bạn.

Khi Bruce Jenner, vận động viên đạt huy chương vàng Olympic trong bộ môn 10 môn thể thao phối hợp, hỏi những vận động viên đang ấp ủ ước mơ tham dự Olympic xem họ có ghi lại những mục tiêu của mình không, mọi người đều trả lời có. Song khi ông hỏi có bao nhiêu người trong số họ mang theo


danh sách những mục tiêu đó, chỉ có một người duy nhất giơ tay. Người đó là Dan O'Brien. Và chính Dan O'Brien là người đã giành huy chương vàng bộ môn này tại Olympic 1996 tổ chức ở Atlanta. Bạn đừng nên xem thường sức mạnh của việc xác lập mục tiêu và xem xét lại chúng thường xuyên.

LẬP MỘT CUỐN SỔ GHI LẠI NHỮNG MỤC TIêU

Một phương pháp hữu hiệu khác để đẩy nhanh tiến trình thực hiện mục tiêu là lập một Cuốn sổ Mục tiêu. Hãy mua một cuốn sổ lò xo hay một cuốn sổ ghi nhớ kích thước 13x16 cm. Sau đó, mỗi trang bạn ghi một mục tiêu. Viết mục tiêu đó lên đầu trang, bên dưới hãy vẽ hình minh họa, dán những cụm từ, câu chữ mà bạn cắt ra từ báo, catalogue hay sách quảng cáo. Khi những mục tiêu hay khát khao mới trỗi dậy, hãy thêm chúng vào danh sách hay Cuốn sổ Mục tiêu. Đọc lại từng trang hàng ngày.

HãY MANG THEO MỤC TIêU QUAN TRỌNG NHẤT CỦA BẠN TRONG Ví

Khi tôi mới bắt đầu làm việc cho W. Clement Stone, ông dạy tôi ghi lại mục tiêu quan trọng nhất của mình vào mặt sau danh thiếp và mang theo trong ví bất kì lúc nào. Mỗi lần mở ví ra, tôi sẽ được nhắc nhở về mục tiêu quan trọng nhất của mình.

Khi gặp Mark Victor Hansen, tôi khám phá ra, anh cũng sử dụng phương pháp này. Sau khi hoàn thành cuốn sách đầu tiên trong bộ Chicken Soup for the Soul®, chúng tôi đã viết: "Tôi thật vui mừng khi bán được 1,5 triệu bản sách Chicken Soup for the Soul® vào ngày 30 tháng Mười hai năm 1994". Sau đó, chúng tôi ký vào danh thiếp của nhau và mang theo trong ví. Tôi vẫn còn giữ tấm danh thiếp đó trên bàn làm việc.

Mặc dù nhà xuất bản đã cười nhạo và nói rằng chúng tôi thật điên rồ song chúng tôi đã bán được 1,3 triệu bản vào ngày mục tiêu đó. Một số người có thể nói rằng: "Ồ, anh còn thiếu 200.000 bản so với mục tiêu đề ra". Nhưng có lẽ không nhiều như thế... và cuốn sách còn tiếp tục được bán ra hơn tám triệu bản trên 30 ngôn ngữ. Hãy tin ở tôi... Tôi sống nhờ kiểu "thất bại" đó.

CHỈ MỘT MỤC TIêU Là KHôNG ĐỦ

Nếu bạn thấy cuộc đời chánnản, nếu bạn thức dậy mỗi sángmà không có một khát khao cháy bỏng được làm điều gì đó thì bạn đã thiếu đi mục tiêu cho mình.

LOU HOLTZ

Lou Holtz, huấn luyện viên huyền thoại của Notre Dame, đồng thời cũng là người nổi tiếng trong việc xác lập mục tiêu. Niềm tin của ông vào việc xác lập mục tiêu bắt nguồn từ một bài học năm 1966 khi ông mới 28 tuổi và được mời làm trợ lý huấn luyện viên tại Đại học South Carolina. Vợ ông, Beth khi đó đang mang bầu tám tháng đứa con thứ ba của họ và Lou đã dùng hết tiền để mua nhà. Một tháng sau, huấn luyện viên chính, người đã tuyển mộ Lou - nghỉ hưu và ông lâm vào cảnh thất nghiệp.

Để vực dậy tinh thần cho ông, vợ ông đưa ông đọc một cuốn sách - The Magic of Thinking Big của tác giả David Schwartz. Cuốn sách nói, bạn nên ghi lại tất cả những mục tiêu bạn muốn thực hiện trong đời. Lou ngồi xuống cạnh bàn ăn, thả lỏng trí tưởng tượng và hình dung ra 107 mục tiêu mình muốn thực hiện trước khi qua đời. Những mục tiêu này bao gồm tất cả mọi phương diện của cuộc sống, từ ăn tối trong Nhà Trắng, xuất hiện trên chương trình Tonight Show cùng với Johnny Carson, gặp mặt Đức Giáo hoàng, được làm huấn luyện viên tại Notre Dame, dẫn dắt đội tuyển tham dự chức vô địch quốc gia và chơi golf thành công. Tới nay, Lou đã thực hiện được 81 mục tiêu trong đó.

Hãy dành thời gian ghi lại 101 mục tiêu bạn muốn thực hiện trong đời. Hãy viết thật chi tiết, chú thích địa điểm, thời gian, kích thước, mô hình... Ghi lại vào những tấm card 4x6 cm, một trang sách hay một Cuốn sổ Mục tiêu. Mỗi lần thực hiện được một mục tiêu, hãy đánh dấu và viết chữ thắng lợi bên cạnh. Tôi đã lập danh sách 101 mục tiêu chính tôi muốn thực hiện trước khi qua đời và đã đạt được 58 mục tiêu trong vòng có 14 năm, bao gồm cả việc đi du lịch châu Phi, bay trên tàu lượn, học cách trượt tuyết, tham dự Thế vận hội Mùa hè và viết sách cho thiếu nhi.

BỨC THƯ CỦA Lý TIỂU LONG16

Lý Tiểu Long, một trong những diễn viên võ thuật vĩ đại nhất, đã hiểu rất rõ sức mạnh của việc tuyên bố mục tiêu. Nếu bạn có cơ hội tới thăm Planet Hollywood tại thành phố New York, hãy tìm xem bức thư treo trên tường mà Lý Tiểu Long tự viết cho bản thân. Bức thư đề ngày mùng Chín tháng Một năm 1970 và được đặt tên "Bí mật." Tiểu Long viết: "Đến năm 1980, tôi sẽ là diễn viên phương Đông nổi tiếng nhất tại Mỹ và sẽ sở hữu tổng tài sản trị giá 10 triệu đô la... Đổi lại, tôi sẽ thực hiện vai diễn tốt nhất mỗi lần xuất hiện trước ống kính và tôi sẽ sống trong thanh thản và hòa thuận."

Tiểu Long đã làm được ba bộ phim và đến năm 1973 xuất hiện trong bộ phim Long tranh Hổ đấu, bộ phim được công chiếu vào đúng năm anh mất đột ngột ở tuổi 33. Bộ phim đã thành công vang dội và nhờ đó, Lý Tiểu Long nổi tiếng trên toàn thế giới.

VIẾT CHO MìNH MỘT TẤM SéC

Vào khoảng năm 1990, khi Jim Carrey vẫn đang là một diễn viên hài kịch vô danh, phấn đấu để đến


được với Los Angeles, anh đã lái chiếc xe Toyota cũ của mình tới Mulholland Drive. Trong lúc đứng nhìn thành phố bên dưới và mơ ước về tương lai, anh tự viết cho mình một tấm séc trị giá 10 triệu đô la, ngày hưởng là vào dịp Lễ Tạ ơn năm 1995 với lý do "trả tiền thù lao diễn," và mang theo tấm séc bên mình từ đó. Phần còn lại của câu chuyện, như người ta vẫn nói, bạn biết cả rồi đấy. Tinh thần lạc quan và quyết tâm của Carrey cuối cùng cũng được đền đáp, và đến năm 1995, sau thành công vang dội của những bộ phim Ace Ventura: Pet Detective, The Mask, và Dumb & Dumber, tiền thù lao của anh đã lên tới 20 triệu đô la một phim. Khi cha Carrey mất vào năm 1994, anh đã đặt vào quan tài ông một tấm séc trị giá 10 triệu đô la để bày tỏ lòng kính trọng với người đã khơi dậy và nuôi dưỡng ước mơ trở thành ngôi sao của anh.

NHỮNG CâN NHẮC, NHỮNG NỖI LO SỢ, Và NHỮNG TRỞ NGẠI

Bạn cần biết rằng khi thiết lập mục tiêu, sẽ có ba điều gây cản trở cho hầu hết mọi người - chứ không riêng gì bạn. Nếu bạn biết rằng ba điều này là một phần trong quy trình, bạn sẽ biết cách đối phó với chúng - xử lý chúng - thay vì để chúng ngăn bước bạn.

Đây chính là ba chướng ngại vật trên con đường đi tới thành công của bạn, đó là những cân nhắc, những nỗi sợ hãi và những trở ngại.

Hãy thử suy nghĩ xem. Ngay khi nói bạn muốn tăng gấp đôi thu nhập trong năm sau, sau vài giây trong đầu bạn sẽ hiện lên những cân nhắc như Mình sẽ phải làm việc chăm chỉ gấp đôi; Mình sẽ không có thời gian dành cho gia đình; hay Vợ tôi sẽ giết chết tôi mất. Bạn cũng có thể có những suy nghĩ như Địa bàn hoạt động của tôi đã bão hòa rồi - tôi không thấy còn có phương pháp nào để kích thích các khách hàng hiện tại mua thêm sản phẩm nữa. Nếu bạn nói bạn sẽ tham gia chạy marathon, bạn có thể nghe thấy một giọng nói vang lên trong đầu Mình có thể bị thương mất, hay Hàng ngày mình sẽ phải dậy sớm hơn bình thường hai tiếng. Giọng nói ấy cũng có thể thủ thỉ với bạn rằng bạn đã quá tuổi chạy marathon rồi. Những suy nghĩ trên được gọi là những cân nhắc. Đây đều là những lý do tại sao bạn không nên cố gắng thực hiện mục tiêu - những lý do tại sao mục tiêu của bạn bất khả thi.

Tuy nhiên, đối mặt với những cân nhắc này là một việc tốt. Những cân nhắc chính là lý do bạn tự ngăn bước mình một cách vô thức. Giờ đây, khi bạn ý thức được, bạn có thể xử lý những cân nhắc đó, đối mặt và vượt qua chúng.

Sợ hãi, mặt khác, lại là cảm giác. Bạn có thể lo sợ bị từ chối, sợ thất bại, hay sợ tự biến mình thành đồ ngốc. Cũng có thể bạn lo sợ bị tổn thương về tinh thần hay vật chất. Hoặc bạn lo ngại sẽ mất toàn bộ số tiền mình dành dụm được. Những nỗi sợ hãi này rất phổ biến. Chúng chỉ là một phần của quá trình.


Cuối cùng, bạn sẽ nhận thức được những trở ngại. Đây đơn thuần chỉ là những ngoại cảnh - vượt ra ngoài suy nghĩ và cảm xúc trong đầu bạn. Một trở ngại có thể là không ai muốn tham gia cùng bạn trong dự án. Cũng có thể đó là bạn không có đủ tiền để đi tiếp. Có lẽ bạn cần tới những nhà đầu tư khác. Những trở ngại cũng có thể là chính quyền bang hay chính phủ đề ra những luật lệ cấm đoán bạn thực hiện điều bạn mong muốn. Có lẽ bạn cần đề xuất chính phủ thay đổi những luật lệ đó.

Stu Lichtman, một chuyên gia về xoay chuyển tình thế trong kinh doanh, đã tiếp quản một công ty giày nổi tiếng thế giới tại Maine. Công ty này đang trong trạng thái khủng hoảng tài chính, và gần như chắc chắn phá sản. Công ty vay nợ hàng triệu đô la, riêng nợ ngắn hạn cũng lên tới con số hai triệu đô la. Để thay đổi tình hình, Stu đàm phán bán một nhà máy không sử dụng gần biên giới Canada, mang lại cho công ty khoản tiền 600.000 đô la. Tuy nhiên, chính quyền Maine, chủ tín dụng nhà máy sẽ nắm giữ toàn bộ số tiền thu được. Do đó, Stu tới gặp thị trưởng Maine để thông báo cho ông ta về tình thế khó khăn hiện tại của công ty. ông nói: "Chúng tôi có thể bị phá sản. Khi đó, gần một nghìn công dân Maine sẽ bị mất việc, chính quyền bang sẽ thiệt hại hàng triệu đô la". Mặt khác, công ty và chính quyền có thể cùng theo đuổi kế hoạch của Stu, cứu sống công ty, giữ cho nền kinh tế địa phương ổn định, đảm bảo việc làm cho gần 1.000 người và xoay chuyển tình thế của công ty, chuẩn bị cho một vụ mua lại. Tuy nhiên, cách duy nhất để đạt được những mục tiêu đó là vượt qua những cản trở về quyền sở hữu của chính quyền bang với nhà máy. Thay vì để cản trở này ngăn bước, Stu đã quyết định đàm phán với người có thể xóa bỏ cản trở đó. Cuối cùng, chính quyền đã đồng ý.

Hiển nhiên, bạn có thể không gặp phải những cản trở đòi hỏi phải giải quyết với chính quyền. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mục tiêu của bạn lớn hay nhỏ, điều này vẫn có thể xảy ra.

Những cản trở chỉ đơn giản là những trở ngại thế giới bên ngoài gây ra cho bạn - trời mưa khi bạn đang có tổ chức hòa nhạc ngoài trời, vợ bạn không muốn chuyển tới Kentucky, bạn không có đủ hỗ trợ về mặt tài chính... Những cản trở chỉ đơn thuần là những tình huống thực tế mà bạn cần giải quyết để tiếp tục tiến bước. Chúng đang và sẽ luôn luôn tồn tại.

Thật không may, khi những cân nhắc, những nỗi lo sợ và những cản trở này ập tới, hầu hết mọi người đều coi đó là những chiếc đèn đỏ. Họ nói: "Giờ mình nghĩ, cảm thấy và hiểu ra điều này, mình thấy không nên theo đuổi mục tiêu này làm gì". Song tôi khuyên bạn không nên nhìn nhận những cân nhắc, lo sợ và cản trở như những tấm biển báo dừng lại mà nên coi đó là một phần tất yếu của cuộc chơi. Khi dọn bếp, bạn cần sẵn sàng đối mặt với bụi bặm. Bạn chỉ cần học cách xử lý tình huống đó. Tương tự, bạn cũng cần học cách đối mặt và xử lý những cân nhắc, lo sợ và cản trở.

Thực tế, những điều này chắc chắn sẽ xảy đến. Nếu không, chứng tỏ bạn đã không đề ra một mục tiêu


đủ lớn để thách thức và giúp bạn trưởng thành hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ không thể tự hoàn thiện bản thân.

Tôi luôn chào đón những cân nhắc, sợ hãi và cản trở khi chúng xuất hiện bởi nhiều khi, đó chính là những điều ngăn bước tôi trên đường đời. Khi tôi có thể nhận ra những suy nghĩ, cảm xúc và trở ngại vô thức đó, tôi có thể đối mặt, xử lý và giải quyết chúng. Nếu thực hiện được điều đó, tôi sẵn sàng đón nhận những bước tiến tiếp theo hơn nữa.

MỤC TIêU LàM CHỦ

Bạn mong muốn thiết lập được một mục tiêu đủ lớn để trong quá trình thực hiện mục tiêu đó, bạn có thể trở thành một con người xứng đáng.

JIM ROHN

Dĩ nhiên, lợi ích lớn nhất của việc vượt qua những cân nhắc, lo sợ và cản trở không nằm ở những phần thưởng về vật chất mà chính là quá trình hoàn thiện bản thân. Tiền bạc, xe hơi, nhà cửa, du thuyền, người bạn đời quyến rũ, quyền lực và danh vọng đều có thể ra đi - nhiều khi chỉ trong nháy mắt. Song điều còn lại mãi chính là phần trưởng thành trong con người bạn khi thực hiện mục tiêu đề ra.

Để đạt được một mục tiêu lớn, bạn cần phải trở thành một người vĩ đại hơn. Bạn cần phát triển những kỹ năng mới, thái độ mới, và khả năng mới. Bạn cần hoàn thiện bản thân, và trong quá trình đó, bạn sẽ trưởng thành hơn.

Ngày 20 tháng Mười năm 1991, một trận hỏa hoạn lớn lan khắp những ngọn đồi trù phú của hạt Oakland và Berkeley, bang California, thiêu rụi một tòa nhà trong vòng 10 giây, và sau suốt hơn mười giờ đồng hồ, phá hủy hoàn toàn 2800 ngôi nhà. Một người bạn tôi, cũng là một nhà văn, đã mất hết mọi tài sản, bao gồm toàn bộ thư viện, tài liệu nghiên cứu, và một bản thảo gần hoàn chỉnh của cuốn sách anh đang viết. Mặc dù anh trở nên trắng tay chỉ vài giờ đồng hồ, nhưng anh nhận ra rằng mặc dù hầu hết mọi tài sản đều bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn, con người anh - những kiến thức anh học được cũng như những kỹ năng và tính tự tin anh có được trong quá trình viết sách và quảng bá sách - vẫn còn nguyên trong anh và chưa bao giờ bị ngọn lửa tàn phá.

Bạn có thể đánh mất những tài sản vật chất, song không bao giờ bạn đánh mất quyền làm chủ - những kiến thức bạn học được và con người bạn trưởng thành trong quá trình thực hiện mục tiêu.

Tôi tin rằng chúng ta sinh ra trên đời này một phần để làm chủ những kỹ năng. Chúa Giêsu có thể biến


nước thành rượu, chữa lành vết thương cho mọi người, đi trên nước, và làm dịu bão tố. Ngài nói bạn và tôi cũng có thể làm được những việc này, và còn hơn thế nữa. Chúng ta chắc chắn có khả năng đó.

Ngày nay trên quảng trường thành phố tại Đức vẫn còn bức tượng Đức chúa, hai bàn tay đã bị thổi bay sau những trận bom dữ dội của Thế Chiến thứ Hai. Mặc dù những người dân trong thành phố có thể phục chế bức tượng từ hàng thập kỷ trước, song họ đã học được từ đó một bài học còn quan trọng hơn. Họ để một tấm bảng dưới chân bức tượng. Trên tấm bảng là dòng chữ "Bàn tay bạn chính là bàn tay của Đức Chúa." Chúa trời cần có bàn tay, chúng ta hoàn thành những nhiệm vụ của ngài trên mặt đất. Song để trở thành những người chủ và thực hiện được công việc lớn lao này, chúng ta cần sẵn sàng vượt qua những cân nhắc, lo sợ và cản trở.

HãY BẮT TAY THỰC HIỆN NGAY BâY GIỜ!

Trước khi chuyển sang chương sau, ngay bây giờ, hãy dành thời gian lập danh sách những mục tiêu bạn muốn thực hiện. Bạn cần chắc chắn những mục tiêu đó đo lường được (bao nhiêu, khi nào), và bao gồm mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Sau đó, hãy quyết định mục tiêu mang tính đột phá, ghi lại mục tiêu đó vào đằng sau danh thiếp và đặt vào trong ví. Sau đó, hãy lập danh sách 101 mục tiêu bạn muốn thực hiện trong đời. Hãy xác định rõ mục đích, tầm nhìn và mục tiêu sẽ đưa bạn lên top 3% những người thành công nhất thế giới. Để bước vào top 1% những người thành công, bạn cần viết lại một số bước hành động cụ thể sẽ giúp bạn đạt được mục tiêu. Sau đó nhớ thực hiện những hành động này.

Hãy suy nghĩ theo hướng sau. Nếu bạn xác định rõ mình muốn đi về đâu (mục tiêu) và bạn tiến vài bước theo hướng đó mỗi ngày, cuối cùng bạn sẽ tới đích. Nếu tôi hướng về phía Bắc của Santa Barbara và mỗi ngày đi năm bước, cuối cùng tôi sẽ tới San Francisco. Vì vậy, hãy xác định mong muốn của bạn, ghi lại mong muốn đó và đọc lại thường xuyên. Mỗi ngày hãy thực hiện vài hành động đưa bạn tới gần những mục tiêu đó hơn.


NGUYÊN TẮC 8: CHIA NHỎ VẤN ĐỀ

Bí quyết để thành công là bắt tay vào hành động. Bí quyết để bắt tay vào hành động là chia những nhiệm vụ lớn lao, phức tạp của bạn ra thành những việc nhỏ, dễ quản lý và sau đó bắt tay thực hiện công việc đầu tiên.

MARK TWAIN

Đôi khi, những mục tiêu lớn nhất trong cuộc đời chúng ta lại quá lớn lao. Chúng ta hiếm khi nhìn nhận những mục tiêu đó thành một chuỗi những nhiệm vụ nhỏ, dễ quản lý. Song trên thực tế, chia một mục tiêu lớn ra thành những nhiệm vụ nhỏ hơn và thực hiện từng nhiệm vụ chính là cách để đạt được bất kì mục tiêu lớn nào. Do vậy, sau khi bạn đã quyết định mình thực sự mong muốn điều gì và thiết lập những mục tiêu đo lường được trong khoảng thời gian xác định, bước tiếp theo chính là xác định tất cả các bước riêng rẽ cần thực hiện để đạt được mục tiêu.

PHƯƠNG PHáP CHIA NHỎ VẤN ĐỀ

Bạn có thể sử dụng một vài phương pháp để xác định các bước hành động cần thực hiện để đạt tới một mục tiêu. Phương pháp thứ nhất là tìm tới những người đã đạt được những điều bạn mong muốn và hỏi xem họ đã thực hiện những bước đi nào. Dựa trên kinh nghiệm của mình, họ có thể chỉ bảo cho bạn tất cả những bước đi cần thiết cũng như những lời khuyên về sai lầm cần tránh. Cách thứ hai là mua một cuốn sách hướng dẫn. Một phương pháp nữa là bắt đầu từ điểm kết thúc và nhìn nhận lại quá trình. Đơn giản, bạn chỉ cần nhắm mắt lại và tưởng tượng bây giờ chính là thời điểm trong tương lai, khi bạn đã thực hiện được mục tiêu. Sau đó, bạn chỉ cần nhìn lại và xét xem bạn đã phải làm những gì để đạt tới vị trí hiện tại. Việc cuối cùng bạn làm là gì? Và việc gần đó nhất thì sao... Cứ như thế cho tới khi bạn hiểu ra nhiệm vụ đầu tiên bạn thực hiện.

Hãy nhớ rằng, bạn không cần phải biết cách thực hiện. Bạn có thể hỏi xin chỉ dẫn và lời khuyên từ những người đi trước. Đôi khi, người ta cho không bạn nhưng cũng có khi bạn phải trả tiền cho những lời khuyên đó. Hãy học lấy thói quen đặt câu hỏi: "Bạn có thể chỉ cho tôi phương pháp thực hiện...?"; "Tôi sẽ phải làm gì để...?" và "Bạn đã làm cách nào để...?" Hãy tiếp tục nghiên cứu và hỏi han cho tới khi bạn xây dựng được một kế hoạch hành động thiết thực có thể đưa bạn từ xuất phát điểm hiện tại tới vạch đích mục tiêu.

Bạn cần phải làm gì? Bạn cần bao nhiêu tiền? Bạn cần học hỏi những kỹ năng gì mới? Bạn cần huy động những nguồn lực nào? Bạn cần hỏi xin trợ giúp từ những ai? Bạn cần hình thành những thói quen


hay kỉ luật nào?

Một phương pháp hữu hiệu để xây dựng kế hoạch hành động cho những mục tiêu của bạn có tên là sơ đồ tư duy17.

SỬ DỤNG PHƯƠNG PHáP SƠ ĐỒ TƯ DUY

Sơ đồ tư duy là một phương pháp đơn giản nhưng hữu hiệu trong việc xây dựng một danh sách chi tiết những công việc cần thực hiện để đạt tới mục tiêu của bạn. Phương pháp này giúp bạn xác định những thông tin cần thu thập, những người cần trò chuyện, những bước đi nhỏ cần thực hiện, số lượng tiền cần có, thời gian cần hoàn thành... đối với từng mục tiêu đề ra.

Khi tôi bắt đầu thực hiện album thu thanh giáo dục đầu tiên - một mục tiêu mang tính đột phá đã đưa tôi cùng sự nghiệp của mình tới những thành công phi thường - tôi đã sử dụng sơ đồ tư duy để chia nhỏ mục tiêu lớn lao đó thành những nhiệm vụ nhỏ cần thực hiện để hoàn thành album.18

Sơ đồ tư duy đầu tiên tôi xây dựng có tại trang tiếp theo. Để vẽ sơ đồ tư duy cho những mục tiêu của mình, bạn cần thực hiện theo những bước sau:

1. Vòng tròn trung tâm: Trong vòng tròn trung tâm, ghi lại mục tiêu bạn đề ra - trong trường hợp của tôi, đó là Xây dựng Chương trình Đào tạo bằng âm thanh.

2. Những vòng tròn bên ngoài: Tiếp theo, chia mục tiêu thành những phân mục nhiệm vụ chính cần thực hiện - trong trường hợp này, đó là Tựa đề, Trường quay, Chủ đề, Khán giả...

3. Đường kẻ: Bước tiếp theo, hãy vẽ những đường kẻ xuất phát từ từng vòng tròn nhỏ và đặt tên cho từng đường (ví dụ: Soạn thảo nội dung, Tạo màu cho Trang bìa và Sắp xếp ăn trưa). Trên một đường kẻ riêng biệt nối với từng đường tròn nhỏ, hãy viết từng bước bạn cần thực hiện. Chia nhỏ mỗi bước ra thành những hành động nhỏ. Nhờ đó, bạn có thể xây dựng được danh sách những công việc cần thực hiện.

BƯỚC TIẾP THEO, HãY XâY DỰNG DANH SáCH NHỮNG VIỆC CẦN LàM HàNG NGàY

Sau khi đã hoàn thành sơ đồ tư duy, hãy chuyển tất cả những danh mục cần thực hiện vào kế hoạch hành động hàng ngày của bạn và đặt ra thời gian hoàn thành cho từng nhiệm vụ. Sau đó, lên lịch cho từng nhiệm vụ đó, ghi lại trong lịch và hãy làm hết sức để thực hiện đúng kế hoạch đề ra.

HãY THỰC HIỆN NHỮNG CôNG VIỆC QUAN TRỌNG TRƯỚC TIêN


Bạn cần đặt mục tiêu thực hiện đúng lịch trình và hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng trước. Trong cuốn sách xuất sắc Eat That Frog? 21 Great Ways to Stop Procrastinating and Get More Done in Less Time, Brian Tracy đã tiết lộ phương pháp chế ngự sự chần chừ cũng như cách thức xếp hạng ưu tiên và hoàn thành tất cả những danh mục hành động của bạn.

Trong hệ thống độc đáo của mình, Brian khuyên những người xác lập mục tiêu nên xác định từ một tới năm điều bạn phải hoàn thành trong ngày, sau đó chọn ra điều bạn phải làm trước tiên. Đây sẽ là chú ếch to lớn và xấu xí nhất của bạn. Sau đó, ông đề xuất bạn nên hoàn thành nhiệm vụ đó đầu tiên - hay ăn con ếch đó trước tiên - nhờ đó, thời gian còn lại trong ngày của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Đó là một chiến lược tuyệt vời. Song, thật không may, hầu hết chúng ta lại để chú ếch to lớn và xấu xí nhất đó tới tận cuối cùng với hi vọng nó sẽ bỏ đi hay sẽ trở nên dễ nuốt hơn bằng cách nào đó. Điều đó không bao giờ xảy ra. Tuy nhiên, khi bạn hoàn thành nhiệm vụ khó khăn nhất trong ngày, thời gian còn lại sẽ trôi chảy hơn. Bạn sẽ có động lực và tự tin, hai điều sẽ đưa bạn đi xa hơn và tiến tới mục tiêu bạn đề ra nhanh hơn.

HãY LêN KẾ HOẠCH CHO NGàY HôM SAU NGAY TỪ TỐI HôM TRƯỚC

Một trong những công cụ hữu hiệu mà những người thành đạt sử dụng để chia nhỏ mục tiêu, giành quyền kiểm soát cuộc sống và nâng cao năng suất làm việc chính là lên kế hoạch cho ngày hôm sau ngay từ tối hôm trước. Có hai nguyên nhân giải thích tại sao đây lại là một chiến lược thành công hữu hiệu:

1. Nếu bạn lên kế hoạch cho ngày hôm sau từ tối hôm trước - lập danh sách những việc cần làm và dành vài phút hình dung xem bạn muốn ngày hôm đó diễn ra thế nào - phần trí não vô thức của bạn sẽ xem xét những nhiệm vụ này suốt cả đêm. Nó sẽ nghĩ ra những phương pháp sáng tạo để giải quyết mọi vấn đề, vượt qua mọi trở ngại và đạt được những kết quả bạn mong muốn. Và nếu theo vài lý thuyết vật lý lượng tử mới, phần trí não vô thức sẽ truyền đi năng lượng hấp dẫn những con người và nguồn lực bạn cần để thực hiện mục tiêu.

2. Thông qua việc lên kế hoạch cho ngày hôm sau từ tối hôm trước, bạn có thể khởi động ngày mới suôn sẻ. Bạn biết được chính xác mình sẽ làm gì, thực hiện việc gì trước, việc gì sau, và bạn đã tập hợp được mọi nguồn lực cần thiết. Nếu bạn cần gọi năm cuộc điện thoại, bạn nên viết lại theo trật tự thực hiện từng cuộc gọi, ghi số điện thoại bên cạnh tên người cần gọi và chuẩn bị tất cả tài liệu cần thiết. Đến giữa buổi sáng, bạn sẽ tiến xa hơn hầu hết những người phí hoài nửa giờ mỗi ngày dọn dẹp bàn làm việc, lên danh sách, tìm kiếm những giấy tờ cần thiết - hãy nói ngắn gọn, chuẩn bị sẵn sàng để làm việc.


SỬ DỤNG HỆ THỐNG TẬP TRUNG CỦA NHỮNG NGƯỜI THàNH ĐẠT19

Một công cụ hữu hiệu giúp bạn tập trung thực hiện tất cả những mục tiêu đặt ra trong bảy lĩnh vực là Hệ thống Tập trung của Những người Thành đạt. Hệ thống này do Les Hewitt, thuộc Chương trình đào tạo Những người Thành đạt đưa ra. Đây là một biểu mẫu bạn có thể sử dụng để lập kế hoạch và tự quản lý những mục tiêu và các bước hành động trong vòng 13 tuần. Bạn có thể tải xuống một bản sao của biểu mẫu này cũng như những hướng dẫn sử dụng tại trang web


NGUYÊN TẮC 9: ĐÃ CÓ BIỂN CHỈ LỐI TỚI CON ĐƯỜNG THÀNH CÔNG

Đã có biển chỉ lối tới con đường thành công. ANTHONY ROBBINS - Tác giả cuốn Unlimited Power

Điều tuyệt vời của việc được sống trong thế giới phát triển và có nhiều cơ hội như ngày nay chính là hầu hết mọi thứ bạn muốn làm đều đã có người thực hiện. Dù rằng bạn muốn giảm cân, tham gia chạy marathon, thành lập doanh nghiệp, độc lập về tài chính, chiến thắng căn bệnh ung thư chết người, hay tổ chức tiệc ăn tối - đều đã có người thực hiện và để lại cho bạn những tấm biển chỉ lối dưới dạng sách, báo, băng thu thanh, băng hình, các lớp học, các khóa học trực tuyến, hay các buổi hội thảo.

AI Là NGƯỜI Đã THỰC HIỆN THàNH CôNG NHỮNG ĐIỀU BẠN MONG MUỐN?

Nếu bạn muốn trở thành triệu phú ở độ tuổi nghỉ hưu, bạn có thể tham khảo hàng trăm cuốn sách, từ The Automatic Millionaire tới The One Minute Millionaire, và các buổi hội thảo như "Millionaire Mind" của Harve Eker, hay "Money and You"20 của Marshall Thurber và D. C. Cordova. Bạn cũng có thể tìm hiểu các nguồn tài liệu hướng dẫn cách kiếm tiền nhờ đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu, mở doanh nghiệp riêng, trở thành người bán hàng xuất sắc và thậm chí bán hàng trên Internet.

Nếu bạn muốn quan hệ vợ chồng tốt đẹp hơn, bạn có thể đọc cuốn Đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim của John Gray; dự một số buổi hội thảo hay tham gia khóa học trực tuyến "The Conscious Relationship" của Gay và Kathlyn Hendricks.

Đã có sách và các khóa học hướng dẫn dành cho hầu hết mọi việc bạn muốn thực hiện. Tốt hơn, bạn có thể gọi điện cho những người đã thực sự thành công trong những việc bạn muốn làm và những người đó hiện đang là giáo viên, cố vấn hay tư vấn.

Khi tận dụng được nguồn thông tin này, bạn sẽ hiểu ra cuộc đời chỉ đơn giản là trò chơi nối các điểm và tất cả những điểm đều đã có người tìm ra và sắp xếp. Tất cả những việc bạn cần làm là đi theo chỉ dẫn, sử dụng hệ thống hay làm việc theo chương trình được cung cấp.

TẠI SAO MỌI NGƯỜI KHôNG TìM KIẾM NHỮNG TẤM BIỂN CHỈ LỐI?

Khi tôi chuẩn bị ghi hình cho chương trình tin tức buổi sáng tại Dallas, tôi đã hỏi người thợ trang điểm của trường quay mục tiêu dài hạn của cô là gì. Cô trả lời, cô luôn nghĩ về việc mở một thẩm mỹ viện riêng. Tôi lại hỏi cô ta đã làm gì để thực hiện mục tiêu của mình.


"Chẳng gì cả", cô ta đáp, "vì tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu."

Tôi gợi ý cô ta nên mời người chủ một thẩm mỹ viện ăn trưa và hỏi người này xem cô ta đã bắt đầu kinh doanh như thế nào.

Người thợ trang điểm thốt lên: "Tôi có thể làm thế sao?"

Tất nhiên là bạn cũng có thể làm như vậy. Thực tế, có lẽ bạn cũng từng nghĩ tới việc hỏi xin lời khuyên từ một chuyên gia song lại chối bỏ ý tưởng đó do suy nghĩ: Tại sao người ta lại phải tốn thời gian nói cho mình biết họ đã làm gì? Tại sao người ta lại đi giúp mình để tự tạo thêm cạnh tranh cho công việc kinh doanh của họ? Hãy xóa bỏ tất cả những suy nghĩ này. Bạn sẽ thấy rằng, hầu hết mọi người đều thích nói về việc họ đã xây dựng công ty hay thực hiện mục tiêu như thế nào.

Song thật không may, cũng giống như người thợ trang điểm tại Dallas, hầu hết chúng ta không biết cách tận dụng những nguồn lực sẵn có. Có một vài nguyên nhân cho hiện tượng này:

• Chúng ta chưa từng nghĩ đến điều này. Chúng ta không thấy ai quanh mình sử dụng những nguồn lực đó, vì thế, chúng ta cũng bước theo họ. Cha mẹ không. Bạn bè không. Đồng nghiệp cũng không sử dụng những nguồn lực đó.

• Điều này không hề dễ dàng. Chúng ta sẽ phải đi tới tiệm sách, thư viện hay trường đại học tại địa phương. Chúng ta sẽ phải lái xe dọc thành phố để tới nơi hẹn. Chúng ta sẽ phải bỏ bớt thời gian xem ti vi bên gia đình hay bạn bè.

• Hỏi xin lời khuyên của người khác sẽ khơi dậy nỗi lo sợ bị từ chối của chúng ta. Chúng ta sợ rủi ro.

• Nối các điểm theo phương pháp mới đồng nghĩa với thay đổi và thay đổi - ngay cả khi phục vụ lợi ích của chúng ta - cũng không lấy gì làm dễ chịu. Liệu có ai muốn vậy?

• Kết nối các điểm là một công việc vất vả và nói một cách thẳng thắn, hầu hết mọi người đều không thích phải làm việc vất vả như vậy.

TìM KIẾM NHỮNG TẤM BIỂN CHỈ LỐI

Có ba cách giúp bạn tìm kiếm những tấm biển chỉ lối:

1. Tìm một thầy cô giáo, một người cố vấn; một cuốn sách, băng thu thanh hay các nguồn lực trên Internet giúp bạn thực hiện mục tiêu chính.


2. Tìm kiếm một người đã thực hiện thành công những việc bạn muốn làm và hỏi xin phỏng vấn trong vòng nửa giờ để tìm hiểu xem bạn có thể tiến hành theo cách nào là tốt nhất.

3. Hỏi xin được quan sát một người trong vòng một ngày hay đề nghị được làm việc tình nguyện trợ lý hay thực tập sinh cho ai đó mà bạn nghĩ mình có thể học hỏi từ người này.


NGUYÊN TẮC 10: LOẠI BỎ NHỮNG CHIẾC PHANH KÌM HÃM

Mọi điều bạn mong muốn đều nằm ngoài vùng an toàn của bạn. ROBERT ALLEN

Đồng tác giả cuốnThe One Minute Millionaire

Bạn đã bao giờ đang lái xe thì đột nhiên nhận ra mình đang để phanh gấp chưa? Bạn có nhấn ga mạnh hơn để chiến thắng lực kéo của phanh không? Không, hiển nhiên là không rồi. Bạn đơn giản chỉ nhả phanh... và không còn lực cản nào, bạn sẽ đi nhanh hơn.

Hầu hết mọi người đều lái xe xuyên suốt cuộc đời với chiếc phanh tâm lý đang nhấn. Họ giữ những hình ảnh tiêu cực về bản thân hay không thoát ra nổi những ấn tượng mạnh mẽ song không mấy tốt đẹp trong quá khứ. Họ tự chui vào một môi trường thoải mái của riêng mình. Họ giữ những niềm tin sai lệch về sự thật hay nuôi dưỡng những suy nghĩ tội lỗi và những nghi ngờ về bản thân. Và khi họ cố gắng thực hiện những mục tiêu của mình, những hình ảnh tiêu cực cũng như những môi trường thoải mái đã được lập trình sẵn luôn cản trở những dự định tốt đẹp của họ - dù cho họ có cố gắng tới đâu.

Mặt khác, những người thành đạt đã khám phá ra rằng, thay vì sử dụng sức mạnh ý chí làm động cơ để đi tới thành công, đơn giản bạn chỉ cần "loại bỏ những chiếc phanh kìm hãm" bằng cách xóa bỏ hay thay thế những niềm tin tự hạn chế và thay đổi hình ảnh về bản thân.

BƯỚC RA KHỎI VùNG AN TOàN CỦA BẠN

Hãy coi vùng an toàn chính là nhà tù đang giam cầm bạn - một nhà tù lớn do chính bạn lập lên. Nhà tù đó bao gồm: không thể, bắt buộc, không được và những niềm tin không có cơ sở khác - tất cả đều bắt nguồn từ những suy nghĩ và những quyết định tiêu cực bạn đã tự tích lũy và hình thành trong cuộc đời.

Có lẽ, bạn thậm chí còn được đào tạo để tự giới hạn bản thân. ĐỪNG NGU NGỐC NHƯ CHú VOI NàY

Một con voi khi còn nhỏ chỉ được sinh hoạt hạn chế trong một không gian nhỏ hẹp. Người huấn luyện sẽ trói chân nó vào một sợi dây thừng buộc vào cột gỗ chôn sâu dưới đất. Như vậy, con voi chỉ được di chuyển hạn chế trong phạm vi giới hạn bởi sợi dây thừng - vùng an toàn của nó. Mặc dù lúc đầu con voi cố gắng dứt bỏ sợi dây song sợi dây quá cứng cáp và con voi nhỏ nhận ra nó không thể giật đứt


được sợi dây thừng. Nó học được rằng, nó phải ở trong không gian giới hạn bởi sợi dây.

Khi con voi nhỏ lớn lên, trở thành một chú voi khổng lồ cân nặng tới năm tấn và có thể dễ dàng giật đứt sợi dây thừng song nó thậm chí còn không thử làm việc đó bởi nó đã học được từ khi còn nhỏ rằng sẽ không thể giật đứt được sợi dây đó. Do vậy, một con voi khổng lồ cũng có thể bị trói bởi một sợi dây thừng nhỏ.

Có lẽ, câu chuyện này cũng phần nào miêu tả chính bạn - vẫn đang bị mắc kẹt trong vùng an toàn được giới hạn bởi một vật nhỏ bé và yếu ớt như sợi dây thừng nhỏ đã giam giữ chú voi. Sợi dây thừng của bạn được tạo nên bởi những hình ảnh và những niềm tin tự hạn chế mà bạn đã nhận được khi còn nhỏ. Nếu bạn thấy chính mình trong câu chuyện này thì tin vui là bạn hoàn toàn có thể thay đổi vùng an toàn của mình. Bằng cách nào? Bạn có ba phương pháp khác nhau:

1. Bạn có thể dùng những lời quả quyết và những bài độc thoại tích cực để khẳng định rằng bạn đang có được những điều mình mong muốn, đang thực hiện những ước mơ của mình và đang hành động như chính con người bạn.

2. Bạn có thể tạo dựng những hình ảnh thuyết phục và mạnh mẽ bên trong chính con người bạn.

3. Bạn cũng có thể thay đổi hành vi của mình.

Tất cả ba phương pháp trên sẽ giúp bạn thoát ra khỏi vùng an toàn trước đây. ĐỪNG TIẾP TỤC NHỮNG TRẢI NGHIỆM GIỐNG NHAU

Một khái niệm quan trọng mà những người thành đạt đều hiểu rõ đó là bạn không bao giờ bị mắc kẹt. Bạn chỉ liên tục tạo ra những trải nghiệm giống nhau do giữ nguyên những suy nghĩ, những niềm tin, những câu nói và những hành động giống nhau.

Thông thường, chúng ta bị mắc kẹt trong một cái vòng luẩn quẩn. Suy nghĩ hạn chế của chúng ta tự dựng nên những hình ảnh trong tâm trí, và những hình ảnh này chi phối hành động, rồi những hành động này, theo vòng, lại củng cố những suy nghĩ hạn chế trong đầu. Hãy hình dung tình huống bạn quên mất phần nội dung đã chuẩn bị cho bài thuyết trình tại công ty. ý nghĩ này gợi bạn hình dung tới cảnh mình quên mất một luận điểm chính cần trình bày. Hình ảnh đó làm dấy lên cảm giác lo sợ. Nỗi lo sợ này lại phủ bóng đen lên khả năng suy nghĩ mạch lạc của bạn, khiến bạn thực sự quên mất một luận điểm chính. Do vậy, ý niệm rằng mình không thể nói trước đám đông lại càng được củng cố trong đầu bạn. Thấy chưa, mình đã biết là mình sẽ quên mất những vấn đề cần trình bày. Mình không thể thuyết trình


trước đám đông được.

Nếu bạn cứ tiếp tục phàn nàn về tình cảnh hiện tại, trí não bạn sẽ tiếp tục tập trung vào tình cảnh đó. Chính bởi bạn liên tục nói, nghĩ và viết về cách thức mọi việc đang diễn ra, bạn sẽ tiếp tục củng cố lối mòn trong não bạn - lối mòn đã dẫn bạn tới xuất phát điểm hôm nay. Thêm vào đó, bạn sẽ tiếp tục phát ra những tín hiệu thu hút những con người và tình huống như hiện tại.

Để thay đổi vòng tròn luẩn quẩn này, bạn phải tập trung suy nghĩ, nói và viết về những điều bạn muốn đạt được. Bạn cần lấp đầy phần não vô thức của mình với những suy nghĩ và hình ảnh về "sự thực" mới mẻ đó.

Những vấn đề to lớn chúng ta phải đối mặt không thể được giải quyết với cùng một trình độ suy nghĩ đã tạo ra chúng.

ALBERT EINSTEIN

Nhà vật lý học đã từng được trao giải thưởng Nobel TàI CHíNH CỦA BẠN ĐANG Ở MỨC NàO?

Môi trường thoải mái của bạn hoạt động giống như cách thức vận hành của chiếc máy điều hòa nhiệt độ trong nhà bạn. Khi nhiệt độ trong phòng tiến tới mức nhiệt độ bạn cài đặt, chiếc máy sẽ truyền tín hiệu điện tới bộ phận sưởi nóng hay điều hòa để bật hoặc tắt bộ phận đó. Khi nhiệt độ trong phòng bắt đầu thay đổi, những tín hiệu điện sẽ tiếp tục phản ứng với những thay đổi này và giữ cho nhiệt độ trong phòng nằm ở mức được cài đặt.

Tương tự như vậy, bạn cũng sở hữu một chiếc máy điều hòa tâm lý bên trong, chiếc máy này sẽ điều chỉnh mức độ hiệu quả của bạn ở thế giới bên ngoài. Thay vì truyền đi những tín hiệu điện, bộ máy điều chỉnh hiệu năng của bạn sẽ sử dụng những tín hiệu lo lắng, khó chịu để giữ bạn trong vùng an toàn. Khi hành vi của bạn bắt đầu tiến tới ngưỡng của môi trường đó, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy không an toàn. Nếu bề ngoài bạn chỉ cảm nhận được hình ảnh mình đang nắm giữ một cách vô thức, thì bên trong cơ thể bạn sẽ gửi đi những tín hiệu căng thẳng về tinh thần và thiếu thoải mái về thể chất tới hệ thống. Để tránh những cảm giác không dễ chịu đó, bạn sẽ vô thức co cụm lại trong môi trường thoải mái của mình.

Cha dượng tôi, một giám đốc bán hàng khu vực của NCR, đã nhận ra mỗi nhân viên của mình đều có nhận thức riêng về người bán hàng trong họ. Đó là một người bán hàng với thu nhập 2000 đô la hay


3000 đô la một tháng.

Nếu một nhân viên bán hàng tự nhận thức anh ta kiếm được 3000 đô la tiền hoa hồng một tháng, thì mỗi khi anh ta đã được từng ấy thu nhập ngay trong tuần đầu tiên của tháng, những tuần còn lại tiền hoa hồng của anh ta sẽ giảm xuống.

Mặt khác, nếu đã tới gần hết tháng mà anh ta chỉ kiếm được 1500 đô la tiền hoa hồng, anh ta sẽ làm việc 16 giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần, đưa ra các đề xuất bán hàng mới và làm mọi việc để đạt tới mức 3000 đô la trong tháng đó.

Dù trong tình huống nào, một người tự nhận thức mình thu được 36.000 đô la sẽ luôn đạt được khoản thu nhập đó. Nếu không, họ sẽ cảm thấy không thoải mái.

Tôi còn nhớ có một năm, cha dượng tôi đi bán máy thu ngân trong đêm giao thừa. Quá nửa đêm, ông vẫn chưa về vì ông có mục tiêu bán thêm hai chiếc máy nữa để đủ tiêu chuẩn cho một chuyến du lịch tới Hawaii - công ty thưởng cho những nhân viên bán hàng vượt mức chỉ tiêu hàng năm. ông luôn được thưởng một chuyến du lịch như vậy trong vài năm trước, nên bản thân không cho phép ông thất bại năm đó. ông đã thành công và được hưởng chuyến du lịch. Vùng an toàn không cho phép ông thực hiện ít hơn điều đó.

Bạn hãy hình dung một tình huống tương tự đối với tài khoản tiết kiệm của bạn. Một số người thấy hài lòng nếu họ có tài khoản tiết kiệm trị giá 2000 đô la. Những người khác sẽ không vui nếu trong tài khoản tiết kiệm có ít hơn tám tháng thu nhập - hay tương đương 32.000 đô la. Tuy vậy, một số người vẫn vui mặc dù không có khoản tiết kiệm nào và nợ thẻ tín dụng lên tới 25.000 đô la.

Nếu người muốn tiết kiệm 32.000 đô la phải bỏ ra một khoản chi phí y tế bất thường trị giá 16.000 đô la, anh ta sẽ cắt giảm chi tiêu, làm việc ngoài giờ, bán ga-ra để xe - hay bất kì việc gì để đưa số tiền trong tài khoản tiết kiệm trở lại con số 32.000 đô la. Tương tự như vậy, nếu anh ta bất ngờ được thừa hưởng một món tiền, anh ta sẽ tiêu pha sao cho chỉ còn lại 32.000 đô la tiết kiệm - môi trường thoải mái của anh ta.

Chắc hẳn, bạn đã từng nghe nói hầu hết những người trúng xổ số đều đánh mất, tiêu pha, hoang phí hay cho đi tất cả khoản tiền trúng thưởng đó chỉ trong vòng một vài năm. Thực tế, 80% những người trúng xổ số tại Mỹ đều đệ đơn phá sản trong vòng năm năm! Nguyên nhân nằm ở chỗ họ đã không tự hình thành cho mình cách tư duy của những nhà triệu phú. Do đó, một cách vô thức, họ tái tạo hiện thực phù hợp với cách tư duy trước đó của mình. Họ cảm thấy không thoải mái khi sở hữu quá nhiều tiền, do vậy họ tìm cách để trở lại với vùng an toàn trước kia của mình.


Chúng ta cùng có một vùng an toàn giống nhau về loại hình nhà hàng, khách sạn, xe hơi, nhà ở, quần áo, kỳ nghỉ và những người muốn giao du.

Nếu bạn từng đi dọc Fifth Avenue ở New York hay Rodeo Drive tại Beverly Hills, có lẽ bạn sẽ trải qua cảm giác đi vào một cửa hiệu và ngay lập tức cảm thấy mình không thuộc về nơi đó. Cửa hàng đó quá sang trọng với bạn. Bạn cảm thấy như cá bị mắc cạn. Đó chính là khi cơ chế vùng an toàn trong bạn đang vận hành.

HãY THAY ĐỔI HàNH VI

Khi tôi mới chuyển tới Los Angeles lần đầu tiên vào năm 1981, vị giám đốc mới đã đưa tôi đi mua quần áo tại một cửa hàng thời trang nam sang trọng tại Westwood. Trước đó, cái áo đắt tiền nhất của tôi cũng chỉ trị giá 35 đô la, được mua tại Nordstorm. Chiếc áo rẻ tiền nhất tại cửa hàng này có giá tới 95 đô la. Tôi cảm thấy choáng váng và toát mồ hôi hột. Trong khi vị giám đốc mới mua rất nhiều đồ, tôi chỉ mua một chiếc áo thiết kế kiểu ý có giá 95 đô la. Tôi đã đi quá xa khỏi vùng an toàn của mình, tôi cảm thấy không thể thở nổi. Tuần tiếp theo, tôi mặc chiếc áo mới mua và cảm thấy kinh ngạc bởi chiếc áo vừa vặn biết bao, mặc chiếc áo vào cảm thấy thích biết bao và trông tôi rất bảnh bao khi mặc nó. Sau vài tuần mặc chiếc áo, tôi thật sự yêu thích nó. Trong vòng một tháng, tôi mua thêm một chiếc nữa. Trong vòng một năm, tôi chỉ mặc những chiếc áo tương tự. Dần dần, vùng an toàn của tôi đã thay đổi bởi tôi đã quen với những thứ tốt hơn dù đắt tiền hơn.

Khi tôi còn làm việc cho một khoa của Million Dollar Forum và Income Builders International - hai tổ chức chuyên về đào tạo cách trở thành triệu phú - tất cả mọi khóa học đều được tổ chức tại khách sạn Ritz-Carlton ở bãi biển Laguna, California; khách sạn Hilton tại Hawaii và các khách sạn nghỉ dưỡng sang trọng khác. Nguyên nhân của sự sắp xếp này là để những người tham gia quen với cảm giác được đối xử như tầng lớp thượng lưu. Đó là một phần trong công tác mở rộng môi trường thoải mái - thay đổi sự tự nhận thức về bản thân của họ. Mọi khóa đào tạo đều có một bữa tiệc khiêu vũ và ăn tối sang trọng. Đối với rất nhiều học viên, đó là lần đầu tiên họ được tham gia và một dịp sang trọng như vậy - vùng an toàn của họ được mở rộng.

THAY ĐỔI ý NIỆM VỀ BẢN THâN BẰNG NHỮNG KHẲNG ĐỊNH

Tôi luôn tin tưởng vào phép màu. Những lúc rảnh rỗi, tôi ra ngoài vào mỗi tối, ngồi trên Mulholland Drive, nhìn ra thành phố, giang rộng hai tay và nói: "Mọi người đều muốn làm việc cùng mình. Mình thực sự là một diễn viên giỏi. Mình được mời đóng mọi bộ phim kinh điển." Tôi cứ nhắc đi nhắc lại những lời đó, dần dần tự thuyết phục mình rằng tôi sắp được mời đóng phim. Tôi lái xe xuống đồi,


chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để đón chào mọi việc: "Những lời mời đóng phim đang chờ ta, chỉ có điều ta chưa nghe thấy thôi." Những lời đó giống như những khẳng định, những liều thuốc giải giúp tôi thoát khỏi khó khăn do hoàn cảnh gia đình tạo nên.

JIM CARREY

Diễn viên

Một phương pháp để mở rộng vùng an toàn của bạn là bơm thật nhiều ý tưởng và hình ảnh mới vào trí não vô thức của bạn - về một tài khoản ngân hàng khổng lồ, một thân hình khỏe mạnh, cân đối, một công việc hấp dẫn, những người bạn thú vị, những kỳ nghỉ đáng nhớ - về những mục tiêu của bạn khi đã được thực hiện. Phương pháp này có tên gọi những lời khẳng định. Khẳng định là một tuyên bố miêu tả mục tiêu trong trạng thái đã được thực hiện, ví như "Tôi đang ngắm cảnh hoàng hôn từ ban công ngôi biệt thự xinh đẹp bên bãi biển La'anapali tại Maui của tôi" hay "Tôi đang tận hưởng cảm giác nhẹ nhõm và tràn đầy sinh lực với một thân hình lí tưởng."

CHíN ĐƯỜNG LỐI GIúP XâY DỰNG NHỮNG KHẲNG ĐỊNH HIỆU QUẢ

Để đạt được hiệu quả cao nhất, những khẳng định của bạn cần được xây dựng dựa trên chín đường lối sau:

1. Bắt đầu với Tôi là/ đang. Cụm từ Tôi là/ đang có sức mạnh lớn nhất trong mọi ngôn từ. Trí não vô thức thu nhận mọi câu bắt đầu với Tôi là/ đang và diễn dịch nó như một mệnh lệnh - một chỉ thị cần thực hiện.

1. Sử dụng thì hiện tại đơn giản. Miêu tả những điều bạn mong muốn như khi bạn đã thực sự đạt được những điều đó.

Sai: Tôi sẽ sở hữu một chiếc Porche 911 Carrera mới màu đỏ.

Đúng: Tôi đang tận hưởng cảm giác lái chiếc Porche 911 màu đỏ của chính mình.

2. Sử dụng thể khẳng định. Hãy khẳng định những điều bạn mong muốn, chứ không phải những điều ngược lại. Hãy trình bày ở thể khẳng định. Trí não vô thức không nghe được từ "không/ đừng." Như vậy, câu "Đừng đóng sập cửa" sẽ được trí não vô thức hiểu rằng "Hãy đóng sập cửa." Trí não vô thức suy nghĩ bằng hình ảnh, do vậy, câu "Đừng đóng sập cửa" sẽ gợi lên hình ảnh cánh cửa bị đóng sập lại. Câu "Mình không còn sợ đi máy bay nữa," tương tự, sẽ khơi lên hình ảnh sợ bay, trong khi đó, câu "Mình thích cảm giác được bay" gợi lên hình ảnh và cảm giác hưng phấn.

Sai: Mình không còn sợ đi máy bay nữa. Đúng: Mình thích cảm giác được bay.

1. Trình bày thật ngắn gọn. Hãy coi những khẳng định của bạn giống như một bài hát quảng cáo. Mỗi từ ngữ trong đó trị giá 1000 đô la. Do đó, nó cần được trình bày thật ngắn gọn và dễ nhớ.

2. Trình bày thật cụ thể. Những khẳng định mơ hồ sẽ đem tới những kết quả mơ hồ.

Sai: Tôi đang lái chiếc xe mới màu đỏ của mình.

Đúng: Tôi đang được lái chiếc Porche 911 Carrera màu đỏ của mình.

3. Kể tới một hành động đang diễn ra. Miêu tả hành động đang trong trạng thái diễn ra sẽ tăng thêm hiệu ứng tạo ra hình ảnh nó đang được thực hiện.

Sai: Tôi thể hiện mình một cách cởi mở và chân thành.

Đúng: Tôi đang tự tin thể hiện mình một cách cởi mở và chân thành.

4. Bao hàm ít nhất một từ ngữ thể hiện hay miêu tả cảm xúc tích cực. Hãy diễn tả cảm xúc của bạn như khi bạn đã thực hiện được mục tiêu đó. Một số từ thông dụng như: đang tận hưởng, thích thú, hạnh phúc, đáng tự hào, điềm tĩnh, thanh thản, hứng khởi, nhiệt huyết, đầy yêu thương, an toàn, thanh bình và thắng lợi.

Sai: Tôi đang giữ mức cân nặng lí tưởng là 66kg.

Đúng: Tôi thấy mình nhanh nhẹn và sung sức với cân nặng 66kg.

Hãy lưu ý rằng những câu chữ cuối cùng chính là điểm nhấn cho toàn bộ bài hát quảng cáo đó. Trí não vô thức rất yêu các giai điệu.

5. Khẳng định đưa ra cho chính bạn chứ không phải ai khác. Khi bạn đang xây dựng những khẳng định, hãy để chúng miêu tả hành vi của bạn chứ không phải những người khác.

Sai: Tôi đang nhìn Johnny tự dọn phòng.

Đúng: Tôi đang truyền đạt những mong muốn và khao khát của mình rất hiệu quả cho Johnny.

6. Thêm vào đó cụm từ hoặc một điều tốt đẹp hơn. Khi bạn đang khẳng định sẽ nắm được một mục tiêu cụ thể nào đó (công việc, cơ hội, kỳ nghỉ), sở hữu một vật nào đó (nhà, xe hơi, du thuyền) hay một mối quan hệ nào đó (vợ, chồng, con cái), hãy thêm vào cụm từ "hoặc một điều tốt đẹp hơn". Đôi khi, chúng ta đưa ra tiêu chí cho những mong muốn của mình dựa trên những kinh nghiệm quá khứ còn hạn hẹp. Đôi khi, có những điều còn tốt đẹp hơn chờ đợi chúng ta, do vậy hãy thêm cụm từ này vào những khẳng định của bạn khi thích hợp.

Ví dụ: Tôi đang hạnh phúc được sống và sở hữu căn biệt thự xinh đẹp hướng ra bãi biển Ka'anapali tại Maui hoặc một nơi nào đó đẹp hơn.

MỘT PHƯƠNG PHáP ĐƠN GIẢN ĐỂ XâY DỰNG NHỮNG KHẲNG ĐỊNH

1. Hãy hình dung điều bạn muốn tạo dựng. Hãy nhìn mọi việc như cách bạn mong muốn chúng đang diễn ra. Hãy đặt mình vào trong bức tranh và nhìn mọi vật qua chính cặp mắt của bạn. Nếu bạn muốn sở hữu một chiếc ô tô, hãy nhìn thế giới từ bên trong chiếc xe bạn đang lái.

2. Hãy lắng nghe những âm thanh bạn đang được nghe khi đã đạt đến mục tiêu của mình.

3. Hãy cảm nhận những cảm giác bạn mong muốn khi bạn đã thực hiện được ước mơ.

4. Hãy miêu tả ngắn gọn những trải nghiệm của bạn, bao gồm cả những cảm xúc.

5. Nếu cần thiết, hãy biên tập lại lời khẳng định cho phù hợp với tất cả những đường lối trên.

SỬ DỤNG NHỮNG LỜI KHẲNG ĐỊNH Và KHẢ NĂNG HìNH DUNG NHƯ THẾ NàO?

1. Đọc lại những khẳng định của mình một đến ba lần mỗi ngày. Thời gian thích hợp nhất là vào mỗi buổi sáng khi thức dậy, lúc giữa ngày để giúp bạn tập trung hơn và khoảng thời gian trước khi đi ngủ.

2. Hãy đọc to mỗi lời khẳng định.

3. Nhắm mắt lại và hình dung theo những lời khẳng định. Hãy mường tượng như bạn đang đứng nhìn khung cảnh từ chính con người bạn. Hay nói cách khác, đừng hình dung mình đang đứng đó giữa khung cảnh; hãy coi như bạn đang thực sự sống trong khung cảnh đó.

4. Hãy nghe bất kì âm thanh nào bạn có thể nghe được khi bạn đạt tới những mục tiêu trong lời khẳng định - tiếng sóng vỗ, tiếng hô hào của đám đông, giai điệu của bản quốc ca. Hãy hình dung cả cảnh những người thân yêu chúc mừng bạn và nói rằng họ rất vui lòng khi thấy bạn thành công.

5. Hãy cảm nhận những cảm xúc khi bạn đạt được thành công. Cảm xúc của bạn càng mạnh mẽ, quá


trình này càng hiệu quả. (Nếu bạn gặp khó khăn trong việc xây dựng cảm xúc, bạn có thể khẳng định "Tôi đang cảm thấy dễ dàng có được những cảm xúc mạnh mẽ trong quá trình xây dựng những lời khẳng định của mình.")

6. Hãy lặp lại lời khẳng định của mình và sau đó cứ tiếp tục quy trình này cho những lời khẳng định khác.

CáC PHƯƠNG PHáP áP DỤNG LỜI KHẲNG ĐỊNH KHáC

1. Dán những tấm card 4x6 cm ghi những lời khẳng định lên tường nhà.

2. Treo các bức tranh về những thứ bạn muốn đạt được quanh nhà hay trong phòng. Bạn có thể đính ảnh của bạn vào những bức tranh đó.

3. Hãy xem lại những lời khẳng định của bạn trong những quãng "thời gian chết" như lúc xếp hàng, tập thể dục và lái xe. Bạn có thể đọc nhẩm hoặc đọc to lên.

4. Thu âm những khẳng định của bạn và nghe lại trong lúc làm việc, lái xe hay trước lúc ngủ. Bạn có thể dùng máy MP3 hay iPod.

5. Hãy nhờ cha mẹ thu âm lại những lời an ủi, động viên và khuyến khích mà bạn mong muốn được nghe.

6. Lặp lại những lời khẳng định của bạn theo các ngôi thứ khác nhau (tôi, bạn, chị/ anh ấy).

7. Hãy đặt những lời khẳng định làm màn hình chờ cho máy tính, như vậy, bạn có thể nhìn thấy mỗi khi sử dụng máy.

NHỮNG LỜI KHẲNG ĐỊNH TíCH CỰC

Lần đầu tiên tôi học được sức mạnh của những lời khẳng định là khi W. Clement Stone thử thách tôi lập mục tiêu vượt ngoài khả năng của mình - một mục tiêu mà chính tôi cũng kinh ngạc nếu có thể thực hiện được. Mặc dù cho rằng, vượt qua thử thách mà Stone đặt ra sẽ được đền đáp xứng đáng song tôi đã không thực sự ứng dụng nó vào cuộc sống cho tới vài năm sau, khi tôi quyết định tăng thu nhập hàng năm từ 25.000 đô la lên 100.000 đô la.

Đầu tiên, tôi soạn thảo một lời khẳng định sau khi đã trông thấy bản mẫu của Florence Scovell Shinn. Lời khẳng định của tôi là:


Chúa là nguồn sống vô tận của tôi. Nhờ ơn Chúa, tôi dễ dàng và nhanh chóng kiếm được những khoản tiền lớn. Tôi đang vui vẻ và dễ dàng kiếm được, tiết kiệm và đầu tư 100.000 đô la mỗi năm.

Sau đó, tôi làm một bản sao thật lớn của tờ ngân phiếu 100.000 đô la rồi dán lên trần nhà phía trên giường ngủ. Khi thức giấc, tôi nhìn thấy tờ ngân phiếu, nhắm mắt, nhẩm lại lời khẳng định hình dung ra cảnh mình đang được sống với khoản thu nhập 100.000 đô la mỗi năm. Tôi mường tượng ra ngôi nhà, đồ đạc, những tác phẩm nghệ thuật mình sở hữu, chiếc xe mình lái và cả những kỳ nghỉ. Tôi cũng cảm nhận những cảm giác của mình khi sống cuộc sống đó.

Không lâu sau, một sáng thức dậy, trong đầu tôi đang xuất hiện ý tưởng 100.000 đô la đầu tiên. ý tưởng đó là nếu tôi bán được 400.000 bản của cuốn 100 Ways to Enhance Self-Concept in the Classroom, mỗi bản được 25 xu tiền bản quyền, tôi có thể thu được 100.000 đô la. Tôi hình dung ra thêm cảnh những cuốn sách mang tên tôi liên tục được lấy xuống khỏi giá và nhà xuất bản ký cho tôi một tấm séc trị giá 100.000 đô la. ít lâu sau, một phóng viên tự do tìm tới tôi và viết một bài về tác phẩm của tôi đăng trên National Enquirer. Nhờ vậy, trong tháng đó hàng ngàn cuốn sách của tôi được bán ra.

Gần như ngày nào cũng vậy, trong đầu tôi càng xuất hiện nhiều ý tưởng làm giàu hơn. Chẳng hạn như, tôi đăng những mẩu quảng cáo nhỏ và tự kinh doanh sách - nhờ đó kiếm được 3 đô la một bản thay vì chỉ 25 xu. Tôi thiết kế một catalogue các cuốn sách tự hoàn thiện bản thân khác, gửi đi theo đường bưu điện, từ đó thu về những khoản lời lớn hơn. Đại học Massachusetts thấy cuốn catalogue của tôi và đã mời tôi tham gia hội thảo cuối tuần để bán sách cho sinh viên, giúp tôi thu về hơn 2000 đô la trong vòng hai ngày. Cũng nhờ đó, tôi nghĩ ra một chiến lược khác để có được khoản thu nhập 100.000 đô la mỗi năm.

Cùng lúc hình dung ra doanh số bán sách lớn hơn, tôi cũng nghĩ tới những ý tưởng để tăng thu nhập từ các buổi hội thảo. Khi tôi hỏi một người bạn trong ngành, tôi có thể tăng tiền thù lao diễn giả bằng cách nào, anh ta tiết lộ anh ta đã được trả gấp đôi tôi! Nhờ có sự động viên khuyến khích của anh, ngay lập tức tôi tăng gấp ba tiền thù lao cho mỗi buổi nói chuyện và nhận ra các trường thuê tôi tới diễn giả còn có thể trả nhiều hơn thế.

Lời khẳng định đã mang lại cho tôi thành công lớn lao. Song nếu tôi không xác định mục tiêu thu nhập

100.000 đô la và không kiên trì tự khẳng định và hình dung ra mục tiêu đó, tôi hẳn đã không bao giờ có thể tăng tiền thù lao diễn giả, mở một cửa hàng bán sách qua thư, tham gia một buổi hội thảo lớn hay được mời phỏng vấn cho một ấn bản phẩm ăn khách.


Kết quả, thu nhập năm đó của tôi tăng vọt từ 25.000 đô la lên hơn 92.000 đô!

Tất nhiên, tôi còn thiếu chỉ tiêu 8.000 đô la, song tôi xin đảm bảo với bạn rằng tôi không hề thất vọng về điều đó. Ngược lại, tôi rất hào hứng. Thu nhập của tôi gần như đã tăng gấp bốn lần trong vòng chưa đến một năm, nhờ có sức mạnh của phương pháp hình dung và những lời khẳng định cùng với tinh thần sẵn sàng hành động ngay khi có một "ý tưởng hấp dẫn."

Sau năm, tôi đạt mức thu nhập 92.000 đô la, vợ tôi hỏi: "Nếu những lời khẳng định có tác dụng với mục tiêu đạt 100.000 đô la, anh nghĩ liệu chúng có hiệu quả với mục tiêu đạt một triệu đô không?" Sử dụng phương pháp hình dung và khẳng định, chúng ta cũng có thể đạt tới mục tiêu đó cũng như tiếp tục đạt tới những khoản thu nhập hơn một triệu đô mỗi năm.

m���eN[�tl�)    

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kws