Chuyện phim phọt.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi mình học lớp 5, lúc mọi người còn chưa thực sự để ý và quan tâm thì mình đã may mắn tiếp thu trọn vẹn văn hóa phẩm đời đầu huyền thoại mang tên "Boys Over Flowers". Lên cấp 2 mình mất ăn mất ngủ với "Sự quyến rũ của người vợ", "High Kick", phát cuồng với "City Hunter", "Cô nàng đẹp trai" trong khi đắn đo lựa chọn thay Đới Xuân Dần xem nên lấy Như Ý hay Cát Tường. Đan xen với đó là "Giờ cao điểm" của Jacky Chan, là "Người vận chuyển" của Jason Statham và đương nhiên là phát rồ vì "Highschool Musical". Văn hóa Âu Á đan xen hài hòa phát triển trong tuổi thơ mình.
Thế nhưng càng lớn lên mình càng thấy bản thân xa lánh phim Hàn cùng những bộ ngôn tình Trung Quốc trong khi đồng thời chủ động đi tìm "The Note Book", When Harry Met Sally" để khóc cười với những tuyệt phẩm phim teen Mỹ từ những thập niên 90s đầu 2000 này.
Lí do là mình nhận thấy những bất cập nơi tư duy phim châu Á được sửa chữa và phát triển ổn định nơi dòng phim Âu Mỹ chảy tràn. Mình không vơ đũa cả nắm, bài viết này chỉ nhìn nhận ở một góc nhỏ thể loại (nhưng bây giờ lại là chủ đề đa số của phim Á), đó là về tình yêu trai gái.
Cách yêu của Mỹ khác kiểu yêu của Hàn. Hẳn rồi, do văn hóa và tư duy xã hội khác biệt, cái đó hẳn trẻ con cũng nhìn ra được. Nhưng mình hoàn toàn có thể khẳng định là tình yêu cũng giống như nụ cười, mang một dáng hình giống nhau khắp năm châu bốn bể không kể văn hóa, chính trị hay các nhân tố khác. Tất cả những khác biệt quá lớn chỉ được định hình là một thứ gì đó từa tựa, nhưng nhất định không phải là tình yêu. Hai người Mỹ yêu nhau sẽ thể hiện qua những cái nắm tay, chiếc ôm và nụ hôn. Hai người Hàn cũng thế mà một cặp đôi Mỹ Hàn thì vẫn vậy. Còn mà nói yêu nhưng đốp chát, chửi mắng, đánh nhau bôm bốp thì hoàn toàn không phải là nhân danh tình yêu dù ở trên mảnh đất, châu lục nào đi chăng nữa. Vậy nên khi xem những bộ phim chủ đề lãng mạn của Mỹ và Hàn, mình hi vọng tình yêu được thể hiện dựa trên những đặc điểm căn bản cấu thành nên nó, sau đó mới là đặc tính riêng biệt mang nét văn hóa để tạo sự đặc trưng cho từng bộ phim. Thôi liên thiên nhiều rồi. Cùng đi vào phân tích.
Ai xem phim Trung và Hàn nhiều thì hẳn đều nhìn đến nhàm mắt những màn tai nạn "skinship" như nàng ngã > chàng đỡ (nhanh như siêu nhân ồ yie) > hôn nhau > đơ 3 giây (lâu như 2 vạn thế kỉ cùng 7 tỉ cảnh quay nhiều góc độ slowmo trên nền nhạc tình tứ) > đẩy nhau ra ngại ngùng > bỏ đi kèm nghi vấn cảm xúc dành cho đối phương. Xong rồi mở màn phim phải luôn là 2 người ghét nhau ra mặt, cãi cọ ỏm tỏi kiểu oan gia vì một tình huống trớ trêu nào đó hoàn toàn có thể giải quyết bằng một lời xin lỗi nhã nhặn từ đôi bên nhưng KHÔNGGG (hẳn rồi, xin lỗi xong thì làm chó có phim mà quay cho mình xem). Sau đó thì như bao đời nay, oan gia cứ nhất thiết là phải đi kèm ngõ hẹp, nên hai người sẽ sớm gặp lại, bị ràng buộc bởi chung một môi trường hoặc liên quan về mặt chức vụ mà thường là đặc sệt tính ngôn tình. Ví dụ nam là sếp tổng, nữ là thực tập sinh (tuy láo nháo với nam chính nhưng chăm chỉ làm việc và vui vẻ, thân thiện với mọi người xung quanh, đặc biệt cộng điểm tử tế với nam phụ) hay nam là đại ca trong trường, nữ là học sinh mới đến. Đại loại thế. Một điểm chung của tất cả những điều mình kể trên là hầu hết các phim Trung Hàn tình yêu bọ xít dính đít vào nhau đều tạo một hậu thuẫn quá tốt, quá thần kì gần như ma thuật cho hai nhân vật chính dòng đời tấp nập va đập vào nhau. Và cái đó được biên kịch định danh dưới lốt "số phận". Mình cũng hiểu ý của nhà làm phim rằng 2 bạn trẻ xinh xắn dễ thương này là "meant to be", cho nên ngay cả khi gặp gỡ trong những tình cảnh éo le, không phải rạng ngời tuyệt vời gì cho cam, nhưng vì họ là dành cho nhau nên dẫu cho đối phương có lộ ra những mặt xấu xa một chút thì nhân vật vẫn là đứ đừ đư và thế nào về sau cũng dần nhìn được nhiều mặt tốt nơi người ấy thôi. Oke một ý tưởng hoàn toàn thiện chí không có vấn đề gì. Chỉ có điều cùng với "số phận", với cái duyên luôn đẩy nhân vật tới với nhau, là đường hướng xây dựng nhân vật dù có lo lắng cho người kia nhưng ắt hẳn gặp nhau cứ phải quàng quạc ra trước đã. Nữ cũng thế mà nam cũng chẳng vừa. Rất hiếm thấy xuất hiện lời thoại như "cảm ơn", "xin lỗi" hay chia sẻ cảm giác thật lòng với đối phương. Luôn là chê bôi xỉa xói nhau "anh anh tôi tôi" đau cả đầu và rất trẻ con.
Tình huống này mình thấy trong rất nhiều phim rồi và mình cũng nhận thấy tác hại của nó (cùng với nhiều tiểu thuyết ngôn tình khác) ảnh hướng trực diện tới lối tư duy của một bộ phận các bạn nữ, đặc biệt là trong độ tuổi teen còn đang nhiều mộng mơ về yêu đương đôi lứa.
Như đã nêu trên, hầu hết các phim tình cảm Trung Hàn này đều tạo cho người xem cảm giác là không cần làm gì cả, cứ hậu đậu một tí đanh đá một tí, ra đường thể nào số phận cũng bộp cho bạn một anh đẹp trai, nhà giàu. Rằng bạn cứ là chính mình thì dẫu xấu đẹp sao cũng sẽ có người yêu, mà lại còn tận 2 người tranh giành vì bản chất trẻ con dễ thương của bạn. Và tệ hơn là nó tạo cho người xem cảm giác một tình yêu quá đỗi dễ dàng có được, hai người được sắp đặt để ở bên nhau mà không cần phải làm gì, ít nhất là cho tới khi bà mẹ giàu sụ của nam chính xuất hiện với đường kẻ mắt thâm sì sắc nhọn và một bao bì tiền trong tay sẵn sàng táng vào mặt nữ chính.
Trong khi thực tế thì không hề như vậy. Để yêu được nhau người ta cần phải làm rất nhiều, cố gắng và thay đổi rất nhiều vì đối phương thì mới có được một mối quan hệ cho "ra tấm ra món". Khó khăn thì muôn hình vạn trạng chứ chẳng đội lốt mỗi một bà cô nhà giàu mang danh "mẹ nam chính". Điển hình như FRIENDS - một series phim Mỹ gồm 10 mùa từ 1994-2004. Ross yêu thầm Rachel suốt từ hồi trung học mà chẳng đủ can đảm nói ra. Mãi sau này, khi cô về sống cùng Monica (em gái Ross) anh mới dám thổ lộ, hai người tiến tới yêu đương và kéo dài trong suốt 10 mùa phim là cặp đôi này cãi vã, yêu nhau sâu sắc và mỉa mai sâu cay. Họ thương nhau nhưng cũng yêu cả người khác. Họ đã lớn nhưng vẫn học cách trưởng thành lên trong cuộc sống và cuối cùng, sau bao dằn vặt tâm lí và nhiều chuyện xảy ra, họ mới về lại với nhau. Đương nhiên so sánh một bộ phim Hàn 16 20 tập với 1 bộ phim truyền hình kéo dài 10 năm thì khập khiễng. Nhưng ý mình ở đây là thông điệp nhà làm phim truyền tải. Rằng tình yêu là một phần của cuộc sống, nó cũng có thăng trầm, ngọt ngào đi cùng chua cay, đắng chát và một "người yêu" thì phải đấu tranh, phải thay đổi bản thân, phải làm rất nhiều để bảo vệ được tình yêu ngay cả khi đó là "meant to be" thì mới trọn vẹn đạt được tình yêu đó. Chứ không có chuyện cứ khơi khơi sống và làm việc, vùng vằng ngu ngốc mà lại lù lù xuất hiện một người vô tình làm cùng chỗ, sống cùng nơi và yêu bạn vô điều kiện được. Yêu thương có cái giá của nó và bạn nên sẵn sàng "trả" trước khi tiến vào một mối quan hệ. Đồng thời, nhận ra một người là tình yêu đích thực của mình cần thời gian, trong đó nhân vật trưởng thành và hiểu bản thân trước khi hiểu và yêu người khác. Như trong "How I Met Your Mother" cũng là một series mình cực thích, Ted phải nhìn người mình yêu là Robin cưới Barney - bạn thân của anh, phải mất đi người vợ mình thương hết lòng, đến cuối cùng mới bị chính mấy đứa con mình giục giã chạy tới hạnh phúc đích thực, đến với Robin sau nhiều năm xa cách. Mình rất thích phim Mỹ bởi chi tiết "số phận" xuất hiện như một điều kì diệu có thật đẩy hai người đến cùng một nơi để gặp và quen nhau, nhưng chính sự chủ động của nhân vật mới là cây bút viết tiếp số phận và làm người xem tin vào tình yêu đích thực. Mình yêu những cảnh phim khi nam chính (hoặc nữ chính) nhận ra tình yêu dành cho đối phương, họ sẵn sàng lao moto trên đường cao tốc (như Matthew McConaughey trong "How To Lose A Guy In 10 Days") hay thuê cả dàn trống trường để hát tình ca xin lỗi (như Heath Ledger trong "10 Things I Hate About You"). Tất cả đều là hành động do nhân vật tự quyết, nhằm thể hiện tình yêu dù nó có điên rồ hay ảnh hưởng đến hình tượng bản thân. Họ làm thế vì họ muốn được bày tỏ, kể cả sau đó có bị từ chối đi chăng nữa, đó là sự kết tinh của tình yêu bản thân, chủ động kiếm tìm hạnh phúc, làm chủ số phận của chính mình dưới dạng tình yêu cho người khác.  Và vì vậy, đó đều là các hành động đẹp, giúp người xem nhìn nhận rõ nét hơn về "tình yêu" đa chiều, nhiều màu sắc chứ không thuần một tông hồng phấn đầy mộng mơ như nhiều bộ phim Trung, Hàn đang nhồi sọ. 

Tuy thế nhưng cũng không thể phủ nhận gần đây phim Hàn đang có những tiến bộ vượt bậc trong cải thiện tính thực tiễn của các tình tiết nội dung phim. Điển hình là trong "Tiên nữ cử tạ", Kim Bok Joo thích anh trai của Joon Hyung trước và mãi sau mới bị cậu chàng làm rung động vì những hành động dễ thương đánh trúng tâm lí của nàng. Kể cả khi yêu thì hai người cũng rất "thật". Có ghen tuông, giận dỗi mà chẳng nói ra vì ngại. Có nỗi lo người kia sẽ bỏ mình đi mất khi hai người không ở gần nhau. Đan xen đó cũng là yêu đương sợ bị bố phát hiện và áp lực thi đấu đè nặng của Bok Joo hay vấn đề người yêu cũ muôn thủa cùng chuyện người mẹ bỏ đi từ nhỏ của Joon Hyung. Hai người yêu và hiểu nhau, coi nhau như bạn và cùng giải quyết những vấn đề ấy. Họ trưởng thành cùng nhau. Đây là kiểu tình yêu mình muốn nhìn thấy nhiều hơn, nó thật và đẹp một vẻ mộc mạc, mang nhiều tính nhân văn và thực tiễn. Ngoài ra địa hạt phim Trung cũng có vô số những phim thanh xuân vườn trường nội dung đơn giản thu hút mình như "You Are The Apple Of My Eyes". Cả một mối tình học trò dang dở vì nam chính không đủ can đảm bày tỏ, cuối cùng nhìn nữ chính lên xe hoa với người khác. Nó gợi nhớ về một thời đã qua, cũng nhắc nhở người xem về thì hiện tại, để sau này đừng hối tiếc như Cảnh Đằng buồn bã chấp nhận tham gia đám cưới của Giai Nghi bên người đàn ông khác, mà trong tim cứ mãi băn khoăn câu trả lời của cô bạn ngày ấy.

Kết lại là phim gì thì phim, mình chỉ mong là mỗi người hãy tự nắm bắt và tạo nên số phận của chính mình, trong tình yêu và hơn cả là trong cuộc sống. Đừng để sau này phải thốt lên hai chữ "Giá mà" nghe thật vô nghĩa. Biết trước đã giàu, nhưng muốn giàu thì phải hành động!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro