Đối thoại giữa hồn và xác《Hồn Trương Ba, da hàng thịt》-Part 1- Lưu Quang Vũ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi
Như tiếng gọi ngàn đời không khuất phục
Đất nước giống như con thuyền xuyên gió mạnh
Những mối tình trong gió bão tìm nhau."

Bằng cách ghi dấu trên văn đàng bởi những bài thơ mang đậm hồn thơ với cái tôi tha thiết yêu thương cùng với những vở kịch chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh sâu sắc thì Lưu Quang Vũ, một nhà viết kịch hiện đại đã để lại những dấu ấn đẹp trong lòng thế hệ độc giả yêu văn thơ. Ông vốn xuất thân trong một gia đình nghệ thuật. Cha của ông chính là Lưu Quang Thuận, vừa là một nhà thơ cũng đồng thời vừa là một nhà viết kịch nổi tiếng thời đấy. Chắc hẳn vì thế mà sâu bên trong ông đã có dòng máu nghệ thuật chảy bên trong thanh huyết quãng, thế nên điều đó đã làm tiền đề cũng như cội nguồn cho sự phát triển tài năng của ông sau này. Thế nhưng chỉ tài năng thôi thì chưa đủ đối với ông mà cái tài năng đó nhất định phải được đi kèm với tấm lòng rộng mở, luôn trăn trở về cuộc đời. Vậy nên các vở kịch của ông luôn mang theo những vấn đề triết lí nhân sinh sâu sắc cũng như những vấn đề thời sự nóng hổi. Giống như phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái đã từng nhận định rằng: "Kịch Lưu Quang Vũ không chỉ đối thoại được với thời của ông, mà còn đối thoại được với hôm nay, và có lẽ, không chỉ hôm nay". Điều này ta hoàn toàn có thể hình thấy rất rõ và đặc biệt nhất là tác phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" của Quang Vũ. Bởi lẽ đây chính là tác phẩm thành công nhất của chính ông và nó được diễn đi diễn lại rất nhiều lần trên sân khấu kịch. Thậm chí đây còn là tác phẩm đầu tiên được đi lưu diễn nước ngoài và cũng là tác phẩm đã giành giải được giải cao nhất trong cuộc thi quốc tế. Một cơn sốt chấn động cả thế giới thời bấy giờ. Bằng những triết lí nhân sinh được lồng vào bên trong vở kịch một cách tài tình thì ông đã vừa tái hiện lại những ung nhọt trong xã hội hiện tại, vừa đồng thời thể hiện được cuộc đấu tranh muôn đời giữa phần lương thiện thanh cao với cái xấu xa thấp hèn trong mỗi một con người thông qua đoạn đối thoại của nhân vật Hồn Trương Ba với xác anh Hàng Thịt.

Lưu Quang Vũ không chỉ là một hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường những năm 80 của thế kì XX, mà còn được coi là một con người tài năng đa dạng chứ không phải là đa tài. Bởi lẽ ông không chỉ là nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại mà thơ, văn xuôi hay tranh ông vẽ, tất cả đều đạt đến đỉnh cao chứ không riêng gì ở phần soạn kịch. Và chắc hẳn ông đã đem hết tất cả các vốn sống cũng như tài năng của mình để dồn cho việc viết kịch bản sân khấu. Bởi vì kịch chính là một loại nghệ thuật tổng hợp vì trong kịch còn có cả thơ, văn xuôi, sắp đặt sân khấu hay thậm chí là hóa trang hình dáng cho diễn viên. Thế nên Quang Vũ đã đạt được những thành công vang dội mà không ai ngờ. Điều đáng nói ở đây chính là kịch của Lưu Quang Vũ đã nuôi sống hầu hết các đoàn kịch, cải lương, dân ca trên toàn quốc. Với sự xuất hiện của Quang Vũ thì ông đã đưa nền kịch nghệ thuật của Việt Nam phát triển đến cao trào đỉnh điểm. Nhưng ngay khi ông mất thì sự phát triển đó lại thoái trào không phanh đến giờ vẫn không thể phục hồi được. Chính vì lẽ đó mà ông đã từng được nhận định là một nhà viết kịch vĩ đại, một Sếch-pia của Việt Nam mà chắc hẳn đến 100 năm sau nữa thì vẫn chưa chắc có được một người thứ hai làm được như vậy. Tác Phẩm "Hồn Trương Ba, da hàng thịt" được ông bắt đầu viết từ năm 1981, thế nhưng phải đến 1984 thì ông mới hoàn thiện nó. Nhưng phải mãi đến năm 1986 thì kịch của ông mới được dàn dựng nhưng phải cắt bỏ, sửa chữa nhiều lần thì mới được trình diễn. Bởi lẽ vì những vấn đề thời sự nhức nhối, nóng hổi mà ông đã đề cập đến bên trong. Đoạn trích mà ta được học trong sách giáo khoa là phần lớn cảnh VII. Đây cũng là đoạn kết của vở kịch, đúng vào lúc xung đột trung tâm của vở kịch lên đến đỉnh điểm. Đoạn trích tập trung diễn tả sự đau khổ, dằn vặt và quyết định cuối cùng vô cùng cao thượng của hồn Trương Ba: quyết định chết để được là chính mình.

Trước khi màn đối thoại ấy diễn ra thì nhà viết kịch đã để cho hồn Trương Ba "ngồi ôm đầu một hồi lâu rồi vụt đứng dậy" với một lời độc thoại đầy khẩn thiết: "Không. Không! Tôi không muốn sống như thế này mãi! Tôi chán cái chỗ ở không phải là của tôi này lắm rồi!". Lời độc thoại này thể hiện một tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ của Trương Ba, cùng với đó là một ước nguyện khắc khoải mà ông không thể, đó là thoát ra khỏi cái thân xác mà hồn ghê tởm. Hồn đau khổ bởi mình không còn là mình nữa. Đây chính là một loại bi kịch đau đớn mà hồn Trương Ba phải chịu. Để rồi ông đã có một cuộc nói chuyện hết sức gay gắt, căng thẳng và quyết liệt với xác anh hàng thịt. Bởi lẽ trước khi ông nhập vào xác của anh hàng thịt thì ông vốn là một người làm vườn hiền lành, yêu cây cỏ, yêu con người sống nhân hậu, chân thật, chưa tới số chết. Ấy thế mà chỉ vì sự tắc trách của các quan trên trời mà dẫn ông đến với bi kịch. Đó chính là nhập vào xác anh hàng thịt một người thô lỗ, cộc cằn để rồi Trương Ba dần bị tha hóa. Đây chính là mâu thuẫn kịch mà Lưu Quang Vũ đã tạo ra. Bởi lẽ mâu thuẫn kịch chính là sự va chạm, xô đẩy giữa những tư tưởng có khuynh hướng chống đối, thù địch, đối lập nhau. Giống như hồn Trương Ba cao khiết, thanh sạch nhưng phải yếu ớt nương nhờ xác anh hành thịt thô lỗ, dung tục, đuôi mù đầy sức mạnh. Chính cái mâu thuẫn kịch này đã tạo ra mâu thuẫn chính bao trùm toàn bộ tác phẩm. Để rồi từ cái mâu thuẫn ấy đã đẩy hồn Trương Ba đến cái bi kịch không được là chính mình hay còn được tác giả gọi là bi kịch bên trong một đằng bên ngoài một nẻo mà chúng ta thường hay biết tới với cái tên gọi là bi kịch sống giả. Thế nhưng để có thể trú ngụ trong xác anh hàng thịt thì Trương Ba phải dãy dụa, đấu tranh chống lại sự chi phối của thân xác ấy. Vậy nên khi hồn và xác tách ra thì cuộc chiến ngay lập tức chúng ta có được một màng đối thoại vô cùng gây cấn, quyết liệt.

Ngay sau khi hồn tách khỏi xác, hai bên đối diện với nhau thì xác anh hàng thịt ngay lập tức bị hồn Trương Ba phủ định sự tồn tại của xác. Thông qua việc hồn khẳng định rằng hồn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch và thẳng thắng. Lời quả quyết "Không!" đầy khảng khái và mạnh mẽ, thể hiện ý chí và niềm tin tưởng tuyệt đối của Hồn về nhân cách, lối sống mà chính mình luôn gìn giữ. Trước mọi đổi thay bất ngờ và dồn nén, Hồn vẫn tin vào "đời sống riêng" mà mình xây dựng, một đời sống của người làm vườn lương thiện, nhãn nhặn, trầm tĩnh và chưa bao giờ để những thứ dung tục hoà vào cuộc sống của mình. Thậm chí hồn còn coi thường xác là "âm u, đui mù", chỉ là "cái vỏ bề ngoài không có ý nghĩa gì hết".  Nhưng đứng trước lời khẳng định chắc nịch ấy, xác anh hàng thịt cười nhạo, mỉa mai, chế giễu vào cái lí lẽ yếu đuối ấy của tâm hồn và khẳng định vai trò của mình: "Nực cười thật! Khi ông phải tồn tại nhờ tôi, chiều theo những đòi hỏi của tôi, mà còn nhận là nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn!" bằng những bằng chứng chứng minh cho hồn thấy rằng hồn không thể có đời sống riêng, mà trái lại còn lệ thuộc vào xác thịt. Bởi lẽ xác hàng thịt nhìn cuộc sống mà mình đang có bằng góc nhìn thực tế và có phần bàng quan với mọi nỗ lực gìn giữ nhân cách của Hồn Trương Ba. Đối với Xác, sự tồn tại của Xác đã làm thay đổi cuộc sống của linh hồn, dù cho Hồn Trương Ba có cố gắng phủ nhận đến mức nào, thì sự thật: Xác đã điều khiển, dẫn dắt Hồn chiều theo những ý muốn thô thiển, dung tục của Xác. Giống như việc thèm được ăn ngon hay là thèm thịt và rượu. Hay là cái đêm mà ông đứng cạnh vợ anh hàng thịt với "tay chân run lẩy bẩy", "hơi thở nóng rực", "cổ nghẹn lại" và còn "suýt nữa thì...". Hay thậm chí xác còn khẳng định sự thật phũ phàng: "Chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu! Mà đáng lẽ ông phải cảm ơn tôi. Tôi đã cho ông sức mạnh. Ông có nhớ hôm ông tát thằng con ông toé máu mồm máu mũi không? Cơn giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi...". Từng lý lẽ được đưa ra vô cùng thuyết phục bởi cách dùng từ tự nhiên mà độc đáo, gãy gọn nơi "Cây bút vàng" của sân khấu kịch Việt Nam. Xác dần chiếm thế và mạnh mẽ khẳng định: "Chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu!", dập tắt mọi hy vọng đang le lói trong Hồn Trương Ba. Xác muốn dùng lời lẽ, sự thực để đè nén, chiến thắng mọi khát vọng mà Hồn đang nung nấu. Xác hiểu rõ sự chính trực của Hồn, hiểu được Hồn không bao giờ chấp nhận và thừa nhận về sự có mặt và điều khiển của Xác, vì thế, Xác đã chọn cách nói vừa giễu cợt, vừa mỉa mai để xoáy một nhát dao cứa sâu vào tâm can của Hồn. Khi nhắc đến đứa con trai, Xác cố tình nhấn mạnh cơn giận có đầy đủ sức mạnh của Xác để "tái thằng con ông toé máu mồm máu mũi". Xác dùng chính hành động bạo tàn ấy để kéo Hồn về với sự thật đang hiện diện trong chính gia đình Trương Ba, để Hồn chấp nhận sự tồn tại và có mặt hiển nhiên của Xác vào lúc này. Bằng những bằng chứng, lý lẽ ấy mà chúng ta dường như hiểu thêm rằng đối với Hồn, Xác rất quan trọng vì nếu không có Xác, Hồn sẽ không có chốn dung thân và ngược lại nếu không có Hồn thì Xác cũng chỉ "âm u đui mù". Lý lẽ của Xác giúp chúng ta nhận ra rằng xác hoàn toàn không vô nghĩa, nó có sức mạnh riêng và nó có thể thay đổi nhân cách một con người, biến đổi một con người theo ý mình. Xác đã buộc hồn phải thay đổi thái độ từ cao ngạo, khinh bỉ đến lúng túng và yếu ớt thừa nhận sự sống của thân xác. Thế nhưng không chỉ có vậy mà xác còn đưa ra cho hồn và cả chúng ta thấy được rằng hồn Trương Ba không chỉ đau khổ bởi bi kịch sống giả mà ông còn bị kéo theo bi kịch bị tha hóa khi mà hồn đang bị xác chi phối. 

Trong cuộc đấu tranh này thì chúng ta có thể thấy được xác đang càng ngày càng thắng thế. Sự thắng thế của xác được thể hiện qua ba yếu tố: đó là lời thoại, giọng điệu và cách xưng hô. Về lời thoại, xác đã rất hả hê khi tuôn ra những lời thoại dài với chất giọng khi thì mỉa mai cười nhạo, khi thì lên mặt dạy đời, chỉ trích, châm chọc: "Có thật thế không?", "Nào, hãy thành thực trả lời!", "Nực cười thật!...". Trong khi đó Hồn chỉ dám buông ra những lười thoại ngắn với chất giọng thanh minh yếu ớt, tội nghiệp thể hiện sự khổ sở, bức bối, xấu hổ, kèm theo những tiếng than, tiếng kêu thể hiện sự bất lực khi nhận thấy mình ngày càng mất dần đi sự thanh cao vốn có. Hồn càng lúc càng rơi vào bế tắc, chỉ biết nói: "Lí lẽ của anh thật ti tiện" nhưng lại không chống trả được những lí lẽ đó. Và cuối cùng, hồn ôm đầu tuyệt vọng kêu trời. Không chỉ đau khổ, hồn Trương Ba còn xấu hổ trước những lời nói công khai của xác mà hồn dù muốn hay không cũng phải thừa nhận. Hồn muốn tách ra để có đời sống riêng độc lập, không phụ thuộc vào xác nhưng bất lực. Còn về giọng điệu thì xác luôn đối thoại bằng giọng điệu khi thì ngạo nghễ, thách thức (Ông cứ việc bịt tai lại! Chẳng có cách nào chối bỏ được tôi đâu!); khi thì châm chọc, mỉa mai ("Cơn giận của ông lại có thêm sức mạnh của tôi, ha ha"), khi thì buồn rầu, thì thầm, khi thì ranh mãnh, giả vờ an ủi để hồn phải thỏa hiệp: Thôi! Đừng cãi cọ nhau nữa! Chẳng còn cách nào khác đâu. Trong khi hồn ban đầu thì giận dữ, mắng mỏ, khinh bỉ xác: "A! Mày cũng biết nói cơ à? Vô lí! Mày không thể biết nói!"; "Nói láo"... Nhưng càng về sau, giọng điệu của nhân vật hồn càng ngậm ngùi, bế tắc và tuyệt vọng. Về xưng hô: ban đầu hồn xưng hô là "mày" "ta" tỏ ý xem thường, nhưng sau đó, khi đã bế tắc về lí lẽ, Hồn đã chủ động gọi xác là anh làm chúng ta thấy hồn đã phần nào chấp nhận sự tồn tại của xác. Riêng xác thì trước sau vẫn xưng hô "ông", "tôi", thể hiện thái độ bình tĩnh, ngang hàng, thách thức với hồn. Thông qua đó chúng ta dưỡng như cảm nhận được thông điệp mà Lưu Quang Vũ mang đến cho chúng ta rằng khi phải sống nhờ vào những yếu tố vật chất bên ngoài, không được sống đúng với con người thực của mình, hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh sống dung tục, bị nó chi phối, sai khiến là một trong những bi kịch đau đớn nhất của con người nhằm cảnh tỉnh chúng ta. 

Bi kịch của hồn Trương Ba làm chúng ta liên tưởng tới nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm của Nam Cao cũng gặp phải bi kịch bị tha hóa hay còn gọi là bi kịch bị lưu manh hóa. Cái bi kịch ấy đã làm thay đổi Chí Phèo cả về nhân hình lẫn nhân tính. Để rồi qua đó Nam Cao đã gián tiếp tố cáo, lên án nhà tù thực dân có một sự tàn phá ghê gớm đối với con người, biến một anh nông dân lương thiện thành một con quỹ dữ. Chí Phèo ra tù với bộ dạng hoàn toàn mới "cái đầu thì trọc lóc, cái mặt thì đen lại rất cơng cơng, hai mắt gườm gườm...". Nhân tính của Chí dường như hoàn toàn thay đổi. Bởi lẽ ngay khi ra tù hôm trước, hôm sau hắn đã ra chợ uống rượu và ăn thịt chó, hắn xách chai đến nhà Bá Kiến rạch mặt, ăn vạ. Bị lão gian hùng dụ dỗ, hắn trở thành tay sai đắc lực chuyên đòi nợ cho nhà Bá Kiến. Chí Phèo triền miên trong những cơn say và làm tất cả những việc người ta sai hắn làm. Hắn đã làm đổ máu và nước mắt của bao nhiêu người lương thiện, phá nát bao nhiêu cảnh yên vui, làm tan vỡ bao hạnh phúc. Hắn trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Nhưng bi kịch của hắn đâu chỉ dừng lại tại đó, hắn còn bị bi kịch từ chối quyền làm người. Mang trong mình mơ ước được hoàn lương và bi kịch từ chối quyền làm người Thị Nở và bát cháo hành là tình cảm nhân đạo mà Nam Cao đã dành cho nhân vật của mình. Sau đêm gặp gỡ với Thị Nở, tình yêu thương chân thành mà giản dị của Thị Nở đã giúp Chí tỉnh giấc sau những năm tháng say triền miên. Lần đầu Chí Phèo được lo lắng, chăm sóc thật sự. Hắn cảm thấy mình có thể hòa hợp với mọi người và khao khát được làm người lương thiện. Hắn mong Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Bị Thị Nở từ chối, Chí Phèo vô cùng đau đớn đến nhà Bá Kiến đòi lương thiện, đâm chết Bá Kiến rồi tự vẫn. Chí Phèo phải chết trên ngưỡng cửa trở về cuộc sống. Nỗi đau đớn tận cùng của con người không phải là chết mà là sống không có quyền làm một con người. Chính vì thế có thể khẳng định đây chính là bi kịch lớn nhất của Chí Phèo. Tuy cả hai nhân vật Trương Ba và Chí Phèo đều phải chịu những bi kịch đau đớn do giai cấp thống trị gây nên: Bi kịch tha hóa và bi kịch bị xã hội, người thân chối bỏ. Nhưng bi kịch của Trương Ba do sự tắc trách của Nam Tào, sự sửa sai một cách vô tâm của họ. Còn bi kịch của Chí Phèo do bị chế độ phong kiến áp bức đến cùng cực, Chí quay lại tìm cách chống trả mà trở thành lưu manh. Thế nhưng Trương Ba nhận ra bi kịch của mình, còn Chí thì không, Chí không biết đã gây ra bao tội ác cho dân làng. Thông qua đó chúng ta có thể thấy được quan niệm của hai tác giả đó là con người dù sống trong hoàn cảnh bi đát thế nào cũng luôn đấu tranh để loại trừ cái xấu, để gìn giữ nhân cách cao đẹp: Trương Ba quyết định chết và trả lại xác cho anh Hàng Thịt để mình luôn được sống trong lòng của những người thân yêu với những ấn tượng tốt đẹp; Chí Phèo chết để được là Người chứ nhất quyết không sống kiếp quỷ dữ nữa. Đó là niềm tin bất diệt của 2 nhà văn vào con người.

Qua cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt chúng ta thấy được ý đồ nghệ thuật của tác giả khi khắc đậm hai bi kịch của hồn Trương Ba. Đó chính là bi kịch sống giả và bi kịch bị tha hóa. Mà những cái bi kịch này chỉ xảy ra khi con người bị đặt vào nghịch cảnh, được sống nhưng không còn được sống đúng với bản chất của mình: phải sống nhờ, sống chung với sự dung tục và bị sự dung tục đồng hóa. Đồng thời còn khẳng định cuộc đấu tranh giữa hồn và xác là cuộc đấu tranh dai dẳng giữa hai mặt tồn tại trong một con người: giữa khát vọng sống thanh cao của tâm hồn với những đòi hỏi tầm thường của thể xác. Bởi đó chính là quy luật của sự tồn tại và phát triển. Thế nên chúng ta không nên chỉ đề cao linh hồn mà coi thường thể xác. Đây chính là một quan niệm mới mẻ, hiện đại và nhân văn mà Lưu Quang Vũ đã gửi gắm vào bên trong tác phẩm. Để rồi chúng ta có những bài học về triết lí nhân sinh sâu sắc đó chính là trong cuộc sống, hồn và xác nhất định phải có sự hài hòa với nhau. Không thể có một sự tồn tại đối lập giữa bên ngoài với bên trong, giữa linh hồn và thể xác. Khi hồn và xác có sự vênh lệch nhau thì cuộc sống con người sẽ rơi vào bi kịch đau khổ. Đồng thời Quang Vũ cùng phê phán thói chạy theo những ham muốn tầm thường về vật chất, chỉ thích hưởng thụ đến trở nên dung tục, tầm thường. Bởi lẽ con người chỉ hạnh phúc khi được là chính mình và sống với những gì mình có. Ngoài việc thành công về mặt nội dung thì ông còn rất thành công về mặt nghệ thuật bằng việc tạo dựng xung đột đầy kịch tính, càng lúc càng lên cao, ngôn ngữ đối thoại sinh động, giàu chất triết lí, hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, góp phần phát triển tình huống kịch, kết hợp với các yếu tố hoang đường, hư cấu với hiện thực một cách linh hoạt, đồng thời kết hợp cả tính hiện đại và truyền thống. Ngoài ra còn về sức phê phán mạnh mẽ và chất trữ tình bay bổng với nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoại linh hoạt, độc thoại nội tâm sâu sắc. 

Nhiều thập kỉ đã trôi qua, bạn đọc ngày nay được sống trong sự đổi mới toàn diện trong khí thế vươn lên của đất nước của dân tộc và chúng ta vẫn còn tìm thấy những tầng ý nghĩa thú vị hàm ẩn trong vở kịch. Thông qua nhân vật Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã đặt những vấn đề thấm đẫm tư tưởng nhân văn, không chỉ có ý nghĩa nhất thời mà nó còn ở lại muôn đời với tất cả mọi người.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#vanhoc