Gặp nhau là duyên số VII

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Người ở các địa phương trong tỉnh bị bắt giải về Ty An ninh ngày càng đông. Thôi thì đủ thanh niên, trung niên, ông già và cả con nít. Theo hồ sơ, giấy tờ gửi kèm theo thì người nào cũng là loại Việt minh đầu sỏ từng làm những việc nghiêng trời lệch đất. Nào là ám sát lý trưởng giữa ban ngày, liệng lựu đạn vào bàn tiệc các quan Tây, nào là treo cờ đỏ sao vàng, căng khẩu hiệu, rải truyền đơn...
Ty An ninh phải xây thêm hai buồng tạm giam rộng gấp đôi buồng cũ và cũng sát liền ngay đó nhưng vẫn không đủ chỗ giam. Tên Ty trưởng quyết định chuyển bớt khoảng ba chục tù nhân loại cứng đầu, nguy hiểm nhất sang lao Thừa Phú, nhà tù lớn nhất ở Huế được xây dựng từ hồi Pháp thuộc. Chúng rất sợ những tù nhân sắp chuyển đi phản đối. Vì đã vào lao Thừa Phú là coi như chính thức ở tù, chưa biết ngày nào mới được thả ra. Do đó chúng giữ rất kín việc chuyển tù, không cho biết ngày giờ chuyển và chuyển đi đâu.

___________________

Một buổi chiều trời mưa tầm tã. Mưa cứ từng đợt từng đợt, ào ào trút xuống, quất ràn rạt trên mái buồng giam. Mưa hắt vào cả bên trong làm những người gần cửa ra vào ướt lướt thướt. Khoảng quá trưa, trời hơi ngớt mưa nhưng bầu trời mây đen vẫn ùn ùn đùn lên từ phía biển, báo hiệu những trận mưa sắp tới lớn hơn. Tiếng khoá cửa lách cách. Cửa buồng giam mở toang. Hai tên Bảo Vệ Quân cầm ngang súng trường mát cắm lưỡi lê đứng chắn hai bên cửa. Một thằng An ninh gầy choắt, má hóp, môi thâm sì, đầu tóc chải sáp bóng nhẫy ruồi đậu phải trượt chân, tay cầm một tập giấy đánh máy đứng ngay giữa cửa.
Thằng An ninh đảo cặp mắt trắng dã nhìn khắp buồng giam một lượt, nói giọng hách dịch:

" Ai nghe đọc đến tên thì dạ lên một tiếng nghe chưa? "

" Không dạ mà ừ thì có được không ạ?"

Tiêng một người nào đó từ trong góc tối hỏi vọng ra. Hắn lừ mắt liếc xéo vào góc có tiếng hỏi rồi bắt đầu đọc. Những người có tên gọi hồi hộp, bồn chồn, đưa mắt nhớn nhác nhìn nhau. Trong buồng giam có hơn năm chục người mà chỉ có ba chục người được gọi. Chính điều này làm cho họ bồn chồn, hồi hộp. Chúng gọi mình để làm gì? Chúng thả chăng? Hay đưa đi bắn? Hay chuyển qua một nhà tù khác? Trong đáy mắt những người được gọi tên trước ánh lên những tia mừng rỡ, hy vọng.
Nhưng đến lúc nghe gọi đến tên Nội Vĩnh Chi Lợi và anh thợ máy thì những tia hy vọng trong mắt họ vụt tắt ngấm. Đầu họ rũ xuống, bật lên tiếng thở dài não nuột. Đã đứng chung danh sách với cái anh Trưởng ban ám sát và đứa con nít ranh hai lần vượt tù thì chẳng còn hy vọng gì được tha.

Khi nghe gọi đến tên mình, Chi Lợi không dạ, không ừ mà đáp rất to như ngay ở Đội trong giờ điểm danh:

"Có mặt."

Giọng nó vừa to vừa dõng dạc, lại không quấy nghịch làm thằng An ninh phải quặu mặt, gườm gườm nhìn Chi Lợi một lúc khá lâu mới cúi xuống đọc tiếp. Chi Lợi không chút sợ sệt, nó còn gân mặt lên vẻ ngạo mạn, thách thức "Mi tức lắm à? Tức thì hộc máu mà chết chứ làm cóc khô chi được ta?"-Lúc nào cũng vậy, hễ mỗi lần có mặt tụi An ninh, Bảo vệ quân thì dù đang vừa mới bị đòn thừa sống thiếu chết hoặc đang lo buồn đến muốn khóc òa nó cũng cố làm ra vẻ mặt tươi tỉnh, cười cợt, có khi còn chụm môi huýt sáo. Lòng kiêu hãnh của người chiến sĩ cộng với tính tự ái của con nít, Chi Lợi muốn tỏ cho chúng biết: "Tau coi khinh các trận đòn xé thịt, coi khinh nhà giam, súng ống, khóa xích... của bọn bay"-Đó cũng là một cách nó trả thù những trận đòn tướp thịt của tụi An ninh. Tụi An ninh, thằng cai ngục, mấy tên lính gác tù vẫn thường bàn tán với nhau về Chi Lợi: "Đầu chưa sạch cứt trâu nhưng nó cứng đầu cứng cổ nhất buồng giam. Quân nớ các ông trên không cho đem bắn quách đi để lớn thêm vài tuổi nữa, nó cắt cổ tụi mình có ngày."-"Cần chi đợi lớn thêm vài tuổi? Chừ mà nó có dao trong tay coi nó có cắt cổ tụi mình ngay không?"

Đặc biệt sau cái lần Chi Lợi mở được khóa xích trốn ngay trước mũi súng của thằng lính Tây gác ở Sở Mật thám Phòng nhì thì cả Ty An ninh đều phải sợ hãi, kiêng dè. Ngay cái buổi chiều quan ba Sô Lê phải gọi đến lực lượng cảnh sát dã chiến dùng chó béc giê mới phát hiện ra được Chi Lợi trốn trên ngọn cây và cho xe trả nó về Ty An ninh, thằng Ty phó An ninh đã cho gọi lên gặp ngay. Hắn có vẻ đắc chí tưởng đâu như Chi Lợi cùng phe với hắn và đã giúp hắn trả mối thù bị tên chủ mật thám Tây làm nhục. Hắn hỏi Chi Lợi, giọng không có vẻ gì giận dữ:

" Sao? Công trình đến như thế mà phải chịu để bại lại à?"

Chi Lợi đang cơn uất ức chưa nguôi vì cú thất bại quá cay đắng nên cũng quên luôn hắn là Ty phó An ninh kiêm Trưởng phòng lấy cung, trả lời rất thành thật:

" Tại tui dại, tui quên mất tụi hắn có chó săn. Tui mà nhớ thì tui phải lập mẹo khác. Trước khi trèo lên cây tui trèo lên một cây khác xa đó, cởi hết áo quần vứt lên để đánh lạc hướng chó. Tổ cha con chó săn."

" Hỗn."

Mặt hắn vụt tím lại, quát to. Tiếng chó săn Chi Lợi nói một cách vô tình nhưng hắn cho là nói cạnh hắn. Hắn dang thẳng cẳng tay tát Chi Lợi mạnh đến nỗi Nó ngã nhào từ trên ghế xuống đất, nằm chết giấc một lúc. Chuyện đó xảy ra cách đây mới năm hôm.

_____

" Diệp Thư Hoa."

Tên An ninh đọc đến tên cuối cùng của bản danh sách, không ai ừ hoặc dạ. Hắn lại xướng to lên một lần nữa. Chi Lợi chợt hiểu ra, nó huých cùi chỏ vào sườn con Nghệ Trác lúc này đang vươn cái cổ ngẵng như cổ gà con mà ngó tên An không chớp mắt.

" Ông nớ gọi tên em đến hai lần rồi, sao em không ử, không ừ chi hết cả. Em vô phép thiệt."

Chi Lợi nói giả vờ giọng trách mắng.

" Nhưng em có phải tên Thư Hoa mô."

Con Trác cãi lại miệng há ra, ngơ ngác.
Nó vội vàng lập cập đứng lên, dợm bước tới một bước, vòng tay khúm núm thưa với tên An ninh:

" Dạ thưa chú, con không phải tên Thư Hoa. Dạ con tên là Nghệ Trác , bán kẹo gừng ở chợ Bảo Vinh."

Chi Lợi cũng đứng dậy, bước tới nói chen vào như cãi nhau với con Trác:

" Thế sao hôm em bị bắt, em khai với các ông nớ em tên là Thư Hoa, Việt Minh đầu sỏ mang rá kẹo gừng về đánh đồn Hộ Thành, làm đồn sập cái rầm còn rá kẹo gừng thì chảy nước hết. Em còn nhận là trưởng ban ám sát nữa kia mà."

Con Trác cãi lại, nước mắt rớm rớm:

" Tại họ đánh em đau quá, em phải khai bậy khai bạ thế. Chứ em là con Trác bán kẹo gừng thiệt mà... hu hu... "

Nó òa khóc to. Những người trong buồng giam đang lo buồn nẫu ruột nhưng nghe hai đứa cãi vã nhau đều phải phì cười. Tên An ninh gằn giọng ra lệnh:

" Tất cả những người có tên gọi ra ngay sân tập hợp. Có đồ lề của nả chi đáng giá thì mang theo."

Ba chục người tay xách nách mang, lôi thôi lếch thếch nối nhau bước ra khỏi cửa buồng giam. Họ đứng thành một hàng dài dọc cái sân rải đá dăm lổm nhổm, nước đọng từng vũng lớn nhỏ. Con Trác và Chi Lợi nhỏ nhất nên đứng ngay ở hàng đẩu. Nhìn thấy Nghệ Trác đeo kè kè trước bụng cái rổ và cái mẹt bán kẹo gừng, thằng An ninh ngứa mắt giựt phắt cái rá ra khỏi cổ nó và cầm liệng bay qua bên kia mái nhà. Bị giựt quá bất ngờ, con Trác không kịp giữ lại. Nó nhợm chân định chạy theo nhặt. Thằng Bảo vệ quân chộp cổ áo nó kéo giằng lại và giáng luôn một tát tai, chửi:

" Con mạ mày muốn trốn à? Nói trước cho mà biết đứa mô bước ra khỏi hàng là ăn đạn ngay."

........................

Chúng áp giải đoàn tù men theo hè những đường phố ướt át. Gió rung cây xào xạc. Nước mưa đọng trên các tán lá rơi lộp bộp xuống đầu xuống cổ đoàn tù. Khi rẽ đến đường phố thứ ba thì tất cả đều đoán được họ đang bị giải đến nhà lao Thừa Phủ. Gần đến cổng lao Thừa Phủ trời bỗng đổ mưa như xối. Đoàn tù hầu hết không nón không mũ, đội mưa xối xả, cắm cúi lầm lũi đi. Một người nào đó ở quãng giữa hàng bật tiếng kêu rên:

" Cực chi mà cực lắm vậy trời."

Đến trước cổng lao, hai tên lính áp giải hô đoàn tù đứng lại sắp thành hai hàng dọc. Chi Lợi đưa tay vuốt nước mưa giàn giụa trên tóc, trên mặt, ngoảnh đi ngoảnh lại nhìn con đường phố hẹp dẫn đến cổng lao. Nó ngạc nhiên tự hỏi: "Cả cái thành phố Huế ni có đường phố lớn nhỏ mô mà ngày còn đi học mình không chạy rông. Sao con đường ngang qua cửa lao ni lại không biết nhỉ?"-Nó chợt nhớ có lần mạ kể: " Ngày cha mới bị bắt, tòa án chưa kết án đi đày, tụi Tây giam cha gần một năm ở lao Thừa Phủ. Mỗi tuần mấy lần mạ bới cơm, bới nước tới cho cha. Lần mô gặp mạ, cha cũng năn nỉ. Em đến thăm anh ít thôi kẻo mất công mất việc ở nhà. Em còn phải làm lụng nuôi con. Cứ theo anh bới sách hoài ri, cực chịu chi thấu. Mạ không nói câu chi mà cứ đứng trân trân ngó cha, nước mắt chảy như tắm."-Chi Lợi bỗng thấy lồng ngực trống rỗng, tim đau nhói, hai mắt cay xè như bị xông khói. Nó chưa bao giờ thấy cảm thương người cha mà nó chưa hề biết mặt như giây phút này. Nó mếu máo nói thẩm: "Thế là chừ tụi Tây lại bắt con giải đến đây như cha ngày đó. Mà mạ con thì ở tận ngoài Mỹ Chánh chưa hay biết chi chuyện con ở đây."-Nó cúi mặt xuống đường, miên man nghĩ: "Chưa chừng ngày đó cũng như buổi chiều mưa gió tầm tã như chiều ni, mạ co ro trong cái áo tơi lá, tay xách cái bị lác đựng cơm canh đứng đợi cha, đúng cái chỗ mà mình đang đứng đây cũng nên. Đời mạ khổ chi khổ lắm thế mạ ơi."-Nước mắt trào ra từng đợt ròng ròng trên hai má, nó cũng chẳng buồn đưa tay lên quệt. Nó cứ để mặc cho nước mắt hòa với nước mưa.

Nhà lao Thừa Phủ được xây dựng cùng một kiểu với hầu hết các nhà tù mà bọn thực dân đã xây suốt gần một thế kỷ trên khắp nước ta. Khu vực nhà lao hình vuông, có hai lớp tường. Lớp tường ngoài cao hơn lớp trong, xây bằng đá cao vòi vọi, nóc tường cắm chi chít mảnh chai. Như sợ chưa đủ cao, trên nóc tường còn chạy quanh một hàng cọc sắt cao gần một mét, giăng đầy dây điện. Cổng lao cao vượt lên như một cái tháp, hai cánh cửa lớn bằng gỗ lim ghép kín mít viền nẹp sắt, tán đinh sắt tròn. Trên nóc cổng cắm một cột cờ sơn xanh, treo hai lá cờ xanh trắng đỏ và vàng quẻ ly. Hai lá cờ ướt sũng như hai con gà rù đứng sã cánh dưới mưa. Bên phải cổng có một chòi canh. Trong chòi một tên Bảo vệ quân cầm súng cắm lưỡi lê đứng gác. Một tên lính áp giải tù đi đến chòi canh trình báo với tên lính gác. Lát sau, một cánh cổng lao nặng nề hé mở chỉ vừa hai người qua lọt. Khi người tù cuối cùng vừa vào khỏi, cánh cổng đóng ập ngay lại. Thành phố đã hoàn toàn khép kín đằng sau lưng họ. Không ai bảo ai mà tất cả đều ngoái lại. Tầm mắt họ bị chặn đứng bởi màu tường đá xám xịt, che khuất cả những ngọn cây cao ngoài đường phố. Hàng mảnh chai tua tủa lóng lánh nước như đang cắt xé bầu trời sầm tối.

Cặp mắt Chi Lợi nhòe nhoẹt nước mưa, nước mắt ngước lên mãi, đăm đăm buồn bã nhìn hàng mảnh chai. Chưa lúc nào như lúc này nó thấy tiếc đến cồn cào cả ruột gan như lần vượt tù thất bại vừa rồi. Nó như nghe tiếng chó sủa dử tợn chiều hôm đó làm nó đang ôm siết cành cây ngủ mê mệt như chết phải choàng tỉnh dậy. Phải mất đến một phút nó mới nhớ lại được tất cả mọi chuyện. Nhìn xuống gốc cây, nó thấy một bọn đông lố nhố đội mũ sắt sơn trắng, tay cầm súng lục, tiểu liên. Con chó lông màu vàng nhạt, to bằng con bò con nhảy chồm chồm răng nhe nhọn hoắt, sủa váng đầu váng óc, hai chân trước ôm gốc cây cào cào như hóa dại. Nếu nhảy lên được đến nơi chắc con chó như con cọp này sẽ xé xác nó ra từng mảnh. Qua mấy phút đẩu hoảng sợ, một nỗi uất giận chưa từng thấy bốc lên đầu nó làm nó muốn phát điên. Trời ơi, nó nhớ rất rõ lúc ấy nó thấy thèm ghê gớm có trong tay một trái bom hoặc một trái mìn ba càng. Nó sẽ ôm trái mìn lao thẳng từ ngọn cây xuống, nhắm trúng vào chính giữa cái tụi người và chó kia. Quả mìn sẽ nổ chuyển rung cả đường phố, nó cùng tan xác với bọn chúng. Hả hê biết mấy. Những giọt nước mắt nóng bỏng trào ra khóe mắt nó, những giọt nước mắt uất giận vì bất lực. Nó đã phải tụt xuống gốc cây giữa tiếng cười ré của bọn giặc. Tây có, ta có. Bây giờ vụt nhớ lại cả người nó còn run lên vì uất ức.

Như bất ngờ bị trói, nó vụt nhắm mắt lại, cay đắng nhủ thầm: "Chừ thì hết rồi. Có tài thánh cũng đừng có hòng mà lọt qua được bức tường đã cắm mảnh chai, giăng dây điện kia."
Từ lớp tường ngoài đến lớp tường trong cách khoảng mười thước. Bức tường trong thấp hơn nhưng dày đến hàng thước. Mấy thằng lính gác mặc áo mưa đi lại trên nóc tường. Bốn góc tường nhô cao bốn cái chòi canh có lỗ châu mai nhìn ra bốn phía. Qua bức tường này có một khuôn cửa hẹp rộng chừng một mét với một cánh cửa sắt đồ sộ chấn song lớn cỡ bắp tay. Khoảng cách giữa hai bức tường chạy dài về phía bên phải khuôn cửa một dãy nhà bắn mái tôn. Đó là chỗ ở của bọn lính ngục, văn phòng nhà lao, bếp ăn nhà tù.
Phía trái là ngôi lầu một tầng, tầng dưới thềm khá cao có hiên rộng, tường quét vôi trắng bốp, cửa sổ, cửa ra vào sơn xanh, treo rèm thêu rua trắng muốt, kính cửa được lau chùi sáng choang. Đây là ngôi lầu của tên chúa ngục. Ngôi lầu nổi lên lạc lõng, trơ trẽn giữa khung cảnh xám xịt, dơ dáy, ảm đạm của nhà tù. Chẳng khác nào một mụn vải hoa mới vá trên cái quần vá chằng vá đụp. Hai tên lính áp giải, gầm gừ, quát nạt, dùng mũi súng dồn toán tù đứng thành ba hàng dọc gần sát mái hiên đầu hồi nhà tên chúa ngục. Mưa vẫn không ngớt, cái ống máng kẽm đầu nóc nhà nghẹn nước, tuôn ồng ộc. Những tên lính coi ngục khoác áo mưa đi lại. Chúng đi ngang qua trước mặt toán tù đang đứng co ro ướt sũng, chẳng buồn đưa mắt nhìn. Chúng đã quá quen thuộc cảnh tượng này.
Phía sau lớp tường thứ hai, nhô lên những lớp nóc nhà. Từ trong đó vọng ra tiếng ồn ào khác nào chợ Đông Ba đang họp vào lúc đông nhất. Mọi người nghểnh cổ nhìn những mái nhà trắng xóa sau màn mưa, nghĩ bụng: "Chắc tù nhốt trong đó phải đông lắm mới ồn ào đến mức ấy".

Con Nghệ Trác từ nãy tới giờ cứ đứng trố mắt nhìn khuôn cửa sắt trông như cửa nhốt ông Ba bị ở vườn Bách thú, hai hàm răng nó va nhau lập cập vì mưa thấm lạnh thấu ruột. Nó hỏi Chi Lợi, mắt không rời những chấn song sắt.

" Chị này. Họ nhốt ai trong đó đấy ạ."

" Nhốt chị với em chứ còn nhốt ai nữa."

" Thiệt à chị ?"

" Thế em tưởng họ dắt chị với em tới đây để cho vô ở trong cái nhà này"-Chi Lợi hất hàm chỉ lầu tên chúa ngục - " Rồi mời lên nằm giường nệm lò xo chắc ?"

Con Trác rùng mình, mếu máo:

" Ui chao. Em chẳng có tội chi mà họ bắt nhốt vô đó."

Chi Lợi giả làm mặt giận, làu bàu nói:

" Mần trưởng ban ám sát Việt Minh kiêm chỉ huy đánh đồn Hộ Thành mà em cứ kêu hoài không có tội chi."

Con Nghệ Trác định cãi nhưng vừa mới mở miệng đã vội vàng câm bặt. Hai cánh cửa kính đầu hồi nhà bất thẩn mở rộng. Từ bên trong nhà một thằng Tây cao lênh khênh, đầu gần chạm khuôn cửa bước ra. Hắn mặc bộ đồ soóc kaki vàng nên nhìn nó càng cao. Cẳng chân, cẳng tay dài đuỗng không có tý thịt, lông lá tua tủa. Trán hắn hói đến tận đỉnh đầu, tóc loăn xoăn màu bã điếu, sống mũi gồ rất cao, gãy khúc ở giữa. Hàm râu quai nón cùng màu với tóc, bao quanh khuôn mặt dài và nhọn như cái nêm. Cặp mắt hắn sâu một cách lạ lùng, đáy hố mắt lấp lánh cặp đồng tử của loài ác thú. Miệng hắn ngậm cái ống điếu lệch về một bên mép, cần điếu cong như cái dấu hỏi, nỏ điếu rất to chạm hình sọ người. Trên đỉnh sọ bốc lên một làn khói xanh lơ. Bên hông đeo xệ khẩu côn, một tay cầm cây roi da đen. Vừa thoạt nhìn thấy hắn, toán tù có nhiều tiếng xì xầm khiếp đảm:

" Một Điếu, Một Điếu kìa."

Nghe tên Một Điếu, Chi Lợi sực nhớ những ngày bị giam ở Ty An ninh, nhiều lần nó được nghe kể: "Một Điếu là tên chúa ngục hung thần lao Thừa Phủ. Hắn đóng lon quan một, lúc nào miệng cũng ngậm ống điếu, do đó mà có tên Một Điếu. Một Điếu có máu điên. Một tay hắn đã đánh và bắn chết khá nhiều tù nhân."- Một Điếu bước ra gần sát mép thềm, tay chống nạnh, bàn tay tì lên báng súng lục, tay cầm cây roi da gõ nhịp nhịp vào cẳng chân lông lá. Tên quản xếp, phó đề lao đứng khúm núm sau lưng hắn. Hắn đưa cán roi da chỉ toán tù hỏi tên quản xếp:

" Việt Minh? "

" Dạ bẩm, bên Ty An ninh vừa báo là toàn loại Việt Minh hạng nặng cả đấy ạ."

Một Điếu dọc theo mép thềm đi từ đầu đến cuối đoàn tù. Cây roi da ngúc ngoắc như một con rắn đen bị hắn nắm chặt đầu. Con Trác mắt mở tròn xoe nhìn theo Một Điếu với tính hiếu kỳ muôn thuở của con nít. Nó quên cả sợ hãi mà đang thắc mắc tự hỏi: " Tại sao lúc mở miệng nói mà cái ống điếu không rớt? Ông Tây này tài thiệt."-Lúc Một Điếu quay trở lại, nó vẫn không rời mắt cái ống điếu chạm hình đầu lâu ngậm lệch bên mép, chờ coi ông nói lần nữa cái ống điếu có rớt không. Chi Lợi hoảng sợ thúc cùi chỏ vào sườn con Trác, thì thào:

" Em muốn chết à Nghệ Trác?"

Một Điếu ngoắc ngoắc ra hiệu cho toán tù.

" Viên i xi. Lại đây. Lại đây."

Hai tên lính áp giải ngang súng, một đứa đầu, một đứa cuối ép toán tù đứng sát vào thềm ngay dưới bức rèm mưa. Chưa ai kịp hiểu chuyện gì thì ngọn roi da như con rắn đen trong bàn tay lông lá của tên chúa ngục đã vung lên, quất vun vút xuống đầu xuống cổ toán tù. Toán tù khiếp đản giạt ra ngoài cố tránh tầm roi nhưng hai tên lính áp giải cùng với hai lính gác ngục vừa kịp chạy tới dùng báng súng thúc vào mạng sườn toán tù, ép họ sát vào để nhận phần roi. Mưa rơi đã mau mà trận roi càng mau hơn. Một Điếu vừa đi vừa quất, như muốn phân phát thật đều ngọn roi xé thịt.

" Việt Minh. Việt Minh. Việt Minh."

Hắn vừa quất vừa gẩm gừ rít lên, điểm nhịp cho mỗi nhát roi. Cái ống điếu bên mép vẫn không rớt lại còn bốc khói xanh lơ, tưởng chừng như đã được hàn chặt vào mép hắn.
Hình như càng đánh hắn càng hào hứng, roi quất càng nhanh hơn, tiếng gầm rít điểm nhịp càng dồn dập hơn. Không còn cách gì tránh thoát, toán tù cúi rạp người đưa lưng nhận roi, nhiều mảnh lưng áo nhòe máu. Ở ty An ninh, lúc bị đòn con Trác la to đến thế mà lúc này nó như bị cấm khẩu, không la được một tiếng. Trận đòn roi da làm cho nó sợ đến cứng lưỡi. Nó bị hai ba roi liền quất đúng ngang cổ, rát bỏng như lừa cháy. Nó chúi người vào lòng Chi Lợi. Chi Lợi cũng bị mấy roi quất chéo ngang vai đau xé thịt nhưng thương con Nghệ Trác quá, nó liều mạng chìa lưng ra ôm Nghệ Trác che roi cho con bé.

Khi thấy cả đám tù suốt lượt roi quất không còn sót ai, Một Điếu mới chịu dừng tay. Hắn nhún vai, vung cây roi ra lệnh cho mấy tên lính gác ngục:

" Dẫn chúng nó vào ca sô."

Hai tên lính ngục dồn đẩy toán tù đi qua khuôn cửa sắt lớp tường thứ hai. Qua một khoảng sân lầy lội bùn ngập đến mắt cá chân, toán tù dừng lại trước một dãy nhà, chiều ngang rất hẹp mà Một Điếu gọi là ca sô. Toán tù bước lên mấy bậc tam cấp bùn nhày nhụa đứng thành hàng dọc lối đi. Cửa ca sô mở rầm rầm. Mỗi ca sô, mấy thằng lính gác ngục xô vào một hoặc hai người tù và đóng ập ngay cửa lại, đập mạnh chốt sắt. Chi Lợi và Nghệ Trác bị đẩy vào ca sô thứ ba, dãy bên trái.

Ngoài trời đã xẩm tối, bên trong ca sô không đèn đóm càng tối như hũ nút. Hai đứa đứng gần sát nhau mà không nhìn thấy mặt nhau. Chi Lợi chỉ nghe tiếng con Nghệ Trác khóc thút thít không ngừng. Chi Lợi lúc này cũng đang muốn khóc lắm. Bị ướt sũng suốt từ đầu đến chân, tóc tai, mặt mũi, quần áo nước chảy ròng ròng. Nước mưa thấm vào người lạnh thấu gan ruột. Áo quẩn dính hết vào các vết đòn tra tấn cũ chưa lành và những làn roi rướm máu của Một Điếu làm da thịt rát như phải bỏng. Mùi hôi thối xông lên nồng nặc và tiếng muỗi kêu như sáo bay loạn xạ quanh người.

Mười bốn tuổi đầu, trong hoàn cảnh đó gan mấy mà không khóc? Nhưng nghe tiếng con Nghệ Trác khóc ti tỉ bên cạnh tự nhiên nó không khóc được nữa mà đâm nổi cáu.
Nó đưa tay sờ soạng:

" Em mô rồi Trác?"

" Em đây...Hu hu hu."

" Ai đánh đập chi em mà em cứ khóc hoài vậy? Em có nín đi cho chị nhờ không?"

Giọng nó gần như nạt nộ.

" Em sợ lắm chị ạ."

" Sợ? Sợ sao còn làm trưởng ban ám sát? Em cởi ngay quần áo ra mà vắt khô như chị đi không? Mặc áo quần ướt lạnh thấu vô tới tim phổi là chết không kịp ngáp đó. Chết ở nhà còn có cha mạ thương chớ chết ở đây chẳng ai thương mô."

" Em làm chi có cha mạ đâu chị."

" Thì có mụ chủ lò kẹo gừng thương em. Mà mụ nớ không thương nữa thì có thằng Một Điếu thương."

Con Trác đang khóc mà phải phì cười:

" Hắn thương đã gớm chưa chị. Hắn cứ thương cho vài trận như khi hồi nãy thì da thịt gọi là nát bét."

Nghe lời Chi Lợi nó ngại ngùng cởi quẩn áo vắt nước. Nước rơi tong tỏng xuống nền. Hai đưa vừa vắt khô áo quần vừa trò chuyện. Con Nghệ Trác nói:

" Chị gan cóc tía thật. Lúc mô chị cũng nói nghịch được. Chị không sợ à?"

" Sợ ai?"

" Sợ nhà tù này, sợ thằng Một Điếu."

" Tây không sợ Vệ Quốc Đoàn thì thôi có đời nào Vệ Quốc Đoàn lại sợ Tây? Em nói chi mà dại thế Trác?"

" Nhưng vô đây rồi thì biết đời mô ra được hả chị?"

" Thế em tưởng tụi Tây chiếm mãi được Huế mình à? Mai mốt tổng phản công, Vệ Quốc Đoàn ta trên núi xuống đuổi cho tụi Tây chạy re cứt. Thế là chị với em đàng hoàng mở cửa tù mà ra. Em thì về đeo rổ đi bán kẹo gừng. Chị thì về lại đội trinh sát của chị. Êm ro."

" Thật à chị?"

" Không thiệt thì giả à? Được, để mai khỏe chị phải dạy cho em bài chính trị ba giai đoạn kháng chiến. Học rồi là em biết chị nói chơi hay thiệt. Chừ để chị thám thính qua cái xà lim ni coi ra gì cái đã."

Chi Lợi vắt bộ áo quần ướt qua vai, đi quanh xà lim sờ soạng. Xà lim hình chữ nhật, một bề chừng hai thước, một bề thước rưỡi. Nền láng xi măng, trống trơn bị thủng vỡ lồi lõm như đường ổ gà. Nước vắt áo quần của hai đứa làm nền ướt lõng bõng. Chi Lợi kêu:

" Không có giường phản cứt chi hết em ơi. Thế là tụi nó bắt em với chị lại tiếp tục ngủ đất đây. Biết ri đừng vắt nước xuống đất cho xong.Ngu thiệt."

Con Nghệ Trác cũng bò bốn cẳng sờ soạng nền xà lim.

" Có mùi chi thúi quá chị ơi."

Nó hít hít mũi kêu thành tiếng.

" Mùi cứt với nước đái chứ còn mùi chi nữa. Thế em tưởng Tây hắn rảy nước hoa cô ti trong xà lim cho Vệ Quốc Đoàn với Trưởng ban ám sát Việt Minh nằm ngủ chắc?"

" Nhưng vừa thúi vừa ướt như ri thì làm răng nằm ngủ được?"

" Không nằm được thì ngồi. Không ngồi được thì đứng mà ngủ. Đời Vệ Quốc Đoàn ngủ đứng, ngủ ngồi là chuyện thường."

Chi Lợi khẽ ngâm nga:

"Sống thời nằm trên cành cây.
Chết thời áo súng bó thây chiến trường."

" Đời chiến sĩ là như thế đó em ạ. Thơ con Thư Hoa nó đặt đó. Em đã được Ty An ninh phong cho chức Thư Hoa, tình báo viên xuất sắc của thành Huế. Em muốn làm được chức đó thì từ giờ trở đi tụi Tây, Việt gian có hành hạ cực khổ đau đớn mấy cũng không được kêu rên. Chị ghét nhất là những đứa hay kêu rên trước mặt tụi Tây, tụi Việt gian, trong bụng có cực mấy cũng không được mếu, mà phải vênh mặt lên, cười thật ngạo vô cho chị. Em đã nhớ chưa?"

Lần đầu tiên con Nghệ Trác được nghe những lời lạ như vậy. Nó chưa hiểu hết, nhưng cảm thấy hay hay. Nó càng thêm yêu phục Chi Lợi. Cái chị Việt Minh ni chỉ lớn hơn nó hai tuổi mà đã làm cho mấy ông An ninh, Tây mật thám lo toát mồ hôi hột. Vừa rồi không có chị ấy đưa lưng ra che roi của thằng Một Điếu thì lưng cổ nó phải nứt ra như củ khoai mỳ luộc quá chín.

______________________________

Chúc mọi người giáng sinh vui vẻ.

21:35/24/12/2021

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro