Trèo lên cây khế nửa ngày

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lý Khải Xán khó nhọc mở mắt, gian nhà vắng tanh, vọng từ đằng xa tiếng chổi tre cào trên nền gạch loẹt xoẹt, tiếng vài con sẻ líu ríu trên cành không ra thanh điệu. Vài tia nắng xuyên vào khe cửa, vạch trên tường gạch thành những vệt sáng nhá nhem.

Khải Xán không một chút động cựa, vẫn ở yên trên giường, không rõ mình đã nằm đây từ bao lâu, không rõ mình đã vừa trải qua điều gì. Đã nửa ngày, hay là một, hai ngày? Thử trở người nhưng cả thân thể như quấn thêm chì, nặng nề mệt mỏi, đầu cũng ong ong. Chắc là đổ bệnh nằm đây từ lâu rồi.

"Dậy rồi hả? Để tớ ra hâm lại miếng cháo tía tô, ăn vào rồi uống thuốc."

Giọng nói vang lên cắt ngang mạch suy nghĩ của Khải Xán.

Hoàng Nhân Tuấn bước vào lục đục thắp đèn trong phòng, vơ lấy mấy chiếc áo cho vào giỏ, rồi đi tới ấp tay lên trán cậu, vừng trán còn nóng hâm hấp. Khải Xán trở người ngồi dậy, mấp máy môi, định nói gì đó nhưng cậu Tuấn đã dí cho bát nước gừng, bắt uống bằng hết.

"Cay lắm, không uống...đâu"

Bắt gặp cái lườm sắc lẹm của Nhân Tuấn, cậu Xán đành phải nhắm mắt nhắm mũi nuốt ực bát nước cay tê lưỡi. Uống cạn bát nước thì cậu Tuấn lại đưa tiếp cho bát cháo tía tô, toàn mấy thứ mà Khải Xán chỉ ngửi thấy mùi cay hăng đã không đụng đến, nhưng giờ đang bệnh thì không thể đòi hỏi sơn hào hải vị được.

Khải Xán vừa sì sụp húp từng muỗng cháo vừa nghe Nhân Tuấn thuật lại chuyện, rằng từ lúc lên sập hầu Khải Xán cứ khóc mãi không ngừng, khóc từ lúc làm lễ cho đến tận khi Cô thăng giá. Đến lúc lễ lạt xong xuôi, mọi người đã vãn bớt, Khải Xán trong lúc dọn dẹp thì chân tay loạng choạng rồi ngất ra sàn, phải cõng vào trong đánh gió, ủ ấm một lúc mới hồi tỉnh. Nhưng vì yếu quá, nên Khải Xán nằm ngủ li bì đến giờ.

Nhân Tuấn chép miệng. Người đi lễ hôm qua về xì xào với nhau cậu đồng Khải Xán đã đi hầu bao nhiêu giá, đến lúc chầu giá bản mệnh lại khóc sướt mướt như vậy, không sợ khê vấn hầu hay sao.

"Thật ra, tớ biết cậu khóc trước cả khi lên sập. Là vì cậu ta đúng không?"

Lý Khải Xán nghe đến đấy, trệu trạo nuốt thêm mấy muỗng cháo rồi đặt bát xuống phản, lại nằm xuống gác tay lên trán. Đôi bên im lặng một đỗi, nhưng không đoán được ý của người kia đang bày tỏ. Khải Xán chớp chớp mắt, buồn bã thở dài

"Nước mắt của ai thì cũng đã chảy rồi. Thôi bách gia muốn bình phẩm thế nào thì mặc, mình đâu quản được."

Nói thì cứng miệng, nhưng sống mũi lại thấy cay cay. Hoàng Nhân Tuấn nói đúng, nhưng chỉ đúng một phần. Lý Khải Xán từ lúc ở trong buồng, nghe bên ngoài xôn xao nhà bà Lý đã đến, ngoài mặt vẫn tỏ vẻ bình thản, trong lòng đã nhộn nhạo khác thường. Cho đến khi lên sập hầu, vừa liếc thấy Lý Đế Nỗ, đôi tròng mắt đã ầng ậng nước. Nhớ thương người ta mòn mỏi bao nhiêu đấy thời gian, Khải Xán lúc đó có còn phân biệt được đâu là nước mắt Cô đang khóc, hay là cậu đang rơi lệ cho chính bản thân.

Hoàng Nhân Tuấn không nói gì nữa, vặn nhỏ bấc đèn rồi ôm lấy giỏ đồ đi ra ngoài.

Từ ngoài sân, tiếng chổi loẹt xoẹt lại vang lên, rồi tiếng nước chảy ào ào, tiếng hát nhỏ nhẻ hòa lẫn với tiếng vò quần áo loạt soạt. Người hát đương chừng sợ người khác nghe thấy, nhưng Đông Hách trong phòng vẫn nghe rõ mồn một, mắt lại nhòa đi.

Trèo lên cây khế nửa ngày,
Ai làm chua xót lòng này khế ơi!
Mặt trăng sánh với mặt trời
Sao Hôm sánh với sao Mai chằng chằng.
Mình ơi! Có nhớ ta chăng?
Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời.

---

Về đến nhà đã hơn một ngày trời nhưng đám gia nô vẫn thấy cậu út Lý ngơ ngẩn không chú tâm vào điều gì. Người ta thấy cậu út cứ đi loanh quanh trong phòng, rồi đi ra vườn, đứng ngây ra ở hàng giậu râm bụt một đỗi rồi lại ra sau chái bếp. Cứ đi quanh quẩn như vậy, hỏi thì cậu bảo không có việc gì, mời cậu đi ăn đi nghỉ, cậu cũng từ chối.

Đám gia nô đưa mắt nhìn nhau tỏ vẻ khó hiểu, tự nghĩ bụng hồn vía cậu út Lý còn ở lại nơi điện thờ rồi. Người nào không quen đi lễ thờ Phật Thánh thường hay như thế.

Nhưng nào có phải cậu út Lý hồn vía lên mây, mà là Lý Đế Nỗ đang cố đi tìm lại những gì liên quan đến cái tên Lý Đông Hách. Khoảng thời gian mười năm không quá dài, nhưng vật lộn với bút viết sách vở và những câu chuyện nơi đất khách quê người, mà Lý Đông Hách bây giờ chỉ còn là những vệt mờ nhòe lem luốc trong trí nhớ của cậu. Dù đã cố gắng hình dung lại, nhưng càng nghĩ càng cố nhớ, thứ Đế Nỗ nhận lại chỉ là những ký ức vụn vặt không đầu không cuối.

Lý Đông Hách đã đi đâu? Lý Khải Xán là ai? Hai người này tại sao lại giống nhau đến thế. Tại sao khi nhìn Khải Xán, Đế Nỗ chỉ nhớ đến Đông Hách? Bao nhiêu là câu hỏi quẩn quanh trong đầu.

Lý Đế Nỗ nhìn quanh hết đám gia nô trong nhà, không còn ai là những người làm cũ trước đây nữa. Chỉ còn lại anh bếp và cái Tú. Nhưng anh bếp không hay góp chuyện với ai. Đi hỏi cái Tú lại khiến Đế Nỗ ngập ngừng, vì nó bây giờ là đứa hầu riêng của mợ, đem ra hỏi chuyện lại sợ lôi thôi, vì tính bà Lý không thích người hầu riêng của bà là đứa miệng mồm bép xép.

Cái sự tò mò thì luôn thắng thế được những nỗi sợ, đầu giờ chiều, nhân lúc mợ sang nhà bà Nghị, Đế Nỗ liền ngoắt con bé đi lên nhà trên hỏi chuyện ngay, sợ đâu nếu không hỏi cho rành rẽ thì bao nhiêu nghi vấn của cậu sẽ mau chóng bay sạch như tàn hương trước gió

"Dạ, cậu út gọi con". Tiếng con bé vẫn lanh lảnh mau mắn như lúc nhỏ.

"Tú này, tôi hỏi chuyện...ừ thì...không biết là Tú còn nhớ, hồi trước đây nhà mình có người tên là Lý Đông Hách không?"

"Dạ cậu, con có nhớ. Là thằng Lý Đông Hách ở xứ Kinh Bắc được ông đem về lúc nó bảy tuổi."

"Đúng rồi. Nhưng mà từ lúc tôi về đến giờ, tôi không thấy Hách đâu cả. Cậu ấy có chuyện gì sao em?"

"Dạ...dạ cậu...chuyện này con không biết."

Lý Đế Nỗ nhướng mày khó hiểu tại làm sao con bé vừa nghe tới cái tên đấy liền ấp úng ngay như vậy, cậu nghĩ có lẽ nó sợ bị mắng liền trấn an

"Em cứ nói, đây là chuyện của tôi, tôi đảm bảo mợ sẽ không trách mắng em."

Cái Tú nghe cậu chủ nói xong, im lặng một lúc rồi cũng ngập ngừng nói tiếp

"Dạ thưa cậu, ngày trước lúc cậu đi học ở Hà Nội, con và thằng Hách vẫn còn ở nhà hầu bà Lý. Sau đó một dạo, Hách ngã bệnh, thời gian này con phải xin phép bà cho con về quê lo chuyện nhà với thầy u. Đến ngày con lên lại, con đã không thấy Đông Hách nữa. Bà Lý thì bảo Hách đi chạy chữa bệnh rồi, từ dạo đó con cũng không biết thằng Hách như thế nào."

Nghe xong câu trả lời, nỗi thất vọng không giữ được tràn cả ra gương mặt của Đế Nỗ. Cậu thở hắt, chán chường xua tay cho con bé đi làm việc. Dường như không thể chịu đựng được sự bứt rứt trong lòng, Lý Đế Nỗ đánh liều mượn xe đạp của anh bếp chạy đến điện thờ. Cách tốt nhất là đi hỏi thẳng, đỡ hơn là cứ ngồi ở nhà đoán già đoán non.

Dù không rõ lắm đường đi đến điện thờ, nhưng vì hôm trước được ngồi ở ghế lái phụ, Đế Nỗ cũng nhớ được mang máng. Đạp xe quanh co qua đường làng, cậu út Lý cũng dừng chân trước ngõ vào điện thờ mới xây. Cậu út Lý nhìn chăm chăm lên chiếc bảng khắc gỗ mấy chữ Hán, lẩm nhẩm đọc

"Lâm Phương Điện"

Nhà tiền đường lúc làm lễ đông đúc náo nhiệt là thế, bây giờ không có ai liền trở lại không khí tịch mịch vắng lặng. Lý Đế Nỗ ngó nhìn quanh, không thấy Hoàng Nhân Tuấn hay Lý Khải Xán đâu, chỉ có một bé gái độ chừng tám, chín tuổi đang hí hoáy lau chùi bộ độc bình. Con bé mải mê không để ý, đến khi ngửng lên, đôi mắt chạm thấy người đang đứng ngoài thềm cửa liền mở to ra nhìn trên xuống một lượt. Rồi con bé cúi đầu lễ phép chào

"Dạ con chào thầy."

Lý Đế Nỗ nghe thấy vậy liền xua xua tay tỏ ý không phải, nhưng con bé lại nói tiếp:

"Dạ thưa, mẹ con dạy những người mặc áo vải trắng quần tây đều là các thầy cả quan lớn. Ban nãy có một thầy cũng vào đền thắp hương, hai thầy có đi chung với nhau đúng không ạ?"

Lúc này Đế Nỗ mới ngước đầu nhìn vào, quả là có một người khác đang ở gian trong cũng đang đứng chắp tay lầm rầm lễ bái. Cô bé con nghĩ rằng cả hai người chắc là đi cùng với nhau, nhưng nhìn gương mặt và dáng vóc lạ lẫm, Lý Đế Nỗ đoan chắc chưa từng gặp người này bao giờ.

"Cho tôi...à không, cho anh hỏi, cậu Tuấn và cậu Xán không có ở đây hả em? Em tên gì?" - Đế Nỗ dè dặt mở lời.

"Dạ, cậu Khải Xán đang ốm còn nằm nghỉ. Còn cậu Nhân Tuấn đi có việc, nên nhờ con sang trông điện. Mẹ con ở nhà gọi con là cái Mĩm, còn tên của con là Hữu Thuận. Cậu Xán đặt tên này cho con đó ạ."

"Em nói Khải - à, em nói cậu Xán bị ốm, cậu bây giờ thế nào, có trở nặng không em? Có ai đến bắt mạch chưa? Rồi cậu Xán đã uống thuốc gì chưa?"

Lý Đế Nỗ không kiềm được, từng câu hỏi vuột ra đầy gấp gáp khiến cái Thuận không nghe nổi hết, dù vậy con bé vẫn cố gắng trả lời

"Dạ thưa thầy, con không biết rõ mấy việc thầy hỏi. Mẹ con bảo cậu Xán bị ngã gió, chắc là cậu cũng đã uống thuốc rồi ạ."

Có tiếng dép guốc từ bên ngoài đi vào, cái Thuận vừa thấy bóng người về đã vội reo lên

"Cậu Tuấn về rồi. Cậu Tuấn về rồi."

Hoàng Nhân Tuấn cất nón, đi vào trong điện thờ. Cúi chào với Đế Nỗ vừa xong, Tuấn lịch sự ra hiệu rồi cúi xuống xoa đầu cô bé nhỏ

"Cậu xin lỗi, bên kia nói chuyện lâu quá nên cậu đi về trễ. Giờ cậu đang có khách, Hữu Thuận về nhà được rồi, cảm ơn con sang giúp cậu nhé."

Đợi con bé đi khuất rồi, Nhân Tuấn mới quay sang Đế Nỗ lúc này đang rối bời với cả tá điều thắc mắc. Còn không đợi Lý Đế Nỗ hỏi chuyện trước, Nhân Tuấn đã nhanh chóng trả lời:

"Chắc là cậu Lý muốn hỏi rằng Lý Khải Xán đau ốm như thế nào, mong cậu an tâm, chỉ là chút ốm vặt, nghỉ ngơi vài bận sẽ khoẻ lại. Còn về lý do chính khiến cậu lặn lội đi sang đây, tôi nghĩ hiện tại không phải lúc có câu trả lời mà cậu cần tìm. Và cũng mong cậu Lý đừng quá hấp tấp, những chuyện sẽ phải xảy đến thì không cần cố gắng biết trước làm gì.

Bây giờ đã quá giờ Thân rồi, cảm tạ công đức của cậu đã đến bản điện, nhưng tôi cần đóng cửa để vào nghỉ ngơi. Mong sẽ gặp cậu Lý vào một hôm khác."

Cậu út Lý ngơ ngẩn nhìn trân trân vào cánh cửa đã khép lại một lúc, đầu ong ong từng lời từng chữ mà Hoàng Nhân Tuấn nói ban nãy. Cho đến khi có người đến khẽ đập tay lên bả vai, Lý Đế Nỗ mới hoàn hồn trở lại.

"Này anh ơi, xin lỗi vì quấy rầy, nhưng xe đạp ngoài ngõ kia có phải của anh không? Cũng sắp đến giờ tôi phải về nên phiền anh dời xe giúp tôi với."

Ban nãy vì sốt ruột muốn tìm gặp Khải Xán mà Đế Nỗ vừa đến nơi đã gác xe trước cửa ngõ, không để ý gì đến xung quanh. Đến giờ mới thấy rằng chiếc xe đạp đã chặn hết nửa lối ra, cậu út Lý xấu hổ đỏ bừng mặt, mau chóng ra ngoài gác xe lại ngay ngắn, không quên rối rít xin lỗi.

"Không sao đâu, tôi chỉ cảm thấy bản thân mình may mắn vì hôm nay hữu duyên được gặp anh thôi, monsieur Jeno."

Thấy gương mặt của Lý Đế Nỗ dần chuyển sang há hốc vì ngạc nhiên, người kia mới vội vàng giải thích

"Tôi cũng là sinh viên học cùng khoá với anh lúc ở Pháp, chỉ khác là tôi học Pháp Chính, còn anh học Văn Khoa. Quên giới thiệu, tôi họ La, La Tại Dân. Tên tôi có vẻ lạ vì bố tôi là người Nhật Bản, chắc cậu đã từng nghe đến tên Đô đốc Nakamoto Yuta."

Lý Đế Nỗ vẫn ngờ ngợ, không gợn được chút ấn tượng nào. Đến khi người kia xưng danh bằng tên Tây, cậu út Lý mới nhớ ra mình từng biết đến người này.

Lúc ở Pháp, cuối tuần nào Đế Nỗ cũng thấy cái tên Na Jaemin luôn có trong danh sách tham gia ở hội quán sinh viên An Nam. Đế Nỗ có nhớ rằng cậu sinh viên Na Jaemin mỗi lần đi tham dự sinh hoạt hội quán chỉ luôn đi một mình, ngồi vào bàn sát góc tường, tuy nhiên luôn nổi bật với mái tóc nâu sáng. Thời gian biểu tham dự hội quán của Na Jaemin cũng không thường xuyên khiến Lý Đế Nỗ luôn đinh ninh rằng có lẽ chỉ là một cậu sinh viên ngoại quốc hứng thú với văn hoá nước Nam.

Chính vì thế khi nhìn Na Jaemin - bây giờ là La Tại Dân đang đứng trước mặt mình, nói tiếng quốc ngữ rành rọt, xưng tên ta và nhìn hiền lành với mái tóc đã thành màu đen nhánh; Lý Đế Nỗ mới thấy lạ lùng làm sao.

Lạ lùng hơn nữa là khi thấy La Tại Dân đến khấn hương tại một điện thờ Mẫu.

"Tôi tưởng anh là Ki tô hữu, lúc ở Pháp tôi có thấy anh thường lui tới nhà thờ kia mà."

Quả đúng là tôi có đến nhà thờ, La Tại Dân gật đầu, "Nhưng tôi hay nghĩ rằng, bất cứ vị thần linh Phật Thánh hay cả đức Chúa trời cao quý đều muốn rao giảng hướng thiện cho con người cả thôi. Tôi chỉ không muốn tự gò ép mình vào lễ nghi tôn giáo. Vậy thì việc tôi có làm dấu thánh hay lễ bái trước điện thờ Phật cũng đâu có gì là sai, đúng không?"

Đợi người đối diện thuận ý với lời giải thích kia, La Tại Dân lại tiếp lời

"Nhà bên ngoại tôi ở mạn gần đây. Sẵn hôm nay tôi đánh xe về, đi ngang qua đây muốn vào thắp nén hương tỏ chút lòng thành, mong được các bậc Mẫu Thánh độ trì cho việc lớn của tôi được chu toàn."

La Tại Dân tuy rằng luôn toát ra cho người khác vẻ cơ mật bí ẩn, nhưng lúc Lý Đế Nỗ hỏi đến liền không giấu giếm nói ngay, anh muốn tự mở một trường đại học tư thục. Tại Dân đã nhìn nhiều, thấy được nhiều những phong trào canh tân, xuất dương cầu học, nhưng chưa hẳn là một cách hay. Chi bằng không tạo lập một nền giáo dục vững vàng cho thanh niên bắt nguồn từ chính gốc gác quê hương.

"Nên rằng lúc thấy anh tại đây, tôi đã nghĩ các Vị đã nghe thấu được tâm nguyện của tôi rồi. Tôi muốn chiêu mộ anh vào hàng ngũ giáo chức cho ngôi trường sắp thành lập của tôi."

Hoài bão của La Tại Dân quả thực không chỉ gói gọn trong mấy chữ "canh tân đất nước", dù cho ý tưởng này Lý Đế Nỗ đã ngấm ngầm cho rằng không có khả thi. Nhưng cậu út Lý vẫn hỏi thêm, anh có thể lập trường tại Hà Nội kia mà, sao lại về nơi xa xôi thế này.

"Ô hô anh ngốc này" - La Tại Dân bật cười lớn - "Lập trường ở Hà Nội cho các quan trên phạt vạ hay sao. Bố tôi đâu phải ngài Thống sứ."

La Tại Dân rút ra tờ giấy nhỏ, dúi vào tay Đế Nỗ rồi bước về xe, không quên nhắn nhủ

"Đây là số dây thép của tôi, anh có thể liên lạc lại khi cần. Cảm ơn anh vì cuộc gặp mặt."

Trong một khoảnh khắc Lý Đế Nỗ toan vứt tờ giấy đi, cho rằng không cần thiết. Nhưng lời cuối cùng mà La Tại Dân nói vọng lại khiến cậu út Lý gấp lại tờ giấy cẩn thận, nhét sâu vào túi áo

"Tôi biết anh đến đây không phải chỉ mỗi mục đích khấn hương hay lễ bái. Anh có thể coi đây là lời đề nghị nhất thời, nhưng tôi mong anh cứ thong thả mà suy nghĩ thấu đáo."

----
A/N

Đáng lẽ đây sẽ  là quà 20.10, nhưng mình beta mãi không xong đành up chậm ;v;

Chap này có thể quan điểm trong fic sẽ đụng chạm đến nhiều bạn, nhưng mong mọi người sẽ xem fiction là fiction, mọi thứ đều là hư cấu. Just for entertainment, peace🤘

Chúc mọi người buổi tối dui dẻ. Cảm ơn những vote và cmt của mọi người là động lực để mình tiếp tục viết. Mong mọi người lại tiếp tục chờ fic mới chap mới của mình nhaaa

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro