Chương 1: Sen làng Thượng cuối mùa hương tuôn

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Xuân tàn. Đám sen hồ Ngát đà bắt đầu nở, muôn cánh hoa khum khum xập xoè ôm lấy nhuỵ vàng, búp sen nom như cái chén đất con con dùng uống nước chè hay để ở đầu chõng. Màu hoa hồng rực lấp ló giữa những chùm lá xanh mướt bản rộng lúp xúp rì rào. Lão Mặc lệnh khệnh chèo thuyền thúng ra giữa hồ sen, tiếng mái chèo khua trên mặt nước nhịp nhàng dờn dợn những vòng sóng mảnh và mờ, thoáng ẩn thoáng hiện rồi tan khuất vào bản lá trôi nổi to bè. Hương sen ngan ngát át mùi đất bùn ngai ngái hôi tanh, thoang thoảng toả lan khắp mặt hồ rộng, vương vít quấn quyện trong làn gió nóng đầu mùa, ướp lên từng cọng rơm rạ khô quắt trên tấm mái lợp căn chòi tạm bợ gác giữa lòng hồ. Ai từ trên kinh về làng Thượng cũng đi ngang qua đây. Hồ Ngát, hương sen trở thành tín hiệu của làng. Người ta nhắc đến làng Thượng là nhắc đến hồ Ngát, nghĩ về làng Thượng là nghĩ về hương sen, hễ đi xa lại nhớ đến cái hồ sen cạnh gốc đa cổ thụ và mái ngói sân đình.

Năm ấy sen nở, phủ ông Lý treo đèn giăng hoa đốt pháo mở tiệc đón Thám hoa vinh quy bái tổ, khách khứa vào ra tấp nập, xóm làng náo nức vây xem. Đám rước long trọng, võng lọng rợp trời, đoàn phu rước vài tá người nối đuôi nhau từ đầu làng cho đến tận trước phủ ông Lý. Dân chúng nhốn nháo đổ ra hai bên đường xem rước, đặt hương án bái vọng đầy đủ đèn nến hương hoa. Kèn pháo rộn ràng cả dọc đường dài, kiệu vừa hạ, tân Thám hoa tạ lễ với cha mẹ cùng các ngài tiền bối trong họ, thắp nén hương trước bài vị sơn son thếp vàng đặt trên bàn thờ tổ tiên rồi trở vào gian nhà chính. Mặt trời lên cao, lễ nghi hoàn tất, cỗ bày xong xuôi, tiệc rượu bắt đầu. Bọn con ở thằng hầu đôn đáo chạy qua chạy lại trong sân và dưới bếp, bưng rượu thịt lên mâm hầu các cụ, các ông. Cụ Tham tán gật gù trên ghế chủ toạ, nâng chén rượu sứ men trắng nhà Thanh mừng tân Thám hoa nhà họ Lý. Lý Minh Hưởng còn trẻ mà thành tài, thi Đình đỗ Thám hoa, sau này lại thành Học sĩ ở Quốc Tử Giám, làm vẻ vang cho dòng họ. Là chuyện đáng mừng, đáng mừng.

Lý Minh Hưởng là cháu họ cụ Tham tán, con trai ông tri huyện Lý, họ hàng xa của Lý Đế Nỗ. Lý Đế Nỗ đâu rồi, bên mâm cỗ không thấy bóng dáng cậu. Vui mừng của cả họ, ấy vậy mà cậu Lý không dự tiệc. Cậu Lý không thèm nể mặt ai. Mà mấy ai biết mặt cậu Lý. Đám rước Thám hoa vinh quy người tinh mắt còn thấy bóng dáng cậu đằng sau ông quan tri phủ, nhưng đến khi lễ nghi rình rang kết thúc, rượu thịt bày biện đề huề, chẳng ai biết cậu đã bỏ đi đâu. Đấy là thầm nghĩ trong đầu như thế, bàn tán sau lưng như thế, nhưng khách khứa không dám gặng hỏi. Chủ nhà xem như không có chuyện gì. Bao lâu nay vẫn thế, đâm ra cũng thành lệ, thành quen. Đã quen rồi thì không ai lấy làm lạ nữa. Đời vẫn trôi đi, yên ả và chẳng có gì.

Cỗ tiệc linh đình đèn đuốc sáng trưng ròng rã ba ngày ba đêm, cuối ngày thứ ba mặt trời xuống núi, Lý Minh Hưởng tản bộ ra vườn sau nhà dạo chơi hóng gió thì gặp Lý Đế Nỗ đang khom người tưới nước cho mấy chậu hoa lan. Lác đác tiếng chim kêu trên những tán sung tán nhãn. Võng lọng rực rỡ che kín bầu trời, vòm cây xanh um che kín bầu trời. Thân cây già to và thấp, cành lá xum xuê loà xoà trên mái hiên lợp ngói đỏ đã cũ. Ánh nắng buổi chiều tà hắt xuyên qua kẽ lá, in xuống nền gạch đỏ lát sân những vệt mờ mờ như hoa rụng. Dạo trước xuân tàn hoa úa rụng đầy sân trong vườn, lặng lẽ và im lìm hệt như dấu nắng phai lả tả bây giờ, bị cây chổi trong tay cái Thắm quét bay tứ tán ra tít đầu hè. Dù vậy không ai quét được mảnh sân bớt nắng, chỉ còn nước chờ đợi một áng mây trắng từ đâu bay về che khuất mặt trời, hay vầng dương tự hạ mình khuất sau luỹ tre ngút ngát cuối làng nhường chỗ cho vành trăng lên. Không gian tĩnh mịch mắc giăng như làn khói bếp cuộn trong gió chiều. Âu cũng là chuyện lạ, bởi lẽ ba hôm nay phủ họ Lý lúc nào cũng xôn xao tràn ngập tiếng nói tiếng cười. Tiếng cười nói rôm rả rộn ràng, dòng người qua phủ đông vui như trảy hội. Vậy mà giờ đây, nơi mảnh vườn sau dãy nhà phụ, tân Thám hoa công thành danh toại cầm cây quạt giấy đứng bên hàng giậu thấp lè tè, trầm ngâm nhìn người đang quay lưng lại với mình chi chút lau từng lá cây lan. Mặc ai vừa mới đến, Lý Đế Nỗ ngoảnh mặt làm ngơ, coi như không hay không biết. Cậu Lý xa cách người đời bao nhiêu năm nay. Cậu gần gũi với ai, hình như cậu chẳng gần gũi với ai. Cậu ít khi ra ngoài. Trong khi trai tráng ở làng đi làm canh điền cày thuê cuốc mướn, thư sinh nghèo cặm cụi đèn sách dùi mài kinh sử, công tử con nhà cao quý không chơi bời trác táng thì mải mê sự nghiệp công danh, thì cậu chỉ im lặng bên mấy chậu lan. Chẳng ai biết cậu muốn gì. Có khi chính cậu còn chẳng biết, huống chi người ngoài. Ai nói chuyện được với cậu đôi câu. Người ta sợ. Ông phủ Lý từ mặt cậu, bà Cả mẹ đẻ cậu Lý đã mất, họ hàng bên ngoài bằng mặt nhưng bên trong không bằng lòng. Cậu Lý chình ình ở đó, chẳng nói chẳng rằng, tính cách lầm lì lại cổ quái, giống hòn đá vô tri vô giác bất di bất dịch mãi ngáng ngang đường họ, làm họ ngứa mắt. Cậu Lý ấy không nói thì chẳng ai lấy làm lạ. Điều thực sự lạ lùng là Lý Minh Hưởng, người nổi tiếng thân thiện dễ gần, cũng không ừ hử nói năng câu gì mà chỉ đứng lặng yên bên bờ giậu.

Từ ngày còn nhỏ, Lý Minh Hưởng đã thường hay lẽo đẽo bám theo cha đến phủ nhà họ Lý chơi, khi cha quay ngựa về rồi vẫn nán lại ở thêm hẳn mấy tháng trời, quan hệ với Lý Đế Nỗ chẳng đáng gọi là thân tình nhưng không đến mức xa cách. Mặc dầu Lý Đế Nỗ từ xưa vốn là đứa trẻ cứng nhắc lầm lì, ngày ấy nó vẫn trò chuyện với người anh họ xa thi thoảng ghé thăm này; mỗi khi Lý Minh Hưởng kéo Lý Đế Nỗ ra đê thả diều nó chưa bao giờ nói lời từ chối, tuy rằng sau đấy hai đứa cứ thế chạy dọc triền đê đón gió căng diều mà chẳng nói với nhau được mấy lời. Hương đồng cỏ nội quyến luyến làn gió chiều mùa hạ, nâng bổng cánh diều nhẹ, hương sen làng Thượng dường như hoà vào đó, lãng đãng bay lên tới tận cung mây.

Lý Minh Hưởng gấp cây quạt giấy trong tay, thở dài lên tiếng phá vỡ không gian tĩnh mịch:

- Đế Nỗ, vì sao không chịu đi thi?

Hoàng hôn hồng rực buông xuống mảnh vườn kẻ ô gạch đỏ đã phai, đường nét cảnh vật mờ nhoà gần hết, đồng loạt chìm vào khói sương. Lý Đế Nỗ tỉ mẩn cúi người lau lá cây thiết mộc lan, để mặc Lý Minh Hưởng đứng đó với câu hỏi không đầu không cuối. Chúc mừng đã chúc mừng, gặp mặt đã gặp mặt, dẫu vậy khoảng cách mơ hồ kia giữa cậu Lý và tân Thám hoa vẫn chẳng thể nào xoá nhoà. Nước tưới cây dùng gàu ra giếng múc, nắng trời loang loáng rọi soi từng gợn nhạt, không ấm không lạnh. Giọng điệu cũng thế, lòng người cũng thế, tất cả đều không ấm không lạnh.

Mặt trời khuất bóng sau luỹ tre cuối làng, cậu Lý gấp chiếc khăn vải lụa làm tư để lại trên vành chậu lan bằng đất, thẳng người quay lưng nhìn Lý Minh Hưởng vẫn lặng lẽ đứng chờ bên bờ giậu. Lựu đỏ đơm hoa lập loè trong bóng tối. Cơn gió mùa lướt qua tàn lá rung rinh ướt đẫm hương sen. Cậu Lý nhắm mắt hít vào thật sâu thứ hương quê đồng cỏ nội. Hôm qua cậu nghe nông dân vùng trong nổi dậy khởi nghĩa, chiều ngả về tối mặt đất đã lạnh cóng thây người. Thêm một cuộc khởi nghĩa yếu thế bị dập tắt. Chẳng khác nào tàn lửa vùi kín trong mớ rạ, lúc nào đó sẽ lại nhen lên. Chính sự rối ren, quần chúng bần hàn, vua tôi kẻ mù người điếc, kẻ vét người vơ; thử hỏi đến bao giờ vận sự này lụi tắt.

Lý Đế Nỗ nhìn tân Thám hoa trong bộ áo màu thiên thanh giờ đây đang đứng dưới ánh đuốc chập chờn hắt vào từ đầu cửa ngõ sau, thanh âm trầm thấp như nói với chính mình:

- Vua bạc nhược, thế nhiễu loạn, sáng như tối, làm quan để làm gì?

Lý Minh Hưởng im lặng không đáp, Lý Đế Nỗ ngoảnh mặt đẩy khung cửa sắt theo lối sau về phòng.

Có tiếng chim lợn khóc vọng về từ phía cuối làng.




Sáng sớm hôm sau, cậu Lý vận áo dài nâu đội nón lá xỏ guốc gỗ rời phủ. Chẳng khác nào thư sinh nho sĩ bình thường, người trong làng nhìn qua không biết cậu là ai. Mà ngày thường họ cũng đâu biết cậu là ai. Cậu đi qua hồ Ngát, qua hương sen, qua mái đình, qua luỹ tre đầu làng. Mặt trời mới lên, hơi sương còn ẩm ướt. Người trong làng đánh trâu ra ruộng, các bà các cô sửa soạn đi họp chợ. Họ nói với nhau đủ thứ chuyện, thanh âm hoà lẫn méo xệch chẳng còn rõ tiếng. Nhịp sống thường nhật bắt đầu cùng những tia nắng đầu tiên của ngày mới, giữa cái náo nhiệt xôn xao ấy, một mảnh trời an yên mở ra nơi bến sông vắng người. Bến ấy bỏ hoang, lặng lờ. Nước mùa này dâng cao chảy xiết.

Cậu Lý sang làng Hạ, cậu ghé bến không đò. Càng về gần bến đường làng càng vắng, càng hẹp, càng khó đi. Tường đất hai bên thấp lè tè, mùi cỏ dại âm ẩm ngai ngái. Thấp thoáng vài giậu râm bụt hoa nở đỏ rực như những đốm lửa đèn. Sỏi đá dưới chân lạo xạo mấp mô. Cuối đường làng chẳng có bóng người, chỉ mình bóng cậu đổ rạp dưới nắng trời đầu hạ. Nhưng cậu quen rồi. Cậu đã quen lối ấy, cậu thường đến đây từ khi còn bé tí. Mẹ cậu là người làng Hạ. Ngày xưa mỗi khi cậu buồn, bà thường dắt tay dẫn cậu về đây. Cậu bé Lý Đế Nỗ lặng im đứng bên mẹ nhìn mặt sông lấp loáng nắng chảy. Bà cười hiền bảo cậu dòng nước ấy linh thiêng lắm, nó hồi sinh con người và ban tặng họ những điều tốt lành. Một vị thần sông hẵng ngụ ở đó. Chỉ cần cậu cầu nguyện bằng cả tấm lòng, ngài hẳn sẽ nghe thấy và biến điều ước của cậu thành sự thực.

Dĩ nhiên Lý Đế Nỗ chưa bao giờ tin vào câu chuyện vị thần sông. Ngay từ khi còn nhỏ, cậu đã chẳng hề quan tâm đến câu chuyện kể nhuốm màu hoang đường ấy. Mà giả như đứa trẻ non nớt ngày đó từng ôm lòng tin về một điều gì vô hình và kì diệu, thì bây giờ niềm tin của nó có lẽ cũng đã bị chôn vùi dưới lớp đất đắp mộ.

Cậu Lý quen đường đến bến sông, chắp tay sau lưng lặng im quan sát cảnh sông nước như biết bao nhiêu lần trước đó. Gió cuộn lên từ mặt sông làm đám cỏ lau bên mũi giày cậu lay lay. Bến bỏ hoang không một bóng đò, duy chỉ dòng nước trôi chảy êm đềm. Nước sông không trong xanh mà đục màu phù sa đỏ vàng lờ lợ. Cậu đứng dưới gốc cây gạo, mùa này gạo nở đỏ chói. Có tiếng người gọi cậu. Cậu không đáp. Người đó gọi lại. Cậu làm ngơ. Người lạ ngán ngẩm quay về công việc của mình. Thanh âm xa xôi chìm xuống giữa những tiếng sóng nối nhau, đợt sóng sau chờm lên sóng trước, vênh ra, dấp dếnh, dập dềnh. Đời người cũng thế, mãi dập dềnh, dập dềnh như cuộn sóng.

- Sao anh đứng đây? – Ít lâu sau người lạ mặt dài giọng hỏi lại, hình như tâm trạng không tốt lắm.

Cậu theo hướng tiếng động phát ra quay sang phía người đó. Thư sinh áo vải màu thiên thanh khom lưng bó gối ngồi ở bãi sông cách xa vài thước nheo mắt nhìn cậu, lớn tiếng:

- Tôi hỏi anh đấy, tại sao anh đứng đây? – Cậu ta dừng lại lấy hơi rồi tiếp tục lè nhè – Sao anh lại ở đây vào đúng cái lúc phải vạ phải gió này chứ hả?

Tầm mắt cậu Lý chạm phải vành mắt đỏ hoe, gò má ửng hồng và bầu rượu làm bằng đất nung trên tay người đó, cậu liền hiểu chuyện gì đang diễn ra. Bình thường bến sông bỏ hoang chẳng ai nhòm ngó đoái hoài, dầu vậy điều đó không có nghĩa nơi này là lãnh địa của riêng mình cậu. Những kẻ say rượu nhiều khi đi lạc lung tung, có người từng chân nam đá chân chiêu ngã òm xuống sông chết đuối. Cũng phải thôi, rớt sông đà ít ai cứu nổi, lại chẳng ai muốn cứu kẻ say.

Chính Lý Đế Nỗ cũng không thể khẳng định rằng cậu sẽ ra tay cứu vớt thư sinh kỳ lạ này nếu y lỡ may sảy chân xuống nước.

- Tránh xa khỏi bờ sông đi. - Cậu thở dài.

Lời nói gió thoảng mây bay, ấy vậy mà thư sinh vô danh kia thực sự mơ màng đứng lên lùi về sau mấy bước rồi lại lảo đảo ngồi thụp xuống.

- Nhớ cho kỹ. - Cậu ta hằm hừ gằn giọng trong khi khịt mũi. - Tôi tên là La Tại Dân.

Lý Đế Nỗ chỉ nghe mà không đáp, nhưng cậu đã thực sự ghi nhớ cái tên này cho đến tận rất lâu sau đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro