Chương 30: Kết thúc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Thái hậu, có chuyện rồi!"

Hiện giờ mới vào canh ba tam khắc, Ngọc Nhi đã chạy vào bẩm báo. Thái hậu gắng ngồi dậy, hỏi:

"Chuyện gì?"

"Chúa thượng đến nhà Thiếu úy Trần Ngô Lang dạo chơi, lúc về gặp cướp rồi!"

"Đáng đời, tiền bạc của nó không thiếu, bị cướp chẳng có mệnh hệ gì!" - Nàng quay mặt vào trong

"Nhưng không phải mất tiền bạc!" - Ngọc Nhi nói

"Chứ mất thứ gì? Nó còn sợ mất thứ gì nữa mà bảo người bẩm báo ai gia?"

"Bẩm thái hậu, mất ấn và gươm báu."

"Cái gì? Nó mang bên mình sao?" - Thái hậu hoảng hốt ngồi dậy

"Vâng thưa Thái hậu!"

Nàng chắp tay, cảm thán nói một câu: "Tận rồi, thật sự tận rồi!"

Đó là tháng 6 năm 1366, Dụ Tông bị cướp mất ấn báu và gươm báu, đinh ninh bản thân không còn sống lâu nữa, càng ăn chơi sa đọa hơn. Thái hậu cũng không quản nữa, mặc cho Dụ Tông buông thả bản thân, mặc cho sử sách đời sau có đánh giá như thế nào nàng cũng không quan tâm. Bởi lẽ, chuyện tiền triều không liên quan đến hậu cung.

Trong 3 năm cuối đời (1366 - 1369), tình hình biên cương căng thẳng. Ở phía Bắc, nhà Nguyên lục đục, phong trào nông dân do Chu Nguyên Chương lãnh đạo đã gần như đánh bại được Mông Cổ. Trần Hữu Lượng - tướng nhà Nguyên nhiều lần kêu gọi Đại Việt giúp đỡ nhưng Dụ Tông không quan tâm, chỉ bảo quân đội tăng cường canh phòng ở biên giới. Ở phía nam, cuối năm 1367, Dụ Tông sai Minh tự Trần Thế Hưng và Đỗ Tử Bình đi đánh Chiêm, Đại Việt đại bại, Thế Hưng bị bắt sống, Tử Bình trốn thoát. Vào đầu năm 1368, sứ giả Chiêm Thành đến muốn thương lượng, bắt Đại Việt trả lại vùng đất Hóa Châu nhưng Dụ Tông không trả, còn bắt giam sứ giả, hành hạ dã man. Sau đó thì thả về Chiêm cảnh cáo, không giết. Căng thẳng như thế nhưng Dụ Tông vẫn tiếp tục ăn chơi sa đọa, hưởng thụ mọi thú vui trên đời. 

Năm Kỷ Dậu 1369, Dụ Tông băng hà tại cung Quan Triều, hưởng thọ 34 tuổi, kết thúc cuộc đời trụy lạc của mình. Vào tang lễ, Thái hậu không rơi một giọt nước mắt nào, nàng đã buông bỏ đứa con trai này, không muốn nhìn nó, dù chỉ là lần cuối cùng. Dụ Hoàng được an táng ở Phụ lăng, triều thần dâng thụy hiệu Thống Thiên Thể Đạo Nhân Minh Quang Hiếu Hoàng Đế, để lại di chiếu lập Trần Nhật Lễ làm vua. Ai cũng nói Thái hậu yêu quý Nhật Lễ, ắt hẳn chuyện này do nàng định đoạt nhưng họ đâu biết đã lâu rồi mẹ con họ không nói chuyện, thậm chí là không nhìn mặt nhau, dù chỉ một lần. Chính Thái hậu cũng sửng sốt với quyết định này, nhưng cũng đành thuận theo.

Ngày 18 tháng 7 năm 1369, Trần Nhật Lễ lên ngôi vua, đặt niên hiệu Đại Định, tôn Cung Túc vương Nguyên Dục làm Hoàng thái bá, tôn đích tổ mẫu làm Hiến Từ Thái hoàng thái hậu và tôn Nghi Thánh hoàng hậu (1) làm Huy Từ Tá Thánh Hoàng thái hậu. Lại bổ nhiệm Cung Định vương Trần Phủ làm Thái sư, lấy con gái của ông làm hoàng hậu và Cung Tĩnh vương Nguyên Trác làm Thái tể.

Lúc này, sứ thần nhà Minh định đến Đại Việt phong Dụ Tông làm An Nam quốc vương nhưng lại gặp quốc tang. Nhật Lễ xin cầu phong nhưng sứ thần từ chối, về nước. Đại Định đế bèn cử Đỗ Khuấn Thâm sang đi sứ nhà Minh báo tang và cầu phong.

Vương thị không được tôn phong vì thân phận thấp hèn, không xứng làm mẹ vua nhưng vẫn được người người xu nịnh, Thái hoàng thái hậu nhìn không quen mắt, liền gọi đến giáo huấn:

"Ngươi tuy là mẹ ruột của chúa thượng nhưng thân phận thấp hèn, không thể ngày ngày bên cạnh như trước nữa. Ai gia nhìn không quen những chuyện xấu xa ngươi làm. Nể tình là thân mẫu của chúa thượng, ai gia tha ngươi một mạng. Lui về điện mà an hưởng cuộc sống đi!"

"Thái hoàng thái hậu, xin người khai ân! Nhật Lễ..."

"To gan, một Vương phu nhân nhỏ nhoi lại dám gọi thẳng tên chúa thượng sao?"

"Xin người tha tội! Thần ngu dốt, nhất thời chưa quen được."

"Chuyện này ai gia không truy cứu, nhưng ngươi nhất định không được bước đến cung Quan Triều nửa bước. Nếu làm trái lời, trảm!"

Không đợi Vương thị phản ứng, nàng đã bảo người lôi ả đi. Nữ nhân này bề ngoài có vẻ đoan trang nhưng trong lòng sớm đã có tính toán. Trong lúc làm phủ thiếp của Cung Túc, ả vẫn qua lại với Dương Khương, tin chắc rằng sớm muộn gì cũng mượn tay Nhật Lễ cướp ngôi nhà Trần. Hiến Từ biết rõ nhưng không xử lý tận gốc, mà chỉ cố gắng tách Vương thị khỏi Đại Định đế. Và đó...chính là sai lầm lớn nhất của cuộc đời nàng.

_______________

Một năm sau khi lên ngôi, Nhật Lễ bỏ bê triều chính, hoang dâm vô độ, trọng dụng Trâu Canh, bảo hắn tạo ra nhiều phương thuốc giúp thỏa mãn ham muốn của mình. Hiến Từ biết chuyện đi đến cung Quan Triều, lại thấy Vương thị và Dương Khương ở đấy, tức giận nói:

"Các ngươi đã xem nơi này là nhà sao? Loại người gì cũng có thể vào đây!"

"Đích tổ mẫu, xin người bớt giận! Dương Khương đã giữ chức Lệnh thư gia, trẫm chỉ bảo hắn vào đây phò trợ việc nước. Vừa hay gặp Vương thị ở đây, nên nói đôi ba lời." - Nhật Lễ quỳ xuống

"Vương thị làm trái lời của ai gia, mang ả ra ngoài, TRẢM!"

"Đích tổ mẫu, đó là mẹ ruột của trẫm, người không thể làm bừa!" - Nhật Lễ đứng chắn trước mặt Vương thị

"Thân mẫu thì đã sao? Ả có mưu đồ soán ngôi nhà Trần, ai gia không thể làm ngơ. Chúa thượng không thể cứ tiếp tục chấp mê bất ngộ như thế!"

"Đích tổ mẫu, người già rồi, đừng lo nhiều như thế nữa!"

Hiến Từ đơ người, không nghĩ rằng đứa cháu ngoan mà nàng dốc lòng nuôi dưỡng lại thành ra như thế này. Lần này, Hiến Từ đã thật sự tức giận, nói:

"Tốt, đúng là đứa cháu tốt mà ai gia nuôi dưỡng! Nếu gia đình các ngươi đã hòa thuận như thế, ai gia sẽ cho các người toại nguyện dưới suối vàng."

Nói rồi, Hiến Từ rời đi, rồi cho truyền Thiên Ninh công chúa nhập cung. Dương Khương và Vương thị đơ người, thì ra Thái hoàng thái hậu đã sớm biết rõ mọi chuyện, chỉ là nể mặt Cung Túc vương nên không nói rõ ra. Chuyện đã đến mức này, Đại Định đế sai hạ nhân trong cung Thánh Từ lén lút tẩm thuốc độc vào đồ ăn của Hiến Từ.

________________

Thiên Ninh vội vã chạy vào cung, vừa gặp đã bị Hiến Từ kéo đến ngồi, Ngọc Tha hỏi:

"Vì sao người lại truyền con vào cung gấp đến vậy?"

"Sắp có chuyện lớn rồi, con mau đưa mảnh giấy này cho Nguyên Trác và Thiên Trạch, bảo chúng nó phải hành động ngay lập tức. Nếu có thể, mau tìm tam ca và thập nhất đệ đệ của con!" - Hiến Từ đưa Thiên Ninh một mảnh giấy

"Mẫu hậu, đã xảy ra chuyện gì?" - Ngọc Tha lo lắng hỏi

"Nhật Lễ...họ Dương!"

"Sao ạ? Nó không phải là con của Nguyên Dục sao?"

"Nguyên Dục u mê Vương thị, đương nhiên nghe theo lời ả sắp đặt. Con phải mau mau đưa mảnh giấy này đến cho huynh đệ của con, nếu không sẽ không kịp."

"Mẫu hậu, ngươi mau đi với con!"

"Không, ai gia rời khỏi cung sẽ bị nghi ngờ. Con mau đi đi! Ai gia đợi được!"

"Nhưng thưa mẫu hậu..."

"Không nói nữa! Mau đi đi! Nói với Thiên Trạch phải bảo trọng, ai gia chờ nó đến bảo hộ ai gia!"

Hiến Từ đẩy Thiên Ninh ra ngoài cửa, đóng lại, quỳ xuống đất. Nàng biết...mệnh của nàng đã tận rồi. Hạ nhân vừa rồi mang trà đến, nàng biết trong trà có độc nhưng vẫn uống. Hiến Từ đã không muốn sống nữa, nàng đã quá mệt mỏi với hoàng quyền, với bổn phận. Ngọc Nhi chạy vào thì đã thấy Hiến Từ thổ huyết dưới đất, hốt hoảng:

"Thái hoàng thái hậu, người làm sao vậy?"

"Ngọc Nhi, em có muốn đi với ta không?" - nàng cười

Ngọc Nhi gật đầu, lấy cây trâm từ đầu mình xuống, đâm vào tim mình. Chủ tớ bọn họ sống chết có nhau...

Trước khi nhắm mắt, nàng lờ mờ nhìn thấy Quốc Chẩn và Thượng hoàng trở về, nàng mỉm cười họ, lẩm bẩm nói:

"Cha, Mạnh lang, hai người không phải lo nữa! Huy Thánh đến đây! Nguyện kiếp sau vẫn là con của cha, vẫn làm vợ của Trần Mạnh nhưng vĩnh viễn đừng dính vào hoàng quyền nữa. Ta mệt rồi!"

Ngày 14 tháng 12 năm Đại Định thứ 2, Hiến Từ Tuyên Thánh Thái hoàng thái hậu bị Dương Nhật Lễ hạ thuốc độc, băng thệ. Cuộc đời nàng sống trong sung túc nhưng lại muôn vàn vết thương. Sử gia đời sau bảo nàng làm hại nhà Trần, suýt nữa đẩy vương quyền vào tay Dương gia. Họ nào biết nàng cũng đau khổ biết mấy. Đứa cháu mà mình dốc lòng nuôi dưỡng nay theo lời phụ mẫu thân sinh ra tay tàn độc. Âu cũng là quả báo! Nếu năm xưa nàng quyết định đúng đắn hơn, kết cục cũng sẽ không bi thương đến dường này. Đành thôi!

Và cho đến khi mất...nàng vẫn chưa quên được Trần Mạnh, bởi chàng đã cho nàng hiểu được thế nào là yêu, thế nào là hận, dẫu hận nhiều hơn yêu....

Cứ ngỡ ấy là thiên duyên tiền định, nào ngờ đó là nghiệt duyên....

"Nữ trung Nghiêu Thuấn" thì sao chứ? Ngoài danh hiệu đó, nàng có được gì? Không gì cả...

___THE END___

Chú thích:

(1): Nghi Thánh hoàng hậu là hoàng hậu của Dụ Tông. Trước khi mất Dụ Tông nhận Nhật Lễ làm con nuôi nên khi đăng cơ, Nhật Lễ tôn Nghi Thánh làm hoàng thái hậu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro