Phần 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

   Câu chuyện này tôi được nghe kể lại từ những người già trong thôn.
   Vào những năm 90, trong thôn có một người tên Tú Chi, cô ấy là người vùng khác, mới được gả về đây không lâu và sinh ra một bé gái kháu khỉnh, thông minh, lanh lợi. Chồng cô vốn đi làm xa, chẳng mấy khi ở nhà nhưng mỗi năm đều kiếm được không ít tiền. Thế nên, Tú Chi một mình nuôi dạy con cái tuy vất vả, nhưng may rằng trong nhà không thiếu cái ăn cái mặc, mỗi dịp Tết đến xuân về còn có thể mua vài mét vải may quần áo mới, mua cho cô con gái cái váy hoa mà con bé thích, vậy nên cuộc sống cũng được coi là đủ đầy.
   Thế nhưng có những chuyện chẳng thể ngờ được đã ập tới, năm con gái Tú Chi lên 5 tuổi, đã gặp phải một chuyện tà quái, suýt chút nữa thì mất mạng. Câu chuyện này phải bắt đầu kể từ một cái giếng gần nhà Tú Chi.
   Cái giếng nằm dưới gốc cây hoè, là một cái giếng đã bị bỏ hoang rất nhiều năm, trên miệng giếng còn bị chặn bởi một tảng đá rất to, xung quanh mọc đầy cỏ dại, nhìn trông vô cùng u ám. Mỗi khi đi ngang qua đây, hầu như mọi người sẽ cảm thấy một làn gió lạnh thổi ngang qua gáy mà không khỏi rùng mình, điều này càng khiến người ta tin vào cái điều mà dân làng vẫn truyền tai nhau bấy lâu, rằng dưới miệng giếng kia là nơi cư ngụ của thứ gì đó vô cùng ghê gớm.
   Vả lại, điều làm Tú Chi cảm thấy kỳ lạ đó là, người trong thôn dường như rất kiêng kị cái giếng này. Vào giữa tiết hè oi nóng, mọi người thường thích tụ tập dưới bóng cây hóng mát, buôn chuyện phiếm, thế nhưng mặc cho cây hoè bên cạnh giếng có tán lá phủ rộng, sum suê, bên dưới thường có gió mát thổi qua, ngồi tránh nắng quả thực rất phù hợp, vậy mà vẫn chẳng thấy bóng dáng một ai ngồi dưới đó bao giờ.
Có những khi mấy đứa trẻ trong thôn tò mò mà lại gần cái giếng chơi, người lớn thấy sẽ quát cho một trận, vội vàng gọi chúng lại một bên, xuống giọng cằn nhằn, doạ dẫm rằng phải né xa cái giếng đó ra, bên dưới chỗ quỷ quái kia có chứa thứ gì đó ăn thịt người.
Tú Chi nghe loáng thoáng vậy, cũng từng hỏi chồng mình, rốt cuộc cái giếng đó chứa điều gì bí ẩn, tại sao lại bị niêm phong bằng một tảng đá lớn? Chồng cô lắp bắp trả lời nhát gừng, không rõ ràng, đến cuối cùng cũng không chịu nói cho cô biết mọi chuyện, chỉ đáp qua loa rằng cái giếng ấy âm khí nặng, dặn cô không được một mình đi tới đó. Câu trả lời của chồng càng làm Tú Chi thấy tò mò hơn, trong lòng cũng bởi vậy mà có chút sợ hãi, nghi ngờ rằng trong giếng sâu có giấu thứ gì đó rất kinh khủng.
Ngày thường, nếu không có chuyện gì thì Tú Chi cũng sẽ không lại gần cái giếng, đôi lúc bất đắc dĩ phải đi qua, cô cũng sẽ cố gắng tránh xa. Nhưng cách cái giếng không xa lại là một con sông nhỏ, mọi người trong thôn đều phải ra đó để giặt quần áo, đứng bên bờ sông, chỉ cần quay đầu là đã có thể trông thấy cái giếng. Mỗi lần giặt quần áo, Tú Chi đều cảm thấy dường như có ai đó ở phía cái giếng đang nhìn mình chằm chằm, thế nhưng mỗi lần cô quay đầu lại nhìn, đều chẳng thấy ai cả. Trong một lần trời phủ dày sương mù, khi Tú Chi đang giặt quần áo bên sông, cảm giác kì lạ đó lại ập đến, cô không kìm được mình mà quay đầu nhìn lại về hướng cái giếng bí ẩn. Lần này bất ngờ thay, xuyên qua lớp sương dày, cô mơ hồ nhìn thấy một bóng người thoắt ẩn thoắt hiện đang đứng bên cái giếng, là một đứa trẻ với dáng hình thấp nhỏ, cô nhìn không rõ mặt, nhưng dường như đó là một bé gái, tết tóc hai bên.
Tú Chi cực kỳ hoảng hốt, trời sương gió như vậy, mà con nhà ai lại chơi ở đây, hay là... "Bé ơi, sao con lại đứng đây một mình, người nhà con đâu?" Tú Chi kìm nén sự sợ hãi, gọi vọng ra chỗ đứa bé.
Thế nhưng đứa bé chẳng hề phản ứng gì, nó vẫn đứng im bên cạnh cái giếng, nhìn cô chằm chằm, Tú Chi bắt đầu hoảng, tim đập ngày một nhanh.
"Đứa trẻ này, sao lại không thèm trả lời thế!" Tú Chi tự an ủi mình rằng có khi mắt mờ nên nhìn nhầm, thế là cô nuốt nước bọt, tự cổ vũ bản thân chầm chậm tiến lại gần chỗ đứa bé, xác nhận lại để vơi bớt nỗi sợ.
Khi cô đi ngang qua lớp sương dày phủ trắng, tiến đến trước cái giếng thì bỗng một cơn gió to từ đâu thổi đến, cô cố gắng mở mắt quan sát, đằng sau lớp sương mờ ảo ấy chẳng có gì cả, Tú Chi thở phào nhẹ nhõm, thầm cười bản thân suy nghĩ linh tinh. Thế nhưng, vừa quay người định rời đi, cô bỗng rùng mình trước tiếng cười lạ.
"Hihi... Hihi..." đó là tiếng cười của một đứa trẻ, tiếng cười đầy non nớt và ngây thơ, nhưng giữa trời sương mù mờ ảo và không gian âm u như vậy , âm thanh vốn đáng yêu này giờ đây đã trở nên cực kỳ đáng sợ.
Vả lại tiếng cười này, dường như vọng ra từ bên trong chính cái giếng đang bị bịt kín kia, Tú Chi phút chốc bị doạ sợ chết khiếp, chạy bạt mạng, đến quần áo bên sông cũng không kịp cầm về, nhắm mắt nhắm mũi lao một mạch về nhà cùng với nỗi run sợ trong lòng. Sau chuyện xảy ra ngày hôm ấy, cô càng cảm thấy sợ đến gần cái giếng hơn bao giờ hết, đến việc giặt quần áo bên sông cũng phải có người đi cùng.
Hôm con gái Tú Chi sảy ra chuyện, cũng chính là ngày cô đến bên sông giặt quần áo. Mọi khi cô đều đi cùng cô con dâu nhà hàng xóm, thế nên có thể gửi gắm con gái lại cho hàng xóm trông coi hộ trong chốc lát. Nhưng hôm đó nhà hàng xóm lại bận việc, phải đi thăm họ hàng xa, nên Tú Chi chỉ còn nước tự mình dắt con gái đi giặt quần áo cùng.
Và đó cũng chính là ngày điều không may ập đến, không thể ngờ được rằng, sau khi giặt đồ xong xuôi, Tú Chi quay ra thì bỗng phát hiện con gái đã biến mất, một đứa trẻ mới tròn 5 tuổi, có thể chạy đi đâu được cơ chứ? Cô vội vàng chạy đi tìm khắp nơi, khi tìm đến chỗ gần cái giếng, cô bỗng khựng lại, cảm giác bất an ập tới, tảng đá vốn được đặt trên miệng giếng giờ đây đã biến mất, tảng đá đó vừa to vừa nặng, phải đến gần 50kg, sợ rằng trong thôn chẳng ai bỏ xuống được, vậy mà giờ đây lại không thấy bóng dáng đâu, liệu rằng đã có chuyện gì sảy ra cơ chứ?
Không kịp nghĩ ngợi nhiều, Tú Chi vội vàng chạy tới nhìn xuống bên dưới cái giếng, khoảnh khắc ấy tim cô như khựng lại một nhịp, con gái cô quả đúng là đã bị rơi xuống dưới đó! Nhưng may thay con bé chưa bị chìm, vẫn đang vùng vẫy, ngoắc ngoải dưới nước, cô hét to bảo con gái không được sợ, nắm chặt dây giếng đợi mẹ, sau đó chạy đi gọi người tới giúp.
Không ngờ rằng, khi mọi người vừa nghe thấy chuyện con gái cô bị ngã xuống cái giếng bên cây hoè, sắc mặt đã thay đổi ngay, đều tìm cớ không chịu ra tay giúp đỡ. Tú Chi vừa tức giận vừa lo lắng, tại sao đám người này có thể thấy chết mà không cứu cơ chứ, thật độc ác! Vào lúc lòng như lửa đốt, may thay cô gặp được nhà hàng xóm vừa đi thăm họ hàng xa về, anh chồng nhà đó tên Trang Tử, từ nhỏ đã chơi rất thân với chồng của Tú Chi, thế nên ngay khi nghe nói con gái cô bị ngã xuống giếng, anh đã không ngần ngại mà nhảy xuống cứu con bé lên.
Sau khi được đưa lên, con bé cũng không khóc lóc hay kêu gào gì, cực kỳ ngoan ngoãn đứng một bên nghịch cái dây buộc tóc hoa trên đầu mình, Tú Chi trông thấy con gái không sao liền an tâm hơn, cảm ơn Trang Tử sau đó dắt con về nhà.
Nhưng, mấy ngày sau, cô phát hiện ra con gái có gì đó không bình thường, nó chẳng còn thông minh lanh lợi như hồi trước nữa. Ngược lại cả ngày lầm lì ít nói, chỉ thích chơi một mình, có lúc gọi tên cũng không đáp lại, còn thích nhìn chằm chằm vào người khác, trong miệng thỉnh thoảng lẩm bẩm thứ tiếng gì đó không ai nghe hiểu. Hành động vô cùng khác thường, trái ngược hoàn toàn với đứa trẻ khi xưa.
   Tú Chi nghĩ rằng, có khi nào con gái bị ngã xuống giếng sợ quá nên mới vậy, nên vội vàng đốt vía cho con mấy lần, ấy thế mà cũng chả có tác dụng gì. Cô lo lắng, đưa con đi khám thì được bác sĩ kê cho một đống thuốc, thế nhưng uống xong bệnh tình con bé không những không thuyên giảm mà thậm chí lại càng nghiêm trọng hơn. Có những khi nửa đêm con bé bỗng tỉnh dậy, nghiêng đầu nhìn chằm chằm Tú Chi, khiến cô mấy lần liền bị doạ đến mức hồn gần như lìa khỏi xác.
   Bệnh tình của con gái không chút tiến triển, Tú Chi buồn bã không nguôi và chuyện này chẳng mấy chốc đã đến tai hàng xóm láng giềng. Mấy bà hàng xóm kéo cô lại thì thầm to nhỏ rằng, con gái ngã xuống cái giếng có tính âm nặng như vậy, nói không chừng đã bị thứ gì đó ám vào rồi. Bảo cô nếu con vẫn không đỡ, thì ra khỏi cổng làng, đi về hướng Nam 30 dặm sẽ thấy một cái thôn tên Nhị Đạo Pha, vào đó tìm người tên Lý Cô, người này chuyên xem bói, hay còn được gọi là bà đồng, nghe nói cực kỳ linh nghiệm.
   Tú Chi cũng chẳng còn cách nào khác, nên đành dắt con gái tìm tới chỗ Lý Cô. Nhà bà đồng Lý Cô không to, bên ngoài nhìn vào cũng giống như những căn nhà bình thường khác, ngoài cửa treo ngô đã phơi khô, sau khi bước vào cổng, sẽ thấy giữa sân là một cái lư hương lớn, ở giữa phủ dày tàn hương. Nhìn vào trong nhà thì thấy khói trắng nghi ngút, có lẽ bà đồng đang ở trong thắp hương khấn tế.
   Lý Cô nhìn chừng khoảng 50-60 tuổi, vẻ ngoài nom như những phụ nữ nông thôn bình thường. Bà Lý thấy có khách đến nhà, cực kỳ nhiệt tình rót nước cho Tú Chi, mời cô ngồi xuống nghỉ chân, có chuyện gì cứ từ từ mà nói.
   Tú Chi vừa uống nước , vừa kể lại chuyện kỳ lạ sảy ra với con gái. Thấy vậy, Lý Cô liền nhìn đứa bé, dùng tay vạch mắt nó, quan sát bên trong con ngươi của đứa trẻ trông thấy có một vệt đỏ, sắc mặt Lý Cô dần dần trở nên nghiêm trọng. Tú Chi nhìn thấy vậy, trong lòng không khỏi chột dạ, vội vàng hỏi tình hình con bé, Lý Cô nói hai bên mắt đứa trẻ đều có vệt đỏ, xem ra quả thực đã bị thứ gì đó ám vào, mắc "hư bệnh".
   Nhưng, Lý Cô bỗng dừng một lúc rồi nói tiếp: "Cũng chẳng phải vấn đề gì to tát, chuyện này tôi gặp nhiều rồi, cô chỉ cần làm theo lời rặn của tôi, đứa bé ắt sẽ không có vấn đề gì."
   Bà dặn Tú Chi mau chóng về nhà tìm một con gà trống nuôi hơn 5 năm, dùng kim chọc vào mào của nó, lấy mấy giọt máu tươi, rồi nhỏ vào hai bên vai và trán của con gái, sau đó đợi đến tối khi con đã ngủ, đem con gà trống đó thả vào phòng.
   Lý Cô giải thích, mỗi người đều có ba ngọn lửa dương, ở hai vai và trên trán, có thể trừ tà, khiến ma quỷ không dám bén mảng lại gần. Nhưng là người có thể trạng yếu hoặc trẻ con người già, phụ nữ mới sinh, dương khí trên người không đủ, lửa dương không mạnh, sẽ dễ bị ma quỷ bén mạng, "vồ" vào người, từ đó mắc "hư bệnh".
   Gà là loài gia cầm gáy gọi trời sáng, vậy nên khắc những thứ mang tính âm hoặc tà quái, người xưa thường hay nói "gà gáy phá âm". Máu trên mào gà là thứ thuần dương nhất, nếu đem máu mào gà nhỏ vào hai vai và trán, thì sẽ giống như đổ thêm dầu vào cây đèn dầu, từ đó có thể khiến lửa dương trong cơ thể bùng cháy mạnh mẽ hơn.
   Thứ dơ bẩn trong người con gái bị 3 ngọn lửa dương đốt cháy trong một đêm, không tiêu tan thì ít nhiều cũng sẽ tổn hại nguyên khí, sáng sớm hôm sau khi gà gáy, cho dù có quỷ quái đến nhường nào, cũng sẽ bị doạ khiếp sợ mà hồn bay phách tán.
   Tú Chi nghe lời căn dặn, giải thích của Lý Cô mới an tâm phần nào.
   Nông thôn thời bấy giờ, nhà nào nhà nấy đều nuôi vài con gà, thế nên để kiếm một con gà nuôi trên 5 năm là điều chẳng mấy khó nhằn. Tú Chi xách về một con, làm theo lời Lý Cô dặn, nhưng khi cô lấy máu mào gà, đang toan nhỏ lên người con gái thì bỗng sảy ra điều kỳ lạ. Máu gà vừa nhỏ xuống, bỗng nột tiếng "xèo" vang lên, giọt máu kia bỗng chốc đã tan thành khói, giống như giọt nước rơi vào nắp nồi đang nóng và bị bay hơi vậy, đến một chút dấu vết cũng không để lại, Tú Chi nhỏ mấy lần liên tiếp đều xuất hiện tình trạng tương tự. Sau khi bị cô lấy máu 3-4 lần, con gà cũng trở nên đau đớn đến nỗi không ngừng kêu rên, nhảy loạn khắp nơi, không còn dáng vẻ hiên ngang như lúc mới được bắt về.
   Tú Chi cũng không rõ điều này rốt cuộc có phải là bình thường hay không, thế nên vẫn tiếp tục nhỏ vài giọt vào vai và trán con, cảm thấy mọi thứ đã ổn thoả, liền dỗ con đi ngủ. Con thì đã ngủ, thế nhưng cô lại chẳng thể chợp mắt. Nằm trên giường, Tú Chi chỉ mong trời nhanh nhanh sáng, để con gái mau mau khỏi bệnh, mãi cho đến gần canh 5, cô mới không kìm được mà thiếp đi, đến lúc tỉnh dậy thì trời đã sáng bảnh rồi.
   Cô vội vàng đảo mắt khắp nơi tìm con gái, gấp gáp muốn xem tình hình con gái thế nào, thì bỗng thấy nó đang lủi thủi ngồi ở góc nhà, không biết đang làm gì. Tú Chi đứng dậy đi tới chỗ con, cảnh tưởng trước mắt khiến cô chết lặng, suýt chút nữa thì bỏ chạy.
   Trên tay đứa con gái bé bỏng của cô chính là con gà trống đêm qua, cổ gà đã bị bẻ gãy, máu không ngừng tuôn ra, chảy đầm đùa thấm đỏ cả một góc sàn.
   Đứa bé cứ cầm con gà như vậy, nhìn thẳng vào Tú Chi, miệng nhoẻn cười, nụ cười ấy khiến người làm mẹ như cô cũng không khỏi cảm thấy lạnh sống lưng. Cô vừa lo lắng vừa hoảng sợ, thế nhưng trông thấy con gái trở nên như vậy, tính mạng đang bị đe doạ, Tú Chi gạt phăng mọi nỗi sợ hãi, giật lấy con gà trong tay con đem đi vứt, sau đó dẫn nó đến tìm Lý Cô một lần nữa.
   Sau khi được Tú Chi thuật lại toàn bộ sự việc, mặt Lý Cô liền biến sắc, nói rằng thứ quỷ quái ám trên người đứa bé, đến gà cũng không sợ, xem chừng không đơn giản chút nào! Có lẽ dùng biện pháp thường ngày không ăn thua, chỉ còn nước cho con gái đi nhận một người cha nuôi mới linh nghiệm được.
   Bà Lý giải thích, việc đứa trẻ bị thứ ghê gớm kia "dính" vào người, ngoại trừ việc nó chỉ là một đứa trẻ yếu bóng vía, còn có một lý do khác, đó chính là vì không có tổ tiên phù hộ. Điều quan trọng nhất đối với những gia đình đông con hoặc là con cái nhà quý tộc vào mỗi dịp Tết đến chính là thờ cúng tổ tiên. Tại sao càng là con cái nhà quý tộc, giàu có lại càng chú trọng việc cúng bái lễ tổ này? Bởi họ biết rằng, mỗi khi gia đình gặp nạn, sẽ có tổ tiên hay người đã khuất che chở, phù hộ, giúp con cháu tránh khỏi tai ương. Và đó cũng chính là lý do nhiều gia đình danh gia vọng tộc có thể bình an và giàu có lâu như vậy.
   Tuy nhiên, một vài nhà bình thường lại không quá chú trọng đến điều này. Việc không hay thờ cũng chẳng khác nào hành động dần cắt đứt hết liên hệ với người đã khuất, vậy nên sẽ không được họ bảo vệ, gặp phải tai hoạ, ắt sẽ chẳng ai giúp đỡ.
   Vả lại sự phù hộ này cũng chính là phúc báo tích luỹ nhiều năm của các đời để lại, đời trước làm nhiều việc thiện, tích được nhiều đức, sẽ để lại phúc báo cho con cháu đời sau, phù hộ con cháu gặp nhiều may mắn, bình an, không bệnh tật, hay bị ma quỷ ám người.
   Việc để đứa trẻ nhận một người có nhiều phúc làm cha nuôi, cũng chính là tìm cho nó một chỗ dựa, mượn phúc của người ta để giúp con gái gặp dữ hoá lành, để tổ tiên nhà cha nuôi chăm sóc, bảo vệ con gái khỏi tai ương.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro