Phần cuối

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

   Mọi người không hiểu nhưng Tú Chi thì biết rõ, chắc chắn con quỷ đó đang báo thù! Báo thù Lý Cô vì bà ấy đã lo chuyện bao đồng. Tú Chi vô cùng áy náy vì đã làm liên luỵ đến bà ấy, nhưng cũng không khỏi lo lắng cho sự an toàn của con gái ở nhà. Cô vội vã chạy về, nước mắt lăn dài, cứ tuôn ra liên hồi khiến cô chẳng kịp lau, lững thững sải bước với đôi mắt mờ nhoè, bỗng Tú Chi va phải một người nọ.
   Vừa ngẩng đầu, cô trông thấy trước mắt mình là một vị đạo sĩ già, cô biết ông ta, ông ta là đạo sĩ ở trong ngôi miếu nhỏ trên ngọn núi gần đây.
   Ngày trước, mỗi khi dân có chuyện cần cúng bái đều mời ông về làm, nên cô vẫn nhớ mặt. Tú Chi chợt nghĩ, đạo sĩ chẳng phải là người giáng yêu trừ ma hay sao? Như vớ được chiếc phao cứu sinh, Tú Chi bám lấy ông, quỳ xuống dập đầu mấy cái, khẩn cầu ông giúp mình.
   Lão đạo sĩ hiền lành đỡ cô đứng dậy rồi hỏi đầu đuôi câu chuyện, Tú Chi liền kể toàn bộ sự việc con gái bị trúng tà cho ông nghe. Khi hay tin đến Bồ Tát cũng không trấn áp nổi, ông thở dài, nói thứ tà quỷ này hung dữ như vậy, xem chừng không dễ đối phó, ông phải đích thân đi xem mới có thể giúp được.
   Tú Chi liền dẫn ông về nhà, cửa vừa mở ra, đạo sĩ nhìn thấy con gái Tú Chi, sắc mặt ông liền thay đổi rõ rệt. Đạo sĩ kéo Tú Chi sang một bên, nói với cô rằng, giờ đây ông đã hiểu lý do vì sao đến Bồ Tát cũng không trấn nổi, bởi thứ trong người con gái không phải là tà ma bình thường, mà là quỷ dữ, hay còn gọi là quỷ sát.
   "Tục ngữ có câu: "Dạ hành thiên vạn quỷ, quỷ sát tẩu đệ nhất". Cái thứ này, có thể nói là Quỷ vương, oán khí trong người rất nặng, vậy nên cực kỳ hung dữ. Vả lại quỷ sát này chính là do người chết vẫn còn ôm theo oán hận, chết đầy oan uổng mà thành, thế nên Bồ Tát mới không thể trấn áp nổi nó. Tuy rằng hung dữ là vậy, nhưng cũng không phải là không có cách nào thu phục, giờ ta chỉ cần tìm ra gốc gác nảy sinh oán hận, sau đó hoà giải, xoá bỏ chấp niệm trong nó, vậy thì quỷ sát cũng sẽ tiêu tan. Việc cần làm bây giờ, chính là phải biết được lai lịch của con quỷ sát này."
   Về lai lịch của con quỷ sát này, Tú Chi vốn không rõ, nhưng cô biết chắc chắn rằng có liên quan đến cái giếng kia, vậy nên mới đưa vị đạo sĩ già đến nhà bà hàng xóm, kể với bà chuyện của con gái. Bà biết được việc này liên quan đến sống còn của cô bé, nên chỉ thở dài một tiếng, không hề ngần ngại hay che giấu điều gì, lập tức kể hết toàn bộ câu chuyện liên quan đến cái giếng cho cô nghe.
   Câu chuyện này bắt đầu từ nạn đói đầu năm Tý, khi đó hạn hán nghiêm trọng, trời oi nóng gay gắt, nhiều ngày trời không có mưa khiến sông ngòi khô cạn, cây cối cũng bởi vậy mà chết khô, đến người cũng chẳng có nước mà uống. Chỉ có duy nhất cái giếng sâu dưới gốc cây hoè ấy là còn lại một chút nước để cứu vớt sinh mệnh dân làng, thế nhưng rồi ngày qua ngày, mỗi người lấy một ít, nước cũng dần vơi đi. Đến cuối cùng, những gì người ta lấy được lên cũng chỉ là bùn đất, chẳng thể uống được. Vậy là nguồn nước cuối cùng trong thôn cũng cạn kiệt, nếu cứ thế này, dân làng rồi sẽ chết vì khát mất thôi. Thời điểm ấy, bỗng có một tin đồn nói rằng cái giếng sở dĩ sắp cạn là do Long Vương đang giáng tai hoạ xuống, để nguôi ngoai cơn giận của Long Vương thì phải cúng tế, vứt xuống giếng một bé trai và một bé gái.
   Mới đầu mọi người không ai tin, bởi dù gì cũng là con cháu dứt ruột đẻ ra, ai mà không thương, làm gì có ai chịu ném con mình xuống miệng giếng sâu. Thế nhưng ngày ngày chứng kiến cảnh nước giếng cạn khô, đến bùn đất cũng chẳng còn, mọi người trong thôn chỉ còn cách bấu víu vào sợi dây cứu mạng duy nhất đó, họ nghĩ rằng cứ như vậy sớm muộn gì cũng chết hết, hay là thử một phen. Nghĩ vậy làm liền, họ đến khuyên một quả phụ trong thôn, bảo cô ta đem đứa con gái 5-6 tuổi của mình hiến tế cho Long Vương, để bù đắp, dân lành sẽ gom góp một gáo gạo cho cô.
   Người quả phụ này phải một thân một mình nuôi nấng hai người con, một trai một gái. Chồng mất sớm, nhà lại nghèo, từ lâu gia đình bà đã chẳng có cơm ăn, ngày nào ba người cũng chỉ gặm vỏ cây, ăn cám sống qua ngày. Cũng chính bởi thiếu thốn như vậy mà hai đứa nhỏ mặt mày xanh xao, thân hình gầy còm, đến đi cũng không vững. Còn một gáo gạo thì có thể giúp họ có cơm ăn trong 10 ngày. Bà quả phụ bắt đầu động lòng, thầm nghĩ, dù gì nếu cứ như vậy cả hai đứa nhỏ rồi cũng sẽ chết, chi bằng đổi mạng con gái để giữ lấy mạng con trai, cũng coi như để lại người nối dõi tông đường cho người chồng đã mất của mình.
   Thế là, bà ta lừa con gái đến bên cái giếng với lời hứa rằng sẽ đưa nó đi mua dây buộc tóc hoa. Thật ra, trong lòng bà cũng chẳng hề dễ chịu, trên đường đi bà khóc lóc không ngừng, con đường vốn chỉ cần mấy phút là có thể đi tới, ấy vậy mà bà ta dẫn con đi mất hơn 1 tiếng. Khi đã tới bên giếng, bà lại không nỡ đẩy con gái mình xuống, liền bảo con bé đứng bên miệng giếng đợi để mẹ đi mua dây buộc tóc hoa. Sau đó bà chạy ra xa khóc lóc, khóc xong quay lại nhân lúc đứa bé không chú ý mà đẩy con xuống giếng. Kể ra cũng lạ, sau đó không lâu bỗng có nước từ trong giếng tràn ra, dân làng ai nấy đều vui mừng phấn khởi. Họ tưởng rằng làng đã được cứu, thế nhưng chẳng bao lâu sau, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, nước trong giếng đã bắt đầu cạn dần, lúc này lại có người nói rằng, là do vật tế không đủ, phải tế tiếp mới được.
   Người dân trong thôn ngu muội, tin vào lời đồn đó, tuy rằng không nỡ, nhưng để có thể sống tiếp, họ lại nhẫn tâm vứt từng đứa trẻ đáng thương xuống dưới một lần nữa. Nhưng, tất cả những đứa bé đáng thương bị vứt xuống hố đen ấy, toàn bộ đều là bé gái, chẳng có lấy một bé trai nào cả. Vậy nên, chỉ trong mấy ngày ngắn ngủi, trong thôn đã chẳng còn trông thấy bóng dáng một bé gái nào. Ấy thế nhưng, lần này, nước trong giếng lại không trào lên nữa. Mãi cho đến tận thời khắc này, dân làng mới biết mình bị lừa, hối hận tột cùng.
   Tuy nhiên, may mắn thay, chẳng bao lâu sau bỗng có một cơn mưa lớn xả xuống, gội sạch khô cằn, cứu sống người dân.
   Sau khi nạn đói và hạn hán qua đi, ngôi làng dần trở lại bình thường, nhưng cái giếng đó đã trở thành nơi cấm kỵ của người dân trong thôn, chẳng ai dám nhắc tới. Thi thoảng vẫn có người trông thấy bóng dáng một bé gái tết tóc hai bên đứng bên cạnh miệng giếng, háo hức nhìn ngó xung quanh, dường như đang đợi một người. Có người nói, đứa bé đó chính là con gái nhỏ của bà quả phụ kia, đang đợi mẹ nó mua dây buộc tóc hoa về!
Cái giếng đó vốn là nơi khiến nhiều bé gái chết oan, giờ lại thấy hồn ma quẩn quanh chẳng rời như vậy, khiến mọi người đều không khỏi hoảng sợ. Thế nên chẳng bao lâu sau, cái giếng đã bị người ta lấy một tảng đá to đè lên miệng. Khu đất gần cái giếng cũng trở thành nơi nhiều âm khí nhất thôn, không một ai dám lại gần, mọi người thà đi đường vòng xa xôi, cũng không chịu đi qua cái giếng u ám ấy.
Nghe xong, lão đạo sĩ thở dài nói rằng, đứa trẻ đó bị chính tay mẹ ruột mình đẩy xuống giếng, vậy nên đang ôm mối hận rất lớn, hơn nữa đó còn là nơi chôn cất bao nỗi bất bình, oan uổng của không ít bé gái như vậy, oan khí trong giếng ắt sẽ nhiều đế mức trở thành nơi dưỡng "sát", cũng bởi vậy, bé gái năm xưa đã bị "nuôi" thành "quỷ sát". Oan hồn một khi trở thành "sát", bị oán khí ngấm vào, tâm trí vốn có sẽ bị ăn mòn bởi sự oán hận, biến thành ma quỷ khát máu, thích ăn thịt người và sẽ trở nên xấu xa. Tuy rằng đứa bé này đã trở thành "quỷ sát" nhưng trong thâm tâm nó vẫn luôn tồn tại một chấp niệm, nó vẫn luôn nhớ về những chuyện trước khi chết, vẫn còn giữ lại chút ý thức thiêng liêng và đứng cạnh giếng đợi mẹ quay lại, đây quả thực là điều hiếm có.
Vị đạo sĩ nhìn Tú Chi nói: "Chỉ có điều, con bé đã đứng đợi như vậy mấy chục năm, đợi mãi, đợi mãi mà không thấy mẹ đến, nên mới muốn ra khỏi giếng. Hoặc cũng có thể, khi nhìn thấy cảnh tượng cô và con gái, nó nhớ đến mẹ và mình khi xưa, tưởng rằng cô là mẹ nó, nên mới nhập vào người con gái cô. Nhưng có lẽ cô bé cũng không có ác ý, nếu không với năng lực của một con "quỷ sát", làm sao cô và con gái có thể sống được tới tận bây giờ."
Tú Chi lo lắng cho sự an toàn của con, liền hỏi đạo sĩ phải làm sao.
Vị đạo sĩ nói: "Nếu bây giờ đã biết được lai lịch của "quỷ sát", hiểu rằng oán hận của nó xuất phát từ đâu, vậy thì dễ giải quyết hơn nhiều rồi. Ta chỉ cần tìm thấy mẹ cô bé, bảo mẹ nó cầm dây buộc tóc hoa đón nó về, oán hận sẽ tự tiêu tan, chấp niệm biến mất, tự khắc con bé sẽ rời đi."
Lúc này, người hàng xóm mới nói rằng, hai người muốn tìm bà quả phụ đó giúp đỡ e là sẽ khá khó khăn. Tuy rằng nạn đói năm đó bà ta đã đem mạng sống của con gái để đổi về một gáo gạo, nhưng cũng chẳng đủ ăn mấy ngày, nạn đói chưa qua, con trai bà ta đã chết. Dù bà ta vẫn sống sót, nhưng đã trở nên điên dại sau cái chết của con trai rồi. Sau này được một người thân ở làng bên đón về chăm sóc, có lẽ bây giờ vẫn còn sống.
Đạo sĩ nghĩ ngợi một lúc, nói chỉ cần bà ta còn sống, là ông tự sẽ có cách giải quyết. Rồi ông hỏi hàng xóm địa chỉ chỗ bà quả phụ kia, vội vàng cùng Tú Chi đi tìm.
Sau khi tìm được, quả nhiên bà ta đã trở nên điên dại, đầu tóc bạc trắng, mặt mày kham khổ, trên tay bà ôm một cái gối đã rách đủ chỗ, làm động tác như đang ru con ngủ, trong miệng không ngừng lẩm bẩm điều gì đó.
Người thân bà ta kể, từ khi con trai chết là bà ta đã như vậy, bây giờ cả ngày chỉ ôm cái gối làm như đang dỗ "con trai" ngủ, cho "con trai" ăn, ngay cả đi ngủ cũng không chịu rời tay. Bà nói rằng muốn nuôi con lớn khôn khoẻ mạnh, sau này sẽ tìm cho "con" một người vợ tốt, sinh ra một đứa cháu trai kháu khỉnh.
Đột nhiên, cảm giác nhói lòng trào dân trong Tú Chi, chẳng biết từ bao giờ mắt cô đã ướt nhoè, không phải bị cảm động do sự nhớ thương của bà ta dành cho con trai, mà là rõ ràng bà ta còn mất đi một người con gái nữa cơ mà, cớ sao lại chỉ nhớ đến mỗi mình đứa con trai như vậy! Bé gái kia chẳng phải quá đáng thương rồi hay sao?!
Sau khi được sự đồng ý của người thân bà goá, đạo sĩ lấy mấy giọt máu từ ngón tay bà, sau đó về nhà làm một hình nhân giấy, đem máu của bà ta nhỏ vào. Ông nói, hình nhân giấy có máu của bà ta, có thể lừa được quỷ. Sau đó dặn Tú Chi đi mua dây buộc tóc bằng hoa đủ màu sắc về và buộc vào tay hình nhân.
Giữa trưa, vị đạo sĩ bảo Tú Chi trói con gái vào một cái cây cổ thụ, sau đó ông làm vài động tác, miệng niệm thần chú. Lúc này, hình nhân như một con rối bị điều khiển, tự mình đứng lên, chầm chậm tiến tới chỗ con gái Tú Chi.
Con gái Tú Chi trông thấy hình nhân, hai mắt nó tròn xoe, sững sờ nhìn. Trong ánh mắt ấy lộ rõ vẻ tủi thân, chiếc miệng nhỏ nhắn kia dường như muốn gọi mẹ ơi, nhưng âm thanh chỉ nhỏ như tiếng muỗi kêu. Hai tiếng "mẹ ơi" này, nó không thể cất thành lời.
Con bé giãy giụa, cố vùng vẫy, muốn nhào về phía hình nhân, nhưng lại bị dây thừng giữ lại. Đột nhiên, một bóng hình mờ mờ nhảy ra khỏi người con gái Tú Chi, bóng hình đó được bao phủ bởi một lớp sương dày đặc, mơ hồ nhìn không rõ, nhưng vẫn có thể nhận ra đó là một bé gái với mái tóc tết hai bên. Con bé vội càng chạy tới bên hình nhân.
Một tay của bé vội vàng nhận lấy cái dây buộc tóc hoa trên tay hình nhân, tay còn lại nắm thật chặt không buông. Hình nhân bằng giấy đó đưa con bé đi dưới ánh sáng mặt trời, những cứ bất khi nào gặp phải ánh nắng, người con bé đều sẽ bắt đầu bốc khói. Nghe thấy âm thanh ấy, nhưng con bé cũng chỉ sững sờ trong giây lát, chứ nhất định không chịu buông tay hình nhân ra, mặc cho hình nhân dẫn nó đi dưới ánh nắng. Màn sương xung quanh cô bé dầm bị mặt trời chiếu tan biến, khuân mặt cô bé cũng dần hiện ra rõ hơn. Đó là một cô hé rất đáng yêu, với nụ cười hạnh phúc đang nở trên khuân mặt non nớt, bé vui vẻ nhảy nhót, cùng hình nhân tiến về phía trước.
Thế nhưng Tú Chi để ý thấy, đằng sau nụ cười rạng rỡ đó, khoé mắt cô bé cũng đang lăn dài những giọt nước mắt tinh khôi,
Cứ như vậy, dưới ánh nắng mặt trời, hình bóng bé con ngày một mờ đi. Dường như nó đang rất đau đớn, nhưng vẫn nhất định không chịu buông tay hình nhân ra, ngược lại còn nắm ngày một chặt hơn. Mãi cho đến khi tay của hình nhân biến thành từng mảnh giấy vụn, cho đến khi con bé hoàn toàn tan biến, bay theo làm gió trời...
Đạo sĩ nói, cô bé đã chờ đợi, mong mỏi khoảnh khắc được mẹ đón về bao nhiêu năm như thế, vậy thì làm sao có thể buông tay khỏi cơ chứ. Đợi được mẹ đến đón chính là ước mong con bé khao khát bấy lâu nay, cuối cùng thì ta cũng có thể giúp nó thoả ước nguyện rồi, giờ đây đã không còn oán hận, con bé sẽ có thể rời đi và bắt đầu một kiếp sống mới.
Đạo sĩ thở dài một hơi, lắc đầu rời đi.
Trong lòng Tú Chi đột nhiên trào lên những cảm xúc lẫn lộn, cho dù quỷ sát có ác độc đến thế nào, thì nó cũng chỉ là một đứa trẻ ôm trong mình niềm khao khát được mẹ đến đón về từ chốn đen tối dưới giếng sâu kia mà thôi. Đến cuối cùng, con bé lại tan biến đi như vậy, quả thực khiến người ta không khỏi xót thương. Tú Chi lặng nhìn những chiếc dây buộc tóc hoa rơi đầy khắp mặt đất, trầm ngâm một hồi. Quay đầu nhìn đứa bé đang bị trói ở gốc cây, cô vội lai đến ôm con vào lòng, đứa trẻ như vừa tỉnh ngủ, nũng nịu đòi mẹ.
Tú Chi vội vã bế con lên, cả quãng đường về nhà, cô ôm con rất chặt... rất chặt...

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro