Hồi 1: Mối hôn sự.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phía Bắc của Đại Hạ có một trấn nhỏ, nơi này không quá sầm uất nhưng cũng gọi là một vùng đông đúc. Trong trấn nhỏ có một y đường, nói là y đường cho oai nhưng thực chất cũng chỉ như một căn dược phòng lớn do nhà họ Hồ mở từ thời cha ông để lại. Họ từ lâu đã có truyền thống làm nghề y từ bên nội sang ngoại nên ai ai cũng ít nhất có thể dùng thuốc. Chính bởi có uy tín từ lâu nên dù không phải một nhà hào môn gì nhưng cũng gọi là có tiếng tại nơi này.

Nửa năm gần đây, y đường được con gái nhỏ nhất của tiếp quản. Nghe bảo cô gái này là y phu giỏi nhất trong số ba người con và bởi muốn tiếp quản gia môn nên còn ra ngoài bôn ba hành y học việc kiếm thêm kinh nghiệm. Hồi đầu ai cũng bán tín bán nghi về tài cán của nàng, lại thêm việc là con gái nên nhiều người chỉ nể cái danh tiếng cha ông để lại chứ không thực sự xem trọng. Ấy vậy mà con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, nữ y phu trẻ không chỉ giỏi giang mà chữa bệnh còn mát tay hơn cả thế hệ trước. Tính nàng điềm đạm dịu dàng lại rất kiên nhẫn, khiến ai tới xem bệnh cũng đều yên tâm. Bệnh nào thực sự không thể chữa, khi ấy, nàng thậm chí còn không lấy tiền thuốc thang. 

- Đại phu, cảm ơn cô rất nhiều. Nhờ sự tận tình của cô mà em trai tôi nay đã khoẻ hơn nhiều rồi.

- Không có gì, đây là chức trách của tôi. Cậu ấy khoẻ lên là tốt rồi.

Người con gái trong chiếc áo thầy thuốc màu xanh che miệng mỉm cười hoà ái trước sự biết ơn của người nhà bệnh nhân đối với mình rồi kê đơn thuốc cho người ta mang về. Cất túi tiền vào trong két, nữ y phu lại quay về với công việc sổ sách. Gió từ cửa sổ thổi nhẹ khiến tóc mai bay bay thật dễ chịu và yên bình.

Người con gái ấy tên là Hồ Lương Vũ, năm nay đã hai mươi tuổi rồi. Nửa năm trước, sau khi đã đi nhiều nơi học nghề, nàng trở về quê nhà với hi vọng đã đủ lông đủ cánh để tiếp quản y đường gia đình để lại. Thực tế chứng minh mọi công lao năm năm qua nỗ lực đạt được không phụ lòng nàng. Không chỉ có thể giúp đỡ người bệnh, theo đuổi giáo lý của gia tộc để lại, Lương Vũ còn nhận được sự tôn trọng mà hiếm nữ tử tuổi đó cũng có thể đạt được. Đối với công việc của mình, Lương Vũ vô cùng hài lòng và chỉ muốn cứ êm đềm như thế này mãi cho đến khi về hưu. Ít nhất đó là mong muốn của nàng. Chỉ tiếc là cuộc sống không có dễ dàng như vậy.

- Con về rồi.

Bình thường nữ y phu hiếm khi về lại nhà mình mà sẽ ở lại nghỉ ngơi ở y đường nhưng bởi hôm nay không có việc gì nên lại về nhà với mẹ già. Vừa bước tới cửa là đã nghe tiếng mắng vọng ra.

- Mày cũng biết đường mà về nhà hả?

- Đúng rồi, con gái của mẹ về rồi nè, có gì ăn không ạ?

Đối diện với mẹ mình đang vừa dọn bữa cơm ra sân dùng bữa vừa mắng lớn, Lương Vũ vô cùng thức thời đến dọn cơm ra cùng rồi giở giọng làm nũng. Cũng chỉ khi ở nhà với bà là nữ y phu điềm đạm ấy mới lại bày ra vẻ mặt cô chiêu như vậy.

- Mẹ chỉ nấu cho mình mẹ thôi, muốn ăn thì lăn vào bếp!

Nhưng dù bà có nói vậy thì trên bàn lúc nào cũng dọn sẵn hai cái chén, hai cặp đũa và chưa gì đã xới cơm cho Lương Vũ trước. Nàng mỉm cười, năm năm bôn ba làm gì có lúc nào được như thế này. Dẫu vậy, ngoại trừ nỗi niềm nhớ nhà man mác và cảm giác tội lỗi vì không thể thường xuyên bên cạnh mẹ thì Lương Vũ chưa bao giờ hối hận về việc cống hiến hết mình với nghề y. 

- Hầy, mày cứ như thế này thì sao mà sớm có mối nào tốt được.

- Nhờ thì cũng nhờ rồi, đi kiếm cũng kiếm rồi. Duyên số đành phải kiên nhẫn mà chờ nó đến. Cùng lắm con ở vậy thôi. 

- Ai cho mà đòi ở vậy! Năm năm đi biền biệt suốt chỉ gửi thư với mấy thứ thuốc kì quặc về! Đáng lẽ khi đó mày phải mang cho mẹ một thằng con rể, thậm chí một đứa cháu cơ! Đến thằng anh mày còn kiếm được cô vợ ở trên kinh thành rồi đấy! 

- Mẹ nói gì nghe sợ ghê. Con mà kiếm được ai ở xứ nào thì đã chẳng về đây được.

- Kết hôn cũng vì để tốt cho mày thôi. Giờ mày còn trẻ, chứ thử đến một hai năm nữa, dù sự nghiệp có tốt đến đâu, một người phụ nữ không chồng vẫn không thoát khỏi dị nghị. Xã hội là vậy, họ có tiêu chuẩn và định kiến của họ!

Biết là thế... 

Lương Vũ vừa dùng bữa vừa vâng vâng dạ dạ trước lời giáo huấn của mẹ. Nàng biết bà nói đúng. Nhưng trường hợp của nàng chỉ sợ đã hết cứu được. Chẳng những đi quá lâu, lúc về lỡ thì khi nào chẳng hay mà còn là người con duy nhất còn lại của gia đình, là người sẽ tiếp quản y đường nên kiểu gì thì kiểu cũng không gả đi được mà phải kén chồng. Mà ở cái thời này, kiếm được người đàn ông dám chịu mất mặt để ở rể còn khó hơn tìm nhân sâm nữa. 

- Nhà Hồ có thư gửi đến từ kinh thành đây!

- Tới ngay! Hẳn là thư của Vân rồi. Để mẹ ra nhận!

Lão phu nhân tuổi cũng gọi là cao rồi nhưng đi nhận thư còn nhanh hơn cả tiểu nhị nhận tiền ở nhà hàng đầu trấn. Đặt chén cơm xuống bàn, Lương Vũ chờ đợi mẹ mình quay lại. Nhưng đương lúc thổi trà để uống thì lại nghe thấy tiếng hét của bà.

- Ối trời ơi!

- Mẹ? Có chuyện gì thế?

Rất nhanh, nàng đã chạy ra bên ngoài cổng rồi đỡ mẹ mình đã quỳ bệt trên đất lên. Chỉ thấy bà hai tay run rẩy, đôi mắt đã hiện vết chân chim tràn đầy vẻ không dám tin vào mắt mình. Hỏi mà không thấy đáp, Lương Vũ dìu mẹ vào bên trong trước, không quên đóng cửa lại rồi mới gặng hỏi lần nữa.

- Mẹ, rốt cuộc anh gửi thư gì mà mẹ lại hoảng hồn thế?

- Vũ- Vũ đọc cho mẹ coi xem mẹ có già cả lú lẫn mà đọc nhầm không!?

- Ơ...

Nhận lấy bức thư từ tay bà. Lương Vũ đọc thành tiếng đủ nghe. Trong thư chỉ vỏn vẹn hai dòng, ngoài dòng "Gửi mẹ" thì chỉ có đúng một câu bảy chữ khiến Lương Vũ nhìn thấy cũng phải ngạc nhiên đến lạc cả giọng.

- "Đã tìm được một người rất tốt."?

- Ôi, vậy là mẹ đã nhìn đúng...

Bà giống như hạnh phúc đến mức không kiềm được mà che miệng thút thít. Lương Vũ đặt lá thư xuống rồi lại an ủi. 

- Vậy là tốt rồi mẹ ha...

Nhưng thực chất trong lòng có vô vàn điều muốn nói ra phải ngậm nuốt lại. Sự choáng ngợp chưa dừng lại ở đó. Bức thư có đi kèm một bức tranh vẽ một người đàn ông tráng kiện, mắt đen mày rậm vô cùng uy dũng. Dưới thì điền vài dòng chữ đề tên người trong tranh.

"Thứ nam Quốc Công, Triệu Trung Kiệt."

Không những tìm được một người mà người này lại còn là con trai của Quốc Công đại nhân. Thật... không biết nói sao... 

- Mẹ à, con...

Lương Vũ thực sự càng lúc càng nghi ngờ cái mối mà anh trai mình tìm được. Kể cả có là thứ nam thì vị này cũng là con của một nhà quan lớn, chức cao trọng vọng. Việc để con cái lấy một nữ tử nơi thôn quê hẻo lánh lại còn là ở rể thực sự chả phải chuyện gì có lợi cho cam nếu như không muốn nói thẳng ra là mất mặt. 

- Mẹ cũng không dám tin nhưng thằng Vân không phải loại sẽ nhìn nhầm người đâu. Mấy đứa tuy không quá thân nhau vì cách biệt tuổi tác nhưng nó dù sao vẫn là anh con, nó chắc chắn đã chọn người tốt nhất cho con đấy.

- Nếu mẹ đã nói vậy...

- Với cả, con trai Quốc Công thì sao. Dù gì cũng là ở rể, nó mà không phải loại tốt lành như thằng Vân nói, mẹ sẽ làm chủ cho mày. Đánh cả hai thằng luôn!

- Hì, con cảm ơn.

Nàng bật cười, phần nào cũng nhẹ nhõm với những lời "bảo kê" của mẹ mình. Nhưng đúng là bà nói cũng có lý của mình. Dù nàng với Khanh Vân chẳng mấy khi gặp nhau, lần cuối có lẽ là từ đám cưới của y, thì nàng cũng tin chắc anh ấy sẽ không hại mình bằng cách chọn sai người đâu. Dẫu vậy, nghĩ đến việc sắp thành "vợ người ta" vẫn để lại một cảm giác ngũ vị tạp trần.

Đêm tối buông xuống cả một vùng đại lục. Tại kinh thành, phủ Quốc Công vẫn còn sáng đèn như một điều quen thuộc. Bên trong căn phòng đơn bạc là một bóng hình nam tử cao lớn cường tráng. Nếu nhìn kĩ thì y chính là gương mặt được hoạ trong bức tranh gửi về cho mẹ con nhà Lương Vũ, Triệu Trung Kiệt. Trong lúc chuẩn bị nghỉ ngơi, tầm mắt y rơi xuống cuộn tranh đặt trên bàn sách của mình. Dường như cảm thấy chưa buồn ngủ, Trung Kiệt đi lại chỗ cuộn tranh rồi giở ra. Bên trong hoạ một người con gái thanh thoát với đôi mắt hạnh đen láy cùng khuôn miệng như đang cười nhẹ. Tổng quan thì không phải là một người đẹp khuynh thành đậm sâu khiến người ta nhung nhớ, mê muội nhưng lại mang dáng vẻ dễ chịu yên ả.

- Quả nhiên là có nét giống Duật Vân.

Duật Vân trong lời của y chính là tên huý của Hồ Khanh Vân, anh trai Lương Vũ. Cả hai vốn là đồng nghiệp, sau cảm thấy nói chuyện hợp ý nên dần trở thành bạn tốt, vẫn thường hay trao đổi trò chuyện với nhau về nhiều thứ. Chính vì tâm đầu ý hợp lại thân thiết nên tính tình cả hai ra sao cũng đều hiểu rõ. Âu cũng là lí do mà người ta mới đến chỗ mình cầu thân cho em gái.

- Hưng An, huynh có muốn rời khỏi phủ Quốc Công hay không?

Sáng hôm đó, Trung Kiệt vừa trở về sau một đợt huấn luyện ở bản doanh biên giới ấy thế mà chưa kịp thở thì đã bị Khanh Vân đón đầu lôi ra vườn đàm đạo. Đã vậy còn hỏi một câu rất chi là "tai vách mạch rừng" như thế nữa. Chưa hiểu được ý định trong ý tứ của đối phương, Trung Kiệt chỉ hỏi lại.

- Ý huynh là sao?

- Chả là ta có một người em gái ở quê. Con bé đi học nghề năm năm mới chịu về nhà nên hơi... quá tuổi một chút. Đâm ra mẹ ta có đang hơi lo chuyện cưới gả cho nó.

- Và huynh muốn mai mối ta với cô ấy?

- Đúng rồi.

- Và điều này thì liên quan gì đến câu hỏi ban đầu của huynh?

Trung Kiệt nghiêng đầu, thật sự chưa có liên kết được ý định của vị quan văn sắc sảo này. Khanh Vân che miệng mỉm cười giảo hoạt. Đuôi mắt cong cong vô cùng ý vị, quả nhiên là một trong số những mỹ nam khuynh quốc chốn kinh thành. Chẳng vậy mà mới khiến đại tiểu thư nhà Đại Lý Tự đại nhân mê như điếu đổ đòi cưới rồi từ trạng nguyên nhỏ bé một bước lên mây thành quan lục phẩm, mới tháng trước mới lại được thăng chức xong.

- Chị ta và ta đều được gả đi cả rồi nên chỉ còn em ấy là người thừa kế của gia đình thôi. Huống chi nó cũng hơi lỡ thì nên yêu cầu của nhà ta đơn giản lắm. Ở rể là được.

Ánh mắt cả hai giao nhau như đã hiểu thâm ý bên trong lời của Khanh Vân. Trung Kiệt suy tư. Y vốn là thứ nam của nhà Quốc Công, đứng hàng thứ tư, lại là con của một thiếp thất nhỏ bé đã mất từ lâu và bị thất sủng. Dù không đến mức bị coi thường chèn ép nhưng cũng gọi là khó mà vươn lên trong thế kìm cặp của cha và các anh em trong nhà. Vậy nên Trung Kiệt từ lâu đã ấp ủ suy nghĩ muốn tự lập nhưng có vẻ chỉ đầu quân ra biên giới thì chưa đủ. Song, nếu đi ở rể thì...

- Đây là tranh chân dung của con bé. Ta tin rằng huynh và em ấy rất hợp tính nhau nên mới muốn làm mối cho song ta không yêu cầu huynh trả lời ngay hôm nay. Nếu muốn sớm ngày vợ con đuề huề thì chỉ cần gửi ta một bức tranh hoạ chân dung của huynh là để ta gửi về là được. Vậy nhé, ta phải về phủ đây.

Khanh Vân đặt một cuộn tranh lên bàn trà rồi cáo từ rời đi. 

Trung Kiệt đóng lại cuộn tranh trong kí ức của mình cũng là bức tranh trong tay mình lúc này lại. Y đã chấp nhận lời cầu hôn này vào chiều ngày hôm sau. Cũng phải mất kha khá thời gian dù đã định đồng ý ngay tức khắc, chỉ là khi ấy lại không có tranh nên phải tốn thời gian để đi thuê một hoạ sư về vẽ cho mình. Sau đó thì phải đi báo lại cho phụ thân biết được quyết định của mình. Ban đầu người vốn không đánh giá cao quyết định này của thứ nam. Tốt xấu gì cũng là con trai của nhà Quốc Công, thế mà lại chọn cưới một con bé nào đó tận Bắc Hạ mà còn ở rể nữa chứ. Nhưng khi nghe đó là em gái của Hồ Khanh Vân thì cũng xuôi xuôi phần nào mà cho y tự quyết mối hôn sự này. Có quyền thế quả nhiên thay đổi được tư tưởng của một người. Dù sao cũng chỉ là thứ nam, cũng không được sủng ái gì nên không cảm thấy đáng tiếc. Có chăng thì hơi không ưa lựa chọn "không có chí tiến thủ" này mà thôi.

Vậy là quyết định xong xuôi cả. Nhà ngoại nhà nội cũng đã "biết mặt" nhau. Giờ chỉ chờ đến ngày tân lang về nhà.

Dù lễ nạp thái có phần hơi qua loa một chút thì những lễ khác vẫn được thực hiện vô cùng chỉn chu. Chẳng qua là thay vì nhà trai thực hiện các nghi lễ thì nay là nhà gái mà thôi. Lương Vũ mấy nay vừa phải lo chuyện cưới hỏi, vừa quản lý y đường nên bận tối mắt tối mũi. Ở chốn quê nhỏ thế này không mấy khi gặp người bệnh quá nặng nhưng bệnh vặt thì nhiều, lại thêm nông dân chiếm phần lớn nên tai nạn nghề nghiệp cũng cứ phải gọi là mỗi ngày một điều mới lại. Nên dù có muốn thì Lương Vũ cũng không bỏ việc được và thế là phải để mẹ lo gần hết tục lệ cưới hỏi từ gửi sính thư đến lên chùa xem bói nữa. Tóm lại thì "Việc gì cũng đến tay tao.", trích lời lão phu nhân. Lương Vũ thầm may mắn khi vẫn còn mẹ để nương tựa trong những lúc như thế này. Nếu không chỉ sợ nhìn đống công việc chất thành núi, nàng sẽ thực sự nghĩ đến việc ở vậy tới cuối đời.

- Thằng Vân chọn sao mà mát tay thế. Mẹ đi xem bói, thấy người ta bốc ra quẻ đẹp lắm con ạ. Hai đứa tương sinh lẫn nhau, hoà hợp đồng điệu. Chồng hiền lành lại sớm ngày thành danh, vợ dịu dàng làm điểm tựa hỗ trợ. Huống chi đằng trai còn là con nhà Quốc Công, lỡ đâu mai này lại được làm phu nhân hào môn thì sao.

Bà che miệng cười khúc khích, chắc chắn là đang trêu cái nốt ruồi trên trán bên trái của con gái đây mà. Nàng khẽ chạm lên trán mình. Nốt ruồi này được cho là đại phú quý, báo mệnh có thể lấy chồng làm quan lớn. Chẳng vậy mà hồi nhỏ cũng hay bị đồng trang lứa trêu chọc gọi là "phu nhân". Lương Vũ vốn không tin vào những điều ấy bởi bản thân luôn cho rằng nếu phải chờ đợi dựa dẫm vào ai đó thì chi bằng tự mình làm còn hơn. Tất nhiên suy nghĩ ngày của nàng cũng chỉ để trong lòng vậy thôi, phụ nữ phải dựa vào gia đình, vào chồng con là điều không tránh khỏi được, giống như số trời đã định vậy. Chẳng qua mình may mắn được vươn cánh bay xa nên mới có suy nghĩ như vậy.

Ngày thành hôn được ấn định vào một tháng sau, tính ra là có chút gấp gáp nhưng bên nhà trai hoàn toàn đồng ý. Thế là suốt một tháng trời nhà Hồ chỉ lo phát thiệp mời và trang hoàng nhà cửa. Sính lễ do bên nhà trai yêu cầu không có nhiều, dù sao di chuyển thì khó khăn với cả nhà Quốc Công không thiếu thốn đến mức thách đố một nhà ở tận miền quê hẻo lánh như thế. Đâm ra chỉ cần gửi sính lễ tối thiểu tới là được. Nói sính lễ nghe cho hợp tiêu chuẩn vậy chứ cảm giác ý tứ không khác gì gả không con trai đi. Nhưng mẹ Lương Vũ đâu có chịu, lễ vật gửi đi đều tìm loại thượng hạng nhất trong làng rồi nhờ Khanh Vân sai người vận chuyển giúp. Sính lễ được tỉ mỉ làm vô cùng, chất chứa bao nhiêu là tấm chân thành. Chỉ mong dù không được gặp mặt tận nơi nhưng vẫn đủ khiến nhà thông gia thấu hiểu tình cảm của bên mình. Vài ngày sau. Lương Vũ mấy ngày cận kề này cuối cùng cũng phải buông công việc của mình xuống để tập trung cho việc cưới hỏi mà mời khách. Nàng thì chỉ muốn làm nhỏ thôi nhưng mẹ nàng thì gần như mời cả làng về chung vui với gia đình thế là cỗ cưới đi đặt tận hơn năm chục mâm, chỉ sợ so với đám cưới giới thượng lưu còn hoành tráng hơn mấy phần.

- Con nhớ hồi Bình An và Khanh Vân cưới đâu có mời nhiều người đến thế.

- Bọn nó đi dựng vợ gả chồng ở xa, bên đấy thì mời bao nhiêu người mình không quản được. Nhưng bên mình khác con ạ. Tuy không phải máu mủ ruột rà nhưng hàng xóm láng giềng chưa bao giờ ngại giúp đỡ nhau. Nhà ta còn là y đường duy nhất ở đây, giúp đỡ họ nhiều nên họ yêu quý. Nếu không chỉ sợ có mời cũng không đến.

- Hm...

Nàng ngẫm nghĩ, lúc này mới thực sự hiểu ra.

- Con đó, đi cho lâu vào nhưng vẫn còn nhiều cái chưa thông suốt lắm. Sắp làm vợ, về sau còn làm mẹ nữa, mau mau lớn lên đi.

- Con cao hơn mẹ đó giờ mà.

- Mày!

Phải mau mau đi thêu cho xong váy cưới thôi.

Và rồi, trước ngày thành hôn một ngày, tại quân doanh ngoài biên giới phía Bắc, Triệu Trung Kiệt thu xếp xong hành lý không có bao nhiêu của mình rồi cùng đoàn người hầu chuẩn bị lên đường đến với trang sách mới của cuộc đời. Thú thật suốt hơn một tháng qua, y đã nghĩ nhiều về mối hôn sự này. Nếu nói không cảm thấy lo lắng thì là nói dối, hơn nữa bản thân cảm thấy tò mò về người vợ sắp cưới. Lý do Trung Kiệt vẫn kiên định với quyết định dù chưa bao giờ gặp tân nương là bởi y tin tưởng Khanh Vân là một phần và một phần vì y không muốn bỏ lỡ cơ hội ra ở riêng thay vì cứ mãi ở trong một cái lồng mang tên "phủ Quốc Công". Hơn nữa, Trung Kiệt tuy không phải người mê tín nhưng lại rất tin tưởng vào trực giác của mình và ngoài sự bồi hồi khi chuẩn bị lấy vợ thì y hoàn toàn không hề cảm thấy một chút bất an nào. Có lẽ mối hôn sự này sẽ diễn ra suôn sẻ. Và kể cả khi bản thân chấp nhận thành thân bởi cái lẽ ích kỷ của riêng mình thì y vẫn thật sự mong rằng sẽ có một ngày y đem lòng yêu thương người sẽ cùng chung chăn gối với mình và cùng nhau gây dựng một gia đình nhỏ của riêng họ. Nghĩ tới đó, vó ngựa phi nước thêm nhanh.

Khi đến nơi, đón chào tân lang là cổng làng được trang hoàng rực rỡ như chào đón người lưu danh bảng vàng, áo gấm về làng. Nhưng thay vì tên trạng nguyên năm nay, người mà chắc chắn không phải người làng này, thì lại đề một chữ "Hỉ" vô cùng lớn. Và Trung Kiệt không hề biết rằng ngoài đám cưới của mình ra thì còn đám nào khác không mà làm rầm rộ đến vậy. Chưa kịp định hình nên vào hay không thì đã thấy bóng người quen đón đầu.

- Hưng An, huynh đến rồi! Vừa đúng lúc đấy.

- Duật Vân, trong làng đang có đám cưới à?

- Ừ đúng rồi, đám cưới của em gái ta và huynh đó. Hỏi gì kì thế? Nào mau lên đi, huynh cứ ngồi trên ngựa mà vào, sẽ có đoàn theo sau từ đây.

Duật Vân vẫy tay cho đoàn người hộ tống đi tới. Ai cũng bận trang phục và kèn pháo đầy đủ đi trước đi sau ngựa của tân lang. Còn đoàn người hầu thì được Khanh Vân dẫn đi đường khác. Khi vào làng rồi thì Trung Kiệt mới nhận ra, cái chữ "Hỉ" treo trên cổng làng không là gì so với hàng người hai bên reo hò, bắn pháo tung bay ngợp trời. Cảm giác được chào đón này khiến y có phần choáng váng ngượng ngùng. Tuy không phải lần đầu tiên trải nghiệm sự đón tiếp nồng hậu nhưng với danh phận là một binh sĩ nhỏ thì cũng chỉ cưỡi ngựa theo sau đoàn quân và hưởng một chút khen ngợi mà thôi. Còn tại đây, ngay lúc này, Trung Kiệt mới hiểu cái cảm giác của đại tướng quân khi chiến thắng khải hoàn hồi kinh. Toàn bộ sự chú ý, chúc mừng đều chỉ dành cho y mà hoàn toàn không hề có chút giả tạo nào. Tất cả những người ở đây đều nồng hậu với nụ cười tươi rói đón tiếp tân lang cũng là đang chào mừng một thành viên mới đến ngôi làng nhỏ này. Quả nhiên là những người nơi thôn quê đôn hậu chất phác tình cảm. Đoàn hộ tống tân lang cuối cùng cũng dừng chân ở một căn nhà được trang hoàng rực rỡ hoành tráng nhất với đèn lồng hoa lụa kết thành trùm, là Hồ gia. Phía cổng là Khanh Vân và một người phụ nữ trẻ dáng dấp vài phần tương tự, có vẻ là chị gái của y, đang đứng chờ tân lang tới.

- Tới rồi tới rồi.

Khanh Vân thấy bạn thân cuối cùng cũng về tới nhà thì vui vẻ không ngớt. Trung Kiệt cuối cùng cũng xuống ngựa rồi tự thân bước vào trong khi cánh cổng ngôi nhà mới được hai chị em mở ra. Hai bên sân bày rất nhiều bàn tiệc được phủ vải trắng và khăn bàn đỏ rực, trên bàn là trà bánh ngon mắt, không khó để nói lát nữa sẽ dùng cỗ cưới ngay tại đây luôn. Giữa sân là thảm đỏ rải đầy pháo giấy lấp lánh đủ màu sắc. Chính đường ở ngay phía đối diện, chỉ chờ tân lang đến làm lễ. Hít một hơi, Trung Kiệt bước vào bên trong, không quên nhảy qua một cái chậu lửa đặt giữa sân để xoá bỏ những gì xui xẻo. Điều đầu tiên chào đón y là gương mặt mỉm cười từ ái của người phụ nữ ngồi trên vị trí chủ mẫu rồi mới tới nàng tân nương trong bộ váy cưới đỏ rực rỡ đang e lệ phía sau chiếc quạt lụa tròn. Trong tranh, vị tân nương dù có vài phần như Khanh Vân, song không phải là hoạt sắc sinh hương nhưng mang một vẻ trong trẻo thanh lãnh khiến y vô thức nhiều lần giở tranh là thưởng thức. Nay nàng vận hỉ phục rực rỡ, đeo kim quan lộng lẫy, mặt hoa da phấn nên dù chỉ thấy một phần góc nghiêng cũng đủ làm Trung Kiệt ngẩn ngơ, chợt mong chờ đến khi được thấy người sau chiếc quạt lụa.

- Đã đến giờ làm lễ, mời các khách nhân yên vị.

Người chủ trì là hôn lễ là trưởng làng, ông đã tự mình đứng ra nhận trách nhiệm này. Nói đúng hơn thì hầu hết mọi sự chuẩn bị từ cổng làng đến đoàn hộ tống đều là người trong làng xung phong để đỡ cho nhà gái một khoản tiền thuê người từ làng khác tới. Khách khứa khi này đều ngồi xuống bàn, gần như chật kín cả sân trước, đấy là còn chưa tính có những nhóm đứng ở bên ngoài theo dõi. Bên nhà gái khách khứa đến dự đông là thế, ấy vậy mà bên nhà trai chỉ có đúng một đoàn người hầu theo sau để vận chuyển đồ đạc ít ỏi của chủ tử cùng mấy bằng hữu chí cốt ở quân doanh đến dự. Thật trái ngược làm sao.

- Chúng ta ở đây để chung vui với gia đình nhà họ Hồ trong ngày lễ trọng đại của tân nương Hồ Lương Vũ và tân lang Triệu Trung Kiệt. Nay trời thiêng chứng giám cho đôi uyên ương nên duyên vợ chồng, trăm năm hạnh phúc đến đầu bạc răng long. Mời tân lang tân nương chuẩn bị làm lễ bái đường.

Nhất bái thiên địa.

Một lạy với trời, chứng giám vì đã tạo ra mối nhân duyên cho họ, lạy tạ Nguyệt lão đã tác thành cho đôi uyên ương.

Nhị bái cao đường.

Một lạy với cha mẹ, bày tỏ lòng hiếu thành tới người sinh thành nuôi dưỡng con cái.

Phu thê giao bái.

Một lạy với người sẽ cùng chung chăn gối, trọn đời trọn kiếp bên nhau đến răng long bạc đầu.

Tiếng vỗ tay chúc mừng vang rền khắp nhà cùng tiếng pháo giấy nổ lụp bụp vô cùng vui tai. Cuối cùng lễ thành hôn cũng đã xong được phân nửa.

- Xin mời tân nương vào bên trong động phòng.

Trung Kiệt đỡ tay tân nương đưa tới chị gái của nàng. Y nhận ra tay nàng nhỏ nhắn hơn nhiều lắm, giống như có thể nắm trọn trong tay vậy. Tay nàng tuy không mềm mại như ngọc ngà song cũng không đến mức chai sần như của mình. Nhìn hai người phụ nữ rời đi, Trung Kiệt thấy thất vọng nhè nhẹ nhưng rồi cùng xốc lại tinh thần để ra mắt cùng mẹ vợ với khách khứa.

- Em ở đây chờ nhé, chị ra lấy một ít cỗ vào cho.

- Thực ra cũng không cần lắm đâu. Chị cứ thong thả mà ăn với gia đình.

- Cả ngày em đã được ăn gì ngoài ít cháo sáng nay đâu. Ngoan, chị cũng hiểu làm tân nương khó đến mức nào mà. Chị lấy nhanh thôi, ráng mà ăn để lát còn động phòng.

Lương Vũ hạ quạt lụa xuống nhìn Bình An đặt một tấm vải trắng lên trên giường trước khi rời đi. Nàng thật sự không có tâm trạng ăn uống. Bụng dạ bồn chồn chỉ sợ không nuốt nổi mà ói ra. Liệu đây có phải cảm giác mà bất cứ cô gái nào cũng phải trải qua không?

Không biết thời gian đã trôi qua bao lâu nhưng Lương Vũ chỉ ngồi và lấy quạt che mặt như một bức tượng đẹp trên giường. Ánh nến lay lắt trong phòng chợt chao đảo khi cánh cửa bước ra thì khi đó nàng mới để ý có người tới. Ban đầu tưởng Bình An đã quay lại, nào ngờ đâu lại là tân lang bước vào cùng một khay đồ ăn nhỏ. Nhìn qua tấm lụa mỏng căng trên quạt thì không thể đoán được vẻ mặt của y ra sao nhưng gió thổi nhè nhẹ làm hương rượu "nữ nhi hồng" lan ra khiến đầu óc Lương Vũ lâng lâng. Tửu lượng của nàng vẫn kém như vậy.

- Ta đến mang đồ ăn cho nàng.

- À vâng, cảm ơn chàng.

Giọng Lương Vũ dịu hiền thanh khiết bên tai của Trung Kiệt, y không nghĩ giọng nàng lại hay đến vậy. Đặt khay thức ăn lên trên bàn rồi ngồi xuống cạnh tân nương, y mở lời.

- Nàng có muốn dùng rượu giao bôi trước không?

-... Vâng, thiếp không thấy có vấn đề gì.

Tân lang dùng trượng hồng đẩy nhẹ quạt lụa xuống và trong một khoảnh khắc rung động trước vẻ đẹp của tân nương. Điều khiến y xao xuyến nhất chính là đôi mắt của nàng. Một đôi mắt hạnh phúc hậu ngọt ngào luôn mang theo ý cười nhàn nhạt. Điểm này nàng hẳn được thừa kế từ mẹ của mình. Một khao khát luôn được ánh mắt ấy dõi theo và chào đón mình mỗi khi trở về từ chiến trường chợt dấy lên trong lòng của y. Chần chờ quay đi rót rượu, chút nữa là Trung Kiệt đã lơ đãng mà rót quá đầy. Bọn họ vòng tay qua nhau cùng làm lễ giao bôi và cắt tóc kết duyên phu thê. Rượu giao bôi không quá nặng, gần như chẳng có chút cồn nào nhưng Trung Kiệt vẫn để ý đến người vợ trẻ của mình hơi day day trán, có lẽ tửu lượng của nàng không được tốt cho lắm. Y với lấy bát canh còn ấm nóng, đưa cho nàng uống giải rượu.

- Nàng cứ thong thả dùng bữa, không cần phải vội đâu.

- Còn chàng thì sao? Chàng đã dùng bữa chưa?

- Cũng được một chút.

Lương Vũ nhận lấy bát canh từ phu quân rồi từ tốn uống. Canh ấm làm bụng nàng dịu đi và không còn cảm giác bồn chồn lo lắng nữa. Lại còn thêm việc người đàn ông này thực sự rất chu đáo, hiền lành đến mức khiến nàng an tâm.

- Vậy, nếu không phiền, chàng ăn cùng thiếp chứ? Nói thật là hiện tại thiếp không có tâm trạng nên chừng này có lẽ hơi nhiều.

Trung Kiệt nhìn bàn thức ăn do chị vợ lấy cho, đủ cho hai người ăn ít dùng. Nãy bận tiếp rượu khách, y cũng chỉ kịp ăn một phần xôi nhỏ Khanh Vân đưa rồi lại phải đi tiếp. Đến tận khi không cần phải mời rượu nữa thì thấy chị vợ bê một bàn thức ăn hướng về phía phòng tân hôn. Mong muốn được gặp tân nương nổi lên, thế là y lại tới tranh việc. Gật đầu đồng ý, cả hai vợ chồng cùng nâng đũa dùng cơm. Để ý thì người vợ trẻ của y ăn rất ít. Phải chăng là bởi tâm trạng bồn chồn nên ăn không vào sao? Khanh Vân nói rằng ai mới cưới cũng sẽ như vậy, có gì thì kiên nhẫn với em gái huynh ấy một chút. Trung Kiệt không hề để bụng sự e lệ của nàng. Trái lại còn cảm thấy lạ, bởi lẽ gương mặt nàng điềm đạm đến vậy mà hoá ra lại vô cùng nhạy cảm khiến tân lang muốn hiểu thêm về tân nương. Đôi phu thê dùng bữa trong yên tĩnh, xong xuôi thì uống trà kết bữa do Lương Vũ rót cho. Họ bất động, không biết nên mở lời thế nào.

Giờ thì... phải làm gì nhỉ?

Động phòng, tất nhiên là phải động phòng rồi! Nhưng biết mở lời ra sao bây giờ?

Nhận thấy cả hai bên đều như có điều muốn nói rồi lại không dám, Trung Kiệt quyết định làm người chủ động. Dù sao cũng là đàn ông, sao lại có thể để nữ tử mở lời chuyện đó trước được.

- Chúng ta... đi nghỉ chứ.

- Vâng...

Đặt tay lên vai nàng, Trung Kiệt hít thở sâu rồi từ từ lại gần. Vị trà cùng với hương rượu còn đọng lại hoà trộn trong nụ hôn làm cả hai đều thấy lâng lâng. Đó chưa phải là một nụ hôn của hai người yêu nhau mà mới chỉ là giữa một người đàn ông và một người phụ nữ. Chỉ vậy thôi cũng đủ để họ chìm vào thật sâu. Khi buông ra, cả hai đều thở dốc. Lương Vũ quay người về phía khác rồi từ từ cởi trang phục đang mặc trên người ra, Trung Kiệt cũng nhanh chóng cởi đồ theo sau. Khi kim quan tháo xuống, tóc như thác đổ lên mặt giường. Trung Kiệt khẽ chạm vào đuôi tóc, mềm mại. Lương Vũ không nhận ra hành động của y mà hất tóc ra phía trước trong sự tiếc nuối của chồng rồi cởi ra chiếc nội y trắng mỏng và chỉ để lại chiếc yếm đào mà thôi. Tấm lưng trần trắng nõn, tô điểm sợi dây yếm đỏ dài. Không tự chủ được, Trung Kiệt cầm lấy sợi dây kéo về phía mình. Nút thắt bị tháo bỏ và yếm đào rủ xuống đùi nàng. Khó kiềm lòng, y hít một hơi sâu rồi chờ đợi.

-...

Nhưng tân nương thay vì quay người lại thì chỉ ngồi yên như vậy.

À, Trung Kiệt đứng dậy rồi lại chỗ nến trên bàn thổi tắt đi.

- Đêm nay như vậy nhé.

Trong bóng tối, y có thể cảm nhận được cái gật đầu ngại ngùng.

Cả hai cuối cùng cũng có dũng khí đối diện với nhau lần nữa để mà chạm vào nhau, âu yếm nhau trong đêm tân hôn ngọt ngào.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#bg#đại