Vẫn chưa tin mình đã bỏ được FB

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

FB là facebook đó. Từng là nỗi ám ảnh của bản thân một thời gian, ngày không check chục lần không chịu được. Đôi khi chả có gì cũng ngứa ngáy tay chân vào check. Có những đợt xoá đi tải lại không biết bao nhiêu lần. Những tưởng chẳng thế cắt bỏ được cái ung nhọt nghiện mạng xã hội dính trên người, ấy thế mà bây giờ mình chẳng còn hứng thú gì nữa. Mình làm thế nào vậy? 

Thì không vào FB nữa là được.

Đến giờ phút này mình đã chấp nhận sự yếu đuối của bản thân. Mình là đứa nghiện MXH và không thể kiểm soát được tần suất dùng điện thoại của mình. Không thể có chuyện mình điều khiển hành động của mình bằng ý chí: AGRRRR bỏ điện thoại xuống! Mà chỉ có chuyện vô thức mình cầm điện thoại lên và điều đầu tiên làm là check FB. 

Bỗng đến một ngày mình thấy các nội dung trên FB thật toxic và toàn những người rảnh rỗi cãi nhau. Mình từng là một đứa thích thể hiện quan điểm vô cùng và hơn thua bằng được thì thôi. Rồi mình lướt tiktok lần nọ, có cái video nội dung câu trả lời trên reddit ấy. Một câu trong video ấy khiến mình suy nghĩ. Đại khái là có người phàn nàn về việc cãi nhau trên mạng xã hội và nhận ra nó rất tốn thời gian hay là gì ấy (hai người tranh cãi với nhau trên mạng xã hội rất tốn thời gian). Rồi có người khác chốt lại: Thì rõ ràng người ta cãi nhau trên MXH toàn vì những thứ nhỏ nhặt mà.

Mình suy nghĩ và phải thừa nhận, bấy lâu nay, trong vô thức, mình toàn vì những thứ nhỏ nhặt trên fb mà tốn rất nhiều thời gian. Sự nhận ra đó bỗng khiến bản thân mình, dưới lăng kính của mình, trở nên thật kém cỏi, nông cạn. Những người làm việc, học tập trên FB thì không nói làm gì. Nhưng nếu những người như mình thật sự làm việc, tạo ra giá trị, học tập bằng FB thì đã không bao giờ phải đắn đo, nhọc lòng với câu hỏi làm thế nào để từ bỏ nó. 

Sự tự nhận thức về hành động của bản thân ngày một lớn cho đến khi một sự việc khác xảy ra trên mạng. Mình có đọc qua một số tài liệu về tâm lý học, triết học và có tìm hiểu về xã hội học, những thông tin về các chủ đề có cả trên youtube. Mình nhận ra rằng có rất nhiều người (một trong số đó là mình trước đây) tiếp xúc với một thứ chủ nghĩa gì đó theo một chiều và thậm chí mơ hồ về bản chất của nó, nhưng một cách nào đó mà điều đó rất phổ biến và hay được hùa theo. (Mình không nói cụ thể ở đây đâu vì không muốn phải tranh cãi hay giải thích tí nào.) Sau khi tốn khá nhiều thời gian nghiền ngẫm với ba chủ đề mình vừa kể trên, mình có một góc nhìn rộng mở hơn và khách quan hơn với vấn đề. Thứ "chân lí" mà đám đông theo đuổi không phải là sai, chẳng qua là nó không toàn diện và trong cuộc sống thực tế đôi khi vấp phải rất nhiều khó khăn để ứng nghiệm. Mình nhận ra rằng, chẳng lẽ mình cứ biết về mọi thứ nửa vời thế sao? Chẳng lẽ mình dành thời gian cho những thứ như thế? Chẳng lẽ mình phải hoà nhập trong một đám đông như thế? Câu trả lời khiến mình bừng tỉnh. 

Đúng là thình lình thay đổi một việc đã gắn bó với một người thời gian dài là vô cùng khó, trừ khi bỗng phát sinh sức mạnh nội tại nào đó trong mình hoặc một cú sốc khiến ta nhận ra... Ờm... Mình thuộc cả hai loại. Mình không nói việc sử dụng FB là sai hay việc tiếp thu những quan điểm trên FB là vô nghĩa, sai lầm nhé! Chỉ là đừng để nó chi phối mình. Hãy trang bị kiến thức trước để thưởng thức một dòng chảy xã hội nơi mọi ý kiến diễn ra. Đừng tự ném mình vào đám đông hỗn độn để trở thành cục bột cho một thứ chủ nghĩa mơ hồ nào đó nhào nặn.

Việc có chính kiến là khó. Việc chọn nội dung để nó trở thành chính kiến càng khó hơn. Mình cảm nhận như vậy. Mình không muốn dùng FB nữa. Với mỗi người, sự nhận thức khác nhau có thể diễn ra ở thời điểm khác nhau và lý do để từ bỏ điều mình muốn từ bỏ cũng khác nhau. Đây là câu chuyện của mình thôi.

Phần này nhiều người nói lắm rồi, cách từ từ bỏ FB:

- Bỏ theo dõi toàn bộ thứ thú vị trên FB

- Xoá hết bạn bè không cần thiết

- Ra ngoài, làm việc, giải trí chân tay nhiều hơn

- Nghe nhạc, xem video có ý nghĩa, không tua

- Mỗi lần ngứa ngáy muốn vào FB hãy đặt câu hỏi: Bộ cần thiết đến vậy hả?

- Đánh lạc hướng bộ não nếu "lên cơn" bằng cách đứng lên, đi chỗ khác, hét thật to, làm điều gì đó

Sau một thời gian bỏ FB, những điều mới đã dần ịn vào não như một thói quen mới thay thế cho thói quen lướt FB, lúc đó việc hình dung tới FB thậm chí còn mơ hồ hơn giấc mơ được hôn crush ngày hôm qua.

Theo mình, một số việc sau đây khá gây nghiện, nếu cắt được càng tốt:

- Thường xuyên đăng bài, share, đăng shit post (Bản chất việc đó không xấu, nhưng nếu không tiết chế, nó chính là công tắc khiến dopamin tràn trề trong não, làm cho sự nghiện FB càng thêm nặng)

- Thường xuyên cmt dạo bày tỏ ý kiến (Như trên. Điều tai hại hơn có thể kể đến, nó cuốn ta vào vòng xoáy tranh cãi không hồi kết với một người lạ nào đó và làm hỏng tâm trạng cả một ngày của ta)

- Bày tỏ sự hả hê, công kích một ai đó

- Tạo acc clone khẩu nghiệp

- Đăng tus than thở, kể lể, 7749 thứ về cuộc sống

Như mình đã nói vài lần trong bài nhưng vẫn muốn nhắc lại: Mình không hoàn toàn chê hay đánh giá xấu xấu xấu xấu xấu cho một hành động nào đó, ý là nó có thể bất ổn với người này nhưng với người khác vẫn tốt. Nếu là một người có mục tiêu thay đổi hành vi thì phải bắt đầu nhận thức và tư duy theo một cách khác với cái tư duy đã điều khiển mình trước đó. Mình sẽ chẳng bao giờ thay đổi được việc dùng FB hàng 9 tiếng 1 ngày nếu mình không nhận thức rằng mình không nên đăng xàm xí, không nên cãi nhau với người lạ,... Nếu mình cứ tiếp tục nghĩ: Ơ có gì mà phải hạn chế làm thế? Rồi mình lại tiếp tục đắm chìm vào những việc làm ấy thì chắc chắn mình chẳng bao giờ thay đổi được cục diện.

Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#thidaihoc