Chương đệm

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Rất lâu rất lâu trước đây... không biết là bao lâu, dù sao cũng đã rất lâu rồi.

Ở một nơi xa lơ xa lắc... không biết xa chừng nào, dù sao cũng ở rất xa.

Có một sử quan không giỏi văn vở, cũng không chính trực, một ngày nào đó khi sao chép văn thư đương đại để lưu trữ trong sử quán, vì thói quen vừa đọc vừa viết nên cái miệng hại cái tay, sao nhầm từ "Ngự sử đại phu lý" thành "Ngự thỉ (1) đại phu lý". Quý độc giả phải biết rằng, hai chữ sử thỉ này tuy là đồng âm, nhưng nghĩa lại hoàn toàn khác nhau, "thỉ" không chỉ là lợn, mà còn chỉ loại lợn rừng hung dữ hay chạy nhong nhong, khi ấy sau khi ngự sử đại phu biết được chuyện này thì nổi giận nôi đình, gán cho sử quan cái tội tham ăn biếng làm suốt ngày ăn không ngồi rồi, không nên giữ lại trong triều, hoàng đế ra lệnh cách chức sử quan, vĩnh viễn không bổ nhiệm lại.

Sử quan muốn khóc mà không khóc nổi, oan mà không biết kêu ai, đành phải vừa than khóc mình thấp cổ bé họng, thân con giun cái kiến, vừa thu dọn đồ đạc về nhà ăn nhờ cơ nghiệp tổ tiên. Lúc sắp đi còn nhìn hoàng thành phía xa xa mà nước mắt nhạt nhòa, nắm chặt tay gào lên thật to, "Cũng bởi mây trôi khuất mặt trời, chẳng thấy Tây Kinh, lòng não nề (2)! Ngự sử đại phu! Đuổi một tôi đi, còn hàng trăm hàng vạn tôi khác nữa, dù nhà tôi chỉ có một con gái cũng phải để cho tất cả mọi người biết việc xấu ngài làm."

Dứt lời ông ta ngoảnh đầu bước đi, lấy việc bóc trần bí mật chuyện xấu trong nhà ngự sử đại phu làm sự nghiệp cả đời, cuối cùng viết được bốn mươi cuốn "Ô đài bí kí" (Ghi chép bí mật đen tối). Vì là ghi chép bí mật nên đương nhiên không đưa cho người ngoài xem, chỉ sao chép một bộ lưu giữ trong bí thư tỉnh (3), trong thời gian ngắn rất nhiều quan viên vào bí thư tỉnh mượn đọc truyền tay nhau sao chép lại, song ghi chép bí mật này tập hợp những mẩu truyện lẻ tẻ, không thể viết rõ ràng chi tiết, bởi vậy hiện nay có thể nhìn thấy trong bút kí văn tập truyền kì như "Thừa Bình quảng kí", "Huyền quái lục", "Quảng dị tập", "Đỗ dụ tập", cũng bởi vậy mà "Khúc giang linh ứng truyền" mới được lưu truyền.

Mấy trăm năm sau thiên hạ đại loạn, vô số sách chép trong bí thư tỉnh cháy trong biển lửa, đương nhiên "Ô đài bí kí" cũng nằm trong số sách ấy. Nhưng nào ngờ sau khi viết xong viên sử quan ấy đã giữ bản gốc trong nhà, bản sao thất truyền, người nhà sử quan cảm thấy thế sự rối ren, vì thế coi ghi chép bí mật như báu vật gia truyền nhà mình, không truyền ra bên ngoài.

Đọc đến đây, quý độc giả chắc chắn sẽ hỏi: "Ơ? Nếu không truyền ra bên ngoài thì còn gì để nói? In thành một cuốn sách to chừng này, chẳng lẽ ăn ốc nói mò để lấy tiếng ư? Muốn lừa mấy đồng bạc lẻ sao?"

Ôi chao... Nếu hỏi lý do, vậy thì phải nói rất dài, thật tại hạ là con cháu bất tài của viên sử quan đó, dù sinh ra trong triều đại thái bình thịnh thế đêm không cần đóng cửa, của rơi ngoài đường không cần nhặt, lòng người không chất phác, quốc phòng không đổi mới, nhưng tiếc rằng sức chẳng đủ dài vai chẳng đủ rộng, không có sức thay trời đổi đất, chỉ có cái lưỡi không xương, cả ngày "chém gió" mấy chuyện kì lạ ở Phong Thành Thái học (4) Mai Sơn, đúng là an nhàn thoải mái.

Đã ăn không ngồi rồi trong Thái học thì đương nhiên phải bái thầy. Năm Mã Hoàng đầu tiên, tác phẩm mới của thầy xuất bản, bởi vậy tại hạ biết chuyện ngày xưa của các vị ấy trong Ngự sử đài, lúc ấy cảm thấy rất quen, liền vội vàng về nhà lấy cuốn sách ra đọc kĩ lại, đọc xong mới biết hóa ra khả năng đổi trắng thay đen nói xằng thành thần của tổ tiên nhà mình cao siêu đến vậy. Vì thế thêm mắm dặm muối, biến "Ô đài bí kí" thành bạch thoại, tiếp tục kế thừa ý chí của tổ tiên phát tán câu chuyện của ngự sử đại phu đó xa hơn.

Một ngày nào đó trốn học ở nhà, ngủ mơ bỗng nhiên gặp một người phụ nữ mặc áo màu đỏ tươi và một quan nhân mặc áo bào màu tím, tại hạ chưa kịp phân trần đã bị họ lôi ra đánh một trận rõ đau, vừa đánh vừa gõ trán, miệng không ngừng dạy dỗ: "Đồ đầy tớ bất tài! Có biết "trên đầu ba thước có thần linh" không hả? Sử gia phải lấy văn chương chính trực làm đầu, sao lại có thể viết bậy bạ lòe thiên hạ như thế? Tổ tiên nhà ngươi đã đánh mất bổn phận của sử quan, ngươi lại còn làm bậy? Ta thân gái ra làm quan, đến nay vẫn còn "Ngu Hữu Thừa Tập" truyền cho đời sau, sao có thể bịa đặt bôi nhọ chuyện nhà mình? Nếu còn đặt điều nói xấu, ta sẽ bẩm báo lên trời cao, đưa ngươi vào địa ngục cắt lưỡi chặt tay."

"Trong địa ngục cắt lưỡi chặt tay, ngoài kẻ múa bút không có đạo đức nghề nghiệp chỉ biết ba hoa bốc phét như ngươi ra, còn có quan lại ô hợp điêu toa phét lác ăn chặn tiền của dân. Nếu không muốn chịu chung hình phạt với lũ đó, đương nhiên phải thay đổi, viết lại chuyện gia đình ta để tránh chịu tội." Quan nhân mặc áo bào màu tím cầm kiếm trong tay, bay lơ lửng trên đầu tại hạ, mở miệng nói bằng giọng thách thức.

Ai da... nói đến đây, trời tối sầm xuống, hai vị đây chắc không biết bịa chuyện phóng tác đâu chỉ mình tại hạ làm. Trong cửa hàng sách, những cái tên "Bí sử", "Vương triều", "Tình sử", "Kịch nói", "Đại thoại", "Đại đế", "Trường ca", "Đế quốc" chính là sự bảo đảm vững chắc nhất về phòng vé, phần lớn các tác phẩm nghiêm túc đều có kết cục thảm thương bị người đời lạnh nhạt. Trong phim truyền hình và điện ảnh, đàn ông trưởng thành không để râu, thiếu niên đầu bù tóc rối thì khỏi phải nói, phụ nữ búi tóc cài các thể loại trâm chiếc kim sa hột xoàn, thoạt nhìn không khác gì đầu đắp đầy san hô rác rưởi, ngoài ra ăn mặc cổ trang nhưng lại để lộ ngực, kì cục nhất là dù diễn vai công chúa hậu phi nhưng lại ăn mặc rườm rà thiếu vải y hệt ăn mày đầu đường xó chợ.

Nhưng số đông những người được gọi là "fan" ở hiện đại lại là những người không quan trọng lắm những tình tiết không hợp lý hay khung cảnh trang phục trong phim, chỉ gào thét "XX, em yêu anh!", sóng trước nối tiếp sóng sau không bao giờ ngừng. Bởi vậy mấy người làm điện ảnh nghệ thuật thâm sâu cao xa đều gắn cái mác "hư cấu" để tránh mấy kẻ nhàn rỗi xuất thân thái học chuyên đi soi mói như tôi đây. Cho nên dù rồng phun lửa bay cùng với Nhị Lang Thần, hoặc nhà giả kim chung đường với đạo sĩ Mao Sơn đều không có gì kì lạ, dẫu sao cũng là thế giới giả tưởng mà, đạo diễn và nguyên tác đã mặc thêm lớp áo giáp bằng kim cương không xuyên thủng làm vị thần của thế giới mới từ lúc khai thiên lập địa, tất cả đều do họ quyết định, nếu nghiêm túc, chẳng những tôi không thắng nổi mà họ chắc chắn còn buông thêm một câu "không thích thì đừng xem", khán giả tức lắm mà không làm gì được.

"Nước mắt đau khổ, viết thành lời hoang đường", vì miếng cơm manh áo kẻ hèn tôi cũng buộc phải biến câu chuyện thành "giả tưởng". Hơn nữa để các vị độc giả hiểu thêm những giọt nước mắt đắng cay phía sau câu chuyện ấy, viết chuyện xưa thành chuyện cười nhảm nhí thật sự là chuyện chẳng ai muốn.

Tiếc thay người phụ nữ mặc áo màu đỏ tươi và quan nhân mặc áo bào màu tím lại không hiểu thế thời, cứ một mực bắt ép kẻ hèn tôi, quả thật đáng trách. Dẫu sao thì kẻ hèn tôi tin thần Jeus không tin thần ma, thế là dứt khoát lấy cây thập tự treo trước cửa nhà để tỏ lòng quyết tâm sáng tác đến cùng.

Chính là: Cổ văn chuyển thành văn hiện đại, chuyện xưa biến thành tiểu thuyết mới.

Muốn biết câu chuyện ra sao, xin lật trang tiếp theo.

(1) Thỉ: Lợn. Từ "sử" và "thỉ" đều đọc là "shí"

(2) Hán Việt: "Tổng vị phù vân năng tế nhật, Tây Kinh bất kiến sử nhân sầu." Tác giả lấy từ câu thơ "Tổng vị phù vân năng tế nhật, Trường An bất kiến sử nhân sầu." Của bài thơ "Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài" – Lý Bạch.

(3) Bí thư tỉnh: Nơi lưu giữ văn thư trong cung cấm.

(4) Thái học: học phủ cao nhất của Trung Quốc cổ đại, tương đương với đại học bây giờ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro