Quyển 1 - Chương 1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Quyển 1: Áo vải – Áo quần như nêm, đều là khách xem vui

Chương 1: Ông lão bán men rượu

Mốc dịch

Xưa có thơ: "Khó khăn ngày trước nói gì đây, Thoải mái hết lòng buổi sáng nay. Đắc ý gió xuân chân ngựa vút, Trường An ngắm cả hoa trong ngày. (1)" Ý nói chính là kẻ sĩ dùi mài kinh sử nhiều năm, cuối cùng cũng thi đỗ tiến sĩ, trong lòng nhẹ nhõm bề ngoài thảnh thơi.

"Mười năm đèn sách gian khổ, một lần thành danh cả thiên hạ biết. (2)", tâm trạng sung sướng tột cùng như muốn có tất cả ấy còn hơn cả tâm trạng tại hạ khi năm đó nhận được thông báo nhập học của Thái học Quốc Tính Gia (3). Bởi người ăn học thời xưa đỗ tiến sĩ thì chắn chắn có cơm ăn, tại hạ vào học ở Thái học Quốc Tính Gia còn phải nộp một đống tiền làm quà cho thầy cô, khi ra trường cũng chẳng thấy miếng cơm nào, đương nhiên tâm trạng cũng không giống.

Có điều từ trước đến nay kẻ ăn học ở Lương Quốc không gọi là người ăn học, mà gọi là kẻ sĩ, muốn làm kẻ sĩ, điều đầu tiên phải có xuất thân trong sạch, thứ hai là phải học hành, thứ ba, tốt nhất đã thông qua khảo thí ở các châu huyện. Song có đầy đủ ba điều này chưa chắc đã là kẻ sĩ, ví dụ ở điều đầu tiên, nếu ông cha là kẻ sĩ, hoặc sinh ra trong gia tộc có ghi chép trong giấy tờ, vậy thì chỉ cần hơi hơi biết chữ nghĩa thơ phú cũng có thể coi như là kẻ sĩ; những người yêu cầu phải có đủ điều một hai ba mới được gọi là kẻ sĩ đa số đều xuất thân nhà nghèo.

Về định nghĩa kẻ sĩ, từ xưa tới nay có rất nhiều bậc cao nhân lão làng trong ngoài nước đưa ra luận chứng, bác bỏ từng luận điểm một, tại hạ chỉ là một thư đồng nhỏ nhoi lưu lạc cõi trần, nào dám nói các ông lớn ai đúng ai sai, vì bình luận không chỉ phí thời gian mà còn chẳng thể kiếm ra tiền, rồi nữ quan biên tập lại gửi thư trách mắng đến, bởi vậy quý độc giả cho qua đi.

Lại nói năm đó từng có một ngày lành hoàng đạo, từng có một chủ trì kì thi tiến sĩ, hồi ấy gọi là quan chủ ti, sau khi nhìn những tiến sĩ do chính mình tuyển chọn đến bái kiến, tâm trạng của ông ta rất tốt, nói với phu nhân mặc áo lụa đầu cài đầy trang sức ngồi bên cạnh mình: "Ta cho phu nhân ba mươi trang viên."

"Đúng là già rồi hồ đồ, nhà chúng ta có ba mươi trang viên từ khi nào thế?"

"Ba mươi vị tiến sĩ này chính là ba mươi trang viên vừa đẹp vừa màu mỡ đó!" Chủ ti vuốt râu, cười không khép được miệng.

Phu nhân mỉm cười nói với chồng mình: "Vậy xem ra trang viên của thầy giáo phu quân bị bỏ hoang từ lâu rồi."

Thầy giáo của tiến sĩ chính là chủ ti, hóa ra ngày xưa vị chủ tư này đã từng tranh giành lợi ích với thầy giáo mình, sau đó còn hợp tác với kẻ thù của thầy giáo mình đuổi ông ấy về quê chăm cháu, chẳng trách phu nhân lại nói thế.

Tại hạ kể trước một đoạn nhỏ này, đơn giản chỉ là nêu rõ nội dung cơ bản cho các quý độc giả nghe, câu chuyện phía sau còn dài như Vạn Lý Trường Thành, trước tiên nói từ lúc năm Lương Hoằng Huy thứ năm mươi chín vậy...

* * * * *

Lại nói, năm Hoằng Huy thứ năm mươi chín chính là mốc thời gian quan trọng Nữ hoàng Lương Quốc đăng cơ sắp tròn sáu mươi năm, sang năm là đại lễ quốc khánh tròn sáu chục năm đăng cơ, cũng là đại thọ chín mươi tuổi của Thái Thượng Hoàng, bởi vậy hàng loạt hoạt động chúc mừng bắt đầu rục rịch chuấn bị ngay từ đầu năm, cuối năm lục tục biểu diễn, náo nhiệt đến quốc khánh tháng giêng mới xong.

Từ khi khai quốc cho đến nay Lương Quốc đã chấp hành nghiêm túc luật giới nghiêm ban đêm, mỗi ngày hoàng hôn buông xuống là ba trăm tiếng chiêng vang lên, sau ba trăm tiếng chiêng, một trăm hai mươi tám phường của Tây kinh thành tới tấp đóng cửa, nghiêm cấm ra vào.

Vì để phối hợp với đại lễ quốc khánh tròn sáu mươi năm đăng cơ và đại thọ chín mươi tuổi của Thái Thượng Hoàng, tháng mười năm thứ năm mươi chín Kinh Triệu phủ đã dâng tấu yêu cầu từ giao thừa đến tết Nguyên tiêu dỡ bỏ lệnh giới nghiêm toàn bộ kinh thành, Thái Thượng Hoàng tuổi tác đã cao nhưng càng già càng điên chỉ mong sao được ra ngoài chơi đương nhiên lăn đùng ăn vạ bắt con gái mình phê chuẩn, Nữ hoàng gần bảy mươi tuổi suốt ngày bị cha mình quấy rầy, khóc lóc om sòm như khóc tang cha mẹ, đành phải chuẩn tấu.

Chiếu chỉ vừa ra, Thái Thượng Hoàng vội vàng kêu gọi các lão thần về hưu bắt đầu lên kế hoạch vui chơi, náo nhiệt vô cùng. Còn người dân biết lệnh giới nghiêm được gỡ bỏ không khác gì con khỉ được tháo xích, cũng xắn tay áo lên sắp xếp hàng loạt hoạt động, dạo hội chùa, dạo chợ đêm, ngắm hoa đăng, mời tiệc, tế tổ, đuổi tà, xem xiếc, đấu vật... vân vân và mây mây, tóm lại tưng bừng mua sắm đủ loại hàng hóa chuẩn bị đón năm mới.

Khung cảnh ồn ã này đương nhiên làm những người đến từ xứ khác vào kinh phải choáng váng, đừng nói là người dân, ngay cả quan viên cũng phải mở to mắt, muốn nhìn xem người dân đang làm những gì.

Trong đám người vào kinh thành tấp nập còn có cả hương cống tiến sĩ châu chuẩn bị tham dự khoa cử tiến sĩ vào tháng giêng. Thường thì phần lớn họ sẽ đến kinh thành trước nửa năm hoặc một năm, chỉ có những nơi nào xa quá, không đủ lộ phí hoặc do những nguyên nhân khác thì chậm nhất tháng mười mới đến, phải báo tên với Lễ Bộ thì mới được tính.

Có điều trong những kẻ sĩ vào Lễ Bộ báo tên nộp tiền phí, ngoài đàn ông ra còn có cả con gái thương gia liễu yếu đào tơ, tiểu thư khuê các xinh đẹp hoạt bát, con gái gia đình bình thường mặc áo vải thô, thậm chí quả phụ mặc áo trắng váy đen đều có đủ, tuổi tác cũng từ mười sáu tuổi đến sáu mươi tuổi như đàn ông, thậm chí có nhà con gái, mẹ dìu bà nội, tam đại đồng đường đến báo tên.

"Xin hỏi chủ ti là ai?" Một người đàn ông râu tóc bạc trắng chắp tay hỏi người của Lễ Bộ.

Một người phụ nữ nghe thấy câu hỏi này liền vội rướn người qua hỏi: "Đúng vậy, không biết nhà chủ ti sống ở đâu nhỉ?"

"Mẹ... sao lại hỏi chủ ti ạ?" Đứa bé mà người phụ nữ đó dắt đi theo nắm váy mẹ mình hỏi.

"Xuỵt! Con nít con nôi đừng nói nhiều." Người phụ nữ đó mắng đứa bé.

Vị thư lệnh sử của Lễ Bộ bị mọi người hỏi nhiều đâm ra thấy phiền, bèn chắp tay đáp: "Các vị thí sinh, các vị thí sinh, chủ ti lần này là Lý đại nhân của Ngự Sử Đài, ông ấy đã nói không chấp nhận nộp tác phẩm tự tiến cử, không chấp nhận quan viên tiến cử, không gặp mặt bất cứ thí sinh nào, xin các vị chớ hỏi thăm."

"Sao lại có cái lý đó? Từ lúc Hoàng đế mở khoa thi tiến sĩ cho đến nay, tự tiến cử tác phẩm của mình chính là căn cứ để chọn tiến sĩ!" Sĩ tử già hỏi đầu tiên gõ gậy chống xuống, lớn tiếng phản đối, "Từ lúc chỉnh sửa tác phẩm của mình cho đến khi viết thành quyển, tôi đã mất rất nhiều công sức thời gian, Lý đại nhân này là ai? Sao lại không nhận tác phẩm nữa? Đúng là nực cười!"

Thư lệnh sử đó giật mình, sợ hãi nhìn sĩ tử già nọ, người phụ nữ dắt theo đứa bé đứng bên cạnh cười khẩy, "Không phải ông chú sợ người Tây Kinh đấy chứ?"

"Tại hạ đã sống ở Tây Kinh hơn hai mươi năm rồi!" Sĩ tử già khó chịu đáp lại.

"Nếu không thì cũng hiếm khi qua lại gia đình quan viên." Người phụ nữ kia nói thêm, cũng không thèm để ý gương mặt ông già đầy xấu hổ, nói thẳng tuột, "Chú ba nhà tôi từng nói, vị chủ Ngự Sử Đài này trước đây đều làm việc tùy thích, trừ phi Bệ hạ và Thái Thượng Hoàng hạ lệnh bảo ông ta thay đổi, nếu không ai mà dám phản bác thì chỉ có đường chết mà thôi."

Thư lệnh sử Lễ Bộ rưng rưng nước mắt gật đầu, đoạn thở dài: "Thật ra khi Lý đài chủ đến Lễ Bộ nói chuyện này, đám chúng tôi cũng không dám khuyên ngăn, chỉ dám hỏi nguyên nhân, ông ấy nói bốn chữ 'lười phải đối phó'... cho nên... ôi chao... lúc thi thì văn chương thật sự sẽ được thể hiện ra hết thôi!"

Nghe xong tất cả mọi người đều nhìn nhau, người phụ nữ kia lại hỏi: "Có điều sao năm nay lại để Ngự sử đại phu làm chủ ti? Chẳng phải năm vừa rồi là Lễ Bộ thị lang sao?"

"Ngự sử đại phu là chủ ti do Bệ hạ khâm định, về phần tại sao lại chọn ông ấy... chỉ có Bệ hạ mới biết." Thư lệnh sử trả lời đầy bất đắc dĩ.

Nói đến đây, có một chuyện mà quý độc giả cần phải biết, tuy tiến sĩ chỉ là một trong những con đường nhập quan ở Lương Quốc, nhưng ba năm mới có một lần, mỗi lần chỉ chọn khoảng ba mươi người, có thể nói là khá khó khăn, nhưng người thuận lợi vượt qua khoa cử tiến sĩ thì nhận được chức quan ngon nghẻ hơn so với những người đi theo con đường khác, thời gian chờ nhậm chức cũng ngắn hơn, tương lai còn có thể đảm nhiệm chức vụ quan trọng chiếm số ít trong vô số chức quan ở Lương Quốc.

Quan xuất thân từ kẻ sĩ gọi chung là "thanh quan", "thanh" ở đây không phải là thanh liêm, mà là thanh cao đáng quý, bản thân thanh quan đã trở thành hệ thống, không phải là người xuất thân từ kẻ sĩ thì không thể đảm nhiệm, chỉ đi theo trình tự này mới có thể giữ chức quan quan trọng quản lý quyết sách quốc gia. Thanh quan này ngoài việc ưu tiên tuyển chọn những người có xuất thân tiến sĩ; quý tộc hoặc con cháu quan lớn cũng có thể đi theo con đường "ấm nhiệm (4)" để làm thanh quan, hoặc thông qua kiểm tra phản biện "kinh học (5) còn được gọi là "minh kinh (6)", nhưng dù là "ấm nhiệm" hay "minh kinh", con đường và danh tiếng khi ra làm quan đều thấp hơn so với đi thi tiến sĩ.

Vì danh tiếng và con đường của tiến sĩ khá tốt, nên đương nhiên có rất nhiều người tranh giành cho bằng được. Chủ trì khoa cử được gọi là chủ ti, tiến sĩ tân khoa được chủ ti dìu dắt, theo truyền thống tôn sư trọng đạo sẽ tôn chủ ti làm thầy giáo. Nhờ mối quan hệ thầy giáo học trò này, tương lai thầy giáo sẽ cất nhắc học trò, học trò sẽ ủng hộ thầy giáo, nói dễ nghe thì là dìu dắt người kém, kính già yêu hiền, thật ra chính là cá mè một lưới, bề ngoài qua lại thực chất chẳng khác nào trộm cướp, trong đó bao nhiêu khoản béo bở qua tay nhau tới tấp như chuyện thường tình.

Xét thấy phải loại bỏ mối quan hệ không trong sáng giữa chủ ti và tiến sĩ trong nhiều năm qua, kỳ thi lần này, Nữ hoàng liên tiếp gạt bỏ mười mấy danh sách mà Thượng thư tỉnh đưa lên.

Vì không muốn để các triều thần tiếp tục tranh cãi, trên triều, Nữ hoàng gọi thẳng tên Ngự sử đại phu: "Ân khoa lần này cần lấy những tiến sĩ có tài có học, Lý khanh là Ngự sử đại phu giám sát hàng trăm quan viên, buộc phải tuyển chọn hiền tài cho đất nước, trẫm lệnh cho ngươi làm chủ ti lần khoa cử này, ý của ái khanh thế nào?"

Sau những tiếng hít sâu đầy ngạc nhiên trong triều đường, đám thần tử bắt đầu rì rầm thảo luận.

"Để Lý đài chủ làm chủ ti ư?"

"Không phải là Võ thái sư làm chủ ti à?"

"Để cái người thù lâu ghét dai như Lý đài chủ làm chủ ti thì lấy đâu ra người bình thường?"

"Thôi xong! Lớp tiến sĩ năm Hoằng Huy sáu mươi này chức vụ ngon rồi! Lần này tốt thật, chắc chắn sẽ bị Lý chủ đài đảo lộn tùng phèo."

Ngự sử đại phu quay lưng về phía quần thần, cũng chính là Lý chủ đài các quan viên hay nói, đứng thẳng tắp ở đầu hàng, trên người mặc viên lĩnh bằng lụa tím, eo thắt đai da đính ngọc, trên đai đeo một chiếc ngư đại (7) vàng, tiếng thảo luận của quần thần vô cùng rõ ràng, nhưng y không hề ngẩng đầu lên một lần, ngay cả ngư đại vàng cũng không dao động, dáng hơi khom lưng của y vẫn thẳng tắp vững vàng.

"Bệ hạ đã có lệnh, vi thần nào dám chối từ, thần sẵn lòng đảm nhận chức chủ ti khoa cử lần này."

"Nhận rồi..." Môn hạ thị trung lắc đầu, thở dài cái thượt, "Lần này chắc chắn xảy ra chuyện."

"Bộc xạ (8) tướng công mau chuẩn bị ma chay cho mình đi thôi!" Trung thư lệnh nghiêng đầu ra hiệu, thì thầm với Thượng thư Tả Bộc xạ, "Lần trước Lý chủ đài làm chủ khảo khoa cử minh kinh, không ngờ có một sĩ tử danh môn không chịu nổi sự đe nẹt của Lý chủ đài, gục ngay tại chỗ không đứng dậy được, kết quả người nhà không dám gây chuyện với y, đành khênh quan tài đến nhà tôi ăn vạ, đúng là nằm không cũng dính chuyện."

"May mà hôm qua khuyển tử bị ngã gãy chân, năm nay không đi thi được." Thượng thư Tả Bộc xạ vỗ ngực, nhìn đồng liêu Hữu Bộc xạ đầy cảm kích, "Cảm ơn lời chúc của ông hôm qua, đúng là tái ông mất ngựa, họa hay phúc còn chưa biết."

"Nào có nào có, là lệnh lang phúc lớn mạng lớn... có điều vừa mới thi tiến sĩ thì gặp Lý chủ đài, đúng là xui xẻo." Hữu Bộc xạ hạ thấp giọng xuống.

Nữ hoàng thấy quần thần chụm đầu ghé tai thảo luận, kìm lòng không đậu mỉm cười: "Xem ra quả nhiên Lý ái khanh tên cũng như người, tên chữ là Thu Sương (9), làm người cũng liêm khiết cao thượng để người khác phải kính nể!"

"Tên chữ là do gia phụ đặt, vi thần tự nhận mình vẫn chưa tận tâm tận lực để người khác kính nể."

Dù ai cũng cảm thấy Ngự sử đại phu này nói dối không biết ngượng mồm, nhưng chẳng ai dám nói gì, chỉ thầm nhủ ông già của Ngự sử đại phu đúng là biết nhìn xa trông rộng, đặt tên chữ cho con là Thu Sương, kết quả phong cách làm việc tràn đầy sát khí giống hệt mùa thu, làm người ta cảm thấy lạnh lẽo không khác gì đi trong sương, không hề có hơi người. Giống như giọng nói của y, lúc bình thường thì trầm thấp, nhưng khi phát biểu ngữ điệu như sương giá giăng trên mặt nước, lạnh nhạt, bình bình, không hề mang chút sức lực nào, nội dung nói chuyện quan cách đường hoàng, quả là làm người ta không chịu được.

"Nếu Lý khanh đã đồng ý, Trung thư xá nhân thay trẫm soạn chiếu chỉ, Môn hạ duyệt thấy không có vấn đề gì thì gửi cho Thượng thư tỉnh bổ nhiệm, bãi triều."

Nữ hoàng cùng với cung nữ nội thị rời khỏi, quần thần đứng dậy, lúc này quân lính Tả hữu Thiên Ngưu Vệ mới mở cửa điện, dưới sự dẫn đường của thông sự xá nhân, quần thần nối đuôi nhau ra.

Tuy rằng vào cung xuất cung đều có quy củ, nhưng khi xuất cung khó tránh khỏi mấy câu bàn tán của bốn bên trước sau trái phải, bởi vì quần thần chia thành mấy tốp nhỏ, thì thầm thảo luận chuyện chính sự vừa nãy, ngay cả trưởng quan của tam tỉnh Trung thư, Môn hạ, Thượng Thư, thậm chí Tam công Tam sư (10) tuổi tác đã cao không dằn lòng được nữa cũng phải góp lời.

Trong tiếng bàn tán sôi nổi của đám quan viên không khác gì năm trăm con vịt, Ngự sử đại phu cùng với quan viên ngự sử đài dưới cấp lại tỏ ra vô cùng bình tĩnh.

Trung thư lệnh là con trai của Thái sư, lúc này đang dìu cha mình ra ngoài, không cẩn thận huých phải khuỷu tay Ngự sử đại phu: "Lý đài chủ, thất lễ quá."

"Mời Trung thư tướng công đi trước." Ngự sử đại phu hơi cúi đầu, nghiêng người nhường bước, ra hiệu mời Trung thư dẫn cha mình đi trước.

"Thu Sương à!" Thái sư hoàn toàn không dùng cách gọi "đài chủ" mà gọi thẳng tên chữ của y, nheo mắt cười vỗ vai Ngự sử đại phu như bạn thân mấy trăm năm, làm lơ ánh mắt ngạc nhiên của đám quan viên xung quanh: "Lần này nhận chức chủ ti dứt khoát thế, muốn kiếm tiền à? Hay muốn nhận người?"

"Đất nước mở đại điển tuyển chọn tiến sĩ, hạ quan không dám nhận hối lộ." Giọng quan cách theo tiêu chuẩn.

"Ồ? Thế muốn nhận người à?"

"Đất nước mở đại điển tuyển chọn tiến sĩ, hạ quan không dám nhận hối lộ." Vẫn là giọng quan cách theo tiêu chuẩn.

"Ồ, Vậy mi muốn gì?"

Ngự sử đại phu dừng chân lại, nghiêm túc nhìn Thái sư, bỗng nhiên cười khẩy mấy tiếng, Thái sư nhìn y cũng bật cười ha hả, sau đó Ngự sử đại phu vái chào tạm biệt, đưa đám quan viên ngự sử đài đi, bước chân đều tăm tắp như quân đội.

"Cha, y cười gì vậy?" Trung thư lệnh vội vàng hỏi, quần thần cũng nhanh chóng sáp tới, vểnh tai nghe ngóng.

Thái sư già a một tiếng như sắp nói một tràng đạo lý đao to búa lớn, trái tim những người xung quanh thót lên rồi lại chìm xuống, một lúc lâu sau ông mới lắc đầu nói: "A... người trẻ tuổi răng trắng thật, không giống người già chúng ta, giờ chỉ còn răng cửa, đáng thương thay đáng thương thay..."

Thái sư già giả ngốc giả nghếch chắp tay sau lưng được con trai dìu đi, lúc này Hữu Bộc xạ lén nói với Tả Bộc xạ: "Chậc chậc... Lánh nặng tìm nhẹ, nói cũng bằng không..."

"Nếu không sao làm đến chức Thái sư?" Tả Bộc xạ hạ thấp giọng xuống.

Thượng thư Hộ Bộ đi tới, sắc mặt không vui vẻ gì: "Cha nào con nấy, hai cha con chả khác gì nhau, lần nào bảo giảm thuế, nói còn hay hơn làm, kết quả giảm nữa giảm mãi Hộ Bộ chẳng còn quần mà mặc, kêu ông ta nghĩ cách kiếm tiền, ổng lại giả ngu giả chết, lão lưu manh!"

"Còn cả cái lần đại xá cũng thế, bà mợ nhà nó chứ, cả ngày trời đến khi tối mịt đại xá cầu phúc, kết quả phạm nhân thả ra đều phạm trọng tội, vừa bước ra ngoài lại đi gây án, làm lãng phí nhân lực Hình Bộ chúng tôi..." Thượng thư Hình Bộ đi theo sau thì thào oán thán: "Nhưng đáng ghét nhất vẫn là Ngự sử đài, làm gì có cái thể loại bỏ qua cả Trung thư tỉnh? Lần nào cũng lấy chúng ta ra khai đao, tội nhân là do Trung thư tỉnh bảo thả, chân trước ra ngoài chân sau lại phạm tội tiếp, bọn chúng muốn gây án tiếp thì Hình Bộ phải làm thế nào? Kết quả lần nào cũng làm khó chúng ta, chả có tình nghĩa đồng liêu gì sất."

"Nếu có tình nghĩa thì còn gọi là Ngự sử đài sao?" Thượng thư Hộ Bộ đáp lại, nhìn Tả Hữu Bộc xạ giữ im lặng đang đứng trước mặt, "Hai vị tướng công, bao giờ mới tính toán xong tổng chi tiêu của Thượng thư tỉnh?"

"Ờ thì... chúng chúng ta bàn bàn sau nhé...", "Chuyện này phải hỏi hỏi thuộc hạ mới biết biết được..." Hai vị Bộc xạ hai miệng một lời cùng chống chế.

"Tôi không cần biết các ông tính toán thế nào, dự trù năm sau tôi chỉ có thể đưa các ông tám phần mười so với năm nay." Thượng thư Hộ Bộ là người duy nhất trong Thượng thư tỉnh không dùng xưng hô "hạ quan", hai vị Bộc xạ gặp ông ta còn ngoan ngoãn hơn cả khi gặp mẹ mình, bởi vì trên tay ông ta đang giữ tiền của Thượng Thư tỉnh.

"Lưu Thượng thư, tám phần mười là quá ít, chín phần mười được không?"

"Ông tưởng đang đi mua rau đấy hả? Tám phần mười!"

"Chín phần mười à? Chín phần mười là đủ dùng rồi!"

"Tám phần mười là tám phần mười! Mặc cả nữa thì xuống còn sáu phần mười!"

Tả Bộc xạ không biết Thượng thư Hộ Bộ có suy nghĩ cắt giảm chi phí dự trù, vẫn tiếp tục mặt dày: "Lưu Thượng thư, Thượng thư tỉnh là một con thuyền lớn, tu mười năm mới được ngồi chung thuyền, chúng ta lại cùng hội cùng thuyền, thật là có duyên, chúng ta hẳn nên đồng tâm hiệp lực, ông thấy đúng không?"

"Không đúng, bây giờ tự làm tự chịu." Sắc mặt Thượng thư Hộ Bộ cương quyết, ông ta hoàn toàn không dao động, "Lần này phải cảm ơn người đỗ cùng khóa thi của hai vị tướng công, chính là Lũng Tây Thành Kỷ Lý Công, tên húy Thiên Lý đã tố cáo Hộ Bộ chúng tôi ngồi không ăn bám, khai man khoản chi tiêu, dẫn đến ngân quỹ Hộ Bộ thiếu hụt trầm trọng, bởi vậy tôi quyết định cố gắng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của các ban bộ."

"Lý chủ đài không phải là người đỗ cùng khóa thi chúng tôi! Y nhỏ hơn tôi gần hai mươi tuổi, kém tôi ít nhất sáu bảy khóa thi!" Tả Bộc xạ hấp tấp vạch rõ quan hệ.

Thượng thư Hộ Bộ hừ mũi một tiếng, hiển nhiên đang giận cá chém thớt: "Y và hai vị tướng công được làm Trung thư tam phẩm cùng một năm, cũng coi như là bạn cùng khóa."

"Vậy tại sao cắt giảm chi phí lại bắt đầu từ Thượng thư tỉnh chúng tôi? Phải cắt từ bên Ngự sử đài đầu tiên chứ!" Hữu Bộc xạ lên tiếng phản bác lại, Thượng thư Hình Bộ đứng bên gật đầu như giã tỏi.

"Đúng thế, cho nên dự trù của Ngự sử đài chỉ còn sáu phần mười." Thượng thư Hộ Bộ cười khẩy, vỗ vai Hữu Bộc xạ, "Thượng thư tỉnh là nơi bị cắt giảm ít nhất đấy."

"Ông chặt chém Ngự sử đài, không sợ y cũng chặt chém lại ông hả?" Hữu Bộc xạ nhìn Thượng thư Hộ Bộ bằng ánh mắt sùng bái.

"Không sợ, vì y không phải người bị cắt giảm nhiều nhất."

"Ồ? Vậy là tên xui xẻo nào thế?"

"Quốc Tử Giám, bị cắt còn bốn phần mười."

Tả Hữu Bộc xạ ngạc nhiên nhìn Thượng thư Hộ Bộ, Thượng thư Hình Bộ bật ngón cái lên: "Ông cũng thật... Quốc Tử Giám mà cũng dám cắt? Quốc Tử Giám là trường học hàng đầu, người vào học đều là nho sinh, Quốc Tử tế tửu (11) lại còn là tổ sư văn học đương đại, ông dám cắt của ông ta, sau đó đám nho sinh trong thiên hạ sẽ cùng tế sống ông!"

Thượng thư Hộ Bộ có tổ tiên từng làm buôn bán, dù xuất thân từ tiến sĩ nhưng lại đặc biệt nhạy bén với tiền bạc, hiện tại là người chuyên quản lý tiền bạc được Nữ hoàng coi trọng: "Hừ, hiện giờ người có tư cách chọn quan trong Tây Kinh còn nhiều hơn chó, trong ba năm mà Quốc Tử Giám không đào tạo ra nổi mấy tiến sĩ thì còn tác dụng gì? Suốt ngày nho học cứu quốc, người hiền từ không có kẻ thù (12), đã không có kẻ thù vậy tại sao không lấy danh nghĩa nhân nghĩa đạo đức đi đánh phiên trấn? Hộ Bộ chúng tôi thường có câu 'Thư sinh nghèo phát ngôn ngông cuồng, chẳng cần dùng mấy cắc bạc lẻ.' Đưa nhiều cho họ cũng lãng phí, không cắt giảm của họ thì cắt của ai?

"Cũng đúng..." Thượng thư Hình Bộ gật đầu.

Hữu Bộc xạ mỉm cười, chắp tay nói: "Nếu đã cắt giảm chi phí của Quốc Tử Giám thì có thể cắt ít của chúng tôi hơn, đã vậy thì chặt chém họ thêm nữa đi."

"Tính sau đi, dù sao cũng chỉ có Binh Bộ và Lễ Bộ không sao." Thượng thư Hộ Bộ đáp.

"Binh Bộ không sao vì Quan Đông luôn xảy ra chuyện, còn Lễ Bộ lúc nào cũng nhàn rỗi, tại sao không cắt giảm?"

"Từ trước đến nay Thượng thư Lễ Bộ tính dự trù luôn chuẩn xác nhất, kiểm tra lại các khoản không có vấn đề gì, không thể chặt chém được."

"Làm gì có chuyện đấy... Các khoản của Thượng thư tỉnh chúng tôi cũng rất hợp lý mà."

"Thứ cho tôi nói thẳng, ngân sách của Thượng thư tỉnh hao hụt nhiều nhất, Hữu Bộc xạ nói thế, há chẳng phải làm người ta cười thối mũi sao?"

"Nể mặt chúng ta là đồng liêu, xin ông thư thư cho chúng tôi mấy ngày..."

"Vậy phải xem biểu hiện của hai vị tướng công thế nào đã."...

* * * * *

Sau khi chuyện chủ ti chắc như định đóng cột, Lễ Bộ liền bắt đầu xử lý chuyện báo danh, vì năm nay là khoa thi tiến sĩ được mở nhân dịp tròn sáu mươi năm Nữ hoàng đăng cơ, bởi vậy rất nhiều sĩ tử nam nữ bị đánh trượt năm ngoái cũng nườm nượp đi thi lại, cũng có không ít sĩ tử năm ngoái không kịp vào kinh, năm nay cũng vội vàng đến thi tiếp, cho nên chỗ báo tên ở Lễ Bộ ngày nào cũng có người đến.

Dù quý độc giả đã thấy phụ nữ con gái trong nhóm thí sinh ở phía trên, có điều chuyện này không phải có từ Lương Quốc thời xưa. Khoa cử tiến sĩ bắt đầu từ lúc lập quốc đến năm Hoằng Huy, đã thực hiện được gần nghìn năm, cho đến năm Hoằng Huy thứ năm mươi mới cho phép phụ nữ báo tên, chính thức đưa phụ nữ vào hàng ngũ quan viên.

Dù ở lúc ấy hay hậu thế đều có rất nhiều cuộc thảo luận nghiêm túc liên quan đến chuyện này, nếu được ghi chép lại, có lẽ quý độc giả sẽ không có kiên nhẫn xem hết, mà đã không đọc được hết đương nhiên sẽ không móc hầu bao mua sách, đã không mua sách thì những người viết sách bình thường như chúng tôi chẳng phải sẽ uống gió Tây Bắc để sống qua ngày sao? Vì nghĩ cho bụng dạ của mỗi người, tôi không nói nhiều về bàn luận trong triều của các vị áo quần chỉnh tề nữa, mấy lời tán dóc của sử quan tạm thời được ghi chép như sau.

Ở triều Hoằng Huy, Sử quan Tạ Kim Ngu đã viết trong "Ô đài bí kí" rằng, từng nói chuyện này với một vị Sử quan khác, vị Sử quan đó hắng giọng mấy tiếng, mở miệng nói: "Năm ấy Thượng hoàng dốc hết sức mình đưa con gái nhỏ mới chỉ tám tuổi lên ngôi, dốc lòng thay đổi suy nghĩ 'phụ nữ không có tài chính là đức' lúc bấy giờ. Cho đến năm Hoằng Huy thứ hai mươi, sau khi Thượng hoàng đưa ra khẩu hiệu 'Phụ nữ không có tài mới chính là đức? Phụ nữ tài đức mới đáng ca ngợi.', đám quan viên phải nói là trăm người một lòng, tướng sĩ quên mình, nước chảy thành sông, ngày đó chỉ trong tầm tay, nhưng không ai dám nổ phát pháo đầu tiên, chỉ sợ nói không đúng họa từ trên trời rơi xuống, Hoàng thượng cũng không dám tùy tiện để con gái mình nhậm chức làm quan. Song Thượng hoàng chờ ba năm, ba năm rồi lại ba năm, mắt thấy ba mươi năm đã trôi qua, ngài nóng ruột nóng gan, cuối cùng quyết làm một trận sống mái, dùng kế một khóc hai làm loạn ba đòi thắt cổ mang dao giả lên triều, tuyên bố nếu không mở khoa cử cho nữ thì ngài sẽ mổ bụng chết tại chỗ, làm quần thần chư quan sợ hãi khóc lóc không biết phải nói gì. Duy chỉ có Hoàng thượng anh minh thần võ, quyết đoán dứt khoát, hạ lệnh khoa cử tiến sĩ năm sau lấy mười phụ nữ đảm bảo số người, lúc này Thượng hoàng mới gạt lệ nở nụ cười. Vì thế Lương Quốc của chúng ta là nơi đầu tiên khởi xướng cho việc phụ nữ làm tiến sĩ, đúng là đáng mừng đáng mừng."

Rốt cuộc mức độ đáng tin trong lời nói của Sử quan là bao nhiêu, quý độc giả đừng tìm hiểu kĩ càng vội, suy cho cùng dù Sử quan là người chính trực ngay thẳng nhiệt huyết trung thành thì cũng có học trò giấy trắng mực đen viết bậy viết bạ che lấp sự thật, quyển sách này là tiểu thuyết, chứ không phải là sách sử, có hư cấu, nếu giống nhau thì là trùng hợp.

Tóm lại, từ năm Hoằng Huy thứ năm mươi, trong danh sách khoa cử tiến sĩ có một phần ba là nữ tiến sĩ, dù bởi vì lý lịch nữ quan còn mỏng, hơn nữa có người trong năm năm có hai lần nghỉ thai sản, nên tạm thời vẫn chưa có thành tựu gì, nhưng sự phát triển của nữ quan rất có triển vọng.

Lại nói một ngày nghỉ (13) nào đó, hai Lễ Bộ Thư lệnh sử ở lại trực ban ngồi ngoài tiền sảnh Lễ Bộ chơi cờ.

"Ăn một con pháo của ông!"

"Chặn đường rút quân của ông."

"Thịt luôn con tượng của ông."

"Trời ạ! Tượng chết rồi, đáng chết đáng ghét, phá luôn con xe của ông!"...

Trong tràng tranh cãi sôi nổi của hai vị Thượng lệnh sử, một người gõ nhẹ xuống mặt bàn, hai vị Thượng thư lệnh dữ tợn quay đầu sang nhìn trừng trừng: "Sao!"

"Tại hạ đến báo tên tham gia khoa thi..."

"Vậy còn không mau lấy 'giải trạng', 'gia trạng' cùng với 'giấy thông hành' ra đây!" Một Thư lệnh sử vừa nói vừa khó chịu bê bàn cờ ra, 'giải trạng' là giấy tờ chứng minh tư cách đã thông qua kì thi châu, 'gia trạng' là báo cáo gia cảnh do thí sinh tự viết, 'giấy thông hành' là giấy phép đi đường do quan phủ mỗi địa phương ký và cấp phát, phải có đồng thời ba giấy tờ này mới chứng minh thân phận một người.

Thư lệnh sử còn lại thu giải trạng, gia trạng và giấy thông hành của thí sinh, rồi lại lấy quyển sổ và bút mực ra: "Này! Mau viết tên, quê quán, chỗ ở tạm thời ra đây."

"Là..."

Hai vị Thư lệnh sử đang vội chơi cờ, không ai nghiêm túc vặn hỏi những câu như quê quán ở đâu, dù sao sau đó cũng có người kiểm tra chứng thực, xong xuôi họ xé một tờ biên lai ném cho người nọ: "Cầm đi, trong tháng mười một nhớ đến phố Thiên Môn xem mình có tư cách dự thi không. Kì thi tiến sĩ ấn định vào ngày mười sáu tháng giêng, quá thời gian không ai chờ."

Người nọ vâng vâng dạ dạ rồi rời đi, Thư lệnh sử đang bê bàn cờ vội vàng đặt nó về vị trí cũ, Thư lệnh sử còn lại cầm quyển sổ nhìn chằm chằm: "Ôi chao!"

"Sao thế?"

"Cái người vừa rồi..."

"Sao thế?"

"Là Ngu Bát Xoa nổi tiếng gần xa đấy!"

"Ngu Bát Xoa? Là đao khách Ngu Toàn Cơ đếm từ một đến tám có thể viết xong một bài văn đó sao?"

"Chính là cô ta!"

Hai Thư lệnh sử nhìn nhau lăm lăm, rồi lại bật cười ha ha...

"Chắc chắn lần này Ngu Bát Xoa không dám nghe ngóng ai là chủ ti mới dám đến."

"Đúng thế, nếu chủ ti lần này là người khác thì chẳng nói làm gì, Lý chủ đài ấy mà, chí còn cứng hơn vàng, tim còn đen hơn mực, nghe nói ông ấy ghét nhất là những người có tài mà không có đức!:

"Ngu Toàn Cơ chết chắc rồi!"

Vai chính đang bị bàn tán, nữ sĩ tử Nam Lăng kiêm đao khách nhấc bút thi hộ Ngu Toàn Cơ không hề nghe thấy mấy lời của Thư lệnh sử nhưng lại hắt hơi một cái rõ kêu, cô lắc đầu: "Tây Kinh đúng là lạnh dữ hồn..."

Ngu Toàn Cơ ra khỏi Hoàng thành, dắt con lừa nhỏ lông màu nâu xám thong thả bước đi. Lúc này cũng sắp đến giờ quan binh tan trực, trong đám đông văng vẳng tiếng cãi nhau, Ngu Toàn Cơ khép kín áo xống trên người, đi về phía ngôi nhà nhỏ của sở thuế trong phường Bình Khang ở thành đông. Mười ngày sau khi chủ ti nhậm chức cô mới vào kinh, không giống những sĩ tử khác, cô không hề đi nghe ngóng chủ ti là ai, cũng không định theo con đường nộp văn tự tiến cử bản thân.

Bài thi tiến sĩ ở Lương Quốc không hề niêm phong che tên thí sinh, mà còn đường đường chính chính để chủ ti biết đây là bài của ai. Vốn trước khi kì thi diễn ra cũng không cấm chủ ti và các thí sinh qua lại với nhau, các quan khảo thí sẽ tự đi nghe ngóng xem trong nhóm thí sinh lần này có những ai đôi chút danh tiếng, thí sinh cũng thường chép thơ văn của mình vào một quyển trục sạch sẽ đẹp đẽ đưa tới nhà quan khảo thí, trong một khoảng thời gian phó chủ ti và và các quan khảo thí khác sẽ tập trung lại thảo luận xem ai văn hay chữ tốt để sau này còn trọng dụng. Thỉnh thoảng quan khảo thí sẽ đề cử một thí sinh nào đó, bởi vậy trước khi đi thi đã biết thứ tự đại khái của mình không còn là chuyện lạ gì.

Một trường hợp nổi tiếng nhất là chủ ti nọ gặp một thí sinh do một quan viên khác đề cử trong bữa tiệc, vì thí sinh đó cực kì tài giỏi nên chủ ti vô cùng vui vẻ, liền nói ngay trên bàn tiệc: "Mỗ đại nhân đã đưa tới cho ta một vị thám hoa năm nay rồi." Mọi người có mặt đều tới tấp chúc mừng chủ ti và thí sinh đó. Cũng có một vị đại thi nhân được một vị thân vương mang đi bái kiến Trưởng công chúa quyền chức hiển hách lúc bấy giờ, Trưởng công chúa phát hiện thơ mình hay đọc lại do người trẻ tuổi này viết, vui mừng khôn xiết, liên tục nói: "Trạng nguyên khoa cử năm nay do người khác đề cử, nhưng tài hoa của anh vượt xa hắn, anh chính là trạng nguyên!" Khi kết quả của kì thi công bố, quả nhiên là thế.

Dù nói những cách làm trên không hề công bằng, nhưng ai cũng biết ai là do ai đề cử, nếu thí sinh có trình độ quá kém, danh tiếng không xa thì không xứng với vị trí cao, không chỉ chủ ti, người đề cử thí sinh cũng chịu sự công kích dè bỉu của triều thần. Hơn nữa tuy đã có thứ tự xếp hạng từ trước, nhưng thí sinh vẫn phải trải qua một vài bài thi quan trọng, nếu bỏ cuộc giữa đường thì đương nhiên công danh cũng chẳng còn, bởi vậy đề cử công khai không hẳn là chuyện xấu, ít nhất những người đứng đầu đều không quá kém cỏi.

Song các chủ ti sẽ lập danh sách thí sinh không có ai tiến cử, danh sách này tuy không chắc chắn nhưng thỉnh thoảng sẽ giữ lại một vài cơ hội cho các sĩ tử nhà nghèo trong số các tiến sĩ đã được quyết định nội bộ.

Ngay từ đầu Ngu Toàn Cơ đã từ bỏ việc tự tiến cử mình, muốn cố gắng tự lấy một vị trí trống. Cô không được coi là sĩ tử nhà nghèo, mười năm qua cô chạy từ bắc vào nam làm đao khách thi hộ cho nữ sĩ tử qua kì thi phủ, kì thi châu, kì thi tiến sĩ đã kiếm được bộn tiền, đủ để xây một tòa nhà lớn có hai vườn hoa ở quê nhà Nam Lăng.

Cô cũng không phải là người vô danh tiểu tốt, là đệ nhất nữ đao khách chuyên nhấc bút đi thi hộ cho nữ thí sinh tại Lương Quốc, hơn tám mươi trận chiến lớn nhỏ không trận nào không thắng, thậm chí cô còn sắp xếp lịch trình đi các nơi thi hộ, kỉ lục cao nhất một năm có thể tham gia đến mười kì thi, mỗi vụ mình nhận ít nhất cũng tăng được hai bậc.

Nghe nói lần vang dội nhất là một quan khảo thí đã lờ mờ đoán được cô là Ngu Toàn Cơ, bởi vậy bốn vị quan khảo thí nhìn chằm chằm bài thi mà cô đang viết trước mặt, sau khi thu bài thì đi so sánh nét chữ, cô chỉ có một người mà nộp đến tận sáu bài thi, các quan khảo thí nhớ lại có đôi khi cô gập ngón tay lại đếm số, gập đến ngón tay thứ tám mới bắt đầu viết, tổng cộng gập sáu lần, cũng bởi thế nên một bài thi chỉ cần cô suy nghĩ từ một đến tám là xong, từ đó cái tên "Ngu Bát Xoa" nhanh chóng lan truyền, đương nhiên cũng mang tới cho cô kha khá khách hàng, còn về phần cách làm thế nào... Tại hạ chỉ là người kể chuyện, không có mặt chứng kiến trực tiếp nên đừng hỏi.

Cô có khoản tiết kiệm, có đôi phần danh tiếng, thế nhưng không nghĩ tới chuyện tự tiến cử tác phẩm của mình hay đi bái kiến đại quan danh sĩ, từ lúc đi thi hộ, cô chỉ cần tiền chứ không cần danh, thậm chí có lần thi hộ cho người không danh không tiền, đến lúc người đó vang danh bên ngoài rồi thì không cần đến cô nữa. Kiếm ăn trong trường thi bao nhiêu lần, đến khi tự mình đi thi cho chính mình cô cũng lười đi tạo quan hệ, dẫu sao thi thố chỉ cần mang tâm lý bình thường là thắng ở một mặt nhất định rồi, cho nên cô chỉ cần chờ kì thi chính thức mà thôi.

Bởi vì không cần đi bái phỏng chủ ti tranh thứ hạng, nên Ngu Toàn Cơ dạo quanh mấy nơi khác làm hộ vài bài thi, cô đã nhẩm tính lúc mình vào kinh thì cũng sắp đến kì thi nên nhờ người sắp xếp cho mình một tiểu viện khá đẹp trong phường Bình Khang phía đông Tây Kinh từ trước, đến khi tới Tây Kinh thì trả tiền thuê nhà, rồi thuê vợ chồng Trác thị và con gái Xuân Nương của họ làm đầu bếp, quản gia và đầy tớ gái, nhà cửa xong xuôi cô mới đến Lễ Bộ báo tên.

Ra khỏi Hoàng thành, Xuân Nương đã chờ sẵn ở ngoài phố Thiên Môn, Ngu Toàn Cơ vừa nhìn thấy liền gọi cô nàng tới, hai người thong thả bước đi, qua phố Thiên Môn đi về phía phường Bình Khang.

Phường Bình Khang là nơi tập trung kĩ viện lầu xanh quán rượu của Tây Kinh, hương rượu giăng bốn phía, đàn ca sáo nhị không lúc nào dứt, Ngu Toàn Cơ vốn là người thích rượu, chọn sống nơi này quan trọng là vì có thể mua rượu bất cứ lúc nào, dù sao cô đã thi tiến sĩ đến ba lần, nhắm mắt cũng có thể làm được bài, đương nhiên không cần thiết phải ôn tập.

"Nương tử." Xuân Nương cất tiếng gọi, ở Lương Quốc tôi tớ gọi nữ chủ nhân là "nương tử", gọi nam chủ nhân là "lang quân", "Chẳng phải định mua hai cân Thiêu Xuân (tên một loại rượu) mang về nhà uống sao?"

"Đúng thế!" Ngu Toàn Cơ hoàn hồn, nói với Xuân Nương, "Em về nhà trước đi, bảo thím Trác chuẩn bị mấy món nhắm, chị đi mua rượu."

"Nương tử biết đi đường nào không?" Xuân Nương hỏi đầy lo lắng.

"Yên tâm, chị thuộc nằm lòng chốn này rồi, không lạc được đâu."

Xuân Nương đi dọc theo ngõ trong phường, Ngu Toàn Cơ ngẫm nghĩ xem nên đi đâu, đúng lúc này một chú nghé màu đen kéo một chiếc xe đầy hương rượu thong dong đi tới, để lại một vệt bánh xe ướt nhẹp trên nền đất. Ngu Toàn Cơ đưa mũi ngửi, hương rượu nồng đượm mang theo mùi ngũ cốc thoang thoảng, trăm phần trăm là men rượu thượng hạng, cô vội vàng đuổi theo chặn ông lão đánh xe lại: "Cụ ơi xin dừng bước! Cụ ơi xin dừng bước!"

Ông lão liếc mắt nhìn Ngu Toàn Cơ, thấy cô búi tóc sau gáy, trên búi tóc cài một chiếc trâm gỗ mun có tua bạc rủ xuống, áo giao lĩnh màu trắng khoác bên ngoài chiếc bạch sam viên lĩnh, trên eo buộc chiếc khăn màu trắng nốt, hiển nhiên không phải là quan viên, ông lão vốn định gọi một tiếng tiểu nương tử, nhưng khi nhìn xuống dưới thì thấy một dải vải cùng màu nối liền với mép bạch sam ở đầu gối (14), bèn vội sửa miệng: "Quan nhân gọi lão lại, có việc gì cần chỉ giáo ư?"

"Không dám không dám, cháu chỉ muốn hỏi cụ chở men rượu này đi đâu thế?"

"Định đưa tới chỗ Lưu quả phụ ở phía bắc phường."

"Lưu quả phụ à? Chỗ đó chỉ bán rượu thôi sao? Hay còn bán cả đồ ăn nữa?" Ngu Toàn Cơ hỏi, quán rượu trong Tây Kinh muôn màu muôn vẻ, từ tửu lâu lớn đầy đủ vũ nữ kĩ nữ, quán ăn chuyên chỉ tổ chức tiệc rượu, lầu xanh chủ yếu lấy rượu để trợ hứng, quán rượu đủ các món nhắm cho đến nơi buôn bán bán lẻ các loại rượu, kiểu nào cũng có.

"Lưu quả phụ chỉ bán rượu chứ không bán đồ ăn."

"Vậy tốt quá rồi, cháu đang định mua mấy cân rượu mang về nhà uống, cháu đi cùng cụ được không?"

"Chỉ sợ xe của của lão làm bẩn xiêm y của quan nhân." Ông lão cười đáp.

"Cụ đừng nói thế, cháu ngửi thấy mùi men rượu tâm trạng liền thoải mái tính tình liền cởi mở, cầu mà còn không được."

Ông lão cười lớn ha hả, chú nghé đi theo cũng kêu nghé ọ phụ họa, Ngu Toàn Cơ bèn dắt con lừa đi cùng với ông lão, cả đường đều nói chuyện sôi nổi.

Hóa ra ông lão là người bán men rượu đến từ Nam Sơn, vì giá men rượu do người dân làm thấp hơn của quan, hơn nữa năm ngoái được mùa, giá ngũ cốc khá rẻ, nên men rượu do người dân làm năm nay là hàng ngon giá rẻ, mấy ngày nay ông lão đã giao ba bốn chuyến hàng, rao bán khắp đầu ngõ cuối xóm trong phường Bình Khang, số tiền kiếm được cũng kha khá. Mấy ngày trước Lưu quả phụ mua mười cân dùng thử, cảm thấy men rượu ông lão bán vừa chất lượng giá cả không đắt, hôm qua lại gặp ông lão trong ngõ Minh Kha nên muốn ông giao thêm một trăm cân nữa, bởi vậy hôm qua ông lão đóng gói một trăm cân mang từ Nam Sơn tới đây.

"Nghe khẩu âm của cụ, hình như cụ không phải là người Tây Kinh?" Ngu Toàn Cơ hỏi.

"Tai quan nhân thính thật đấy, lão là người đạo (15) Kiếm Nam, cái nghề làm men này cũng do tổ tiên truyền lại."

Đạo Kiếm Nam xa tận ở Tây Nam, rượu Thiêu Xuân ở nơi ấy nổi danh thiên hạ, Ngu Toàn Cơ muốn muốn đến ngõ Tam Xuân ở phía đông phường mua ít Thiêu Xuân, nào ngờ men rượu ông lão làm lại là Kiếm Nam, rượu mà Lưu quả phụ dùng men ấy để ủ đương nhiên cũng là loại rượu gạo Thiêu Xuân, người ta nói hương rượu không sợ ngõ sâu, không thử đúng là không biết được.

Ông lão và Ngu Toàn Cơ dừng bước vì phía trước có mấy người đàn ông đang chạy tới chọn vài vò rượu, thấy họ vội vội vàng vàng, có lẽ rượu trong bữa tiệc nhà nào đó không đủ nên sai người ra ngoài mua.

Chờ mấy người kia đến, ông lão nói tiếp: "Nghe nói ông chồng đã chết của Lưu quả phụ cũng là người Kiếm Nam, rượu nhà bà ấy dù không bằng bản địa Kiếm Nam, nhưng cũng không tệ, quan nhân uống là biết."

"Cụ nói thế cháu lại thấy ngứa miệng rồi, con sâu rượu lại bắt đầu rục rịch."

Ông lão cười phá lên, bàn tay ngăm đen lau mồ hôi nhễ nhại trên trán: "Nữ quan nhân mê rượu đến nhường này thật hiếm thấy, nếu sau này quan nhân bị phân đến châu huyện không có rượu thì chẳng phải uổng lắm sao?"

"Thế nên sau này cháu định đến xin Lại Bộ phân mình đến Lương Uấn Thự, cả đời làm bạn với rượu, rượu mà vương công quý tộc uống cháu phải thử trước, thế chẳng phải sướng lắm ư?"

"Lão không hiểu chuyện của quan nhân các vị, cho hỏi Lương Uấn Thự làm gì vậy?" Ông lão hỏi.

"Ồ, Lương Uấn Thự chính là nơi chuyên ủ rượu cho triều đình dùng."

"Hừm, vậy thì quá hợp với quan nhân rồi!" Ông lão nhếch mép cười.

Ngu Toàn Cơ cũng mỉm cười, cô không nói với ông lão rằng các quan ở Lương Uấn Thự đều là "trọc quan" thầy truyền trò nối, cha truyền con nối, đa số đều xuất thân từ quan dòng ngoài (17) và thợ thủ công lành nghề không phẩm cấp, nhờ vào kinh nghiệm của mình để thăng lên làm quan viên có phẩm cấp. Trong đó Lương Uấn thự lệnh và thự thừa (18) dù là quan nhỏ không phẩm không cấp nhưng được coi là vị trí tốt nhất trong số các trọc quan, không thể chọn đại một kẻ sĩ mà làm được, vì một khi để kẻ sĩ làm thì chức quan này sẽ bị liệt vào hàng thanh quan, đến lúc đó trọc quan và quan dòng ngoài sẽ không thể đảm nhiệm vị trí này, cũng đồng nghĩa với việc bị cướp mất miếng ăn, gây thù chuốc oán. Nhưng cũng chẳng có ai đi cướp miếng ăn của trọc quan, có điều muốn chiếm được một ghế trong Lương Uấn thự thì cũng phải qua kì thi tiến sĩ này đã.

Hai người nói nói cười cười, nói đến kinh nghiệm về rượu thì đúng là tiếc rẻ vì đã gặp nhau quá muộn, ông lão nói thẳng nếu muốn mua men rượu thì mời Ngu Toàn Cơ uống thử rồi hẵng quay về Nam Sơn, Ngu Toàn Cơ lại nói mua mười cân rượu mượn xe nghé kéo về, mời ông lão uống một trận thật đã.

Đang nói đến đoạn rượu ở đâu ngon thì gặp hai vị khách mặc áo màu vàng phi con ngựa cao to trên con đường phía trước, dân chúng sợ hãi hồn phách bay lên chín tầng mây hấp tấp tránh đường, ông lão và Ngu Toàn Cơ cũng tránh sang bên cạnh, nhưng hai người kia vòng ngựa trở lại dừng trước mặt ông lão: "Ê khọm già! Xe của lão chở men gì thế? Ủ rượu gì đấy?"

Cái từ "khọm" này có lúc dùng để chửi người ta là nô tài, có lúc dùng để chửi người ta là trộm cắp, nói chung chẳng có gì tốt đẹp cả, Ngu Toàn Cơ nhìn hai người nọ bằng vẻ mặt khó chịu, sau nghe họ mở miệng mắng người lại càng giận sôi gan, đang định lên tiếng phản bác lại thì ông lão đã nhìn thấy ngọc bội và đai ngọc trên eo hai người nọ, lập tức biết là hai quan nhân hàng thật giá thật bèn kéo Ngu Toàn Cơ lại, đoạn cung kính nói với hai người họ: "Thưa quan, đây là men lúa mạch, dùng để ủ rượu Thiêu Xuân."

"Tam đệ, chú thử xem nào." Một người có vẻ lớn tuổi hơn mở miệng, người còn lại trẻ hơn xuống ngựa, cũng không hỏi ông lão mà trực tiếp mở nắp gỗ của xe chở men ra, cầm cái muôi gỗ bên cạnh định múc lên xem thử.

Ngu Toàn Cơ đứng nhìn, dù người nọ là đàn ông nhưng gương mặt nhẵn nhụi không râu, nước da trắng nõn, cũng béo hơn so với những quan viên khác, cô nhìn quần áo trang sức của hắn rồi cười khẩy: "Trung sử (19) thật uy quyền!"

Người thử men liếc cô một cái, ánh mắt của nội thị sắc như dao, nhìn là biết cô là kẻ sĩ không phẩm cấp, dù không sợ cô, nhưng cũng không nói nhiều, chính xác hơn là không muốn để ý đến cô, múc một muôi men lên nhìn màn sắc, ngửi mùi sau đó nhìn người lớn tuổi hơn: "A huynh, xe này trên hạng ba."

"Được, lấy!" Nội thị lớn tuổi hơn nói, nội thị trẻ tuổi nhảy xuống xe ngựa, đoạt lấy dây cương trong tay ông lão.

"Này! Lấy gì mà lấy!" Ngu Toàn Cơ nổi giận, vội vàng kìm lấy hàm thiếc và dây cương con nghé, "Xe men này tôi đặt trước mà!"

Hai nội thị nọ cười lớn, người trẻ tuổi nói: "Trên đời này nào có chuyện kẻ sĩ ủ rượu? Quan nhân đừng làm lỡ chuyện của chúng tôi, hơn nữa chúng tôi cũng đâu lấy không, mời quan nhân bỏ tay ra."

Suy nghĩ của Ngu Toàn Cơ xoay chuyển như bay, nếu để trong cung dùng, không chừng ông lão có cơ hội trở thành người chuyên cung cấp rượu cho cung đình, tương lai không cần lo cơm áo gạo tiền, sắc mặt cô cũng nguôi ngoai hơn: "Vậy xin hỏi Trung sử ra giá bao nhiêu cho xe men này?"

Người lớn tuổi hơn ngẩng mặt suy nghĩ, rồi lấy hai xấp lĩnh hồng trong túi vải trên yên ngựa ra: "Này khọm già, nể mặt quan nhân ban thưởng cho ông."

Ông lão nhìn xấp lĩnh hồng, tâm trạng dần bình tĩnh trở lại, suy cho cùng giá lĩnh hồng luôn ổn định, dù không bằng giá của một trăm cân men rượu, thôi coi như không tính công vận chuyển. Ông vội nhận lấy nhìn mà ngẩn ngơ, Ngu Toàn Cơ đứng bên tức giận vô cùng, hai xấp vải này nếu là lụa dệt hai lớp làm áo quan thì không nói làm gì, nhưng nó lại là lĩnh hồng được nhuộm màu vụng về, hoa văn không có gì đặc sắc, độ dày cũng chỉ bằng một nửa lụa cho quan dùng bình thường, xung quanh còn có vài đốm màu vàng sậm và vết rách, hiển nhiên là vải chất lượng kém để trong kho lâu bị mối mọt ăn chuột cắn, chỉ đáng giá bằng một phần mười lụa cho quan dùng.

Ngu Toàn Cơ nén giận, định tâng bốc hai nội thị này mấy câu nhằm dễ trả giá: "Trung sử là người của thiên tử, cũng là người biết nhìn hàng, sẽ không tham cái xe men này đâu nhỉ? Hai xấp lĩnh hồng này có lẽ là Trung sử trợ cấp thêm cho công vận chuyển của ông lão, còn tiền men chắc vẫn chưa đưa ha?"

Nội thị lớn tuổi hơn là kẻ khôn khéo cáo già, hắn lạnh lùng đáp: "Những thứ này là vật phẩm trong cung, mấy tên bán rong được đưa men rượu vào cung là tổ tiên tích đức đấy, hai xấp lĩnh hồng này chẳng qua là nể mặt quan nhân mà thôi. Cũng không giấu gì quan nhân, hôm nay sẽ dùng số men này để ủ rượu cho yến tiệc chiêu đãi tiến sĩ vào tháng ba, có lẽ đến lúc ấy quan nhân cũng trong bữa tiệc, chẳng lẽ quan nhân muốn tiệc không rượu ư?"

Nói xong, nội thị lớn tuổi hơn kéo ngựa tới gần, khom người giật dây cương rồi đi mất, nội thị trẻ tuổi cười khúc khích, chạy theo mấy bước rồi xoay người lên ngựa, động tác nhanh thoăn thoắt. Ngu Toàn Cơ chửi bậy một câu, cũng nhảy lên con lừa nhỏ của mình đuổi theo, chỉ có điều con ngựa hai nội thị kia cưỡi cao to, con lừa nhỏ đã quen đi chậm sao có thể đuổi kịp được? Chẳng tới một lát, hai nội thị đó khuất bóng, Ngu Toàn Cơ đứng bên đường giận dữ gào mấy tiếng, đành phải quay trở lại chỗ ông lão.

"Cụ à..."

"Quan nhân... đa tạ quan nhân..." Ông lão gượng cười, gương mặt già nua không hề có đau khổ buồn bã, chỉ cười bất lực như đang tự giễu: "Chẳng qua lão chỉ là đầy tớ mà thôi, làm quan nhân mất hứng rượu, thật là..."

"Cụ đừng nói vậy!" Ngu Toàn Cơ vội nói, nhưng cũng không biết phải an ủi thế nào.

Hai người im lặng, sắc trời dần tối, ông lão thở dài thườn thượt: "Quan nhân mau về nhà đi, lão còn phải đến chỗ Lưu quả phụ nói với bà ấy một tiếng, không bà ấy lại chờ lâu, xem ra ngày mai phải qua chợ mua gấp con nghé với cái xe rồi, vậy tạm biệt quan nhân nhé."

"Cụ chờ đã." Ngu Toàn Cơ chặn ông lão lại, lấy túi tiền trong ngực ra, không đếm bao nhiêu mà nhét vào tay ông lão, sau đó lấy tay nải trên con lừa xuống, đưa con lừa cho ông lão, "Cụ cưỡi lừa mà đi!"

"Sao thế được! Quan nhân! Quan nhân!"

Ông lão vội từ chối, nhưng Ngu Toàn Cơ không muốn tranh luận với ông, bèn xoay người chạy mất, chỉ nghe thấy ông lão ở phía sau hét: "Quan nhân! Quan nhân! Lão không dám nhận đâu! Quan nhân..."

Ngu Toàn Cơ chạy thẳng đến đầu ngõ mới xoay người hét lại: "Cụ ơi! Mười sáu tháng giêng cháu thi tiến sĩ, làm phiền cụ ủ cho cháu một vò rượu mừng! Cụ đừng đến tìm cháu, cháu sẽ đến Nam Sơn tìm cụ!"

Vừa dứt lời, cô cũng không quan tâm ông lão có trả lời hay không mà chạy mất như làn khói. Chạy thẳng đến đầu ngõ Vân Thâm nơi mình trọ, cô mới thong thả bước vào. Qua một tiểu viện tráng lệ thì thấy một người khoảng bốn mươi tuổi ăn mặc xinh đẹp đứng chờ trước cổng, xung quanh người phụ nữ ấy là mấy cô gái yểu điệu, cũng khoảng mười bốn mười lăm tuổi, hiển nhiên đều là kĩ nữ, người phụ nữ đó nhìn thấy Ngu Toàn Cơ bèn cất tiếng gọi: "Nữ quan nhân xin dừng bước."

"Nương tử có chuyện gì sao?"

"Nữ quan nhân có phải là Ngu tú tài hôm nay chuyển vào nhà ông Mã trong ngõ này không?"

"Đúng thế, tại hạ là Ngu Toàn Cơ, không biết phải gọi nương tử thế nào?"

"Thiếp thân cũng họ Ngư (20), nhưng là 'thủy trung chi ngư' (cá trong nước), tên cúng cơm là Tuệ Nương."

Ngu Toàn Cơ thấy Ngư Tuệ Nương tự nhiên thoải mái, dù thân là gái phong trần nhưng khí chất lại không hề ti tiện, trong lòng cũng nảy sinh tình cảm gần gũi hơn. "Ngu Ngư cùng một nhà, chúng ta sống cùng một ngõ, tuổi tác không chênh nhau là mấy, đừng xưng hô quan nhân thiếp thân nữa, nương tử cứ gọi thẳng tên ra là được rồi."

Ngư Tuệ Nương thấy cô không e ngại khoảng cách giữa người lành và kĩ nữ thì hỏi tuổi tác của cô. Ngu Toàn Cơ ba mươi tuổi, Ngư Tuệ Nương hơn cô mười một tuổi, cả hai bèn xưng chị gọi em, nói chuyện thêm lúc nữa thì thấy mấy chiếc xe chạy vào ngõ, Ngu Toàn Cơ biết chắc hẳn là khách của Ngư Tuệ Nương liền chắp tay chào tạm biệt: "Tạm thời không làm phiền chị nữa, ngày mai mời chị đến uống trà."

"Được, ngày mai chắc chắn sẽ đến."

(1) Hán Việt: "Tích nhật ác xúc bất túc khoa, Kim triêu phóng đãng tứ vô nhai. Xuân phong đắc ý mã đề tật, Nhất nhật khán tận Trường An hoa." Bài thơ "Đăng Khoa Hậu" của Mạnh Giao. Bản dịch thơ của Trần Đông Phong.

(2) Trích hí kịch nổi tiếng thời Minh sơ "Tì bà ký" của tác giả Cao Minh.

(3) Chỉ đại học Nam Kinh hiện nay.

(4) Ấm nhiệm 荫任: Người được nhận chức quan, không phải qua sát hạch, mà nhờ đời cha ông có công huân hoặc làm quan to.

(5) Kinh học 经学: Kinh bao gồm các sách về chính trị, đạo đức, luân lý, chủ yếu là sách của Nho Giáo. Thí dụ, mười ba kinh của Nho Giáo: Chu Dịch, Thượng Thư, Chu Lễ, Lễ Ký, Nghi Lễ, Thi Kinh, Xuân Thu Tả Truyện, Xuân Thu Công Dương Truyện, Xuân Thu Cốc Lương Truyện, Luận Ngữ, Hiếu Kinh, Nhĩ Nhã, Mạnh Tử.

Chuyên ngành nghiên cứu về kinh gọi là Kinh Học, phân làm mười loại: Dịch, Thư, Thi, Lễ, Xuân Thu, Hiếu Kinh, Ngũ Kinh Tổng Nghĩa (ý nghĩa chung của năm kinh: Dịch, Thư, Thi, Lễ, Xuân Thu), Tứ Thư, Nhạc, Tiểu Học.

(6) Minh kinh 明经: Chế độ khoa cử tuyển chọn quan viên xuất hiện từ thời Hán, bắt đầu từ thời kỳ Hán Vũ Đế và bị loại bỏ vào thời Tống Thần Tông. Người được đề cử bắt buộc phải thông thạo kinh học.

(7) Ngư đại 鱼袋: là phục sức đeo trên đai của các quan văn. Tống sử cho biết: "Quy chế Ngư đại có từ thời Tống, bấy chừng là một dạng phù hiệu quy ước, bên trái một chiếc, bên phải một chiếc, chiếc bên trái dùng khi vào nội, chiếc bên phải đeo tùy thân, khắc họ tên quan lại, ra vào khớp lại với nhau. Vì đựng Ngư phù trong túi nên gọi là Ngư đại (ngư: cá, đại: túi) – Trích Ngàn Năm áo mũ – Trần Quang Đức.

(8) Bộc xạ: Thượng thư tỉnh do Thượng thư lệnh đứng đầu, phó là Thượng thư bộc xạ.

(9) Thu sương: sương mùa thu, chỉ phẩm chất cao thượng, lời nói cẩn thận.

(10) Tam sư: Thái sư, Thái phó, Thái bả. Tam công: Thái úy, Tư đồ, Tư không.

(11) Tế tửu: Tên chức quan thời xưa, đứng đầu Quốc tử giám, tương đương với chức vị hiệu trưởng trường Đại học hiện nay.

(12) Hán Việt: Nhân giả vô địch, xuất xứ từ "Lương Huệ Vương Thượng" của Mạnh Tử.

(13) Từ gốc 旬假 (Hán Việt: Tuần giả) thời nhà Đường, quan viên cứ mười ngày được nghỉ một ngày gọi là tuần giả hoặc tuần hưu.

(14) Từ gốc: (Hán Việt: Lan) Ở dưới mép áo trường sam nối liền với một mảnh vải cùng màu tượng trưng cho trang phục truyền thống trên áo dưới váy thời cổ đại, ở thời Đường chỉ có kẻ sĩ mới được mặc trường sam có phần vải này, người nhìn thấy sẽ biết đó có phải là kẻ sĩ hay không. (TG)

(15) Đạo: một tên riêng để chia khu vực trong nước, nhà Đường chia thiên hạ làm mười đạo, cũng như bây giờ chia ra từng tỉnh vậy.

(16) Trọc quan (Từ gốc: 浊官) Chỉ những chức quan thiên về kĩ thuật cần tay nghề. Các ngành nghề của trọc quan bao gồm: thiên văn học, đại lý, y học, xem quẻ... đều là cha truyền con nối, thầy truyền trò nối, những người đặc biệt mới được làm chức quan này. Dù trọc quan là quan tam phẩm nhưng không được tham gia chính trị và các quyết sách của triều đình, chỉ được chấp hành mệnh lệnh cấp trên.(TG)

(17) Quan dòng ngoài (Từ gốc: 流外官, Hán ViệtLưu ngoại quan) Quan lại không phẩm cấp.

(18) Lương Uấn thự lệnh là trưởng quan của Lương Uẩn thự, còn thự thừa là quan giúp việc cho trưởng quan.

(19) Trung sử 中使 Cách gọi tôn trọng hoạn quan trong cung. Hoạn quan thời Đường xếp phẩm cấp trong Nội thị tỉnh, chiếu theo quan dòng ngoài, hoạn quan khi ra ngoài cung thường được gọi là Trung quan, Trung sử, cũng được gọi là nội thị. (TG)

(20) Ngu và Ngư đều phát âm là [yu]    

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro