Quyển 1 - Chương 17

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 17: Nhớ cố nhân

Mốc dịch

Trời đẹp mưa lành tới (1), giữa tháng Hai đón chào những cơn mưa phùn pha chút cái se lạnh của mùa xuân, hồ Khúc Giang tiêu điều suốt mùa đông cuối cùng cũng được đón một trận mưa, rừng cây ở bên bờ hồ trổ lá non, lặng lẽ thay màu xanh, mưa xuân rả rích rơi xuống nửa nhân gian, làn gió nhẹ dịu dàng đưa mưa qua bậc thềm, rơi xuống hành lang.

Bên bờ hồ Khúc Giang không chỉ có chùa chiền miếu đền, ruộng công ích nghĩa từ (2) và bà con chòm xóm, còn có rất nhiều tiểu viện sơn đình của quan viên hoàng thất hoặc thương gia giàu có, lúc này hồ Khúc Giang vẫn chưa đến mùa du xuân, bởi vậy hầu như các đình đài hồ nước đều hoang vắng, chỉ có một vài nơi vẫn giữ vẻ trang nghiêm.

Ba năm trước Lý Thiên Lý mua một tòa sơn đình trong phường Thanh Long phía Bắc hồ Khúc Giang, ngay cạnh chùa Phổ Diệu bí ẩn và bị bỏ hoang bao năm qua, ngôi chùa hoang ấy tiêu điều, thường xuyên có cáo hoang chạy qua chạy lại. Tuy tòa sơn đình của y mang phong cách người tri thức, nhưng thủy đình, hành lang gấp khúc, liễu rủ, hàn mai... đều không thiếu, có điều mái nhà dùng ngói đen, các vật dụng đều đơn giản ngăn nắp khiến nơi đây không khác gì đạo quán của các nữ đạo sĩ bảo thủ.

Song nói khách quan, cuộc sống của Lý Thiên Lý ở hồ Khúc Giang cũng y hệt như một nữ đạo sĩ bảo thủ... Cuối năm ngoái sau khi Ngu Toàn Cơ xuất hiện, trái tim thiếu nữ của y mới bắt đầu khấp khởi mừng thầm như đạo cô gặp được tài tử, có điều cũng chỉ là mừng thầm mà thôi.

Lý Thiên Lý đang nằm sõng soài trong sơn đình đối diện hồ Khúc Giang, trên người y là áo bào lụa đen với hoa văn đám mây và hoa được thêu chìm, mái tóc dài vừa mới gội xong vẫn còn âm ẩm xõa trên áo, bên cạnh là một thanh kiếm dài, cũng là vật bất ly thân của y, mành trúc được kéo xuống một nửa ngăn mưa phùn hắt vào, y biếng nhác tận hưởng thời gian nghỉ trưa vốn chỉ có trong ngày nghỉ cuối tuần.

Tiếng bước chân khe khẽ vang lên, y không mở mắt, nhưng tay phải đã đặt lên chuôi kiếm, lão bộc già Tái Hồng lên tiếng: "Lang quân, có thư của họ Vương ở Thái Nguyên ạ."

"Ai gửi tới?"

"Em vợ của lang quân, Vương thất Tư Mã."

Lý Thiên Lý mở choàng mắt, chống tay trái ngồi dậy, lão bộc già đưa bức thư cho y, y đón lấy nhìn thoáng qua, rồi lại nhắm mắt vào thở dài, bức thư này không gấp thành hình con cá như những bức thư khác, mà phong bì bên ngoài dùng giấy Bạch Kiển Cao Ly cắt thành hình dài, niêm phong bằng cách đóng dấu bùn đen, đây là thư báo tin dữ. Y xé lớp niêm phong bằng bùn, rút bức thư được viết trên giấy Tuyên sống (3) ở bên trong ra.

***

"Em rể Liễu Châu Tư Mã Thái Nguyên Vương thất bái kiến túc hạ Thu Sương huynh:

Em ngu dốt, lấy làm thẹn với năm nhiệm kỳ làm ngoại quan, lâu không thăm hỏi, lòng vô cùng buồn bã, mong anh thứ lỗi.

Chị gái không thể kết uyên ương đến cuối đời với anh, đã về Thái Nguyên được ba năm, vẫn nương tựa với em trai ở Hoa Châu. Năm Hoằng Huy thứ năm mươi chị gái tái hôn với phán quan Hoài Tây tên Lục Phụ, phán quan không thọ lâu, chị gái góa phụ bơ vơ ở nhà họ Lục không nơi nương tựa, mùa xuân năm ngoái em sai nô bộc đón chị đến Liễu Châu.

Chị đến Liễu Châu, nghe người ngoài nói anh nhậm chức ở đài các (4) chưa có chính thê, chị buồn rầu khó chịu, từng muốn viết thư nối lại tình xưa, song chẳng thể nào hạ bút được, lòng trĩu nặng tâm sự lại còn nhiễm bệnh giao mùa, Liễu Châu là nơi hẻo lánh, em bộn bề công việc không chăm sóc chu đáo cho chị, mùa thu năm Hoằng Huy thứ năm mươi chín chị đổ bệnh nặng qua đời, hưởng dương ba mươi sáu tuổi.

Trước lúc lâm chung, chị ngắm sương giáng trong sân, cầm tay em nước mắt lưng tròng mà bảo: "Thất lang, Thất lang, chị và Thu Sương vốn có duyên đẹp, cớ sao ánh mắt chị nông cạn, bỏ Lũng Tây đến Dự Chương. Gần đây cứ nghĩ đến con gái đã mất, chị càng hối hận vì năm xưa quyết chia lìa với chàng. Chị đã phụ lòng Thu Sương, lấy làm xấu hổ với thân phận phụ nữ một đời chồng lại còn tái giá, trăm năm sau cũng không có mặt mũi nào gặp chàng dưới suối vàng. Nhà họ Lục bạc đãi chị, chị không muốn gặp. Phụ nữ đã tái giá không được vào mộ phần gia tộc, chị muốn được chôn chung với con gái, mong em giúp chị cầu xin Thu Sương. Hơn nữa giúp chị chuyển lời với Thu Sương, hãy quên mẹ con chị đi, kết lương duyên với huyết mạch Lũng Tây", lời vừa dứt, ba ngày sau chị qua đời.

Vốn dĩ em nên tận tay trao cho anh bức thư này, nhưng Liễu Châu xa xôi, em lại nhiều việc quấn thân, không thể gặp mặt anh, đường xá mùa đông khó khăn, đến mùa xuân em mới sai nô bộc đưa cho anh bức thư này. Chị em có di nguyện nhỏ nhoi ấy, mong anh niệm tình ba năm đính ước, bốn năm kết duyên vợ chồng, cho phép chị gái và cháu được chung mộ, nếu được đồng ý, chị tuy lang thang nửa đời người, nhưng sẽ mỉm cười nơi chín suối.

"Em Vương Tiên Trình xin dập đầu với anh."

***

"Lang quân, ai qua đời thế ạ?" Lão bộc già là nô bộc sinh ra ở nhà họ Lý Lũng Tây, đương nhiên cũng biết đây là thư báo tin dữ, bèn dè dặt hỏi.

Lý Thiên Lý ngồi quỳ, tay trái cầm bức thư, tay phải chống trán, nhọc nhằn nói: "Nương tử mất rồi..."

"Nương tử mới ngoài ba mươi, sao lại..."

Lý Thiên Lý nhắm mắt lại, ngón tay day ấn đường, giọng nói đầy mỏi mệt và bất lực: "Không được chăm sóc chu đáo, lại không hợp đất nước ở đó, tâm trạng còn u uất... Tái Hồng à... ta cứ ngỡ năm xưa ly hôn với nàng ấy, với thân phận con gái của Vương thị lang Thái Nguyên, nàng ấy sẽ không khó lấy được người tốt khác, nào ngờ về sau nàng ấy như bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu, chỉ lấy một phán quan nhỏ bé, cuối cùng chết nơi đất khách Liễu Châu..."

"Nương tử dịu dàng hiền thục, không ham hư vinh, nếu gặp được người thương yêu săn sóc, chắc chắn sẽ không gặp phải tình cảnh này, tên phán quan đó hẳn đã đối xử tệ bạc với nương tử!" Tái Hồng tức giận đến nỗi chòm râu trắng phau dựng ngược.

"Ta cũng nghĩ thế, đáng tiếc thay người đã mất rồi, chỉ cần còn sống, ta sẽ băm vằm hắn để an ủi linh hồn nàng trên trời." Lý Thiên Lý mở choàng mắt, ánh mắt lóe lên sát khí âm hiểm, "Bắt nạt phụ nữ yếu đuối, chết cũng xứng!"

Tái Hồng đã đi theo Lý Thiên Lý mấy mươi năm, biết tâm trạng y bây giờ không mấy dễ chịu, đành phải lảng sang chuyện khác: "Không biết nương tử sẽ được chôn ở đâu nhỉ?"

"Nương tử trăn trối muốn được chôn cùng A Kỷ." Sát khí quanh người Lý Thiên Lý đã dịu bớt, y bình tĩnh nói, "A Kỷ cũng cô đơn dưới cây liễu lâu rồi, có mẹ bên cạnh bầu bạn cũng tốt, ông đi tìm đất tìm thợ đá xem đá, khắc cho hai mẹ con họ tấm bia và quách (5) đá, đừng dùng đá xanh, đến Khúc Dương mua ngọc Hán Bạch, chờ ta viết văn tế rồi ông mang đi khắc."

"Thứ cho lão nô lắm lời, không biết nương tử sẽ hạ táng với thân phận Lũng Tây Quận phu nhân hay con gái họ Vương Thái Nguyên? Nương tử có được vào từ đường Lũng Tây không?" Tái Hồng nghiêm túc hỏi, mấu chốt lớn nhất của hai câu hỏi này nằm ở chỗ Lý Thiên Lý có còn coi Vương thị là vợ mình hay không?

Lý Thiên Lý giật mình, đương nhiên y hiểu ý của Tái Hồng. Năm xưa con gái mất, dù y đau đớn tự trách nhưng chưa từng đề xuất ly hôn. Vương thị yêu cầu ba lần, hai lần đầu y đều khéo léo khuyên nhủ, đến lần thứ ba, biết nàng đã quyết tâm, hơn nữa cha nàng Vương thị lang cũng đích thân đến tận nơi đòi người, lúc này y mới viết thư bỏ vợ... y có thể không tính toán đến việc năm xưa Vương thị yêu cầu ly hôn, nhưng gia tộc họ Lý ở Lũng Tây sẽ đồng ý cho nàng vào từ đường với thân phận con dâu ư?

Tái Hồng lặng lẽ quan sát chủ nhân của mình, cả đời này ông sống ở nhà họ Lý, hiểu rất rõ rằng họ Lý Lũng Tây - nơi Lý Thiên Lý sinh ra trước giờ luôn có quy định nghiêm ngặt nhất, cũng là gia tộc có nhiều thành viên nhất, Lý Thiên Lý không thích qua lại với người trong tộc, nếu tránh mặt được thì cố gắng tránh, nhưng chuyện từ đường không thể bỏ đó được, muốn Lý gia chấp nhận cho Vương thị quay lại làm dâu họ Lý là chuyện không hề dễ dàng.

Lý Thiên Lý cũng đang đắn đo việc này, tự mình hạ táng rất đơn giản, nhưng nếu làm công khai sẽ gặp nhiều khó khăn... y ngẫm nghĩ giây lát, cuối cùng vẫn hạ quyết định: "Ta sẽ viết thư cho người già trong tộc, ngày mai ông mang đi xin phép."

"Lang quân đã nghĩ kỹ chưa? Chuyện này không đơn giản đâu."

"Không đơn giản cũng phải làm, nàng ấy sống cực khổ nửa đời, nói cho cùng cũng vì ta mà ra, chỉ một chuyện cỏn con này mà ta không giúp được, ta không còn mặt mũi nào gặp nàng."

"Nương tử dưới suối vàng mà biết, hẳn sẽ rất vui."

"Chỉ cần nàng không trách ta đã là may lắm rồi." Lý Thiên Lý bình tĩnh nói, Tái Hồng lùi xuống, nhìn làn mưa phùn bay bay bên ngoài cửa sổ, ông chợt nhớ lại năm xưa sau khi được tiến sĩ cập đệ, Lý Thiên Lý lập tức đến bái kiến Vương thị lang, cuộc hôn nhân giữa y và Vương thị được một người bác trong tộc là Lý thứ sử quyết định vào năm y mười ba tuổi, y đến nhà họ Vương, Vương thị lang chỉ chúc mừng y đỗ đạt chứ cũng không gọi Vương thị ra cho y gặp. Y biết Vương thị lang vẫn băn khoăn chuyện y có thể thành tài hay không, bởi vậy y tức giận rời khỏi nhà họ Vương, hôm đó cũng là một ngày mưa.

"Lang quân gượm đã." Một tiểu tỳ gọi y lại, đưa cho y một chiếc ô, "Thiếu nương tử bảo nô tỳ chuyển lời, 'Hôm nay không gặp, ngày còn rộng tháng còn dài, lang quân bớt buồn tập trung dùi mài Hồng Từ, ắt sẽ có ngày được gặp nhau'."

Đưa ô ngày mưa, dịu dàng an ủi đã là chuyện hai mươi năm trước rồi. Lúc ấy họ đều là thiếu niên thiếu nữ tài hoa danh gia vọng tộc, môn đăng hộ đối, tuổi tác tướng mạo đều xứng lứa vừa đôi, ngày tháng sống trong căn nhà ấy cũng từng là quãng thời gian hạnh phúc, sự dịu dàng của nàng đã làm tan chảy sự bất mãn và lạnh lùng của y với thế gian này.

Không biết bắt đầu từ khi nào mà y không còn cảm nhận được sự ấm áp của nàng nữa nhỉ? Dù chung chăn chung gối, nhưng y vừa mới nằm xuống nàng đã ngủ say, y tỉnh giấc lại không nỡ gọi nàng dậy. Sau đó y được phái đến đạo Kinh Kỳ nhậm chức giám sát ngự sử, khi đó đơn vị quân sự quan trọng nhất ở gần Kinh Kỳ là ba trấn Phượng Tường, Lũng Hữu và Kinh Nguyên, mà tiết độ sứ của ba trấn này là Tây Bình quận vương Lý Lương Khí đã lập công trong binh biến Kính Nguyên bốn mươi năm trước, do vậy tháng nào y cũng đến ba trấn dò hỏi tình hình ở mạc phủ Tây Bình, gặp mặt vợ con thì ít mà xa cách thì nhiều, đến cuối cùng lại xảy ra chuyện A Kỷ...

Y khép mắt lại, lặng thầm thương tiếc người vợ quá cố không thể gặp lại...

Trong tĩnh lặng, chỉ còn tiếng mưa rơi tí tách bên ngoài cửa sổ.

***

Hồ Khúc Giang trong mưa mang theo cái lạnh se se, cô chạy thẳng từ Nam Sơn đến Long Thủ Nguyên, những giọt mưa rơi tới tấp xuống mặt và người, tuy mặc áo dầu (6) nhưng chân tay vẫn khó tránh khỏi bị ướt, người bình thường không thích đi lại vào ngày mưa, nhưng Ngu Toàn Cơ lại rất thích. Nguyên nhân chẳng có gì phức tạp, chỉ vì nàng không biết bơi nhưng thích ngâm nước mà thôi, cách đơn giản nhất chính là dầm mưa, ngay cả đầu tóc cũng bị ướt đẫm, về đến nhà chỉ cần chải chuốt lại sơ qua là được rồi.

Tâm trạng của Ngu Toàn Cơ sung sướng vô cùng, một tháng trước cô thi xong tiến sĩ, khi nộp bài thi sách luận, Lý Thiên Lý chẳng hề xấu tính chê bai, ngược lại còn tấm tắc khen ngợi "Trò giỏi". Lúc ấy nàng biết trong hiền tài đầu ba trên núi xanh (7) lần này, chú cá nhỏ là nàng đây dù không đứng đầu bảng nhưng cũng không bị đánh rớt. Vì thế một tháng này nàng thoải mái nghỉ ngơi ở Tây Kinh, rủ bạn bè cùng trang lứa uống rượu ngâm trà chơi cờ đánh song lục ( 8 ) dạo chợ nghe biến văn chơi xúc cúc đánh mã cầu... Tóm lại ăn chơi nhảy múa không thiếu món nào.

Từ lâu các nữ sĩ tử đã truyền tai nhau một chuyện, để gắn kết tình cảm, theo thông lệ sau bốn bữa tiệc lớn là tiệc quen biết, tiệc Thiêu Vỹ (9), tiệc báo hỉ, tiệc anh đào (10), các nữ tiến sĩ còn tổ chức tiệc Ngọc Đài, cũng là buổi lễ gia nhập hội Hồng Trang. Hội Hồng Trang là hội nhóm dành riêng cho các nữ tiến sĩ, vì hiện tại chưa tới bốn mươi người, nếu không đoàn kết với nhau thì sao có thể đấu lại được những gã đàn ông thối tha xấu xa? Bởi vậy tiệc Ngọc Đài do các nữ tiến sĩ của khoa cử trước tổ chức và mời khách, nghe nói không chỉ có ăn uống vui chơi, thậm chí còn sắp xếp cả cờ bạc kỹ nữ, nhưng cụ thể thế nào, những người từng tham gia chỉ đỏ mặt mỉm cười chứ chẳng nói gì nhiều. Thế nên không chỉ các nữ tiến sĩ háo hức muốn tham gia, ngay cả các nam tiến sĩ cũng không thiếu người giả gái để trà trộn vào, thế mới thấy tiệc Ngọc Đài nổi tiếng và vui vẻ cỡ nào.

Đọc đến đây, chắc hẳn độc giả rất muốn hỏi tại sao bữa tiệc đó được đặt tên là Ngọc Đài? Câu này phải hỏi người khởi xướng ra bữa tiệc này, vị đó là Quách cung phụng, nguyên là tham quân doãn phủ, hiện đang là nội cung phụng của ngự sử đài. Quách cung phụng nói: "Ngọc Đài cũng là cõi tiên, những nữ tiến sĩ chúng tôi là người tài trải dài khắp thiên hạ, có người ung dung tao nhã, có người nhiệt tình sôi nổi, có người dịu dàng xinh đẹp, có người thông minh tài trí, tiệc Ngọc Đài là nơi những nữ tú tài gặp nhau, đương nhiên phải giống cõi tiên, sao có thể như tiệc Thiêu Vỹ của cánh đàn ông thối tha? Tại sao gọi là "thiêu vỹ"? Có ba lý do, một là hổ hóa thành người cần thiêu đuôi đi, hai là cừu non cần đốt đuôi để hòa nhập vào bầy đàn, ba là cá vượt Long Môn phải thiêu đuôi, nói đơn giản, cả đám đều là lũ súc sinh, đàn ông thối tha không khác gì súc sinh cả. Những tiến sĩ Hồng Trang chúng toi mới là hiền tài của thiên hạ, bởi vậy đặt tên là Ngọc Đài là để phân biệt."

Ngu Toàn Cơ cũng cực kỳ mong chờ tiệc Ngọc Đài, có điều vẫn chưa tới thời gian tổ chức, cô chỉ biết chờ mà thôi. Mấy hôm nay cô dã dạo chơi khắp chốn, sực nhớ tới lão bán men, thế là hôm qua cô tới Nam Sơn thăm ông cụ, chè chén say sưa với vợ chồng ông lão, nói tới rượu chè là họ quên hết tất thảy, cô quyết định ở lại một đêm, ăn xong cơm trưa mới từ biệt ông lão xuống núi.

Ngu Toàn Cơ cưỡi Sương Hoa, vừa đội mưa vừa ngâm nga một khúc nhạc sặc mùi danh lợi: "Thở một hơi dài, ta sống trong núi Bồng Lai, có trúc xanh có hoa đào có khe suối trong vắt, ngủ trong động chẳng mấy khi dậy sớm... Nhận được ý chỉ của quân vương, vượn núi hạc rừng đều hân hoan... ta đến kinh đô Kim Môn, chẳng nề ngàn vạn dặm... (11)

Mưa ngày càng nặng hạt, Sương Hoa gắng sức chạy một mạch tới Long Thủ Nguyên, trông thấy đình đài lầu các của Phù Dung Viên từ đằng xa, Ngu Toàn Cơ giục ngựa vào cổng Khải Hạ. Lính gác thấy nàng tóc tai bù xù, song cũng ngại đội mưa chạy ra cản nàng, vì vậy thò tay qua cổng thành vẫy vẫy với nàng.

Ngu Toàn Cơ vốn định đi dọc theo phố cổng Khải Hạ đến phường Đại Nghiệp xin Lý Ký Lan cốc nước, nhưng sực nhớ ra mấy hôm nay Lý Ký Lan được một vị công chúa mời đi làm lễ cúng bái, có lẽ chưa thể về ngay được. Nghĩ thế, cô kéo đầu ngựa sang bên phải, đi qua phường Thông Tế và phường Thông Thiện, định rẽ trái phường Thanh Long, lên phố cổng Vọng Tiên rồi đi thẳng là đến cửa Đông phường Bình Khang. Khi đi qua cửa Tây phường Thanh Long, Ngu Toàn Cơ vô tình liếc sang bên phải, nhìn thấy tấm biển đề "phường Thanh Long", cô bèn ghìm dây cương lại.

Sương Hoa khó chịu thở phì phò, móng ngựa ra sức bới mạnh khiến bùn văng tung tóe, phu xe ngồi trên chiếc xe bò đằng trước tức giận nói: "Tiểu nương tử à, cô có vào phường Thanh Long không? Nương tử nhà tôi đang vội đi dự tiệc."

Chiếc xe bò ấy đứng chắn giữa đường, Ngu Toàn Cơ không thể lách sang bên cạnh, vì vũng nước đọng bên cạnh quá sâu, cô sợ Sương Hoa sẽ bị trượt chân, đành phải vào phường Thanh Long rồi tính tiếp.

Khi đi qua Ngu Toàn Cơ, chiếc xe bò chợt dừng lại, có người vén rèm thêu lên: "Toàn Cơ?"

"Ơ? Chị Tuệ Nương?" Ngu Toàn Cơ đưa mắt nhìn, nhận ra người đó là ca kỹ Tuệ Nương hồi xưa sống ở Vân Thâm Khúc, nàng ấy đã tự chuộc thân từ lâu, giờ làm mẹ nuôi nuôi một số ca kỹ, bình thường không hay tham dự tiệc tùng, "Chị tới phường Thanh Long dự tiệc ư?"

Đúng thế, Trần viên ngoại của Lễ bộ có lời mời, ông ấy là bạn cũ, em đi đâu thế?"

"Ừm... đi tìm người." Ngu Toàn Cơ buột miệng nói.

"Đi tìm oan gia của em đấy à?" Tuệ Nương mím môi cười, thấy Ngu Toàn Cơ vẫn chưa hiểu gì, cô ấy phì cười thành tiếng, "Ngự sử đại phu chứ còn ai nữa! Mọi người đều nói em là nàng vợ bỏ trốn của y còn gì."

"Chị thấy em giống nàng vợ bỏ trốn lắm à?"

"Giống lắm!"

"Nói linh tinh." Ngu Toàn Cơ trách móc, song kìm lòng không đặng lại tò mò hỏi: "Y sống ở phường Thanh Long ư? Em nghe nói y sống ở phường Thân Nhân cơ mà?"

"Lại còn không nhận là oan gia, người ta sống ở phường Thân Nhân mà cũng biết cơ đấy, thảo nào mấy hôm nay không có ở nhà, té ra đi nối lại duyên xưa hả?" Tuệ Nương ăn nói chẳng hề kiêng nể gì, thấy Ngu Toàn Cơ cười nhạo mình, nàng ấy mới nói: "Nghe Trần viên ngoại kể, oan gia nhà em có một sơn đình ở Minh Phượng Khúc, thỉnh thoảng Trần viên ngoại về nhà có gặp y... Trời, chị bảo này, nếu muốn gặp y thì em không thể lôi thôi, đầu bù tóc rối, người không ra người ma không ra ma thế này được, đừng làm người ta mất hứng thế chứ! Thay bộ váy quây màu đỏ bằng lụa có ống tay áo dài đến nửa cánh tay đi, ngực hở nhiều một chút..."

"Chị lại nói linh tinh nữa rồi, em không đến chỗ chị uống rượu nữa bây giờ!" Ngu Toàn Cơ bực mình giậm chân bình bịch, Sương Hoa bất an nhúc nhích.

Tuệ Nương cười nắc nẻ, luôn miệng nói, "Được rồi được rồi, không nói nữa được chưa? Chị đi đây, tối mai đến nhà chị ăn trái cây nhé."

Xe bò lăn bánh, Ngu Toàn Cơ đứng trong làn mưa, trong phút chốc không biết nên đi đâu. Cô không quen quán rượu trong phường Thanh Long, không dám đi lung tung, sợ bị người ta lột sạch sẽ, sực nhớ ra Tuệ Nương nói Lý Thiên Lý đang sống ở Minh Phượng Khúc, trái tim cô bỗng run lên...

"Trong Minh Phượng Khúc chỉ có một ngôi chùa bỏ hoang, một ngôi nghĩa từ và một sơn đình... Lẽ nào y là chủ nhân mới của Giang Nguyệt sơn đình?" Ngu Toàn Cơ lẩm bẩm, chợt nghe thấy tiếng sấm sét ở đằng xa, nhìn trời như sắp có cơn mưa to, "Đến Minh Phượng Khúc xem thử vậy, nếu không thì trú mưa ở chùa Phổ Diệu."

Nghĩ thế, cô giục ngựa vào phường Thanh Long.

***

Minh Phượng Khúc nằm ở hồ Khúc Giang gần phía Đông phường Thanh Long, đã hơn mười năm có lẻ chưa đến đây nên Ngu Toàn Cơ phải mất một lúc mới tìm thấy đường, mưa to đến nỗi không thể nhìn thấy mọi thứ trong bán kính năm thước, cô chật vật mãi mới tìm được cổng chùa Phổ Diệu, cánh cổng ấy trụi lủi ngay cả mái phía trên cũng đã bị rơi hết ngói. Cô nhìn vào bên trong, cỏ dại mọc um tùm, xà nhà gãy nửa, không còn giống ngôi chùa của năm xưa, xung quanh tối đen như mực, Ngu Toàn Cơ vốn sợ ma, lại không có ngón nghề đao kiếm dắt lưng như Lý Thiên Lý, nếu bị mấy kẻ sống nhờ ở chùa như ăn mày du côn người Hồ quấy rối cô cũng không biết nên làm gì, bởi vậy đành phải đi tiếp về phía trước.

Đi thêm mười mấy trượng nữa, cô trông thấy một bức tường vẫn còn nguyên vẹn, ngẩng đầu lên nhìn, qua làn mưa dày đặc cô vẫn có thể thấy tường trắng ngói đen như năm xưa. Chóp mũi Ngu Toàn Cơ cay xè, những giọt lệ trào khỏi khóe mắt, nhưng Sương Hoa nào hiểu được tâm trạng của cô lúc này? Nó chỉ biết nhìn quanh quất để tìm một mái nhà trú mưa mà thôi, thế rồi nó đưa Ngu Toàn Cơ đến trước cổng sơn đình.

Trên cổng đình là đấu củng ba tầng bằng gỗ sưa, tường hồng nhạt ngói đen, cánh cửa gỗ chỉ sơn một lớp sơn lót để giữ nguyên màu sắc ban đầu, tấm biển phía trên viết "Giang Nguyệt Sơn Đình" với thể chữ Hành mảnh khảnh không thể quen thuộc hơn được nữa. Ngu Toàn Cơ suy sụp gục trên lưng ngựa bật khóc thất thanh.

Người gác cửa nghe thấy tiếng động bèn mở cửa ra xem, nhìn thấy một cô gái xõa tóc ngang vai ngồi trên lưng ngựa khóc lóc nức nở thì giật mình, phường Thanh Long vốn hay lưu truyền truyền thuyết ma quái, nghe kể ma nữ thường lợi dụng trời mưa quấy phá gây chuyện, thế là người đó đóng sầm cửa lại, thở hổn hển chạy vọt vào trong thông báo với Tái Hồng: "Ông... ông chấp sự ơi, có có có có ma..."

"Đang yên đang lành lấy đâu ra ma?" Tái Hồng nghiêm mặt nói.

"Ngoài kia có một người phụ nữ, đầu tóc rũ rượi, khóc lóc thảm thương! Có cần phải mời đạo sĩ đến đây không?"

"Nói nhăng nói cuội!" Tái Hồng quở trách người đó, đoạn ngẫm nghĩ, "Cô ta cần gì?"

"Cháu không hỏi... không dám hỏi."

"Vớ vẩn! Lỡ người ta đến tìm lang quân kêu oan, mi làm thế há chẳng phải hỏng hết việc của người ta." Tái Hồng mau chóng ra mở cửa, quả nhiên nhìn thấy một cô gái đầu tóc bù xù khóc không ra hơi, đứng trong làn mưa càng khiến cô ấy thêm kỳ quặc, ông ta đành phải đánh bạo hỏi: "Nương tử, nương tử, cô có chuyện gì không?"

"Không không... không có gì, ông không cần để ý đến tôi đâu, tôi đi ngay bây giờ đây..." Ngu Toàn Cơ vừa nói lắp bắp vừa lắc đầu, cô cũng không định xuống ngựa. Nhưng khoảnh khắc nhìn thoáng qua bên trong qua khe cửa, cô lại kìm lòng không đậu bật khóc thất thanh.

Chuyện này... Tái Hồng cũng không biết phải làm thế nào, sực nhớ đến lời dặn dò của Lý Thiên Lý, nếu có người khóc lóc hoặc ngập ngừng muốn nói gì đó, người ấy ắt có nỗi oan muốn giãi bày, ông phải quan tâm đặc biệt đến họ... Nhưng, nhưng ông chưa bao giờ thấy ai đến đây kêu oan, phải làm gì với cô ấy đây? Tái Hồng lặng lẽ lùi về sau, nói với cậu chàng gác cửa, "Mi mời lang quân tới đây, nói có người muốn kêu oan."

Người gác cửa vâng vâng dạ dạ, nhanh nhẹn đi gọi Lý Thiên Lý tới, Tái Hồng đành phải khoanh tay đứng đó nhìn Ngu Toàn Cơ đang khóc không thành tiếng. Một lúc sau có tiếng bước chân vang lên, quả nhiên là Lý Thiên Lý vội vàng chạy ra xem người ta có oan khuất gì muốn tố cáo vị quan nào. Nhưng vừa đặt chân xuống thềm cửa, y cũng giật nảy mình, đúng là gặp ma rồi! Con gái nhà ai thế này? Bị cưỡng đoạt à? Y nhìn lại cho kỹ, sau khi thấy rõ là ai bèn thuận tay lấy cái ô mà người gác cửa đang cầm, ghìm dây cương lại, "Học trò!"

Mưa quá to, Ngu Toàn Cơ không nghe thấy tiếng gọi của Lý Thiên Lý, vẫn ôm cổ Sương Hoa khóc như đứt từng khúc ruột, Lý Thiên Lý bước tới gần mới thấy nàng đang đội mưa khóc như đứa bé mất mẹ, y biết nàng nhìn sơn đình nhớ lại chuyện xưa, trái tim cũng dịu hẳn xuống, quay đầu vẫy tay, cậu chàng gác cổng và Tái Hồng lập tức đi tới, Lý Thiên Lý đưa chiếc ô cho Tái Hồng: "Che mưa cho nương tử, Sáu, dắt ngựa vào."

Cậu gác cổng và Tái Hồng thưa vâng, Lý Thiên Lý vòng sang bên kia nâng chân cô khỏi bàn đạp, rồi ôm eo nhấc người lên, bế cô từ trên lưng ngựa xuống, "Học trò, đừng khóc."

Ngu Toàn Cơ nằm trong lòng y ngẩng đầu lên, nước mưa xuôi theo lọn tóc chảy xuống dưới, lúc này trong mắt cô chẳng rõ là nước mưa hay nước mắt nữa. Cô run run hỏi: "Ngài gọi tôi là gì?"

"Học trò, cô là học trò của ta." Lý Thiên Lý nói, sau đó không chờ cô đáp lời, bế thẳng cô vào trong sơn đình.

"Ông chấp sự, ông đã gặp nương tử này bao giờ chưa?" Cậu chàng gác cửa nhìn đến ngây người, Tái Hồng lắc đầu, nét mặt ông cũng không giấu nổi sự ngạc nhiên.

Lý Thiên Lý bế cô đi qua mấy ngôi đình đài, cô không phải là giai nhân nước Nam thắt đáy lưng ong nhẹ như lông hồng, nói thật, bế cô không phải là việc dễ dàng, nhưng y không muốn buông tay. Ngu Toàn Cơ mặc kệ y, chỉ biết vừa khóc vừa nhìn mọi thứ trong tòa sơn đình này với ánh mắt tràn ngập buồn bã, nơi này đã từng là của cô...

Cô thích ngồi trên ghế dài gỗ sưa ngoài hành lang ngắm mưa rơi, thích nghe tiếng diều tranh trên góc mái, thích vừa đọc sách vừa dạo bước trên hành lang gấp khúc... những thứ ấy đã từng là của cô... giờ không còn nữa rồi...

Người mẹ tự tay trang trí từng chi tiết nhỏ của sơn đình này, người cha nâng niu cô trong lòng bàn tay như ngọc ngà châu báu, người chị từng đưa cô đi thám hiểm khắp ngóc ngách của sơn đình... những người từng ở bên cạnh cô... đều đã mất rồi...

Lạnh quá, Ngu Toàn Cơ run rẩy, cảm thấy lạnh thấu xương như hồi bé cô bất cẩn bị rơi xuống hồ Khúc Giang, dường như cô không còn trên cõi đời này nữa, trở thành hồn ma vất vưởng lang thang khắp nơi, khiến người khác sợ hãi nhưng vẫn tưởng rằng mình còn sống... Cô không muốn thế... không muốn như thế...

Lý Thiên Lý lặng lẽ nhìn cô chăm chú, ánh mắt cô từ bàng hoàng, đau khổ, hoang mang, buồn thương cho đến thê lương, một đôi mắt mà có thể chứa đựng nhiều cảm xúc thế ư? Y bế nàng đến tiểu viện, y không sống ở đây, nhưng vẫn luôn cho người quét dọn. Lúc bước vào trong, y siết chặt cô hơn, chẳng hề bất ngờ khi nghe thấy tiếng khóc vỡ vụn của cô.

Đây chính là căn phòng trước kia của Ngu Toàn Cơ.

***

Lý Thiên Lý không biết cô đã khóc bao lâu, cuối cùng ngủ thiếp trong lòng y, y đành phải bế cô lên, vụng về vỗ lưng. Y không biết mình nên nói gì, cũng không biết mình nên làm gì, đành phải nhịp nhàng nhè nhẹ xoa lưng cho cô. Tiếng mưa và tiếng sấm bên ngoài vang lên đì đùng mà y chẳng buồn bận tâm, chỉ cảm nhận cô trong vòng tay y sao chân thật đến thế, cô không còn sức phản kháng như suy nghĩ nhiều năm trước của y, nhưng y không thể hoàn thành giấc mơ màu hồng của người đàn ông độc thân mà y đã từng hằng mong.

Chết tiệt, học trò à, không phải là vi sư lợi dụng đâu nhé, chỉ tại nàng khóc quá thảm thương thôi, lúc này đã đánh gục y hoàn toàn... Lý Thiên Lý hôn lên vầng tráng ướt đẫm của cô, cho đến không còn tiếng khóc nào nữa, y mới thả cô ra, Tái Hồng và vợ ông ta xấu hổ đứng bên ngoài rất lâu, họ đã đun nóng lại canh gừng ba lần rồi, nhưng lang quân mãi chưa xong... Thấy y đặt cô xuống giường, họ vội vàng vào chăm sóc, vợ Tái Hồng buông rèm xuống cởi bộ quần áo ướt đẫm trên người Ngu Toàn Cơ, lau khô tóc và cơ thể cho cô, thay một bộ quần áo khác, rồi dùng khăn nóng lau mặt cho cô, sau đó mới ra ngoài lấy bát canh gừng định bón cho cô uống.

Lý Thiên Lý cũng đang đứng ở gian ngoài sửa soạn lại, vừa dùng khăn nóng lau mặt vừa hỏi: "Thay quần áo xong chưa?"

"Xong rồi ạ, đang định cho nàng ấy uống canh gừng."

"Để ta." Lý Thiên Lý không biết xấu hổ thổ lộ ước mơ của gã đàn ông độc thân.

Tái Hồng ngạc nhiên không thôi, vợ ông ta liếc Lý Thiên Lý: "Nếu lang quân chưa được thỏa mãn thì hãy đến phường Bình Khang hạ hỏa. Trước khi dầm mưa, có lẽ vị nương tử này có tâm sự trong lòng, lang quân ôm nương tử ấy như thế đã hành vi cực kỳ bỉ ổi rồi, lại còn muốn bón canh cho nàng ấy bằng miệng ư? Già ghét nhất là loại cầm thú lợi dụng lúc người ta gặp khó khăn như thế! Loại người ti tiện đáng khinh này đã làm một lần rồi sẽ càng tha hóa hơn, tính cách của lang quân vốn đã tệ, cứ tiếp tục thế này thì không thể nào cứu vãn, sau này sẽ bị rút lưỡi đày xuống địa ngục đấy."

Dứt lời, vợ Tái Hồng giật lấy bát canh đi vào trong bón cho Ngu Toàn Cơ, Lý Thiên Lý không dám ho he câu nào, nguyên nhân rất đơn giản, vợ Tái Hồng là bà vú của y... là người duy nhất trên thế gian này được thấy cảnh y cởi truồng, nếu chọc giận bà, cái mông của Ngự sử đại phu sẽ được rêu rao cho cả thiên hạ biết, vì thế y đành phải ngoan ngoãn.

Vợ Tái Hồng lại bước ra, thấy y vẫn ngồi đực ở đó bèn hỏi, "Lang quân còn ngồi đây làm gì vậy? Lát nữa có mời khách ăn cơm không?"

"Ta sẽ ăn cùng nàng ấy."

"Xin hỏi lang quân, phải xưng hô với vị nương tử này thế nào?"

"Nương tử." Lần thứ hai Lý Thiên Lý không biết xấu hổ mở miệng thổ lộ giấc mơ y giấu kín bấy lâu nay.

Biết thế đã xử luôn y từ lúc y còn bú sữa mẹ rồi, vợ Tái Hồng lạnh lùng nói: "Vừa mới nhận được tin dữ của nương tử Vương thị, lang quân vẫn còn tâm trạng chăm sóc cho người mới ư?"

"Đối với nương tử Vương thị, ta chỉ hối hận vì năm xưa đã không bảo vệ nàng ấy mà thôi, ly hôn là sự lựa chọn của nàng ấy, đến lúc nàng ấy ra khỏi căn nhà này, ta vẫn hi vọng nàng ấy quay đầu lại, đến lúc nàng ấy lên xe ngựa, ta vẫn hi vọng nàng ấy suy nghĩ lại, nhưng nàng ấy đã lựa chọn như thế, ta chỉ có thể tôn trọng, mong nàng tìm được người tốt hơn ta. Nàng đã là vợ người khác, nếu cầu xin nàng, bám riết lấy nàng sẽ chỉ khiến nàng ấy khó cả đôi bề, không thể quên đi nỗi đau mà ta mang lại. Ta không nỡ làm thế." Lý Thiên Lý ngồi khoanh chân đanh mặt lại, nghiêm túc nói, "Còn về nương tử mới, nàng đã cứu ta khỏi nỗi đau khi mất đi A Kỷ và Vương thị, nếu không có nàng, có lẽ ta đã đi theo con gái từ lâu rồi. Ta chỉ hối hận năm xưa chậm một bước, định lấy được chức Điện trung thị ngự sử rồi mới đi cầu hôn, không ngờ biến cố xảy ra, phải xa cách nàng ấy mười lăm năm. Ta nghĩ nàng ấy đã là vợ người khác, chỉ có thể ngóng trông nàng ấy từ xa, nhưng ông trời thương tình đưa nàng ấy về bên ta, ta sao buông tay được đây?"

Vợ Tái Hồng kinh ngạc đến mức há hốc miệng, hóa ra vẫn còn người có thể tỉnh bơ bộc bạch tình yêu chỉ xuất hiện truyện cổ tích thật ư? Hơn nữa người tỏ tình lại trông không hề giống kẻ si tình chút nào. Bà vốn tưởng rằng y là ngụy quân tử lạnh lùng về mặt tình cảm, tính cách ngay thẳng, nhưng làm bộ làm tịch không dám đến phường Bình Khang chơi gái, nào ngờ y lại có tư tưởng tình yêu đứng đắn như thế. Chẳng lẽ lừa đảo à... vợ chồng Tái Hồng đưa mắt nhìn nhau.

"Nếu hai người không có ý kiến gì, ngày mai hẵng đến đây gọi ta dậy." Lý Thiên Lý phóng khoáng đứng dậy, sải bước định vén rèm lên...

Bị lừa rồi! Vợ Tái Hồng nhanh chân chắn ngang trước người Lý Thiên Lý, "Lang quân nói hay lắm, nhưng thật ra vẫn muốn lợi dụng lúc nương tử người ta gặp chuyện mà thôi. Không được! Già phải chăm sóc tiểu nương tử."

"Vú tuổi cao rồi, nghỉ ngơi sớm đi."

"Lang quân không biết cách chăm sóc người khác, mau tránh ra để người biết việc làm."

"Ai nói ta không biết chăm sóc người khác?"

"Vậy xin hỏi lang quân định chăm sóc tiểu nương tử bị nhiễm lạnh thế nào?"

"Ta quyết định hi sinh bản thân, sưởi ấm nàng bằng cơ thể của mình." Giọng nói của Lý Thiên Lý không khác gì lúc tỏ tình trước đó, cũng là lần thứ ba không biết xấu hổ thổ lộ ước mơ của mình.

Cầm thú... trong đầu vợ Tái Hồng lập tức lóe lên từ đó, bà dang tay đứng trước tấm rèm, "Nếu lang quân muốn qua đây thì phải bước qua xác già trước đã."

"Xin vú nhường đường."

Xem ra không dùng đòn sát thủ không được! Vợ Tái Hồng khẽ khàng nói, "Hay là quan nhân muốn tất cả quan viên trong phường Thân Nhân biết mông của lang quân trông như thế nào? Nếu không lúc nào rảnh già sẽ kể cho nương tử nghe chuyện năm xưa khi lang quân mới ra đời, chỗ nào đó còn..."

"Làm phiền vú rồi." Lý Thiên Lý lập tức lùi xuống ba bước, vái nửa cái rồi rời đi.

Đây gọi là "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", câu chuyện của Ngự sử đại phu ở sơn đình đã chứng minh tính chính xác của câu này.

(HẾT CHƯƠNG 17)

(1) Hán Việt: Hảo vũ tri thời tiết. Trích từ bài thơ "Xuân dạ hỉ vũ" (Tạm dịch: Đêm xuân mừng mưa) của Đỗ Phủ.

(2) Ruộng công ích, Hán Việt là nghĩa điền, chỉ những thửa ruộng mà hoa lợi dùng để giúp đỡ người nghèo. Còn "nghĩa từ" là những ngôi đền được lập nên để thờ cúng những người đã mất vì việc nghĩa.

(3) Là giấy trực tiếp sử dụng sau khi sản xuất từ nguyên liệu chính, không trải qua các giai đoạn thêm phụ liệu. Tức là không quét thêm lớp phèn lên bề mặt giấy. Do đó giấy tuyên sống có độ loang, độ hút nước cao.

(4) Tên gọi khác của Thượng thư tỉnh. Ngoài ra còn chỉ các vị trí quan lớn.

(5) Quan tài lớn chứa quan tài nhỏ bên trong.

(6) Một loại áo mưa thời cổ đại, bên ngoài quết lớp dầu đồng (dầu cây trẩu) để chống nước chống thấm.

(7) Lấy ý từ câu "Nhất thanh khai cổ tịch kim phi, tam thập tiên tài thượng thuý vy" của bài thơ "Phóng bảng nhật tác" – Vi Trang. Tạm dịch: Một tiếng trống trời mở cổng vàng, hiền tài đầu ba lên núi xanh.

(8) Hay còn được gọi là cờ Backgammon, là một trong những trò chơi lâu đời nhất.

(9) Bữa tiệc được tổ chức để chúc mừng sĩ tử đỗ đạt hoặc quan viên được thăng chức.

(10) Tiệc này bắt nguồn từ thời nhà Đường, hồi xưa khi tân tiến sĩ đề bảng vàng cũng là mùa anh đào chín, bởi vậy các tiến sĩ tổ chức tiệc anh đào.

(11) Trích từ "Đôn Hoàng khúc tử từ" thời Đường.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro