CHIỀU TỐI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

"Cái đẹp mà văn học đem lại không phải là cái gì khác hơn là cái đẹp của sự thật đời sống được khám phá một cách nghệ thuật". Trong vũ trụ văn chương của các nhà văn, tiếp cận cái đẹp luôn là hạt nhân quan trọng nhất, bởi bản chất của sáng tạo nghệ thuật vốn cũng là sáng tạo cái đẹp. Cảm quan thẩm mĩ tinh tế trong nghệ thuật còn thể hiện ở hình thức, được biểu đạt qua hình tượng nghệ thuật riêng biệt độc đáo, không lặp lại, sự sáng tạo các yếu tố nghệ thuật phong phú... Với cảm hứng và ngòi bút tài hoa, tác giả Hồ Chí Minh trong bài thơ Chiều tối đã thể hiện chất thơ riêng, độc đáo của mình và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Đến với bài thơ, ta không chỉ thấy khung cảnh thiên nhiên núi rừng lúc chiều muộn hoang vắng, đượm buồn và tâm trạng cô đơn của nhân vật trữ tình, mà còn thấy được bức tranh sinh hoạt bình dị và ấm áp thể hiện niềm yêu đời, yêu cuộc sống và tinh thần lạc quan cách mạng của người tù.

Bài thơ được sáng tác vào cuối thu 1942, trong khoảng thời gian Bác bị giải từ nhà lao Tĩnh Tây đến nhà lao Thiên Bảo. Bức tranh chiều tối được nhìn qua cặp mắt của người tù tay đeo gông chân vướng xiềng.

Hai câu đầu là bức tranh thiên nhiên núi rừng lúc chiều muộn hoang vắng, đượm buồn và tâm trạng cô đơn của nhân vật trữ tình:

Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ,

Cô vân mạn mạn độ thiên không;

Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,

Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;

Câu thơ thứ nhất miêu tả cánh chim mệt mỏi bay về rừng tìm về tổ ấm sau một ngày kiếm ăn. Đây là hình ảnh của không gian nhưng lại có giá trị gợi tả thời gian. Trong thế giới thẩm mỹ của thơ ca phương Đông, cánh chim tìm về tổ mang tính ước lệ cho hoàng hôn – khoảng thời gian này thường gợi cảm giác buồn bã của sự tàn lụi cuối ngày, cũng là khoảng thời gian ngơi nghỉ, đoàn tụ, dễ làm chạnh lòng người tha hương lữ thứ.

Đó là hình ảnh cánh chim gợi buổi chiều với bao chông chênh bất ổn trong Truyện Kiều:

Chim hôm thoi thóp về rừng.

Hay là cánh chim làm xao xác hoàng hôn trong thơ Huy Cận:

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa.

Hai câu đầu của Chiều tối cũng gợi liên tưởng về tứ thơ quen thuộc của Lí Bạch:

Chúng điểu cao phi tận

Cô vân độc khứ nhàn.

Nhưng có thể thấy cánh chim trong thơ xưa bay cao tít tắp và mất hút trong khoảng không bao la, vô tận. Đám mây cô đơn, nhàn nhã trôi đi chỉ còn lại bầu trời hoang vắng, mênh mông gợi cảm giác siêu thoát, phiêu bạt. Đây là hình ảnh rất quen thuộc trong thơ ca cổ điển, còn cánh chim trong thơ Bác lại gợi ra cái tuần hoàn viên miễn của thời gian, nhịp trôi chảy bình dị của cuộc sống và do đó Chiều tối tuy buồn nhưng vẫn tỏa ra cảm giác ấm áp, gần gũi của cuộc sống sinh hoạt thường nhật.

Trong câu thơ thứ hai, cảnh chiều buồn đã rõ hơn qua hình ảnh đám mây chậm trôi trên bầu trời. Ở bản dịch thơ đã bỏ sót chữ đầy gợi cảm trong cụm từ cô vân được hiểu là chòm mây cô độc, lẻ loi. 2 hình ảnh tương phản ở đầu và cuối câu thơ cô vânthiên không khiến đám mây càng nhỏ nhoi, đơn độc hơn giữa bầu trời cao rộng mênh mông. Từ láy mạn mạn càng gợi tả hơn dáng trôi rất chậm, rất slow (Hoàng Phủ Ngọc Tường), rất nhẹ của áng mây bồng bềnh giữa tầng không. Ẩn sau bức tranh thiên nhiên là hình ảnh của Bác. Hình ảnh cánh chim và chòm mây không đơn thuần chỉ là một thi liệu cổ điển mà còn khiến ta liên tưởng đến cảnh ngộ của Bác trong lúc bấy giờ.

Cũng như cánh chim mệt mỏi sau một ngày kiếm ăn, người tù 52 tuổi cũng rất mệt mỏi sau một ngày chuyển lao:

Năm mươi ba cây số một ngày

Áo mũ dầm mưa rách hết giày. 

(Sơ đáo Thiên Bảo ngục – Hồ Chí Minh)

Song nếu cánh chim trên bầu trời tự do, đang mệt mỏi tìm về tổ thì con người đang bị áp giải xiềng xích. Cánh chim ấy có đích đến là tổ ấm, còn cuối chặng đường của người tù lại là chốn tù ngục với bao nhiêu đọa đày, đau khổ đang chờ đợi. Ta cũng có thể nhận thấy chòm mây bé nhỏ kia cũng chính là cảnh ngộ và tâm trạng của người tù đang đơn độc, bơ vơ nơi đất khách quê người. Dáng trôi vô định kia cũng chính là sự lẻ loi của Bác.

Như vậy, với những thi liệu cổ điển quen thuộc, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình và bút pháp chấm phá, Bác đã ghi dựng thành công linh hồn của tạo vật. Qua bức tranh thiên nhiên ấy, người đọc không chỉ chia sẻ nỗi mệt nhọc, buồn bã cô đơn của người tù trên đường chuyển lao mà còn nhận ra vẻ đẹp tâm hồn Hồ Chí Minh. Có thể nhận ra ánh mắt của người tù đang trìu mến dõi theo một cánh chim, một áng mây. Từ ánh mắt ấy ta thấy được tình yêu tha thiết với thiên nhiên cùng tư chất của một người nghệ sĩ có thể rung cảm với cái đẹp ngay trong cảnh tù đày. Đó là chất tình hòa quyện cùng chất thép, là bản lĩnh của một con người biết vượt lên trên sự khắc nghiệt của hoàn cảnh.

Hai câu cuối của bài thơ là bức tranh sinh hoạt bình dị và ấm áp lúc chiều xuống ở miền sơn cước, thể hiện niềm yêu đời, yêu cuộc sống và tinh thần lạc quan cách mạng của người tù:

Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,

Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.

Cô em xóm núi xay ngô tối,

Xay hết, lò than đã rực hồng.

Đến đây thời gian, không gian có sự vận động so với hai câu đầu: từ chiều đến tối; từ cảnh thiên nhiên lạnh lẽo, hoang vắng, đượm buồn đến cảnh sinh hoạt ấm áp, tươi vui, đầy sức sống. Nổi bật trong bức tranh là chân dung người thiếu nữ xóm núi đang xay ngô, đây là hình ảnh mang lại sự chuyển động mới mẻ cho hình tượng thơ.

Thông thường hình ảnh con người trong thơ cổ điển xuất hiện như một sự điểm xuyết cho bức tranh thiên nhiên, họ thường nhỏ bé, cô đơn:

Lom khom dưới núi tiều vài chú 

(Bà Huyện Thanh Quan)

Hay thường tĩnh lặng, thụ động:

Nhật mộ hương quan hà xứ thị

Yên ba giang thượng sử nhân sầu 

(Thôi Hiệu)

Hình ảnh người thiếu nữ trong bài thơ này được miêu tả ở vị trí trung tâm, cận cảnh bức tranh chiều tối trên núi rừng. Đặc biệt là ở trong tư thế lao động, đây chính là nét khác biệt so với cổ thi – chân dung và công việc của cô gái khiến bức tranh chiều tối bớt lạnh lẽo lúc chiều tà nơi núi rừng. Thêm vào đó là điệp ngữ liên hoàn ma bao túc – bao túc ma vừa gợi vòng quay đều đặn, nhịp nhàng của cối xay ngô, vừa gợi vòng lưu chuyển của thời gian từ ngày sang đêm, đặc biệt tạo sự vận động cho tứ thơ.

Hình ảnh được coi là "nhãn tự" của bài thơ chính là hình ảnh lô dĩ hồng. Chính sắc hồng trong lò than của cô gái xóm núi đã thắp sáng cả bài thơ, xua đi tất cả cái lạnh lẽo, tối tăm, mang lại cảm giác ấm áp cho miền sơn cước. Như vậy, vai trò chủ thể của con người đã được xác lập khi họ không chịu sự tác động của ngoại cảnh mà còn chi phối ngoại cảnh.

Đằng sau bức tranh sinh hoạt ấy là tâm trạng, nỗi lòng, vẻ đẹp tâm hồn Bác. Trước hết là niềm yêu đời, yêu cuộc sống thiết tha. Dù con đường giải lao gian nan, vất vả nhưng Người vẫn trân trọng, nâng niu vẻ đẹp ấm áp, đơn sơ trong cuộc sống đời thường của người dân xóm núi để sẻ chia với cuộc sống xung quanh.

Nếu ở 2 câu đầu ta còn thấy ở đó sự mệt mỏi, cô đơn của Bác thì đến 2 câu cuối cảm giác đó đã hoàn toàn biến mất, giờ đây ta chỉ còn thấy ánh mắt trìu mến, nâng niu trước vẻ đẹp trẻ trung của thiếu nữ miền sơn cước trước cảnh tượng gợi không khí sum vầy của gia đình khi chiều về. Và vì vậy với những người dân lao động Bác luôn dành một thứ tình cảm rất đặc biệt, Bác đã quên đi nỗi đau đớn của bản thân, bày tỏ sự cảm thông cho những người phu làm đường lam lũ:

Dãi gió dầm mưa chẳng nghỉ ngơi

Phu đường vất vả lắm ai ơi. 

(Phu làm đường)

Đằng sau đó là ý chí kiên cường, nghị lực thép của người, tứ thơ có sự vận động từ cảnh u buồn, mệt mỏi, lạnh lẽo đến cảnh sinh hoạt ấm áp, vui tươi, khỏe khoắn. Đây cũng chính là sự chuyển động thường gặp trong thơ Bác, như trong bài Giải đi sớm, mở đầu bài là khung cảnh rét mướt của thời tiết nhưng kết thúc bài thơ là phong thái ung dung của một bậc tao nhân mặc khách:

Hơi ấm bao la trùm vũ trụ

Người đi thi hứng bỗng thêm nồng.

Điều đó đã chứng tỏ về một cuộc vượt ngục ngoạn mục về tinh thần, tâm thế của một con người đang làm chủ cuộc sống, làm chủ hoàn cảnh và đó cũng chính là chất thép ngời sáng không chỉ trong Chiều tối mà hiển hiện trong suốt tập thơ.

Làm nên sự thành công cho bài thơ trước hết phải kể đến sự thành công về nghệ thuật, tác giả đã thành công ở bút pháp chấm phá, tả cảnh ngụ tình, lấy sáng tả tối, ngôn ngữ, hình ảnh thơ vừa mộc mạc, giản dị vừa hàm súc giàu sức gợi. Đặc biệt hình ảnh thơ vừa sử dụng các thi liệu cổ điển vừa mới mẻ, hiện đại. Tứ thơ có sự vận động từ tối đến sáng, từ buồn đến vui. Đúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã từng viết:

Vần thơ của Bác vần thơ thép

Mà vẫn mênh mông bát ngát tình. 

(Đọc thơ Bác)

Qua bài thơ ta thấy được tình yêu thiên nhiên, cũng như chất thép của một người chiến sĩ cộng sản. Nhà tù có thể cầm tù thể xác của Bác chứ không thể cầm tù được tâm hồn của một người luôn hướng về sự sống. Chính những điều đó đã khiến cho bài thơ có sự hòa quyện, thống nhất giữa thép và tình, giữa tâm hồn thi sĩ và tinh thần chiến sĩ trong thơ Bác.

Nếu một cuốn sách làm cho tôi cảm thấy giá lạnh mà không một ngọn lửa nào có thể sưởi ấm, tôi biết đó là thở. Nếu tôi cảm thấy mình đang cất cánh, tôi cũng biết đó là thơ. (Emily Dickinson). Quả thật khi đọc bài thơ của nhà thơ Hồ Chí Minh tâm hồn ta như được bồi đắp thêm nhựa sống, một nguồn năng lượng tích cực. Bài thơ với ngôn từ tinh tế, mộc mạc nhưng vô cùng tha thiết, thể hiện cái tôi nghệ sĩ của tác giả, đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng người đọc. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#văn11