chu si

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hôm nay ta nói đến chữ “Si” trong Phật học, chữ cuối cùng trong tam độc tham sân si, nguồn gốc của mọi khổ đau.

Chắc là ai trong chúng ta cũng đã biết cây si của các chàng si tình trồng trước cửa nhà các cô. Sở dĩ gọi là si, vì khi yêu thì thành mù quáng. Si là mù quáng, ngu dốt, đần độn… Vì vậy nên mới nói “si mê”. Đã mê thì phải si, chưa si là chưa mê.

Trong Phật học, si là (1) không biết về nguyên lý căn bản của vũ trụ và đời sống: Tất cả mọi sự đều phù du, không chắc chắn, thay đổi không ngừng—tức là, mọi sự đều “vô thường” (non-permanent), và (2) mê say ôm chặt (tức là “chấp” vào, attached to) những cái vô thường đó.

Ở đây, chúng ta không cần phải đi sâu rốt ráo vào vô thường và chấp của những người tu đường Bồ tát, mà có thể dùng một khái niệm tương tự trong tư tưởng và luận l‎ý Tây phương khá quen thuộc với chúng ta ngày nay. Đó là khái niệm “tương đối” (relative, relativity).

• Tương đối hàm ý “so sánh”. Ví dụ: Khi ta nói “Cô ấy đẹp”, ta đương nhiên nói “So sánh với những người trung bình khác, thì cố ấy đẹp, nhưng so sánh với các hoa hậu thì chưa biết.”

• Tương đối hàm ý “lệ thuộc vào chủ từ”. Ví dụ: “Cô ấy đẹp” có nghĩa là “Đối với mắt tôi thì cô ấy đẹp, nhưng đối với mắt của người khác thì chưa biết.”

• Tương ‎đối hàm ý “có giới hạn”. Ví dụ: Khi ta nói “Anh ta rất thông minh”, ta vẫn hàm ‎ ý rằng cô những điều anh ấy không biết.

• Tương đối hàm ý “có thể thay đổi”. Ví dụ: “Cô ấy đẹp” có nghĩa là hiện thời cô ấy đẹp, nhưng khi cô ấy 50 tuổi thì chưa biết. Hay “Anh ấy rất giàu” có nghĩa là hiện thời anh ấy giàu, nhưng mai mốt thì chưa biết.

Trong cách nói hàng ngày, ta luôn luôn nói với nghĩa tương đối, dù là ta chẳng bao giờ nhắc đến từ “tương đối”, thậm chí chẳng nghĩ đến nó. Khi ta nói “Cô ấy đẹp” hay “Anh ấy thông minh” là đương nhiên ta hàm ‎các ý so sánh, tùy thuộc chủ từ, giới hạn, và thay đổi.

Nhưng…

khi ta nói về chính mình:

“Tôi rất đẹp, tôi rất tử tế, tôi rất hiền hậu, tôi rất đạo đức…”

thì lại là chuyện khác.

Khi nói về “tôi hiền hậu” chẳng hạn, ta thường hành động như là ta không nghĩ đến so sánh, chủ từ, giới hạn, và thay đổi. Ta hành động cứ như là “Tôi hiền hậu nhất thế giới, không ai bằng, và luôn luôn hiền hậu tại mọi nơi mọi lúc, vĩnh cửu, và tất cả mọi người trên thế giới đều đồng ‎ý như thế (dĩ nhiên ngoại trừ mấy người u mê).”

Khi nói, Tôi học giỏi, tôi đẹp, tôi khiêm tốn, tôi yêu người, tôi đạo đức… cũng thế. Ta suy tư và hành động cứ như là tôi giỏi nhất thiên hạ và sẽ giỏi vĩnh viễn và ai cũng biết, đẹp nhất thiên hạ và sẽ đẹp vĩnh viễn và ai cũng biết…

Đó là nói về các phương diện cụ thể của tôi…

Khi nói về tư tưởng trừu tượng của tôi, như là ‎ý kiến của tôi, phán đoán của tôi, chủ nghĩa của tôi, lòng tin của tôi, tôn giáo của tôi… thì sự tập trung vào tôi còn mạnh hơn ngàn lần, và hầu như ta quên hẳn “tương đối”:

Mấy đám này vừa bất tài vừa thiếu giáo dục.

Chủ nghĩa dân chủ đa đảng là con đường duy nhất đưa đến thịnh vượng.

Chủ nghĩa xã hội là lối duy nhất đến hạnh phúc.

Tin tên đó là chỉ có bán nhà.

Chỉ có đạo tôi mới đúng, mấy đám khác là mê tín dị đoan.

Làm sao mà có thể yêu kẻ nửa người nửa ngợm vậy nhỉ?

Tất cả những điều này, ta thường tuyên bố và hành động một chiều như là chúng nhất định phải đúng 100% và “người khôn ngoan” thì phải biết các điều đó và sống với các điều đó.

Đương nhiên chúng ta biết, thái độ đó rất là trẻ con, vì…

Người già dặn hơn một tí ai cũng biết là điều gì hay và tốt cho mình chưa hẳn là hay và tốt đối với người khác, hay và tốt lúc này chưa hẳn là hay và tốt lúc khác, hay và tốt nơi này chưa hẳn là hay và tốt nơi khác.

Tương đối có nghĩa là cái nhìn của ta rất tương đối, và người khác có thể có cái nhìn khác ta, nhưng vẫn có thể đúng như ta. Nếu ta nói “voi hiền” thì cũng đúng, người khác nói “voi dữ” thì cũng đúng, tuỳ theo lúc voi đứng trong sở thú ăn mía hay đang trong rẫy phá mía.

Nếu biết rằng mọi suy tư, mọi chân lý ở đời đều có tính cách tương đối, và các suy tư hoặc chân lý khác nhau có thể đều đúng, thì ta không còn hồ đồ kiêu căng trong suy tư và phán đoán của mình, cũng như không ép buộc người khác phải nghĩ và làm như mình. Tức là, ta gạt bỏ được những khổ đau cho mình và cho xã hội quanh mình, sinh ra từ kiêu căng và áp bức của chính mình.

Thêm vào đó, ta lại có thể học cách suy tư để thấy cái đúng của người khác, tức là làm cho đầu óc và tư duy của mình giàu có hơn, thông thái hơn.

Bạn không cần phải thích ăn mắm nêm, nhưng đừng đòi hỏi mọi người hãy tẩy chay mắm nêm theo bạn. Và chẳng lý do gì mà bạn không sống thoải mái được với người thích mắm nêm, cũng như học thêm tại sao họ thích mắm nêm và mắm nêm có gì ngon với họ.

Hiểu được lý tương đối ở đời, và sống vui vẻ hòa hợp với mọi người trong‎ lý tương đối đó, chính là sống với thực tế cuộc đời, là mở rộng đầu óc để nhìn mọi vấn đề dưới mọi góc cạnh khác nhau, là không còn làm “người mù sờ voi”, là không còn “Si” nữa.

Trên phương diện xã hội học, tư duy tương đối chính là nền tảng của cách sống mà ta gọi là hòa đồng, cởi mở, dân chủ. Trong một xã hôi có nhiều người suy nghĩ và sinh hoạt khác nhau, thì cách sống hòa bình, công bình và thoải mái nhất là, mọi người cùng nghiên cứu phương cách để có thể sống chung hòa bình vui vẻ, thay vì một nhóm áp đặt một cách suy tư và sinh hoạt trên tất cả mọi nhóm khác.

Kết quả cuối cùng của việc hiểu lẽ tương đối là:

• Trên phương diện cá nhân: Ta khiêm tốn hơn vì biết mọi cái ta có cũng chỉ là tương đối (tức là, vô thường); bình thản hơn vì biết bản chất hay thay đổi (vô thường) của đời sống và, do đó, sẵn sàng đối diện tương lai; thông thái hơn vì biết học cách nhìn của người khác.

• Trên phương diện xã hội: Xã hội bình đẳng hơn, nhân ái hơn, hòa bình hơn và thịnh vượng hơn, vì mọi người tôn trọng nhau, học hỏi nhau và gắn bó nhau.

Chúc các bạn một ngày vui.

Mến,

Hoành

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro