Phat hoc

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Sân hay sân hận là nổi nóng, giận dữ, hờn giận, bực bội, la hét, chưởi bới, xù lông xù cánh… Sân là nóng ra ngoài. Hận là nóng ngầm bên trong. Chẳng ai trong chúng ta lạ lùng gì với sân hận.

Nhưng, chẳng mấy khi ta nghĩ đến sân hận là nguồn gốc của đau khổ cho mình và cho cả thế giới của mình cả, phải không các bạn? Có ai đó nói một câu đụng chạm đến ta một cách bất công, ta “giải thích” ngay lập tức, với lời lẽ “dạy trẻ” hay “hăm dọa”, hay cả hai. Hoặc là mỉm cười dịu dàng với quả tim thâm tím, “Để đó, bà sẽ cho mày biết tay. Đời còn dài.”

* Ít khi chúng ta nổi nóng một cách bất công. Thông thường thì ta nổi nóng vì một anh chàng “ngu dốt” nào đó làm một điều “ngu dốt” nào đó, đụng chạm đến bản thân hay quyền lợi của ta, hay đụng chạm lợi ích xã hội, hay bất công với người khác… Nói chung là chúng ta thường có lý do “đúng” để nổi nóng. Rất ít khi ta nổi nóng vì hiểu lầm. Và tuyệt nhiên không ai nổi nóng mà không có l‎ý do.

Và đó chính là vấn đề khó khăn nhất ta đối diện: Vì ta luôn luôn có lý do chính đáng để nổi nóng, cho nên ta thường không thấy nổi nóng là một độc cần phải giải trừ.

* Hơn nữa, nổi nóng là một quyền lợi xã hội đi đôi với chức vụ. Ông là quan chức, ông có quyền nổi nóng với mày, mày là phó thường dân khố rách áo ôm mà dám hỗn với ông à?

Thầy cô có quyền nổi nóng, học trò thì không. Bố mẹ có quyền nổi nóng, con cái thì không. Chức cao hơn thì được nổi nóng, chức nhỏ hơn thì không.

Quyền nổi nóng gia tăng theo địa vị xã hội, cho nên vua là tồi nhất trong chứng bệnh này. Nói chạm đến lông chân của vua là chết như không.

Vì vậy rất nhiều người càng lớn tuổi và càng quyền lực thì càng tồi tệ với người nhỏ hơn và thấp hơn. Về khoản sân hận này, xem ra người ta có thể đi xuống trong khi người ta đi lên về địa vị và tuổi tác.

Khi nói đến sân hận, chúng ta có thể nghĩ ngay đến một đám teen nhảy choi choi đánh nhau trên đường phố. Nhưng thực ra, sân hận là vấn đề nhỏ đối với teen, mà là vấn đề lớn hơn rất nhiều đối với người lớn, và là vấn đề cực lớn với những người quyền cao danh trọng và lớn tuổi.

* Điều này rất dễ hiểu, vì càng quyền cao danh trọng thì “cái tôi” càng có nhiều cơ hội để trương phình vĩ đại—với bao nhiêu khen thưởng, nịnh hót, danh tiếng, quyền lực, tiền bạc dồn vào mình. “Cái tôi” càng trương phình, ta càng dễ tự ái vặt—ai phê phán một tí xíu thôi, là có thể đốt ngòi nổ chậm cho bom nguyên tử. Sống gần vua như sống gần cọp là thế.

Nhưng tại sao ta phải diệt sân hận?

Thưa, bởi vì kinh nghiệm cho thấy khi ta nóng, ta làm nhiều chuyện điên rồ và ngu dốt ngoài sức tưởng tượng. Đọc báo thì thấy nhan nhản hàng ngày: Chồng vợ cải nhau hai ba câu, ông chồng nổi nóng đổ ngay thùng xăng vào vợ và bật hộp quẹt. Học trò làm ồn, cô giáo bực mình tát cho một tát lũng luôn màng nhỉ. Một bạn nói bạn kia ngu, bạn “ngu” bèn rút dao đâm ngay tại cổng trường…

Và cái hận ngấm ngầm cũng chẳng kém hại tí nào, nếu không nói là hại hơn nóng bùng nổ. Truyện kiếm hiệp, ảnh hưởng lớn trong nền văn hóa nước ta, dạy “Quân tử báo thù 10 năm cũng chưa muộn.” Và nhiều người bỏ cả đời, chỉ sống để tầm thù. Hạng “quân tử” của đạo tầm thù và không biết đến đạo lý buông xả này, nhất định phải là sáng tạo của các tiểu nhân thời hậu thế mạt pháp, vì khó tưởng tượng được Khổng Tử–thầy dạy quân tử–lại có thể nhỏ mọn đến thế, chưa cần nói đến thầy dạy buông xả Thích Ca.

Mỗi phút sân hận là mỗi phút stress. Người sân hận thì không thể vui vẻ hạnh phúc được, và stress tạo ra đủ loại tâm bệnh và bệnh cơ thể, như động tim, đột quỵ, tăng khả năng ung thư, làm yếu hệ thống miễn nhiễm để bao nhiêu loại bệnh tha hồ tấn công… Nếu ai muốn đi sớm, thì cứ tự do sân hận thoải mái.

Ngoài cái hại cho chính mình, người nhiều sân hận chẳng vui vẻ được với ai, hay “chia” stress cho những người gần gũi, và gây đau khổ cho những người chung quanh, mỗi khi ai đó làm trái ý họ, dù đó là bạn bè hay thân quyến.

Lãnh đạo hay sân hận thì người dưới trướng sống như sống chung với cọp. Lãnh đạo quốc gia mà hay sân hận thì thường gây chiến tranh với lân bang.

* Điều quan trọng nhất ta thấy là, sân hận chẳng được một lợi ích gì cả. Không có điều gì mà ta không thể làm được mà không cần nổi nóng. Ta có thể làm được mọi điều rất tốt mà không hề phải nổi nóng một tí nào.

Thế nghĩa là sân hận chỉ có thể có hại, hoặc cùng lắm là vô hại trong một vài trường hợp lẻ loi, nhưng không thể có lợi gì cả. Cho nên chẳng có l‎ý do gì chúng ta phải có sân hận trong lòng.

Thế nhưng, không phải là đôi khi nổi nóng, làm dữ, cũng là cách tốt để chống sai trái sao?

Đúng như thế, khi gặp một nhóm cướp đường, có thể cách hay nhất là đập cho các chú một trận rồi bắt nhốt vào trại cải huấn, may ra mới lấy lại được an ninh cho đường phố và giáo huấn các chú được.

Hoặc vợ bị chồng áp bức quá, phải nổi nóng chống lại kịch liệt thì may ra chàng ta mới bắt đầu kính nể.

Hoặc dân bị quan chà đạp quá, nổi nóng chống lại kịch liệt thì may ra mới có người nghe lời kêu nài.

Bản tính con người là như thế, đôi khi phản ứng mạnh mẽ thì mới đưa lại kết quả và công lý, còn lúc nào cũng dịu dàng chưa chắc đã được việc.

Nhưng phản ứng mạnh mẽ không có nghĩa là nổi giận hay sân hận, các bạn. Đây là hai điều hoàn toàn khác nhau.

Qui tắc chiến đấu thành công đòi hỏi một con tim thông suốt tĩnh lặng:

Nếu bạn phải chiến đấu như người nổi điên vì tức giận, thì hãy chiến đấu dữ dội như thế, với sự suy tính cẩn thận của một con tim trong trẻo tĩnh lặng như mặt nước hồ thu.

Nếu dữ dội vì suy tính bình thản mình phải làm thế, thì đó là chiến lược thắng,

Nếu dữ dội vì nổi nóng, đó là đường thua và đó không là chiến lược.

Tóm lại, sân hận, như HIV/AIDS chỉ có hại mà chẳng được lợi gì. Chẳng lý do gì mà ta không luyện tập để từ bỏ nó.

Nhưng làm sao để từ bỏ sân hận?

Người ta hay nói nhiều cách để chấm dứt sân hận, dẹp bỏ tính nóng, như là: Uống một ly nước khi nổi nóng; hay có nhiều lòng từ và yêu thương mọi người… Mọi cách đó đều tốt cả. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình thì có 2 điều dễ làm nhất để trừ sân hận từ từ. (Trừ từ từ vì bản tính con người không thể xoay ngược trong chỉ một ngày, một tháng, hay ngay cả một năm. Bất kỳ luyện tập nào cũng đòi hỏi kiên trì và nhiều công phu tu tập nhiều năm, mỗi ngày khá một tí). Hai điều đó là:

1. Không bao giờ làm quyết định gì khi bạn đang nổi nóng. Quyết tâm đợi hết nóng rồi hãy tính.

Nếu muốn giải thích cho hắn ta ngay vì mình đang nổi nóng, để đó tính sau. Nguội rồi hãy tính. Nếu muốn đấm cho hắn một đấm vì hắn phi lý quá, để đó tính sau. Hết nóng rồi hãy tính. Không làm quyết định gì khi đang nóng, kể cả khi đang “nóng ngầm.”

Quyết định khi đang nóng đơn giản là dốt, là bất trí.

2. Luôn luôn nhắc mình rằng sân hận hoàn toàn chỉ có hại mà không có lợi, và ta sân hận chỉ vì ta còn là nô lệ của thói quen.

Vì vậy, không l‎ý do gì ta phải tiếp tục nô lệ trong con đường bất trí đó, mà không tìm cách làm chủ tâm mình để có được tự do.

Nếu mình biết sân hận là cái phải dứt bỏ như thế, thì rất khó để cho nó có thể sống lâu trong mình.

Trần Đình Hoành!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro