- BẢN SẮC RIÊNG CỦA SÓI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Người du mục già ở Santiago thích nhất là nghe tiếng sói tru. Ông lão thường rơi lệ khi nghe những tiếng kêu thê lương, ai oán của bầy sói trong những đêm trăng sáng. Ông cho rằng đó là những âm thanh từ thiên đường vì chúng có thể làm lay động lòng người, làm con người cảm nhận được sự sống đang tồn tại. Ông nói: "Tôi biết tất cả các bầy sói trên thảo nguyên này, nhưng không phải là nhờ vào sự khác nhau về hình thể mà nhờ vào tiếng tru – tiếng tru của bầy sói trong đêm tối. Mỗi bầy sói là một đoàn hợp xướng xuất sắc và chúng đều có đặc điểm riêng để phân biệt với những bầy sói khác. Đối với rất nhiều người, tiếng tru của bầy sói không có gì khác nhau, nhưng quả thật là tôi đã nghe được những âm thanh riêng biệt của từng bầy sói".

Vào ban ngày hoặc những khi bắt mồi, bầy sói rất ít khi phát ra tiếng kêu, nhưng vào ban đêm chúng lại thích ngửa cổ lên trời để tru. Nhiều nhà động vật học đã tiến hành nghiên cứu tiếng tru của loài sói, nhưng đều không thể xác định được ý nghĩa của những tiếng tru này. Tiếng tru ấy có thể là một sự cảm khái đối với cuộc sống cô độc, có thể là để khẳng định sự tồn tại của mình, có thể chỉ là một bản tình ca – một hoạt động văn nghệ.

Trong bầy sói, mỗi một con sói đều có tiếng kêu độc đáo của riêng mình. Tiếng kêu này không giống với bất cứ một thành viên nào khác trong bầy. Nhưng khi bầy sói cất tiếng tru đầy tình cảm thì chúng lại là một chỉnh thể hoàn mỹ nhất. Loài sói tuy có sự phân chia đẳng cấp nghiêm ngặt và cũng là loài chú trọng đến chỉnh thể nhất nhưng chúng lại không ngăn cản sự phát triển và bộc lộ cá tính. Dù là con sói đầu đàn có quyền lực cao nhất thì cũng không thể bắt buộc những con khác bắt chước tiếng kêu và hành vi của mình.

Trong bầy sói, mỗi một con sói đều tôn trọng tiếng kêu của những con sói khác, vì tôn trọng bản sắc của cá nhân là phong cách nhất quán của loài sói.

Trên thế giới này không có hai phiến lá giống hệt nhau và con người cũng vậy. Mỗi một người trong chúng ta là độc nhất vô nhị, trước đó đã không có người giống chúng ta và sau này cũng vậy. Di truyền học nói rằng con người được hình thành từ sự tổng hợp 24 cặp nhiễm sắc thể của bố và mẹ. 48 nhiễm sắc thể này sẽ quyết định gen di truyền của mỗi người. Mỗi một cặp nhiễm sắc thể lại chứa mấy trăm gen, bất cứ một gen đơn nhất nào cũng có thể thay đổi một con người. Thực tế, sự hình thành sinh mạng của con người là một điều huyền ảo khiến người ta phải kính phục. Dù là cùng một bố mẹ sinh ra, nhưng cũng chỉ có 1/300 ngàn tỉ cơ hội có 1 người hoàn toàn giống mình. Có nghĩa là, dù bạn có 300 ngàn tỉ anh em thì có thể họ cũng không giống với bạn. Điều này là sự phỏng đoán chăng? Đương nhiên là không phải, đây hoàn toàn là một sự thực khoa học.

Mỗi người chúng ta đều là một thể độc lập, độc nhất vô nhị trên thế giới này. Vì vậy, nếu chúng ta muốn độc lập tự chủ, muốn phát triển đặc điểm của mình thì chỉ còn cách dựa vào bản thân mình. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta phải lập dị, cũng không phải là ăn mặc dị hợm hoặc có những hành vi quái đản; chỉ cần chúng ta giữ được bản sắc của mình trong khuôn khổ các quy tắc của đoàn thể, không bảo sao hay vậy, không rập khuôn theo kẻ khác.

Về vấn đề giữ gìn bản sắc riêng, James Godehn nói: "Đây là vấn đề của toàn nhân loại. Rất nhiều vấn đề thuộc phương diện tinh thần, thần kinh, tâm lý và gen mang bệnh tiềm ẩn phát sinh là do họ không thể giữ được bản sắc của mình". Một nhà văn từng nói: "Điều tồi tệ nhất của một con người là không thể trở thành chính mình, và không thể giữ được cái tôi trong tâm hồn và thể xác".

Một người đánh mất đi cái tôi của mình có nghĩa là gì? Có nghĩa là bắt chước người khác, như vậy sẽ xem cái riêng của người khác thành thứ để mình đeo đuổi và dần dần đánh mất mình. Từ bỏ cái tôi, bắt chước người khác là điều tối kỵ của người muốn làm nên sự nghiệp.

Nhưng ở Hollywood, hiện tượng bắt chước người khác lại khá nghiêm trọng. Sam Wood, đạo diễn nổi tiếng của Hollywood từng nói: "Vấn đề gay go nhất là làm sao để giúp các diễn viên trẻ giữ được cái tôi. Bọn họ đều muốn trở thành Clark Gable hoặc Lana Terrace. Khán giả đã quá quen thuộc rồi", Sam Wood luôn cố nhắc nhở họ: "khán giả đang cần màu sắc mới".

Trước khi làm đạo diễn cho hai bộ phim "Tạm biệt thầy giáo Chips" và "Chuông nguyện hồn ai", Sam Wood đã từng kinh doanh bất động sản trong nhiều năm. Vì vậy, ông đã bồi dưỡng cho mình cá tính của một người bán hàng. Ông cho rằng, một số nguyên tắc trong kinh doanh hoàn toàn thích hợp với điện ảnh. Bắt chước người khác hoàn toàn thì sẽ không làm được việc gì. Sam Wood nói: "Kinh nghiệm bảo tôi rằng, một diễn viên cố gắng không bắt chước người khác là đáng tín nhất".

Hãy chính là anh! Đây là lời khuyên của một nhà soạn nhạc người Mỹ Irving Berlin dành cho GeorgeGershwin. Lần đầu tiên họ gặp nhau, Irving Berlin đã là nhà soạn nhạc nổi tiếng, còn George Gershwin chỉ là một nhà soạn nhạc trẻ vô danh. Ấn tượng bởi tài năng của Gershwin, Berlin đã đề nghị Gershwin làm thư kí âm nhạc cho ông với mức lương gấp ba lần số lương mà Gershwin có thể kiếm được. Nhưng Irving Berlin cũng khuyên Gershwin rằng: "Không nên nhận công việc này. Nếu anh nhận nó thì cùng lắm cũng chỉ là Irving Berlin hạng hai. Nếu anh kiên nhẫn chút nữa thì một ngày nào đó, anh sẽ trở thành Gershwin hạng nhất". Gershwin nghe theo lời khuyên của Irving Berlin, và cuối cùng đã trở thành nhà soạn nhạc đương đại của nước Mỹ.

Khi lần đầu tiên bước lên sân khấu, Mary McBride thử bắt chước phong cách của một ngôi sao Ireland, nhưng không thành công. Cho đến khi cô trở về với chính mình - một thôn nữ đến từ Missouri, cô mới trở thành ngôi sao sáng giá ở New York.

Mọi loại nghệ thuật đều là một sự thể hiện cái tôi. Vậy, chúng ta chỉ có thể hát bằng chính mình, vẽ bằng chính mình, làm chính mình, bất kể tốt xấu.

Emerson trong bài "Tin vào chính mình" có nói: "Rồi sẽ có một ngày, con người sẽ hiểu đố kỵ là vô ích, và bắt chước người khác là tự giết mình. Vì dù tốt hay xấu, chỉ có tài năng của mình mới có thể giúp mình, chỉ có cày trên thửa ruộng của mình mới thu được những hạt ngô của mình. Khả năng mà trời cao đã ban cho bạn là có một không hai; chỉ khi chính bạn cố gắng vận dụng thì mới biết được khả năng đó là gì.

Nhà thơ Douglas Malloch đã nói như sau:

Nếu bạn không thể trở thành một cây tùng trên đỉnh núi, thì hãy làm một cây nhỏ trong khe núi, nhưng phải làm một cây nhỏ tốt nhất bên bờ suối.

Nếu bạn không thể làm một cây lớn thì hãy làm một bụi cây nhỏ.

Nếu không thể trở thành một bụi cây nhỏ, thì hãy làm một thảm cỏ, để mang lại sức sống cho con đường!

Nếu bạn không thể trở thành một chú nai, thì hãy làm một con cá nhỏ, nhưng phải là con cá lanh lẹ nhất hồ.

Tất cả chúng ta, không thể ai cũng làm thuyền trưởng, mà phải có người làm thuyền viên, nhưng mỗi người đều có công việc của mình.

Dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ, chúng ta phải hoàn thành công việc.

Nếu không thể làm một con đường lớn thì hãy làm một con đường nhỏ.

Nếu không thể trở thành mặt trời, thì hãy là một ngôi sao!

Thành bại không ở cái lớn nhỏ ___

Chỉ ở việc bạn có tận lực hay không.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh