- BỎ RA NHẪN NẠI, THU ĐƯỢC CON MỒI

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có thể nói, ngoài con người, loài sói cũng được xem là loài động vật hiếu học nhất. Chúng thường bỏ ra đến mấy ngày liền để quan sát và theo dõi con mồi mà nó nhắm đến. Điều đáng kinh ngạc là loài sói không hề tỏ ra mệt mỏi hay chán nản. Chúng cũng không thực hiện bất cứ một cuộc truy bắt vô nghĩa nào đối với con mồi. Trong thời gian này, chúng dường như đã an phận với vai trò là người quan sát. Chúng phân tích tổng hợp một cách tỉ mỉ những trạng thái tâm lý và sinh lý của con mồi. Hiển nhiên, trong đám con mồi, những con còn non, những con đã già yếu và những con bị thương sẽ trở thành mục tiêu của chúng trước tiên. Nhưng ưu điểm của con sói không phải chỉ giới hạn ở việc phân biệt đối tượng con mồi; chúng thậm chí còn có thể quan sát, ghi nhớ được rất nhiều cá tính, đặc trưng và tập tính cực nhỏ mà ngay cả loài người cũng không thể nào biết được của con mồi. Trong quần thể của đối phương, có thể sẽ xuất hiện dấu hiệu hoặc một số rối loạn về hành vi cực nhỏ, làm cho một thành viên nào đó có tập tính khác biệt thoát ly khỏi sự che chở của bầy đàn và trở thành mục tiêu đột xuất. Tất cả những điều này đều khó thoát khỏi cặp mắt tinh tế và kiên nhẫn của loài sói.

Tóm lại, việc bắt mồi thành công đều nhờ vào tính nhẫn nại siêu phàm của loài sói. Thực ra, trong quá trình bắt mồi này, để đạt được mục đích cuối cùng, loài sói phải chờ đợi từ vài ngày trở lên và phải chịu đựng cơn đói đến cùng cực, thậm chí là sắp chết đói. Có thể bạn sẽ hỏi rằng: "Tại sao chúng không tấn công trực tiếp để hoàn thành công cuộc bắt mồi này?". Vì đối với loài sói có hình thể tương đối nhỏ, những loài động vật có bộ dạng to lớn như loài tuần lộc sẽ gây tổn hại nghiêm trọng, thậm chí làm chúng mất mạng. Vì vậy, loài sói thà chọn cách chờ đợi lâu dài, dùng nhẫn nại để đổi lấy thắng lợi, chứ không muốn dùng tính mạng của mình để đổi lấy một bữa ăn no.

Nhẫn nại là một đặc điểm lớn của loài sói và cũng là phẩm chất đáng quý nhất của người thành đạt.

Nhờ có sự bền bỉ và nhẫn nại mới có kim tự tháp vĩ đại của Ai Cập, mới có Đền Thánh ở Jerusalem. Nhờ có sự bền bỉ và nhẫn nại, con người mới có thể trèo lên đỉnh núi Anpơ nơi có khí hậu khắc nghiệt và mây mù bao phủ.

Nước chảy đá mòn, có công mài sắt có ngày nên kim. Nếu chúng ta không toàn tâm toàn ý, thì dù là thiên tài cũng sẽ không làm nên chuyện gì. Chỉ sự bền bỉ mới có thể có được thành công. Columbus, người phát hiện ra Châu Mỹ chính là một người có sự nhẫn nại của loài sói.

Tháng 2 năm 1492, Colombo thất vọng rời khỏi lâu đài Alcázar, ông muốn tranh thủ sự hậu thuẫn của Ferdinand, quốc vương của Tây Ban Nha và nữ hoàng Isabella, nhưng không thành công. Ông cưỡi con la, chầm chậm đi ra khỏi cung điện, và suy nghĩ xem mình sẽ đi đâu. Lúc đó, tóc của ông đã điểm bạc, tinh thần ủ rũ. Từ nhỏ, ông đã cho rằng trái đất là hình cầu. Vào thời đại đó, con người đã phát hiện một tấm gỗ có khắc hình vẽ tại vùng biển cách bờ 400 dặm Anh. Người ta còn phát hiện hai thi thể ở bờ biển Bồ Đào Nha. Theo phán đoán từ đặc trưng cơ thể, hai thi thể này và loài người đã biết thì không có gì khác biệt. Columbo tin rằng, những thi thể này bị trôi dạt từ một hòn đảo nào đó thuộc phía Tây mà người Châu Âu chưa hề biết đến. Columbo đã từng hi vọng quốc vương Bồ Đào Nha sẽ tài trợ cho chuyến đi biển của ông, để tìm ra những hòn đảo xa xôi đó. Nhưng vua John II một mặt giả vờ đồng ý sẽ giúp ông, mặt khác lại ngầm phái đội thám hiểm của mình đi tìm kiếm. Tia hy vọng cuối cùng của Columbo bị dập tắt.

Columbo đi ăn xin khắp nơi và hành nghề vẽ thuê để kiếm sống. Vợ của ông cũng đã rời bỏ ông, ngay cả bạn bè cũng nghĩ ông là một kẻ điên rồ. Những người tham mưu của Ferdinand và Isabella cũng giễu cợt lý luận đi về hướng Tây sẽ đến phương Đông của ông.

"Nhưng mặt trời, mặt trăng đều là hình tròn, vậy tại sao trái đất lại không thể có hình tròn?" Columbo hỏi vặn lại.

"Nếu trái đất có hình tròn thì nó được cái gì nâng đỡ?" Một số người tham mưu hỏi.

"Vậy mặt trời, mặt trăng được cái gì nâng đỡ?" Columbo hỏi vặn lại.

"Nếu một người có đầu hướng xuống, chân hướng lên, thì cũng giống như con ruồi đậu trên trần nhà, ngài thấy điều đó là có thể được chăng?" Một vị tiến sĩ tiếp tục chất vấn Columbo, "rễ cây mọc ngược lên trên thì có thể sống được không?"

"Nước trong hồ cũng sẽ chảy ra, chúng ta cũng không thể đứng được". Một nhà triết học bổ sung thêm.

"Điều này không phù hợp với thuyết pháp trong Kinh Thánh. Trong "Sách của Isaiah" có nói rằng: 'Bầu trời như một bức màn', điều này chứng tỏ mặt đất hiển nhiên là hình phẳng; nói trái đất hình tròn là dị đoan". Mục sư cũng tham gia vào cuộc tranh luận.

Columbo không còn nuôi bất cứ một hy vọng nào đối với bọn họ; và rồi, mọi chuyện đột nhiên thay đổi. Một người bạn của Isabella khuyên bà rằng: nếu lập luận của Columbo là đúng thì chỉ cần bỏ ra một món tiền rất ít, là sẽ có thể bước lên đài danh vọng của sự thống trị. "Thôi được", Isabella đồng ý, "ta sẽ đem cầm cố số châu báu của ta, coi như là kinh phí cho ông ta, hãy gọi ông ta quay lại".

Thế là, Colombo quay lại, và thế giới cũng đã chuyển mình theo. Nhưng cuộc hành trình của ông vẫn còn một vấn đề khác, đó là không có một thủy thủ nào muốn theo ông. May mà quốc vương và nữ hoàng đã ra lệnh cưỡng chế, buộc họ phải đi theo ông. Thế là, họ ngoan ngoãn xuống thuyền, giương buồm ra biển. Thuyền của họ rất nhỏ, không to hơn thuyền bình thường là mấy, và chỉ đi được 3 ngày, bánh lái đã bị gãy. Các thủy thủ đều cảm thấy có điềm chẳng lành, nên rất bất an. Columbo bèn kể lại hình ảnh Ấn Độ mà ông biết cho các thủy thủ nghe. Ông đã kể rằng nơi đó đầy ắp vàng bạc châu báu. Điều đó giúp cho tinh thần của các thủy thủ vững chãi trở lại.

Sau khi thuyền rời khỏi quần đảo Canary được 200 dặm, kim la bàn của họ không còn quay về hướng Sao Bắc Cực nữa. Các thủy thủ nhất quyết không chịu tiến về phía trước, một cuộc phản loạn dường như sắp nổ ra. Lúc này, Columbo lại giải thích với họ rằng: tuy nói là sao Bắc Cực nhưng thực tế lại không phải ở hướng Bắc, cuối cùng cũng tạm thuyết phục được họ. Khi cuộc hành trình đi được 2300 dặm (Columbo đã nói dối với các thủy thủ rằng chỉ có 1700 dặm), họ phát hiện ra gỗ cây anh đào trôi dạt trên mặt nước, xung quanh thuyền lại có một số loài chim từ đất liền bay ra và các thủy thủ lại vớt được một miếng gỗ có khắc những hình vẽ rất kỳ lạ.

Có chí thì nên. Nhờ vào quyết tâm bền bỉ đi thám hiểm Châu Mỹ, Columbo đã cắm ngọn cờ của vương quốc Tây Ban Nha lên Châu Mỹ.

Những gì mà Columbo trải qua đã giúp chúng ta hiểu được giá trị siêu phàm của sự nhẫn nại đối vối sự nghiệp của một người. Nhiều người thành đạt sở dĩ có được sự huy hoàng trong cuộc đời và vì họ có sự nhẫn nại đáng kính phục. Đôi lúc, yếu tố quyết định sự thành bại của một người không phải ở xuất thân, tài năng, trình độ, kinh nghiệm... mà là sự nhẫn nại.

Có một câu chuyện như sau: một cái cây to đã bị chết trên sườn núi thuộc tiểu bang Colorado của Hoa Kỳ. Các nhà tự nhiên học bảo với chúng tôi rằng nó đã có lịch sử hơn 400 năm. Trong cuộc đời của nó, nó đã từng bị sét đánh 14 lần và vô số lần bị bão táp tấn công, nhưng nó vẫn không bị quật ngã. Nhưng cuối cùng, dưới sự công kích của đàn côn trùng cánh cứng, nó đã gục ngã vĩnh viễn. Những con côn trùng cánh cứng đó đã cắn phá từ dưới gốc, dần dần làm giảm sức sống của cây. Tuy chúng rất nhỏ bé, nhưng lại cắn phá liên tục. Một cây cổ thụ như thế, sấm sét cũng không quật ngã được nó, bão táp mưa sa cũng không làm nó lung lay, nhưng lại bị gục ngã bởi bầy côn trùng cánh cứng mà chúng ta chỉ cần dùng hai ngón tay là đã có thể bóp chết được chúng.

Câu chuyện này giúp chúng ta nhận ra một triết lý nhân sinh: chỉ cần có sự bền bỉ thì với một vóc dáng nhỏ bé cũng có thể làm rung chuyển những gì kiên cố nhất.

Trong cuộc sống, chúng ta đều có thể sẽ phải đối mặt với những nhiệm vụ cực kỳ khó khăn: vận động viên phải khiêu chiến với kỷ lục của thế giới, nhà khoa học phải tìm ra được bí ẩn của tự nhiên, doanh nhân phải chen vào hàng ngũ những doanh nhân lớn của thế giới. Ngay cả người bình thường cũng có một số việc khó cần phải làm. Ví dụ bạn phải chuyển một viên gạch từ nơi A đến nơi B, bạn sẽ làm như thế nào?

Shakespeare nói rằng: "Cái rìu tuy nhỏ, nhưng cứ chặt nhiều lần, cuối cùng cũng sẽ đốn ngã một cây to, cứng chắc". Còn có một tác gia nói rằng: "Trong bất kì trận đấu nào giữa sức mạnh và sự nhẫn nại, hãy đặt cược vào sự nhẫn nại". Con đường giành được thắng lợi của loài côn trùng cánh cứng chính là nhờ vào sự nhẫn nại.

Một chàng trai trẻ hỏi nghệ sĩ violon trứ danh Gherardini rằng: "Ông học đàn trong bao lâu?" Gherardini trả lời: "Hai mươi năm, mỗi ngày 12 tiếng".

Xã hội hiện tại đang có một loại bệnh rất phổ biến, đó là bệnh nóng vội. Trong thực tế, có rất nhiều người luôn muốn "một bước lên đến trời", muốn "trở nên giàu sụ chỉ trong một đêm. Ví dụ, nhiều người muốn kiếm tiền, nhưng họ lại không bắt đầu từ việc kinh doanh nhỏ để dần dần tích lũy tiền bạc và kinh nghiệm, sau đó mới kinh doanh lớn, mà họ lại như một con bạc, mượn tiền để đầu tư lớn, kinh doanh lớn, kết quả là trắng tay. Thương trường đầy rẫy những bọt bóng, vậy mà, nhiều người vẫn không chịu nghiên cứu thị trường một cách nghiêm túc, cũng không chịu suy xét đến mối nguy hiểm của nó. Họ chỉ cảm thấy đây là "chiếc bánh lớn hấp dẫn", muốn một lần nuốt trọn nó. Cuối cùng, chẳng được bao lâu đã phá sản, mất trắng vốn liếng.

Một con rùa kiên trì đến cùng vẫn có thể thắng được con thỏ nhanh nhẹn. Nếu bạn có thể bỏ ra 1 giờ mỗi ngày để học và kiên trì trong 12 năm thì những gì bạn học được chắc chắn sẽ nhiều hơn 4 năm theo học ở trường đại học. Như Bulwer đã nói: "Bền bỉ và nhẫn nại là linh hồn của người chinh phục. Nó là sự hẫu thuẫn vững chắc nhất của con người chống lại vận mệnh, cá nhân chống lại thế giới, tinh thần chống lại vật chất; nó cũng là tinh hoa của Sách Phúc Âm. Nhìn từ góc độ xã hội học, nếu xét đến sự ảnh hưởng và tầm quan trọng của nó đối với chế độ xã hội và vấn đề chủng tộc thì dù có cường điệu như thế nào cũng không có gì quá đáng."

Nhân loại cho đến ngày nay vẫn chưa từng có một thành tựu to lớn nào lại không nhờ vào tinh thần bền bỉ, kiên trì mà có được. Nhà phát minh vĩ đại Edison cũng đã từng nói: "Tôi không bao giờ làm những việc đầu cơ trục lợi. Phát minh của tôi ngoài máy chiếu phim, cũng không có một phát minh nào có được nhờ sự ưu ái của thần may mắn. Nhưng một khi tôi đã hạ quyết tâm và biết nên tập trung vào đâu thì tôi sẽ bước thẳng về trước, hết thí nghiệm này đến thí nghiệm khác, cho đến khi có được kết quả cuối cùng".

Không thể kiên trì được lâu chính là nguyên nhân thất bại của rất nhiều người. Trong công việc, trong cuộc cạnh tranh trên thương trường, bạn cần phải có tinh thần nhẫn nại, làm một việc cho đến cùng thì mới có được thành công.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh