- KHÍ KHÁI, CAN TRƯỜNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có một câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Một con sói đói đến mức chỉ còn da bọc xương, bởi vì có rất nhiều con chó chăn cừu đang canh chừng nó rất chặt chẽ. Vô tình, con sói này gặp một con chó to khỏe, béo tốt với bộ lông bóng mượt. Do bất cẩn nên con chó này bị lạc đường. Con sói đói rất muốn tấn công và xé nát con chó này. Nhưng con chó chăn cừu này to khỏe đến thế, sức kháng cự của nó chắc chắn sẽ rất mạnh. Con sói bèn nuốt giận để đến gần con chó. Trong lúc nói chuyện, con sói hết lời khen ngợi sự cường tráng của con chó, và bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình. Con chó chăn cừu nói: "Thưa ngài Sói, nếu muốn béo tốt như tôi, thì tất cả đều tùy thuộc ở ngài, hãy rời khỏi khu rừng đi! Ngài sẽ được sống những ngày rất tốt. Ở đây, các ngài phải sống những ngày thật thê thảm, cùng cực cơ hàn như những kẻ ăn mày. Số phận của các ngài là chết đói. Vì các ngài không có một sự bảo bọc nào, không có thức ăn miễn phí, tất cả đều dựa vào võ lực để tranh đoạt. Hãy đi theo tôi, số phận của các ngài sẽ được thay đổi". Con sói đáp lại: "Vậy tôi phải làm những gì?" Con chó nói: "Chẳng cần làm gì cả, ngài chỉ cần chạy đi xin ăn, đi nịnh bợ những người trong nhà, làm cho chủ nhân vui. Thù lao mà ngài nhận được sẽ là những thức ăn thừa đủ loại, nào là xương gà, xương vịt, còn có hàng trăm lần vỗ về". Con sói cảm động đến chảy cả nước mắt khi tưởng tượng ra viễn cảnh tươi đẹp.

Trên đường trở về, sói nhìn thấy lông trên cổ chó đã rụng sạch, nó bèn hỏi: "Chuyện gì vậy?"

"Chẳng có gì", "chẳng có gì đáng nói cả".

"Nhưng rốt cuộc là chuyện gì?"

"Có lẽ ngài đã nhìn thấy nơi tôi đeo vòng cổ."

"Vòng cổ?" con sói hỏi, "vậy là ngài không thể đi lại tự do à?"

"Không hẳn là như vậy, nhưng điều này thì có can hệ gì?"

"Có can hệ rất lớn đấy. Những loại thức ăn mà ngài nói cũng không có gì lạ, phải trả một cái giá như vậy thì tôi không cần."

Nói xong, con sói quay người bỏ đi, chớp mắt đã mất tăm.

Con sói đã không vì miếng ăn xin mà hạ mình nịnh nọt chủ nhân.

Anton Pavlovich Tchkhov, tác gia người Nga đã từng viết một tiểu thuyết có tên là "Cái chết của một viên chức". Truyện kể rằng, một viên chức nhỏ nọ, trong một lần đi xem kịch đã vô ý hắt hơi một cái. Kết quả là nước bọt văng trúng vào đầu của một quan chức ngồi ở phía trước. Anh ta rất hoảng sợ, vội vàng xin lỗi viên quan này. Viên quan này không nói gì cả. Anh ta không biết viên quan này có chịu tha lỗi cho anh ta không nên sau khi tan kịch, anh ta lại đến xin lỗi. Viên quan nói: "Thôi đi, chỉ vậy thôi mà!" Câu nói này càng làm cho anh ta thấp thỏm lo âu. Đêm hôm đó, anh ta không ngủ được, ngày hôm sau, anh ta lại đến xin lỗi. Viên quan không còn kiên nhẫn được nữa bèn bảo anh ta câm mồm và đuổi ra. Anh ta nghĩ lần này đã đắc tội với viên quan rồi, anh ta lại muốn đi xin lỗi. Chỉ vì một cái hắt hơi, anh viên chức này đã phải chịu một áp lực tâm lý nặng nề. Cuối cùng, anh ta đã chết.

Câu chuyện bi thảm này có vẻ rất hoang đường. Chúng ta cảm thấy tiếc cho cái chết của anh viên chức nhưng cũng trách anh ta quá nhu nhược và thiếu tự trọng.

Lòng tự trọng là một trong những phẩm chất cần có của một người độc lập, tự chủ. Một tác gia Chile nói rằng: "Tôn nghiêm là thứ không thể chà đạp trong linh hồn của con người". Tác gia người Nga Fyodor Mikhailovich Dostoevsky cũng đã nói: "Nếu bạn muốn người khác tôn trọng bạn thì điều đầu tiên là bạn phải tôn trọng chính mình. Chỉ có tôn trọng chính mình thì mới có thể có được sự tôn trọng của người khác".

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn thường gặp những người không có chút tự trọng như anh viên chức nọ. Bản thân họ đã coi thường chính mình, cam lòng làm nô lệ, để mặc người khác sai khiến, tự hạ thấp mình. Điều này còn tệ hại hơn cả người tự ti. Những người như vậy thường thích khúm núm, nịnh nọt. Những người như vậy không hề có ý thức cái tôi, không hề nghĩ rằng mình cũng là một con người đường đường chính chính. Một khi bị mất đi sự bảo bọc của người khác, một khi bị mất đi "chủ nhân", những người này sẽ bị suy sụp.

Thực ra, người có tâm lý nô lệ là người rất đáng thương. Họ sống nhưng lại không có cái tôi. Một người không có cái tôi thì sống trên đời này còn ý nghĩa gì nữa? Những gì họ làm đều như không liên quan gì đến họ mà chỉ liên quan đến người khác, chỉ liên quan đến "chủ nhân" của họ. Khi chủ nhân muốn làm điều gì, họ đều dốc sức làm vì chủ nhân mà không hề nghĩ đến việc mình có muốn làm hay không. Khi chủ nhân không muốn làm điều gì, dù bản thân họ rất muốn nhưng họ cũng sẽ không làm.

Từ xưa đến nay, đã có rất nhiều người tự tôn tự cường. "Liêm giả bất thực giai lại chi thực" (người thanh liêm không ăn của ăn xin), Đào Uyên Minh đã không vì năm đấu gạo mà khom lưng, Chu Tự Khanh thà chết đói chứ không ăn đồ cứu tế của Mỹ. Họ đều là những người ngay thẳng, hiên ngang mà Lữ Khôn ca tụng.

Beethoven là nhà soạn nhạc vĩ đại của nước Đức. Khi ở Viên ông đã từng được công tước Lichnowsky ngưỡng mộ và bảo trợ. Beethoven rất cảm kích nhưng ông không vì vậy mà đánh mất sự tự tôn của mình. Một lần, công tước yêu cầu Beethoven đến nhà riêng biểu diễn cho các sĩ quan quân đội Pháp. Beethoven coi khinh thái độ khúm núm của công tước nên từ chối. Công tước cậy vào địa vị và thân thế của một người ban ơn để yêu cầu Beethoven biểu diễn. Sự ngạo mạn của công tước đã động chạm đến lòng tự ái của Beethoven. Beethoven đã bước ra khỏi lâu đài của công tước, bất chấp cả trời mưa to. Vừa về đến nhà, Beethoven còn hất đổ cả tượng bán thân của công tước và viết cho công tước một bức thư. Ông viết rằng: "Thưa công tước, ngài được như ngài là nhờ vào sự ngẫu nhiên của xuất thân; tôi được như tôi là nhờ vào chính tôi. Công tước, hiện đã có, sau này cũng có, còn Beethoven thì chỉ có một".

Một lần khác, Beethoven và Geothe đang đi dạo. Giữa đường, họ gặp một nhóm quý tộc. Geothe tỏ ra cung kính với các quý tộc. Điều này làm cho Beethoven rất khó chịu. Ông hết lòng khuyên Geothe không cần phải khom lưng uốn gối như thế, nhưng Geothe không màng đến sự ngăn cản cảu Beethoven, vẫn cung kính đứng sang một bên đường. Chỉ thấy Beethoven ngang nhiên đi thẳng một mạch. Những quý tộc này đã tiến đến và ngã mũ chào hỏi Beethoven trước. Sự tự tôn của Beethoven đã giúp ông có được sự kính trọng của những người khác.

Xã hội ngày nay là xã hội dân chủ và bình đẳng. Chúng ta không cần phải mềm gối trước những người giàu sang, địa vị. Con người nếu thiếu tự tôn thì sẽ tự bóp méo tính cách của mình, thay đổi cách nhìn đúng đắn của mình, sẽ làm những việc trái với lòng mình. Họ dễ dàng đánh mất mình, để mặc cho người khác sai khiến. Trước mặt những người quyền thế, họ vâng vâng dạ dạ, khúm na khúm núm. Càng tệ hại hơn nữa là, biểu hiện tự ti, tự hạ thấp mình như thế chỉ làm người khác coi thường hơn mà thôi. Tâm lý nô lệ là một dạng tự dày vò. Anh viên chức đó chết chỉ vì một cái hắt hơi.

Có ý kiến cho rằng: "Bất cứ ai cũng có lòng tự tôn, tự tin và tính độc lập, nếu không thì sẽ trở thành nô lệ. Nhưng tự tôn không phải là khinh người, tự tin không phải là tự mãn, độc lập không phải là cô độc". Câu nói này rất đúng. Tự tôn là một yêu cầu đối với bình đẳng. Nếu cuồng vọng, tự đại thì lại là bất bình đẳng với người khác. Chúng ta hãy giữ sự tự tôn và cũng tôn trọng người khác. Dù bạn là giáo sư đại học hay người nhặt rác, dù bạn giàu có hay nghèo khổ, dù bạn là viên chức hay quan chức, chúng ta cũng không nên ngạo mạn mà cũng không cần phải tự ti. Có lần, khi Lênin tiến vào điện Kremlin, ông đã bị người lính gác cổng chặn lại, đòi giấy ra vào. Người đi bên cạnh vội vàng nói: "Đây là đồng chí Lênin". Anh gác cổng nói: "Bất cứ ai cũng đều phải có giấy ra vào". Lênin nói: "Cậu ấy nói đúng, tôi đã quên giấy ra vào rồi, thật xin lỗi". Cả Lênin và anh lính gác cổng đều bộc lộ một phẩm chất đáng quý: không vì thân thế của đối phương mà khom lưng hoặc xem thường đối phương. Anh lính gác cổng và Lênin đều đáng để chúng ta học tập.

Một người độc lập tự chủ là người loại trừ tâm lý nô lệ; anh ta sẽ tự tôn, tự ái và tiến đến tự cường, tự lập. Trong thương trường đầy cạnh tranh, chỉ có tự cường, tự lập mới có thể làm nên đại sự.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh