- Phép tắc 13: KHÍ ĐỘ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Không thể phủ nhận, sói là kẻ mạnh trong giới tự nhiên. Mạnh ở chỗ chúng có khí độ cực lớn. Sói sẽ không tấn công những kẻ địch lớn mạnh hơn mình khi mình còn nhỏ yếu chỉ vì sự tôn nghiêm. Sói không vì đồ bố thí mà lắc đầu vẫy đuôi với người bố thí. Vì sói biết không được kiêu ngạo, nhưng cũng không thể không cứng cỏi. Đây chính là khí tiết của kẻ mạnh, hành động tùy thời cơ, không tính toán chi li được mất, nhưng không bao giờ cúi đầu nịnh hót, bán rẻ linh hồn mình.

Những người làm nên nghiệp lớn đều có một tấm lòng độ lượng. Trong cuộc sống, chúng ta thường gặp một số người so đo từng tí một chỉ vì chuyện nhỏ. Những người này đều là những người rất tầm thường và đáng buồn cười. Câu chuyện có liên quan đến loài gấu ngựa sau đây sẽ giúp bạn tìm thấy hình ảnh của mình trong cuộc sống.

Loài gấu ngựa sống trên đảo Kodiak thuộc tiểu bang Alaska, Hoa Kỳ. Chúng là loài động vật ăn thịt lớn nhất trên thế giới. Thể trọng trung bình của chúng là 500kg, chiều cao là 4 mét, con lớn nhất có thể nặng 700kg. Thức ăn chủ yếu của gấu ngựa là các loại côn trùng, cá, chim và các loại thú như thỏ hoang, chuột. Đôi lúc, gấu ngựa cũng tấn công những động vật to lớn như hươu, trâu rừng, lợn rừng... Trong rừng sâu, rất ít động vật có thể chống đỡ được nó. Gấu ngựa đi đứng chậm chạp, nhưng lại chạy rất nhanh. Nhiều loài động vật tưởng rằng loài gấu ngựa ù lì nên thường bị mất mạng bởi những cú táp bất ngờ của chúng. Nhưng gấu ngựa cũng có khuyết điểm. Đó là dễ nổi giận, ví dụ, khi loài khỉ hái quả dại trên cây, do không cẩn thận nên làm rơi quả xuống đầu gấu ngựa, nó sẽ lập tức gầm gừ muốn tìm loài khỉ để trút giận. Kết quả là loài khỉ chỉ cần nhảy vài cái là đã biến mất, trong khi gấu ngựa vẫn còn ôm cây để cắn xé.

Trong rừng sâu, cáo là loài xảo quyệt nhất. Chúng thường thích trêu chọc những con vật to lớn nhưng bụng dạ hẹp hòi như loài gấu ngựa. Cáo thích nấp trong những bụi cây rậm rạp, chờ khi thân hình nặng nề của gấu ngựa xuất hiện, nó sẽ dùng quả dại ném vào gấu ngựa. Quả nhiên, gấu ngựa gầm gừ nhảy đến bụi cây có con cáo đang nấp. Khi con gấu ngựa cắn xé bụi cây, cáo đã chạy sang bụi cây khác, rồi lại tiếp tục ném quả dại vào con gấu.

Một con khỉ nhỏ, một con cáo nặng chưa đến 20kg, một quả dại nhỏ bé vốn không có bất cứ một sự uy hiếp nào đối với thân hình to lớn của gấu ngựa, nhưng gấu ngựa nhất quyết phải hơn thua với chúng. Kết quả là gấu ngựa bị thương.

Trong cuộc sống, nhiều người cũng thích hơn thua với người khác như loài gấu ngựa. Kết quả là bị những chuyện nhỏ làm ảnh hưởng, suốt ngày bực tức không yên. Nếu bạn không để ý đến quả dại đó thì quả dại cũng chỉ là quả dại, bạn vẫn là bạn, không liên can gì nhau. Nhưng nếu bạn để ý đến thì sẽ khiến cho bạn bực tức, làm cho tinh thần mệt mỏi và cuộc sống vốn đẹp đẽ bỗng trở nên rối rắm.

Trong hàng ngũ những người thành đạt không thể có những người như vậy. Ở phương diện nhỏ, họ sẽ dần dần bị người khác chôn vùi. Ở phương diện lớn hơn, xã hội của chúng ta không cần những người như thế. Người chúng ta cần là kẻ mạnh, một tấm lòng bao dung.

Chu Lang thời Tam Quốc vì ganh ghét tài năng của Gia Cát Lượng nên ba lần lập kế hãm hại Gia Cát Lượng nhưng đều không thành, ngược lại còn bị Gia Cát Lượng chọc tức đến chết. Cái chết của Chu Lang thực sự không đáng. Cái chết ấy tuy làm người ta thương tiếc nhưng người có phẩm đức như thế, cuối cùng cũng không phải là phúc của Đông Ngô. Còn có Vương Lãng, nói những lời ngông cuồng, cho rằng chỉ cần dùng lời nói, là Gia Cát Lượng sẽ chắp tay xin hàng. Không ngờ, trước hai trận dịch, Vương Lãng đã không thuyết phục được Gia Cát Lượng, ngược lại còn bị ông mắng chửi thậm tệ, uất ức, kêu lên một tiếng, ngã ngựa mà chết. Chí khí lớn, sự độ lượng lại nhỏ, cái chết của Vương Lãng khiến người khác dở khóc dở cười, nhưng đối với những người này, chúng ta cũng chỉ có cười mà thôi.

Người có khí độ kém thường là tự chuộc lấy diệt vong.

Trong "Nhạc Dương Lầu Ký" của Phạm Trọng Yêm có câu: "Bất dĩ vật hi, bất dĩ kỷ bi" (dịch nghĩa: không vui vì vật, không buồn vì mình), đây mới là thái độ xử thế lạc quan. Khi gặp chuyện thì phải có cái nhìn thoáng một chút. Người xưa có nói, trền đầu tướng có thể phi ngựa, trong bụng công hầu có thể chèo thuyền. Chúng ta phải là "tướng và công hầu" trong xã hội hiện đại.

Thời Chiếc Quốc, Lận Tương Như của nước Triệu vì đi sứ sang nước Tần, không ngại nguy hiểm, chiến thắng được vua Tần ngang ngược, lập đại công cho nước Triệu nên Triệu Vương phong ông làm thượng khanh. Liêm Pha là danh tướng của nước Triệu. Khi Võ Linh Dương còn trị vì, Liêm Pha nam chinh bắc chiến, lập nhiều công lớn cho nước Triệu. Sau khi Huệ Văn Vương nối ngôi, Liêm Pha coi giữ nước Triệu, càng lập công lớn với nước Triệu. Ông là công thần có ảnh hưởng lớn bậc nhất của nước Triệu. Sau khi Lận Tương Như được làm thượng khanh, Liêm Pha bất mãn nói: ta có công to trong việc phá thành, đánh trận, Lận Tương Như là cái gì chứ? Chẳng qua chỉ là nhờ miệng lưỡi mà lập công. Hơn nữa, hắn xuất thân thấp hèn, vậy mà địa vị của hắn lại cao hơn ta, ta làm sao cam tâm được? Hừ, khi gặp hắn, ta quyết làm nhục hắn một phen!

Hôm đó, danh sĩ du thuyết Ngu Khanh phụng mệnh Triệu Huệ Văn Vương đến gặp Liêm Pha. Ban đầu Ngu Khanh đề cao công trạng của Liêm Pha trước, sau đó chuyển đề tài và nói rằng: "Nếu nói về quân công thì Lận Tương Như không bằng Liêm tướng quân, nhưng nếu nói về khí độ thì tướng quân lại không bằng ông ấy." Ban đầu, Liêm Pha vui mừng hớn hở, sau đó lại giận tím mặt, hỏi rằng: "Lận Tương Như dùng miệng lưỡi để lập công danh, chẳng qua cũng chỉ là kẻ hèn nhát. Hắn thì có khí độ gì?" Ngu Khanh đáp: "Bẩm Liêm tướng quân, tần vương có uy thế to như vậy, Lận Tương Như lại không hề sợ hãi, ông ấy làm sao sợ ngài được? Lận Tương Như nói, bây giờ, nước Tần có chút kiêng dè nước Triệu là vì Lận Tương Như và Liêm tướng quân đoàn kết nhất trí. Nếu hai ngài công kích lẫn nhau, thì nước Tần sẽ rất vui mừng. Lúc đó, nước Tần sẽ không sợ nước Triệu nữa, nước Triệu sẽ bị nước Tần xâm lược. Vì vậy, Lận Tương Như mới tránh mặt Liêm tướng quân. Hiển nhiên, Lận Tương Như đã lấy quốc gia làm trọng mà gạt bỏ ân oán riêng tư."

Liêm Pha nghe Ngu Khanh nói mà xấu hổ đến đỏ mặt. Thế là, Liêm tướng quân vốn uy phong lẫm lẫm lại cởi trần, mang roi, không ngồi xe, một mình đi bộ đến phủ của Lận Tương Như để tạ tội. Khi gặp mặt Lận Tương Như, Liêm Pha quỳ xuống mà nói rằng: Lận thượng khanh, kẻ hèn này kiến thức hạn hẹp, không biết thượng khanh rộng lượng như thế! Thật có lỗi! Thượng khanh hãy đánh mắng kẻ hèn này đi! Nói xong, Liêm Pha lấy cây roi da, đưa cho Lận Tương Như.

Lận Tương Như thấy vậy cũng quỳ trước mặt Liêm Pha: Liêm tướng quân à, hai người chúng ta cùng làm việc lớn, đều là trọng thần của xã tắc. Tướng quân châm chước cho tôi như vậy, tôi đã cảm kích lắm rồi. Đâu cần làm phiền tướng quân mang roi đến đây tạ tội! Thấy Lận Tương Như độ lượng như vậy, Liêm Pha rơi lệ, cảm kích nói: Lận thượng khanh, tôi nguyện cùng ngài kết bạn sinh tử, dù có chết cũng không thay lòng đổi dạ! Nhân kiệt là gì? Những người như Liêm Pha, Lận Tương Như mới là nhân kiệt chân chính. nước Triệu thời Chiến Quốc cường thịnh như vậy là nhờ những nhân tài kiệt xuất. Liêm Pha có thể mang roi đi tạ tội, đó là một mỹ đức. Lận Tương Như thân là tể tướng, nhưng lại không so đo tính toán với Liêm Pha, đó là sự bao dung. Trong thời hiện đại, nếu có sự bao dung như thế thì còn có chuyện gì không thể thành công? Trong công việc, nếu chúng ta có phẩm chất như Liêm Pha, Lận Tương Như thì dù bạn không muốn thành công cũng không được.

Có cậu: hẹp hòi không phải quân tử. Khí độ lớn bé của một người sẽ thể hiện được phẩm chất tốt xấu của người đó. Chí ít, có chút khí độ thì sẽ không làm những việc khiến người khác ghét. Ai mà không muốn được mọi người yêu mến? Nhưng, để làm người bao dung, rộng lượng không phải là chuyện dễ. Ngoài thái độ lạc quan, bạn cần phải có khả năng kiềm chế mạnh. Ví dụ, nỗi nhục chui qua háng của Hàn Tín, nếu ông không có ý chí kiên cường thì ông đã nổi giận rút kiếm rồi. Khả năng kiềm chế có được từ đâu? Từ trong cuộc sống. Đầu tiên, bạn phải quyết tâm rèn luyện mình trở thành một người bao dung và áp dụng vào thực tế. Tiếp đó, bạn phải kiên trì luyện tập nội tâm của mình để có được phẩm chất tốt. Như thế, bạn sẽ có được sự bao dung, rộng lượng và chỉ cần có đủ bao dung, bạn sẽ thành công.

"Sử Ký Lưu Hầu Thế Gia" có viết: cuối đời Tần, Trương Lương mưu sát Tần Thủy Hoàng tại bãi cát Bác Lãng nhưng không thành, nên ông chạy đến Hạ Phi ẩn cư.

Một hôm, Trương Lương gặp một ông lão mặc đồ màu nâu, râu tóc bạc phơ, chống gậy ở trên cầu tại trấn Đông Thạch. Đôi giày của ông lão bị rơi xuống cầu. Ông ấy bèn bảo Trương Lương nhặt lên giúp. Trương Lương rất ngạc nhiên, nghĩ bụng: "Ông là ai chứ? Dám bảo ta nhặt giày giúp ông à?" Thậm chí, Trương Lươngcòn muốn tung nắm đấm vào đối phương, nhưng thấy ông lão ấy đã già yếu, trong khi mình lại khỏe mạnh trai tráng, nên kiềm chế cơn giận của mình, đi xuống cầu nhặt giày lên cho ông lão.

Nào ngờ, ông lão không những không cảm ơn, mà còn đưa chân ra nói: "Mang giày cho ta đi!" Trương Lương tức giận nghĩ: "Hừ, lão già này, ta đã có lòng tốt nhặt giày giúp lão, lão lại còn được đằng chân lân đằng đầu, muốn ta mang giày cho lão, thật quá đáng!"

Trương Lương định lớn tiếng mắng nhưng nghĩ lại, dù sao cũng đã nhặt giày lên rồi, đã làm việc tốt thì phải làm cho đến cùng. Thế là, Trương Lương lẳng lặng mang giày cho ông lão. Sự cung kính của Trương Lương làm cho ông lão này gật đầu hài lòng. Sau vài lần thử thách nữa, ông lão đã tặng Trương Lương quyển "Thái Công Binh Pháp", tâm huyết cả đời của ông lão. Khi Trương Lương có được quyển kỳ thư, ông đã ngày đêm nghiên cứu. Về sau, ông trở thành một danh thần mưu lược hơn người, giúp nhà Hán lập quốc. Trương Lương có thể kiềm chế được cơn giận của mình, nhặt giày, mang giày cho ông lão. Thực ra, đó chính là ông đang rèn luyện khí độ của mình. Nhìn có vẻ như khiếp nhược nhưng đây không phải là biểu hiện của sự hèn yếu. Biết rõ mình khỏe mạnh hơn ông lão, nhưng vẫn nhún nhường, hành động này vừa là biểu hiện của lòng tôn kính, vừa là biểu hiện của sự tự hoàn thiện tính cách. Chính nhờ sự nhún nhường, Trương Lương đã rèn luyện được ý chí, nâng cao trí tuệ và có được tấm lòng bao dung. Cuối cùng, Trương Lương trở thành nhà quân sự kiệt xuất, ngồi trong trướng cũng có thể giành thắng lợi ở ngoài ngàn dặm. Kẻ mạnh chân chính luôn biết tự rèn luyện, tự bồi dưỡng bản thân trong xã hội. Người có khí độ luôn nắm vững phương pháp quản lý, xử sự ngoài tròn trong vuông, có cương có nhu.

Chúng ta hãy xem thêm một ví dụ nữa:

Thời Chiến Quốc, nước Ngụy có một người tài giỏi tên là Phạm Thư. Phạm Thư muốn giúp Ngụy Vương bàn mưu tính kế, nhưng gia đình quá nghèo, không có tiền để tiến dẫn, đành phải làm việc trong phủ của đại phu Tu Giả. Một lần, Phạm Thư cùng Tu Giả đi sứ sang nước Tề. Tề Tương Vương nghe danh Phạm Thư tài hoa xuất chúng nên cho người mang vàng bạc và lễ vật đến cho Phạm Thư để bày tỏ lòng ngưỡng mộ. Tu Giả nổi giận, cho rằng tặng cho Phạm Thư lễ vật là vì Phạm Thư đã tiết lộ bí mật của nước Ngụy với Tề Vương. Sau khi trở về nước, Tu Giả đem chuyện này nói cho tể tướng Ngụy Tề nghe. Ngụy Tề được mật báo. Nên rất tức giận, cho gia binh dùng gậy đánh, xương sườn của Phạm Thư bị gãy đến mấy cái, răng cũng bị đánh gãy vài chiếc. Phạm Thư giả chết, Ngụy Tề bèn bảo người lấy chiếu quấn lại, vứt vào chuồng xí.

Như vậy vẫn chưa hết, bọn Tu Giả sau khi uống rượu say, lại đến chuồng xí, thi nhau tiểu lên người Phạm Thư. Phạm Thư dù gì cũng là danh sĩ trong thiện hạ, nhưng trong hoàn cảnh khó chịu này, ông đành ngậm đắng nuốt cay, nhờ vệ binh ném ông ra ngoài bãi tha ma. Sau đó, Phạm Thư đến nước Tần, được Tần Chiêu Vương phong làm tể tướng và có cống hiến to lớn trong việc củng cố nước Tần.

Khí độ của Phạm Thư khiến chúng ta khâm phục. Người làm nên nghiệp lớn cần phải có khả năng nhẫn nhịn. Nếu xét ở một góc độ khác, có thể nhẫn nhịn như thế cũng chính là chờ cho thời gian, sự thực làm sáng tỏ cho mình. Thời gian có thể chứng minh được tất cả. Nhẫn nhịn là một đức tính tốt. Khi người thân trách nhầm, bạn bè hiểu lầm, tin đồn thất thiệt... nếu bạn tức giận, buồn bực thì cũng không thể làm sáng tỏ được gì. Trong khi đó, nhẫn nhịn lại có thể giúp bạn khôi phục lại hình tượng, có được sự đánh giá đúng mức. Sau đó, bạn làm những việc cần làm với thái độ bình tĩnh nhã nhặn, chẳng phải là sẽ tốt hơn sao.

Vào giữa đời Thanh, có một câu chuyện về con hẻm sáu thước. Khi đó, tể tướng đương triều Trương Anh và một vị thị lang họ Diệp đều là người Đồng Thành tỉnh An Huy. Hai nhà ở gần nhau và đều muốn xây nhà. Vì tranh đất của nhau nên xảy ra tranh chấp. Trương lão phu nhân bèn viết thư đến Bắc Kinh, bảo Trương Anh đứng ra can thiệp. Vị tể tướng này cũng là người hiểu biết. Sau khi xem xong, ông lập tức viết thư khuyên lão phu nhân: viết thư gửi đi ngàn dặm chỉ vì bức tường, nhường thêm ba thước nữa thì đã sao? Vạn Lý Trường Thành đến nay vẫn còn đấy, chứ đâu thấy Tần Thủy Hoàng năm xưa.

Trương lão phu nhân xem thư, hiểu được đạo lý trong thư, bèn chủ động xây bức tường lùi lại ba thước. Nhà họ Diệp thấy vậy, cảm thấy rất xấu hổ, cũng lập tức xây tường lùi lại ba thước. Như vậy, giữa hai bức tường của hai nhà Trương, Diệp hình thành nên một con hẻm rộng sáu thước, trở thành con hẻm sáu thước nổi tiếng. Vì thế, tranh một chút, đường không thông, nhường một chút, hẻm sáu thước. Người xưa đã có thể như thế, ngày nay, việc xử đúng sai giữa đồng nghiệp, hàng xóm, chúng ta lại càng phải cao hơn một bậc.

Khí độ bao gồm những đức tính như nhẫn nhịn, khoan dung và không chấp nhặt. Trong lịch sử, chúng ta có thể đọc được rất nhiều câu chuyện đáng để chúng ta học tập.

"Tống Sử" chép rằng: một hôm, Tống Thái Tông vừa uống rượu, vừa bàn chuyện với hai đại thần ở Bắc Bồi Viên. Khi hai đại thần say khướt, họ lại so đo công lao với nhau trước mặt hoàng đế. Họ càng nói càng hăng, không ai nhường ai, đến nỗi quên mất việc phải giữ lễ quân thần trước mặt hoàng đế. Thị vệ ở bên cạnh thấy thật chẳng ra sao nên tâu với Tống Thái Tông bắt hai người này đem đến Lại bộ trị tội. Tống Thái Tông không đồng ý, chỉ sai người đưa họ về nhà. Đến trưa hôm sau, hai người này mới tỉnh rượu. Khi nhớ lại những việc hôm qua, họ mới hoảng sợ, vội vào cung tạ tội. Tống Thái Tông thấy bộ dạng lo sợ của họ, bèn nói qua loa: "Hôm qua trẫm cũng say, không nhớ chuyện này."

Khoan dung là một mỹ đức, cũng là biểu hiện của khí độ. Người quản lý ngày nay khó tránh khỏi những xung đột với cấp dưới, bị cấp dưới không tôn trọng. Lúc này, bạn nên học Tống Thái Tông, vừa không xử phạt, vừa không tỏ thái độ, vờ như không biết, hành xử khoan dung. Như thế, bạn vừa thể hiện được sự nhân hậu của người quản lý, vừa thể hiện được trí tuệ của nhà lãnh đạo; không những không mất đi sự uy nghiêm của nhà lãnh đạo, mà còn giữ được thể diện cho cấp dưới. Sau này, mối quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới cũng không lúng túng khó xử. Đối với một doanh nghiệp, tấm lòng khoan dung của người lãnh đạo không có nghĩa là bạn phải làm một người dĩ hòa vi quý, mà là phải đặt mình vào vị trí của cấp dưới để suy nghĩ. Người quản lý giỏi sẽ cố gắng tránh nói không, để tránh làm tổn thương người khác. Họ sẽ không áp dụng bất cứ một hành động nào và mong muốn vấn đề sẽ tự động triệt tiêu. Nhưng họ cũng không bao giờ nói không dám trực diện với vấn đề hoặc đầu hàng nhân viên. Khoan dung và nhu nhược về cơ bản là khác nhau.

Đối với thành công của cá nhân, khoan dung có ảnh hưởng rất lớn. Không có khoan dung thì không có sự tin tưởng. Không có khoan dung thì không có đoàn kết và hợp tác. Không có khoan dung thì không thể xuất hiện kì tích.

Cổ nhân giải thích về chữ "nhẫn" có chí ít hai tầng ý nghĩa. Một là bền bỉ và ngoan cường. Chu Tứ đời nhà Tấn nói: hai kẻ đối địch, hơn nhau chỉ có chữ nhẫn; đối phương không thể nhẫn, ta có thể nhẫn thì sẽ chiến thắng (Tấn Thư - Chu Từ Truyện). Chữ "nhẫn" ở đây chính là tinh thần ngoan cường. Hai là sự kiềm chế. Sự nhẫn nại này chẳng phải là đã hun đúc nên phẩm chất ngoan cường, bền bỉ sao? Nhường nhịn là một sự độ lượng. Người biết tự kiềm chế là người sâu sắc và có biểu hiện của tài trí mưu lược kiệt xuất.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh