- Phép tắc 19: BIẾN MỤC TIÊU THÀNH HIỆN THỰC

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cây gỗ của bạn phải do chính bạn đốn lấy, nước của bạn phải do chính bạn đào lấy, mục tiêu chính của cuộc đời bạn phải do chính bạn tạo ra, biến mục tiêu thành hiện thực là việc của chính bạn.

Trong quyển "Định luật thành công", Napoleon Hill đã đưa ra những bước dưới đây để biến mục tiêu thành hiện thực.

1. Bạn phải xác định con số cụ thể mà bạn hy vọng có được trong tâm trí

Nói một cách vô vị: "Tôi muốn có thật nhiều, thật nhiều tiền", thì không có ích gì cả. Bạn cần phải xác định tiêu chuẩn đánh giá cụ thể cho thành công mà bạn đang đeo đuổi. Ví dụ, kiếm bao nhiêu tiền, làm quan chức lớn đến đâu, giành được thành quả gì trong khoa học...

Cùng là kinh doanh bất động sản, kế hoạch của Tom là vay ngân hàng 1200000 đô, trong khi John chỉ vay 1191900 đô. Cuối cùng, ngân hàng đã cho John vay và từ chối Tom. Nguyên nhân là giám đốc ngân hàng cho rằng dự đoán của John cụ thể và có cân nhắc kỹ lưỡng, chứng tỏ John làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, hy vọng thành công khá cao.

Từ đó có thể thấy, phải đặt ra một mục tiêu khả thi, cụ thể.

2. Quyết tâm mạnh mẽ sẽ tạo ra kỳ tích

Người có quyết tâm giành được thành công đều biết, tiến bộ là thứ mà ta phải nỗ lực từng chút một mới có được. Ngôi nhà là do từng viên gạch nhỏ xây nên, thắng lợi cuối cùng của một trận đấu bóng là nhờ vào sự tích lũy của từng tỉ số, sự phồn vinh của một cửa hàng là do từng khách hàng tạo ra. Vì vậy, mỗi một thành công to lớn đều là do những thành công nhỏ tích lũy nên.

Một nhà văn kiêm phóng viên chiến trường nổi tiếng đã từng bày tỏ trong bài viết đăng trên "Trích tác phẩm của độc giả" số tháng 4/1954: lời khuyên chân thành nhất mà ông nhận được là "cố đi thêm một dặm đường nữa", dưới đây là một đoạn của bài văn đó:

Trong thời gian chiến tranh thế giới lần hai, tôi và vài người nữa buộc phải nhảy dù thoát thân từ máy bay vận tải bị rách nát. Kết quả là chúng tôi rơi xuống một khu rừng biên giới giữa Ấn Độ và Miến Điện. Lúc này, điều duy nhất chúng tôi có thể làm là lê những bước chân nặng nề đi về phía Ấn Độ. Toàn bộ lộ trình dài 140 dặm Anh, chúng tôi phải trèo đèo lội suối dưới cái nóng như thiêu đốt của tháng tám hoặc trời mưa tầm tã do gió mùa mang lại. Mới đi được một giờ, chiếc đinh từ đôi ủng đã đâm vào chân tôi. Đến chập tối, hai chân tôi đều đã nổi những nốt phồng rộp to như đồng tiền xu. Tôi có thể lê lết đi hết 140 dặm sao? Tình trạng của những người khác cũng tệ không kém, thậm chí còn tệ hơn. Họ có thể đi nổi không? Chúng tôi cho rằng thế là hết, nhưng không thể không đi. Để tìm được một chỗ nghỉ đêm, chúng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, đành phải cắn răng cố đi thêm một dặm đường nữa...

Khi tôi gạt mọi công việc khác sang một bên, bắt đầu viết một cuốn sách cả vạn chữ, tâm trí tôi không thể nào yên được. Suýt chút nữa là tôi từ bỏ sự tôn nghiêm của một giáo sư mà tôi luôn cho là vinh hạnh, cũng có nghĩa là gần như tôi không muốn làm. Cuối cùng, tôi buộc mình chỉ nghĩ đoạn tiếp theo sẽ viết như thế nào, chứ không phải là trang tiếp theo, đương nhiên, càng không phải là chương tiếp theo. Trong suốt sáu tháng trời, ngoài việc không ngừng viết từng đoạn, từng đoạn, tôi không làm bất cứ việc gì khác. Kết quả là đã viết xong.

Mấy năm trước đây, tôi nhận một hợp đồng mỗi ngày viết một kịch bản quảng cáo. Đến nay, tôi đã viết được 2000 bản. Nếu khi ấy, tôi ký một hợp đồng viết 2000 kịch bản thì chắc chắn tôi sẽ bị con số khổng lồ ấy làm cho chết khiếp, thậm chí là từ chối. May mà chỉ viết một kịch bản, rồi lại viết thêm một kịch bản nữa. Cứ như thế, ngày này qua tháng nọ, tôi đã viết được nhiều như thế ấy.

Nguyên tắc của "cố đi thêm một dặm nữa" không những rất hữu dụng đối với nhà văn mà đương nhiên, nó còn hữu dụng đối với bạn.

Làm việc theo từng bước một là cách làm thông minh để thực hiện bất cứ một mục tiêu nào. Phương pháp cai thuốc tốt nhất là kiên trì "một tiếng đồng hồ rồi lại một tiếng đồng hồ nữa". Tôi có rất nhiều người bạn đã dùng phương pháp cai thuốc này và tỉ lệ thành công cao hơn những phương pháp khác. Phương pháp này không yêu cầu họ hạ quyết tâm mãi mãi không hút thuốc mà chỉ cần họ không hút thuốc lá trong một giờ tiếp theo nữa thôi. Khi giờ này kết thúc, chỉ cần chuyển quyết tâm của anh ta vào giờ tiếp theo là được. Khi cơn thèm thuốc dần dần giảm bớt, thời gian sẽ được kéo dài đến hai giờ, rồi lại kéo đến một ngày, cuối cùng, họ sẽ hoàn toàn cai được thuốc. Những người muốn cai thuốc ngay chắc chắn sẽ thất bại, vì họ không chịu nổi cảm giác của tâm lý. Chịu đựng trong một giờ thì rất dễ, nhưng mãi mãi không hút thuốc lá thì lại rất khó.

Để thực hiện bất cứ mục tiêu nào, bạn cần phải tiến hành theo từng bước thì mới có thể thành công. Đối với người quản lý kinh doanh sơ cấp, dù công việc được phân công hết sức bình thường, bạn cũng nên xem đó là cơ hội tốt để mình tiến thêm một bước nữa. Một nhân viên bán hàng mỗi khi xúc tiến thành công một giao dịch, là đã tích lũy được một điều kiện để hướng đến chức vụ quản lý. Giáo sư mỗi một lần diễn giảng, nhà khoa học mỗi một lần thí nghiệm đều là một bước tiến, là cơ hội tốt để vươn lên.

Đôi lúc, một số người trông có vẻ như đã thành danh trong một đêm, nhưng nếu bạn nhìn kỹ quá trình của họ, thì bạn sẽ thấy thành công của họ không phải là ngẫu nhiên có được. Họ đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết, đã xây nên một nền móng vững chắc. Đối với những người xốc nổi, thành công của họ thường chỉ là phù du. Họ thường không có cái gốc vững vàng và thực lực hùng hậu.

Một công trình kiến trúc lộng lẫy, nguy nga đều do từng viên đá xây nên. Bản thân viên đá thì không đẹp, thành công cũng như thế.

Bạn hãy làm như sau:

Hãy biến một ý nghĩ của bạn (dù ý nghĩ đó hết sức bình thường) thành một bước trong mục tiêu cuối cùng của bạn và hãy tiến hành ngay lập tức. Bạn phải luôn ghi nhớ câu hỏi sau đây và dùng nó để đánh giá mỗi một việc bạn làm: "Việc này có giúp ích gì cho mục tiêu của mình hay không?" Nếu câu trả lời là không, thì bạn dứt khoát không làm. Nếu câu trả lời là có, thì bạn hãy ra sức thúc đẩy.

Chúng ta không thể nào thành công ngay được, mà chỉ có thể từng bước một tiến đến thành công.

Bạn hãy nghĩ xem, làm sao để nâng cao hiệu suất của bạn. Bạn hãy dựa vào "kế hoạch thay đổi trong 30 ngày" để tự mình cân bằng. Bạn có thể điền vào ngay dưới tiêu đề những việc bạn cần làm trong một tháng. Sau một tháng, bạn hãy kiểm tra lại tiến độ và lập ra mục tiêu mới. Bạn hãy thường xuyên lưu ý đến những chuyện nhỏ để củng cố thêm bản lĩnh gánh vác việc lớn, điều kiện và thực lực của bạn.

3. Kế hoạch thay đổi trong 30 ngày

Bắt đầu từ bây giờ, bạn phải đặt ra cho mình một kế hoạch thay đổi trong 30 ngày, nội dung như sau:

(1) Thay đổi những thói quen sau

a. Hoàn thành công việc không đúng thời hạn.

Tôi quy định mình phải dậy lúc 6 giờ sáng, nhưng mỗi ngày tôi đều dậy muộn hơn nửa tiếng, làm cho kế hoạch của tôi không thể nào hoàn thành đúng thời hạn.

b. Những câu mang tính tiêu cực.

Khi tôi cảm thấy rất mệt mỏi, tôi thường nói theo thói quen: "Tôi tiêu rồi, tôi không muốn làm nữa."

c. Mỗi ngày xem ti vi quá 60 phút.

Khi xem ti vi cùng với vợ tôi, tôi có thể xem một mạch đến hai tiếng.

d. Nói chuyện phiếm một cách vô ích.

Tôi thích tán gẫu với bạn bè.

(2) Tập những thói quen sau:

a. Trước khi ra khỏi nhà vào mỗi buổi sáng, hãy kiểm tra dáng vẻ của mình.

Soi gương, sau đó xin vợ một vài lời khuyên.

b. Công việc của mỗi ngày đều được lên kế hoạch từ tối hôm trước.

Để công việc của ngày thứ hai được chuẩn bị tốt, hãy sắp xếp tốt kế hoạch và văn kiện mà mình cần.

c. Cố gắng khen ngợi người khác trong bất cứ trường hợp nào.

Cho dù anh ta không có chỗ nào đặc biệt đáng để khen, nhưng bạn cũng nên khen ngợi anh ta một chút.

(3) Áp dụng những phương pháp sau để tăng hiệu suất công việc.

a. Cố gắng phát huy tiềm lực làm việc của cấp dưới.

b. Bồi dưỡng thêm nghiệp vụ của công ty, như nghiệp vụ của công ty, gồm những gì? Khách hàng là những ai?

c. Đưa ra ba ý kiến để cải thiện nghiệp vụ của công ty.

(4) Áp dụng những phương pháp sau để rèn luyện tính cách

a. Mỗi tuần, dành ra hai tiếng để đọc tạp chí chuyên nghiệp.

b. Đọc một quyển sách.

c. Làm quen với bốn người bạn mới.

d. Mỗi ngày, yên tĩnh suy nghĩ trong 30 phút.

Khi bạn nhìn thấy một nhân vật nổi tiếng có phong độ hơn người, bạn nên lập tức nhắc nhở mình, phong độ đó không phải là bẩm sinh, mà do việc tự kiềm chế mình một cách nghiêm khắc, thiết lập những thói quen mới tích cực và loại trừ tận gốc những thói quen cũ tiêu cực chính là quá trình rèn luyện của những người này.

Hãy lập tức đề ra kế hoạch thay đổi trong 30 ngày.

Khi bàn về cách đặt ra mục tiêu, thường có người nói rằng: " Tôi rất hiểu tầm quan trọng của việc một lòng theo đuổi mục tiêu, nhưng tôi có quá nhiều việc vặt vãnh, nó thường làm đảo lộn kế hoạch ban đầu, vậy phải làm sao?"

Quả thực, có rất nhiều yếu tố mà chúng ta chưa biết ảnh hưởng đến các bước thực thi của chúng ta như người thân bị bệnh, mất việc hoặc những chuyện ngoài ý muốn khác. Vì vậy, chúng ta cần phải bình tĩnh, khi gặp trắc trở thì phải tìm cách cứu vãn. Ví dụ, bạn gặp tình huống tắt đường khi đang lái xe, bạn không thế đứng yên một chỗ, đương nhiên cũng không đành lòng quay trở về. Bạn có thể đi sang đường khác để đến nơi bạn cần đến.

Hãy quan sát cách làm của một vị tướng cấp cao dưới đây. Mỗi khi họ vạch ra một chiến lược, họ đều vạch ra vài phương án dự bị để sử dụng khi cần thiết. Có nghĩa là, khi xảy ra chuyện bất ngờ, phải hủy bỏ phương án A thì họ sẽ chuyển sang dùng phương án B, giống như sân bay nơi máy bay định đáp xuống gặp sự cố, tổ bay buộc phải hạ cánh xuống một sân bay lân cận. Có rất ít trường hợp thành công mà không phải đi quanh co. Khi bạn tiến về trước theo con đường vòng, mục tiêu của bạn vẫn không thay đổi, chỉ là chọn con đường khác mà thôi.

Hãy định ra một kì hạn cố định, nhất định phải kiếm được tiền trước kì hạn này. Nếu không có thời gian biểu thì con thuyền của bạn sẽ không bao giờ cập bến.

Không nên dây dưa. Bạn đã biết mục tiêu chính của bạn phải do bạn xác định, vì vậy, tại sao không nhanh chóng thực hiện? Không ai có thể xác định thay cho bạn mục đích chính của bạn. Bạn dự định sẽ đối phó với nó như thế nào? Vào lúc nào? Làm như thế nào?

Hãy đặt ra một kế hoạch khả thi để thực hiện mục tiêu và lập tức hành động.

4. Làm ngay tức thì

Thói quen tốt này sẽ giúp cho mọi việc được hoàn thành một cách tỉ mỉ. Nó ảnh hưởng đến các mặt trong đời sống thường ngày. Nó sẽ giúp bạn nhanh chóng hoàn thành những việc bạn cần làm nhưng bạn lại không thích làm. Nó có thể giúp bạn không trì hoãn khi phải đối mặt với những nhiệm vụ mình không thích và cũng có thể giúp bạn làm những việc bạn muốn làm. Nó có thể giúp bạn chớp lấy những thời cơ quý báu.

Bạn hãy viết bốn điểm kể trên lên giấy, chứ không thể chỉ ghi nhớ. Một ngày hai lần, bạn hãy đọc to nội dung của kế hoạch đó. Một lần vào buổi tối, trước khi đi ngủ và một lần vào buổi sáng, sau khi thức dậy. Khi bạn đọc to, bạn phải nhìn được, cảm giác được và tin chắc rằng bạn đã có được thành công. Hill chính là một tấm gương cho chúng ta noi theo trong việc biến mục tiêu thành hiện thực.

Năm 1908, Hill vừa làm việc cho một tờ tạp chí ở bang Tennessee vừa học đại học. Do có những biểu hiện xuất sắc trong công việc nên Hill được giao nhiệm vụ đi phỏng vấn Andrew Carnegie, ông vua trong ngành sắt thép. Andrew Carnegie rất thích chàng trai có chí tiến thủ, tràn đầy sức sống, xông xáo, kiên nhẫn, lý trí, tình cảm này. Ông nói với Hill rằng: "Tôi muốn thách đấu với anh, tôi muốn anh bỏ ra 20 năm để nghiên cứu thành công của người Mỹ về phương diện triết học, sau đó đưa ra một đáp án, nhưng ngoài việc viết giấy giới thiệu anh cho những người đó, tôi sẽ không có bất cứ chi viện kinh tế nào cho anh. Anh dám nhận không?" Hill tin vào trực giác của mình và dũng cảm tiếp nhận. Vài năm sau, tiến sĩ Hill đã nói trong buổi diễn thuyết của mình: "Hãy thử nghĩ xem, người giàu có nhất nước lại muốn tôi làm việc cho ông ấy trong hai mươi năm nhưng lại không trả cho tôi một đồng lương nào. Nếu là bạn, bạn sẽ trả lời Yes hay No cho lời đề nghị này? Nếu là người "thức thời", trước lời đề nghị vô lý này, chắc chắn sẽ từ chối, nhưng tôi lại không làm như vậy."

Trong lời thách thức của Carnegie chất chứa một mục đích rõ ràng: nghiên cứu triết lý thành công của người Mỹ và thời hạn đạt được mục tiêu này là hai mươi năm. Dưới sự giới thiệu của Carnegie, Hill đã phỏng vấn 500 người giàu có nhất nước Mỹ lúc ấy và tiến hành nghiên cứu quy luật thành công của họ. Cuối cùng, vào năm 1928, ông đã hoàn thành và xuất bản quyển sách "Định luật thành công". Ông đã hoàn thành công trình đúng hai mươi năm. Tác phẩm này đã gây chấn động thế giới. Nó đã từng giúp hàng ngàn, hàng vạn người trở nên giàu có hoặc nổi tiếng. Bảy năm sau, Hill làm cố vấn cho tổng thống Roosevelt. Cùng thời gian này, ông bắt đầu viết tác phẩm "Suy nghĩ để làm giàu". Tác phẩm này được xuất bản vào năm 1937. Tiếp đó, ông lại đúc kết từ hai quyển sách "Định luật thành công" và "Suy nghĩ để làm giàu" để đưa ra mười bảy định luật thành công. Xác định mục tiêu rõ ràng chính là một trong mười bảy định luật thành công này và bước "biến mục tiêu thành hiện thực" đã được chính Napoleon Hill trải nghiệm.

Để biến mục tiêu thành hiện thực, bạn cần phải nhận ra sự tiến bộ của mình. Vì khi bạn thực hiện mục tiêu, chắc chắn bạn sẽ trải qua một quá trình, nhận ra sự tiến bộ sẽ là một sự khích lệ đối với bạn và cũng sẽ tăng thêm lòng tin thành công trong mỗi bước tiếp theo.

Napoleon Hill còn cho chúng ta một ví dụ chân thực, chứng tỏ nếu người này không nhận ra sự tiến bộ của mình thì sẽ có kết quả như thế nào.

Vào một buổi sáng ngày 4 tháng 7 năm 1952, sương mù bao phủ khắp bờ biển California. Trên đảo Catalina cách bờ biển phía Tây 21 dặm Anh, một cô gái 34 tuổi bước xuống nước, bơi qua Thái Bình Dương để đến bờ biển California. Nếu thành công, cô sẽ là người phụ nữ đầu tiên bơi qua eo biển này. Cô tên là Florence Chadwick. Trước đó, cô đã là người phụ nữ đầu tiên bơi qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp.

Sáng hôm ấy, sương mù dày đặc, gần như không thể thấy được cô và thuyền cứu hộ. Từng giờ trôi qua, hàng ngàn, hàng vạn người đang theo dõi cô trên ti vi. Có mấy lần, cá mập đã tiến đến gần cô nhưng bị người ta nổ súng hù dọa nên chúng bỏ đi. Cô vẫn tiếp tục bơi. Trong những lần bơi vượt biển trước kia, trở ngại lớn nhất của cô không phải là mệt mà là nước lạnh thấu xương.

Sau 15 giờ, cô vừa mệt, vừa lạnh đến cứng người. Cô biết mình không thể bơi được nữa nên gọi người kéo mình lên bờ. Mẹ cô và huấn luyện viên đang ở trên một chiếc thuyền khác. Họ đều bảo cô đã ở rất gần bờ, khuyên cô đừng từ bỏ. Nhưng khi cô nhìn về phía bờ thì chỉ thấy toàn là sương mù. Không lâu sau, họ kéo cô lên thuyền. Mười mấy phút sau, cô cảm thấy ấm dần lên. Lúc này, cô bắt đầu cảm thấy sự công kích của thất bại. Cô nói trước phóng viên mà không cần phải nghĩ ngợi: "Thú thật, không phải là tôi biện hộ cho mình, nếu lúc đó tôi nhìn thấy bờ thì có lẽ tôi đã có thể tiếp tục kiên trì." Nơi mà người ta kéo cô lên thuyền chỉ cách bờ biển California có nửa dặm. Sau đó, cô nói, điều làm cô ấy bỏ dở giữa chừng không phải là mệt mỏi, cũng không phải vì lạnh, mà là vì trong sương mù, cô không nhìn thấy đích đến. Trong cuộc đời của Chadwick, chỉ có lần đó là cô không kiên trì đến cùng. Hai tháng sau, cô đã bơi qua được eo biển này thành công. Cô không những là người phụ nữ đầu tiên bơi qua biển Catalina, mà còn bơi nhanh hơn kỷ lục của nam giới khoảng hai giờ.

Chadwick tuy là một vận động viên bơi lội giỏi nhưng cũng cần phải nhìn thấy mục tiêu mới có thể có đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ mà khả năng cô có thể hoàn thành. Khi bạn vạch ra thành công của mình, bạn không nên coi thường tầm quan trọng của việc nhìn thấy mục tiêu.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh