- Phép tắc 37: DỤC CẦM CỐ TUNG

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Có một câu chuyện rất thực: sở thú định đào thải một cặp sói 25 tuổi. Sói 25 tuổi là đã rất già. Theo quy định của sở thú, cách đào thải là hé mở một nửa cửa chuồng, chờ khi con sói thò đầu ra, họ sẽ sập xuống để giữ đầu con sói lại, rồi dùng gậy sắt đập mấy nhát vào đầu con sói, con sói sẽ chết ngay.

Khi hãng phim có được tin này, họ lập tức liên hệ sở thú để ký kết một hợp đồng. Hãng phim này đang định làm một bộ phim "những câu chuyện của sói". Hai con sói này đã có dịp được dùng đến. Đương nhiên, họ sẽ đánh chết con sói theo cách cũ mà làm theo hợp đồng. Cặp sói già này được đưa vào trong một lồng sắt di động. Chiếc lồng sắt này lại được đưa đến một bãi cỏ. Bãi cỏ này lại có một số lùm cây bao quanh. Ngoài những lùm cây còn có một tấm lưới sắt. Nơi đây vốn là chuồng nuôi chuột túi. Đạo diễn muốn dùng nơi này để quay đoạn kết của bộ phim: cái chết của con sói già. Khi tiến hành quay, chiếc lồng sắt sẽ được đưa đến. Phim trường để cặp sói này xuất hiện giống với hoang dã, như thế sẽ không gây phản cảm cho hai con sói. Cặp sói này bị nhốt gần hai mươi năm nên chúng không quan tâm đến bất cứ chuyện gì. Nhưng lần này, chúng không thể quan tâm vì theo kịch bản, cặp sói này bị chết đói.

7 giờ sáng, con sói nhìn thấy người quản lý xuất hiện ở phía những lùm cây với một chiếc xe đẩy chứa đầy thức ăn. Chúng lập tức đứng bật dậy. Cái mũi nhạy bén của chúng đã ngửi thấy mùi thơm của thịt sống. Hàng ngày, chúng đều nhận được một miếng thịt sống ngon lành và một số thức ăn không ngon từ người quản lý. Lần này, người quản lý lại không đưa nước và thức ăn đến. Chiếc xe đẩy nhỏ cọc cạch đi xa, mất hút và suốt cả ngày, không thấy xuất hiện nữa. Hai con sói kêu lên liên tục. Ban đầu, tiếng kêu của chúng như nhắc nhở người quản lý đừng quên chúng. Sau đó, tiếng kêu trở nên giận dữ như đang kháng nghị con người. Cuối cùng là những tiếng rên siết rất thê lương. Chúng lồng lộn trong chuồng, cuối cùng, kiệt sức và nằm bẹp xuống. Chạng vạng tối, đạo diễn và một chuyên gia của sở thú đến bên lồng sắt. Đạo diễn này nhờ chuyên gia này đánh giá xem cặp sói này có thể sống được bao lâu trong tình trạng không có thức ăn và nước, khi nào thì có thể thả chúng ra khỏi lồng sắt mà không gây nguy hiểm cho đoàn làm phim. Kết luận của chuyên gia là ba ngày. Cho dù là có cung ấp thức ăn cho chúng như mọi ngày thì tuổi thọ của chúng cũng chỉ có mấy mươi ngày. Cặp sói này dẫu sao cũng đã tiếp xúc với con người gần hai mươi năm, tuy không hiểu tiếng người nhưng chúng cũng có thể đoán được phần nào ý định của con người. Chúng hiểu con người muốn hành quyết chúng. Sói là loài động vật không sợ chết, nhưng cũng là loài không xem thường cái chết. Nếu đáy của chiếc lồng này không được làm bằng sắt thì ban đêm, chúng chắc chắn sẽ đào hố để trốn thoát. Đêm hôm đó, con sói già quỳ mọp xuống và dùng cái mõm nhọn của nó gặm lấy gặm để đám cỏ mọc bên cạnh chiếc lồng. Ăn cỏ xanh chí ít cũng có thể giảm bớt được sự hành hạ của cơn khát. Chạng vạng tối ngày thứ ba, đạo diễn lại đến. Ông định tối nay sẽ quay cảnh con sói gần chết. Hai con sói này không được ăn uống đã ba ngày. Chúng quỳ mọp trong lồng, mí mắt cụp xuống, lưỡi thè ra bên mép, toàn thân mềm nhũn trông có vẻ như chỉ còn chút hơi tàn. Đạo diễn thử dùng một cây gậy nhỏ chầm chậm đưa đến gần đầu con đực. Khi cây gậy đến gần, con sói đực chỉ mở một mắt ra nhìn. Đạo diễn đã nhìn thấy ánh lửa thù hận, sự xảo trá và một chút tàn lực trong mắt của con sói. Đạo diễn liền từ bỏ ý định quay vào đêm nay.

Sau khi đạo diễn đi, một con mèo vàng lớn từ phía lùm cây chạy đến. Con mèo này từ nhỏ đã sống trong sở thú nên nó rất hiểu tính người. Nó đã đoán được nơi đây sắp xảy ra một chuyện thú vị. Con mèo thậm thà thậm thụt đi một vòng quanh chiếc lồng. Đột nhiên, nó kêu lên một tiếng kỳ dị. Hai con sói không buồn mở mắt. Chỉ động đậy nhẹ đôi tai. Con mèo thấy con sói đã gần chết, nó vui mừng và rất muốn trêu chọc con sói này. Nhưng nó lại không nghĩ ra được trò gì nên chỉ vòng quanh chiếc lồng mấy vòng rồi bỏ đi. Tuy con sói đã gần chết nhưng mùi vị phát ra từ nó vẫn làm cho con mèo cảm thấy bất an.

Ngày thứ tư, đạo diễn lại đến. Ông tiếp tục thăm dò con sói bằng cây gậy nhỏ. Lần này, hai con sói đã không còn động đậy gì nữa. Ngoại trừ cái bụng hơi phập phồng, khắp cơ thể chúng khó tìm được bất cứ một dấu hiệu nào của sự sống. Đạo diễn quyết định tối nay sẽ bỏ lồng ra để quay phim. Nếu sói chết thật thì kế hoạch quay phim sẽ thất bại. Đạo diễn vừa đi, con mèo lại đến bên chiếc lồng. Lần này, nó đã nghĩ ra cách trêu chọc con sói. Nó muốn trèo lên đỉnh lồng để tiểu lên người con sói. Nó đã để dành thật nhiều nước tiểu, định bụng trêu chọc con sói già một trận. Con mèo bắt đầu đến bên vách lồng để trèo lên đỉnh. Đây là trò chơi sở trường của nó. Đúng lúc này, mắt của con sói đột nhiên lộ ra một khe hở, con sói đột nhiên ngẩng đầu lên, nhanh như chớp vồ lấy con mèo. Đây là điều mà con mèo không thể ngờ đến. Con sói định cắn lấy con mèo, nhưng cơ thể suy nhược cực độ nên động tác của nó không còn chuẩn xác nữa. Con sói chỉ cắn được cái đuôi của con mèo.

Con mèo kêu lên thảm thiết, cố giữ lấy hàng rào sắt, không để cho con sói kéo nó vào trong lồng. Dường như con sói đã dồn hết tàn lực vào trong cú vồ này nên nó đã không còn đủ sức kéo con mèo vào. Hàm răng của con sói đực đang run lên bần bật. Con sói cái cố gắng mở mắt ra nhìn. Cảnh tượng trước mắt đã kích thích mạnh mẽ nó. Nó cổ sức ngẩng đầu lên. Con mèo cực kỳ hoảng sợ, bãi nước tiểu nóng bắn thẳng vào đầu con sói đực. Chính bãi nước tiểu này đã cứu mạng con mèo. Con sói đang khát cháy lập tức thả đuôi con mèo ra để liếm lấy những giọt nước không biết từ đâu đến. Con mèo cuống cuồng nhảy ra khỏi chiếc lồng sắt. Nó nhảy lên nóc nhà, liếm cái đuôi bị sói cắn đứt. Từ đó, nó mới thấy ngay cả một con sói sắp chết cũng có thể hù đến hoảng vía. Lúc này, đạo diễn đưa tổ làm phim đến bãi cỏ. Đạo diễn sai người lấy chiếc lồng ra, để hai con sói nằm trên bãi cỏ, còn cho hai con sói uống một chút nước để chúng hồi phục chút sức lực.

Con sói đực mở to hai mắt, mắt nó ánh lên một màu xanh u tối, đầy hù hận và sát khí, chiếu thẳng vào máy quay. Con sói cái cũng mở to hai mắt, nhưng ánh mắt lại hướng về con sói đực. Con sói đực phát hiện ra cử động của con sói cái, nó cúi đầu xuống nhìn con sói cái, cổ họng phát ra tiếng rít rất khó khăn. Con sói cái hơi xê dịch người, gối đầu lên chân trước của con sói đực. Con sói đực kêu trong cổ họng và dùng lưỡi chạm vào mặt con sói cái...

Đạo diễn rất hài lòng với biểu hiện của cặp sói này. Kịch bản của bộ phim viết là: sau những gian nan, cặp sói già đã sống tựa vào nhau, chúng bình tĩnh nằm trong hoang dã và dần mất đi sức sống... Đạo diễn vui mừng nói: "Quá đặc sắc! Quả cảm động!"

Dưới ánh sáng của đèn thủy ngân, hai con sói tựa đầu vào nhau và từ từ nhắm mắt, cả một tiếng động nhỏ cũng không có. Mọi người đều cho rằng chúng đã chết thật. Khi cảnh quay kết thúc, trời đã quá khuya, đạo diễn cùng mọi người trở về. Người quản lý sở thú vì quá mệt mỏi nên vội vàng quay về ngủ mà không kịp xử lý xác con sói. Khi đạo diễn quay về nơi ở, ông nằm trên giường mà vẫn còn nhớ đến cặp sói bị chết đói này: "Hai con sói này sống dai thật, nhưng nếu không quay phim, thì nó sẽ không phải sống đau khổ như thế." Đạo diễn quả là một người đa cảm. Ông nghĩ như vậy nên không thể nào ngủ được. Sáng sớm ngày hôm sau, đạo diễn đã đến sở thú. Ông không biết phải xử lý xác của hai con sói này ra sao. Theo hợp đồng, tổ làm phim phải đảm nhiệm luôn việc xử lý xác con sói. Khi đạo diễn đi vào lưới sắt, đi qua lùm cây và nhìn đến chỗ xác con sói, ông chợt dựng tóc gáy. Con sói đực đó đã sống như một phép màu và còn đứng rất hiên ngang. Ánh mắt nó phát ra tia nhìn dữ tợn, bên mép dính đầy những vệt máu màu tím bầm. Con sói cái đã biến mất, chỉ còn lại đám lông màu xám và đống xương đã bị rỉa hết thịt. Sau đó, con sói dồn hết sức nhảy một cái, chạy qua lưới sắt, biến mất trong cánh đồng hoang. Từ đó, không ai nhìn thấy con sói đó nữa.

Những sách lược mà bầy sói sử dụng để thực hiện mục tiêu của mình là biến hóa khôn lường. Đôi lúc, chúng còn biết sử dụng chiến thuật phức tạp để giết con mồi.

Một nhóm gồm tám con sói được tổ chức tạm thời để săn đàn bò xạ. Chúng đang đuổi đàn bò chạy đến một nơi cao. Khi bầy bò này đến nơi cao nhất, chúng sẽ bị hai con sói trông có vẻ có ý chí sắt đá và lạnh lùng đứng chặn trên con đường mà bầy bò chắc chắn sẽ đi qua. Bầy bò này hoảng hốt bỏ chạy tán loạn, vì vậy, tính bảo vệ của bầy bò cũng mất đi. Khi bầy bò này bỏ chạy tứ tán, sáu con sói còn lại đã xông vào những con bò xạ yếu và không được bảo vệ. Một con bám chặt phía sau, một con phía đầu, những con sói còn lại sẽ đến chỗ trống. Trận đấu nhanh chóng kết thúc. Những con bò xạ này vốn sống nhờ vào sự bảo vệ của bầy đàn, hơn nữa chúng không có kế hoạch cạnh tranh, tấn công mang tính kỹ thuật. So với bầy bò xạ, bầy sói ít hơn rất nhiều, nhưng sói có chiến lược dục cầm cố tung (muốn bắt nhưng lại thả ra) và biết thực thi đúng như vậy nên chúng giành được thắng lợi.

Chỉ có tiêu diệt kẻ thù, đoạt được địa bàn mới là mục đích của đánh trận. Nếu dồn ép kẻ địch đến mức chó cùng rứt giậu, bên ta tổn binh thất tướng là điều không đáng. Tha cho kẻ địch không đồng nghĩa với việc thả hồ về rừng, mục đích là làm cho kẻ địch lơi lỏng ý chí chiến đấu, dần dần tiêu hao sức lực. Sau cùng, phe ta sẽ tìm cơ hội, tiêu diệt hết quân địch, đạt được mục đích tiêu diệt kẻ thù. Gia Cát Lượng bảy lần bắt bảy lần thả không phải là vì tình cảm. Mục đích cuối cùng của ông vẫn là lợi dụng ảnh hưởng của Mạnh Hoạch để giữ vững phương nam, thừa cơ mở rộng lãnh thổ. Trong mưu lược quân sự, có hai chữ là "biến" và "thường". Tha cho tướng soái của quân địch không phải là chuyện thường tình. Thông thường, khi bắt được kẻ địch, người ta không dễ gì thả ra vì sợ hậu họa về sau; còn Gia Cát Lượng thì biết nhận định tình thế, sử dụng kế công tâm, bảy lần bắt, bảy lần tha. Cuối cùng, ông đã đạt được mục đích.

Cuối đời Tây Tấn, đô đốc Châu U là Vương Tuấn mưu đồ làm phản. Sau khi biết tin, tướng nhà Tấn là Thạch Lặc định tiêu diệt quân của Vương Tuấn. Thế lực của Vương Tuấn rất lớn, Thạch Lặc sợ nhất thời khó giành được phần thắng. Ông quyết định áp dụng kế "dục cầm cố tung", để Vương Tuấn mất cảnh giác. Ông phái môn khách Vương Tử Xuân mang rất nhiều vàng bạc, châu báu kính cẩn dâng cho Vương Tuấn và viết thư tỏ ý ủng hộ Vương Tuấn làm vua. Ông viết rằng: xã tắc hiện nay đang suy bại, Trung Nguyên đang không có chủ, chỉ có ngài là danh chấn thiên hạ, có tư chất đế vương. Vương Tử Thu lại thêm dầu thêm mỡ khiến cho Vương Tuấn thích chí, tin là thật. Trong lúc đó, một thuộc hạ của Vương Tuấn là Du Thống đang chờ thời cơ để mưu phản Vương Tuấn. Du Thống bèn gặp Thạch Lặc để tìm chỗ dựa, Thạch Lặc lại giết chết Du Thống và mang đầu của Du Thống đến cho Vương Tuấn. Điều này làm cho Vương Tuấn càng tin Thạch Lặc hơn.

Năm 314 Công Nguyên, Thạch Lặc nghe tin Châu U bị lũ lụt. Dân chúng đều không có lương thực để ăn. Vương Tuấn lại bỏ mặc sự sống chết của bá tánh, lại sưu cao thuế nặng, lòng dân oán hận, tinh thần chiến sĩ sa sút. Thạch Lặc đích thân thống lĩnh quân sĩ tấn công Châu U. Tháng tư năm đó, quân sĩ của Thạch Lặc đến thành Châu U. Vương Tuấn vẫn không cảnh giác, cho rằng Thạch Lặc đến để ủng hộ mình làm vua nên không chuẩn bị ứng chiến. Đến khi Vương Tuấn bị quân của Thạch Lặc bắt sống, hắn mới tỉnh mộng. Vương Tuấn đã trúng kế "dục cầm cố tung" của Thạch Lặc, nên đầu lìa khỏi cổ, tan giấc mộng đẹp.

Khi xã hội coi kinh tế thị trường làm chủ chốt, kế "dục cầm cố tung" trong kinh doanh càng được giới thương gia coi trọng.

Một công ty điện máy lớn có chất lượng sản phẩm tốt và rất có tiếng tăm cả trong lẫn ngoài nước, đang có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất. Nhưng công ty không thể có một khoản tiền lớn để tiến hành kế hoạch này. Một phương pháp tương đối khả thi là sáp nhập các xí nghiệp nhỏ khác và cải tạo lại thiết bị sẵn có của những xí nghiệp nhỏ này. Nhưng sáp nhập bằng cách nào? Nếu đối phương không nhận được một lợi ích gì thì làm sao họ có thể đồng ý sáp nhập được? Công ty điện máy đã đưa cho các xí nghiệp nhỏ ba lợi ích lớn:

Một là đưa nhân viên kỹ thuật đến để huấn luyện cho côg nhân của xí nghiệp.

Hai là xuất vốn để cải tạo lại những thiết bị sẵn có của xí nghiệp.

Ba là trong điều kiện sản phẩm phải đạt chất lượng, xí nghiệp có thể sử dụng nhãn hiệu của công ty.

Kết quả công ty này đã sáp nhập được một số xí nghiệp nhỏ một cách dễ dàng mà chỉ tốn khoảng 70% vốn, nhưng lại mở rộng được quy mô sản xuất, tăng thêm doanh thu. Việc này giống như gieo trồng trước rồi thu hoạch sau, phải giành được thiện cảm của đối phương trước, rồi mới đạt được mục đích của mình. So với việc chủ động tấn công, phương pháp này hiệu quả hơn rất nhiều.

Để thâm nhập thị trường Trung Quốc, công ty Cocacola không đưa sản phẩm vào Trung Quốc ngay từ đầu, mà họ đã áp dụng phương pháp "muốn lấy được thì phải cho trước". Đầu tiên, họ viện trợ không hoàn lại cho Trung Quốc trang thiết bị tưới tiêu, bỏ ra một khoản tiền lớn để quảng cáo trên truyền hình, cung cấp đồ uống giá rẻ, làm cho người tiêu dùng có thiện cảm với công ty Cocacola. Khi thị trường được mở ra, họ lại nhập khẩu thiết bị và nguyên liệu, họ còn căn cứ vào nhu cầu của người tiêu dùng để điều chỉnh giá cả, tăng giá để tăng thêm lợi nhuận.

Mười năm nay, Cocacola của nước Mỹ đã thịnh hành khắp Trung Quốc. Từ một nhà máy sản xuất, nay đã phát triển thành rất nhiều nhà máy, lượng tiêu thụ, giá thành cũng tăng lên. Thương gia nước Mỹ đã thu được lợi nhuận gấp mấy lần số tiền mà họ đã đầu tư không hoàn lại cho Trung Quốc. Đây chính là cách họ cho bạn nếm kẹo ngọt trước, sau đó mới thực thi kế hoạch của mình. Trong thương trường, thuật "dục cầm cố tung" này đều là như thế.

Mọi người đều hi vọng mua may bán đắt, nhưng dục tốc thì bất đạt. Khi tiếp nhận một sự việc hoàn toàn mới, chúng ta thường cần có thời gian để thích ứng. Việc kinh doanh cũng như thế. Khi hai bên vừa mới bắt đầu, cả hai đều có những suy nghĩ không thực tế, đều có những ý kiến riêng và đều hi vọng đạt được mục tiêu của mình một cách thuận lợi. Nhưng quá trình bàn bạc thường làm cả hai đột nhiên tỉnh ngộ ra. Giá cả mà bên mua mong muốn lại trở thành chuyện không thể. Việc giao kèo nhanh chóng mà bên bán trông đợi cũng tan thành mây khói. Thực tế đã chứng minh: bên mua và bên bán đều không thể thích ứng ngay với những hiện thực vừa xảy ra và không thể hiểu được. Thông thường, trong quá trình đàm phán, bên bán luôn cần có đủ thời gian để suy nghĩ và chấp nhận giá cao ngoài dự kiến, còn bên mua thì từ lúc giao dịch bắt đầu lại chưa chuẩn bị hạ giá đã định sẵn. Vì vậy, cần có đủ thời gian để hai bên thích ứng, thì mới có thể đạt được thỏa thuận. Cả bên mua và bên bán đều cần phải đặt mình vào vị trí của đối phương để suy nghĩ, không nên nôn nóng ép đối phương phải nhượng bộ.

Đặc biệt, chúng ta cần phải chú ý rất nhiều người nước ngoài khi giao dịch luôn gắn liền với quầy rượu. Chỉ cần bạn bước vào lĩnh vực của họ, họ sẽ tiếp đãi rất ân cần. Phải đi một đoạn đường dài, điều đầu tiên bạn nghĩ chắc chắn sẽ là tìm một khách sạn để ngủ một giấc. Nhưng bạn vừa bước xuống sân bay hoặc ga xe lửa, đã có một cô nhân viên giao tiếp xinh đẹp đến đón bạn và nói rằng, cô ấy đã chuẩn bị cho bạn một buổi tối rất tuyệt. Cho dù bạn đã nói với cô ấy rằng bạn rất mệt nhưng cũng không có ích gì. Lúc này, bạn không muốn phụ lòng cô ấy nên đành phải nghe theo. Buổi tối, bạn ăn uống no say, đến tận khuya mới về khách sạn. Bạn sẽ vui mừng vì mình đã có được những giờ phút tuyệt vời. Nhưng đến sáng ngày hôm sau, người đàm phán đã mời bạn tham gia hội nghị. Người đàm phán bắt đầu mặc cả từng khoản một. Lúc này, bạn vẫn còn ngái ngủ, đầu óc vẫn chưa tỉnh táo, chắc chắn sẽ dễ bị đối phương chinh phục. Hãy khoan! Hãy cẩn thận với cuộc giao dịch nhanh chóng! Bạn hãy nói với đối phương là bạn vẫn chưa hiểu, bạn vẫn chưa suy nghĩ xong. Việc buôn bán cũng giống như một trận bóng đá. Phần cuối của việc buôn bán giống như một khung thành. Phải tìm ra chiến lược hiệu quả nhất, nhắm đúng vào nhu cầu và phòng tuyến của người tiêu dùng để tấn công từ các hướng, cuối cùng là đá quả bóng vào khung thành đối phương. Điều này đã trở thành chủ đề nóng bỏng được các xí nghiệp quan tâm.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdoanh