Hồi Thứ Nhất

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Biết chân long, Miêu Quang Nghĩa xem tướng,

Cưỡi ngựa đất, Triệu Khuông Dẫn thử thời

Nói về đời Hậu Hán ở thời Ngũ Đại Thập Quốc, vua Cao Tổ là Lưu Trí Viễn thăng hà rồi, con là thái tử Thừa Hựu lên nối ngôi. Vua này tính nhu nhược, không có trí phán đoán, nên sau quốc sử phong hàm ân là Ẩn Đế. Từ khi vua Ẩn Đế lên ngôi cho đến sau, tuy thiên hạ không lấy làm chi thái bình, song việc giặc giả cũng êm, nhân dân cũng an cư lạc nghiệp.

Thuở ấy có một vị tiên sinh họ Miêu tên Huấn, tự là Quang Nghĩa tính thông minh, lại là học trò của ông Trần Đoàn (hay còn được biết đến là Hi Di Lão Tổ), khi học đã nên nghề rồi thì đi dạo khắp thiên hạ, giả làm thầy coi tướng đặng tìm chân mạng thiên tử mà phò tá.

Lúc ấy Miêu Quang Nghĩa đến ở tại thành Biện Lương, lập một cái quán mà coi tướng, thì nhân dân trong thành ấy tới quán mà coi dập diều. Ngày kia Quang Nghĩa mở cửa đem tấm chiêu bài dựng ra, sắp đặt xuống rồi, thì bỗng thấy một người chậm rãi đi tới, Quang Nghĩa thấy tướng mạo người ấy thầm nghĩ rằng: "Diện mạo này chẳng phải là người tầm thường đâu!". Nguyên người ấy tướng mặt khôi ngô, bộ đi oai phong lắm tên là Triệu Khuông Dẫn, tự là Nguyên Lãng, gốc ở Trác Quận, cha là Triệu Hoằng Ân, mẹ là Đỗ Thị. Đỗ Thị sanh ra đặng bốn người con, ba trai một gái. Người con lớn là Triệu Khuông Dẫn, con thứ là Triệu Khuông Nghĩa tự Đình Nghi, con thứ ba là Triệu Khuông Mỹ tự Văn Hóa, còn con gái là Ngọc Dung. Khuông Dẫn sinh ra đã có mạng đế vương, là cũng bởi nhân lúc vua Đường Minh Tôn, thấy mình trị thiên hạ không đặng thái bình, nên mỗi đêm thường đặt bàn khấn vái trời đất, xin trổ sanh thánh chúa cho thiên hạ nhờ. Lời khấn đến Ngọc Đế, thấy Minh Tôn có lòng thành như vậy, thì sai Xích Long xuống đầu thai làm con họ Triệu. Nên lúc sanh Khuông Dẫn ra tại Lạc Dương nơi Giáp Mã Dinh thì có hào quang chiếu sáng trong dinh ấy, lại có hương thơm cách một đêm mà chưa tan, bởi cớ ấy nên Triệu Hoằng Ân lại đặt cho Khuông Dẫn danh là Hương Hài Nhi (tức là đứa trẻ có hương thơm). Cách vài năm sau nhằm lúc Thạch Kính Đường dấy loạn, thì vợ chồng Triệu Hoàng Ân gánh Khuông Dẫn và Khuông Nghĩa mà tị loạn. Chạy dọc đường gặp Hi Di Lão Tổ Trần Đoàn chỉ gánh ấy mà cười rằng:

- Trong gánh ấy có hai vị thiên tử vậy mà thiên hạ gọi rằng nay trung nguyên không vua!

Nói rồi liền đi mất, còn hai vợ chồng Triệu Hoằng Ân thì đem con đến ở tại Biện Lương, đến sau nhà Hậu Hán này đặng chánh thống rồi. Thì Triệu Hoằng Ân mới ra làm chỉ huy sứ, khi ấy thì Triệu Khuông Dẫn đã đặng mười tám tuổi, tính thông minh khí độ rộng rãi, võ nghệ cũng giỏi có kết anh em với Trương Quang Viễn và La Ngạn Oai. Ngày kia Triệu Khuông Dẫn đi ngang qua quán Miêu Quang Nghĩa, bèn ngắm nghía một hồi, rồi liền bước vào xin coi tướng cho mình. Quang Nghĩa thấy Khuông Dẫn vào thì có lòng mừng nghĩ rằng: "Người này có tướng đế vương, hèn chi hôm qua mình đoán quẻ thì có ứng ngày nay là ngày chân mạng thiên tử đến nhà". Nghĩ như vậy bèn ngớ chừng xung quanh, rồi cúi đầu lạy Triệu Khuông Dẫn mà rằng:

- Xin chúa công miễn chấp, vì tôi tiếp giá trễ.

Triệu Khuông Dẫn thấy vậy cả kinh liền nói:

- Chú này điên sao, mà nói bậy như vậy ?

Miêu Quang Nghĩa trả lời rằng:

- Tôi chẳng phải điên cuồng, song biết coi tướng nên tôi chắc là trong ít năm đây chúa công sẽ đặng ứng vận, mà lên ngôi thiên tử xin chúa công đừng nghi.

Khuông Dẫn nghe nói nỗi giận mà rằng:

- Ngươi muốn đặt đều hại ta sao ?

Nói rằng xăn quần cởi áo, nhảy chụp Quang Nghĩa mà đánh. Quang Nghĩa né được, liền chạy ra cửa sau trốn mất, Khuông Dẫn mới vào quán gom đồ nghề của Quang Nghĩa mà ném hết rồi mắng nhiếc om sòm. Bỗng có Trương Quang Viễn và La Ngạn Oai đi vừa tới, thấy Khuông Dẫn làm như vậy thì xốc vào ôm mà hỏi:

- Cớ chi mà đại ca nổi lôi đình như vậy ?

Khuông Dẫn bình tâm nhìn lại thì nhận ra là hai đứa em kết nghĩa mình liền đáp rằng:

- Hai em đừng can, để ta đập nát cái quán của lão thầy xem tướng này cho hả dạ.

Hai Người ấy nói:

- Vậy chớ cớ sự làm sao, xin đại ca cho hai em biết.

Khuông Dẫn thuật công cuộc đầu đuôi cho hai người ấy nghe. Trương Quang Viễn can rằng:

- Đại ca tin làm chi những điều huyễn hoặc của thằng cha ấy, vì nó nói đặng có kiếm ăn. Thôi, để cho nó làm ăn theo bổn phận nó, xin đại ca đi cùng hai tôi mà dạo chơi chỗ khác.

Nói rồi rủ nhau ra đi, Miêu Quang Nghĩa nghe êm rồi, bèn trở vào thấy Khuông Dẫn bỏ đi với hai người kia thì chạy theo kêu rằng:

- Bớ tam vị, xin đứng lại cho tôi nói một điều.

Ba người dưng chân lại thì nghe Miêu Quang Nghĩa đọc một bài thơ rằng:

Xin chớ vào chơi chốn miếu đường

Chỉnh e không khỏi bị tai ương

Ấy vì dịch mã nhằm niên vận

Cách mẹ lìa cha bỏ cố hương

Triệu Khuông Dẫn nghe kêu thì bảo Quang Viễn và Ngạn Oai đi lại coi Quang Nghĩa nói cái gì, hai người nói với Khuông Dẫn rằng: "Nó nói bậy mặc nó, nghe làm chi." Miêu Quang Nghĩa thấy ba người không chịu trở lại thì nghĩ nay gặp chân chúa song chưa đến vận, tính đường tìm kiếm anh tài phòng về sau để giúp Khuông Dẫn, nghĩ vậy xong liền bỏ quán mà đi.

Còn ba anh em Triệu Khuông Dẫn không chịu trở lại, cứ đi thẳng hoài. Lúc ấy nhằm tiết thanh minh, trời thanh gió mát cây cối đều tươi, ba anh em đi dạo cảnh chơi thì vui lắm, bỗng thấy trước mặt có cái miếu cũ có huyền võ sum sê và thanh tịnh lắm. Khi ba người đi gần tới miếu ấy, thì nghe có tiếng chiêng trống om sòm. Trương Quang Viễn bèn kêu Triệu Khuông Dẫn mà rằng:

- Đại ca, tôi chắc trong miếu ấy bữa nay có cúng cấp chi, cho nên đánh chuông như vậy. Thôi ba anh em mình vào miếu chơi.

La Ngạn Oai nói:

- Phải, mình đi cũng khát nước rồi, hãy vào đó trước yết miếu, sang kiếm trà uống mà giải khát.

Ba anh em đều đi thẳng vào xem thì thấy miếu ấy hư nát, trống trơn không có ai hết. Triệu Khuông Dẫn nói:

- Miếu này ta coi bộ hoang phế đã lâu rồi, có ai ở đâu mà nhị hiền đệ nói rằng đang cúng cấp.

La Ngạn Oai nói:

- Lạ này, khi nãy chúng ta đi ngoài đường thì nghe trong này chuông trống vang rân, bây giờ vô đây sao lại vắng tanh như vậy? Đương khi ban ngày chớ phải đêm hôm chi mà ma quỷ quấy phá.

Trương Quang Viễn nói:

- Hoặc là có ma quỷ đương đánh chơi chơi, khi thấy mình vô thì trốn hết đi chăng?

Khuông Dẫn nghe nói, thì vỗ tay cười lớn rằng:

- Ta thường nghe ông già bà cả nói, hễ chỗ nào chuông trống không ai đánh mà kếu, thì chắc có chân mạng thiên tử đến đó. Thế khi chúng ta đây cũng có một người có phần đế vương chớ chẳng không.

Trương Quang Viễn nói:

- Vì thầy coi tướng ấy đã nói như vậy, mà tôi cũng thường xem sắc diện đại ca thì phải tướng lắm, nên tôi tưởng không sai đâu. Như đại ca ngày sau có làm vua thì xin đừng quên nghĩa anh em.

Khuông Dẫn nói:

- Nhị hiền đệ khéo nghe lời thằng cha thầy tướng ấy nói xàm. Vả ngôi thiên tử chẳng phải là việc chơi, nhưng phận ta sao dám trông đến bực ấy. Thôi đừng nói chuyện ấy nữa mà mang điều tai hại chớ chẳng chơi.

La Ngạn Oai nói:

- Từ đời Bàn Cổ đến nay, chẳng phải một nhà truyền cho nhau đặng hoài cũng có luân chuyển dòng này qua dòng kia.

Trương Quang Viễn nói:

- Sự ấy cũng không ái dám chắc có phần hay là không. Tỷ như bây giờ trào Hậu Hán ta đây, vua Tiên đế thuở trước là người gì? Không phải là một tên hỏa đầu quân mà xuất thân sao? Người cũng dựng nên cơ nghiệp vậy, huống chi đại ca con nhà danh môn quí tộc thì có biết chừng ở đâu.

Khuông Dẫn đáp rằng:

- Thiệt cũng có vậy đó chút.

La Ngạn Oai nói:

- Trong ba anh em ta đây không biết ai có phần làm hoàng đế. Vậy thì hãy làm hoàng đế giả thử coi, như ai giả giống nhất thì ngày sau mới làm hoàng đế đặng.

Khuông Dẫn nói:

- Giả đặng cũng không biết ai giống ai không. Thôi sẵn có con ngựa đất, nếu ai cưỡi ngựa ấy đặng vài bước thì người ấy mới thiệt là chân mạng thiên tử. Vậy thì cứ ai nhỏ cưỡi trước, ai lớn cưỡi sau, mà nội đây La hiền đệ nhỏ hơn hết thì cưỡi trước đi, kế đó Trương hiền đệ rồi sẽ tới ta.

La Ngạn Oai nghe nói cả mừng bèn nói lớn rằng:

- Xin phép.

Nói rồi chạy bẻ một nhành cây mà làm roi, rồi xăn áo quần nhảy lên lưng ngựa ấy mà rằng:

- Hai anh hãy coi đây.

Nói rồi bèn giơ roi mà quất chân thúc, miệng la om sòm, mà ngựa ấy vẫn đứng yên đó, La Ngạn Oai nổi nóng mắng rằng:

- Tao đây là hoàng đế cưỡi không đáng mặt hay sao, mà mi không chịu chạy?

Mắng rồi bèn nổ lực đánh và thúc một hồi nữa, ngựa cũng đứng đó không nhút nhít tí nào. Trương Quang Viễn thấy vậy thì cười rằng:

- Coi bộ La hiền đệ không phải làm vua rồi. Thôi hãy xuống đi, đặng ta cưỡi nó chạy cho mà coi.

La Ngạn Oai cười xòa rồi nhảy xuống, Quang Viễn đã cầm sẵn một cây roi, rồi cũng nhảy lên miệng la tay đánh, chân thúc rộn ràng như Ngạn Oai khi nãy, song ngựa ấy không lay động chút nào. Quang Viễn tính không xong, lại vì đã mệt đổ mồ hôi, bèn nhảy xuống, Ngạn Oai nói:

- Trương huynh nói giỏi, sao không khiến nó chạy một hồi chơi. Lại ngồi không như tôi rồi ?

Trương Quang Viễn nói:

- Hai đứa mình chắc không phần làm vua rồi, thôi để cho đại ca thì họa may.

Khuông Dẫn nói:

- Nhị hiền đệ cưỡi rồi mà không nhúc nhích, thôi để ta cưỡi thử coi thế nào.

Nói rồi bước lại vịnh ngựa đất mà xem rồi nói giỡn rằng:

- Ngựa này thiệt tạc giống Xích Thố Mã, song nó không có sự sống mà thôi.

Xem rồi, một tay nắm cương, một tay vịnh yên, muốn nhảy lên, liền tưởng trong lòng thì ngừng lại mà vái rằng: "Kẻ đệ tử là Triệu Khuông Dẫn xin nguyện cùng tròi đất chứng minh như ngày sau tôi có phần đế vương, thì cho tôi cưỡi ngựa đất này nó phải chạy, bằng không thì đừng cho nó lay động chi hết." Vái rồi bèn nhảy lên, lúc Triệu Khuông Dẫn vái vừa dứt lời, thì Thành Hoàng sai bốn tên quỷ tót khiêng bốn chân con ngựa đất, và hai vị phán quan phải cầm dây cương mà dắt, còn Thành Hoàng thì trước đặng dẫn đường. Khuông Dẫn quất ba roi, thì ngựa ấy coi đã động đậy mình. La Ngạn Oai thấy vậy vỗ tay cười lớn mà nói cùng Trương Quang Viễn rằng:

- Trương huynh thấy chăng? Đại ca chắc có phần làm vua, nên ngựa đất đã động đậy đó.

Khuông Dẫn thấy vậy cả mừng mà nói rằng:

- Vậy cũng chưa lạ gì đâu, để ta dục nó chạy cho hai em coi.

Nói rồi bèn quất ba roi nữa, thì ngựa đất ấy vụt chạy ra khỏi miếu. Khuông Dẫn khoái chí, bèn cưỡi riết về thành Biện Lương, còn Quang Viễn và Ngạn Oai cũng chạy theo lấy làm lạ và mừng mà la ó om sòm. Lúc ấy thiên hạ thấy Khuông Dẫn cưỡi ngựa đất mà chạy như vậy thì điều lấy làm lạ mà cũng la vậy, làm cho náo động hết cả thành. Còn người biết thì hô lên nói:

- Người cưỡi ngựa đất là con của ông Đô chỉ huy Triệu Hoằng Ân đó.

Trương Quang Viễn thấy thiên hạ xao xuyến và dị nghị như vạy liền kêu Khuông Dẫn mà nói rằng:

- Đại ca không thấy thiên hạ vỡ lỡ trong thành về sự mình chơi như vậy sao? Tôi e thấy đến tai triều đình thì khó lắm. Vậy thì đại ca hãy cưỡi ngựa này về miếu mà trả lại, còn hai đứa tôi về nhà mà đợi.

Khuông Dẫn nói:

- Hiền đệ nói có khi phải. Thôi hai em về trước đi, để ta trả ngựa này rồi sẽ về sau.

Trương Quang Viễn và La Ngạn Oai điều trở về, còn Triệu Khuông Dẫn thì cưỡi ngựa đất về tới miếu, nhảy xuống rồi cũng để nó lại vào chỗ cũ, coi lại thì ngựa đất ấy đổ mồ hôi ra như tắm, Khuông Dẫn thấy vậy thì lấy làm lạ bèn trở về nhà. Việc ấy thấu đến tai quan tuần thành là ngự sử Châu Khải, nghe sự lạ như vậy thì thất kinh mà rằng:

- Vã Triệu Hoằng Ân là người bằng hữu ta, vẫn cũng là quan lớn trong triều, bởi dạy con không nghiêm, cho nên nó chơi bời mà sanh sự, làm cho rúng động quan dân như vậy. Nay là phiên ta tuần thành, nếu ta không tâu thì bị tội khi quân, còn tâu ra thì hại niềm bằng hữu, biết tính thế nào? Thôi, thà chịu lỗi với anh em, chớ chẳng khá trái mạng triều đình.

Nói rồi bèn hội các quan đặng thương nghị thảo lời hiệu tấu cho vua hay.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro