Hồi Thứ Hai

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nơi công quán Đậu Dung trọng đãi

Chốn thanh lâu Hoàng Thị ân cần

Nói về ngự sử Châu Khải nghị với các quan làm lời biểu rồi. Ngày thứ nhập trào tâu cho Ẩn Đế hay và dâng biểu rằng:

Tôi nghe Thánh nhân không nói chuyện quái, triều đình phải giữ lẽ thường. Nói chuyện quái thì lòng dân hay kinh động, trái lẽ thường thì thiên hạ phải rối loạn. Bởi vậy cho nên lập quốc pháp ra đặng mà kiềm chế lòng dân, mới đây Triệu Khuông Dẫn là con của Triệu Hoằng Ân, tuổi đã lớn khôn mà nết na chưa chánh. Chiều hôm qua đây cưỡi ngựa đất mà chạy khắp châu thành, tôi nghĩ việc ấy tuy là việc chơi, mà thế cũng thành thiệt. Nếu để vậy lâu ngày đây thì sinh họa biết là đường nào. Tôi giữ việc tuần thành, thấy chuyện lạ như vậy nên phải tâu cho bệ hạ biết rõ.

Ẩn Đế xem biểu rồi bèn hỏi các quan rằng:

- Cứ như lời biểu của ngự sử đây, nói rằng con của Triệu Hoằng Ân là Khuông Dẫn cưỡi ngựa đất mà chơi, làm cho rúng động lòng dân như vậy, các quan nghị mà tội chi cho công bình ?

Các quan tâu rằng:

- Xin bệ hạ định lẽ nào cho Triệu Hoằng Ân nhờ, chớ chúng tôi đâu dám phán điều ấy. Phàm như bày chuyện quái cho rối lòng dân thì cũng là tội nặng.

Ẩn Đế nghe tâu như vậy, ngẫm nghỉ giây lâu rồi phán rằng:

- Ấy cũng đáng điều luật mà làm tội cho nặng nề, song xét ra Khuông Dẫn cũng là con công thần. Vậy trẫm cũng phải nghĩ mà châm chế, nay trẫm hạ chỉ Triệu Khuông Dẫn phải đi xứ khác trong ba năm, còn Triệu Hoằng Ân bởi làm quan đại thần mà dạy con không nghiêm thì trẫm phạt bổng một năm. Các quan cứ đó mà thi hành.

Triệu Hoằng Ân, đương chầu nghe vua phán vậy thì rủn chí, liền tạ ơn mà lui ra. Về dinh nghĩ lại thì giận Khuông Dẫn lắm, bèn quyết vào nhà trong đặng có bắt Khuông Dẫn mà đánh. Đi vừa tới ngang phòng vợ là Đỗ Phu Nhân, thì liền mắng rằng:

- Mụ sanh con bất hiếu, lão đã dặn mụ phải giữ nó, đừng cho đi đâu mà sanh tai họa, mụ không nghe, cứ cưng con mà để cho nó đi du hí hoài. Nay nó làm cho đến đổi triều đình trách phạt lão và đày nó đi làm quân lính xứ xa, mụ có thấy hay không ?

Đỗ phu nhân thấy chồng giận mà nói mấy điều như vậy thì không hiểu sự tích làm sao, bèn hỏi:

- Vậy chớ con nó làm quấy chuyện chi, mà ông quở mắng tôi như vậy ?

Triệu Hoằng Ân liền thuật các việt Khuông Dẫn cưỡi ngựa đất chơi nơi miếu Thành Hoàng cho Đỗ phu nhân nghe rồi lại hỏi:

- Thằng nghịch tử đó ở đâu, mụ phải bắt nó cho tôi, đặng tôi giết rồi, nếu để nó thì ngày sau càng làm tai họa cho tôi nữa.

Phu nhân nghe nói, thì khóc ròng mà can rằng:

- Xin xả tội cho con lần thứ nhất.

Hoằng Ân nói:

- Mụ có tánh như vậy nên con nó dễ ngươi, không kể đến lời răn dạy. Thôi, mụ đừng có phiền hà chi hết, bắt nó cho tôi, đặng tôi giết phứt nó cho rồi. Tội nó làm thì nó chịu, chớ tui không dung đâu.

Đỗ phu nhân nói:

- Vì con mình thuở nay cưng nó, nó cũng dại mà làm điều quấy như vậy. Tôi đã khuyên ông hết lời ông cũng không nghe, nằng nặc quyết một đánh nó cho đặng. Thôi tôi xin ông hãy giết tôi đi, rồi ông hành hạ nó thế nào thì làm cho đành dạ ông.

Nói rồi khóc òa, Triệu Hoằng Ân thấy vậy bất nhẫn mà nói rằng:

- Vậy lần này tôi dung cho nó. Thôi mụ sai phải trẻ đi kiếm nó cho tôi răn dạy một hai điều, rồi đây tôi sẽ viết thư cho tổng binh Đậu Dung mà gửi gắm nó. Vì vua đã hạ chỉ đày nó xa xứ nên tôi sẽ cho bên Đậu Dung, cũng may cho nó vì Đậu Dung là cháu tôi.

Đỗ phu nhân nghe nói lật đật khiến người đi kêu Khuông Dẫn. Chẳng bao lâu Khuông Dẫn đến, thì Triệu Hoằng Ân nạt nộ mà hỏi rằng:

- Sao mi chơi bời quá nước mà hại cho cha mẹ như vậy ?

Khuông Dẫn thưa rằng:

- Con có chơi bời chi mà hại cha hại mẹ ?

Hoằng Ân nổi giận bèn nói lớn rằng:

- Súc sanh, mi còn chối nữa sao? Vậy chớ mi không chơi tại miếu Thành Hoàng, cưỡi ngựa đất làm cho kinh động thiên hạ, thấu tới tai triều đình hay sao? Bởi vậy nên triều đình đã hạ chỉ đày mi qua Đại danh Phủ ba năm, còn ta bị phạt bổng một năm, như vậy mi còn chối gì nữa ?

Khuông Dẫn nghe cha mình nói lại như vậy, thì nghiến răng mà mắng rằng:

- Hôn quân vô đạo, khéo làm chuyện bất minh, con đây không làm phản với triều đình, sao nay lại làm chuyện cực khổ như vậy. Con không vâng lệnh chi hết, làm gì con thì làm.

Hoằng Ân thấy con nói phạm thượng như vậy thì thất kinh nạt rằng:

- Loài súc sanh, sao dám to gan mà nói như vậy, mi muốn chết hay sao? Vả chúa thượng đã ra ơn hạ chỉ mà đày mi đó thì lấy làm may cho mi lắm, nếu không thì mi đã bị dẫn đến pháp trường rồi. Mi phải sắm sửa đồ hành lý cho mau, vì chẳng bao lâu đây sẽ có người dẫn mi đi bây giờ.

Nói chưa dứt lời, xảy có quân vào báo rằng:

- Có hai tên áp giải quân đem phê văn đến, còn chờ ngoài cửa.

Triệu Hoằng Ân nghe báo thì hồi Khuông Dẫn đi sắm sửa, rồi vào phòng viết một phong thư cho Đậu Dung mà nói việc gửi gắm Khuông Dẫn. Viết rồi bèn kêu hai tên gia đình trong nhà, khiến theo phò tá Khuông Dẫn cho mãn ba năm rồi sẽ về, và trao thư ấy mà dặn đến nơi dâng cho tổng binh Đậu Dung. Khuông Dẫn sắm sửa xong rồi, thì bái biệt cha mẹ và giã từ anh em, rồi đi với gia đinh theo hai tên giải quân qua phủ đại danh. Khi ra khỏi thành đi một đổi xa, thì thấy Trương Quang Viễn và La Ngạn Oai đương đứng chờ, Khuông Dẫn đi riết tới hỏi rằng:

- Hai em làm gì mà đứng đây ?

Quang Viễn nói:

- Hai đứa tôi nghe đại ca bị đày qua phủ đại danh, nên ra đón đây đặng một hai dặm đường cho thỏa niềm bằng hữu. Vậy xin thỉnh đại ca vào quán phía trước, uống với hai chúng tôi một vài chén rượu lấy thảo rồi hãy đi.

Khuông Dẫn nhận lời, bèn khiến hai tên gia đinh ở ngoài mà chờ. Rồi mời hai tên giải quân vào quán rượu kêu tửu bảo dọn rượu thị ăn uống, lúc ấy Trương Quang Viễn đứng dậy nói với Triệu Khuông Dẫn rằng:

- Nay đại ca chẳng may mà bị sự cực khổ như vậy, xin hãy dằn lòng cho qua ngày tháng, vì đại ca đến phủ ấy một mình, không ai giúp đỡ như ở đây mọi việc chi đều có hai đứa tôi vậy.

Khuông Dẫn cười rằng:

- Trương Đệ khéo lo thì thôi! Hễ đấng nam nhân chi chí thì trong bốn biển chỗ nào lại không anh em. Vã ta chẳng phải là đứa ngu phu, đi làm oai chỗ này mà sợ chỗ khác, nếu ai phải với ta thì ta cũng biến kiến nhường, còn ai hung dữ thì cũng phải hung dữ lại mà từ, chớ lẽ đâu mà chịu thua sao.

Nói rồi thì tiệc vừa xong, Khuông Dẫn đứng dậy từ biệt hai người Trương, La mà đi. Hai người có ý bịn rịn xong cũng làm khuây, mà đưa Khuông dẫn lên đường một hai dặm rồi mới trở lại. Khuông Dẫn đi hai ngày mới tới phủ đại danh, khi tới nơi thì trời vừa tối, Khuông Dẫn kiếm quán xá vào mà nghỉ. Ngày thứ, Khuông Dẫn khiến hai tên gia tướng đem thư của cha mình cho quan tổng binh là Đậu Dung, ngày ấy Đậu dung đương ngồi xem sách, bổng có quân vào báo rằng:

- Có giải quân ở Biện Lương đến còn chờ ngoài cửa.

Đậu Dung khiến cho vô, hai tên giải quân vào dâng thư ấy, Đậu Dung liền mở ra đọc, đọc rồi thì ngẫm nghĩ rằng: "Lấy theo phép nước, thì phải bắt Khuông Dẫn làm đều hèn hạ, mà ta với Triệu Hoằng Ân cũng là tình bác cháu, nếu làm như vậy cũng mất tình. Thôi, ta hãy lấy ơn riêng mà bỏ phép công mới đặng". Nghĩ như vậy rồi, bèn sai người ra quán mời Triệu Khuông Dẫn vào nhà công quán mà thiết đãi rất hậu. Ngày thứ Đậu Dung phê vào văn thư cho giải quân trở về Biện Lương, ngày kia Khuông Dẫn nhớ nhà cho nên có ý buồn mới kêu tên lính mà hỏi rằng:

- Vậy chớ ở đây có chỗ nào vui chăng ?

Tên lính ấy thưa rằng:

- Gần đây có một chỗ thanh lâu, trông ấy có một kỹ nữ tên Hàn Tố Mai thiệt nên trang quốc sắc, đáng giá bậc khuynh thành, tuy nàng sa vào chốn phong trần, song không phải như mấy kỹ nữ khác, nếu không phải tay anh hùng hào kiệt thì nó không tiếp rước. Nay công tử có buồn thì đến đó một phen mà chơi, tưởng như bậc công tử, họa may nó sẽ chịu.

Khuông Dẫn nghe quân nói như vậy thì nói rằng:

- Vậy mi hãy dắt ta đi đến đó chơi cho biết.

Nói rồi liền sửa soạn, khiến hai tên quân ấy dắt đi. Đi một hồi xa, đã gần tới chỗ thanh lâu ấy, thì hai tên lính thưa với Triệu Khuông Dẫn rằng:

- chỗ chúng tôi nói đó là chỗ này, vậy công tử hãy vô đi.

Khuông Dẫn mới bước vào chưa tới cửa, thì bọn thanh lấy thấy mà chạy ra rước vào nhà niềm nở mời ngồi, rồi đem trà thiết đãi tử tế. Hai đàng chuyện vãn một hồi, rồi một đứa chạy vào trong thông tin cho Hàn Tố Mai hay. Lúc ấy Khuông Dẫn ngồi ngoài có ý trong, xảy thấy một người con gái ở trong cửa buồng bước ra mày liễu má đào, tướng đi phong lưu yểu điệu, lịch sự trên đời. Gái lịch sự ấy chính là Hàn Tố Mai, khi tới nơi thấy Khuông Dẫn thì chấp tay chào rằng:

- Thiếp đội ơn quý khách vì chẳng nệ nhà hạ tiện của thiếp mà đến đây, vậy xin quý khách tên họ chi, quê quán xứ nào ?

Khuông Dẫn mỉm cười rằng:

- Ta đây ở Biện Lương, con của Triệu chỉ hay, tên là Khuông Dẫn, nghe tiếng cô là đáng bậc hoa khôi, nên đến đây cho biết.

Hàn Tố Mai nghe nói liền cúi lạy Khuông Dẫn và nói rằng:

- Thiếp cũng nghe danh công tử đã lâu, nên mơ ước gặp một lần, ngày nay đặng như vầy thì lấy làm toại chí bình sanh lắm.

Khuông Dẫn bước lại đỡ dậy mà rằng:

- Cô đừng thủ lễ quá không nên.

Nói rồi thì khiến Hàn Tố Mai ngồi mà chuyện vãn với mình. Giây phút Hàn Tố Mai sai a hoàn dọn một tiệc rượu mà đãi đằng Khuông Dẫn rất hậu. Khi tiệc vừa xong trời đã xế qua rồi. Hàn Tố Mau nói cũng Triệu Khuông Dẫn rằng:

- Bây giờ gần tối, vậy chẳng mấy khi công tử đến, vậy xin ở lại nghỉ chơi một đêm, chẳng biết công tử có bằng lòng chăng ?

Khuông Dẫn nói:

- Nếu mỹ nhân có lòng tưởng đến ta như vậy, lẽ đâu ta lại vô tình.

Nói rồi kêu hai tên lính mà dặn rằng:

- Ta tính ở lại đây chơi đêm nay, vậy hai người hãy về đi, rồi mai phải đến đây cho sớm mà rước ta.

Hai tên lính nói:

- Như công tử có ở lại thì xin chớ làm sự chi cho sanh họa mà quan tổng binh ngài quở trách anh em tôi.

Khuông Dẫn nói:

- Hai ngươi không dám nói thì ta cũng biết, thôi, hãy về đi.

Hai tên lính không dám nói chi nữa, từ giã ra về. Đêm ấy Khuông Dẫn ở lại đó mà vầy cuộc mây mưa trăng gió Hàn Tố Mai. Rạng ngày thức dạy trà nước vừa xong, Hàn Tố Mai khiến a hoàn bày tiệc ra mà ăn uống cùng nhau nữa, khi đang ăn uống cùng nhau nữa, khi đang ăn uống, bỗng có a hoàn vào báo rằng:

- Cô ôi! Việc này ắt là khó lắm, vì nhị vị gia đã đến, đương ngồi đợi cô ngoài trước.

Hàn Tố Mai nghe tới thì thất kinh tay chân đều bủn rủn, mặt mày tái xanh hết. Khuông Dẫn thấy bộ Tó Mai như vậy thì sanh nghi mà hỏi rằng:

-Vậy chớ Nhị gia là ai, đến đây có việc chi, nên mỹ nhân nghe mà sợ hãi như vậy ?

Hàn Tố Mai nói:

- Công tử chưa rõ, người ấy tên Hàng Thông, tay hào kiệt nhất tại phủ này, hắn ta võ nghệ cao cường, lại có sức mạnh chẳng ai bằng ; cho nên hắn ta làm nhiều chuyện hoành hành lắm. Nội phủ này ai ai cũng đều sợ, hễ nghe tên thì thất vía, còn thấy mặt thì kinh hồn. Bởi vậy cho nên người ta kêu là Hàng Nhị Hổ ; song tôi thuở nay đều tìm cách không chịu tiếp rước hắn, nếu ngày nay mà hắn gặp công tử đến ăn uống với tôi như vầy, chắc là hắn ganh ghét mà làm hung chớ chẳng không.

Khuông Dẫn nghe nói cả giận mà rằng:

- Hàng Thông là thằng gì, dám đến mà làm ngang trong lúc có ta đây sao? Nó không nghe ta là Triệu Khuông Dẫn hay gánh vác những chuyện bất bình hay sao. Dẫu nó có ba đầu sáu tay đi nữa, hay là sức phục hổ giáng long, hễ nó gặp ta thì phải chết.

Nói rồi bèn khiến a hoàn triệt mâm bàn đi hết. Bỗng nghe ngoài trước có tiếng kêu lớn:

- Chớ quân khốn này nó trốn đâu hết, không thấy một đứa ra mà rước ta.

Hàn Tố Mai nghe kêu cả sợ muốn chạy trốn, Khuông Dẫn nắm áo kéo lại mà nói rằng:

- Mỹ nhân sợ ai mà chạy, ngồi đó, bề gì có ta đây, không sao mà sợ.

Nói vừa dứt lời, bỗng thấy một người diện mạo khôi ngô bước vào phòng, thấy Hàn Tố Mai ngồi một bên Khuông Dẫn thì nổi nóng, lấy tay chỉ Tố Mai mà mắng rằng:

- Mi là con kỹ nữ trớ trêu, nói thủ tiết ở phòng không một mình. Vậy nay mi rước thằng nào đây ?

Hàn Tố Mai sợ run chưa kịp trả lời, kế thấy Khuông Dẫn đứng dậy hét lớn lên rằng:

- Thằng khốn này ở đâu mà ngang vậy, trong kh có ta ở đây sao mi dám đến mà nói loạn như vậy?

Hàng Thông cả giận mà rằng:

- Chớ mi ở xứ nào, tên họ là chi, nói cho mau, kẻo ta đánh chết mà thành quỷ vô danh.

Khuông Dẫn cười rằng:

- Vậy chớ mi không nghe tại Biện Lương có tiếng con của Triệu chỉ huy là Khuông Dẫn hay sao ?

Hàng Thông nói:

- Tưởng là ai, chớ như mi là Khuông Dẫn thì miệng còn hôi sữa, như mi lỡ mà đến đây rồi thì phải quật hạ ta đi, nếu nghịch thì ta giết.

Nói rồi xốc vào đánh, nguyên Khuông Dẫn là chân mệnh thiên tử, nên đi chỗ nào thì có thần theo phò hộ chỗ đó. Lúc ấy Khuông Dẫn không sợ, xốc tới cự với Hàng Thông, đánh tay không hết sức, rồi ra ngoài bẻ cây đánh với nhau nữa, không ai can đặng. làm cho Thành Hoàng, Thổ Địa theo hộ trì đều hoảng kinh, sợ Khuông Dẫn có chuyện gì, nên Thành Hoàng giúp sức chp Khuông Dẫn đánh, còn Thổ Địa lấy cây đánh chân của Hàng Thông cho nên hắn phần thì bị Khuông Dẫn đánh, phần thì bị Thổ Địa quất chân, nên chịu không thấu liền té quỵ xuống. Khuông Dẫn đặng thế nhảy đè cổ Hàng Thông mà thoi vào mặt và hỏi rằng:

- Mi muốn chết hay là muốn sống? Nếu mi muốn sống thì phải kêu ta ba tiếng phụ thân và Hàn Tố Mai là phụ mẫu thì ta tha, như mi cượng thì ta đánh chết.

Hàng Thông nói;

- Mi nói vậy ngặt lắm, vì ta đây cũng là tay hào kiệt ở đất giang hồ, nay rủi thất thế mà bị mi làm như vầy, nếu mi khiến ta kêu con ấy bằng phụ mẫu thì ta không chịu đâu.

Khuông Dẫn trợn mắt lên rồi đánh trên mặt Hàng Thông, Hàng Thông tính bề chịu không thấu, túng thế phải kêu lên:

- Cha mẹ ơi! Con mới lầm lỗi một phen, xin cha mẹ rộng lượng mà tha cho con.

Khuông Dẫn bèn nắm đầu Hàng Thông dậy rồi buông đi, Hàng Thông lật đật chạy không dám ngó lại. Khuông Dẫn kêu với rằng:

- Mi hãy bỏ xứ này mà đi đi, nếu để ta gặp đặng nữa thì mi không còn ở thế gian này.

Hàng Thông nghe nói thẹn và giận lắm, bèn nghĩ thầm rằng: "Nghe mấy lời nó nói thì muốn vặn cổ nó đi cho rồi, song đánh không lại thì không biết tính làm sao, nếu ở đây thì thiên hạ chê cười cũng khó chịu lắm. Chi bằng tránh đi xứ khác mà dung thân, đặng có chờ gày lập thế mà báo thù." Nghĩ như vậy bèn đi thẳng qua Bình Dương. Còn Khuông Dẫn thì trở vào mà đàm đạo với Hàn Tố Mai, Tố Mai thấy Khuông Dẫn anh hùng thế ấy thì lại càng vừa lòng đẹp ý lắm, có ý muốn kết nghĩa trăm năm. Khuông Dẫn thấy ý Tố Mai ân cần dường ấy thì cũng bằng lòng, bèn khiến bày tiệc mà làm lễ giao duyên. Rồi đó vợ chồng chung gối nơi loan phòng mà vầy duyên cá nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro