Chương 5: Tiệc Mừng Thọ Của Tô Gia

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Tô gia- một trong ngũ đại gia tộc Bình Tây quốc.

Tô gia ba đời đều xuất thân từ võ tướng, tay nắm trọng binh của triều đình, là quyền thần đắc lực dưới tay Hoàng đế. Nam nhân Tô gia cả đời chỉ cưới duy nhất một người, dù cho chính thê có chết đi thì họ vẫn không cưới thêm người nào khác.

Này đúng thật là “nước sông ba ngàn, chỉ cần một gáo”. Tô Lão thái quân năm nay đã hơn bảy mươi, dù vậy sức khoẻ vẫn rất ổn định, hằng ngày luôn cùng tôn tử trong nhà luyện võ đánh quyền.

Ông chính là vị Thượng tướng quân duy nhất của Bình Tây quốc, cả đời sống trong máu tanh, trong bụi đất từ vó ngựa, danh hiệu Phiêu Kỵ Thượng tướng quân chính là tìm được từ trong sinh tử. Tô Lão thái thái là Sở thị, được Hoàng đế ban Cáo Mệnh nhất phẩm, là lão phu nhân quyền lực nhất trong chúng phu nhân Đế thành.

Năm nay bà vừa tròn bảy mươi, đối với nội tôn hay ngoại tôn bà đều hết mực cưng chiều. Lão thái thái sinh ra bốn người con.

Gia chủ Tô gia Đại lão gia Tô Thường, Nhị lão gia Tô Miên, Đại cô cô Tô Tịch và cuối cùng là Nhị cô cô Tô Sương. Gia chủ Tô Thường theo chân phụ thân chinh chiến xa trường, cũng từ trong hiểm nguy lấy được danh hiệu Uy Vũ Đại tướng quân.

Phu nhân của Tô Thường là Bình Dương quận chúa- nữ nhi Dụ Thân vương.

Bà sinh cho ông hai người con là Đại tiểu thư Tô Yên Vân được đích thân Hoàng đế ban thánh chỉ phong Vãn An huyện chủ cùng Đại thiếu gia Tô Yến nối bước cha ông trên người cũng có tước vị Xa Kỵ Tướng quân. Nhị lão gia Tô Miên không cùng phụ thân ra chiến trường sinh tử, ngược lại có thiên phú trong lĩnh vực thương trường, dần dần trở thành Hoàng thương của Bình Tây quốc, kinh tế của Tô phủ chính là một tay ông nắm.

Phu nhân là Diệp thị- nữ nhi Diệp Đại học sĩ.

Tô Miên cũng có hai người con.

Nhị tiểu thư Tô Yên Chi cùng Nhị thiếu gia Tô Vệ. Đại cô cô Tô Tịch chính là Trầm quốc công phu nhân, năm đó Trầm quốc công Trầm Tường phải vượt qua bao khổ ải mới đưa được mỹ nhân về nhà. Nhị cô cô Tô Sương từ lâu đã vào cung, hy sinh hạnh phúc của mình trở thành trụ chống cho Tô gia không thể sụp đổ.

Tô Sương dung mạo xinh đẹp lại hiền lành dễ bảo, Hoàng đế thương xót phong cho Nhu phi.

Nhu phi tuy bình thường không hãm hại ai, luôn an phận thủ thường nhưng cũng không ai dám đụng đến bà bởi sau lưng bà là cây đại thụ Tô gia.

Nhìn chung, Tô gia vừa có uy quyền trong triều chính, có thương nhân tài giỏi trong thương trường, lại có cả nữ nhân trong Hậu cung.

Một Tô gia quyền thế như vậy đã và đang trở thành cái gai trong mắt không ít người. Tiệc mừng thọ hôm nay của Tô Lão thái thái được tổ chức vào buổi chiều giờ Dậu (17-19 giờ) bên trong Hoa viên lộng lẫy của Tô gia. Tuy tổ chức vào giờ Dậu nhưng mới giờ Thân (15-17 giờ) trước cổng Tô gia đã dừng không ít xe ngựa.

Trầm quốc công phủ đi tổng cộng ba chiếc xe ngựa.

Xe đi đầu gồm Tô Tịch, Trầm Thư Kính.

Xe kế tiếp là Nhị tiểu thư Trầm Ánh Cầm và Tứ tiểu thư Trầm Ánh Nguyệt.

Xe cuối cùng là xe chở quà tặng.

Đại thiếu gia Trầm Ngôn theo Trầm quốc công Trầm Tường đã đi từ sớm. Xe ngựa vừa dừng lại đã thu hút không ít sự chú ý của những người đang đứng bên ngoài.

Trên lồng đèn treo trước xe ngựa có khắc chữ “Trầm”, nhìn liền biết đây nhất định là xe ngựa của Trầm quốc công phủ.

Một người mặc y phục khá chỉnh chu, chắc là cũng đến dự tiệc, mở quạt che miệng hỏi người đứng cạnh mình: “Này, không phải xưa giờ Trầm gia không đi dự tiệc nhà ai bao giờ sao? Sao lần này lại đi đông đủ thế?”. Nam tử kia gõ cán quạt lên đầu y một cái, mắng: “Ngu xuẩn, ngươi không biết Trầm quốc công phu nhân là nữ nhi của Lão thái thái Tô gia sao? Mừng thọ của mẫu thân mình còn không đi thì chờ bị nước bọt của dân chúng dìm chết đi”. Tiểu đánh tiểu nháo bên này chẳng ảnh hưởng gì đến bên kia.

Tôn mẹ- bà tử thân tín của Tô Tịch nhảy xuống trước, cùng với nữ nhi Tôn Vu đỡ Tô Tịch bước xuống xe. Hôm nay theo lời của Trầm Thư Kính, Tô Tịch quyết định phải lấy lại hình ảnh của mình trong mắt người khác.

Năm đó bà là một trong Tứ Đại mỹ nhân, sao có thể để mình hoa tàn ít bướm trong Trầm gia được.

Trên người là y phục màu vàng đất, tay áo rộng thùng thình theo gió bay bay, thắt lưng nhỏ nhắn ẩn dưới đai lưng bằng ngọc, ngọc khánh trên cổ áo khắc bốn chữ “Tam phẩm Cáo Mệnh”. Dung mạo tuy đã ba mươi lăm nhưng được bảo dưởng tốt chẳng ai nghĩ bà đã đến tuổi đó rồi, bên môi luôn nở nụ cười, trái lại mang theo phong vị hoạt sắc sinh hương*. Hỷ Tình theo sau Tô Tịch nhảy xuống, xoay người đỡ Trầm Thư Kính.

Trầm Thư Kính vừa xuất hiện liền dẫn đến không ít lời nghị luận bàn tán. Chỉ thấy dưới ráng chiều cam đỏ, một nữ tử vận váy dài màu tím, đai lưng làm bằng sợi gấm An Châu rủ xuống hai sợi dây bên hông, ngọc bội hình cánh quạt trắng thuần khắc chữ “Trầm” dường như đang bừng sáng, tóc đen ba ngàn vì chưa cập kê nên chỉ bới một nửa trên còn lại dưới thả sau lưng.

Trên búi tóc cắm hai cây trâm Phượng Hoàng làm từ bạch ngọc, mắt phượng mày ngài, tiên tư ngọc sắc*. Trầm Thư Kính vừa bước xuống xe đã dành hết nổi bật của chúng tiểu thư, dẫn đến không ít người khó chịu, trong đó có Trầm Ánh Cầm. Phẫn hận nhìn y phục hoa lệ trên người Trầm Thư Kính, lại nhìn xuống một thân lụa hồng phấn của mình, tâm trạng Trầm Ánh Cầm tuột dốc không phanh.

Từ khi di nương bị lấy lại quyền chưởng quản phủ, ăn mặc của nàng ta cùng di nương liền thấp không thể chịu nổi.

Trầm Ánh Cầm tức giận lôi kéo tay Trầm Ánh Nguyệt, ở trên cánh tay nõn nà của nàng ta hung hăng nhéo.

Trên tay truyền đến cảm giác đau đớn, nhưng lại không dám la lên, Trầm Ánh Nguyệt cắn môi nhịn nhục.

Trầm Ánh Cầm bắt nạt nàng ta không ít, nhưng không ngờ lần này lại tàn độc như vậy, Trầm Ánh Nguyệt cảm giác móng tay Trầm Ánh Cầm đang cắm sâu trong da thịt chính mình. Tô Tịch hài lòng nhìn nữ nhi xinh đẹp loá mắt, kéo tay nàng mang theo đoàn người còn lại nhanh chóng bước vào trong phủ.

Từ trong góc khuất, một nam tử vận y phục thêu mãng xà màu bạc chậm rãi bước ra, trên đai lưng ngọc bích đeo một chiếc kim bội hình tròn khắc hai chữ “Tịnh vương”.

Theo sau y là một nam tử khác vận tử bào cũng thêu mãng xà, kim bội hình chữ nhật trên ngọc đái* hình chữ nhật khắc hai chữ “Nam vương”. Nam tử vận tử bào cau mày hỏi: “Lục hoàng huynh, huynh rốt cuộc muốn gì?”. Nam tử y phục thêu mãng xà bạc nhếch khoé môi, bật cười: “Bản vương muốn gì sao? Bản vương chính là muốn mượn sức của Tô gia leo lên đế vị. Thất hoàng đệ, ngươi sẽ không tranh giành Hoàng vị với bản vương chứ?”.
 
   “Chỉ cần hoàng huynh không đụng đến nàng, ta nhất định sẽ không dính líu đến cuộc chiến tranh dành Hoàng vị của các huynh”.

   “Được, nhất ngôn cửu đỉnh, tứ mã nan truy. Chỉ cần bản vương không đụng đến Trầm Thư Kính, ngươi nhất định phải buông bỏ cơ hội kế vị. Nhớ lấy lời hứa ngày hôm nay”. Dứt lời, nam tử y phục thêu mãng xà bạc nhấc chân tiến vào trong phủ.

Gió chiều mơn man thổi làm bay bay sợi gấm màu đen buộc tóc của nam tử vận tử bào, hắn trầm tư nghĩ ngợi một lúc rồi xoay người đi hướng khác, không bước vào Tô phủ. Trên đường cái người qua kẻ lại, Trác Thiếu Hằng cau mày suy tư.

Chỉ cần Trác Thiếu Kình không đánh chủ ý đến Trầm Thư Kính, Trác Thiếu Hằng nhất định sẽ không lộ diện tranh giành Hoàng vị, chỉ cần sống trong bóng tối mà bảo hộ nàng an toàn hắn cũng mãn nguyện.

Tô Tịch quen thuộc mọi ngõ ngách Tô phủ, một đường đi thẳng đến viện của Lão thái thái. Lúc cả đám người đến nơi thì trong phòng đã truyền ra không ít tiếng cười đùa như chuông bạc, lại xen kẽ vài tiếng cười trầm thấp của nam nhân.

Tôn mẹ trông thấy người đứng canh giữ ở cửa là tỷ muội tốt của mình Hà mẹ- cánh tay đắc lực của Lão thái thái, vội vàng tiến đến: “Ai ui, Hà muội muội, đã lâu không gặp nha.
Hôm nay phu nhân mang theo các vị tiểu thư ở Trầm phủ đến vấn an Lão thái thái, xin muội vào bẩm báo một tiếng”. Hà mẹ trông thấy Tô Tịch sau lưng Tôn mẹ, hai mắt đột nhiên sáng bừng, bà lễ phép phúc thân hành lễ với Tô Tịch rồi mới cười nói: “Đại cô cô trở về Lão phu nhân nhất định rất vui, Trầm Đại thiếu gia cũng đang ở bên trong, Lão phu nhân trông thấy hắn còn đang hỏi Đại cô cô đâu cơ mà. Đại cô cô mau theo nô tì, Lão phu nhân dặn người đến thì không cần bẩm báo”. Tô Tịch khách sáo cười, cầm tay Trầm Thư Kính theo sau là đám người Trầm Ánh Cầm chậm rãi vào trong.

Bên trong chính viện không quá lớn nhưng đồ đạc bày biện khéo léo tinh xảo, lại toàn là đồ ngự ban, rèm lụa Giang Châu, đồ gỗ Vũ Châu, hương liệu dùng chính là hương liệu tiến cống của Mục quốc, hàng năm chỉ có mười hộp, Tô gia được Hoàng đế đặc cách ban thưởng hai hộp.

Tất cả từng chi tiết nhỏ trong phòng đều là đồ đắt tiền. Hà mẹ vén rèm cho đám người Tô Tịch, giọng nói chưa vào trong đã cất lên: “Lão phu nhân, người xem ai đến đây này”. Trầm Thư Kính nãy giờ đầu luôn cúi, khi vào trong phòng liền ngẩng đầu nhìn về chủ vị bên trên.

Trên đó ngồi một vị phụ nhân tóc đã gần bạc trắng hết, búi tóc đơn sơ nhưng không mất phần uy nghi, trên đó cắm ba cây trâm làm từ Huyết ngọc thượng đẳng.

Y phục trên người bà là y phục Nhất phẩm Cáo Mệnh do Hoàng đế cho Cẩm Tú phường đích thân may thưởng, màu đỏ sậm dùng kim tuyến ngân tuyến* mà điểm xuyến.

Tô Tịch mang theo chúng tiểu thư, đến trước mặt Lão thái thái hành lễ: “Nữ nhi/ Ngoại tôn nữ vấn an mẫu thân/ Ngoại tổ mẫu. Chúc mẫu thân/ Ngoại tổ mẫu phước như Đông Hải, thọ tỉ Nam Sơn”.

Lão thái thái trông thấy là Đại nữ nhi Tô Tịch của mình, vội vội vàng vàng hướng Hà mẹ cất lời: “Hà Uyển, còn không mau đỡ con bé lên giúp ta. Lễ nghĩa cái gì chứ? Con xa lạ với ta đến thế sao? Mau, mau ngồi xuống đây, ngồi gần ta một chút”. Đám người Tô Tịch vừa ngồi xuống, Trầm Ngôn nãy giờ ngồi một bên liền lên tiếng đùa giỡn: “Ngoại tổ mẫu, người đoán xem hôm nay có thêm ai đến nha. Nếu người đoán đúng con sẽ bỏ xuống mặt mũi mà hôn người một cái”. Lão thái thái bật cười, chỉ vào mặt Trầm Ngôn mắng: “Xú tiểu tử, Ngoại tổ mẫu mới không cần con hôn ta. Bà già này chỉ cần tiểu Ngoại tôn nữ Kính nhi của ta thôi”.

  “Vậy thì để Kính nhi thay Đại ca hôn người một cái, người thấy thế nào Ngoại tổ mẫu?”. Trầm Thư Kính vén váy bước ra, đứng đối diện Lão thái thái cười đến híp cả mắt.

Đại viện sáng trưng không đủ lấn át ánh sáng trên người nàng, không hiểu sao Lão thái thái bỗng nhẩm câu nói này trong đầu “Yên nhiên xảo tiếu, Yến ngữ oanh đề*”

Trầm Ngôn nhìn Lão thái thái như bị Trầm Thư Kính câu mất hồn, mới bật cười ha hả: “Ngoại tổ mẫu, tôn nhi nói có sai đâu. Con đã nói Kính nhi thật sự rất xinh đẹp rồi mà”. Lão thái thái tựa như bị đánh thức bởi tiếng cười hào sảng của Trầm Ngôn, bà vội vàng ra hiệu cho Hà mẹ đỡ bước xuống ghế đi về phía Trầm Thư Kính.

Nhìn tiểu cô nương bé bỏng ngày nào giờ đã trổ mã xinh đẹp như vậy, hốc mắt Lão thái thái có chút xót.

Lâu lắm rồi Lão thái thái mới gặp lại Trầm Thư Kính, nhất thời quên hết mọi người xung quanh, trong mắt chỉ còn lại thân ảnh màu tím uyển chuyển kia. Bà ôm chầm lấy Trầm Thư Kính, bùi ngùi vuốt ve tóc nàng: “Kính nhi, Kính nhi của ta. Đã năm năm rồi bà già này chưa được nhìn thấy con, cứ tưởng con đã bỏ Tô gia, bỏ Ngoại tổ mẫu này rồi chứ”. Trầm Thư Kính cũng xúc động không kém, nàng vươn tay ôm lại Lão thái thái.

Kể từ khi tám tuổi nàng đi theo An thị, chính là cắt đứt mọi quan hệ với mẫu thân, với đại ca và với cả Tô gia.

Nên ở đời trước, năm nàng thành thân với Trác Thiếu Kình, Ngoại tổ phụ và Ngoại tổ mẫu đã nhiều lần ngăn cản nàng nhưng đều bị nàng ngó lơ.

Đến khi mẫu thân tử, đại ca đi biên cương cũng bị hại chết, Ngoại tổ mẫu bị người cố ý báo tin, vì quá đau buồn mà chết, Ngoại tổ phụ nàng ba ngày sau cũng đi theo nương tử.

Sau khi biết người giật dây mọi chuyện là Trác Thiếu Kình, Đại cữu cữu của nàng mặc chiến bào Uy Vũ Đại tướng quân cùng Đại biểu ca Tô Yến và Nhị biểu ca Tô Vệ dẫn binh tiến vào Hoàng cung mưu đồ giết y.

Nào ngờ đây chính là cái bẫy, mà người hỗ trợ Trác Thiếu Kình giăng bẫy lại chính là Trầm Thư Kính nàng. Đến cuối cùng, trước khi chết, Đại cữu cữu cả người đầy máu thương xót nhìn về phía nàng hôm đó mặc cung trang Tần vị yên ổn ngồi một bên, cố gắng nói: “Kính nhi, Tô gia chưa bao giờ trách con điều gì, chỉ là sợ con sẽ bị ái tình làm mù mắt, sợ con có ngày sẽ phải lãnh nhận hậu quả nên mới nhất mực ngăn cản con.

Nay người Tô gia đều đã chết hết, con liền chỉ còn một mình trên đời không có thân nhân.

Nhớ kỹ lời ta, đừng tin người nào hết, dù đó là phu quân của con hay là tỷ muội tốt của con.

Kính nhi, bảo trọng... cữu cữu phải về với phụ mẫu đây”. Ánh mắt hôm đó Đại cữu cữu nhìn nàng đã ám ảnh đến trong giấc mộng, hại nàng phải sống trong sự dằn vặt cả đời.

Nay nàng có cơ hội làm lại, nàng sẽ hảo hảo bảo hộ mẫu thân, yêu thương ca ca và quý trọng Tô gia.

Ai dám đụng đến những người này chính là đối đầu với Trầm Thư Kính nàng. Trầm Ngôn thấy không khí vốn đang vui vẻ đột nhiên bi thương, không vui nói: “Ngoại tổ mẫu, Kính nhi, hai người khóc cái gì chứ? Hôm nay là đại thọ của Ngoại tổ mẫu người, không được khóc không được khóc”. Trầm Thư Kính bất mãn trừng mắt với Trầm Ngôn, đỡ Lão thái thái trở lại chủ vị. Lão thái thái giữ chặt lấy tay nàng, phủ tay bà lên trên nhẹ nhàng vỗ về.

Tô Tịch nhìn mẫu thân đã lâu không cười vui như vậy, hốc mắt cũng có chút phiếm hồng.

Nữ nhi suy nghĩ lại, quả thật là mang đến cho mọi người xung quanh niềm vui bất ngờ. Ngồi dưới Tô Tịch, Trầm Ánh Cầm phẫn hận xoắn chặt khăn tay lụa hồng, bị đại nha hoàn bên người An thị đi theo trừng mắt, dùng khẩu hình nói: “Nhị tiểu thư, nhẫn nhịn một chút”. Trầm Ánh Cầm điên tiết xé toạt khăn trong tay, may sao mọi người vẫn luôn chú ý vào người Trầm Thư Kính, mới không bị phát hiện.

Tô gia uy quyền như thế lại chỉ sủng ái một mình Trầm Thư Kính.

Trầm Thư Kính là ngoại tôn nữ, còn nàng ta? Nàng ta là gì? Nàng ta cũng là ngoại tôn nữ của Tô gia chẳng phải hay sao? Ngồi bên cạnh hai người, Trầm Ánh Nguyệt trông thấy rõ mọi việc, khoé môi nhếch cao.

Xem nào, hôm nay nàng ta sẽ được gặp Tịnh vương, đã hai tuần rồi không gặp, nàng ta có chút nhớ y. 

Tiệc mừng thọ lần này của Lão thái thái Tô gia thật sự có rất nhiều người đến, từ chúng phụ nhân tiểu thư đến quan lại triều chính.

Ai không đi được cũng nhất định sai người mang lễ vật đến. Bình Tây quốc tư tưởng nam nhân nữ nhân không quá khắt khe nên phủ nào quý khí một chút thì những tiệc lớn như thành thân, thọ tiệc hầu như đều là tiệc nam tiệc nữ gộp thành một.

Hôm nay bàn ghế trải dài từ trong Hoa viên cho đến tận bên ngoài Hoa viên, đủ để thấy tầm quan trọng của Tô gia trong triều đình. Lúc Lão thái thái cùng đám người Tô Tịch đến vừa lúc cử hành tiệc, Lão thái thái cùng Lão thái quân ngồi trên ghế chủ vị, bên trái là các vị nam nhân theo chức quyền xếp xuống, bên phải là chúng phu nhân tiểu thư cũng theo mức độ quyền quý mà xếp chỗ ngồi.

Tô Tịch là Trầm quốc công phu nhân- Tam phẩm Cáo Mệnh nên vừa vặn ngồi ở hàng thứ ba, dưới Uy Vũ Đại tướng quân phu nhân Bình Dương quận chúa và Nhu phi nương nương Tô Sương.

Nhu phi được Hoàng đế đặc cách cho phép xuất cung tham dự tiệc mừng thọ, vừa mới đến không lâu.

Cả ba người đã lâu không gặp, vui vẻ cười đùa. Bên phía nam tử, ngồi ở vị trí đầu tiên là Bắc vương Trác Thiếu Khanh, kế y là Tịnh vương Trác Thiếu Kình.

Ngồi bên cạnh hai người là Uy Vũ Đại tướng quân Tô Thường và Hoàng thương Tô Miên.

Rồi dần dần đếm xuống. Tất cả các thiếu gia và tiểu thư đều ngồi phía sau.

Trầm Thư Kính ngồi ở hàng thứ mười, sau lưng là bọn người Trầm Ánh Diêu.

Ở Bình Tây quốc, luật lệ về nam nữ không quá khắc khe nhưng định kiến về đích thứ lại rất quan trọng.

Đích xuất luôn luôn được ngồi ở phía trước thứ xuất, trong hình dạng chúng tinh phủng nguyệt, để tỏ rõ tầm quan trọng của đích xuất trong gia phủ của mình.

Ngồi bên tay trái của Trầm Thư Kính là hai vị tiểu thư Tô gia: Đại tiểu thư Tô Yên Vân, Nhị tiểu thư Tô Yên Chi. Tô Yên Vân nhìn vị biểu muội đã năm năm không gặp này, có chút khó hiểu nhỏ giọng hỏi: “Kính nhi, sao năm năm rồi muội mới đến thăm tổ mẫu? Tổ mẫu cùng với tổ phụ rất nhớ muội đó”. Trầm Thư Kính nhìn Tô Yên Vân một thân y phục tơ lụa màu hồng đào, trên búi tóc đã búi hết lên cắm hai cây trâm bằng bạc nguyên chất hết sức thanh lịch.

Tuy đơn sơ nhưng không kém phần xinh đẹp. Đại biểu tỷ Tô Yên Vân ở đời trước chính là người bị nàng hại thê thảm nhất Tô gia.

Trác Thiếu Kình muốn mượn sức Mục quốc chinh phục thiên hạ nên mới để nàng thuyết phục Tô Yên Vân đi hoà thân.

Vị biểu tỷ này của nàng dung mạo xuất thuỷ phù dung, chính là vẻ đẹp thanh lãnh của hoa sen mới nở.

Tuy không diễm lệ nhưng lại rất thuần khiết.

Mục quốc Vương thích chính là người như vậy. Tô Yên Vân tất nhiên không muốn, nhưng Trác Thiếu Kình lại nhẫn tâm ban phong hào Vĩnh An công chúa, hai ngày sau liền bắt nàng theo đội ngũ hoà thân đến Mục quốc.

Nghe nói, Tô Yên Vân đến Mục quốc như thỏ vào hang cọp, sống cả đời trong khổ sở và khuất nhục dưới thân Mục quốc Vương.

Cuối cùng không chịu nổi nữa, nàng tự sát khi trong bụng còn đang mang hài nhi chưa thành hình. Lúc hay tin này, cả triều đình Bình Tây quốc liền rối loạn không ít.

Lại nghe nói huynh đệ vào sinh ra tử của Trác Thiếu Kình là Kình Thương Bá Tiết Gia Dịch khi biết tin Tô Yên Vân chết thảm nơi xứ lạ, đã điên cuồng đánh với Trác Thiếu Kình một trận, cuối cùng bị trúng không ít vết thương mà bất tỉnh, lại bị Trác Thiếu Kình thừa cơ mời pháp sư giỏi đến tìm cách xoá kí ức của y về Tô Yên Vân, biến Tiết Gia Dịch một lần nữa trở thành công cụ làm việc đắc lực dưới tay Trác Thiếu Kình. Tô Yên Vân thấy Trầm Thư Kính nhìn mình đến mất hồn, nhướn mày khẽ lay nàng một cái: “Kính nhi, muội sao vậy? Không khoẻ sao?”. Trầm Thư Kính sực tỉnh.

Thật may quá, Tô Yên Vân của đời này giữa hai đầu mày còn chưa xuất hiện dấu vết ưu thương.

Nếu đã trở lại, nàng nhất định phải thay nàng (Tô Yên Vân) lựa chọn một vị phu quân thật tốt. Xem ra phải tìm cơ hội gặp Kình Thương Bá Tiết Gia Dịch của phủ Cố Luân Trưởng công chúa.

Nếu không sai thì người này nhất định là có tình ý với Đại biểu tỷ nàng. “Muội không sao, chỉ là đã lâu không gặp, hai vị biểu tỷ thật là càng lúc càng đẹp nha”, Trầm Thư Kính cong môi cười. Tô Yên Vân ôn nhu mỉm cười, nhưng hai má lại có hơi hồng.

Tô Yên Chi ngược lại nghịch ngợm đáp lời Trầm Thư Kính: “Kính nhi biểu muội cũng càng lúc càng xinh đẹp nha, muội so với ta còn muốn hơn mấy lần đó”. Tô Yên Chi vốn đồng niên với Trầm Thư Kính, chỉ hơn nàng hai tháng.

Nhưng nét mặt của Tô Yên Chi vì thừa hưởng từ Tô Nhị phu nhân Diệp thị nên trông rất khả ái đáng yêu.

Đôi má bầu bĩnh hồng hồng, đôi mắt thỏ ngập nước, khuôn mặt đầy đặn phúc hậu.

Vóc người không quá gầy, trái lại hơi mũm mĩm, làn da hồng hào phối cùng một thân gấm màu đỏ nhạt quả thật là xinh đẹp. Với hai vị biểu tỷ này, người nào Trầm Thư Kính cũng thích cả.

Đại biểu tỷ thanh lịch nhã nhặn, Nhị biểu tỷ khoẻ mạnh hoạt bát, cả hai người đều là những người không có tâm cơ, hoàn toàn trong sạch.

Nếu sinh ra nơi hào môn mà lại vẫn có thể giữ được sự ngây thơ đáng quý này, quả thật là phải tốn rất nhiều công sức.

Nhưng may thay, hai người là sinh ra ở Tô gia- là hào môn nhưng chẳng giống hào môn. Trầm Thư Kính nâng chung rượu trái cây trên bàn, hướng về hai vị biểu tỷ nói: “Hai người thật sự rất xinh đẹp.

Nhị biểu tỷ, tỷ không mập mạp xấu xí, tỷ là mũm mĩm đáng yêu.

Tin lời muội đi, muội xin cạn chung rượu này để chứng minh lời mình nói là thật.

Nhị biểu tỷ, tuyệt đối đừng buồn vì những lời người khác châm chọc, chính bản thân tỷ thấy mình đẹp là được rồi”. “Kính nhi, đa tạ muội”, Tô Yên Chi chân thành nở nụ cười, vì cảm động mà bên khoé mắt lóng lánh ánh nước, cùng lúc đó chiếu thẳng vào trái tim một người.

Ba người liền hoà vào cười đùa không ngớt, ngồi sau lưng Trầm Thư Kính, Trầm Ánh Nguyệt thuận lợi đưa mắt tìm kiếm Tịnh vương của nàng ta. Trầm Thư Kính vốn đang mỉm cười, thình lình cảm nhận được một đạo ánh mắt quen thuộc đang nhìn về phía mình, không cần nghĩ cũng biết là ai đang nhìn và người đó đang nhìn ai.

Thân thể nàng bỗng nhiên kịch kiệt run rẩy.

Là hận! Cơn giận mang theo sự thống hận từ sâu trong tâm khảm, hoà cùng nổi đau đớn đến mất tri giác dưới cửu tuyền một trăm ngày mạnh mẽ trực trào. Ha, thì ra đời trước Trác Thiếu Kình và Trầm Ánh Nguyệt đã sớm gặp nhau, vậy mà nàng cứ ngỡ Trầm Ánh Nguyệt biết Trác Thiếu Kình là nhờ chính mình giới thiệu.

Thì ra, thì ra tất cả mọi chuyện kiếp trước nàng mắc phải, kể cả chuyện “tình cờ” gặp Trác Thiếu Kình năm đó, từng chuyện từng chuyện một đều là cái bẫy do đôi gian phu dâm phụ này bày ra cả, quả thật là đáng hận! Trầm Thư Kính bị tức giận che phủ lí trí, thân thể không theo sự kiểm soát của đại não, tự động ngẩng đầu.

Tấm lưng nhỏ nhắn thẳng thắp tựa như cố ý lại như vô tình chắn trước mặt Trầm Ánh Nguyệt, hai mắt lạnh lẽo nhìn Trác Thiếu Kình Bên kia, Trác Thiếu Kình giật mình vì sự xuất hiện của Trầm Thư Kính, lại vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy đôi mắt phượng lạnh lẽo nhưng sâu bên trong lại ngập trần hận thù của nàng. Không biết liệu có phải do hương rượu quá nồng khiến y không uống mà say, hay do chính y ảo giác, mà dường như y đang trông thấy một con phượng hoàng lửa lao ra từ sâu trong đáy mắt Trầm Thư Kính.

Phượng hoàng lửa tròng mắt đỏ như màu máu, đôi cánh mỹ miều mạnh mẽ cử động từng nhịp bay, lao vun vút về phía Trác Thiếu Kình.

Trong phút chốc, y cảm giác được sức nóng của ngọn lửa thiêng ngàn năm đang phả vào mặt mình. Nóng đến bỏng rát! Đứng bên cạnh Trầm Thư Kính, Hỷ Tình đột nhiên cảm thấy Trầm Thư Kính có chút bất thường, vội vàng vươn tay khẽ kéo ống tay áo nàng.

Trầm Thư Kính bị gọi tỉnh, thu lại ánh mắt, ngã người tựa vào ghế, bỗng nhiên muốn cười. Lúc này nàng mới phát hiện người nam nhân này vì giang sơn, vì thiên hạ lại có thể hy sinh cùng kiên nhẫn đến vậy.

Tuổi còn nhỏ, quyền lực trong tay chưa đủ lớn thì giả ngây giả dại, luôn tỏ vẻ bản thân là loại người yếu đuối ngu ngốc không có duyên với đế vị để tránh ánh mắt người khác, sau lưng lại âm thầm trau dồi thực lực cùng quyền thế trong tay.

Thế nên năm đó Trác Thiếu Kình một thân bức phá, cuồng loạn giết chết hầu hết các vị huynh trưởng của mình mới khiến hoàng đế trở tay không kịp.

Cuối cùng khiến ông vì tức giận nên đã kích thích độc mãn tính mà Trác Thiếu Kình âm thầm hạ từ lâu, chết không nhắm mắt. Lúc đó hơn một nửa quyền thần triều đình đều ủng hộ y, số còn lại thì duy trì thế trung lập, còn những người chống đối đều đã mai táng dưới mũi kiếm của y.

Trác Thiếu Kình cứ thế ung dung ngồi lên long ỷ, một bước thành vua. Trầm Thư Kính siết chặt chung rượu trong tay, hoạ tiết tỉ mỉ bên ngoài vì bị bóp chặt mà cắt một vệt trong lòng bàn tay nàng, máu chậm rãi thấm dần ra. Trác Thiếu Kình, kiếp trước ngươi thành công như vậy chính là do không ai phát hiện ra bộ mặt thật sau lớp nguỵ trang tài tình của ngươi, lại vì ngươi có một thanh đao luôn sẵn sàng vì ngươi mà bán mạng như ta.

Nhưng đời này, ta không những không giúp ngươi mà còn tự tay chậm rãi vạch trần bộ mặt giả dối của ngươi cùng thế lực khổng lồ sau lưng ngươi, nhất định ta sẽ khiến ngươi chết không được tử tế, trả thù cho hài tử bé nhỏ của ta! Bên kia Trác Thiếu Kình thoát khỏi áp lực vô hình, men rượu trong người đã sớm bốc hơi hết.

Y cau mày nhìn Trầm Thư Kính, nhẹ giọng hỏi nhất đẳng thị vệ bên người: "Biện Trúc, ánh mắt lúc nãy của Trầm Thư Kính, ngươi có cảm thấy sát khí không?". Biện Trúc ngẩng đầu nhìn thoáng qua thân ảnh Trầm Thư Kính lại cúi đầu nhìn Trác Thiếu Kình, ngẫm nghĩ rồi lắc đầu: "Vương gia, nô tài không cảm nhận được sát khí, có lẽ là người đã quá đa nghi. Trầm Thư Kính là tiểu thư kim chi ngọc diệp, làm sao lại có thể có sát khí được".

   "Chắc là do bản vương đã say rồi", Trác Thiếu Kình nâng tay xoa xoa mi tâm, không hề đặt ánh mắt kinh hãi lúc nãy của Trầm Thư Kính vào trong lòng. Trầm Ánh Nguyệt khó khăn lắm mới được trông thấy Tịnh vương của nàng ta, nhưng mới chỉ một lúc đã bị Trầm Thư Kính cố ý dùng thân thể ngăn mất.

Nàng ta tức giận giữ chặt tay vịn ghế, thanh âm vang lên trái lại đầy yếu đuối vô năng: "Tam tỷ, Nguyệt nhi cảm thấy vị vương gia vận lục bào thêu mãng xà kia quả thật ngọc thụ lâm phong, không biết tỷ có thấy như thế không nha?". Muốn dò xét Trầm Thư Kính nàng sao? Trầm Ánh Nguyệt muốn Trác Thiếu Kình đến điên rồi hay sao lại dám công khai hỏi nàng vấn đề này? Nhận khăn tay từ Hỷ Tình lau vệt máu trong lòng bàn tay, khoé môi Trầm Thư Kính nâng lên, nhẹ nhàng nói: "Vị vương gia vận lục bào? Là Tịnh vương Trác Thiếu Kình phải không? Mắt của Tứ muội muội quả thật tinh tường, Tịnh vương thật sự rất...".

Vốn muốn đợi Trầm Thư Kính nói tiếp, nhưng đợi nửa ngày vẫn không nghe, nên Trầm Ánh Nguyệt đành phải mở miệng: "Rất như thế nào vậy Tam tỷ? Tam tỷ thích Tịnh vương không?".
 
   "Hàm hồ! Tứ muội muội, chúng ta là tiểu thư quý tộc, quy củ của tiểu thư Dung di nương không dạy muội sao? Trầm gia tiểu thư sao có thể nghị luận nam tử một cách công khai như thế? Tứ muội, muội muốn phụ thân phạt muội hay sao?", Trầm Thư Kính quay đầu, tức giận nhìn Trầm Ánh Nguyệt.

  "Nào có, nào có. Muội chỉ là nhất thời nhanh miệng, Tam tỷ tỷ đừng nói lại với phụ thân a", Trầm Ánh Nguyệt nắm càng thêm chặt tay vịn ghế, trên mặt gấp gáp như muốn khóc. Đúng thật là vẫn còn rất non nớt.

Trầm Thư Kính giả vờ thở dài, vươn tay vỗ vỗ lên tay của Trầm Ánh Nguyệt, giọng nói khuyên nhủ: "Muội còn nhỏ, hôn sự phải để phụ mẫu lo lắng, đừng quá phận".

  "Vâng, Tam tỷ", Trầm Ánh Nguyệt cúi đầu đáp.

Bữa tiệc ngày hôm đó kết thúc bằng việc tặng quà của chúng tôn tử tôn nữ cho Tô Lão thái thái.

Nổi bật nhất chính là bộ bình phong thêu hai mặt bức tranh chúc thọ "Tùng Hạc Diên Niên" của Trầm Thư Kính, nhận được không ít lời khen ngợi thán phục của mọi người.

Thanh danh Trầm Thư Kính từ đó cũng như diều gặp gió, phất lên nhanh chóng... Hôm nay là một ngày như mọi ngày, Trầm Thư Kính từ sớm đã mang theo Hỷ Tình đến Mẫu Đơn viện của Tô Tịch nói chuyện với bà. Tô Tịch vừa mới thức dậy, xiêm y chưa chỉnh tề, nên Trầm Thư Kính liền vào thẳng phòng ngủ của bà.

Trông thấy nữ nhi một thân váy dài màu hồng nhạt trong trẻo mà uỷ mị, Tô Tịch ngồi trước gương đồng cười cười vươn tay về phía nàng vờ mắng: "Kính nhi, con thật là không có lễ nghi mà. Sao lại tự ý vào tẩm phòng của mẫu thân như vậy, chẳng biết lớn nhỏ". Trầm Thư Kính thay Tôn mẹ nhận lấy lược gỗ, ở sau lưng Tô Tịch dịu dàng chải mái tóc dài như suối của bà, tinh nghịch cười đáp lại: "Nữ nhi chính là nhớ người, dù gì con biết phụ thân cũng không có ở trong viện của mẫu thân, nên con mới tự ý đi vào. Lần sau con sẽ ngồi ở tiền viện đợi". Nghe đến Trầm Tường, khoé môi Tô Tịch dường như cứng lại.

Đúng là đã hai tháng rồi ông chẳng hề bước chân vào Mẫu Đơn viện của bà.

Tuy là chủ mẫu nhưng so với các vị di nương khác, tình yêu mà bà nhận được từ Trầm Tường là ít đến không thể ngờ được.

Theo quy chế của Trầm gia, mỗi đầu tháng Trầm Tường phải bắt buộc nghỉ ở viện Tô Tịch, những ngày còn lại thì tuỳ ý.

Nhưng kể từ khi nữ nhi ngã xuống nước, bà bắt An thị chép kinh Phật cho Kính nhi, Trầm Tường liền chỉ suốt ngày đi Bạch Mai viện của bà ta. Trầm Thư Kính trông thấy thần sắc ảm đạm của mẫu thân qua gương đồng trước mặt, đáy lòng nhịn không được thở dài một cái. Nàng biết, thật ra phụ thân chưa bao giờ yêu mẫu thân nàng dù chỉ một lần.

Ông cưới bà chính là vì Tô gia sau lưng, vì tài năng và danh tiếng Tứ Đại mỹ nhân năm đó của bà chứ chưa hề vì tình ái.

Đối với Trầm Tường, tất cả nữ nhân đều là công cụ quyền lực của ông, dù là thê tử hay là nữ nhi, đều chỉ có một mục đích chính là giúp ông mang về quyền thế.

Ở đời trước, Tô gia bị nàng hại dần dần lụn bại, ông liền ngấm ngầm cho phép người trong phủ động thủ với mẫu thân, hại bà chết không nhắm mắt.

Bởi với Trầm Tường, Tô gia một khi sụp đổ thì quân cờ Trầm Tô thị Trầm quốc công phu nhân Tô Tịch này liền không hữu dụng nữa.

Mà quân cờ vô dụng, chính là phải dọn dẹp để đón chờ một quân cờ mới có ích thế vào. Nhưng mẫu thân đáng thương của nàng lại vô cùng yêu ông.

Xuất giá tòng phu, dù chưa gặp trước đó nhưng Tô Tịch ngay khoảnh khắc Trầm Tường mở hỷ khăn trên đầu mình ra, bà chính là nhận định người nam nhân này là mặt trời của cả đời mình. Thật ra Tô Tịch không biết, mặt trời Trầm Tường không những sưởi ấm bà mà còn có thể đốt bà đến cháy rụi thân thể, tan nát tâm can. Vì tránh việc kiếp trước sẽ tái diễn, kiếp này Trầm Thư Kính muốn mẫu thân mình nhất định phải cắt đứt mọi tình cảm với Trầm Tường, bởi nàng biết khi không có chữ "tình", mọi chuyện cần làm đều dễ dàng vô cùng.

Trầm Thư Kính đưa lược gỗ trong tay cho Tôn Vu- đại nha hoàn của Tô Tịch, tiến lên phía trước nắm lấy tay Tô Tịch, mở lời: "Mẫu thân..." Nhưng nàng vừa mới cất tiếng, một thanh âm khác đã vội vã cắt ngang: "Phu nhân, nô tài là Trầm Nhất. Quốc công gia mời người đến Bạch Mai viện có việc cần nói".

—Chú thích—

*Hoạt sắc sinh hương: vẻ đẹp sinh động.

*Tiên tư ngọc sắc: dung mạo như tiên, khí sắc như ngọc.

*Ngọc đái: đai lưng bằng ngọc.
*Kim tuyến ngân tuyến: chỉ vàng chỉ bạc.

*Yên nhiên xảo tiếu: xinh đẹp khéo léo; Yến ngữ oanh đề: giọng nói thánh thót như chim oanh chim yến.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro