2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Cũng như đã viết ở phần trước. Có lẽ từ giờ sẽ không viết chi tiết từng ngày nữa. Vì tựa vẫn là quá trình giảm cân nên sẽ vẫn cố gắng để giảm. Tôi thuộc kiểu người tùy hứng, hứng lên thì làm không thì dẹp. Giờ là rất có hứng và muốn viết dã man.
Tôi ít cười, ít nói ngại giao tiếp. Không hiểu sao khi nói chuyện với người khác tôi sẽ rất mất tự tin. Thành ra ít nói, còn cười thì lại càng vô vọng. Tôi ngoài mặt để xã giao và để nhìn cho đỡ gớm, thì sẽ cố gắng cười, nhưng luôn cảm thấy nụ cười của mình rất giả tạo. Mọi người nói chuyện và cười hô hố, nhưng tôi lại thấy chẳng có gì đáng cười cả. Vậy nên nhiều người cứ bảo mặt tôi buồn, mặt tôi nghiêm túc, etc. Thực tế là tôi có buồn cái khỉ gì đâu. Cơ mặt sinh ra đã vậy biết làm sao, chả nhẽ đi pttm. Kệ, dù sao tôi cũng chẳng quan tâm lắm người ta nghĩ gì về mình.
Vấn đề của tôi bây giờ là làm sao có thể áp dụng được những thứ đã đọc, đã nghe trong những tuần qua. Lời Phật dạy quả thật chí lý và hay vô cùng, tác dụng thức tỉnh cực kỳ mãnh liệt. Không mê tín dị đoan, không mầu nhiệm ảo ảnh mà thực tế và khoa học. Đó là cảm nhận của tôi về đạo Phật.
Trước những lúc tôi đau khổ hay cô đơn, cũng vì nghe giảng đạo của các thầy mà tôi cũng cố mà vượt qua. Lúc tôi đau đớn về tinh thần nhất cũng chỉ biết cầu cho bớt đau khổ, mà cầu ai, cầu trời cầu Phật. Cũng có tác dụng lắm chứ, không thì bây giờ tôi đã chết lâu rồi. Suy nghĩ muốn tự tử luôn bủa vây lấy tôi mà. Tôi không muốn nhắc lại về những sự kiện mà quá khứ đã trải qua, vì đó toàn là những thứ khiến tôi rất đau đớn vào thời điểm đó. Nhưng giờ nghĩ lại thì sự đau đớn đó cũng không còn xót lại một chút nào. Đọc và cố gắng hiểu đạo Phật nên tôi mới có thể suy nghĩ đơn giản như thời điểm hiện tại.
Trước tôi trầm cảm, tôi luôn muốn rạch cổ tay mình ra để nhìn thấy máu chảy ướt đẫm nền gạch hoặc thấm đẫm những tờ giấy ăn. Cảm giác đó đeo bám tôi ghê gớm. Tối đến lúc đi ngủ, khi chìm vào bóng tối, hoặc những lúc uống rượu say là tôi lại tự rạch cổ tay của mình. Tôi nhớ hình ảnh có một lần tôi uống say, tôi rạch khá mạnh. Máu chảy thành từng giọt rơi xuống nền gạch, tôi nhìn máu đỏ trong bóng tối mờ do có ánh đèn hắt vào. Nó chảy ra đến đâu tôi cười đến ấy, không cảm thấy đau, nhưng cảm giác thật khó tả. Tôi lấy tay xoa đi những giọt máu trên nền gạch và nó thành một vùng đỏ chói tương phản với màu nền gạch trắng. Hôm đó tôi uống say, tôi thường có cách trốn tránh cảm xúc bằng việc uống say hoặc vùi đầu vào điện thoại. Cái hình ảnh và cảm giác đó thỉnh thoảng lại hiện lên trong đầu tôi. Tôi nghiện cái cảm giác tự hành hạ bản thân từ bao giờ không biết. Đến thời điểm hiện tại, thỉnh thoảng tôi vẫn muốn rạch nát cái cổ tay mình ra, để rồi biết đâu tôi sẽ không bao giờ phải thức dậy vào sáng hôm sau. Cổ tay tôi hiện tại sẹo lớn sẹo bé chồng lên nhau. Ai nhìn thấy hỏi tôi đều cố nói dối và lảng đi. Mẹ tôi biết, mẹ nói tôi bị điên rồi, mày không thấy đau sao? Nhưng tôi kệ, không giải thích hay nói gì cả, tôi chỉ bảo" con mệt mỏi, con chán sống" rồi mẹ cũng không nói gì nữa. Chắc mẹ cũng biết lý do vì sao tôi làm như thế hoặc mẹ nghĩ là do mẹ làm khổ tôi? Nhưng sự thực tôi muốn chết, hay hành hạ bản thân đâu phải do mẹ tôi. Đó là do tôi muốn, chỉ đơn giản vậy thôi. Tôi thích cảm giác nhìn máu của mình chảy từng giọt, thích cái cảm giác rờn rợn khi lưỡi dao lam cứa vào cổ tay. Quá trình trưởng thành của tôi có lẽ bị sai lêch ở đâu đấy nên hình thành con người tôi như bây giờ. Trong quá trình tự hành hạ, mệt mỏi, chán nản, nhấn mạnh lại là tôi đã học đạo Phật từ rất lâu và thường bỏ qua sau đầu. Lúc cần thì cầu xin ban phước, an lành này nọ, lúc ổn thì lại đâu vào đấy. Đó là lý do tôi luôn cảm thấy bản thân thực sự khốn nạn, biết sai mà vẫn làm, biết sai không thèm sửa mà cứ lún sâu. Việc làm và suy nghĩ đối lập với lý trí và lẽ phải. Nên tôi luôn trong tình trạng  điên tỉnh không phân minh.
Biến cố 2 tháng trước, trong khoảng thời gian đó cho đến thời điểm tôi viết những dòng này. Không dùng điện thoại hơn một tháng, như đã nói, tôi nghĩ mình đã thay đổi được một chút xíu. Chắc thỉnh thoảng vẫn điên khùng, nhưng sẽ khác xưa, không đau khổ và tự dằn vặt bản thân như xưa nữa.
Tôi thực sự hiểu ra nhiều điều khi đọc. Tâm tôi thanh thản hơn, suy nghĩ không nhiều nữa và sẵn sàng đối mặt với mọi thứ xảy đến.
Tôi có xem được một đoạn clip nói về giả sử thời gian không tồn tại. Tuy giả sử nhưng thấy đúng lắm. Thời gian không tồn tại, tất cả chỉ là sự chuyển động của vật chất. Đúng như những gì tôi đọc gần đây trong cuốn kinh Phật. Sinh trụ hoại diệt. 4 chữ trong một câu tóm gọn lại mọi thứ, mọi sự vật, mọi hiện tượng có hình tướng trên đời này. Quá hay, quá chí lý. Càng ngẫm càng thấy hay và đúng.
Tôi đang đi tìm con đường để tôi có thể từ mê lầm thoát ra được, để tìm thấy ánh sáng ? Tìm được cái gọi là "chân tâm, thực tâm" Để nhìn thấu mọi thứ, cảnh vật, thế gian, con người và sự vật? Dạo này tôi thường xuyên suy nghĩ đến vấn đề này. Tôi áp dụng những thứ tôi đọc được và thấy mọi thứ thật khác khi suy nghĩ khác. Mọi sự tại tâm, quả không sai.
Tôi sẽ cố gắng áp dụng và cố gắng học kinh Phật. Để tôi có thể thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của cuộc đời.
Từ giờ khi đọc được những đoạn hay và ý nghĩ tôi cũng sẽ viết vào đây. Để tự phân tích cái hiểu của mình. Để cố gắng tìm ra con đường đúng đắn nhất.

"Sắc tức thị không, không tức thị sắc" Câu này để hiểu nghĩa trên mặt chữ thật đơn giản, nhưng để quán chiếu và thực hành vào hiện tại thực khó. Vì cơ bản, cái suy nghĩ từ thửa bé, tạo thành một thói quen ăn sâu cắm rễ vào não. Khi nhìn thấy gì sẽ tự nhận biết cái đó, nhìn thấy cái nhà bảo cái nhà, nhìn thấy ông A bảo ông A, etc. Nhưng sự thật không phải như thế. Đây là cái khó trong đạo Phật, vì sao bảo cái đang tồn tại là không được? Con người nói chung và bản thân tôi nói riêng khi nhìn thấy cái gì thì nó sẽ là cái đó. Vậy còn câu Phật dậy thì sao? " Sắc tức là không" nghĩa là gì? Khó ở đây, chỗ này theo như tôi đọc hiểu thì phải dùng tâm viên giác hoặc gọi là chân tâm để nhìn nhận vấn đề. Mắt nhìn thấy cảnh nhưng tâm lại khởi cái biết. Biết ở đây là vọng tâm, vì còn nhìn thấy nó là cái nhà. Chân tâm là nhìn thấy nó không thật. Nó cũng sinh, trụ, hoại, diệt, cũng do duyên hợp là sắt, thép, bê tông, gạch, ngói, etc tạo thành. Vậy thì cái chân tâm là nhìn thấy cái không của nó, nếu không có những cái vật liệu kia hợp thành liệu có còn gọi là cái nhà không? Cũng như cơ thể con người, thiếu 1 trong 4 yếu tố thì có còn tồn tại hay không. Nên cái biết ở đây, ta phải nhìn thấy cái duyên hợp của nó, cái tồn tại giả tạm của vạn vật thì mới tìm ra được chân tâm. Lúc đó mọi thứ từ phức tạp sẽ biến thành đơn giản, từ khổ đau mà không khổ đau, vì có gì là thật để khổ đau, để bấu víu??? Nhưng cái hiểu thì là vậy, còn cái nhận biết nó cắm rễ lâu đời làm sao thay đổi một sớm một chiều. Làm sao không đau đớn và thương xót khi có một người thân của mình bị làm sao đó, trong khi hiểu mọi thứ chỉ là giả  tạm? Vậy nên, từ bi và trí tuệ luôn đi cùng và tồn tại khi ta tìm ra được chân tâm của mình. Tôi có muôn vàn câu hỏi tại sao, nhưng tôi sẽ giữ vững niềm tin của mình. Không đơn giản vì sao đạo Phật lại có nhiều người theo, tin và thành tựu như vậy. Nếu người ta làm được thì tôi cũng sẽ làm được.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro