1.1 Nó.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 1: Tuổi thơ.
1.1 Nó.

Nó thuộc về mùa hạ, về những tiếng ve ngân nga sau hàng phượng đỏ nghiêng thân theo gió, chuông trường sẽ tắt ba tháng. Mỗi năm khi vào hè, nó nằng nặc đòi ba mẹ cho lên Sài Gòn ở cùng cậu mợ út. Nó mê mệt mùa hè, nhưng luôn cuốn dọn quần áo đi khỏi khi hè gõ cửa vùng quê yên lành của nó, hết lần này đến lần khác. Năm nay nó mười sáu, hết hè này nó vào lớp mười hai, vậy là nó biết mình sẽ không còn được tận hưởng cảm giác hè đến thực sự lần nào nữa.

Nó chọn ở lại quê trong hè, tìm lớp học thêm nào là toán, lý, hoá và cả anh văn. Nó thất hứa với thằng Thiện _ con trai của cậu mợ út, rằng hè này sẽ lên chơi với út Thiện. Cả ba tháng hè, sáng nào út Thiện cũng chạy ra đợi nó ngoài sân nhưng lần này chị không tới. Suốt mùa hạ, nó mặc quần đùi áo thun đạp xe đi từ sáng sớm đến tối muộn mới về, nó học ba lớp học thêm đều đặn năm ngày trong tuần. Hai ngày cuối tuần, nó lại gật gù ngủ gục sau lưng bố trên đường lên huyện học thêm tiếng anh.

Mùa hè đó trôi qua, nó cảm thấy bản thân gần như đã học gấp đôi lượng kiến thức năm lớp mười và mười một cộng lại, mỗi đêm sau khi ôn bài xong nó đều nhìn vào gương, nhìn vào đôi quầng thâm mắt đen xì rồi tự khen lấy bản thân, dĩ nhiên nó tự hào vô cùng vì nó biết sự cố gắng của nó xứng đáng. Những tuần đầu của học kỳ mới, nó vượt trội hơn bạn bè trang lứa đáng kể, thầy cô khối chuyên tự nhiên lần nào đến lớp cũng tấm tắc khen nó giỏi, nói rằng sau này tương lai xán lạn vì nó là một đứa có năng lực và chuyên cần. Nó cũng tin vào bản thân mình, nó có mơ ước rõ ràng về việc trở thành một nghiên cứu sinh khoa công nghệ sinh học của một ngôi trường top đầu.

Học kỳ một diễn ra suôn sẻ và thuận lợi. Tối đó ngồi ăn cơm, trên bàn có cải thìa xào, thịt kho tiêu và canh khoai mỡ. Nó bẽn lẽn giơ ra tờ giấy đăng ký nguyện vọng cho bố mẹ xem, với gương mặt tự tin bởi chỉ duy nhất một ngôi trường, duy nhất một ngành học mà nó đã nghiên cứu và tin chọn. Miệng nó tía lia nãy giờ, mắt cười đến híp lại, nó kể về tất cả những lần xin lời khuyên từ thầy cô giáo, xin cả những cảm nhận của cựu học sinh đã và đang học tập tại ngôi trường mơ ước của nó. Rõ ràng, nó chuẩn bị đủ tinh thần và trí lực cho kỳ thi tốt nghiệp quan trọng nhất đời mình. Nhưng nó đã không chuẩn bị kỹ tinh thần về thái độ của bố mẹ. Bố nó lẳng lặng nghe con mình nói suốt từ chén cơm thứ nhất, thứ hai rồi cuối cùng ông gác đũa, ông lấy ra tờ báo đặt sẵn dưới ghế hướng về phía nó.

"Sài Gòn kinh tế suy thoái, chi phí sinh hoạt đắt đỏ, mà an ninh lại lỏng lẻo, con là con gái đừng nên ở quá xa nhà."

"Ý bố là sao?" Lần này nó bất giác cảm thấy nhịp tim đang tăng lên.

"Chọn một trường tỉnh, ở gần một chút bố mẹ mới dễ trông chừng. Nếu tiện hơn con nên chọn nghề giáo, giống với bố, sau này khi bố về hưu con cũng dễ dàng được bổ nhiệm vào vị trí đó."

"Trường tỉnh thì làm sao so được với trường cấp quốc gia ở Sài Gòn." Nó chau mày, bĩu môi, lí nhí trong cuống họng. Bố nó nghe thấy liền đập bàn, quát lớn. "Trường tỉnh cũng là trường trọng điểm của tỉnh, con bỏ cái thói ăn nói đó nghe chưa!?"

Nó ngẩng cao đầu nhìn bố, nhìn tờ báo với dòng tít 'Sài Gòn kinh tế suy thoái - hơn trăm nghìn lao động mất việc làm' nó biết bố có cơ sở chính đáng để thay đổi nguyện vọng chọn trường, thậm chí bố sẽ lo cho nó một công việc ngay khi vừa tốt nghiệp. Nhưng hơn hết, nó biết mình là một đứa có năng lực và sẽ bằng mọi cách để xoay sở trong bốn năm đại học tại ngôi trường mà nó chọn, chắc chắn. Bởi vì đây đâu phải tương lai mà bố sẽ sống, đây là cuộc sống của nó.

Bố nó chưa từng cau có khi nói chuyện với nó, trước giờ, nó cũng không sai phạm hay cãi lời bố nửa câu. Cho đến tối nay, nó khóc òa chứng khiến bố xé tờ giấy đăng ký nguyện vọng ra làm hai rồi cho vào sọt rác. Nó phẫn nộ đến mức lật ngược chiếc bàn tròn, canh khoai mỡ đổ tràn ra nền nhà, lúc này nó không còn nghe rõ âm thanh từ người xung quanh cứ thế bỏ lên phòng khóa trái cửa. Vậy là nó quyết sẽ bảo vệ ước mơ đến cùng.

Bữa cơm tối những ngày sau đó, mọi thứ ảm đạm dần khi bố và nó không nói chuyện với nhau. Hôm nay, mẹ tâm lý mở lời trước, bà hỏi han việc học hành nó đáp ngắn gọn: "Bình thường."

"Nói chuyện với mẹ thế hả?" Bố hắng giọng, mắt không nhìn thẳng vào nó.

Nó nghĩ nó sẽ bình thản, nhưng trong mắt bố mẹ hiện tại nó là một đứa đang cố chứng minh bản thân mạnh mẽ. Một tờ đăng ký nguyện vọng mới được đặt trên bàn với nội dung y hệt hôm nọ, bố liếc nhìn một giây, ông cởi cặp kính lão của mình, day day thái dương, hành động này nó từng thấy ở bố trong những lần ông phải đối diện với những khó khăn và sóng gió lớn như đám học trò của ông gây chuyện hay lúc ông đứng trước linh cữu của ông nội.

Được đà không khí im lặng, nó nói với độ cương quyết rõ ràng.
"Con ở nhà cậu mợ, sáng đón xe buýt đi học tối đón xe buýt về, ổn định một chút con tìm việc làm thêm như vậy vừa an toàn mà ba mẹ cũng không phải lo tốn kém."

"Hừm, nói như con thì dễ dàng quá." Bố đeo lại cặp kính lão, ông chậm rãi đi đến chiếc cặp táp mà ông vẫn thường mang đi dạy học, rút ra một tờ đăng ký nguyện vọng vẫn chưa điền bất kỳ thông tin nào. Ông đưa ra trước mặt nó. "Trường tỉnh, ngành sư phạm, con được quyền chọn bất kỳ khoa nào của ngành sư phạm. Bố không nói hai lời."

Nó thấy dọc sống mũi mình cay xè, ức không nấc thành tiếng. Tất cả những lập luận và phương án cho cuộc sống của chính mình bị gạt bỏ không một lý do chính đáng. Tất cả những gì nó có thể nghĩ được bây giờ là 'tại sao nó không thể chọn một ngành nghề, một ngôi trường nó muốn? Tại sao nó không được chọn một tương lai thuộc về mình?'

Cơn tức giận của nó luôn kèm theo những hành động phát tiết ngấm ngầm đáng sợ, lần này nó cầm cả dao, kề vào cổ mình.

"Con biết trông con ấu trĩ lắm không?" Bố nói với giọng điềm tĩnh, hai tay chắp sau lưng, trông như ông thầy giáo đang răn dạy đứa trò hư của mình.

"Nghe lời bố đi con." Mẹ nó bấu lấy cánh tay nó rất chặt. Nó không giãy giụa phản kháng như lần trước, dù đôi hàng mi của nó đang ướt đẫm nhưng chẳng có giọt lệ nào tràn ra. "Bố mẹ không thể mất cả con." Mẹ nó gào lên trong bất lực khổ sở, bà đã mất đi một đứa con trên chuyến xe đò lên Sài Gòn nhập học hai năm trước, và dường như nỗi đau chưa hề nguôi ngoai khi lần nữa nhìn thấy đứa còn lại sống chết cũng muốn tới một nơi khó sống trăm bề.

Nó nhìn mẹ khuôn mặt bà phúc hậu, đường nét hiền hòa nhưng chúng méo mó đi khi bà khóc, nó biết bà là một người đàn bà an phận dẫu sống chết cũng chỉ lo vun vén cho gia đình. Mẹ đang khóc run người bên cạnh, nó thở dài vỗ vai mẹ, xoa xoa tấm lưng mẹ an ủi. Mẹ đã hy sinh cả cuộc đời vì nó, và hiển nhiên nó cũng được dạy dỗ rằng tất cả phụ nữ đều nên cảm thông và hy sinh cho gia đình mình. Nghĩ thế, nó hạ con dao xuống, lau nước mắt trên gương mặt mẹ, sau đó đi đến bàn thờ cùng bố thắp cho anh hai một nén nhang.

Mẹ ôm nó chặt đến mức không thở nổi, trước bàn thờ anh hai nó xin lỗi cả bố và mẹ vì hành động ấu trĩ của bản thân trong cơn tức giận không thể kiềm chế. Sau chuyện này, nó biết chỉ có mẹ sợ mất nó, còn bố, ông chỉ sợ mất mặt vì có đứa con ấu trĩ như nó trong nhà.

Nó điền thông tin vào tờ đăng ký nguyện vọng ngay sau đó, đúng như những gì bố dặn dò. Nó cầm tờ giấy về phòng, tiếng mẹ vọng theo bảo rằng bà cảm kích vì nó biết hiểu cho gia đình, biết động viên bà vượt qua nỗi đau mất con trai ngày đó. Biết chăm chỉ và ngoan ngoãn suốt tuổi thơ của mình, trước ngưỡng tuổi mười bảy nó đã không phụ lòng bố mẹ bất kể điều gì.

Đó là tất cả những gì nó biết và nhận được, còn những gì nó hiểu là nó sẽ không thể sống vì chính mình lần này. Nó còn nhận ra người cần nhiều thấu hiểu và lời an ủi hơn lẽ ra phải là mình.

.

Đổi nguyện vọng của mình cho một tương lai bằng phẳng suôn sẻ mà bố mẹ vẽ ra không hề là một cảm giác dễ chịu. Nhất là khi tương lai suôn sẻ mà ba mẹ nói kia không thể xảy ra.

Nó trượt ngành sư phạm của trường tỉnh, chỉ thiếu không phẩy hai điểm cho môn văn. Đời nó rơi vào bế tắc trọn vẹn, nó không dám ra khỏi nhà, nó sống với bức tường màu xám chì và khung cửa sổ hướng ra vườn ổi suốt ba tháng sau khi nhận được kết quả. Những bữa cơm chỉ còn có bố mẹ và một bộ chén đũa trên bàn ăn. Nó không hiểu và bất lực cùng lúc, không hiểu nổi cảm giác của lần thất bại này khiến nó buồn vì làm bố mẹ thất vọng và cũng khiến nó bất lực bởi giá như nó có cơ hội cố gắng cho nguyện vọng mà nó ưu tiên ngay từ đầu, biết đâu mọi chuyện sẽ khác.

Suốt mấy tháng liền nó ngồi trong phòng, lắng nghe tiếng đập nhục nhã trong tim và ngắm nhìn tụi bạn đồng niên trong xóm đã kéo nhau lên Sài Gòn nhập học hết ráo. Có thể vườn ổi là thứ còn ở lại với nó sau cùng, nó nghĩ. Hè qua rồi thu tới, chim sẻ hót trong vườn ổi, chó sủa inh ỏi khi bóng người lạ lướt ngang qua bụi hoa trang, hay cô hàng xóm có thằng con luôn thua điểm nó trên lớp ghé vào hỏi thăm tinh thần nó đã ổn hay chưa?

Nó thấy ngột ngạt. Nó xuống nhà tìm chút nước lọc để uống. Mẹ nó bước vào từ vườn ổi, với cái rổ đầy nào là ổi chín, khóm và măng cụt. Bà nhìn nó nốc ừng ực nước rồi cười hiền.

Trời chiều ngoài thềm mát rượi, mẹ gọt ổi ra đầy cả dĩa, nó ôm cái cối đâm nhuyễn một muỗng muối hột và hai trái ớt đỏ. Hai mẹ con ăn ổi chấm muối ớt cay xé lưỡi, cùng nhau hít hà cười nắc nẻ. Đã lâu rồi nó không thấy bà cười cũng vô tình nhận ra nhiều đốm đồi mồi và vết chân chim ở đuôi mắt bà sâu thấy rõ.

"Con muốn lên Sài Gòn không? Cậu mợ út gọi về nói thằng Thiện nhắc con suốt."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro