Vũ Thủy Linh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Reminisce the day we met, everything that we've been through

Wrote a little love letter sealed it with a kiss for you

Hear the sound echo so sweet but time won't wait for nobody

Though we laughed 'til the morning, countless nights I cried to sleep

...

Tôi tên là Vũ Thủy Linh, Thủy trong "dòng nước", Linh trong "linh thiêng". Mẹ đặt tên, mong muốn tôi trở thành người con gái nhẹ nhàng và sâu sắc. Tôi không rõ mình như vậy có được gọi là sâu sắc hay không, nhưng rõ ràng đối với thể chất bẩm sinh yếu đuối, tôi chẳng bao giờ mạnh mẽ được với ai.

Được nuôi lớn bằng văn chương và âm nhạc cổ điển, con đường tôi đi luôn trải đầy hoa hồng. Thế giới quanh tôi luôn êm đềm duyên dáng. Tôi cũng thích tất cả những váy áo, những bản nhạc, những bàn cờ, những cuốn sách, những tác phẩm hội họa mà người ta mang đến. Ba mẹ thương yêu và luôn chiều chuộng tôi... Cuộc sống của tôi so với nhiều bé gái khác, chắc chắn có phần dễ dàng. Tuy vậy, việc thay đổi nơi ở và chuyển trường liên tục, cộng thêm bản tính nhút nhát, khiến cho tôi luôn cô đơn vì không có bạn bè.

Cho đến khi, anh tới.

Tôi nghĩ, đó cũng gọi là một định mệnh, khi bản thân mình tìm ra anh trước cả bố mẹ.

Ngày hôm đó, cả gia đình tôi cùng đến nhà trẻ mồ côi Bình Tâm ở Quy Nhơn, một thành phố ven biển. Đó là ngày lễ Giáng Sinh, tôi vẫn còn nhớ rõ. Các mẹ ở đây đều là người theo đạo Thiên Chúa, nên khắp nơi đều kéo băng- rôn trang trí. Dù không được đẹp, vì nơi đây rất nghèo không có điều kiện, nhưng cũng tính là có không khí cuối năm.

Dù ở miền Trung, cái lạnh đặc trưng của mùa lễ Tết phương Bắc là không có.

Lúc đó anh mặc quần short màu nâu. Và một cái áo phông xanh lem nhem vết bẩn, rộng thùng thình như cái váy. Lúc đó còn quá nhỏ, tôi vốn không thể hiểu tại sao lại phải mặc một cái áo rộng như vậy. Căn bản không nghĩ ra được, anh mặc đồ thừa của người lớn.

Sở dĩ, tôi có ấn tượng sâu sắc về sự quá khổ của chiếc áo, là vì bấy giờ anh đang ngồi xổm trước bếp lò, gấu áo dài đến chạm mặt đất. Đúng như vậy, tôi đã được đọc nhiều, nhưng đây là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến bếp lò bằng gạch.

Anh ngồi đó, hai cẳng tay gầy gò nhanh thoăn thoắt vừa đưa củi vào bếp, giữ cho lửa cháy. Tôi không rõ họ đun cái nồi gì rất to, có lẽ đủ cho cả hai mươi người ăn cùng một lúc. Khói bay mù mịt khiến cho gương mặt anh đen nhẻm. Anh vừa "làm việc", chốc chốc lại tranh thủ bưng lên bát cơm đặt dưới nền nhà, ăn rất nhanh nhưng không rời mắt khỏi chiếc nồi khổng lồ, cũng như đám lửa đang thoi thóp.

Lửa khó cháy lại nhiều khói như vậy, có lẽ vì củi rạ không đủ khô. Nhưng ngoài ra, còn có thể vì ngoài kia gió nhiều quá, mà cánh cửa gian bếp thì ọp à ọp ẹp. Tôi không hề mở cửa ra mà đứng nhìn bên trong chẳng sót chỗ nào.

Mất một lúc lâu, có hơi chật vật nhưng anh đã thành công. Đã giữ được ngọn lửa cháy đều. Hình như mới rồi anh có cho thêm cái gì vào, tôi không để ý. Nhưng anh giỏi thật. Xong việc, anh đi xúc một bát cơm khác. Anh ăn nhanh thật đấy. Lúc này, tôi mới để ý được anh đang ăn cái gì. Toàn là cơm trắng, chỉ có mấy con cá khô nhỏ xíu, teo tóp tôi chưa thấy bao giờ, với mấy quả cà mà tôi mới chỉ được biết qua sách báo, cũng chưa ăn bao giờ luôn. Tôi không nghĩ là mấy thứ đó lại có hương vị gì đặc biệt, vì nhìn màu sắc rất xấu và khô khốc. Nhưng anh ăn rất ngon miệng. Tôi đã để ý, anh có cái kiểu nhét đầy vào miệng, rồi từ từ nhai nuốt. Chứ không phải ăn từng miếng từng miếng nhỏ như tôi. Những lúc đó, trông anh rất buồn cười, miệng phồng ra giống con ếch vậy.

Nhưng anh giỏi thật đấy.

Lần đầu tiên trong vòng chín năm cuộc đời, tôi lấy hết can đảm, đẩy cửa đến trước mặt một người hoàn toàn xa lạ.

"Anh..." Lúc này, tôi lại thấy ngượng vì đã làm một việc chưa từng có tiền lệ. Nên không dám nhìn thẳng vào anh, tôi quay sang cái nồi khổng lồ đang phát ra tiếng ùng ục. "Anh nấu cái gì đấy ạ?"

Tôi thật ngốc, trong miệng anh ấy vẫn đầy cơm. Dĩ nhiên chưa thể trả lời tôi ngay được. Nên tôi đành kiên nhẫn đứng chôn chân ở đấy để cho anh nhai xong hết đã.

Ấy thế mà, dù đã nhai nuốt xong xuôi, anh vẫn chẳng có ý định trả lời. Anh giương đôi mắt màu khói nhìn tôi, rồi không hiểu nghĩ thế nào lại nhìn xuống bản thân mình. Sau đó, lầm lầm lì lì, anh đưa tay áo lên quẹt ngang miệng.

"Ấy! Đừng làm thế!" Cái này từ hồi ba, bốn tuổi mẹ đã dạy. Không được dùng tay áo quẹt ngang miệng.

Tôi theo phản xạ rút khăn tay viền đăng ten của mình ra, không hiểu dũng khí nào đã khiến cho tôi chủ động tiến tới muốn lau cho anh. Tuy vậy, chưa kịp chạm vào thì anh đã ngã lăn ra. Mãi một lúc sau, nhìn vào ánh mắt anh, tôi mới biết đó là vì... bất ngờ. Anh làm tôi ngượng không để đâu cho hết. Bây giờ tôi cũng bị ngã, váy áo màu vàng của tôi cũng bị lem nhem.

"Xin... xin lỗi..." Anh khó khăn lên tiếng. Giọng anh rất khó nghe. Tôi nghe mãi mới ra. Mãi sau tôi mới biết, đó là giọng địa phương.

"Con làm cái gì vậy?" Chính là giọng hốt hoảng của mẹ, khi phát hiện ra chúng tôi và bãi chiến trường trong gian bếp. "Ơ, cháu là Khanh đây mà?!"

...

Sau lần gặp đầu tiên của tôi và anh đó. Ba mẹ đã nói chuyện rất nhiều. Tôi biết là chuyện có liên quan đến anh. Vì họ cứ nhắc đến tên anh. Rồi tuổi, ngày sinh, lá số tử vi gì gì đó của anh và cả của tôi... Nhiều lắm. Rồi một lần, mẹ ôm tôi vào lòng, thân thiết hỏi.

"Con có thích bạn Khanh làm anh trai không?"

"Con thích lắm." Tôi không do dự mà trả lời ngay. Từ lần đầu tiên gặp nhau. Tôi đã thích anh ấy rồi. Tôi chưa bao giờ thấy một bạn nhỏ cùng tuổi mà lại oai phong như vậy, nấu được nồi thức ăn lớn như vậy, và ăn nhanh như vậy.

Sau đó, tôi còn được đưa đến cô nhi viện Bình Tâm một lần nữa. Lúc này đã bước qua năm mới. Trong khi ba mẹ đang làm thủ tục, giấy tờ, thì tôi tự mình đi tìm anh. Lần đầu tiên trong vòng chín năm, tôi tự mình đi tìm một ai đó.

Anh đang ngồi giữa bãi cỏ mùa xuân mọc đầy hoa dại. Anh mặc một cái áo khác so với hôm trước. Trông thậm chí còn xấu hơn và vẫn rộng y như thế. Anh vẫn ngồi chồm hỗm. Nhưng lần này, thay vì thanh củi, anh cầm trên tay một cái kéo.

Anh đang làm nhiệm vụ cắt cỏ.

Một lần nữa, tôi thấy con người này thật kỳ diệu. Biệt thự gia đình tôi ở bên Đức cũng có bãi cỏ như thế này. Vậy mà mỗi khi cần cắt, lại phải có một người lớn lái máy đến. Vậy mà anh, nhỏ xíu như vậy, chỉ dùng một cái kéo cũng cắt được cỏ.

Hôm ấy, tôi mặc váy màu hồng, giống như màu của loài hoa cánh mỏng không tên nở đầy xung quanh đây. Vậy mà anh chẳng thương tiếc gì cả, cứ không để ý đến sự tồn tại của tôi, cắt lia lịa.

Tôi liền đến sát bên anh. Lúc này, có lẽ anh đã biết ít nhiều về tôi nên không còn tỏ ra ngạc nhiên nữa. Tôi chân thành nói.

"Anh cắt cỏ thôi. Để lại hoa có được không?"

"Không. Vậy mất thời gian lắm." Anh đáp gọn lỏn. Hình như anh cố dùng giọng Bắc để cho tôi hiểu. Nhưng vẫn khó nghe kinh khủng.

Tôi hơi thất vọng. Nhìn quanh thấy anh cũng đã giải quyết được tầm 3/4 công việc. Tôi liền chọn ra một khóm hoa đẹp nhất. Vừa hay, anh đã cắt đến chỗ đó. Tôi ngước nhìn anh, khẩn khoản.

"Anh để lại cho em nhé? Mỗi cái này thôi. Cắt đi tội nghiệp lắm."

Anh lầm lì, tay vẫn chưa có vẻ gì là muốn buông cái kéo khổng lồ đáng sợ kia xuống. Y như rằng, ngẫm nghĩ một lúc anh vẫn cúi xuống, mũi kéo hướng về nơi tôi chỉ.

Không rõ sức mạnh thần kỳ nào đã giúp cho tôi to gan như vậy. Tôi cúi rạp xuống, dùng cả hai tay ôm quanh khóm hoa. Hai mắt nhắm nghiền.

"Bỏ tay ra, anh mới đào nó lên cho em được chứ."

Lúc này, anh đã buông kéo. Thay vào đó, đặt tay lên tay tôi, cố gỡ nó ra.

Nhận được món quà, tôi cảm động muốn khóc. Cả hoa, cả rễ cây bên dưới, cả đất. Dù hai tay, cả váy hồng cũng đều lem nhem. Tôi vui sướng không để đâu cho hết. Tôi cười với anh. Anh không cười lại, có lẽ anh không quen cười. Nhưng ánh mắt nhìn tôi đã bớt đề phòng hơn.

Chưa đầy năm phút sau, cây hoa trên tay tôi bị ba trông thấy, gạt phăng xuống đất. Bàn tay lem nhem bẩn thỉu của tôi bị ba nắm lấy, lôi xềnh xệch vào phòng vệ sinh rửa cho bằng sạch.

Khoảnh khắc mà cánh hoa màu hồng vương vãi dưới sàn gạch cũ. Tôi nhìn ra bãi cỏ nơi anh vẫn còn đó, đang thu dọn rác vào bao tải. Tôi rất áy náy nhưng cũng không né tránh ánh mắt của anh. Trông tôi chắc chắn buồn thiu, dù đã cố gắng mỉm cười. Bởi vậy, anh khoát tay một cái. Ý nói, không sao. Tôi chưa từng thấy cậu con trai nào cùng tuổi, lại người lớn như vậy.

Time had passed since I met you

And the letters adorning our feelings are also increasing

Someday, they will echo unnoticed in our hearts

At times violently, at times painfully

They will echo faraway, into the far-off distance

This tender song will change my world

...

Người con trai tóc nâu giống như tôi, cao đúng bằng tôi ấy, cuối cùng đã được đưa về nhà họ Vũ, trở thành anh song sinh của tôi. Ba quản anh nghiêm khắc đến độ chính tôi còn phải sợ. Tôi thật sự không hiểu tại sao anh có thể vượt qua được tất cả những thử thách, những yêu cầu của ba xuất sắc như vậy. Anh học tác phong, học cách ăn, cách mặc, cách nói giọng Bắc chuẩn, học thể thao, học ngoại ngữ, học toàn những cái mà chín năm qua anh chưa bao giờ biết tới. Vì một lý do nào đó, anh không bỏ cuộc cũng không than thở. Dù là cái gì đi nữa, anh cũng cố gắng đến cùng.

Vậy mà ba, vì một lý do nào đó, chẳng bao giờ tỏ ra hài lòng.

Mặc dù, trong nhà luôn có tôi và mẹ, luôn sẵn sàng đứng ra bênh vực anh. Nhưng chúng tôi là "đàn bà con gái", cuối cùng cũng chỉ biết nói miệng mà thôi.

"Tối thiểu, không được thua kém em con." Là những gì ba cảnh báo, khi anh lần đầu tiên bước chân vào nhà, lần đầu tiên ăn bữa tối ở gia đình mới.

Không rõ nhờ sự hà khắc của ba, hay nhờ sự hà khắc của anh với chính bản thân mình, hay cả hai? Mà chỉ trong vài ba năm ngắn ngủi, anh chẳng những không thua tôi, mà còn bỏ xa tất cả các bạn học đồng trang lứa.

Anh học sau tôi, trong vòng hai năm rốt cuộc đã hoàn toàn bắt kịp, và trội hơn tôi ở những môn tự nhiên và phương diện thể chất. Tất nhiên, về văn học cổ điển thì anh còn kém. Anh cũng không kịp học tiếng Pháp. Cũng không tiếp thu được nốt nhạc. Tuy nhiên, những khiếm khuyết đó, ba tôi cho rằng "có thể chấp nhận được". Dẫu sao, doanh nhân thì cũng không nhất thiết phải tinh thông văn học hay đọc được bản nhạc.

"Con chỉ có một mình em là em gái. Phải thương em, luôn luôn đứng về phía em, nghe chưa?" Đây là câu ba thường nói nhất, khi có mặt cả tôi.

Nếu không có mặt tôi, ba thường nói thế này.

"Mày thề đi. Sau này, nếu mày làm em phải chịu thiệt thòi. Đừng trách tao vô tình."

Dĩ nhiên, anh ấy luôn nghe lời ba. Luôn đáp ứng một cách ngoài mong đợi sự kỳ vọng của ba. Anh luôn đứng về phía tôi, chăm sóc tôi, cũng chưa bao giờ để tôi phải thiệt thòi.

Ngay cả khi anh ấy cao hơn tôi, xuất sắc hơn tôi, được mọi người yêu thích hơn tôi, kỳ vọng hơn tôi, thì lời thề vẫn chưa bao giờ bị phá vỡ.

Tôi cứ nghĩ mãi, tôi nghĩ bao lần, nếu một ngày áp lực đè nặng trên vai khiến cho anh không chịu nổi, thì liệu rằng thứ đầu tiên mà anh muốn vứt bỏ, có phải là nghĩa vụ đối với tôi không?

Một ngày mùa thu năm mười hai tuổi. Tôi nhận ra. Anh không có nhiều bạn, không phải vì anh không thể có. Mà là vì anh cứ phải chơi cùng tôi.

Năm đó tôi ốm rất nặng. Trước và sau đó có nhiều chuyện xảy ra. Sau khi tôi bình phục thì anh cũng ốm. Lần đầu tiên trong vòng mười hai năm, tôi biết thế nào là hối hận sâu sắc. Tất cả đều là tại tôi.

Sau đó, chúng tôi đều bình phục khỏe mạnh. Nhưng hình như có cái gì đó đã không còn giống như trước đây nữa.

Xưa kia, tôi vừa gặp anh đã thích ngay. Tôi còn khẳng định với mẹ, lớn lên con sẽ lấy anh.

Những lúc ấy, mẹ chỉ cười. Mẹ nói, mọi cô em gái, ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, đều từng muốn lấy anh trai, hoặc bố mình. Tuy nhiên, con lớn lên một chút thì ước muốn đó sẽ giảm đi một chút. Cho đến ngày con không lớn nữa, thì ước muốn đó cũng sẽ không còn nữa.

Tôi tin rằng, mẹ không nói dối. Nhưng điều đó khiến cho tôi trở nên hoang mang. Vì tính đến thời điểm này, tôi đã phụ thuộc vào anh nhiều hơn tôi nghĩ.

Mùa xuân năm mười ba tuổi. Tôi quyết định tập đi xe đạp. Tôi tập mất một tháng liền. Thần kinh vận động của tôi quá kém. Người khác lên xe, loạng choạng vài lần là đi được ngay. Tôi ngã dúi dụi chảy máu đến phát khóc bao nhiêu lần, vẫn chẳng có vẻ gì là tự đạp xe được.

Anh nhìn theo chắc cũng xót xa. Anh nói.

"Thôi bỏ đi. Sau này đi đâu, anh chở em."

"Anh không thể chở em suốt đời được." Tôi vừa lau nước mắt, vừa trả lời.

Anh không ngu ngốc và tôi cũng thế. Có lẽ anh biết rõ nếu lúc bấy giờ nói "được chứ, anh sẽ chở em suốt đời", tôi sẽ biết đó là lừa dối. Nên anh không nói gì thêm. Chỉ để yên cho tôi tập. Cũng không hề giúp đỡ.

Tường Lâm kéo anh đi chơi một ngày một đêm, về đến nhà, thấy tôi vẫn đang loay hoay với xe đạp trên sân, liền chế nhạo.

"Linh sau này lấy chồng đại gia giống bố. Một bước lên Rolls- Royce hai bước xuống máy bay. Tập xe đạp làm gì?"

Tôi bỏ ngoài tai lời khiêu khích của anh ta. Biết đâu đấy, tôi có thể yêu một người phục vụ nhỏ nhoi của quán ăn đêm trong khu dân cư lao động, chỉ cần người đó thật sự yêu thương tôi. Khi đó, tôi có thể đi xe đạp đến tìm anh ấy.

Rốt cuộc, sau một tháng, tôi đã đi được xe đạp. Cảm giác không tuyệt vời như tôi tưởng. Thay vì thỏa mãn, tôi lại thấy trong lòng có gì đó như là mất mát.

Cuối thu năm lớp mười một, tôi gặp được người khác giới đầu tiên mà mình thích. Khanh cũng vậy. Tuy nhiên, tình yêu trên thực tế không lãng mạn như trong tiểu thuyết. Tôi thích cậu ấy. Nhưng cậu ấy thích người khác.

Mặc dù, tôi xinh đẹp hơn, thông minh hơn, gia cảnh cũng tốt hơn. Cậu ấy vẫn thích Minh Hà.

Anh cũng vậy. Và trong cuộc thi đua ngầm của chúng tôi, anh thắng. Anh gặp Minh Hà trước khi tôi gặp Hải Nam. Cô ấy đồng ý trở thành bạn gái anh. Trong khi Hải Nam kiên quyết chỉ coi tôi là bạn.

Đúng như tôi dự đoán, nói gì thì nói. Có lẽ chín năm đầu đời tôi đã hưởng quá nhiều hạnh phúc. Nên giờ đây, ông trời sẽ ưu ái cho anh ấy hơn tôi.

Tôi không hiểu cô gái đó có gì hay, nhưng anh luôn thấy nhẹ nhõm khi ở bên cô ấy. Tôi đã thấy ánh mắt anh nhìn cô ấy, nó rất đặc biệt, giống như nhìn về một nơi xa xôi quen thuộc, như khi nhìn về bờ biển Quy Nhơn trong tâm trí anh vậy.

Vì cô ấy, anh đã làm những việc chưa từng làm. Để bảo vệ cô ấy, anh làm cả những việc xấu, tổn hại đến quyền lợi của người khác. Chỉ cần là cô ấy, anh bất chấp những ánh mắt dị nghị của người xung quanh.

Ở bên Minh Hà, anh như một thần tượng tỏa hào quang choáng ngợp. Anh ứng xử như một người bạn trai hoàn hảo. Chẳng trách, có nhiều người ghen tị với Minh Hà. Anh khi ở bên Minh Hà, cũng như anh qua lời kể của mọi người, đều là một con người tôi chưa từng biết đến, không thể nhận ra được.

Tôi cũng ghen tị. Vì cô ấy khơi dậy trong anh những mặt mà tôi không bao giờ thấy. Ở bên tôi, anh chỉ là cậu bé vừa ăn cơm cá khô, vừa trông bếp lò năm nào. Anh luôn luôn bối rối. Anh luôn phải đối phó với việc không được làm trái lời ba, không được khiến cho tôi phiền lòng.

Còn tôi lại quá vô tâm, chỉ biết có riêng mình.

Khanh buộc phải chia tay người con gái đầu tiên anh ấy thích, tôi là thủ phạm gián tiếp. Để không phá vỡ lời thề đối với ba, anh ấy đã phải hy sinh một tình yêu.

Anh quyết định đi du học không nói cho tôi biết. Thâm tâm tôi cũng rất hiểu lý do tại sao. Nếu còn phải ở bên tôi, có lẽ mãi mãi, mãi mãi anh sẽ không tìm được hạnh phúc cho riêng mình.

Tuy vậy, vì bản chất ích kỷ đã thấm sâu vào máu, tôi vẫn khóc lóc, vẫn chất vấn, vẫn giả bộ ngây thơ để anh phải khổ sở giải thích.

Đêm hôm đó, khi tựa vào vai anh, nghe nhịp tim anh, tôi nhận ra mình đã lấy đi của anh quá nhiều, mà chưa hề làm gì đáp lại. Tôi luôn là con bé ích kỷ ở trung tâm vũ trụ, chỉ suy nghĩ cho mình.

"Quá muộn rồi." Khanh nói. Khi tôi đề nghị giúp đỡ anh nối lại quan hệ với Minh Hà.

Tôi nghĩ, đây chính là sự trừng phạt thích đáng mà thánh thần dành cho mình.

Anh chỉ cần đứng lên, xô đổ bàn ghế, ném vỡ ly tách, đẩy ngã tôi và nói ra suy nghĩ thật lòng. "Anh chán ghét em. Tại sao luôn bám theo anh. Sao không để anh tự do. Sao em không đi chết đi." Sau đó đe dọa tôi, cấm tôi không được nói cho ba biết.

Chỉ một lần thôi, tôi sẽ biết sợ mà không dám làm phiền anh nữa.

Thế nhưng, anh không bao giờ như vậy. Dù có chuyện gì xảy ra, anh vẫn luôn nhường nhịn tôi, thậm chí nhận lỗi về mình. Anh cứ hiền lành như vậy, khiến cho tôi lại được thể bám víu lấy anh.

Từ bé, tôi đã luôn nhút nhát đến mức độ nhu nhược. Tôi sợ hãi mọi thứ. Sợ ba. Sợ bóng tối. Sợ ma. Sợ sấm chớp. Sợ gián. Sợ các loài sâu bọ. Sợ gương mặt chú hề. Sợ những chốn đông người. Sợ những ai nói lớn tiếng...

Chỉ có anh, là tôi không sợ được. Anh quá hiền lành, quá tốt, khiến cho tôi đau xót.

Bởi vậy, khi anh nói ra sự thật, rằng anh đi du học vì muốn xa nhà. Tôi có hụt hẫng, có mất mát, nhưng đồng thời cũng biết rằng, đây chính là lúc bản thân mình phải buông tay. Anh đã lựa chọn. Điều cuối cùng tôi có thể làm, chính là thuận theo lựa chọn của anh.

Bởi vậy cho nên, những ngày cuối cùng ở bên nhau này. Tôi tự mình đi học nấu ăn. Lần đầu tiên trong cuộc đời mười tám năm, tôi học một cái gì đó không phải vì bản thân mình, mà là vì anh. Tôi muốn cho anh biết, không có anh, tôi vẫn sống tốt.

Tôi cũng muốn trong những ngày này, được thể hiện tất cả tình yêu thương, lòng biết ơn qua những cử chỉ chăm sóc dịu dàng. Bất chấp việc anh có cảm nhận được nó hay không.

...

Chúng ta đã dắt tay nhau trên cát mịn, trong một sáng sớm mùa xuân quanh vịnh Long Island. 

Dù chính mình cũng không mang giày, nhưng anh vẫn cõng em, khi đôi bàn chân em bị mảnh thủy tinh làm xước, chẳng phiền trách dù chỉ một lời. Hoa nguyệt quế nở nộ, trắng hồng bên sườn núi.

Chúng ta đã dắt tay nhau qua lễ hội mùa hè Ueno. 

Dù không mặc yukata nhưng anh lại vớt được cho em con cá vàng. Để em thả nó trên dòng sông, rồi hai ta đứng trên bờ đê ngắm trăng soi bóng nước, cho đến khi mảnh trăng tròn vỡ tan bởi những chùm pháo hoa.

Chúng ta đã dắt tay nhau qua đêm thu Hội An. 

Dù không mang đủ tiền nhưng anh vẫn mua được cho em chiếc đèn lồng. Trên đèn lồng là bốn câu thơ còn chưa ráo mực. Thời gian dừng lại trên con đường lung linh trong màn sương đêm. Anh với em chẳng ai bảo ai, cùng lặng lẽ đói bụng.

Chúng ta đã dắt tay nhau len lỏi trong chợ cá mùa đông Hamburg. 

Dù hôm trước đã trắng đêm ở quận St. Pauli với Tường Lâm, nhưng anh vẫn thức luôn đến tận hôm sau để xách cho em tất cả. Là cua biển lớn bằng hai bàn tay, là đầu cá hồi rẻ đến kinh ngạc, là dâu tây bán theo thúng, và hoa hồng 5 Euro một bó hai mươi bông.

Cá vàng đã thả, đèn lồng đã cho đi, dâu tây đã ăn hết, dải cát vàng đã đi đến cuối cùng. Vậy mà sao, thủy triều trong lòng em còn vọng đến tận bây giờ?

Ngày đó bên bờ sông lấp lánh pháo hoa, em lẩm nhẩm hát mấy câu mà em vừa mới thuộc. "Trông kìa, người quan trọng nhất với em, đang kề sát bên em đấy, nếu là giấc mơ, xin đừng tỉnh dậy, để cho khoảnh khắc anh bên em trở thành sao sáng vĩnh hằng."

Nhưng khung cảnh đó, pháo hoa đó, bờ sông đó, cá vàng đó, tất cả đều không phải một giấc mơ. Nên ngoài buông tay anh, em chẳng thể làm gì hơn nữa.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro