1. Đại Gia Gatsby

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ok mặc dù hôm nay tôi đuối lắm nhưng tôi vẫn phải gõ trước khi nội dung của The Great Gatsby trôi tuốt tuột vào miền hư vô vì cái đầu tôi cứ khoảng 3 ngày là não nó reset một lần.

Tính ra thì tôi đọc Đại gia Gatsby trong một thời điểm khá là đặc biệt. Tôi mua cuốn này khoảng 2 năm trước nhưng vẫn không đụng vào, vì tôi khá hãi chuyện đọc mấy cuốn BE chết chóc các kiểu. Chẳng hiểu sao đùng một cái vài ngày trước tôi mang ra đọc. Đến khi tôi đọc đến dòng chữ cuối cùng và gấp cuốn sách lại, tôi mới chợt nhận ra rằng thời điểm tôi đọc Đại gia Gatsby là vào đúng 100 năm kể từ khi Fitzgerald bắt tay vào viết The Great Gatsby, và tôi kết thúc nó ngay trước khi Lễ Phục Sinh kết thúc đúng 15 phút. Chi tiết Lễ Phục Sinh làm tôi ngẩn ngơ suốt cả đêm, vì trùng hợp thay, cuốn The Great Gatsby cũng ví von nhân vật Gatsby như Chúa Jesus chịu nạn vì tội lỗi của con người.

Thứ đầu tiên tôi muốn nói đến là giọng văn. Tôi chưa đọc bản gốc nên không biết bản gốc có cách viết long lanh như bản Việt không, nhưng phải nói là dịch giả dịch hay quá là hay (mà tôi là một đứa khô như ngói và có rất ít sự cảm thụ giọng văn mà còn cảm thấy nó hay). Đến nỗi tôi có cảm tưởng như đang đọc văn thuần Việt của thế kỷ XX chứ không phải là văn dịch nữa, bởi lẽ, giọng văn cứng cỏi, uyên bác và tỉ mỉ như thế gần như đã biến mất theo những thế hệ đã trải qua thời kỳ khó khăn và đầy biến loạn của đất nước. Thật sự chỉ có một người tài năng như Trịnh Lữ mới có thể dịch The Great Gatsby sang tiếng Việt một cách chỉn chu và khéo léo như thế.

Tôi hối tiếc vì đã không tìm hiểu bối cảnh ra đời trước khi đọc Đại gia Gatsby, nên có lẽ ít nhiều tôi đã bỏ qua kha khá chi tiết có giá trị và đắt giá. Cùng với vốn sống chưa đủ nhiều, tôi không nghĩ là tôi đã chạm được vào cái linh hồn của tác phẩm mà chỉ mấp mé đâu đó ở vùng biên của nó, nên tôi cũng chỉ có thể nêu những gì tôi cảm nhận được (có phần phiến diện, thiên kiến và chủ quan) về tác phẩm này. Rất mong được nghe thêm ý kiến của mọi người về tác phẩm.

Theo thiên kiến của tôi, Đại gia Gatsby được chia làm hai phần. Phần đầu là những mẩu chuyện rời rạc, vô nghĩa, về những cuộc ăn chơi xa hoa của giới thượng lưu Mỹ, những vụ ngoại tình, những cuộc nói chuyện ngồi lê đôi mách và những lời đồn đãi vô tội vạ. Nhưng tất cả mọi thứ đều liên kết lại rất liền mạch vào nửa sau truyện, nên tôi khuyến khích những người đọc phần đầu của Đại gia Gatsby, nếu cảm thấy nản lòng vì đọc được nửa cuốn mà truyện vẫn vòng vèo, chưa vào chuyện chính, thì hãy kiên nhẫn thêm một chút nữa. Vì nửa sau của truyện nó giống như đưa nhiệt kế vào lò lửa vậy, đột ngột tăng lên một cách nhanh chóng và nổ văng hết cả miểng ra :v (tôi không hiểu tại sao tôi lại so sánh với hình ảnh này?). Mọi thứ sẽ kết thúc trước khi bạn nhận ra.

Người dẫn truyện của Đại gia Gatsby, nói rằng chẳng phải ai cũng có được "chuẩn mực nhân cách cơ bản" như mình, nên từ đó sinh ra thái độ bàng quan và cũng tương đối bao dung đối với những lầm lạc và tội lỗi của con người. Tuy nhiên, cuộc đời anh thay đổi kể từ khi chuyển đến sống cạnh nhà Gatsby. Anh từ thái độ bàng quan với những hội hè tiệc tùng của giới thượng lưu, đến sự "hòa nhập" vào thế giới thượng lưu đó (đánh dấu bằng việc hẹn hò với Jordan), tiếp tay cho vụ ngoại tình giữa Gatsby và Daisy, rồi kết thúc bằng việc trở nên ghê tởm cái thế giới mà anh vừa dính vào và quyết định chuyển đi, tránh xa khỏi New York. Gatsby đã ảnh hưởng đến người dẫn truyện thế nào đến nỗi anh ta từ một kẻ không phán xét lại trở nên kinh hãi con người đến thế?

Đầu tiên, chúng ta cần phải biết rằng vào đầu truyện, người dẫn truyện đã nói về Gatsby rằng "Gatsby, người đại diện cho tất cả những gì mà tôi thực lòng khinh miệt". Nói trắng ra, Gatsby chẳng phải một con người tốt đẹp gì cho cam. Làm giàu lên nhanh chóng trong 5 năm bằng cách buôn lậu, quen biết những tay máu mặt, thầu bao nhiêu vụ làm ăn phi pháp, thả cửa cho phường lê đôi mách/vô lại/tiệc tùng vào chơi bời trong sân nhà mình mỗi tuần, fake tiểu sử, bao nhiêu lời đồn đãi cùng cái nghi vấn rằng ông ta từng giêt người vẫn còn để ngỏ chưa được giải đáp.

Nhưng trong cái background tăm tối lờ nhờ đầy phi pháp đó, sáng lên tình yêu mà Gatsby dành cho Daisy, một người tình cũ, một người phụ nữ đã có chồng.

Thứ tình yêu mà Gatsby dành cho Daisy là thứ tình yêu mà ngày nay người ta hay gọi là "bạch nguyệt quang". Đối với Gatsby, Daisy là tuổi trẻ mà ông đã bỏ lỡ. Ngày hai người còn yêu nhau, Gatsby quá nghèo khó, còn Daisy thì sinh ra trong một gia đình giàu có và đủ đầy. Gatsby nhập ngũ mà chẳng thể hứa hẹn với Daisy điều gì, để đến khi Gatsby trở về, Daisy đã lấy chồng mất, một người chồng giàu có và vạm vỡ. Trong năm năm sau đó, Gatsby điên cuồng kiếm tiền và làm giàu nhanh hết mức có thể, chỉ để có thể gặp Daisy một lần nữa. Ông vì Daisy mà đối đầu với chồng cô, vì Daisy mà nhận lãnh hết tội lỗi giêt người, vì Daisy mà đứng đợi cả đêm ngoài dinh thự nhà Buchanan để canh chừng xem kẻo Daisy bị chồng xâm phạm hay bạo hành gì chăng. Dường như cả cuộc đời và mạng sống của Gatsby phụ thuộc vào tình yêu ông dành cho Daisy.

Ở đây tôi không hề có ý định biện hộ gì cho tình yêu GIỮA Gatsby và Daisy, nó sai rành rành. Cái tôi đang muốn nói đến ở đây là tình yêu CỦA riêng Gatsby.

Gatsby yêu Daisy bằng một tình yêu tha thiết như thế là vì Daisy ở quá cao, quá xa so với tầm với của ông ấy. Từng bước chân của cô được bao bọc trong nhung lụa đắt tiền nhất, còn ông lại quá nghèo để có thể tiếp tục bọc nhung trên mọi con đường mà cô đi. Do đó, thuở hai người còn hẹn hò, khi Daisy trao thân cho Gatsby – một người có xuất thân nông nô chẳng có gia thế gì chống lưng, ông có cảm tưởng rằng mình "không xứng đáng" với cô ấy. Cái vị thế chênh lệch đến mức độ đó mang lại cho ông cảm giác rằng ông phải mang cả cuộc đời mình ra cống hiến mới có thể xứng đáng với cô, do đó sau khi hai người quan hệ, ông có cảm giác rằng mình "đã là chồng Daisy", và từ đó cho đến mãi về sau này vẫn hoài đinh ninh cô (lẽ ra) là vợ ông, ông phải chịu trách nhiệm cho cuộc đời của Daisy.

Trong truyện có một đoạn hồi tưởng về quá khứ, khi Gatsby và Daisy còn hẹn hò, hai người họ đã hôn nhau. Cái hôn đó được người dẫn truyện ví như một "incarnation", biểu tượng của sự sinh ra của Chúa Con aka việc Chúa Jesus từ bỏ cương vị Đức Chúa vô hình của mình để hạ thế xuống làm con người đặng chuộc lỗi cho nhân loại. Như thế, ta có thể hiểu rằng Daisy chính là "nhân loại". Nhưng Daisy xinh đẹp và cao quý, nào có thể so sánh với nhân loại mang trong mình đầy khổ đau và tội lỗi? Muốn hiểu được tại sao lại có tương quan này, chúng ta cần đi sâu vào con người của Daisy.

Thẳng thắn mà nói, nếu hỏi ai là người sống lỗi (thật ra mình định dùng từ nặng hơn nhưng thôi) nhất trong Đại gia Gatsby, mình xin nói là Daisy. Không một ai, kể cả tên chồng lăng nhăng và bạo lực Tom, có thể có một nhân cách bé mọn như Daisy.

Daisy là một con người gần sát nhất với miêu tả về một "cây tầm gửi" (sự ví von này không hề là sự sỉ nhục). Cô ấy sống cực kỳ cảm tính và vô trách nhiệm với cuộc sống và quyết định của mình. Cái tình yêu cô dành cho Gatsby không thực sự là tình yêu, cô cần một thứ gì đó để dựa dẫm và bám trụ vào thì đúng hơn. Ừ thì nữ nhi thường tình, chút mong muốn dựa dẫm đó đa phần phụ nữ đều có và cũng không ai có thể phủ nhận rằng đó là một nhu cầu hợp lý. Nhưng vấn đề nằm ở những lần giải quyết quá sức cồng kềnh của Daisy. Sau khi Gatsby lên đường ra trận được ít lâu, Daisy đã lao vào nửa tá cuộc hẹn hò với nửa tá đàn ông khác nhau. Và rồi cô đồng ý lời cầu hôn của Tom Buchanan trong khi cô không hề yêu anh ta. Ngay cả khi cô đã đồng ý, cô vẫn đòi hủy hôn ngay trước ngày cưới trong tình trạng say khướt. Sau này khi đã nối lại tình cũ với Gatsby, Daisy vẫn dùng dằng, không dứt khoát, vừa muốn sự ổn định của Tom Buchanan vừa muốn dây dưa với Gatsby, đến khi Gatsby ra sức ép bắt cô chọn, cô cũng không thể nào chọn giữa hai người đàn ông này. Một mặt, cô nói cô vẫn luôn yêu Gatsby, mặt khác, cô gần như thừa nhận cô đã yêu Tom Buchanan khi Tom Buchanan bế cô cho giày cô khỏi ướt. Như tôi đã nói, Daisy sẽ yêu bất kỳ ai cho cô chỗ dựa, thế thôi. Có lẽ, có lẽ, cái việc cô nối lại tình xưa với Gatsby về bản chất là một sự nổi loạn khi thấy chồng mình tằng tịu bên ngoài hơn là thực sự muốn yêu Gatsby.

Nhưng tất cả những lẽ ấy, vẫn có thể cảm thông phần nào đó và du di được cho sự yếu mềm của một người phụ nữ cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, nếu như Daisy không gây ra chuyện đó, cái chuyện dẫn thẳng đến cái chêt của Gatsby:

Tông chêt người tình của Tom Buchanan.

"Ông biết đấy, khi rời New York cô ấy rất lo lắng bồn chồn và nghĩ rằng phải lái xe để bình tĩnh lại – còn bà kia thì chạy nhào ra đúng lúc chúng tôi phải tránh một chiếc xe đi ngược chiều. Mọi việc xảy ra chỉ trong vòng một phút, nhưng tôi thấy bà ấy muốn nói gì với chúng tôi, tưởng chúng tôi là người quen thế nào đó. Thì đầu tiên Daisy tránh bà ấy, cho xe chạy sang phía cái xe đi ngược chiều, nhưng rồi cô ấy phát hoảng và lại ngoặt trở lại, lúc tay tôi với được đến bánh lái thì đã đến thịch một cái rồi – chắc là bà ấy chêt ngay lập tức."

"Bà ấy bị đâm toạc hết cả người..."

"Đừng nói nữa, ông bạn. Không hiểu sao, Daisy cứ đạp ga hết cỡ. Tôi đã cố bảo cô ấy đỗ lại, nhưng cô ấy không làm thế nào được, thế là tôi phải kéo phanh tay cấp cứu. Rồi cô ấy ngã ngất vào lòng tôi và tôi lái xe chạy tiếp."

Đoạn hội thoại trên là giữa Gatsby và người dẫn chuyện. Ta có hai chi tiết: (1) Trong mắt Gatsby, người không biết về người đàn bà bị tông và có một sự thần thánh hóa nhất định đối với Daisy, thì Daisy "hoảng hết cả lên" "đạp ga hết cỡ" "cố bảo cô ấy đỗ lại, nhưng cô ấy không làm thế nào được". (2) Daisy BIẾT MẶT người tình của chồng mình (dù phía ngược lại thì không), vì đầu truyện bà ta đã từng được mời tới nhà Buchanan. Vậy, từ (1) và (2), câu hỏi ở đây là Daisy vô tình, hay cố ý đâm bà này?

Mình không rõ đoạn này là Daisy cố tình hay vô ý, nhưng mình thiên về giả thuyết Daisy cố tình hơn. Mọi thứ chưa dừng ở đó. Sau khi Daisy về đến nhà và nói chuyện với Tom Buchanan, Daisy đã có một sự tính toán so sánh lợi ích giữa việc ở bên Tom – người chồng hợp pháp, có khối tài sản kếch xù tổ tiên để lại, và Gatsby – người tình cũ, khối tài sản từ những vụ làm ăn phi pháp và đáng ngờ, đang GÁNH TỘI đâm chêt người khác. Và Daisy làm gì? Daisy đã NGHIỄM NHIÊN đổ hết mọi tội danh ngộ sát lên Gatsby (và đương nhiên, Gatsby chấp nhận điều đó), từ bỏ ông và trở về với Tom một cách êm thấm. Thậm chí ngay cả với chồng cô ta, người hoàn toàn dung túng cho việc đổ tội này, cô ta cũng không dám thừa nhận rằng CHÍNH CÔ mới là người tông chêt bà Wilson. Chi tiết này thể hiện qua cuộc đối thoại cuối cùng giữa người dẫn chuyện và Tom Buchanan, Tom đã nói rằng Gatsby đã tông chêt bà Wilson và phóng xe đi mà không hề quay lại.

Daisy, đến lúc này, trong mắt mình chính là một người không có bất kỳ chính kiến gì, luôn dựa dẫm, phụ thuộc vào người khác, yêu bất kỳ người nào có thể mang lại lợi ích cho cô ta, luôn luôn trốn tránh khỏi trách nhiệm của mình và mong chờ người khác gánh hộ những việc cô ta đã gây ra. Yếu đuối, lệ thuộc và đầy tội lỗi không kém bất kỳ ai. Và ĐẤY chính là lý do tại sao Daisy đại diện cho tội lỗi của nhân loại.

Chúa Jesus đã chết như một con chiên bị tế cho tất cả những tội lỗi mà nhân loại gây ra. Tương tự, lẽ ra Gatsby không chêt, nhưng ông đã chịu gánh thay phần tội của Daisy và bị ông Wilson bắn trả thù cho vợ. Tôi ngẫm một chút thì phát hiện ra cái chêt của Gatsby có rất nhiều điểm tương đồng với cái chêt của Chúa Jesus ngoài điểm gánh thay tội cho nhân loại, đó là trong cuộc hiến sinh, có 3 người đã chết: vợ chồng Wilson, và Gatsby. Chúa Jesus cũng đã bị đóng đinh cùng 2 tên cướp. Sau khi Gatsby chêt, tất cả những người thân cận của ông đều chạy trốn, không một ai đến dự lễ tang của ông, cũng giống như việc các môn đồ của Chúa Jesus đã chạy trốn khi thấy Thầy mình bị bắt và đóng đinh trên thập tự.

Cả 3 người họ đều chết vì những tội lỗi của người khác: bà Wilson chêt vì tội ngoại tình của Tom Buchanan, ông Wilson chêt vì tội ngoại tình của vợ, Đại gia Gatsby chêt vì tội của Daisy.

Ngoài biểu tượng về nhân loại như mình đã nói ở trên, Daisy còn là giấc mơ Mỹ. Đầu truyện Đại gia Gatsby, người dẫn chuyện đã nhìn thấy Gatsby với tay đến cái đốm sáng xanh xa xa, đốm sáng phát ra từ nhà của Daisy. Đốm sáng ấy đại diện cho Daisy, lúc đó cũng là đại diện cho giấc mơ Mỹ: cơ hội đổi đời, sự giàu có, vẻ vang. Ngay khi Daisy nối lại tình xưa với Gatsby, đốm xanh không còn giá trị nữa, vì Daisy aka giấc mơ Mỹ đã đến được với tay Gatsby.

Nếu nhìn Daisy như biểu tượng của giấc mơ Mỹ, ta có thể hiểu rõ được phần nào động cơ của các nhân vật trong truyện. Gatsby dùng cả cuộc đời để theo đuổi Daisy, làm mọi cách phi pháp để được giàu lên nhanh chóng, về thực chất là đang mơ mãi một giấc mơ Mỹ. Quá trình theo đuổi giấc mơ Mỹ ông đã phải trả rất nhiều giá đắt: giao du với phường lưu manh, từ bỏ quê hương và cha mẹ, kỷ luật bản thân bằng một ý chí đáng sợ (chi tiết thể hiện qua việc cha của Gatsby đọc cho người dẫn truyện nghe lịch trình của Gatsby), móc nối với các quan chức, tổ chức hội hè tiệc tùng tốn kém từ tuần này sang tuần khác. Đến khi ông sắp chạm đến giấc mơ Mỹ, giấc mơ Mỹ đã phản bội Gatsby (Daisy đổ tội cho Gatsby), và Gatsby kết thúc mối tình với giấc mơ Mỹ bằng một cái chêt mà không ai them thăm viếng, không khác mấy với những người con tha hương theo đuổi America Dream sau đó chêt ở một xó xỉnh nào đó trên đất Mỹ mà chẳng ai thèm quan tâm hay biết đến. Tom Buchanan, người "sở hữu" giấc mơ Mỹ mà bất kỳ ai cũng ao ước, chết chìm trong sự sung túc và giàu có đến nỗi cảm thấy lạc lối với chính cuộc đời mình, thả mình vào lối sống xa hoa vô độ vô kỷ luật, đầu óc luôn nghĩ đến những vấn đề vĩ mô cao xa mà không hề quan tâm đến cuộc sống thực tại của mình, đến những người đã vì anh ta mà chịu đau khổ. Tất cả những hành động của Tom Buchanan đều xuất phát từ sự vô nghĩa trong chính cuộc đời của anh ta. Jordan Baker chơi thân với Daisy, nên cô cũng là một phần của giấc mơ Mỹ đó, người phụ nữ cấp tiến khỏe khoắn, chơi thể thao, hút thuốc, uống rượu, háo thắng và gian lận trong cuộc thi của mình. Người dẫn truyện cũng bị thu hút bởi giấc mơ Mỹ, muốn gia nhập vào giới thượng lưu của nó, nên anh ta đã kết nối với giấc mơ Mỹ ấy qua việc hẹn hò với Jordan Baker, nhưng đến cuối cùng lại ghê tởm mọi sự đến nỗi đã chia tay với Jordan và chuyển đi nơi khác, như một sự cắt đứt hoàn toàn với giấc mơ Mỹ.

Có lẽ, chính cái thái độ sống của tất cả những người trong truyện trừ Gatsby, đã khiến người dẫn truyện có một cảm quan khá lạ lùng vào cuối truyện: khi nói chuyện với Tom, anh có cảm giác như đang nói chuyện với một đứa trẻ. Vô tâm, hời hợt, chỉ biết thu vén cho lợi ích của mình, giãy nảy lên bất cứ khi nào cảm thấy không hài lòng, và thậm chí còn không hiểu mình sai ở đâu. Có một sự chuyển đổi trong tâm lý của người dẫn truyện đối với phạm trù đạo đức. Nếu như đầu truyện, người dẫn truyện có một thái độ bàng quan và ít phán xét đối với những tội lỗi của con người, thì bây giờ, anh nhìn họ như những đứa trẻ mãi không thể lớn nổi khỏi cái xác của mình.

Qua tất cả những chi tiết dài dòng phía trên, bây giờ chúng ta tổng kết lại với câu hỏi: Tại sao lại là "Gatsby vĩ đại"? Từ "vĩ đại" ở đây nghĩa là gì?

Theo tôi, Gatsby vĩ đại có hai nghĩa.

Nghĩa thứ nhất là một Gatsby giàu có, chủ xị bao thầu bao cuộc ăn chơi trác táng của những kẻ tứ cố vô thân và đám nhà giàu rỗi việc, tiền vào như nước, nhà cửa nguy nga lộng lẫy như tòa lâu đài, cùng mối quan hệ với những kẻ máu mặt trên đất Mỹ. Với nghĩa này, thì cái chêt của Gatsby chính là một lời mỉa mai vĩ đại về giấc mơ Mỹ qua sự đối lập của con người này khi còn sống và lúc nằm xuống mồ. Rằng Gatsby đã sống cuộc đời của một con người quyền lực và giàu có, mà cái chết còn thảm hại hơn cả một con người bé mọn nhất: bị nhân tình phản bội, bị bắn chết bởi một lão già điên, bị bạn bè quay lưng, bị đồng nghiệp hắt hủi.

Nghĩa thứ hai, như tôi đã nói, đấy là tình yêu vĩ đại của Gatsby. Tình yêu đối với Daisy, đối với giấc mơ Mỹ, nói một cách cụ thể hơn, chính là tình yêu không bao giờ dứt của con người đối với ước ao và lẽ sống của mình. Gatsby là con người mơ mộng hơn bất kỳ ai mà tôi biết, và ông trung thành với giấc mơ của mình cho đến cuối cùng. Thứ khiến Gatsby nổi bật hơn bất kỳ ai trong câu chuyện này, đó là việc ông đã chân thành, thật lòng cống hiến hết con người của mình bất chấp mọi rủi ro và tai họa giáng xuống đầu ông. Không một ai có được sự chân thành và tận hiến đó: Tom Buchanan ngoại tình liên tục, Daisy phủi bỏ mọi trách nhiệm của mình, Jordan gian lận và háo thắng, vợ chồng Wilson thì đau khổ và đày đọa nhau trong chính ngôi nhà của mình. Sự tận hiến đó còn dẫn đến một thái độ sòng phẳng và tình nghĩa của ông đối với người dẫn truyện, thứ đã dẫn đến một tình bạn sâu sắc mà có lẽ người dẫn truyện cả đời cũng không thể quên được.

Gatsby vĩ đại, vì Gatsby đã sống, đã chiến đấu với cả thế giới và đã luôn yêu lấy giấc mơ của mình ngay cả khi đã chêt đi.

20/4/2022

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro