2. Kẻ ngoại cuộc (Albert Camus)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Warning: Đầu tiên phải lưu ý rằng mình không phải là một người học rộng, hiểu nhiều nên tất cả những gì mình viết ra đều ít nhiều mắc lỗi và sai sót. Đây cũng là tác phẩm đầu tiên mà mình đọc của Albert Camus, nghĩa là mình vẫn chưa thể có được một cái nhìn toàn diện về lập trường và suy nghĩ của ông. Do đó, bài review này chủ yếu nêu lên những cảm nhận và suy nghĩ cá nhân của mình sau khi đọc xong câu chuyện này, hơn là những khẳng định chắc chắn, chặt chẽ và mang tính logic. Bài review sẽ spoil rất nhiều, nếu muốn hiểu tường tận thì các bạn nên đọc sách trước khi đọc review.

=

Mình chẳng biết bắt đầu từ đâu. Chắc là nói về cái cảm giác tổng thể của mình sau khi đọc xong cuốn này vậy.

Cảm giác của mình cho đến khi đọc đến dấu chấm cuối cùng không hề thay đổi so với khi đọc những dòng đầu tiên: mình đang nhìn vào một bức tranh kỹ thuật số, nhưng thay vì nhìn với kích cỡ vừa phải, đủ để thấy cái tổng thể của bức tranh đó, và thấy được những đường nét trên bức tranh đó tạo ra một ý nghĩa cụ thể, thì mình lại phóng to bức tranh đó lên, phóng cho đến khi mắt mình chỉ còn nhìn nhận được những cục pixel lờ nhờ và vô nghĩa.

Cục pixel mà mình nhận thấy trong bức tranh đó chính là cái "ý thức hiện tại" của nhân vật chính Meursault, không gian thì bị bóp méo thành những cái nắng gay gắt, không có hôm qua, không có ngày mai, chỉ có hiện tại. Từ cái sự phóng to maximum đến nỗi chúng ta chỉ thấy những cục pixel, khi ta thu nhỏ lại một chút khiến những cục pixel đó kết nối với nhau thành những hình thù vô nghĩa, ta có được bối cảnh sống của Meursault trong suốt phần một, và khi ta trở về với kích thước đúng nghĩa của bức tranh, ta sẽ thấy Meursault là cục pixel nằm trong bức tranh của bộ máy chính phủ toàn trị trong phần hai.

Mình khá chắc rằng, từng câu từng chữ trong cuốn sách này được viết ra đều có chủ đích nhưng khoác lên mình một vẻ phi lý và vô nghĩa, mà bất kỳ dòng chữ nào, hình ảnh nào đều có thể được phân tích ra thành một bài dài mà có khi vẫn chưa đủ ý. Mình thì chưa đủ trình, mà mình cũng sắp đi quân sự rùi nên mình cũng chỉ nói về những chi tiết mình có thể nhớ được trong bài viết vài nghìn từ này thui.

Mình muốn nhận xét về con người của nhân vật chính, Meursault, với tất cả tính phi lý mà anh ta có dưới kinh nghiệm sống và góc nhìn hạn hẹp của mình. Có lẽ mình cũng phán xét và đánh giá anh ta giống như bồi thẩm đoàn ở phần hai, và đúng mình chính xác là kiểu người mà tác giả đá xoáy khi viết phần hai đó. Theo cảm nhận của mình, Meursault không phải là một kẻ psychopath hay gì hết. Kẻ ngoại cuộc chính là lời tâm sự của một con người gặp phải quá nhiều nỗi thất vọng trong cuộc sống của mình đến nỗi không còn ý chí sinh tồn nữa. Do đâu? Do nghèo. Tại sao nghèo lại khiến anh ta từ bỏ ý chí sinh tồn của mình? Tại vì anh nghèo nên anh không thể điều khiển được số phận của mình. Căn cứ vào đâu? Lương lậu bèo bọt đến nỗi không thể nuôi sống mẹ mình, phải gửi bà vào viện dưỡng lão, từng có mơ ước bay cao, bay xa thời còn học đại học, nhưng việc nghỉ học giữa chừng khiến anh ta thôi mơ về chuyện đó.

"Sao cũng được."

Meursault không thể kiểm soát được cuộc đời mình, vậy thì anh ta làm gì? Chấp nhận những gì vốn có, thay vì cố gắng vùng vẫy, nổi loạn, chửi rủa, tìm cách thay đổi. Đó chẳng phải là sự dị biệt, đó chỉ là một cơ chế sinh tồn khi con người bị áp vía quá lâu và quá nặng nề đến nỗi họ phải tìm kiếm sự tự do của mình từ trong những điều đơn giản và bản năng nhất thay vì mơ quá nhiều về một tương lai rực rỡ và hạnh phúc. Với Meursault, cuộc sống chỉ đơn giản là ăn, uống, ngủ, nghỉ, thỏa mãn được những nhu cầu cơ bản đó là được, còn tình yêu, niềm vui, bất hạnh, công lý, những thứ linh tinh ấy anh chẳng quan tâm. Nói ngắn gọn là nghèo tiền nên nghèo luôn cả tâm hồn, nên chả còn hơi sức đâu mà bận tâm đến cuộc sống nữa. Albert Camus cũng lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, đây lại còn là tác phẩm đầu tay của ông, nên có lẽ, thái độ sống của Meursault đúng là cái sự dửng dưng của một con người sống lay lắt qua ngày dựa trên kinh nghiệm sống của Camus thật.

Chính cái sự thui chột ý chí sinh tồn đó khiến cho nhân vật chính biến anh ta thành Kẻ Ngoại Cuộc với cuộc đời và với chính mình. Sao lại thế? Đơn giản là đã nghèo vật chất, tự mình nuôi mình còn không xong, Meursault cũng chẳng có hơi sức nào mà gánh lấy những áp lực về tinh thần nữa. Ở đây có một sự chủ động từ bỏ nhân tính và lương tri của con người. Anh ta từ bỏ những điều đó bằng cách vật hóa tất cả những người xung quanh anh, hay thậm chí là vật hóa chính anh. Đọc cách Camus miêu tả những người xung quanh dưới góc nhìn của Meursault, cảm giác như đang xem tranh của Picasso hay Zdzisław Beksiński vậy. Không tới nỗi hardcore như Beksinski nhưng đúng là nhân dạng trong cuốn sách này bị vỡ nát, như một món đồ chơi bị vứt lăn lóc trên đường và bị xe cán đè qua chứ không còn là những con người thực nữa. Không có bất kỳ sự đồng cảm nào ở đây, không có đồng cảm, thì cũng sẽ không có thương xót hay tức giận. Không có thương xót, tức giận, nghĩa là không có phán xét. Không có phán xét thì cũng không có đúng sai. Tóm gọn lại là sự vô minh, mà tất cả những gì còn sót lại trong con người của Meursault là bản năng sống: nóng quá, đói quá, mệt quá, chán quá, lải nhải ồn ghê, muốn ngủ với đàn bà. Bản chất là từ một người lớn, nhưng tự đẩy lùi mình về với trạng thái vô minh của một đứa con nít (vì chỉ có con nít mới có thái độ dửng dưng và chỉ quan tâm đến nhu cầu của mình trong một đám tang của người thân thiết), hoặc nói nặng hơn là trạng thái của một con vật không chịu sự kiểm soát của chính quyền, thần quyền, đạo đức hay lương tri.

Sự vô minh đó dẫn đến một điều khá đặc biệt ở anh chàng này, đấy là sự trung thực. Từ đầu đến cuối, nhân vật chính chỉ nêu ra sự kiện: anh đi chỗ này, làm chỗ kia, có ham muốn với cô này, chơi với lão kia, xong chả hiểu sao rút súng bắn một người chả thù oán gì với mình chỉ với lý do đơn giản là nắng (mình sẽ đề cập chi tiết này sau). Chưa một lần nào anh ta nói rằng anh ta mong mỏi điều gì (mà nếu có, thì ngay sau đó anh ta sẽ lại chấp nhận số phận là thế) và quyết tâm để làm được gì. Trong phần hai, khi người phóng viên nhìn vào mắt anh, và anh thấy bản thân mình phản chiếu trong đôi mắt phóng viên như thể chính anh đang nhìn vào anh, đấy là chi tiết xác định rõ rằng: sự trung thực đó có được là vì Meursault không phải là Meursault, Meursault chỉ là một người đang nhìn vào cuộc đời của chính mình trong tư cách Kẻ Ngoại Cuộc, nên chả có lý gì anh phải biện hộ cho tội ác của mình hay khao khát vẫy vùng sống hết mình với lý tưởng cả (tự nhiên đoạn này flashback lại The Great Gatsby). Meursault vừa là người quan sát, đồng thời cũng là mẫu vật quan sát.

Nhưng nào có ai có thể hoàn toàn sống một cách vô thường như thế, trừ những người đã đạt đến trạng thái Niết Bàn? Mà một kẻ nghèo khó như Meursault, một kẻ không tình nguyện từ bỏ giàu sang vật chất để đến với nghèo khó mà bị ép sống chung với chính sự nghèo khó đó, thì càng không phải kẻ có thể đạt đến con số 0 của Niết Bàn. Phần vô thức của Meursault có đau khổ khi mẹ anh mất không? Có. Có tức giận trước sự bạo hành của Raymond trên cô bạn gái của anh ta không? Có. Có khao khát một mái ấm không? Có. Nhưng tất cả những điều này thể hiện ở chỗ nào?

Mình xin đoán rằng, và chỉ là giả thuyết của mình mà thôi, tất cả những sự ý thức mang tính lương tri của con người ấy, thể hiện qua hình ảnh của tất cả những người Ả Rập xung quanh Meursault. Sở dĩ mình đặt ra giả thuyết này, xuất phát từ sự xuất hiện nhiều đến bất thường người Ả Rập và những điểm bất hợp lý xoay quanh họ.

Y tá là sự chăm sóc, sự kề cạnh, cũng là nghĩa vụ của Meursault cần có đối với mẹ trong tư cách là một người con. Người y tá mà Meursault thấy trong đám tang của mẹ mình bị lở loét, quấn băng trắng đầy mặt (khiến cho Meursault không tài nào nhìn thấy biểu cảm của bà này) có lẽ là sự từ bỏ cảm xúc của Meursault trong đám tang của mẹ, những tấm băng trắng quấn quanh một gương mặt/một trái tim bị lở loét.

Hình ảnh những tên Ả Rập bám theo nhóm Raymond. Meursault có ý thức được tên Raymond đã sống một cách khốn khổ khốn nạn không? Có, vì trong vô thức, Meursault đã so sánh cách đối xử của Raymond với cô bạn gái không khác gì ông già Salamano suốt ngày đánh chửi con chó của mình, và mình càng tin chắc vào cái sự so sánh ngầm này hơn khi Raymond phải lên đồn vì tội hành hung bạn gái và cả hai chia tay thì đồng thời ông già Salamano cũng "trùng hợp" làm mất con chó. Khi nhóm Raymond xảy ra ẩu đả với những tên Ả Rập ở trên bãi biển, Meursault không hề phải đánh nhau với tên Ả Rập nào. Trong cuộc đánh nhau ấy có một chi tiết, đấy là ông Ả Rập (anh trai của bạn gái Raymond) đã dùng dao đâm vào cánh tay và cắt vào miệng của Raymond – trùng khớp là các bộ phận cơ thể đã bạo hành cô gái bằng cách chửi rủa và đánh đập (mình nghĩ Camus cố tình, vì bình thường viết về việc người ta bị thương vì ẩu đả thì chỉ có bị đâm vào vai, vào bụng chứ ít khi các tác giả viết về việc cắt vào miệng). Khi nhóm Raymond gặp lại nhóm Ả Rập, chính Meursault đã bảo rằng Raymond không được bắn ông người Ả Rập khi ông ta chưa hề đưa con dao lên và có ý định tấn công Raymond, trong khi, một kẻ vô minh như Meursault nào có ý thức gì về việc fairplay với đối thủ chăng? Và rồi, khi Meursault gặp lại tên Ả Rập đó, anh đã bắn tên Ả Rập đó dù ông ta không hề tấn công anh? Liệu còn giả thuyết nào hơn là việc người Ả Rập mà anh đã bắn, có lẽ chính là cái bản ngã lẽ ra anh ta phải có?

Khi Meursault vào tù, xung quanh anh toàn cả người Ả Rập. Những người đó, dù biết rằng Meursault đã giết đồng hương của họ, họ vẫn đối xử với anh ta rất tử tế, dạy anh cách trải chiếu, cuộn chiếu. Chẳng phải cũng là cách đối xử của bản ngã đối với phi ngã (hòa giải và đáp ứng các đòi hỏi hợp lý của phi ngã) bất chấp sự phán xét của siêu ngã trong một con người hay sao?

Vào lúc cô bạn gái Marie đến thăm Meursault, xung quanh anh toàn cả là người Ả Rập. Bên trái anh là hình ảnh người mẹ và đứa con trai nhìn vào nhau một cách mãnh liệt suốt cả buổi không nói một lời. Bên trái là biểu tượng cho quá khứ, cho những gì đã qua. Có lẽ đó cũng chính là hình ảnh của Meursault và mẹ của mình trong quá khứ. Trong suốt diễn biến của câu chuyện, Meursault lặp đi lặp lại rằng anh và mẹ anh thường chẳng có gì để nói với nhau cả. Cái câu "con chào mẹ" mà đứa con trai nói với bà cụ, có lẽ cũng là sự biến mất của mẹ Meursault trong cuộc đời của anh. Bên phải anh là một cặp vợ chồng, người vợ hét rất to vào người chồng những việc lông gà vỏ tỏi mà Meursault cảm thấy rất phiền. Đó là tương lai mà Meursault tưởng tượng ra với Marie, nếu anh có thể ra tù và cưới cô: ngay cả khi anh có ở trong tù, anh cũng sẽ không thể thoát khỏi sự xô bồ cơm áo gạo tiền của cuộc sống.

Nếu hình ảnh về những người Ả Rập chính là lương tri và khao khát con người của một kẻ đã từ bỏ cảm xúc như Meursault, thì việc anh ta bắn chết một người Ả Rập không thù không oán với mình mang ý nghĩa rằng anh ta đã giết chết chính mình. Giết đi cái phần xốc nổi, tức giận, đồng cảm, phán xét, ước mơ, tình cảm bên trong mình để có thể hoàn toàn sống một cách vô thường và không bị phiền nhiễu bởi những thứ cảm xúc thừa thãi nữa. Thế nhưng khi phi ngã giết đi bản ngã, thì đó là lúc siêu ngã sẽ chống lại phi ngã. Meursault bị bắt vào tù, điều cốt lõi trong cái việc anh vào tù đấy không phải là anh bị tước mất tự do, mà là anh đã khoác lên mình cái án tử ngay từ đầu. Nói cách khác, Meursault khi bắn năm phát súng vào người Ả Rập, anh ta đã tự giết chính mình, và linh hồn của anh ta bị mang ra xét xử để xem anh xứng đáng được lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục.

Về năm phát súng, thật ra mình vẫn chưa nghĩ ra năm phát súng biểu tượng cho điều gì, và tại sao Meursault dừng một lúc trước khi bắn tiếp phát súng thứ hai. Mình đoán chừng bốn phát súng mà Meursault bắn sau khi bắn chết người Ả Rập cũng giống như khi chúng ta xé một bản hợp đồng ra làm đôi, và dù biết rằng khi bản hợp đồng bị xé làm đôi thì hợp đồng đã mất hiệu lực, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục xé nó ra thành bốn mảnh, tám mảnh. Nếu mình đào ra được thì mình sẽ bổ sung sau vào bài viết và dưới phần cmt. Nhưng mình biết rõ một điều rằng, khoảnh khắc anh bắn ra năm phát súng đó, là khoảnh khắc bắt đầu có sự mập mờ giữa sự sống và cái chết.

Trong phần 1, Meursault luôn nói về cuộc sống như một bầu trời nắng gắt, uể oải, con người thì hình thức, đạo đức giả. Sang phần 2, quá trình Meursault ở trong tù, anh "tập làm quen" với cuộc sống trong tù, và rồi nếp sống của anh trong tù cũng chẳng khác gì so với lúc anh được tự do là mấy, mặc dù anh cũng khao khát cái tự do ở ngoài kia. Vậy thì, cuộc sống và nhà tù liệu có khác gì nhau? Meursault có thực sự tự do không, khi tự do vốn dĩ là một điều chỉ dành cho những kẻ giàu có, còn anh thì bất lực với cuộc đời đến nỗi hình thành câu cửa miệng là "sao cũng được"? Nếu khi anh còn tự do, anh sống nhưng sống như đã chết, thì liệu cũng có khác gì so với anh khi ở trong tù, rằng anh gần như đã chết hẳn về mặt tinh thần?

Phiên tòa xử tội Meursault có lẽ là phiên tòa phán xử cho linh hồn của anh, khi tất cả những con người trong cuộc đời anh lần lượt xuất hiện buộc tội và bào chữa cho anh, còn anh từ chối thiên đường và luyện ngục bằng cách thờ ơ từ đầu đến cuối phiên xét xử. Trong mắt anh, phiên tòa chẳng khác gì một trò hề của chính phủ toàn trị, không hề có bất kỳ sự công bằng nào khi bọn họ chỉ biết liên tục diễn giải cảm xúc của anh và tức giận khi không tìm thấy bất kỳ biểu hiện nào của lương tri con người trong anh. Một sự từ chối siêu ngã, một lời nói bóng gió rằng chính luật lệ, đạo đức, hình thức là thứ đè ép con người, còn những gì tốt đẹp nhất của con người lại xuất phát từ bản năng (tính phi ngã). Mình chả thích vụ này nhưng phải nói là Albert Camus thể hiện chi tiết này hay thật, đặc biệt là khi ông biện lý bi kịch hóa mọi hành động của Meursault và buộc tội anh đã "giết mẹ trong tinh thần" vì anh không nhỏ lấy một giọt nước mắt trong tang lễ của bà.

Hình ảnh tòa án và quyền lực chính phủ này liên quan mật thiết đến hình ảnh người cha của Meursault. Trong câu chuyện này, hình ảnh người cha xuất hiện rất nhiều lần dưới những dạng khác nhau: tôn giáo và linh mục, vụ án con trai giết cha sẽ diễn ra sau vụ án của Meursault, cha đẻ của anh. Người cha đại diện cho công lý, cho tính siêu ngã của một người đàn ông, cho sự cường quyền cao hơn người đàn ông đó một bậc khiến cho người đàn ông đó phải nể sợ. Nhưng Meursault lại chẳng có bất kỳ ký ức gì về cha mình cả, thậm chí anh còn hơn thấy ghê tởm cha mình vì đã nôn mửa khi chứng kiến người ta hành quyết phạm nhân. Rõ ràng, trong tâm trí anh, cha của anh là một kẻ khiếp nhược, mâu thuẫn, chẳng chu cấp cho anh được thứ gì, cũng chẳng dạy bảo cho anh điều chi, tóm lại là anh chả liên quan gì đến cha mình cả, điều đó dẫn đến sự nhụt chí và vô minh của anh sau này. Hình ảnh người cha đẻ với một ấn tượng xấu như thế, cũng là ấn tượng của Meursault với chính quyền, và cũng là với Chúa Trời: Meursault cảm thấy Chúa không hề giúp đỡ gì cho anh, trái lại còn vô cùng thờ ơ với cuộc đời của anh nữa, vậy mà vẫn áp đặt anh cần phải thế này, cần phải thế khác, vẫn kêu gọi anh trở về với Chúa, nên anh gần như muốn cắt đứt mọi mối liên hệ với Chúa để có thể được tự do. Meursault hận Chúa vì Chúa đã vô hình và thờ ơ quá nhiều trong cuộc đời của anh, đồng thời anh ta cũng thấy tủi nhục khi không được Chúa quan tâm. Chẳng thế mà, trong vài giờ trước khi bị hành quyết, Meursault đã kích động hét vào mặt linh mục rằng anh vẫn sống ổn dù không có Chúa, Chúa không tồn tại, hãy để anh yên. Chưa bao giờ trong suốt câu chuyện Meursault lại biểu lộ sự tức giận và kích động thế này, anh luôn là một người hòa nhã, "sao cũng được". Một mặt phủ nhận Chúa, một mặt vẫn khao khát sự tồn tại của Chúa.

Lại nói đến chi tiết vụ án con giết cha. Camus không hề đi sâu vào vụ án này, nhưng luôn treo vụ án này trên miệng của cánh nhà báo, phóng viên, biện lý trong tòa án. Ông biện lý đã so sánh tội ác "giết mẹ trong tinh thần" của Meursault thậm chí còn hơn cả tội ác giết cha kia, trong khi đối với Meursault, cái việc anh không khóc trong tang lễ của mẹ chẳng có gì là to tát. Điều này nghĩa là gì? Nghĩa là, đối với Meursault, có lẽ cái việc con giết cha, về mặt biểu tượng, thậm chí còn chẳng phải là một tội ác. Meursault không có cha, nên anh chẳng có bất kỳ tình cảm hay ấn tượng gì về hình ảnh người cha. Ngoài ra, người cha còn là biểu tượng của công lý, của quyền lực trên đầu người đàn ông, mà ở đây là thứ quyền đang đẩy Meursault ra trước vành móng ngựa và xét xử lẫn bào chữa cho Meursault. Vụ án giết cha, về cơ bản, là đang nói lên rằng đối với Meursault, sự phán xét của quan tòa, xã hội và của Chúa chẳng có ý nghĩa gì với anh hết. Anh không nghĩ mình sai và hoàn toàn không thấy mình sai, cũng không có thứ quyền lực hay tình thương gì có quyền phán xét anh. Bởi anh đã giết cái bản ngã của mình để giải phóng phi ngã, nên siêu ngã đối với anh không còn giá trị gì nữa. Đối với Meursault, giết cha là biểu tượng của tự do. Camus giờ dưới mồ chắc vẫn đang hô "vô chính phủ muôn năm!".

Cuối cùng, mình xin nói về cái đoạn đắt giá nhất toàn bộ câu chuyện này, là cuộc trò chuyện giữa linh mục tuyên úy và Meursault trước giờ tử của anh. Meursault, một kẻ "sao cũng được", một kẻ luôn ậm ừ để tránh chất vấn và rắc rối, đứng trước linh mục lại đau đớn hét lên rằng anh không tin vào Chúa, lần đầu tiên trong đời nói lên rằng anh thực sự "muốn" điều gì đó. Anh sống một cuộc đời khoái lạc và vô nghĩa, và anh chấp nhận sự khoái lạc và vô nghĩa đó, anh sống vì chúng, chứ anh không muốn sống vì một thứ lý tưởng cao vời vợi mà anh chẳng thể sờ nắn hay nhận biết được bằng mắt thường. Trong cái lúc adrenaline xộc lên não anh, anh tuyên ngôn rằng anh sống vì anh, anh không sống vì cha, vì mẹ, vì người tình hay là vì Chúa Trời. Lúc này anh đã "lật đổ" biểu tượng người cha của mình, chính thức giết luôn cái "siêu ngã" của mình để được tự do như chính bản thân mình mà không còn ai có thể phán xét hay thương hại anh được nữa. Vì anh muốn là một con người độc lập và tự quyết định mình sống thế nào, anh không muốn phải dựa vào ai, làm chủ ai hay bị ai làm chủ hết. Lúc này anh ở trong trạng thái vô chính phủ, không thiên đàng, không địa ngục, không cha, không Chúa, không thứ gì có thể khiến anh sợ hãi nữa. Anh thà chết còn hơn là ngoan ngoãn phục tùng cái cường quyền đang treo trên đầu anh đó.

Và, cái khi Meursault nổi điên với linh mục tuyên án, anh đã không còn là Kẻ Ngoại Cuộc nữa. Anh trở thành chính anh. Khi anh trút mọi sự bực tức, tuyệt vọng của mình lên linh mục – người đại diện cho Chúa, như thể đang nói với cha mình rằng mình sẽ độc lập khỏi cái bóng của người cha, thì đó cũng là lúc anh ý thức được ý chí tự do mà anh đang có, chính cái ý chí tự do mà Chúa đã trao cho anh. Như một cơn thác lũ, mọi cảm xúc mà anh đã gạt qua một bên trước kia vì bị cầm tù trong sự nghèo khó, nay lại ùa về. Anh đã được hồi sinh là một con người, và sống hết mình như một con người trong những giây phút cuối cùng của mình, không còn tự xem chính mình là một đồ vật bị cán nát và bị đẩy đưa theo dòng đời nữa.

Hết sức bình sinh, bằng tất cả ý chí tự do anh có được trong khoảnh khắc ngắn ngủi ấy, anh đã chọn trở thành cát bụi, thay vì địa ngục hay thiên đàng. Như một lời tuyên ngôn chắc nịch của Albert Camus, quan trọng không phải là cuộc sống có ý nghĩa gì giữa trăm ngàn sự bất công của nó, cũng không phải là con người sẽ trở thành ai sau khi chết, mà quan trọng là "Tôi đã ở đây". Đã từng thở, từng tồn tại, từng khóc, từng cười trên cõi đời phi lý này.

TL; DR: thằng cha nhân vật chính của cuốn này bị father issues, chấm hết.

Ps: Mình không cùng quan điểm với Albert Camus hay cách nghĩ về cuộc đời của Meursault, dĩ nhiên là thế. Nhưng dù sao cũng phải thừa nhận Kẻ ngoại cuộc là một tác phẩm rất đỉnh 🥴

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro