Tân Tây Du Ký 2009 - Triết Giang (1)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày viết:  25-01-2011

---------------------------------

Tân tây du ký 2009 (Triết Giang)

Thoạt tiên mới xem thì mình hay bị tư tưởng "không biết có gì hay không mà xem", nhất là khi mình còn nghe nói là phim này rất dở. Tuy nhiên sau khi tìm được đồng minh cùng xem phim chung với mình, và còn nghe nói là "đường tăng đẹp trai lắm", mình đã bị lung lay.

Ở đây mình chỉ nói những điểm chính yếu thôi hén, mất công mình lại bị rơi vô cái bẫy, phân tích theo trình tự thời gian thì chết.

Nhìn chung, phim này làm khá giống nguyên tác, những chi tiết như TNK hóa thành tay nải dụ Hồng Hài Nhi đem vào động. Ngân Giác Kim Giác có 5 món bảo bối. Khi đi thỉnh Bồ Tát trừ HHN, TNK không khiêng được bình ngọc, v.v... Còn lại thì thay đổi khá nhiều.

Trước hết ta nói về Đường Tăng. Đường tăng ở đây đúng là có khí khái của một bậc chân sư. Gặp yêu quái không sợ, gặp khó không nản, không phải cứ hở một chút là đau buồn, khóc lóc như phiên bản trong truyện. Khi xem phim, thật sự làm cho mình có cảm giác: "đây là một bậc chân tu", tự nhiên lòng mình muốn thầy ấy đạt được ý nguyện.

Đang xem đến tập Hồng Hài Nhi. Có một triết lý ở đây rất hay, mà ai muốn tìm hiểu thêm thì nên đi tìm hiểu những bài giảng về phật pháp. Xin đi vào cụ thể như sau: (Tập 21, phần cuối)

Đường Tăng: "Thấy mặt cậu bị khói xám đen, cậu cũng say mê lao lý".

~~> Ở đây Hồng Hài Nhi vừa đốt Bái Giới và Ngộ Không đi khỏi động, khi đốt hai người, cậu cũng chịu ảnh hưởng. Không có ai làm tội, mà lại không chịu hậu quả của tội nghiệp của mình.

Đường Tăng: Bần tăng cả đời nguyện hướng Tây Phương, triệu kiến Như Lai Phật Tổ cầu thỉnh chân kinh. Nếu như bị cậu ăn rồi, cùng lắm cũng chỉ nguyện đi thêm lần nữa, kiếp sau vẫn làm hòa thượng đi Tây Thiên thỉnh kinh.

Hồng Hài Nhi: Đi Tây thiên có gì vui chứ?

Đường Tăng: Có thể độ hóa chúng sinh, giúp người khác thoát khỏi khổ nạn, có gì mà không thú vị chứ.

~~> Cũng không biết có phải có nhân duyên gì không, mà ngay trước khi mình xem phim này, mình vừa nghe một bài giảng về nghiệp và nguyện. Một khi phát nguyện, thì bao nhiêu kiếp, cũng sẽ thực hiện cho được lời nguyện đó. Ở đây, ta thấy Đường Tăng đã phát nguyện phổ độ chúng sinh, có chết thì cùng lắm kiếp sau sẽ làm lại. Một kiếp, không phải là dài. Thân xác, không phải là thật. Thân xác là vô thường, chỉ có cái tâm cứu người là trường tồn. Điểm mà mình rất thích ở vị Đường Tăng này.

Đường Tăng: Bần tăng sống đã xem nhẹ việc sống chết, bần tăng chỉ đang nghĩ, cậu còn nhỏ mà đã chịu nỗi tủi nhục gì, để có được hỏa khí lớn như vậy. [...]

~~> Theo một nguồn sách mình đọc, khi bàn về Tây Du, tác giả đã viết như sau: Tam muội chân hỏa là lửa tượng trưng cho tham, sân, si (tham lam, giận dữ, mê muội). Ở đây Đường Tăng nhắc đến "tủi nhục" và hỏa khí, có lẽ ông ấy đang nhắc đến lửa sân (giận dữ). Sau đó Đường Tăng nói một số lời, ngụ ý bảo rằng: cha của Hồng Hài Nhi vì yêu thương cậu ấy cho nên mới để cậu ta tự do, làm vương, lập động ở đây.

Cuối cùng, khi Hồng Hài Nhi nói ra điều thật lòng, Đường Tăng đã nói: "Ta biết, cậu rất hận cha cậu, nhưng trên thực tế, người cậu yêu thương nhất là cha. Cậu hãy đi học yêu thương người khác, như vậy cậu mới có thể vui vẻ thật sự"

~~> Nếu đã là phật tử, nghĩa vụ của phật tử vẫn phải là yêu thương chúng sinh, và phổ độ chúng sinh. Ngay trong hoàn cảnh ngặt nghèo, nhưng Đường Tăng vẫn có thể đủ bình tĩnh, đủ sáng suốt, để có thể thuyết phục được Hồng Hài Nhi theo chánh đạo. Đường Tăng trong phim này, không đủ để phác họa một vị chân tu hay sao?

Dẫu biết phim chỉ là phim, diễn viên thì chỉ là diễn viên. Trên thực tế mình không biết vị Đường Tăng như thế nào, nhưng qua phim, dù cảm nhận được một phần trăm đức hạnh của Đường Tăng, thì cũng đủ rồi.

Quay ngược lại những phần trước, ta hãy xem Đường Tăng qua một số trích đoạn:

Trích đoạn Bạch Cốt Tinh, khi Đường Tăng đuổi Tôn Ngộ Không đi. Sa Tăng đã trách thầy mình đuổi nhầm sư huynh, thì Đường Tăng nói: "Ta đã cho Ngộ Không ba cơ hội, nhưng vẫn không loại được sát nghiệp. Chưa thỉnh được chân kinh, đã tạo quá nhiều nghiệp rồi".

~~> Cái này đúng. Nếu một bước làm phước, nhưng lại tạo họa, thì tính đi tính lại vẫn lại là tạo nghiệp, không thể thành chính quả, không thể được giải thoát được. Tuy nhiên mình vẫn thấy "hơi hơi" bị thiếu logic một chút, không rõ chỗ nào.

Sau khi Tôn Ngộ Không quay lại (Tập 18 – phần cuối)

TNK: Lão Tôn chỉ có thể tiễn các người đến đây thôi. Đưa mọi người tới đây, con cũng phải trở về rồi.

ĐT: Ngộ Không, con không cần phải đi.

TNK: Sư phụ, người đã thề độc rồi, con không muốn hại sư phụ đọa đày địa ngục A tỳ đâu.

ĐT: Ngộ Không, vi sư không tới gặp con, là con đến gặp ta mà. Đã gặp nhau rồi, hối cũng đã muộn.

~~~> Lời thoại hay, quá hay. Tuy nói vòng vo thật đấy, nhưng mà không ai cãi được. *_*. "Ý tại ngôn ngoại"

Khi TNK quay về Hoa Quả Sơn, gặp khỉ con, thì khỉ con không còn nhận ra TNK nữa. Lý do rất đơn giản: đã qua 500 năm, qua bao nhiêu thế hệ khỉ, đương nhiên khỉ con sẽ không nhận ra được chúa khỉ của mình. Thêm vào đó, có một đạo lý về trường sinh bất lão. Đại khái là thế này:

Khỉ già: Đại vương, ngày xưa người đặt tên cho chúng con, và xóa hết tên trong sổ sinh tử, nên chúng con không thể chết. Tiểu Tiểu (tên khỉ con) cũng không thể chết. Nguyện vọng của con là chờ cho đến khi Tiểu Tiểu lớn lên, rồi lấy vợ, sinh con, khi đó chết cũng an lòng. Nhưng Tiểu vẫn mãi là khỉ con, không thể lớn lên. Nó chơi với những con khỉ khác, nhưng rồi những con khỉ khác lớn lên và bỏ nó lại một mình. Cuối cùng nó không dám chơi với khi nào nữa.

~~> Con người vẫn hằng mong trường sinh bất tử, nhưng liệu trường sinh bất tử ấy có đem lại hạnh phúc thật sự hay không? Hãy nghe lời thoại của khỉ già, thật sự đây là điều đáng quan tâm.

Bồ Tát đã nói, Hồng Hài Nhi và TNK giống nhau. Không coi ai ra gì, xem thường mọi người.

~~> Cũng là một điểm đáng lưu tâm. HHN ở phim này được khắc họa là một đứa trẻ ngoan, có thiện căn nhưng không được giáo dục tốt (cội rễ không tốt), nên có thể giáo hóa được, không đến độ phải bị đọa. Ở đây ta thấy nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, của gia đình.

Quan Âm: Yêu quái đã biến dạng thành ta, xem như đã có nghiệp duyên với ta. Ta chỉ có thể dang tay ra thôi.

~~~> Phổ độ chúng sinh, nghiệp duyên tạo thành nhân quả. Nhân quả là đạo lý cốt lõi của nhà Phật.

Một số hành động tuy hơi vô nghĩa nhưng lại ý nghĩa:

TNK trước khi dẫn sư phụ đi, đứng trước một vùng đất mới, và hô to: "Chư thần tẩu thú, nghe rõ cho ta. Ta là Tề Thiên Đại Thánh. Hãy tránh đường cho ta, để sư phụ ta đi đường bình an".

~~> Nói xong thì thú vật chạy hết. Giả sử nếu như TNK không nói, thì khi ĐT đi qua, chân ngựa dẫm chết mất kiến, gián, những sinh linh nhỏ, hóa ra lại sát sinh hay sao? Ý nghĩa hành động của TNK ở đây cũng hay lắm.

Gặp Ngân Giác – Kim Giác đại vương, khi đi quét yêu quái, cả ba đệ tử của ĐT đều ra trận.

~~> Đoàn kết thì diệt được mọi tà ma. Điều này cực cực hiếm thấy trong nguyên tác.

Sa tăng đã tích cực giúp TNK hơn. Theo nguyên tác thì TNK và Sa Tăng rất hợp nhau, nhưng mình chưa bao giờ thấy tình cảm sư đệ của họ thể hiện rõ như ở phiên bản này.

Một số thay đổi khá lớn so với nguyên tác:

- Bỏ đoạn yêu tinh thổi cát vào mắt TNK ~~> mù ~~> phải đi nhờ Bồ Tát giúp đỡ (Sau Cao Lão Trang, trước Lưu Sa Hà)

- Mối tình của Trư Bát Giới và Cao tiểu thư. Đáng lẽ Cao tiểu thư khi phát hiện BG là yêu quái, phải tránh né cho tới khi khuất mắt. Đằng này hai người tay trong tay, tình tứ cho tới tận lúc BG gánh đồ đi theo ĐT.

- BG đã khóc khi chia tay Cao tiểu thư.

~~>Mình thì có cảm giác đúng là đây là mối tình duy nhất BG vướng vào mà không chia được (Hằng Nga không bằng). Vì mỗi khi đoàn Tây Du gặp rắc rối, BG chỉ muốn về Cao lão trang thôi.

- TNK đã khóc khi bị ĐT đuổi, không biết đi đâu, đi về Tà Nguyệt Tam Tinh Động gặp lại sư phụ đầu tiên đã dạy đạo cho mình.

~~> Chi tiết này hoàn toàn không có trong nguyên tác. Theo nguyên tác, sau khi Tổ sư bồ đề dạy đạo cho TNK là từ biệt luôn không bao giờ gặp mặt. Nếu gặp rắc rối thì quay lại người đầu tiên đã đỡ đầu cho mình, đây là một nguyên tắc mình đọc được trong một cuốn sách hiện đại (quan niệm hiện đại). Đưa quan niệm này vào, có khi không phù hợp với nguyên tác, thay đổi ý nghĩa của nguyên tác, nhưng nó khá phù hợp với thực tại.

- Na Tra là huynh đệ của Tôn Ngộ Không (?): Vấn đề này trong một số dị bản đều có, còn nguyên tác thì chẳng có dòng nào bảo Na Tra là bạn Tôn Ngộ Không cả. Tuy nhiên từ đây dẫn đến một câu nói cũng khá hay, Na Tra nói với Tôn Ngộ Không: "Ngày xưa ta cũng ngông ngênh như ngươi, không biết trời cao đất dày [...], nên Ngọc đế muốn mời ngươi lên để dạy dỗ, [...]Ngươi nói xem, ngoài đánh nhau ra, ngươi biết làm gì?". TNK: "Ta? Ta...ta...ta...ta biết làm Tề Thiên Đại Thánh". Câu trả lời ngây thơ, nhưng nói đúng bản chất của TNK: thông minh, tài năng, nhưng thiếu một chút trưởng thành.

Đặc sắc:

- Bối cảnh rộng. Hang yêu quái nào cũng to lớn. Phải thế mới đáng để cư trú chứ.

- Đánh nhau đẹp. Đánh nhau thế mới gọi là hành yêu phục ma chứ.

- Hiệu ứng nhìn rất sướng.

- Nhấn mạnh vào một số nạn đặc biệt của phái đoàn Tây Du.

- Đường Tăng đức độ hơn, có hình ảnh của một vị chân tu hơn.

- Sa Tăng bớt chìm nghỉm hơn trước.

Thiếu đặc sắc:

- TNK tạo hình hơi bị xấu. *_*

- Nguyên phần mở đầu phim nói về sự sinh ra của TNK, không có gì đặc sắc nên dễ bị khán giả chê tới tấp.

- Bồ Tát hóa trang hơi bị dữ *_*. Nếu hóa trang cho Bồ Tát, quan trọng không phải là "càng đẹp càng tốt", mà là "càng hiền càng tốt".

Từ từ xem tiếp, bắt đầu thấy ghiền rồi *_*.

Mọi người, xem phim đi nhé, đừng có nghe báo chí nói xàm mà bỏ qua một bộ phim thật sự hay như thế này.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro