Tân Tây Du Ký 2009 - Nữ Nhi quốc (part 2)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày viết: 26-01-2011

---------------------------

Tân Tây Du Ký 2009 – Nữ Nhi quốc

Sau khi coi xong phần Nữ Nhi Quốc, mình cảm thấy có khá nhiều thứ không thể không nói.

(Tập 28 – phần cuối ~ tập 32) Cốt truyện: Thay đổi hoàn toàn. Bốn thầy trò vướng vô vòng lao lý, phải đi tìm cách giải oan cho sư phụ. Sư phụ thì bị vu họa là kẻ làm cho cả một vương quốc phải diệt vong, vì vậy phải đem đi tế thần (tế sông Mẫu Tử). Con yêu quái bò cạp ở đây được làm quốc sư, do vậy có quyền hành khá lớn trong vương quốc. Sinh ra một bà thái sư cứ khăng khăng bảo vệ truyền thống, đòi giết ĐT. Sinh ra một số vấn đề của chính vương quốc, đó là những người sinh ra càng về thế hệ sau càng giống nhau (giống như là sinh sản vô tính vậy đó), vì vậy dẫn đến một ước nguyện của nữ vương, đó là cho phép nam nhân vào quốc, âm dương hài hòa, tuân theo tự nhiên.

Cốt truyện là thế, nhưng cái tinh thần của tập này, mình không lãnh hội được. Thứ nhất có thể là tại vì mình vốn ghét Nữ Nhi Quốc (ghét từ trong truyện, ghét ra phim 1986, ghét luôn tới phim này), cho nên dù khung cảnh đẹp tuyệt, nữ vương cũng xinh tuyệt vời, mình vẫn không cảm được. Thứ hai là do mình thấy cốt truyện dính mùi hiện đại quá, như phim hiện đại phủ lên lớp phục trang cổ đại, cho nên mình bị dị ứng.

Cái hay ở tập này, đó là trang phục đẹp, nữ vương đẹp, diễn cảnh năn nỉ ĐT, chia tay ĐT khóc lóc sướt mướt, cũng mủi lòng lắm (riêng mình thì ngồi trơ mắt ra nhìn). Vấn đề nêu ra trong bộ phim này cũng có ý nghĩa. Cái dở ở tập này, đó là cốt truyện thay đổi hết. Người chưa đọc cốt truyện của Tây Du Ký, dễ bị choáng và hoảng loạn. Cái gây tranh cãi ở tập này, đó là nước mắt Đường Tăng.

Đường Tăng sau khi rời khỏi Nữ Nhi Quốc, đã khóc. Mình không hiểu dụng ý của đạo diễn ở đây là gì, nhưng làm như thế dễ gây cho khán giả hiểu giọt nước mắt đó là cho nữ vương. Nhưng mình xem nguyên đoạn cuối giữa nữ vương và Đường Tăng, mình không hề cảm thấy được cái gọi là tình yêu giữa Đường Tăng và nữ vương (khác so với phiên bản 1986, trong phiên bản 1986 mình thấy rõ ràng Đường Tăng đã có tình ý với nữ vương nhưng không dám ở lại). Xem lại toàn bộ những phân đoạn ĐT và nữ vương, mình chỉ thấy rõ ràng nữ vương có tình ý với ĐT. Tuy nhiên bên cạnh tình ý thuần túy, nữ vương cũng có một lý tưởng. Lý tưởng đó là có thể độ hóa toàn bộ nữ nhi quốc. Nữ nhi quốc, ngàn năm không có đàn ông. Thái sư thì cho rằng đó là điều trời ban cho người dân nữ nhi quốc, không phải cúi đầu trước đàn ông. Còn nữ vương thì cho rằng đây là một lời nguyền, mọi người cứ uống nước sông, có thai khí, và sinh ra một người giống y chang mình. Để giải lời nguyền, cần có phật pháp. Để có thể hoằng hóa phật pháp, cần có một vị chân tu như Đường Tăng.

Vì mối quan hệ lằng ngoằng như trên, cho nên đối với Đường Tăng, nữ vương không hoàn toàn chỉ là dục ái, ở nơi nữ vương vẫn có lý tưởng. Và đối với người có tấm lòng độ hóa chúng sinh, người tu đạo phải có trách nhiệm giúp đỡ hết lòng người ấy. Đối với nữ vương, ban đầu yêu ĐT một tình yêu của trần thế, sau thì 'hình như là' có pha trộn một số tình cảm vừa yêu, vừa tôn trọng, vừa kính nể.

Sau khi xem xét một cách kha khá là kỹ lưỡng (thực ra là vừa xem vừa tua .__.) các phân đoạn giữa ĐT và nữ vương, nghe các lời thoại, thì mình kết luận như sau:

- Đối với Đường Tăng, nữ vương là một nữ nhân có lý tưởng cao đẹp, muốn độ hóa chúng sinh. Người tốt thì không thể chết uổng, vì vậy ông không thể để nữ vương đi tìm cái chết ở bờ sông Mẫu Tử. Tuy nhiên, tại nơi nữ vương vẫn còn vướng trần thế, vướng vào tình ái, nên với tư cách là một người xuất gia theo đạo, ông phải vừa cảm hóa nữ vương, vừa phải giữ khoảng cách với vị nữ vương này.

- Đối với nữ vương, Đường Tăng trước hết là một nam nhân. Tại đất nước cả ngàn năm không có đàn ông đặt chân đến, tự dưng có bốn vị thầy trò, nhất là sư phụ lại đẹp trai nữa, hỏi sao không mê? Tuy nhiên sau khi đã trao đổi phật pháp (không có trong phim nhưng mình nghĩ là có) với ĐT, nữ vương đã kìm bớt cái tình của mình. Biết ĐT là chân tu, nữ vương cũng không dám hại. Tuy nhiên do thị phi đồn đại, ĐT mang tiếng là dâm tăng, nữ vương không làm gì được, chỉ có thể dùng tính mạng của mình để làm an lòng dân. Ở vị nữ vương này có cả hai thứ: tình yêu và nghĩa vụ. Cũng đáng để học tập lắm.

Giờ đến đoạn mọi người cãi nhau đây:

Đoạn cuối cùng khi hai người chia tay nhau, nữ vương giao điệp văn cho Đường Tăng. Nữ vương không giao ngay, còn ỷ ôi thêm vài câu nữa. Mình thì nhớ đại ý như thế này: nữ vương không còn đòi ĐT ở lại để cai trị đất nước nữa. Cái duy nhất nữ vương có thể đòi hỏi ở Đường Tăng, đó là khi ông thỉnh kinh về, hãy cho nữ vương một tạng kinh, để có thể phổ độ chúng sinh nữ nhi quốc. ĐT đã nhận lời, vì mục đích thỉnh kinh của ĐT là phổ độ chúng sinh, nay có người đã theo phật pháp, muốn phổ độ chúng sinh, tại sao lại từ chối? Cảnh cuối cùng trước khi rời thành: Nữ vương ôm chặt lấy cánh tay ĐT và khóc, nức nở. Tuy nhiên ĐT quyết tâm đi, và không quay lại.

Rời thành, nữ vương đứng trên thành và khóc, lần này không sướt mướt, nhưng nước mắt vẫn chảy. Không hình ảnh nào có thể diễn tả một vị nữ nhi có thể vì trách nhiệm, nghĩa vụ và sự tôn trọng thánh tăng mà kìm nén tình yêu của mình đẹp như hình ảnh này. Có thể nói cảnh nữ vương khóc nức nở khi ở một mình với ĐT lúc giao điệp văn, đó là giọt nước mắt cuối cùng dành cho bản thân, bản ngã, tình yêu cá nhân của mình.

Đường Tăng, sau khi đi ra khỏi cổng thành được vài bước, quay lại nhìn tòa thành và khóc (chú thích là nhìn tòa thành nhé). Mình không hề thấy Đường Tăng nhìn nữ vương, cũng không cảm thấy được điều đó. Đường Tăng khóc ở đây, hết 80% không phải cho nữ vương rồi. Toàn bộ cảnh quay không hề có một phân đoạn nào Đường Tăng có vẻ xiêu xiêu theo nữ vương cả. Vì vậy chẳng có lý do gì bảo là Đường Tăng khóc cho nữ vương. Giọt nước mắt đó, là dành cho cái tâm tốt của một người như nữ vương. Giọt nước mắt đó, dành cho toàn bộ thần dân Nữ Nhi Quốc. Giọt nước mắt đó, như một lời thề Đường Tăng tự đặt ra: ta phải đi thỉnh kinh, để phổ độ cho dân chúng ở vương quốc này. Chẳng có một chút gì là tình cảm riêng tư ở đây cả.

Sau khi xem lại đoạn cuối, mình khẳng định lại một lần nữa là chẳng có một chút gì là tình cảm riêng tư giữa Đường Tăng và nữ vương ở đây cả. Nói gì thì nói, mình vẫn thích hình ảnh Đường Tăng và nữ vương được thể hiện ở đây (diễn viên diễn tốt), mình thích cách đạo diễn thể hiện một vị chân tu và một vì vua tốt ở đây, mình thích đạo lý được đặt ra ở đây. Cái nghĩa chung, cái tình riêng được đặt ra và được cân đo, so sánh. Con người bình thường, đôi khi có thể vì tình riêng mà bỏ nghĩa chung, nhưng một khi trên vai đã gánh trách nhiệm, tình riêng buộc phải bỏ qua, để có thể lo lắng cho mọi người, để có thể lo lắng cho chúng sinh. Không thể vì sự vị kỷ của mình, lại gây hại cho hàng ngàn hàng vạn người khác.

Còn ai dám bảo Tân Tây Du Ký không hay?

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro