Tân Tây Du Ký 2009 - Ngộ Không giả (tập 32c ~ 35) (Part 3)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày viết: 27-01-2011

---------------------------

Tân Tây Du Ký – Ngộ Không giả (tập 32c ~ 35)

Sau khi xem xong hết phân đoạn phim này, mình lại suy nghĩ lung tung. Công nhận bộ phim này làm mình đau não quá .___.

- Ngộ Không tự nhiên ác một cách dễ sợ !

- Đường Tăng lại khóc nữa rồi.

- Lý lẽ đưa ra không tự nhiên.

- Bát Giới diễn lố quá, càng lúc càng ghét >.<

Ngoài bốn điểm trên, ngoài ra đạo lý trong phân đoạn phim này cũng đáng để nghe lắm.

Nhận xét đầu tiên là phần này làm giống nguyên tác, có tiến bộ. Kể lại một chút nội dung phim:

Đầu tiên sau khi rời khỏi Nữ Nhi Quốc, bốn thầy trò đi qua một vùng đất mới. Đường Tăng cưỡi ngựa đi trước một mình, và bị một đám cướp vây, trói lại, đập cho 1 trận (phun máu ra y như phim). Đường Tăng miệng vẫn nói đạo lý cho cướp nghe nhưng chúng không nghe. Ba đồ đệ đến cứu, Ngộ Không ở lại đập chết 2 tên cướp.

Đến tối, 4 người đến một căn nhà ở nhờ. Nửa đêm toán cướp về nhà (vì đây là nhà của ba mẹ chúng), phát hiện 4 thầy trò, định giết. Hai ông bà lão chủ nhà gọi 4 thầy trò dậy và kêu đi trước. Tuy nhiên cướp đuổi theo. Lần này Ngộ Không đập phát chết hết. Đường Tăng chịu không nổi nên đuổi đi.

Sau khi đuổi đi, Ngộ Không không biết đi đâu đành đến chỗ Bồ Tát. Còn phần Đường Tăng, sau khi hai đồ đệ đi hóa duyên, ông bị Ngộ Không giả đến đập một phát vào vai, phun ra một phát nữa (như phim) rồi nằm lăn xuống đất. Hành lý bị cướp hết. Sa Tăng phải đi đến Hoa Quả sơn để lấy hành lý. Đánh không lại Ngộ Không, Sa Tăng đi đến Nam Hải thì thấy Ngộ Không thật ở đấy.

Hai Ngộ Không gặp nhau tại Hoa Quả Sơn, đánh nhau không phân thắng bại, rồi chạy đi. Sa Tăng quay về chỗ Đường Tăng thì phát hiện Đường Tăng đã bị bệnh, nằm một đống. Tuy nhiên Đường Tăng vẫn chờ Ngộ Không. Hai Ngộ Không trước tiên đến chỗ Đường Tăng, sau đó đến chỗ Quan Âm, rồi lên trời, xuống địa phủ, cuối cùng đến chỗ Như Lai. Đến đây mới biết đâu là thật, đâu là giả. Đoạn cuối cùng, Quan Âm đưa Ngộ Không về gặp Đường Tăng, bốn thầy trò lại tiếp tục cuộc hành trình.

Đoạn đầu đánh cướp, theo lý giải của nội dung phim đó là: Ngộ Không thấy Đường Tăng bị đánh đập đến phun máu ra thì tự dưng nổi đóa lên, đập chết 2 tên cướp. Đường Tăng rầy Ngộ Không vài câu, rồi đắp mộ cho 2 tên cướp. Khi khấn còn bảo 2 vong hồn tên cướp có muốn kiện thì kiện Ngộ Không. Ngộ Không lại nổi đóa lên cày tan nát 2 ngôi mộ (!).

~~> Mình nhìn còn không nỡ nữa là... Người chết rồi còn đập như thế thì thật là không còn gì để nói .___. Đoạn này thật sự mình không hiểu ý nghĩa là gì cả. Để thêm dầu vô lửa chăng?

Hai ông bà lão đã nói: lão đại lão nhị chết là đáng, có nghĩa là họ cũng là người tốt, biết luật nhân quả, tôn trọng và giúp đỡ người tốt, nhưng cũng không mang oán hận với những đứa con bất hiếu. Hai ông bà cũng ngăn cản con mình gây tội, nhưng không hiệu quả.

Sau gặp cướp lần 2 trên đường, lần này Ngộ Không đã cẩn thận hơn. Sau khi được Đường Tăng nhắc nhở, Ngộ Không đã hỏi rõ tên cướp con trai của hai ông bà lão: "Làm chuyện tội đáng chém đầu này, nếu như ngày nào đó bị bắt hoặc bị giết, thì cha mẹ ai sẽ lo hậu sự, ai sẽ cúng tế?". Tên cướp trả lời một câu mà đúng là câu này cũng nặng tội lắm: "Ai bảo hai người già không chết, còn sống làm gì. Đợi ta giải quyết các người, rồi về giải quyết bọn chúng."

~~> Người thường nghe câu này cũng tức điên lên chứ chẳng thể nhịn được với hạng người bất nghĩa bất hiếu thế này. Mà thôi ta cứ xem phim tiếp xem thế nào. Thế rồi Ngộ Không đương nhiên đập phát chết hết đám cướp đó. Đường Tăng giận không chịu, và đuổi đi.

Thế ở đây có một số vấn đề làm ta suy nghĩ.

Với quan niệm của người thường như chúng ta thì việc giết cướp là việc làm đúng. Từ đó suy ra Ngộ Không đúng ~> Đường Tăng đuổi Ngộ Không là sai ~> Bị nạn đáng đời. Thế nhưng nói gì thì nói, Ngộ Không giết người là sai, ngay cả Quan Âm cũng nói thế, và nguyên tác cũng bảo thế. Thế là tại sao?

Vậy ta phải quay lại một chút về đạo Phật. Đạo Phật gốc mình chưa được biết, thậm chí chưa đọc được một chữ kinh thư nào, cho nên ở đây mình chỉ phân tích theo những thứ mình biết thôi.

Trong đạo Phật, nền tảng cốt lõi dựa vào luật nhân quả. Hiểu theo nghĩa đen, nhân là cái hột, quả là trái cây. Gieo nhân (gieo hột) sẽ gặt quả (thu trái cây). Tuy nhiên giữa nhân quả phải có một sự gắn kết, trong đạo gọi là Duyên. Có Duyên, mới có nhân quả. Và từ một Nhân ra nhiều quả khác nhau là do Duyên khác nhau. Duyên lành, sẽ được phước, Duyên ác, sẽ gặp họa. Ở đây những tên cướp đi làm cướp là do nhân đã gieo ở nhiều kiếp trước, và hai ông bà lão sinh con ra làm kẻ cướp có khi cũng là do nhân quả tiền kiếp. Để không bị đọa do gieo nhân ác, cần phải làm thiện tích đức. Trong phim (không nhớ là ai) cũng nói, cũng phải cho chúng cơ hội hành thiện tích đức.Tuy nhiên Ngộ Không đập chết mất rồi, nên coi như đã cắt mất cơ hội tích đức của bọn cướp ~~> Quân Âm nói Ngộ Không bất thiện, cũng không phải là không đúng.

Thế nhưng vẫn có một số người bảo: Nếu Ngộ Không không đánh cướp, thì cướp sẽ gây hại, như vậy là tạo nghiệp nhiều hơn, vậy thì sao? ~~> Mình cũng không biết nữa. Quan trọng là cái NẾU đã không xảy ra, thì vế sau có bàn bạc, liệu có ích gì.

Tiếp theo, sau khi đuổi Ngộ Không đi thì trong một lúc niệm kinh, Đường Tăng đã rớt nước mắt khi nhớ về Ngộ Không. Chi tiết này thật sự là mình không hiểu. Nếu như chi tiết giọt nước mắt Đường Tăng ở tập Nữ Nhi Quốc còn có thể lý giải là tình thương của một vị chân tu đối với chúng sinh của một đất nước, thì ở đây giọt nước mắt này có vẻ hơi bị vị kỷ quá. Nói cách khác, ở đây Đường Tăng khóc không đáng.

Bát Giới trong lúc Ngộ Không bất hòa với Đường Tăng, đã thêm dầu vào lửa. Cách nói của Bát Giới nghe ghét lắm kìa, mình nghe chỉ muốn đập cho 1 trận, mà vì không đập được cho nên ngồi xem phim thôi. Sau khi Ngộ Không đi thì Bát Giới tự kiêu, tự đại, tự cho mình là nhất, và luôn muốn Sa Tăng gọi mình là Đại sư huynh. Cái thói tự kiêu này đã hại Bát Giới trong suốt bộ phim rồi. Quay lại những tập phim như Bạch Cốt Tinh, Liên Hoa động, chính Bát Giới đã tự nhận mình là người giỏi hàng yêu phục ma, tự nhận mình tài năng. Rồi khi bị bắt vào động thì Bát Giới luon miệng bảo yêu quái bất tài, đại sư huynh là tài nhất, đến độ ba lần bốn lượt bị yêu quái cho vào nồi luộc. Đường Tăng còn được một số yêu quái hiểu đạo tha không ăn ngay, còn Bát Giới thì lúc nào cũng bị cho vào nồi trước.

Trong phần này lại có 1 đoạn Đường Tăng nói với Bát Giới thế này:

Đường Tăng: Bao nhiêu năm nay, ngày nào con luôn miệng bảo là giải tán, thế nhưng con chưa từng có ý bỏ đi. Vi sư rất là cảm động.

Bát Giới: Sư phụ, thật ra đường đến Tây thiên gian lao như vậy, nếu như không pha trò thì buồn lắm.

Đường Tăng: Nếu lòng dạ hẹp hòi, làm sao có thể qua khỏi mấy năm nay.

Bát Giới: Sư phụ, bây giờ thầy vẫn cho rằng chuyện này do con khỉ đó làm phải không?

Đường Tăng: Chính mắt nhìn thấy, lý nào không tin?

Bát Giới: Không giấu gì sư phụ, để tử cũng không tin lắm. [...]

Đường Tăng: [...] Nhưng vi sư vẫn tin tưởng, Ngộ Không nhất định sẽ về.

Lý lẽ gì kỳ lạ thế này??? Có ai nhất mực đuổi đi rồi hy vọng nó chạy về không? Nếu nói Đường Tăng tin tưởng Ngộ Không là người có nhân có nghĩa, hiểu đạo, không bỏ con đường tu đạo thành chánh quả, thì tại sao ngay từ đầu không giữ lại mà giảng pháp, lại đuổi đi thế này cơ chứ??? Thật sự nghĩ đi nghĩ lại không hiểu ý của đạo diễn là gì.

Ngộ Không thật và Ngộ Không giả, trước mặt mọi người thì thể hiện y chang nhau, không khác một cái gì, còn khi không có ai, chỉ có Ngộ Không với Ngộ Không thì Ngộ Không giả đã nói với Ngộ Không thật những lời tỏ ác tâm. Trong nguyên tác không hề có chi tiết này. Việc thêm chi tiết này có bổ sung gì cho nội dung không nhỉ?

Đoạn cuối, ở dưới địa phủ. Hai Ngộ Không phải nhờ Địa Tạng Vương Bồ Tát để phân biệt thật giả. Bồ Tát cho thần thú là Đế Thính nghe xem, hai Ngộ Không ai thật ai giả. Mình không hiểu chi tiết này lắm, có lẽ tại mình chưa hiểu được ý nghĩa của Địa Tạng Vương Bồ Tát và Đế Thính. Chính Đế Thính đã phân biệt được, nhưng không chỉ ra được, vì có phân biệt được nhưng không thu phục được thì sẽ gây nên đại loạn. Sau hai Ngộ Không phải lên gặp Phật Tổ Như Lai xin phân xử.

Ở đây, có một điểm mình không đồng ý với đạo diễn. Theo những gì mình biết thì các vị chư Phật không nam không nữ. Theo một số nguồn chưa chính thống thì trước khi thành Phật, nữ phải chuyển thành thân nam trước. Quan Âm Bồ Tát theo lý luận trên cũng phải hoặc là không nam không nữ, hoặc là nam, nhưng khi du nhập đạo Phật vào châu Á, do truyền thống hay tín ngưỡng gì đấy nên hình tượng Quan Âm chuyển thành nữ. (Chú thích là nguồn chưa chính thống, cần bổ sung thêm). Tuy nhiên trong phim thì đạo diễn lại cho 3 nữ diễn viên đóng vai Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền Bồ Tát, một vị Bồ Tát nào đó nữa, bên cạnh hình tượng Quan Âm Bồ Tát truyền thống của ta. Xem hơi hơi bị phản cảm.

Phật Tổ bảo là Lục Nhĩ Mị Hầu có Lục Căn. Lục Căn theo đạo Phật bao gồm mắt, mũi, tai, lưỡi, thân, ý. Chính lục căn gây ra lục dục: mắt thấy đẹp, mũi ngửi thơm, tai nghe vui, lưỡi nếm ngon, thân mát mẻ, ý thấy muốn. (Nguyên văn copy trên net: Sắcdục [ham muốn sắc đẹp], Thinh dục [ham muốn âm thanh êm tai], Hương dục [ham muốn mùi thơm],Vị dục [ham muốn ăn ngon], Xúc dục [ham muốn da thịt mát mẻ], Ý dục [ham muốn được thỏa mãn ý nghĩ].)

Sau khi Ngộ Không đập chết Lục Nhĩ Mị Hầu thì Như Lai đã nói:

- Lục nhĩ chính là lục căn. [...] Con khỉ này có thêm lục căn, tức là có thêm một tim. Sau khi bị ngươi sát hại thì chỉ còn một tim thôi, những thứ khác không còn gì nữa.

Quan Âm: Ngộ Không, ngươi đừng đa tưởng, cũng đừng đa tâm.

Ý nghĩa ở đây là gì? Sau khi diệt lục dục, lục căn thanh tịnh thì chỉ còn tâm. Tâm là một khái niệm đặc sắc trong đạo Phật. Ngoài ra ở đây còn có khái niệm nhất tâm và đa tâm. Theo nguyên tác là nhất tâm và nhị tâm. Theo diễn giải trong nguyên tác thì nhị tâm là người xem xét mọi vật theo quan điểm nhị nguyên: đúng sai, có không, thật giả, hơn kém,... Trong đạo Phật, ta thường nghe nói: Sắc tức là không, không tức là sắc. Sắc sắc không không, không không sắc sắc. Trước khi hai Ngộ Không đến chỗ Phật Tổ thì Phật Tổ cũng đang giảng về phần này.

Tuy nhiên ý nghĩa thật sự thì chắc phải hỏi các thầy ở chùa, hoặc gần nhất là hỏi anh Google. Nói về đạo lý mà nói bậy thì sau này sợ làm mọi người nghĩ sai không sửa được.

Phần chót: Sau khi Ngộ Không gặp lại Đường Tăng.

Ngộ Không: Bồ Tát, tại sao người không thể nhận ra được chân tướng?

Quan Âm: Ý nghĩa của hai chữ "Bồ Tát" là "Giác Hữu Tình" [...] vì vậy, còn chưa đạt đến cảnh giới của Phật. [...] Chỉ có bản tánh mới có thể biết được thật giả. Thật ra không phải Như Lai phân biệt được thật giả, chính là ngươi đó Ngộ Không.

Quan Âm: Không có Ngộ Không giả, chỉ có Ngộ Không thật, còn có một ngọn lửa vô minh. [...]

Sau khi nghe Bồ Tát nói về đạo lý, Ngộ Không đã nhận ra, chính cái ác tâm khởi lên khi thấy Đường Tăng bị nạn đã sinh ra Ngộ Không giả. Đạo lý ở đây nghe kỹ cũng rất hay.

- Thật hay giả, chỉ có bản tánh mới nhận biết được.

- Bản chất của đạo Phật. <~~ Cái này nói ra thì dài lắm, mà mình chưa tinh thông, nói bậy lại khổ nữa. Nếu ai có hứng thú thì nên đi chùa.

- Khái niệm vô minh. Vô minh theo mình đọc thì nó giải thích là "Không biết mà không biết mình không biết". Nói một cách ngắn gọn bình dân đó là "ngu mà không biết mình ngu". Theo sách "Luận về Tây Du" thì định nghĩa có chút hàn lâm hơn: Vô minh (thấy biết rất nhiều ngã tướng mà không thấy thật tướng).

- Tại sao lại đánh chết Lục Nhĩ Mị Hầu, và tại sao không ai cản được? Vì Lục Nhĩ Mị Hầu là cái giả, trên con đường tu đạo, mọi cái hư ảo, giả tưởng, đều sẽ bị diệt, cho đến tận cùng, cái còn lại chính là bản tánh, là thật tướng.

Haiz, phần này nhiều ý nghĩa quá, mà cũng nhiều gút mắc quá: Tại sao Ngộ Không hung hăng vậy? Tại sao Đường Tăng lại khóc? Lý lẽ Đường Tăng đuổi Ngộ Không gì mà kỳ vậy? Thôi thì đành ngồi coi tiếp để xem có sáng ra gì không.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro