#1. G-R-A-C-I-O-U-S (Nhã)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ở quê vui lắm.

Ít nhất là tôi thấy thế. Nhà tôi ba đời làm nông, suốt bao năm qua chúng tôi đều sống ở đây cả, lâu dần nơi đây như in sâu vào trong tiềm thức mỗi thành viên trong gia đình chúng tôi. Tôi vẫn thường được nghe bà kể về cái thuở nảo thuở nào-lúc mà ông bà cố tôi đặt chân đến mảnh đất này với hai bàn tay trắng. Trải bao thăng trầm, ông bà cố vẫn trụ lại nơi mảnh đất này, để có tôi ngày hôm nay. Bà tôi tin rằng đó là định mệnh, là cái duyên của cả họ nhà tôi với miền đất hứa nơi đây. Và tôi cũng thế. Cái vận mệnh tưởng như khó tin ấy mới thật diệu kỳ làm sao, tự hỏi nếu từ đầu tôi không xuất hiện tại nơi này, liệu rằng tôi có gặp được nó?

Cha mẹ đặt tên cho tôi là Triết-nghe bảo ấy là một từ tiếng Tàu. Cái tên nghe sao mà tri thức thế! Oái oăm thay, tôi không ưa sách vở, lại càng không thích văn chương, triết học. Hầu như tôi chẳng thể nhớ nổi bất cứ thứ gì trong hằng hà xa số những con chữ chằng chịt mà các thầy cô viết trên tấm bảng đen nơi giảng đường.

Riêng ngày ấy thì khác.

Tôi sẽ chẳng thể nào quên được những kí ức của ngày hôm ấy-cái ngày đặc biệt mà định mệnh đã cho chúng tôi biết đến nhau. Ngày ấy vốn là một sáng Chủ nhật bình thường như bao ngày khác, cuộc sống vẫn diễn ra như thường lệ. Tôi vẫn dậy sớm, vẫn ra đồng phụ việc cha mẹ hay dạo chơi đâu đó. Hiếm khi tôi chịu ngồi yên trên bàn học nghiền ngẫm những quyển sách sớm đã quăn góc hay mất bìa do thói ẩu tả của mình. Đang hì hục dưới đồng, tôi nghe tiếng lũ trẻ trong làng vang lên từ tít đầu ngõ, chúng nó reo vui như thể có cái gì to lớn lắm.

-Cái gì thế mẹ? Tôi cất tiếng hỏi, không giấu nổi sự tò mò.

Mẹ tôi trả lời:

-Nghe bảo có nhà ông giáo trên tỉnh đánh xe ô tô về đây nghỉ mát. Gớm, nhà giàu chịu chơi thế đấy, nhà ta làm mãi không hết việc, thời giờ đâu mà nghỉ với chả mát, mùa hè thành phố nóng nực lắm, phỏng?

-Bà chả biết gì cả, mùa hè lấy đâu học sinh để dạy mà chả nghỉ, các ông bà giáo dạy ở trường làng ta cũng nghỉ hết từ hồi cuối tháng 5, Triết nhỉ? Bố tôi nói.

Đoạn, tôi nghe tiếng động cơ xe nổ xoành xoạch chạy men theo con đường làng đầy đất đỏ. Chiếc xe đẹp lắm. Màu đen bóng. Tiếng xe êm ru, không như những máy cày, máy đập mỗi mùa gặt lại dày xéo lên thửa ruộng nhà chúng tôi. Nó chạy về cuối thôn, theo sau là đám trẻ con hò hét om sòm.

-Họ về ở nhà ông Sinh đấy, gần sát nhà ta.

-Sao ông biết mà bảo thế? Mẹ tôi cất tiếng.

Còn tôi, tôi chẳng mấy quan tâm tới cuộc chuyện trò của bố mẹ, mắt vẫn dán vào chiếc ô tô, nó trông mới cứng. Kính xe màu trà, mà hình như ở ghế sau có cái gì trắng quá, tầng kính mỏng không ngăn được. Tò mò, tôi nhảy tót lên bờ ruộng, phi một mạch theo sau, hòa cũng đám trẻ. Tôi thấy mình thật bé! Nhưng cũng tại cái thứ ấy bí ẩn quá, nó sáng trong, như lấp lánh đằng sau cửa kính. Hình như nó chuyển động. Nó có chuyển động không? Thật đáng để tìm hiểu. Quãng đường về cuối thôn không xa, tôi cắm đầu sải chân mấy bước cũng vừa tới.

Xe đã dừng.

Từ trong xe bước ra hai người, một nam, một nữ. Bọn họ trông cũng đứng tuổi, ăn vận chỉnh tề, sạch sẽ. Khuôn mặt phúc hậu. Nhìn vào có thể biết ngay là người tri thức, vì cơ bản dung nhan ấy không có phần nào khắc khổ như bố mẹ tôi, và tất cả những người làng tôi nữa. Người đàn ông trong bộ vest trông đáng tuổi chú tôi cất tiếng hỏi:

-Cháu trai, cho chú hỏi, đây có đúng là nhà ông Sinh không?

-Dạ...dạ phải- tôi trả lời, câu hỏi đột ngột quá, tôi thậm chí không biết người được hỏi là mình.

-Phải rồi đấy anh ạ, cảm ơn cháu nhé!-người phụ nữ cất giọng êm ru.

Tôi gật đầu như gà mỏ thóc, đôi mắt vẫn dán vào ghế sau xe, muốn biết xem thứ bí hiểm ấy là gì.

-Đến nơi rồi, xuống xe đi con.-người phụ nữ gọi âu yếm.

Thì ra họ còn có con, vậy thứ long lanh xuyên qua cửa kính ấy là gì? Tiếng cửa xe mở đánh "cạch", đôi mắt tôi mở toang, ngạc nhiên hết sức. Từ trên chiếc ô tô, một đứa con trai bước xuống. Thằng bé ấy tuy thấp hơn tôi nhưng cũng coi là cao ráo, dáng người nó mảnh khảnh. Nó vận áo sơ mi trắng tinh phối với quần sóoc cũng trắng nốt. Cơ mà so với chúng tôi ở đây thì nhìn nó èo uột quá, tưởng như chạm nhẹ cũng vỡ tan ra được. Đáng chú ý nhất phải nói tới gương mặt nó. Gương mặt trái xoan vừa vặn, trắng trẻo. Mũi cao thanh tú. Đôi mày lá liễu mềm mại mà cũng hết sức sắc sảo. Còn đôi mắt thì không chê vào đâu được. Một đôi mắt to và có hồn. Đôi mắt ấy sáng như sao trời vậy. Sâu thẳm. Trong veo. Hai bờ mi dài cong cong kiều diễm. Từ lúc sinh ra đến nay, mọi người xung quanh tôi khi mới gặp đều cảm thán rằng tôi có một đôi mắt đẹp, một đôi mắt biết nói, biết cười. Tôi lấy làm tự hào lắm, nhưng quả thật núi cao còn có núi cao hơn. Quả thật đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy một đôi mắt như thế. Nó hài hòa với các đường nét trên khuôn mặt thằng nhóc ấy, khiến nó trông ưa nhòm lắm. Một vẻ đẹp mà mãi đến sau này tôi mới có đủ vốn từ để nói về nó: siêu thực. Đẹp thì có đẹp, nhưng nhìn đi nhìn lại cũng thấy là lạ. Chẳng phải những đường nét này có hơi nữ tính quá thể sao?

-Nhà mình sẽ ở đây nghỉ mát mùa hè này, con thấy căn nhà thế nào?-ông giáo bố nó cất tiếng.

-So so...-nó lí nhí.

-Ở quê có căn nhà thế này thì sướng chán, ấy vậy mà con còn bảo tạm được, yêu sách quá đấy ông cụ non ạ-mẹ nó xen vào.

Nó nhún vai nói: "Sao cũng được, nhưng con nghĩ bố cần rửa xe", rồi tự nhiên mở cổng rào đi vào nhà.

Lời nói hoàn toàn không liên quan của nó với bố làm chúng tôi bất giác hướng mắt về chiếc ô tô màu đen bóng của nhà ông giáo. Than ôi, chiếc xe ban nãy vẫn còn bóng loáng băng băng trên con đường làng nay đã lấm lem bùn đất. Bao nhiêu là dấu tay in hằn trên đấy. Hẳn là bùn đất trên tay bọn trẻ làng đã kịp di cư sang khi chúng nó còn đang bận mân mê thứ phương tiện xa xỉ. Chột dạ, tôi giấu đôi tay mình ra sau lưng, nhưng có vẻ vẫn chưa đủ, tôi chạy biến. Bởi chính đôi bàn tay tôi cũng đang lấm bùn. Trẻ con nông thôn là thế, nghịch ngợm lung tung, chân lấm tay bùn suốt cả ngày, lớn tướng như tôi đây cũng hiếm khi sạch sẽ. Nghe câu nói của thằng con ông giáo làm tôi ngại quá. Có lẽ từ đầu chúng tôi đã ở hai vị trí khác xa nhau rồi. Nhưng cái thái độ ấy thì có vẻ khinh khi quá. Tôi đâm ghét nó. Về bên thềm giếng nhà, tôi múc liền mấy gàu nước rửa tay chân cho sạch, vừa xối nước vừa lầm bầm gì đó mà tới tôi còn chả rõ, mặt cau có. Tay chân vùng vằng, tôi làm rơi gàu nước đánh "choang". Trong nhà, bà tôi bước ra, ôn tồn hỏi:

-Gì đấy cháu? Sao lại vô ý thế?

Tôi kể cho bà nghe câu chuyện vừa nãy, với khẳng định chắc nịch rằng cái thằng thành phố hống hách kia đang ám chỉ mình. Tôi điên lên mất! Tôi thề là sẽ đánh cho nó nhừ tử nếu còn gặp lại (mà chắc hẳn là có). Tưởng mình giỏi giang lắm đấy mà vừa về đến đây đã thể hiện vài ba cái tiếng Tây, cái gì mà "sâu sâu", tiếng Việt khó lắm chắc?

-Chớ có nhìn mặt mà bắt hình dong cháu ạ, sao cháu lại chắc rằng thằng bé ấy nói mình? Người ta cũng là con nhà có học thức hết cả, bà tôi hiền từ.

-Nhưng nó kiêu căng quá bà ạ. Cháu chẳng thấy quý mến nó chỗ nào.

Bà tôi mỉm cười, lắc đầu quay lưng đi vào trong nhà. Tôi nhìn theo bà khó hiểu, gương mặt hiện rõ sự không bằng lòng. Đến quá trưa thì bố mẹ tôi đi làm đồng về, cả nhà sắp cơm ăn trên cái bàn lớn ở gian nhà trước. Không gian yên tĩnh lắm. Tiếng xào xạc mỗi khi gió lùa rặng tre hòa cùng tiếng bọn chim cãi nhau ríu rít nghe rất êm tai. Bỗng bố tôi cất tiếng:

-Chốc nữa ông giáo Phi đánh xe sang bờ ao nhà ta xin nước rửa, nghe bảo từ xa về đường làng bụi bám đầy cả, thằng Triết tranh thủ ra giúp cho thầy ấy một chốc, vừa hay học hành có cái gì chưa rõ thì hỏi, chẳng mấy nữa mà lên thành phố học. Phải cố gắng học hành cho đầy đủ, sau này mới không cần lo nghĩ miếng cơm như bố mẹ.

-Phải đấy con ạ, mẹ vừa nghe đám bà Hiên, bà Huệ đầu thôn họ kháo nhau rằng ông thầy ấy giỏi lắm. Thằng con ông ta cũng sáng dạ, vừa lãnh bằng khen gì của thành phố đấy-mẹ tôi hào hứng bổ sung.

Vừa nghe đến thằng nhóc kiêu căng ấy là người tôi dị ứng hết cả. Mà ông ta gặp bố tôi khi nào mà nhanh thế nhỉ? Lập tức mặt tôi xụ lại:

-Thằng con trai ông ấy lớn rồi, sao không bảo nó đỡ cho? Con cũng chả thích học, ở quê làm nông nhà bố mẹ chẳng phải dễ dàng hơn sao?

-Cái thằng cứng đầu cứng cổ, chả lẽ mày muốn lớn lên cơ cực như bố mẹ à?-mẹ tôi lớn tiếng

Mất bình tĩnh, tôi chực cãi lại mẹ, nhưng lập tức dừng lại khi nghe tiếng xe đỗ và giọng ai gọi lớn từ ngoài cổng.

-Anh Hoàng, anh Hoàng có nhà chứ.

Ấy là tiếng ông giáo Phi sang nhà tôi rửa xe nhờ. Vừa nghe tiếng gọi, bố tôi đã vội bỏ đũa lật đật ra nghênh đón. Tay vừa tháo sợi dây thừng buộc chiếc cổng rào tre lỏng lẻo bám đầy dây thiên lý, bố tôi vừa cháo đòn xởi lởi:

-Chào thầy giáo, đường ra ao ở phía kia, để tôi gọi thằng cu ra dẫn đường cho thầy, và gọi lớn: "Triết, Trết ơi!". Tôi lật đật chạy ra, đâm vào mất vẫn là cái bóng trắng đứng trơ trơ ra đó. Trái với thái độ hùng hổ ban sáng, cứ gặp nó, đối diện với ánh mắt sắc bén ấy là tôi lại cảm thấy ngại ngùng sao sao ấy. Tôi và thầy giáo Phi gặp nhau. Ông giáo khi này đã cởi bỏ bộ vest để quay lại với thường phục, trông vẫn không kém phần đạo mạo. Thầy nhận ra tôi là thằng bé buổi sáng thầy nhờ hỏi chuyện. Thầy hỏi tôi mấy câu xã giao, rồi chúng tôi lên đường. Tôi nhất định không chịu bước lên chiếc xe ấy dù thầy có cố nài:

-Nắng thế này, lên xe cho mát cháu.

-Thôi ạ, đường đi rất gần, với cả cháu không quen đi ô tô ạ.

Tôi quả quyết rằng mình không cần lên xe, cuối cùng thì ông thầy cũng chịu để tôi đi bộ. Tôi thắc mắc người thành phố sao mà khách sáo quá thể. Thật mất tự nhiên! Tôi cất bước băng băng về trước, xe ông giáo chạy chậm chậm đằng sau. Tôi chăm chăm đi về trước mà không dám ngoái đầu lại, tôi sợ mình sẽ lại va vào đôi mắt kia, lúc ấy mà đứng đờ người ra thì xấu hổ chết mất, nhất là với cái thằng xấu tính ấy.

Ít nhất là tôi nghĩ thế.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro