4.2. Kiên trì và dao động vào năm thứ hai đại học

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Cho tới năm thứ hai đại học, tôi vẫn không dám rời chân khỏi con đường phấn đấu. Sau khi nếm trải đả kích trong kỳ nghỉ hè, tôi càng nhắc nhở bản thân mình phải có thái độ học tập thực sự nghiêm túc, phải thử thay đổi dần dần những thói hư tật xấu của mình thuở nhỏ, không được đắc ý quên hình (*), cũng không được tự ti mặc cảm, mà phải nỗ lực hết mình, không tính toán thiệt hơn. Con đường phấn đấu sau này vẫn còn rất dài, nếu không có một quyết tâm lớn lao, thì làm sao có thể kiên trì đến cùng.

(*) Ý nói: Người vì quá đắc ý nên quên hết dáng vẻ vốn có của mình.

Đối với sinh viên chuyên ngành tiếng Anh, kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 (TEM-4) là một trạm kiểm soát quan trọng đầu tiên trong trường đại học. Kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 diễn ra vào tháng Tư, học kỳ II năm thứ hai. Vì "kẻ thù lớn" đang ở trước mắt, nên tôi chẳng dám học hành chểnh mảng. Bắt đầu vào học kỳ I năm thứ hai, tôi đã xác định cho mình một mục tiêu rõ ràng: Phải đạt hạng "ưu" (từ 80 điểm trở lên) trong kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4.

Giồng như trước đây, tôi và Cá Béo Ướp Muối lại đi hỏi cô giáo Trịnh kỹ xảo "diệt rồng". Cô nói rõ quan điểm: "Không có kỹ xảo, cũng không có đường tắt, các bạn nghiên cứu đề thi các năm trước là được rồi." Nghe cô giáo nói vậy, chúng tôi liền chạy tới hiệu sách mua tuyển tập đề thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 của các năm. Cô dạy chúng tôi: Phương pháp giành điểm cao trong các kỳ thi là phân tích cấu trúc đề thi, xem đề "khoanh vùng" những nội dung nào, đánh giá độ khó, sau đó giải quyết từng phần của đề thi. Nghe lời cô, trước tiên, tôi dành mấy tiếng đồng hồ làm một đề thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 cũ nhất mà không tính đếm thời gian. Sau khi làm xong, tôi nhận thấy phần nghe và phần đọc tương đối khó đối với mình, vì vậy tôi quyết định tập trung sức lực vào hai phần thi làm tôi bị mất nhiều điểm nhất đó.

Sau khi đề ra kế hoạch ôn tập sơ bộ, tôi lại chạy đến hiệu sách mua tài liệu ôn tập. Trong hiệu sách bày la liệt các thể loại tài liệu ôn tập tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 với những cái title câu khách, nào là "Cuốn sách duy nhất được tổ chuyên gia tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 giới thiệu", nào là "Vượt qua kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4". Tôi nhấc cuốn này lên đặt cuốn kia xuống, đắn đo không biết chọn cuốn nào thì hơn. Đúng lúc đó, đột nhiên tôi nhớ ra một câu chuyện kể về một học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa, không mua được tài liệu ôn thi đại học, hàng ngày bạn ấy học đi học lại cuốn sách giáo khoa mà mình có cho đến khi thuộc nhuần nhuyễn các kiến thức trong đó, và cuối cùng bạn ấy đã thi đỗ một trường đại học xuất sắc dựa vào chính những kiến thức bạn ấy học được từ cuốn sách đó.

Nghĩ đến đây, tôi cho rằng, có lẽ việc lựa chọn cụ thể một cuốn sách ôn tập là cuốn này hay cuốn kia cũng không có tính quyết định đến sự thành bại của kỳ thi, mà quan trọng là mình cần phải năm được tinh thần của cuốn sách, làm hết các bài tập, hiểu tại sao mình làm đúng cũng như làm sai. Nếu không nghiên cứu sách vở kỹ càng, thì dẫu có mua tới mười cuốn sách ôn tập, nổi hứng làm mỗi chỗ một ít rồi ném sang một bên, cũng chẳng có tác dụng gì nhiều. Nói tóm lại một câu, tài liệu ôn thi "quý hồ tinh, bất quý hồ đa" (*). Tôi quả quyết chọn sách luyện thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 của Nhà xuất bản Giáo dục Ngoại ngữ Thượng Hải. Tôi chọn bộ sách này vì kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 do trường Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải ra đề, lúc đó tôi cho rằng tập đề thi họ xuất bản sẽ có hiệu quả hơn chút ít (đây đơn thuần là ý kiến chủ quan của tôi).

(*) Ý nói: Sự học quý ở sự học thông thạo, chứ không quý ở sự nhiều.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro