(1) Luyện nghe như thế này

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phần thi đầu tiên và cũng là phần thi chiếm điểm số rất lớn trong kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 là thi nghe, vì vậy tôi đặt trọng tâm của kế hoạch ôn tập vào phần nghe. Trước đây, tôi chưa bao giờ luyện nghe một cách hệ thống, hồi cấp II, cấp III, chúng tôi cũng có giờ luyện nghe trên phòng máy, tuy nhiên mỗi lần lên lớp, các bạn đều chăm chú luyện nghe, còn tôi lúi húi chơi điện tử bên dưới, nên không có tiến bộ gì. Sau này, tôi luyện nghe dưới hình thức xem phim Mỹ cùng mẹ. Nhưng, thật ra, cách làm đó cũng không hẳn là luyện tập, mà chỉ là mưa dầm thấm đất. Bởi vậy, có thể nói, tôi bắt đầu luyện nghe một cách hệ thống từ khi chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 vào năm thứ hai đại học.

Tôi cũng chưa bao giờ làm quen với bài nghe tin tức trong phần thi nghe của kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4, nên đương nhiên phải coi đây là một phần quan trọng trong những phần quan trọng cần công phá. Tôi và Cá Béo Ướp Muối quyết đinh bắt đầu nghe tin tức trên đài phát thanh nước ngoài từ đây. Lúc đó, chúng tôi chưa có đài xịn như bây giờ, chiếc đài loại nhỏ chúng tôi đang sử dụng thu nhiều tạp âm của các chương trình phát thanh trong nước. Vì thế, hai đứa tôi quyết định ra cửa hiệu mua một cái đài tử tế có thể thu được các kênh nước ngoài. Hai đứa xăm xắn bước vào cửa hiệu, cảm giác như mình đang chấp hành nhiệm vụ, rồi hướng đến khu bán đài, trực tiếp hỏi nhân viên bán hàng: "Bọn em muốn nghe chương trình phát thanh nước ngoài, ví dụ như kênh VOA, BBC, thì nên mua loại đài nào?" Nhân viên bán hàng giới thiệu cho chúng tôi hai chiếc đài được sản xuất từ Đức, một chiếc nhỏ gọn, tinh xảo, còn một chiếc to như cục gạch. Chúng tôi hỏi về điểm khác biệt giữa hai chiếc đài, nhân viên bán hàng cho biết, một chiếc tiện mang đi mang lại nhưng tín hiệu nghe đài không rõ, một chiếc bắt tín hiệu rất rõ nhưng không tiện mang theo, vả lại không đẹp mắt nữa. Tôi nghĩ bụng:Đã đến thời khắc quan trọng này rồi, thì còn cần gì đẹp? Vì thế, chúng tôi cắn răng mua hai cái đài to như cục gạch đó về. Đấy là lần đầu tiên tôi đầu tư cho việc học nhiều tiền đến thế.

Sau khi có đài trong tay, tôi nhanh chóng dò băng tần và thời gian phát sóng của kênh VOA, tôi phát hiện ra VOA phát chương trình thời sự bắt đầu từ sáu giờ đến tám giờ sáng hàng ngày. Vì vậy, tôi và Cá Béo Ướp Muối hẹn nhau cùng luyện nghe vào sáu giờ sáng hàng ngày. Mấy ngày đầu, mới sớm ra tôi chẳng thể nào bò dậy, uể oải ngó đầu nhìn ra ngoài cửa sổ thấy bên ngoài là một mảng màu tối đen như mực, thời tiết mùa đông lạnh đến đông cứng. Thế rồi tôi lại chui vào trong chăn, nhẩm tính: "Có chăn ấm đệm êm chẳng nằm, lại còn muốn chạy đi luyện nghe trong gió rét? Thế chẳng phải là mi tự chuốc lấy phiền phức ư? Cứ ngủ nướng cái đã..." Mỗi lần như vậy, trong tôi lại vang lên một giọng nói khác gắt lên: "Mi còn muốn ngủ nướng ư? Kế hoạch mà mi đã đề ra lại sắp biến thành tờ giấy loại rồi? Mi nói mà không giữ lời? Muốn ngủ nướng ư? Đợi sau này mi chết đi rồi, thì tha hồ mà ngủ! Còn nhiệm vụ của ngày hôm nay bắt buộc phải hoàn thành trong ngày hôm nay! Mau dậy đi!" Nghĩ đến đây, tôi liền nhảy "phịch" xuống giường, vội vàng đánh răng rửa mặt, thu dọn cặp sách, ôm đài xuống dưới tầng.

Mới đầu nghe chương trình phát thanh, tâm trạng của tôi rất buồn bực, bởi vì tôi không nghe được một câu nào hoàn chỉnh. Phát thanh viên nói quá nhanh, tôi chỉ nghe ra một vài từ, và suy đoán nội dung bản tin qua chuỗi từ vựng đó. Sau một tuần, không có tiến triển gì. Tôi rầu rĩ hỏi Cá Béo Ướp Muối: "Cậu nghe có hiểu gì không? Tớ chẳng hiểu người ta nói cái gì? Phát thanh viên nói như bắn súng liên thanh ý, ngay cả ngắt nghỉ cũng không có." Tình trạng của Cá Béo Ướp Muối cũng không hơn gì tôi. Hai đứa vác bộ mặt thiểu não tới hỏi cô giáo. Cô giáo nói: "Các bạn không những phải nghe bằng trái tim mà còn phải nghe kiên trì, dần dần sẽ hiểu." Tôi ấm ức: "Lần nào cô giáo cũng bảo là phải kiên trì, nhưng mình chẳng có chút tiến triển nào, rốt cuộc phải kiên trì bao lâu nữa đây?"

Sau đó, tôi chạy tới chỗ bậc thầy ngôn ngữ than thở, ngày nào tôi cũng luyện nghe, vậy mà nghe vẫn không hiểu. Bậc thầy ngôn ngữ hỏi tôi: "Cậu luyện nghe được bao lâu rồi?" Tôi đáp: "Hơn một tuần rồi còn gì." Cậu ta tỏ ra coi thường tôi: "Vừa mới nghe được hơn một tuần mà cậu đã mơ tưởng cao xa, mong hiểu hết lời người ta nói? Không phải cậu xuất hiện ảo giác đấy chứ? Nghe không hiểu là bình thường, còn nghe mà hiểu được mới là bất bình thường đấy. Nếu bây giờ cậu nghe hiểu hết lời người ta nói, thì còn cần luyện tập làm gì nữa?" Quả là một câu nói đánh thức người trong mộng! Bây giờ nghe không hiểu, chứng tỏ tôi còn cần nhiều thời gian để tiến bộ, chứng tỏ tôi cần phải nỗ lực kiên trì luyện nghe không ngừng cho đến ngày tôi có thể nghe hiểu mọi điều người ta nói!

Sau khi hiểu rõ đạo lý này, tôi tự ngồi xuống xem xét lại bản thân, phân tích nghiêm túc nguyên nhân tại sao mình nghe không hiểu. Từ đó tôi nhận ra, đối với tôi, có hai nguyên nhân dẫn tới tình trạng này: Nguyên nhân thứ nhất, là tôi không biết những cách dùng từ hay cách diễn đạt trong chương trình phát thanh; nguyên nhân thứ hai, là nói một cách khách quan, tôi luyện nghe còn quá ít nên chưa quen tốc độ nói của phát thanh viên. Tổng kết nguyên nhân rồi, bước tiếp theo chính là việc khắc phục. Tôi nghĩ tới nghĩ lui, cho rằng phương án khắc phục nguyên nhân thứ nhất là tiếp tục học từ vựng, và tích lũy phương thức diễn đạt. Nếu như nói ban đầu học từ vựng tiếng Anh chuyên ngành cấp 4, tôi chỉ chú trọng đến số lượng, chứ chưa chú trọng đến chất lượng, thì bây giờ, tôi cần phải gi nhớ cả những từ ghép, đoản ngữ được kết hợp từ từng từ đơn lại với nhau. Còn phương án khắc phục nguyên nhân thứ hai thì như ý kiến cô giáo đưa ra cho tôi: Kiên trì luyện nghe và nghe bằng trái tim.

Phương án "nghe bằng trái tim" đó, nói thì dễ, làm mới khó. Vì khi nghe bằng trái tim, tôi cần tuân thủ nguyên tắc: không được vừa nghe vừa nói chuyện, không được vừa nghe vừa nhìn sách, không được vừa nghe vừa để ý nhất cử nhất động của mọi người xung quanh. Khi nghe, nhất định phải toàn tâm toàn ý tập trung vào nghe và chỉ nghe thôi. Nghe bằng trái tim tức là phát thanh viên nói một câu, trong đầu mình sẽ có phản ứng nhanh nhất xem anh ta đang nói những từ nào, và những từ đó có nghĩa là gì. Lúc đó, tôi thử qua rất nhiều phương pháp khác nhau, sau cùng tôi nhận ra, đối với tôi, phương pháp đọc theo có hiệu quả hơn cả. Đọc theo có nghĩa là sau một đến hai giây phát thanh viên nói ra một câu, tôi lập tức nói lại câu tôi vừa nghe được. Nếu tôi có thể đọc theo được có nghĩa là tôi có thể hiểu được tám, chín mươi phần trăm ý nghĩa diễn đạt của câu nói đó. Còn nếu tôi không đọc theo được, thì thông thường là vì tôi không nghe rõ người ta đang nói gì.

Tuy tôi đã tìm được phương pháp luyện nghe phù hợp với mình, nhưng mỗi lần nghe tôi vẫn cảm thấy rất khó khăn, vất vả, vì lúc mới luyện nghe kiểu này, tôi không đọc theo được người ta: Phát thanh viên nói với tốc độ nhanh, còn tôi không những chậm mà nói còn chậm hơn, cho nên thời gian ban đầu, tôi chỉ đọc theo kiểu "bì bà bì bõm" – bản thân tôi cũng không biết mình đang nói gì. Nhưng, trải qua thời gian luyện tập liên tục hơn ba tháng, tôi đã có tiến bộ: Tôi có thể đọc theo người ta rất nhiều câu, ngay cả tốc độ nói của tôi cũng nhanh hơn trước rất nhiều. Vào một sáng nọ, tâm trạng của tôi rất tốt, tôi mở đài lên,vừa đi đánh răng vừa nghe VOA. Bấy giờ, tôi đột nhiên phát hiện ra mình nghe hiểu rồi! Tôi còn nhớ lúc đó VOA phát bài phát biểu của tổng thống Mỹ, tôi nghe hiểu từng từ, không hề nhầm lẫn! Lúc đó, tôi sướng quá, suýt chút nữa nuốt cả kem đánh răng xuống bụng.

Sau khi có tiến bộ rõ rệt khi nghe đài VOA, tôi thử chuyển sang nghe đài BBC. Lúc đó, BBC phát sóng chương trình chào hỏi vào khung giờ từ bốn đến năm giờ chiều. Mới đầu tôi không nghe quen giọng Anh của các phát thanh viên bên đài BBC, nhưng về sau tôi vẫn kiên trì nghe tiếp, tôi vận dụng song song nguyên tắc kiên trì và phương pháp đọc theo để công phá BBC.

Nếu như nói, nghe chương trình phát thanh tiếng Anh là phương pháp tôi luyện Extensive Listening, thì phương pháp luyện Intensive Listening của tôi là nghe giáo trình Step by step (Nhập môn nghe tiếng Anh) của Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hoa Đông. Lúc đó, tôi chọn bộ giáo trình này không vì bất kỳ một lý do nào đặc biệt, tôi quyết định mua bộ sách này chỉ vì nó dùng cho cả giáo viên và sinh viên, sách được chia làm bốn tập với các mức độ từ dễ đến khó, từ nông đến sâu. Cô giáo dạy chúng tôi: Sách vở "quý hồ tinh, bất quý hồ đa", sau khi chọn được một cuốn sách, các bạn cần phải hiểu thấu nó. Cho nên, từ ngày đầu tiên mua giáo trình Step by step, tôi và Cá Béo Ướp Muối đã quyết định nghe thấu giáo trình này! Cả bộ sách luyện nghe này có tất cả bốn tập, năm thứ hai đại học tôi nghe tập một và tập hai, còn hai tập ba và bốn tôi chia ra nghe vào năm thứ ba và năm thứ tư đại học.

Phương pháp nghe của tôi rất đơn giản. Mỗi ngày nghe một phần nhỏ, làm bài tập trước, luyện Intensive Reading sau. Khi làm bài tập: Tôi nghe một lượt trước, điền đáp án, rồi nghe lại một lần nữa, kiểm tra đáp án của mình, sau đó đối chiếu đáp án của mình với đáp án người biên soạn đưa ra trong sách. Nếu đúng thì tiếp tục làm câu tiếp theo; còn nếu sai, thì nghe lại một lần nữa, tiện thể tìm hiểu xem mình nghe sai ở chỗ nào. Sau khi biết tại sao mình nghe sai, tôi lại tiếp tục làm sang câu khác; nếu không biết tại sao mình nghe sai, tôi sẽ nghe lại cho đến khi nào tìm ra lỗi sai mới thôi. Khi luyện Intensive Reading: Nếu nghe hiểu rồi, tôi cần nghe lại nhiều lần nữa để nắm chắc bài nghe, cố gắng ghi nhớ cách phát âm của từng từ vựng, nhất là cách phát âm những từ mà mình ít sử dụng. Nếu nghe không hiểu, tôi càng phải nghe lại nhiều lần, nếu nghe đi nghe lại mà vẫn thật sự không hiểu, tôi sẽ mở phần nguyên văn ra xem rốt cuộc đó là câu nào, sau đó phân tích nguyên nhân tại sao mình nghe không hiểu, là do không biết từ đơn, không biết từ ghép, không hiểu bối cảnh tri thức, hay là do nối âm nuốt âm? Đối với vấn đề không biết từ đơn – từ ghép, tôi chép lại những từ không biết đó, học thuộc bất cứ lúc nào; đối với vấn đề không hiểu bối cảnh tri thức, tôi tích lũy dần dần từng tí một; đối với vấn đề phát âm, tôi nghe đi nghe lại nhiều lần, ghi nhớ cách phát âm của từ đó. Bất luận là về nối âm hay nuốt âm, tôi đều phải cố gắng nhớ kỹ cách phát âm vào trong đầu, đến lần sau nghe lại mới có thể nhận biết một cách nhanh chóng và chính xác.

Sau khi hoàn tất quá trình làm bài tập và luyện Intensive Reading, tôi gấp cuốn sách lại, nhắm mắt và nghe lại một lượt. Phương pháp nghe lúc này cũng giống như phương pháp nghe chương trình phát thanh: Nghe bằng trái tim (Phải nhắm mắt lại, không được nhìn vào nguyên văn bài nghe. Bằng không gọi là đọc, chứ chẳng phải là nghe). Trong lúc luyện nghe, bạn nhất định phải thật chú tâm, cảm giác sau khi nhắm mắt lại, nghe một câu nào đó dường như mình có thể tưởng tượng ra câu đó được gõ trên màn hình máy tính. Bạn cần vận dụng phương pháp này nghe mãi cho đến khi nghe hiểu từ vựng, thì có thể khép lại phần luyện tập này.

Lúc luyện nghe, tôi phải mang đài bên mình, vì mỗi đoạn nghe đều phải nghe đi nghe lại nhiều lần, nên tôi luôn phải tua đi tua lại băng cassette nhiều lần, làm lãng phí nhiều thời gian. Về sau để luyện nghe hiệu quả hơn, tôi ra cửa hiệu mua một cái máy đọc lại (*), tiết kiệm được không ít thời gian, lại còn có động lực học. Cũng may, trước khi bước vào kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 năm thứ hai đại học, tôi đã kịp thời tìm được phương pháp luyện nghe phù hợp nhất với mình. Lúc đó, để ôn tập tiếng Anh chuyên ngành cấp 4, mỗi ngày, tôi nghe VOA từ sáu giờ ba mươi phút đến tám giờ sáng, nghe BBC từ bốn đến năm giờ chiều, buổi tối dành hai tiếng luyện Intensive Reading theo giáo trình Step by step. Cho đến khi thi xong tiếng Anh chuyên ngành cấp 4, tôi cũng vẫn không bỏ thói quen này, tôi duy trì ba năm cho đến khi tốt nghiệp đại học mới thôi. Trình độ nghe của tôi cũng đạt được những sự tiến bộ vượt bậc kể từ khi ấy.

(*) Máy đọc lại tương tự như một chiếc đài cassette bỏ túi, do Chung Đạo Long sáng chế, phục vụ cho người học tiếng Anh. Máy đọc lại hoạt động theo cơ chế chuyển đổi dữ liệu trong băng từ dưới dạng tín hiệu chữ số nhờ có bộ chip vi xử lý, sau đó phát lại tín hiệu đã được lưu trữ qua bộ loa phóng thanh.

Cùng với những tiến bộ trong việc công phá kỹ năng nghe, tôi cũng tiến hành công phá kỹ năng đọc. Phần đọc cũng chiếm điểm số khá lớn trong bài thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4, nhưng tôi không bỏ một lượng thời gian và công sức luyện đọc tương đương như luyện nghe. Vì, thứ nhất, từ cấp II đến cấp III, tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm Anh văn nổi tiếng, tôi tự nhận thấy trình độ đọc hiểu của mình rất tốt, cho nên tôi hoàn toàn xem nhẹ việc luyện đọc. Tiếc rằng lúc đó, tôi không hiểu được đạo lý, đọc hiểu văn chương không có nghĩa là bạn có thể làm đúng bài thi. Thứ hai, trước đây tôi từng làm ngẫu nhiên mấy bộ đề thi đọc hiểu tiếng Anh chuyên ngành cấp 4, sai be bét, nên trong lòng sinh ra tâm lý chống đối. Cảm giác của tôi lúc đó giống như thế này, trên mặt trận nghe không ngừng vang lên những tiếng kèn lệnh chiến thắng, còn trên mặt trận đọc lại liên tục thất bại thảm hại. Lúc đó, tôi vạch kế hoạch luyện nghe và học từ vựng theo tiến độ từng ngày, chỉ có luyện đọc là theo tiến độ mỗi tuần, thậm chí là theo tiến đọ hai tuần một.

Mãi đến mấy tuần trước khi diễn ra kỳ thi, tôi mới mang tất cả số đề thi chuyên ngành tiếng Anh cấp 4 ra nghiên cứu cẩn thận mấy bộ, nhưng cũng không có hiệu quả rõ rệt. Về phần thi viết, do từ năm thứ nhất đại học, tôi thường xuyên luyện viết theo các chủ để, nên cũng không mất quá nhiều thời gian ôn tập phần này. Mấy tuần trước khi thi, tôi chỉ viết mấy bài theo đề thi của các năm trước để tìm cảm giác. Còn các phần khác trong kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 như điền từ/ cụm từ vào chỗ trống và ngữ pháp, tôi tìm hiểu dần dần qua quá trình nghiên cứu đề thi trong bộ sách luyện tập của trường Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải.

Hai tuần trước khi thi là thời điểm cực kỳ quan trọng, vì phải tổ chức thi thử. Mỗi buổi tối, tôi và Cá Béo Ướp Muối đều đến phòng tự học, tập thi thử. Chúng tôi sử dụng đề thi của các năm trước, từ phần nghe đến phần viết tất cả đều được tiến hành giống y như kỳ thi thật. Tần suất tổ chức thi thử là hai ngày một lần: Ngày thứ nhất, thi thử, đánh giá cho điểm lẫn nhau; ngày thứ hai, phân tích bài thi thử trước đó. Để tăng thêm độ khó cho mấy lần thi thử cuối cùng, trừ phần nghe ra, còn lại chúng tôi đeo tai nghe đang mở nhạc trong quá trình làm các phần thi khác, điều này có tác dụng mô phỏng những âm thanh hỗn tạp trong phòng thi, làm tăng khả năng chống nhiễu của bản thân.

Thi xong tiếng Anh chuyên ngành cấp 4, tôi cảm thấy mình làm bài không được tốt cho lắm, một là vì cuộn băng phát trong phần thi nghe xảy ra vấn đề làm lãng phí hơn chục phút, nên tôi làm phần thi nghe không như dự kiến; hai là vì tôi gần như không có cảm giác gì với đề thi đọc, tôi toàn chọn đáp án dựa vào ngữ cảm, đến lúc so sánh đáp án đề thi cùng các bạn trong lớp xong, tôi còn chẳng nhớ ban nãy mình chọn đáp án nào, nên không dám chắc điều gì. Ngày thứ hai sau khi kết thúc kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4, tôi lại kéo Cá Béo Ướp Muối đi tự học.

Trong thời gian chờ đợi kết quả kỳ thi, chúng tôi luôn ở trạng thái lo lắng, bất an. Rất lâu sau, khi chúng tôi sắp quên hẳn chuyện thi cử tiếng Anh chuyên ngành cấp 4, thì nhà trường lại đưa ra bảng điểm. Tôi đạt hạng "ưu", điểm thi của tôi cao hơn nhiều so với dự kiến, cuối cùng tôi cũng có thể thở phào được rồi. Kỳ thi tiếng Anh chuyên ngành cấp 4 là kỳ thi tiếng Anh tổng hợp đầu tiên có quy mô tương đối lớn mà tôi từng tham gia trong thời gian học đại học, tôi đã thực hiện được mục tiêu ban đầu mình đã đề ra, trong lòng cảm thấy mãn nguyện. Nhưng mỗi khi có một chút ý nghĩ rằng bản thân mình rất giỏi, tôi lại nghĩ đến "chuyến đi đả kích ước mơ" trước đây, nghĩ đến cao thủ trên thế giới nhiều như mây, vì vậy tôi lập tức an phận. Tôi không dám dừng chân trên mỗi chặng đường phấn đấu, vì trong lòng tôi hiểu rõ, tương lại còn có rất nhiều mục tiêu đang chờ tôi công phá từng cái một, tương lai còn có rất nhiều con đường đang chờ tôi in từng dấu chân vững chãi lên trên đó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro