4.4. Trăm vị cuộc đời năm thứ tư đại học

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Khúc biến tấu chuyển tiếp Cao học

Ngày 17 tháng 9 năm 2006 là ngày đầu tiên bắt đầu năm học thứ tư, chúng tôi vinh dự trở thành những sinh viên đàn anh, đàn chị. Vào ngày đầu tiên khai giảng năm học mới này, toàn trường tổ chức đại hội động viên sinh viên tốt nghiệp dành cho sinh viên năm cuối, chủ đề chung là tìm việc làm, thi cao học và động viên tinh thần cho toàn thể sinh viên. Cũng trong đại hội động viên, thầy giáo nói chính sách chuyển tiếp cao học của cả nước có thay đổi, năm nay cả ba khoa ngoại ngữ trong trường chỉ được lấy tất cả chín bạn chuyển tiếp sinh cao học, trong đó khoa tiếng Anh được năm người, hai mươi bạn có thành tích học tập đứng đầu khoa đều có tư cách nộp đơn xin chuyển tiếp cao học. Mọi người lập tức bàn tán xôn xao thông tin này. Bố mẹ và các bạn học xung quanh tôi đều cho rằng đây là một cơ hội rất tốt, bọn họ khuyên tôi nên thử nộp đơn. Vì vậy, tôi quyết định nộp đơn xin chuyển tiếp cao học, đồng thời tiếp tục cố gắng duy trì kế hoạch ôn thi cao học của mình trong thời gian chờ đợi nhà trường xét duyệt. Ngờ đâu, cuộc sống ôn thi cao học bình lặng của tôi trước đó bắt đầu nổi sóng gió từ ngày hôm ấy.

Từ hôm nộp đơn xin chuyển tiếp cao học, ngày nào tôi cũng chạy đi chạy lại giữa văn phòng khoa, phòng làm việc của nhà trường và phòng giáo vụ tìm thầy cô giáo viết thư giới thiệu, tìm nơi in bảng thành tích, và tìm lãnh đạo xin chữ ký, trong nhiều ngày liên tục tôi không thể ăn cơm đúng giờ, buổi tối cũng không thể ngủ yên giấc. Trải qua mỗi khó khăn, trở ngại bất ngờ ập đến, tôi cảm nhận được từng cung bậc cảm xúc mong đợi, lo lắng, thất vọng, buông xuôi, phẫn nộ, tranh thủ từng giờ, và vui mừng khôn xiết. Tất cả những cảm xúc đó đều góp phần tạo nên năm vị đắng, cay, chua, ngọt, mặn của cuộc đời. Nửa tháng ngắn ngủi đó tưởng như dài chín năm. Đa phần các trường đều sắp xếp đợt thi vòng hai cho những sinh viên được chuyển tiếp cao học vào khoảng giữa tháng Mười, nhưng lúc đó đã là cuối tháng Chín rồi mà tôi vẫn suốt ngày bận bịu làm các loại giấy tờ, thủ tục, không thể chuyên tâm ôn thi vòng hai.

Một hôm tôi đi tìm bố khóc lóc tỉ tê, tôi nói cuộc sống của mình dạo này "điên loạn", có quá nhiều việc cần phải làm mà chẳng biết kết quả cuối cùng sẽ như thế nào, rất có thể tôi không những không được chuyển tiếp cao học mà còn lỡ dở việc ôn thi bình thường, có quá nhiều thứ khiến tôi không thể kiểm soát được, tôi nói tôi hối hận vì đã nộp đơn xin chuyển tiếp cao học. Sau khi nghe tôi kể lể, bố yên lặng ngẫm nghĩ rồi nói: "Hay là bố đưa con đi thảo nguyên chơi một lần nhé, được không?" Tôi ngạc nhiên, đưa cặp mắt đỏ hoe nhìn bố. Bố hỏi tôi có muốn đi không, tôi nói không biết. Vì vậy, bố nói dứt khoát như chém đinh chặt sắt: "Thôi được rồi, bố thấy con cũng không có chủ kiến gì, vậy thì nghe lời bố đi. Chúng ta đi, bây giờ xuất phát! Tới thảo nguyên ở một tối rồi sáng mai lại về. Hai bố con mình tự lái xe đi du lịch một chuyến cho con cảm thấy thoải mái, dễ chịu hơn. Con thực sự quá mệt mỏi rồi." Bố mau chóng gọi điện cho người của công ty xin nghỉ, rồi thu dọn hành lý. Tôi mụ mẫm cả người, hỏi lại: "Thật hả bố? Bây giờ mình đi luôn?"

Một tiếng sau, chúng tôi đã bắt đầu lái xe chạy trên con đường cao tốc dẫn tới thảo nguyên. Trên xe chỉ có ba người, gồm tôi, bố tôi và hướng dẫn viên du lịch tư nhân. Bố mỉm cười xoa đầu tôi, nói: "Có thể coi đây là tour du lịch VIP dành cho hai người là bố và con gái bố đấy." Tôi nhìn nụ cười của bố, nước mắt cứ thế trào ra. Và thế là tôi khóc suốt dọc đường đi, tôi muốn khóc cho hết những uất ức, tủi hờn trong lòng. Tôi nhìn bầu trời, ngỡ ngàng bởi màu xanh da trời trong vắt của nó, ở trong thành phố tôi chưa bao giờ nhìn thấy một màu xanh thuần khiết như thế. Bố mở rất nhiều bài hát về thảo nguyên cho tôi nghe, nghe những bài hát đó luôn làm cho tâm trạng con người trở nên thư thái, rộng mở. Khi xe chạy men theo sườn núi, bố vừa lái xe vừa nói với chúng tôi: "Con nhìn ngọn núi xa xa kia, một lát nữa chúng ta sẽ đi đến đó." Tôi ngẩng đầu nhìn, hít vào một hơi thật sâu, thầm nghĩ: Ngọn núi đó cao và xa thật đấy. cũng giống như cuộc đời mỗi người luôn có những ngọn núi cao nối đuôi nhau chạy dài, đợi ta vượt qua.

Xe chạy rất lâu, rồi cuối cùng cũng đến được thảo nguyên. Bố tìm cho tôi một đoàn ngựa, hướng dẫn tôi cưỡi ngựa. Chúng tôi cưỡi ngựa đến một cái Ngao Bao (*), hướng dẫn viên du lịch nói ở đây có một truyền thuyết: Cầm ba hòn sỏi đi vòng quanh Ngao Bao ba vòng, sau đó cầu nguyện một điều ước, ném sỏi vào Ngao Bao, tâm nguyện sẽ trở thành hiện thực.

(*) Ngao Bao là một từ được dịch từ tiếng Mông Cổ, có nghĩa là gò đá, thường được đắp trên đỉnh núi, gò đồi, có hình chóp. Ngao Bao được dùng làm tiêu chí trên đường đi hoặc phân định ranh giới giữa các vùng trên thảo nguyên, về sau nó dần dần trở thành vật tượng trưng để tế sơn thần, thần lộ, cầu bình an, hạnh phúc, cầu được mùa.

Tôi lượm sỏi và cũng bắt đầu đi vòng quanh Ngao Bao, vừa đi vừa khóc, nói hết những điều trong lòng mình muốn nói cho Ngao Bao nghe. Sau đó, tôi ném sỏi vào Ngao Bao, cúi người cầu nguyện: "Xin thần linh cho con có tâm trí kiên cường để con có thể vượt mọi chông gai, bước đi trên con đường mình đã chọn."

Trở về trại, đoàn chúng tôi ngồi quây quần bên đống lửa ăn món thịt dê đặc sản và nhảy múa, ca hát. Tôi chơi "thả ga" suốt một buổi tối. Tôi nghĩ từ khi vào đại học, dường như tôi đã biến thành một người hoàn toàn khác, không còn phóng túng, không còn mải chơi như trước đây nữa, đây là lần xả hơi đầu tiên của tôi trong ba năm trờ lại đây. Hơn mười hai giờ đêm, lửa trại sắp tàn, mọi người đều mệt, ba người chúng tôi về lều của người Mông Cổ nghỉ ngơi. Ban đêm ở thảo nguyên quả thật rất lạnh, tôi nằm xuống thảm, đắp bao nhiêu lớp chăn, mà vẫn trằn trọc, không sao ngủ được.

Đột nhiên bố vỗ vỗ người tôi từ phía sau, khẽ nói: "Dậy đi con, bố con mình lái xe trên thảo nguyên!" Tôi cúi đầu nhìn đồng hồ, cũng gần một giờ sáng rồi. Tôi nói: "Hả? Bây giờ sắp một giờ sáng rồi mà bố!" Bố cười bí hiểm, nói chắc nịch: "Dậy đi, bố đưa con đi tìm một cảnh giới..." Tôi ngây ngô không hiểu: "Cảnh giới gì ạ?" Bố đáp: "Ở sâu trong thảo nguyên có cảnh giới gọi là..." Tôi chưa kịp hỏi thêm, thì đã bị bố kéo ra khỏi lều.

Một giờ sáng, không khí rất lạnh. Bố lái xe chở tôi từ khu lều của người Mông Cổ trên thảo nguyên chạy thẳng ra đường quốc lộ trong đêm tối. Tôi vẫn ở trong trạng thái ngơ ngác, vì không biết bố muốn làm gì, nhưng khuôn mặt bố toát lên vẻ hào hứng, đắc ý. Ban đêm có rất ít xe cộ qua lại trên đường quốc lộ, thi thoảng chúng tôi mới gặp một, hai chiếc xe chạy tới, bố đều chuyển đèn xe từ chiếu xa thành đèn chiếu gần. Sau khi bố chuyển đèn xe, đối phương cũng sẽ làm như vậy. Cho dù người lái xe bên kia không làm vậy, bố vẫn lịch sự chuyển đèn xe. Bố nói: "Con xem, đó là sự ngầm hiểu và tôn trọng lẫn nhau giữa người với người khi đi đường trong đêm tối. Cho dù họ không làm vậy, thì con cũng nên làm vậy, vì đó là việc làm đúng. Bất luận người khác đối xử với con như thế nào, con cũng phải làm những việc đúng đắn."

Xe chạy trên đường quốc lộ ước chừng hơn chục phút rồi rẽ vào sâu trong thảo nguyên. Bố đột nhiên dừng xe lại, nói: "Con thử lái xe nhé." Tôi thích lái xe của bố nhất, nghe lời đề nghị đó, tôi hăng hái nhảy vào ghế lái xe. Nhưng, sau khi xe khởi động tôi bắt đầu cảm thấy sợ hãi, vì thảo nguyên đang được bao bọc bởi màn đêm đen kịt, không có phương hướng, không có đường đi. Đi xe ở đây giống như là đi xe trong một đường hầm tối om om. Tôi cố banh mắt nhìn ra đằng xa, nhưng vẫn không nhìn rõ đường. Tôi căng thẳng, kêu tướng lên: "Bố, con phải lái qua chỗ nào đây? Trời tối quá, con không nhìn thấy đường!" Bố ngồi ở ghế phụ xe, nhẹ nhàng dùng tay trái vô-lăng, nói: "Con không cần nhìn ra xa thế đâu, con cúi đầu nhìn ngay chỗ đèn xe chiếu xuống, chỉ cần nhìn vào chỗ cách xe năm mét về phía trước, tự nhiên con sẽ tìm thấy đường đi." Tôi bèn thu tầm mắt lại, nhìn xuống mặt đất gần nơi đèn xe rọi xuống, quả nhiên tìm được đường đi.

Chạy xe một hồi lâu, chúng tôi đỗ lại trên thảo nguyên, tắt ga, chỉ mở nhạc trong xe, bố bật bài Vẻ đẹp ban đêm của thảo nguyên cho tôi nghe. Hai giờ sáng, tôi nằm trên mui xe, xung quanh là một màu đen, u tịch, chỉ có tiếng nhạc, tiếng hít thở và tiếng gió thổi nhè nhẹ, đây là lần đầu tiên trong đời, tôi cảm nhận được không gian yên tĩnh, tịch mịch và tối đen như mực, chìa bàn tay ra không nhìn thấy năm ngón. Tôi ngẩng đầu nhìn màn đêm, ở đây sao đầy trời. Cũng lâu lắm rồi tôi chưa ngẩng đầu ngắm sao, sự rối ren, phức tạp của chốn đô thị thậm chí còn khiến con người quên đi mất vẻ đẹp của bầu trời ban đêm. Những ngôi sao trên thảo nguyên đều rất sáng, tôi có cảm giác chúng ở rất gần mình, gần đến mức tưởng chừng như tôi có thể đưa tay với tới được. Tôi và bố bắt đầu tìm các chòm sao, chúng tôi tìm được chòm sao Bắc Đẩu và chòm sao Orion lâu ngày chưa nhìn thấy... trong phút chốc ngắm nhìn trời sao, lòng tôi mở rộng ra, Bây giờ tôi viết những cảm nhận đó vào đây, có lẽ bạn không thể tưởng tượng được, nhưng hễ nhắm mắt lại, tôi lại có thể mường tượng lại rõ ràng những cảm xúc đó.

Sáng hôm sau, chúng tôi lái xe quay trở lại thành phố. Không khí trong thành phố vẫn ngột ngạt, giao thông vẫn tắc nghẽn, nhưng tâm trạng của tôi không giống như vậy. Chuyến đi tới thảo nguyên quả là đã xoay chuyển cục diện, mang tới vận may cho tôi, vào lúc tháng Chín trắc trở sắp sửa qua đi, tôi được chuyển tiếp cao học, tiếp theo đó tôi lập tức triển khai công tác chọn trường. Vì vốn dĩ mục tiêu thi cao học của tôi là Học viện Phiên dịch Cao cấp thuộc trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, cho nên ngôi trường đầu tiên tôi chọn là Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, ngoài ra tôi còn chọn Học viện Ngoại ngữ số hai Bắc Kinh – một ngôi trường cũng rất mạnh về chuyên ngành tiếng Anh. Sau khi chọn được trường, tôi bắt đầu chuẩn bị tài liệu cho một vòng chiến đấu mới, download mẫu đơn xin nhập học, điền thông tin, in ấn, chỉnh sửa và in lại lần nữa. Sau đó tôi đựng tất cả thư xin học, bảng điểm, thư giới thiệu, bản sao các loại giấy tờ, chứng thực... và cả niềm hy vọng chan chứa trong lòng vào một phong thư khổ lớn, cùng bỏ vào trong hộp thư màu xanh, gửi đến phương xa.

Gửi hồ sơ xong, tôi lại bắt đầu nôn nóng chờ đợi. Cuối tháng Chín, tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì liên quan đến việc thi vòng hai. Lúc đó, tôi chẳng còn lòng dạ nào mà học, toàn bộ việc ôn tập đã bị dừng lại, hàng ngày tôi đều sống trong tâm trạng lo lắng, phiền muộn, Đến khi Học viện Phiên dịch Cao cấp, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh thông báo về đợt thi vòng hai thì đã là đầu tháng Mười rồi, thời gian thi được ấn định vào ngày 11 tháng Mười. Tôi giở cuốn lịch ra xem, chỉ còn mười ngày ôn tập, cảm giác trời sắp sập đến nơi. Nhưng, tôi cũng chẳng hơi đâu mà bận tâm suy nghĩ nhiều chuyện như thế, tôi chuyển toàn bộ tài liệu ôn tập về nhà, chuẩn bị lợi dụng kỳ nghỉ Quốc khánh kéo dài bảy ngày để ở nhà ôn tập. Đầu tiên, tôi lên mạng nghiên cứu nội dung thi vòng hai của Học viện Phiên dịch Cao cấp, và nhận thấy đề thi có ba phần: Dịch nghe, dịch nhìn và phỏng vấn (năm đó chúng tôi thi vòng hai như vậy, không biết bây giờ còn thi như vậy nữa không). Trước đó, tôi chưa ôn tập một phần nào. Bắt đầu từ ngày thứ nhất trong kỳ nghỉ Quốc khánh, cứ sáu giờ sáng hàng ngày tôi thức dậy, nghe bản tin VOA luyện phần dịch nghe, buổi chiều và buổi tối luyện phần dịch nhìn, mãi đến hai giờ sáng mới đi ngủ. Luyện tập ròng rã bảy ngày trời, cổ họng, mắt, đầu và cả người tôi đều đau như muốn nổ tung ra. Tối ngày thứ tám, tôi ngồi tàu hỏa đi Bắc Kinh, trong tay vẫn ôm khư khư cuốn The Economist (Nhà kinh tế học) luyện dịch nhìn.

Khi cuốn lịch được lật sang ngày 11 cũng là lúc tôi phải đối mặt với kỳ thi cao học vòng hai vào Học viện Phiên dịch Cao cấp, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Tôi coi kỳ thi này là thời khắc quyết định vận mệnh của mình, vì Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh là nơi tôi hướng đến từ rất lâu rồi, tôi rất rất coi trọng nó, cảm giác lần thi này chứa đựng tất thảy ước mơ của tôi trong tương lai. Nhưng sự thật tàn khốc là tôi chỉ có mười ngày chuẩn bị, bất luận là về khách quan hay về tâm lý chủ quan, tôi đều cảm thấy mình chưa chuẩn bị chu đáo, Quả nhiên không nằm ngoài dự liệu, tôi thiếu mấy điểm nữa mới với tới được ngôi trường lý tưởng của mình.

Nhưng bây giờ nghĩ lại, tôi cho rằng lần thất bại đó cũng không hẳn là một trải nghiệm tồi tệ, Mẹ nói, bất cứ những gì con trải qua đều có ý nghĩa của nó, con phải biết học hỏi kinh nghiệm từ trong những trải nghiệm thành công, đồng thời rút ra bài học từ trong những trải nghiệm thất bại. Có lẽ tôi cũng xác định trước rằng mình không có duyên với trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh. Chả là, nếu như lúc đầu tôi thi đỗ Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, thì sẽ không có tất cả những chuyện sau này. Như đoạn trên tôi có nói, thay đổi một quân cờ cũng có nghĩa là thay đổi cả bàn cờ. Nên dù có nuối tiếc, nhưng tôi không hối hận.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro