(6) Ghi chú nhỏ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


Về các loại sách phục vụ công việc dịch thuật
Dịch thuật khó như vậy chắc chắn phải có kỹ xảo giống như luyện võ – tức là sẽ có những bộ sách quý để mọi người học theo. Trên thị trường hiện có vô số sách vở bàn về kỹ năng dịch, lý luận dịch, ở mỗi một lĩnh vực dịch thuật khác nhau lại có một hệ thống quy tắc nhỏ cần phải tuân theo. Vì lúc đó, tôi muốn thi cao học vào Học viện Phiên dịch Cao cấp của Trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, nên tôi chỉ đọc một cuốn sách mang tính kỹ năng, đó là cuốn Giáo trình giản lược phiên dịch Anh Hán do thầy Trang Dịch Truyền ở Học viện Phiên dịch Cao cấp biên soạn. Tôi cho rằng, chỉ cần chọn mấy cuốn sách tương tự như vậy là đủ, đọc hiểu, đọc thấu, sau đó phải vận dụng những kỹ năng trong sách vào quá trình luyện tập thực tế của mình. Nếu bản thân bạn không luyện dịch mà chỉ học kỹ năng suông thì chẳng khác nào bạn chỉ đọc cuốn sổ tay tuyệt kỹ dạy đi xe đạp nhưng không thử đi. Dù kỹ xảo thâm thúy đến đâu, đạo lý đúng đắn đến đâu, cũng đều phải phát huy ánh sáng của nó qua thực tiễn luyện tập.
Về "kiên trì một cách lý trí" với "cố chấp một cách mù quáng"
Ở đoạn trên, tôi có nói đến "sự kiên trì của chàng ngốc". "Chàng ngốc" là chỉ người không bận tâm suy nghĩ nhiều đến những điều không cần thiết, mà chỉ đơn thuần làm việc mình cần làm. Khi gặp khó khăn, chúng ta dễ dao động hoặc thay đổi mục tiêu, có thể là vì ta sợ phiền phức, sợ thất bại, không muốn bỏ công sức, thì giờ hoặc lười biếng. Nhưng thực ra, dù bạn chọn con đường nào đi nữa, thì bất cứ lúc nào bạn cũng có thể gặp khó khăn, trở ngại trên con đường đó, giống như câu "whole-package-deal" (*) mọi người vẫn thường nói vậy. Bất luận sự việc có khó đến đâu, thì chỉ cần kiên trì là được, sẽ luôn luôn có một ngày bạn có thể giải quyết được sự việc. Bạn cũng có thể thay đổi mục tiêu, nhưng tôi hy vọng mỗi bước đi của bạn đều tiến về phía trước, chứ không phải là chạy trốn.
(*) Bán cả gói. Ở đây ý nói đến tính hai mặt của sự việc. Việc gì cũng bao gồm mặt tốt và mặt xấu, thuận lợi và khó khăn.
Cái gọi là kiên trì là chỉ sự kiên trì lý trí, cụ thể là bạn cần phân tích, đánh giá một cách khách quan về điều kiện, hoàn cảnh của mình, từ đó xác định cho mình và cho cuộc đời của mình một mục tiêu đúng đắn, hợp lý. Nếu bạn cảm thấy mình đã xác định được một mục tiêu hợp lý rồi, thì bạn hãy đương đầu với những khó khăn, trở ngại, tiếp tục tiến về phía trước. Kiên trì ở đây không phải là sự cố chấp mù quáng, ví dụ như biết rõ là mình đã đi vào ngõ cụt nhưng vẫn không chịu quay đầu lại – cũng như điểm khác biệt giữa biết chất vấn và tự làm khó mình, quan trọng hóa vấn đề, bệnh đa nghi.
Về đường vòng cứu nước
Tôi quyết định, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sẽ ở lại trong nước học cao học rồi mới đi du học, tôi nghĩ đây là một phương án hay tương tự như "đường vòng cứu nước". Bởi, lúc đó tôi không biết tí gì về việc xin đi du học, tôi cứ tưởng rằng chỉ có sinh viên của các trường đại học nổi tiếng mới có thể gửi hồ sơ vào một trường đại học tốt ở nước ngoài, tưởng rằng mình có thể bù cho điểm trừ về xuất phát điểm là một trường đại học bình thường bằng cách học cao học tại một trường đại học giỏi ở trong nước. Nhưng trên thực tế, thứ hạng hay danh tiếng của các trường đại học, tuy cũng có ảnh hưởng nhất định đến việc xin đi du học, nhưng nó không phải là nhân tố quyết định, không phải chỉ có sinh viên những trường đại học đứng đầu bảng xếp hạng các trường đại học trong cả nước mới có thể được nhận vào các trường đại học của nước ngoài, càng không phải là sinh viên của những trường đại học bình thường thì không được nhận vào một trường đại học tốt.
Thật sự, nhân tố đóng vai trò quyết định đến việc xét duyệt hồ sơ du học là trình độ tổng hợp xuất sắc của bạn. Trình độ xuất sắc của bạn được thể hiện qua các tài liệu mà bạn nộp cho trường bên kia, các tài liệu đó bao gồm – nhưng cũng không giới hạn – bản trần thuật cá nhân/ viết bài văn mẫu (thể hiện lý lịch cá nhân, lý do xin được nhập học và trình độ viết tiếng Anh của bạn), sơ yếu lý lịch (thể hiện kinh nghiệm làm viêc/thực tập của bạn), điểm thi chứng chỉ ngoại ngữ du học (tức là GRE/GMAT, TOEFL/IELTS,... thể hiện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh), thư giới thiệu (thể hiện tố chất nhân phẩm và kỹ năng chuyên nghiệp của bạn)... Đôi khi những tài liệu này còn có tác dụng bổ sung bù đắp cho nhau, ví dụ, mặc dù bạn đến từ một ngôi trường xếp hạng bình thường ở trong nước, nhưng nếu bạn có kinh nghiệm làm việc xuất sắc hoặc là được một người có uy tín viết thư giới thiệu, thì điều đó có thể nâng cao khả năng trúng tuyển của bạn.
Vì thế, ngoài con đường lớn dẫn thẳng đến thành Roma ra, không phải chỉ có một con "đường vòng cứu nước". Nếu như trường học hoặc thành tích học tập của bạn không quá nổi trội, thì bạn cũng có thể bù đắp bằng nhiều cách khác nhau như tối ưu hóa sơ yếu lí lịch, tìm người tài giỏi viết thư giới thiệu. Có thể lấy lí lịch cá nhân của tôi làm mẫu chẳng hạn, mặc dù nó cũng không phải là con đường duy nhất.


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro